Xác định tinh thần và lập trường tu hành ( Phần 2): Phước thiện đối với người tu thiền

12/10/2018 | Lượt xem: 2623

Chơn Hiền Tâm

Tu Phật có cần đến việc phước thiện không?

Tại một đạo tràng bạn, khi đề cập đến vấn đề phước huệ song tu, người ngồi cạnh tôi đã lên tiếng với giọng cười chế diễu ... Ông cho rằng vấn đề phước báu chỉ là ngụ ý riêng của những vị giảng sư để hô to khẩu hiệu cúng dường, thực chất chỉ cần tu huệ là đủ tất cả. Quan niệm này tương tự như quan niệm tôi đã gặp trước đây ở một người bạn “Học Bát Nhã Ba La Mật là đủ cả 5 độ kia nên chỉ cần học Bát Nhã Ba La Mật là đủ”. Vì thế, một vị đến chùa chỉ để mở mang trí tuệ bằng kinh luận, còn vị kia bỏ ra 2 giờ một ngày để tụng bộ Bát Nhã và chờ … thành Phật.

 

Tu cả phước huệ hay chỉ tu huệ và học Bát Nhã thôi đều được. Song pháp thế gian là pháp duyên khởi, được hay không, đúng hay sai còn ... tùy duyên!

TRÍ TUỆ, còn gọi là Bát Nhã hay Thực Tướng Bát Nhã, là cái trí thấy các pháp đúng như chính nó. Học Bát Nhã Ba La Mật là học cái thấy như thật ấy. Ta nhìn các pháp không đúng như chính nó vì TẬP NGHIỆP của mình làm biến dạng tất cả. Như con người thấy là nước, nhưng chỗ nào có nước thì ngạ quỉ lại thấy là lửa. Thân tâm này đều huyễn nhưng mình lại thấy thật. Trên cùng một sự kiện hay sự vật mà người thấy thế này, người thấy thế kia ... Sự lệch lạc ấy phát sinh là do tập nghiệp của mỗi loài, mỗi người trong lục đạo. Muốn thấy các pháp đúng như chính nó, tập nghiệp phải được tiêu trừ. Muốn tiêu trừ tập nghiệp, ta phải nương vào giới luật, thiền định v.v... Không phải chỉ đọc tụng mấy câu Bát Nhã hay vớ được một mớ hiểu biết từ kinh luận là đã học Bát Nhã Ba La Mật. Nghe pháp là để biết cách học Bát Nhã Ba La Mật, chưa phải là học chính Bát Nhã Ba La Mật. Đọc học nghe pháp nhiều bao nhiêu mà tập nghiệp không trừ thì Bát Nhã Ba La Mật chẳng thể hiển lộ. Ngài Thiện Tinh thông suốt 12 bộ kinh, đạt được tứ thiền nhưng không thành A la hán mà lại đọa địa ngục. Vì nhân có gieo mà duyên thì chưa đủ, lại chấp vào cái chưa đủ ấy sinh tâm phỉ báng, nên gặt cái quả trở ngược.

Vì lý do đó, Hòa thượng dạy mình BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Biết vọng không theo là phá ngay vào cái tập gốc của mình. Nói là gốc bởi đánh bật được nó thì các tập khác theo đó lụi tàn. Như đốn cây, đốn được gốc rồi thì cành lá từ từ sẽ khô. Trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, có người hỏi “Người cư sĩ vợ con dâm dục không dứt, làm sao thành Phật?” Tổ Đạt Ma trả lời “Chỉ nói thấy tánh, chẳng nói dâm dục”. Thấy tánh là chỉ cho cái đốn ngộ đồng chư Phật ấy. Muốn nhận được tánh, phải phá trừ tập khí, khoét thủng được màng vô minh. “Thấy tánh rồi thì dâm dục xưa nay nó là không tịch, không nhờ đoạn trừ, không còn ưa thích”. Một khi nhận được cái chân, cái không chân sẽ hiện từ từ. Không có gì để vướng bận thì không có gì phải trừ khử.

Trên thực tế, do nghiệp tập cũng như hoàn cảnh của người tại gia còn nặng nề đa đoan nên rất ít người có thể miên mật hoàn toàn đối với vấn đề BIẾT VỌNG mà Hòa thượng đã dạy. Điều này nói lên căn cơ của mình chưa phải là thứ chỉ làm một việc đốn tận gốc là xong. Năng lực dứt vọng trong hiện đời không đủ thì chưa thể quyết định được đường đi nước bước của mình khi xuôi tay nhắm mắt. Luân hồi trường kiếp, duyên nghiệp càng trải dài … Công phu chưa vững mà thiếu phước quá thì đường tu khó suôn sẻ. Phước nhiều thì công hạnh Bồ tát cũng có điều kiện phát triển hơn. Vì thế không thể không tính đến chuyện phước thiện ở thế gian. Nó là thứ cần thiết cho việc tu hành.

Ngoài ra TỪ BI là thứ tất yếu phải có khi chúng ta có trí tuệ. Học nhiều mà đối với tha nhân, mình thủ chặt quá thì việc học hỏi ấy đã có chiều hướng lệch lạc. Cái biểu hiện lòng từ ấy là thứ đánh giá xem ‘phần LÝ mình đã học hỏi được ứng vào SỰ đến đâu’ để đạt lần đến LÝ SỰ VIÊN DUNG. Bởi vậy, việc tu hành của chúng ta không thể bỏ đi phần phước thiện này. Chúng chính là phương tiện giúp ta tiêu trừ lần thói quen chấp ngã của mình. Quen ăn mặn thì tập ăn chay để phá. Quen ồn náo thì lấy tĩnh lặng để phá. Quen vì mình thì lấy vì người mà phá. Tu phước là để phá thói quen vì mình này. Trong 5 độ nó thuộc vòng ngoài của Bố Thí Ba La Mật. Nói “ngoài” bởi Bố Thí Ba La Mật không chỉ có hai từ phước thiện.

Tóm lại, không cần đến phương tiện mà học thẳng được Bát Nhã Ba La Mật thì chỉ cần học Bát Nhã là đủ cả 5 độ kia. Tu mà đạt thẳng cái huệ ấy thì chỉ cần tu huệ là đủ. Nhưng với cái duyên của mình, là những chúng sanh lênh đênh giữa cõi Ta Bà, không nhờ phương tiện thì khó mà được Bát Nhã Ba La Mật. Nên muốn học Bát Nhã Ba La Mật phải học đủ cả 5 độ kia. Cũng đều là đủ, nhưng cái đủ trước không giống cái đủ sau vì duyên trước không giống duyên sau. Ở đời vui đạo hãy tùy duyên! Học hỏi tu hành cũng NHỚ TÙY DUYÊN.

Song việc thiện của người tu Phật khác với người cầu phước. Người cầu phước lấy phước báu làm cứu cánh. Với người tu Phật, nó chỉ là phương tiện giúp ta phá dần đi ngã tướng của mình, trang trải phần nào những duyên nghiệp trước đây và tạo thêm điều kiện tu hành cho tương lai. Nó là thứ giúp tâm mình mở rộng để dễ gần đạo hơn, nhưng không phải là việc chính của mình. Việc chính của mình là làm sao càng ngày tâm mình càng lắng. Việc gì khiến tâm mình bớt sanh khởi, đó là việc thiện của mình. Nên ngay khi làm thiện, phải lấy sự bình thản và qui hướng vô tâm làm nền tảng. Làm thiện mà khiến tâm sanh khởi dính mắc nhiều quá thì việc ấy không còn là việc thiện của người tu Phật.

Vô tâm rồi, việc thiện trở thành nhu cầu tự nhiên của người tu Phật. Thiền sư Bạch Ẩn làm mấy câu thơ “Dù có khoe khoang tôi đã tỉnh ngộ, nếu vô tình với chúng sanh, thì rơi vào thế giới của ma quỉ, lời thánh Kasuga nói như vậy”. Việc thiện không bao giờ là thứ dư thừa đối với người tu, nên ta không thể xem thường và bác bỏ nó. Tu Bồ tát hạnh cũng phải tu Thập Thiện như tu Nhân - Thiên vậy.

Người tu Phật làm phước thiện như thế nào?

Trong Vạn Pháp Qui Tâm Lục, có người hỏi thiền sư Tổ Nguyên “Khi chân tâm chưa hiện tiền, nên dụng công dứt vọng đồng thời vẫn làm các điều lành, hầu giúp cho đạo dễ thành tựu. Vậy lý kia có nên không?”. Sư trả lời “Dứt vọng tâm là chánh tu, làm các điều lành là trợ tu. Nếu hữu tâm làm thiện lại dính mắc vào thiện thì nhất định rơi vào phước báu trời người. Nếu vô tâm tương ưng với các điều thiện thì có thể bảo đó là sự trợ giúp cho việc tu hành” .

DỨT VỌNG TÂM là đưa tâm trở về trạng thái vô niệm của nó. Niệm niệm tương tục chính là căn nguyên của luân hồi sanh tử. Muốn liễu thoát sanh tử ta phải dứt cho được dòng vòng niệm sanh rồi diệt, diệt rồi sanh này. Vọng niệm là chỉ chung cho những suy nghĩ cũng như những trạng thái vui, buồn v.v… của tâm. Gọi là VỌNG vì chúng không có chất thật, đủ duyên thì hiện hình, hết duyên thì biến mất, không phải là thứ vĩnh cữu trường tồn. Sanh diệt sanh diệt liên tu bất tận như thế mà có luân hồi sanh tử liên tục. Dứt được dòng vọng niệm rồi mới nói đến chuyện làm Phật. BIẾT VỌNG KHÔNG THEO là phương thức giúp mình dứt vọng tâm. CHÁNH TU, vì nó là việc làm hằng ngày của mình. Mở mắt ra là đã phải dụng công, dụng công bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, đến khi hết dụng công được. Khi công phu đã thuần thục thì ngủ cũng dụng công vì nó trở thành việc tự nhiên của mình. Có vọng lập tức có biết. CHÁNH vì nó là cái nuôi sống huệ mạng của người tu, là nền tảng cho tất cả những việc làm khác. Không có nó thì các việc làm khác trở thành vô nghĩa đối với vấn đề thành Phật. Nhớ là vô nghĩa trong cái duyên thành Phật thôi, không phải vô nghĩa trong những duyên khác.    

LÀM CÁC ĐIỀU LÀNH là làm các việc phước thiện như bố thí, cúng dường, tu tạo chùa chiền, giúp người hoạn nạn v.v… Nói chung, những việc làm nào có tính cách cho ra, vì người đều gọi là lành. Tuy nói vì người, nhưng tùy mức độ tâm linh mà cái VÌ NGƯỜI này có khác nhau : Vì người hoàn toàn, vì người mà còn vì mình, tưởng như vì người mà thật là vì mình. Nhưng nhìn trên hình thức thì đều cùng một hình thức vì người. Điều lành cũng có thể hiểu là Thập Thiện. Hiểu vậy thì điều lành là chỉ cho SỰ, ngộ bản tâm gọi là LÝ. Song phần chánh tu là dứt vọng đã bao gồm một số điều trong Thập Thiện, nên điều lành đây chỉ triển khai trên khía cạnh VÌ NGƯỜI.

TRỢ TU, vì nó không phải là việc chánh của mình. Nếu mình lấy những thứ này làm chánh thì tu vạn đời cũng không ra khỏi ngôi nhà tam giới. Tâm sanh diệt không dừng thì không thể liễu thoát sanh tử. Trí phân biệt không tan thì trí vô sư không hiển. TRÍ không hiển, BI cũng chẳng thành. BI TRÍ đã không thì đường thành Phật xa vời. TRỢ TU, bởi nó có tác dụng hổ trợ cho việc tu hành. Muốn phá một thói quen không thể chỉ đọc học trên sách vở mà có thể phá được, cần có một thói quen mới đi ngược với thói quen cũ đó. Ngã tướng có khuynh hướng vì mình và những thứ của mình thì ta phải mượn thói quen VÌ NGƯỜI mà phá. PHỤ nên tất cả phước báu có được đều hồi hướng cho con đường giác ngộ của mình. PHỤ nhưng không thể thiếu đối với người tu Phật.    

HỮU TÂM là đối lại với vô tâm mà nói, nó chỉ cho vọng tâm sanh diệt của mình. Làm thiện bằng tâm sanh diệt thì những việc thiện ấy thường mang tính qui ngã. Song mấy ai trong chúng ta làm thiện mà đã hết tâm sanh diệt? Gần như không ai thoát khỏi tâm sanh diệt mà làm thiện. Đây là điều cần lưu ý. Lưu ý để khi đụng chuyện, mình khỏi bỡ ngỡ mà xảy ra những việc đáng tiếc. Làm thiện bằng tâm sanh diệt thì ít nhiều gì mình cũng vướng vào những thứ như danh, lợi hay mong cầu quả báo. Đó gọi là LÀM THIỆN MÀ DÍNH MẮC VÀO THIỆN. Sự dính mắc sẽ HIỂN RÕ một khi sự việc xảy ra không theo chiều thuận. Hình thức của dính mắc thì vô vàn : Bực bội, khó chịu, buồn phiền, vui mừng, thích thú … Nói chung, những gì khiến tâm mình sanh khởi đều là hình thức của sự dính mắc. Dính mắc mà không ý thức là đã dính mắc thì việc thiện của mình sẽ đưa đến những hậu quả nghiêm trọng, làm liên lụy đến các việc khác và càng trở ngại cho việc tu hành.

Bà chị tôi đến chùa nào, đồ cúng dường cũng phải đi trước. Thói quen này chắc hình thành cũng vài chục đời rồi nên kiếp này tôi thấy nó cực kỳ mãnh liệt. Không có đồ cúng dường thì dù Phật xuất hiện, dù rất muốn gặp Phật, chị cũng không đi. Cúng kiểu đó quả tình là hạn chế. Với tôi, cái tốt ấy không còn là tốt nữa, nó trở thành cái tướng ngã lù đù đâu đó sau mớ cúng dường kia. Đồ cúng dường hình như là tấm bình phong đỡ đạn cho chị. Không có nó chị cảm thấy yếu đuối và bất lực ở trần gian. Y như Diễn Nhã Đạt Đa không có gương là không thấy mình có đầu. Có lần, tôi nói ra cái ý tưởng quỉ quái ấy với bà chị thân yêu. Bà chống chế vài lời cho qua chuyện rồi đâu cũng vào đó. Khi không có đồ cúng dường, lôi mấy bà cũng không đi. Thứ gì huân thành tánh rồi, chưa lỗ đầu sứt trán vì nó, dễ gì mà bỏ được.  

Làm thiện với tính cách như vậy thì việc thiện ấy không còn là việc trợ tu cho vấn đề tu Phật, bởi tiếng là vì người mà thật là vì mình. Phước báu không phải không có, nhưng rất hạn hẹp và chỉ khiến ta bọc chặt thêm ngã tướng của mình mà thôi. Cúng vậy thì những cái gọi là an lạc hạnh phúc hiện đời đã thấy hạn chế, huống là thành A la hán, Tổ hay Phật. A la hán, Tổ hay Phật gì đều từ vô ngã mà ra. Muốn vô ngã mà không nỡ phá ngã, lại tạo điều kiện cho nó mạnh thêm, biết đến đời nào mới được vô ngã?

Hạnh phúc thế gian, suy cho kỹ không nằm ở chỗ giàu sang hay nghèo hèn mà là mình có dính mắc vào những thứ đó không. Dù đầu trần, chân đất, một mảnh che thân ... mà ra vào chốn giàu sang như đi trong chốn đồng hoang không chút mặc cảm, thì có gì để khổ não? Còn có đầu mà không sử dụng được cái đầu ấy, cứ mò mẫm như kẻ không đầu, thì sao khỏi lạc lõng giữa chốn có đầu? Cúng dường như vậy cũng khó mà cúng được cho các vị minh sư. Được cái duyên cúng cho chư vị, cũng chẳng thể cúng lâu dài. Vì chư vị không huỡn để giúp mình nuôi lớn cái danh ấy. Một ngày đẹp trời nào đó các vị sẽ dập cho cái ngã ấy tua ra. Nếu không ý thức được việc này, mình sẽ chạy lung tung theo cái ngã của mình. Không phải chỉ kiếp này lầm lũi trong tăm tối mà kiếp sau lại tiếp tục mượn đầu mà đi. Đó là cái đáng tiếc trong cuộc đời cúng dường của mình.

Cúng dường với tâm mong cầu thì chỗ nào đáp ứng được cái mong cầu ấy mới là chỗ mình dừng trụ. Cúng dường mà nuôi lớn bản ngã thì chỗ nào chìu chuộng được cái tôi của mình, mình cúng dường. Cúng vậy không phải là cúng dường Tam Bảo. Cúng dường Tam Bảo là để Tam Bảo trường tồn ở thế gian hầu đem lại lợi ích cho muôn người, muôn loài. Muốn Tam Bảo trường tồn thì không phải chỉ có chùa chiền, tượng Phật hay áo cà sa mà đủ. Không phải là những vị có đạo hạnh thì chùa chiền Tăng Ni nhiều bao nhiêu, Phật pháp cũng có ngày trơ thây cùng tuế nguyệt. Tăng Ni không giới luật, cúng sao giải hạn, chay mặn lẫn lộn, thuốc lá, rượu bia phổ biến tại một số chùa hiện nay, lỗi Phật tử mình rất nhiều. Mình không tiếp tay nuôi dưỡng, làm sao các hiện tượng ấy có cơ phát triển? Nuôi dưỡng cho những việc làm biến dạng Phật pháp như thế là tiếp tay phá hoại Phật pháp. Đây là thiện mà hóa ra bất thiện. Đã bất thiện thì quả báo dữ không phải nhỏ. Chẳng qua vì mình làm với tâm dính mắc, vì mình thiếu cái nhìn đúng đắn đối với Phật pháp.

Người tu phước Nhân Thiên chỉ cần bố thí, không cần cúng dường vẫn được quả báo giàu sang. Mình tu Phật, chỗ đến của mình không phải giàu sang mà là trí tuệ. Nên việc cúng dường là quan trọng. Khi trí tuệ chưa đủ để trồi đầu lên là gặp Tổ thấy Phật thì cúng dường là cách để mình gieo duyên với Tam Bảo. Không có duyên dù là Phật cũng không độ được mình. Có duyên thì tùy cái duyên của mỗi đời, hóa thân của các vị sẽ làm cha mẹ, anh em, thầy trò, vua tôi … để gieo trồng cái nhân Phật pháp cho mình. Duyên nhỏ là giúp đỡ gánh vác một số nạn tai cho mình. Duyên lớn là chỉ dạy cho mình con đường sống đúng với qui luật của thế gian, phù hợp với dòng chảy của đạo để mình có được cuộc sống an lạc hạnh phúc cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là lý do Hòa thượng nói “Nhận cúng dường của quí vị là mắc nợ quí vị”. Mắc nợ là để gieo cái duyên giúp mình trong hiện đời và mai sau. ĐẠO LỰC TU HÀNH chính là năng lực để các vị “trả món nợ” mình đã gieo ấy. Cúng dường mà không cúng được cho các vị có đạo lực tu hành, chỉ vì một chút lợi danh vừa lòng ở đời mà gieo cái nhân không đúng chỗ … khác gì cho một anh xì ke vay nợ. Thân anh, anh lo chưa xong, lấy gì trả nợ cho mình? Nợ đã khó đòi mà đòi được chắc cũng chẳng hơn gì ông nhà giàu một ngày ăn được một tai nấm kia. Trả nợ bằng cách hóa thân thành một tai nấm như thế thì lấy đâu ra những lời Phật pháp chân thật để ta thọ giáo mà trang trải nghiệp tập - là thứ quyết định vận mệnh của mình?

Nhưng dù gì, ăn những tai nấm như thế còn đỡ hơn câu chuyện tôi kể sau đây.    

Ông ngoại tôi dạy con tụng kinh niệm Phật từ nhỏ, nhưng mới lưng chừng lớn dì tôi đã tập kết ra Bắc và lấy chồng công giáo. Khi dì chết, chắc để đôi đường được trọn vẹn, nên mời Cha xưng tội cho dì xong, anh tôi mời hai Tăng và một Ni đến làm ma chay. Tăng thì gõ mõ cúng cơm, còn Ni - do tốt nghiệp trường Cao Cấp Phật Học thành phố đây - nên giữ phần chỉ đạo nghi thức cúng kiếng để nghi lễ được đúng với pháp Phật. Quít được sắp lên cúng rất đẹp mắt nhưng bỗng nhiên bị hạ bệ dẹp xó tất cả. Hỏi ra mới hay đó là chỉ thị của Ni sư. Cúng quít như vậy, hương hồn người chết sẽ quấn mãi bên thân nhân, không thể nào siêu thoát, nên tất cả đều phải dẹp bỏ. Nghe giải bày, tôi cứng cả họng. Tài chi đức Thích Ca ngày xưa thành đạo, một mực đòi nhập niết bàn chẳng muốn dạy người chỗ thấy của mình. Mấy năm dùi mài kinh sử mà qui luật Nhân Quả ở thế gian - là nền tảng tối thiểu được dạy đầy các trong kinh điển - Ni còn đành lòng biến nó thành như thế, huống là thứ không hình tướng?

Nhân đã gieo trước đây thế nào mình không biết, nhưng duyên hiện tại gặp vậy mà làm theo là biết cái nhân đã gieo ấy không tốt. DUYÊN KHỞI là thực lý chi phối thế gian mà nhân quả là mặt triển khai của nó : Gieo nhân hiền gặp quả lành, không dính mắc sẽ được siêu thoát. Quả quít với mình thì dính gì nhau mà quyết định được vận mạng đường đi nước bước của mình? Ai cũng tưởng Đạo Phật là ĐẠO nên đầy dẫy những thứ siêu nhiên, khác đời. Đạo Phật đúng là có mặt siêu nhiên của nó, nhưng không hề tách lìa dòng đời. Nó bao trùm và xuyên suốt tất cả. Trên mặt hiện tượng, nó luôn phù hợp với lý luận và khoa học : Muốn một cái quả thành hình, phải có một cái nhân và những điều kiện   để cái nhân ấy phát triển. Tất cả mọi vật, mọi sự ở thế gian, từ cái nhỏ đến cái lớn, từ cái không hình tướng cho đến vật to như quả đất, thứ nào cũng có nhân có duyên mới phát sinh và tồn tại. Chính vì vậy, đạo Phật mới tồn tại phi thời gian và được ông Tổ vật lý thế kỷ XX tán tụng “Nếu có một tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu của nền khoa học hiện đại thì đó chính là Phật giáo”. Đặt niềm tin vào những thứ không phù hợp với chánh pháp, sinh hoạt và cư xử thường nhật của mình theo đó mà thành hình là mình đang gieo cái nhân địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Ăn những tai nấm như vị trưởng giả kia xem ra còn được phước nhiều hơn là ăn phải những lời dạy không nhân quả. Chẳng qua vì trước đây mình không biết gieo cái nhân đúng chỗ nên cái quả hiện đời gặp phải Ni sư. Cái quả này nếu có cơ phát triển thì thật là chẳng may cho những kiếp sau.      

Có lẽ, do những nhân duyên trên mà trong kinh Đại Bửu Tích, Phật dạy “Bồ tát tại gia biết rõ đáng cúng dường cho những người đáng cúng, chẳng cúng dường cho người không đáng cúng. Chẳng cúng nhưng vẫn có lòng từ đối với họ”. BỒ TÁT TẠI GIA là chỉ chung cho những người tu Phật còn đủ thứ dây mơ rễ má như mình. Gọi là Bồ tát vì hướng nhắm của mình là lấy việc phụng sự mọi người làm việc phụng sự chư Phật, lấy việc lợi ích cho mọi người làm lợi ích của mình. Tức người đã tương đối đả thông được phần giáo pháp Phật dạy. Nắm vững pháp Phật nên có thể biện rõ chánh tà. Vì thế, Phật dạy nên cúng dường cho ai và không nên cúng dường cho ai. Người đáng cúng dường đây không nhất thiết phải là những vị đắc đạo. Chỉ cần giới luật đầy đủ, tu học thật thà là đáng để mình cúng dường rồi. Thật thà là trước mặt sao, sau lưng vậy. Đó là những vị Bồ tát nắm giữ mạng mạch chánh pháp trong hiện đời và mai sau, để Phật pháp được trường tồn. Với tiêu chuẩn ấy thì không phải chỉ những vị thuộc Thiền tông mình mới cúng dường. Đâu mình cũng có thể cúng được. Pháp môn nào cũng là phương tiện của chư Phật Tổ. Song thứ nào thì cho ra thứ đó. Tu cho ra tu, học cho ra học. Còn treo đầu dê bán thịt chó thì thôi, cúng dường cho người nghèo có phước hơn. CÓ LÒNG TỪ thì chẳng giết hại, đánh đập, chưởi mắng và chẳng ... cúng dường! Cúng dường là đẩy họ đi sâu vào con đường tội lỗi. Có lòng từ, ai lại tạo điều kiện để người khác đi vào đường rẻ tối tăm chỉ vì bản ngã của mình được chìu chuộng? Có lòng từ, không nên như vậy.

Không dính mắc khi làm thiện

Tu phước hay tu Phật gì, dính mắc cũng là đầu mối của mọi phiền não và trở ngại nên trong tất cả sự chỉ lấy tinh thần không dính mắc làm chính. Hòa thượng nói “Biết tất cả là vọng, buông đi!” cũng vì lý do đó. Buông đi không có nghĩa là không làm. Buông đi là làm mà không dính mắc. Cái dính mắc của bà chị tôi chỉ là hình thức dính mắc thô thiển. Đã học Phật và hiểu lý đạo, mình sẽ không vướng vào những thứ thô thiển ấy, nhưng những thứ tế hơn mình vẫn có khả năng.

Bài học đầu tiên tôi nhận được cho việc không dính mắc này là câu chuyện về một Tăng nhân trong một thiền viện nọ. Tăng là người nhiệt tình với công việc, vui vẻ và tận tình với mọi người. Ngủ, Tăng có thể nằm dài bất cứ đâu, ngay cả cạnh nhà tắm. Một hôm, trong thiền viện mất đồ. Việc phải làm là lục soát hết tất cả đồ đạc của các thiền sinh. Kho chứa đồ của Tăng cũng không ngoại lệ. Chỉ vì việc đó, Tăng bỏ đi biệt tăm. Thầy chấm dứt câu chuyện bằng một câu bỏ lững “Không hiểu vì sao như vậy!”.

Mỗi lần làm việc gì có tính cách tương tợ, tôi lại tự hỏi “Vì sao Tăng lại bỏ đi?”. Sau một thời gian, tôi hiểu ra vấn đề. Tăng bỏ đi bởi cái ngã thánh của Tăng bị đâm toạc mà Tăng không ý thức được điều đó. Nếu Tăng bình tỉnh đôi chút, Tăng sẽ ngộ đạo. Nhưng vì Tăng quên áp dụng lời dạy của Hòa thượng, vọng đó đừng theo! nên Tăng bị vọng dẫn khỏi cổng thiền viện và quên mất đường về.

Giá mỗi lần làm việc gì đó mà Tăng biết là nó hư vọng, chẳng có gì để tự mãn hay thích thú thì cái ngã thánh đã không có chỗ để hình thành. Không có gì quan trọng nếu mình là một ông thánh thì chẳng có gì xảy ra khi người ta cho mình là một thứ đốn mạt.

Tăng bỏ thiền viện đi kia, nhiều khi làm mà Tăng cũng không có ý nghĩ là mình tốt, cũng chẳng có tâm mong cầu … Tăng làm tất cả chỉ vì Tăng cảm thấy nó mang niềm vui đến cho Tăng. Tăng thấy an lạc, nhẹ nhàng khi Tăng mở lòng với mọi người và nhiệt tình với công việc. Tăng sống vì mọi người, Tăng an lạc trong những niềm vui thánh thiện đó, rồi ngày qua tháng lại, nó hình thành một thói quen mới mà Tăng không biết, Tăng trở thành vị thánh trần gian lúc nào không hay. Thế là, chỉ cần cái gì đi ngược, chứng tỏ Tăng không phải là thánh nữa thì lập tức cái thói quen ấy nó khán cự, dẫy nẫy và … bức Tăng khỏi vòng đai của thiền viện. Nếu hiểu mà đề phòng thì bấy giờ Tăng sẽ gồng mình, chịu đấm đòn cuối cùng và … thoát được những lề lối thường tình của cuộc đời. Những lúc thế này, việc xác định tinh thần tu hành của mình rất quan trọng. Chỉ cần nhớ TU LÀ PHÁ NGÃ thì mình sẽ bình tĩnh suy nghĩ những gì nên làm, những gì không nên làm.

Việc thiện luôn giúp tâm mình mở rộng, là việc làm phù hợp với dòng chuyển biến của đạo. Bản chất của đạo là thường, lạc, ngã, tịnh vì thế những việc làm ấy luôn luônơ(hiến mình cảm thấy an lạc và hạnh phúc. Không ai chưa từng một lần cảm nhận được niềm hạnh phúc nhẹ nhàng đó. Song bởi nó an lạc nhẹ nhàng như thế nên chúng ta dễ chìm ngập trong đó. Khi vui mà mình không ý thức được cái vui này là hư vọng, không có gì để dính mắc hay dừng trụ, là mình đang thay dần cái ngã phàm của mình bằng một cái ngã thánh. Nhưng việc của mình không phải là THAY mà là DỨT NỌC cả hai thứ đó. Bản tâm thanh tịnh hoàn toàn không có thánh phàm. Mình còn lưu giữ chút gì là còn chưa về đó được. Vì thế, làm bất cứ việc thiện nào mà thấy trong tâm dấy khởi … thì phải tỉnh mà biết những thứ đang hiện diện trong tâm mình là thứ gì. Biết được sự có mặt của chúng là ta đang BIẾT VỌNG. Không ôm giữ và chìm ngập trong nó là ta đang BUÔNG. Làm vậy là ta đang phá dần cái ngã phàm mà không để cho cái ngã thánh bám trụ. Không bám trụ hay bám trụ ít thì ai có đụng đến, mình cũng không đau đến nỗi phải văng quá xa không trở về được.

Làm thiện mà đụng đâu cũng nói, không ai tra hỏi cũng trình là một biểu hiện của sự dính mắc. Do không biết đó là thể hiện của bản ngã nên mình hay khoe một cách rất tự nhiên. Đây là tật chung ít ai tránh khỏi. Ý thức và hiểu rồi, mình sẽ đè nó đi không để nó trồi ra miệng. Lâu dần thành quen, làm nhiều mà nói ít. Có nói cũng không phải vì khoe. Làm tới đâu quên tới đó thì ngã tướng mới không phát triển. Không nói mà không quên được, trước sau gì cũng phiền não. Bởi đó là cái chuẩn để mình so sánh khi có chuyện nghịch lòng. “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn”. Thấy biết dựa trên cái thấy biết là gốc của vô minh. Vô minh đi liền với phiền não. Vì thế, thứ gì hơi lộm cộm thì buông đi, đừng để nó tồn đọng trong lòng mà sinh cái duyên so sánh. Có so sánh là có khổ. Phải làm sao làm nhiều mà cứ như chưa hề làm được gì. Tâm không chất đống những việc đã làm thì tới lui mới nhẹ nhàng thoải mái. Lâu dần thói quen vì danh, vì lợi, vì mình mới nhường chỗ cho thói quen vì người hoàn toàn.

Việc thiện mình làm khi chưa đủ trí tuệ thường rất nhiều hạn chế. Hạn chế vì khi làm mình lệ thuộc vào những thứ như thương, ghét, giàu, nghèo, thân, sơ … Lệ thuộc vào những thứ đó thì việc thiện nào thuận với bản ngã của mình, mình làm ; việc nào không thuận thì bỏ qua. Những gì có nguy cơ mang tai ương họa hoạn đến cho mình, mình càng rụt đầu. Một lần, tụi tôi đi trên đường Lê Quí Đôn thì gặp tai nạn : Một xe ba gác chất đầy gạo bỗng sụp ổ gà, chỏng ngược đuôi xe khiến chàng ba gác bay thẳng lên cao rồi chúc đầu thẳng cẳng trên các bao gạo. Trời tối, nhìn quanh chẳng thấy ai nên phản ứng tự nhiên của mình là chạy qua xem anh chàng sống chết thế nào để còn cứu chữa. Chưa đâu vào đâu, người bỗng ùa tới vô số. Tới để gây sự và đưa mình vô công an. Chúng tưởng mình là tác nhân gây ra sự việc ấy. May là chàng kia ú ớ kịp thời. Lần đó tôi điếng cả hồn. Làm ơn kiểu này có ngày mang họa. Không tỉnh mà chấm dứt kiểu làm thiện này, có ngày cũng trơ thây.

Cái rụt đầu ấy là do làm thiện mà bị tâm phân biệt chi phối.

Tu Phật và có Thầy nên những hạn chế đó được nhắc nhở. TRÍ và BI luôn là cái sẵn đủ trong mỗi người. Phản ứng tự nhiên giúp người ấy chính là lúc niệm phân biệt chưa xuất hiện. Nó là dụng của chân tâm. Nhưng khi “hoàn hồn” thì cái phân biệt ta người được huân tập lâu nay hiện hình. Bản ngã xuất hiện thì mọi thứ trở thành hạn chế. Tu Phật chính là để trở về với tâm vô phân biệt. Muốn trở lại với tâm vô phân biệt, mình phải phá dần đi tâm phân biệt. Muốn phá một thói quen, phải lập một thói quen mới đi ngược với thói quen cũ đó. Nên những hành xử trong đời thường đều phải lấy khuynh hướng vô phân biệt này làm nền tảng. VÔ TÂM chính là tâm không phân biệt ấy. Đương nhiên mọi thứ phải tùy duyên. Duyên mình tới đâu mình làm tới đó. Duyên chính là khả năng và hoàn cảnh của mình. Không nên làm gì quá sức mà năng lực và hoàn cảnh không cho phép. Chí mạnh mà lực không đủ, có khi còn bị tác dụng ngược. Quan trọng là mình thấy được những hạn chế trong việc mình đang làm và cố gắng làm những gì mình có đủ khả năng. Bởi tâm sanh diệt thường có khuynh hướng vị ngã. Vị ngã thì việc tùy duyên của mình thường là lý do để mình đổ thừa và trốn phá ngã. Nhận ra được những hạn chế và không biện minh cho những hạn chế đó là điều quan trọng hơn hết.

Trường hợp trên, dù thế nào mình vẫn phải làm. Không có lý do gì để mình từ chối. Mọi thứ ở thế gian đều có nhân có duyên của nó. Không gây nhân bất thiện, không bao giờ gặt quả bất thiện. Nếu chàng kia chết và mình được mời vô công an là do duyên nghiệp mình đã gieo trước kia. Đã là duyên nghiệp phải trả thì chạy đâu cho thoát? Việc thiện ấy chỉ là cái nhân làm giảm bớt cái xấu cho mình chứ không bao giờ là cái nhân đưa đến cái xấu cho mình : Có khi rồi chính nhờ việc mời vô công an ấy, mình thoát được một tai nạn khủng khiếp sau đó vài phút thì sao? Trong cái họa có cái phúc, trong cái phúc có cái họa ... khó mà đánh giá được việc gì là tốt, việc gì là xấu ở cuộc đời này.

Xưa, thiền sư Tịnh Hạnh thuyết về Lý Nhân Quả. Trong số môn đồ có vị đệ tử thấu được chỗ này nên ông quyết tâm tu để chuyển nghiệp. Ông bắt đầu thực hành hạnh bố thí. Người đói thì nhiều mà của cãi có hạn nên ông cũng đói theo. Bởi đã quyết tâm nên ông vui vẻ chào đón cái khổ ấy. Ăn uống thiếu thốn sao đó, hai con mắt nó không chịu thấy nữa. Không thấy nhưng phải lê thân xin ăn khắp nơi nên một ngày đẹp trời nọ, ngang qua cầu, ông thẳng đường xuống thăm Hà Bá ... Bà con thương hại vớt lên, đắp qua loa cho một nấm mồ. Trời mưa, sét nhè nấm mồ ấy đánh tới, thân thể ông lềnh bềnh trên mặt đất, rồi làm mồi cho một con hổ đói.

Nhân thì thiện nhưng do cái nhân ấy mà xảy ra nhiều việc quá rùng rợn nên bà con thất kinh, đem việc ấy hỏi thiền sư Tịnh Hạnh. Ngài trả lời “Đại phước thay! Nếu vị Phật tử ấy không quyết chí tu hành thì phải lên xuống trong 4 kiếp nữa mới trả hết các báo nghiệp đó”. Báo nghiệp đó là nói mấy thứ đói, mù, chết trôi, sét đánh và bị hổ phanh thây.

Tu mà nghiệp báo không thể chuyển từ nặng thành nhẹ, chỉ chuyển bằng cách trả tất cả trong một đời như thế vì chúng thuộc loại định nghiệp. ĐỊNH NGHIỆP là loại nghiệp mà dù thành Phật chăng nữa, mình vẫn phải trả. Ai cũng có những loại định nghiệp như thế. Nhiều vô số là đằng khác. Vì mình lăn lộn trong sanh tử không ít. Lăn lộn do thiếu trí tuệ nên khó mà tránh khỏi những nghiệp nhân có báo nghiệp là định nghiệp. Chưa đủ duyên nó còn ẩn đó, đủ duyên rồi nó hiện nguyên con. Không có cái nhìn thấu đáo về nhân quả trong nhiều đời mà chỉ căn cứ trên mặt hiện tượng ở hiện tại thì khó mà nhận định chính xác mọi sự mọi việc ở cuộc đời này. Đương nhiên nghiệp báo dữ thì phải từ nghiệp nhân dữ mới có nghiệp báo dữ. Nhưng phân định rõ ràng cái nào là nhân của cái nào, không phải con mắt trí tuệ thì khó mà làm được. Song mình có thể tin chắc một điều : Nhân quả không hề sai chạy. Không bao giờ nhân duyên đều thiện mà quả là bất thiện. Nếu nhân thiện mà quả bất thiện thì việc thiện ấy chỉ là hình thức che đậy cho một nội dung bất thiện mà thôi. Nhân thiện bao giờ quả cũng thiện. Nắm được nhân duyên, mình sẽ bình thản được dần với mọi sự mọi vật ở thế gian. Nên những gì không trái đạo mình đều phải làm. Bình thản mà làm dù hậu quả thế nào. Thấy mà đành lòng bỏ qua là đang gieo cái nhân bất thiện. Nhân bất thiện, đủ duyên sẽ gặt quả bất thiện.

Biện về nhân quả là để hiểu nhân nào quả nấy chứ đây không phải là điều chủ yếu trong vấn đề làm thiện của mình. Người tu Phật làm thiện là vì lợi ích của người, là để xả tâm vị kỷ của mình, không phải mong cầu quả báo cho mình. Chỉ vì lợi ích của người không phải vì quả báo cho mình thì việc thiện của mình mới giúp mình xả được tâm vị kỷ. Nói vậy sẽ có người bắt bẽ “Tu là để thoát khổ, thành Phật, thành Tổ, để có một đời sống tốt hơn v.v… không thì tu để làm gì? Đã có mục đích tức đã nhắm đến quả báo”. Bắt bẽ như vậy hoàn toàn hợp lý. Dù không la to ta cầu quả báo nhưng chính hành động tu hành và làm thiện ấy đã hiển rõ việc mong cầu quả báo của người tu. Có điều, tinh thần tu hành chính của việc tu Phật là phá ngã. Chính nhờ quá trình phá ngã này mà người tu dần dần nhận ra được thực tướng của nhân quả cũng như thực tướng của vạn pháp ở thế gian. “Thế gian như không hoa, hết thảy pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng”. Một khi nhận ra thân tâm này là huyễn mộng - nhận ra nghĩa là thấy thực, sống thực được như vậy - thì quả báo đối với người tu Phật cũng chỉ như giấc mộng, không có gì để cầu hay để mong nữa. Do đó, việc thiện của người tu Phật và người cầu quả báo thấy thì giống nhau, nhưng rồi chỗ đến lại hoàn toàn khác vì mục đích và tinh thần đều khác.

Chỉ căn cứ vào mặt hiện tượng xảy ra trong hiện tại mà ít thấy được mặt nhân duyên nhân quả của pháp, nên việc thiện của mình có khi chẳng phải là thứ để làm tản bớt nghiệp tập của mình, mà chỉ khiến tâm mình sanh khởi dính mắc nhiều hơn. Để ý xem! Mình chỉ giúp đỡ thôi hay còn khởi tâm bất bình khi chứng kiến một cảnh đối đãi bất công giữa con người với con người? Khi chứng kiến một đứa trẻ bị đối xử tàn tệ, mình chỉ tìm cách giúp đỡ thôi hay còn bức xúc nổi giận với kẻ đã gây ra hiện trạng ấy “Trời ơi, bắt bỏ tù, tử hình hết đi”? Trong 10 người có đến 9 người khởi tâm. Người càng có thiện tâm càng sinh nhiều bức xúc. Song thấy người giết mà cười tán thán là phạm tội sát, mình phát tâm mãnh liệt như thế thì sao? Không lẽ tu Phật là im lặng và tản lờ trước những đau khổ và mất mát của người khác?

Khởi tâm hay không khởi tâm, làm hay không làm là … tùy duyên! Không phải không tử hình là đúng, tử hình là sai. Nếu cái tử hình ấy ngăn ngừa được những tội ác khác ở thế gian thì đâu có gì sai. Song cái duyên của mình không phải là quan chánh án. Mình có khởi tâm tử hình hay không thì nhân thế nào, quả vẫn thế ấy mà thôi. Duyên của mình là đang tu để phá đi thói quen tham - sân - si, phá đi sự sanh khởi của dòng vọng niệm. Việc của mình là làm tất cả mà trong sự định tỉnh, làm là để xả cái tâm vị kỷ, mở rộng cái tâm bao dung ... không phải là khuyếch trương thêm sự sân giận hay khởi lên những ác niệm. Định tỉnh và bình thản chỉ có nếu ta nắm được nhân quả “Có cái quả hiện tại bởi đã có cái nhân trước đó. Có hoàn cảnh bây giờ bởi đã từng tạo một ác nghiệp trước đó… ”. Nhưng không phải vì đã có cái nhân trước đó mà mình thờ ơ bỏ mặc tất cả. Mình vẫn làm những gì mình có thể làm được, để góp phần dừng bớt cái nhân bất thiện trong hiện tại và mai sau. Song hiểu được nhân quả, mình sẽ hạn chế dần những xúc cảm thương ghét không đáng có. Thứ gì được làm bằng tâm vô tư, bằng cái nhìn đúng đắn thường mang lại kết quả tốt hơn là làm với tâm thiên lệch xen kẽ thương ghét. Cho nên, trong cái duyên như thế mà khởi tâm như thế là lỗi. Lỗi, vì làm với tâm không định tỉnh. Lỗi, vì những thứ thay vì phải bỏ ra, mình lại huân thêm vào. Cho nên, thứ gì lỡ thành hình trong đầu hay bay ra ngoài miệng rồi, cố gắng tỉnh đừng để nó nối tiếp. Một lần chưa được, hai lần chưa được … buông hoài rồi có lúc cũng được. Mọi thứ từ thói quen mà ra thì cũng cần dùng thói quen mà phá. Buông không được thì có thể sử dụng đến pháp quán. Rất nhiều cách để quán : Quán nhân quả, quán nghiệp lực … Pháp nào khiến tâm mình dịu đi thì pháp ấy là đúng duyên.

Đúng duyên nghĩa là, với cái duyên như thế thì kết quả nó tốt như thế, không phải pháp ấy có thể đúng hoàn toàn trong mọi trường hợp và với mọi người. Đây là cái nhìn mình phải có đối với vạn pháp ở thế gian, vì pháp thế gian là pháp duyên khởi. Duyên như thế thì pháp như thế, duyên không như thế thì pháp không hẳn như thế nữa. Vì thế, sử dụng xong rồi thì buông, không nên nắm giữ. Sử dụng pháp quán có nội dung tương ưng với đạo tốt hơn là những xoa dịu có tính cách đời thường. Vì một khi chưa làm chủ được dòng vọng niệm thì những nội dung hợp đạo ấy sẽ động lại trong tạng thức của mình. Nó là vốn sống giúp mình sống gần đạo hơn ở những kiếp sau. Buông được thì bình thản được với mọi chuyện. Bình thản được thì việc làm của mình mới sáng suốt vô tư và không gieo cái nhân bất thiện. Làm vậy mới là làm thiện mà trợ giúp cho việc tu hành.

Khi mức độ tâm linh phát triển, mình sẽ có những hành xử gần với tâm vô phân biệt tự nhiên hơn. Được tâm vô phân biệt rồi, thuận hay nghịch, làm hay không làm đều là dụng của chân như. Đó là những việc thuộc dạng “bất khả tư nghì”. Bất khả tư nghì là chẳng thể nghĩ bàn. Ngài Hoàng Bá gọi hạng vô tâm làm thiện này là hạng đại xả. Đại xả vì việc làm ấy được làm với tâm không chấp trước, không tính đến tội hay phước cho bản thân, chỉ lấy lợi ích của mọi loài, mọi người làm trọng. Họ như cây đuốc sáng để ở phía trước, hoàn toàn không có mê ngộ. Đó là hạng trong ngoài thân tâm tất cả đều xả, ví như hư không không có thủ trước, tùy phương tiện mà lợi ích chúng sanh. Bởi không còn bị trói buộc bởi nhị biên phân biệt nên cách hành xử của các vị không theo một hình thức nhất định nào, chỉ tùy duyên ứng cơ mà làm, không tâm lựa chọn phân biệt. Chẳng cần động não mà thứ gì cũng hợp đạo. Yêu - ghét, ta - người đã vượt qua thì tội - phúc, khổ - vui cũng chẳng dính dáng. Cái chẳng dính dáng ấy khiến cái dụng của tâm trở thành vô bờ. Thuận hay nghiïch đều là diệu dụng.

Thời thiền sư Ekido, thiền sinh thề rằng dù thầy họ có giết chết, họ vẫn nhất quyết học thiền. Nhưng rồi lời thề ấy chỉ còn là hình thức. Vì lý do đó, một đệ tử đã bỏ mạng dưới bàn tay của thầy mình : Một trong các thiền sinh có bổn phận đánh chuông báo thức trời sáng, nhưng Tăng đã đánh sai vì bận tâm theo bóng một cô nàng ở cổng đền. Ngay lúc đó, Ekido xuất hiện và đánh Tăng một gậy. Tăng lăn đùng và ... đứt bóng! Khi nghe việc ấy, thay vì nguyền rủa Ekido, người đỡ đầu vị Tăng kia lại khen ngợi sự nghiêm khắc của ông thầy hết mực. Đám đệ tử thì mất hồn và xem Ekido như một bạo chúa. Hình như cái chết của vị đệ tử chẳng khiến Ekido bận lòng, thái độ của ông vẫn một mực như xưa. Nhờ vậy, dưới sự hướng dẫn của ông, 10 đệ tử đã đắc đạo. Một con số phi thường vào bấy giờ.

Vô tâm tương ưng với các điều thiện là vậy.  

Lấy tinh thần VÌ NGƯỜI và KHÔNG DÍNH MẮC làm nền tảng cho việc thiện của người tu Phật mà không đưa ra một hình thức cố định nào làm chuẩn, vì ngoài việc giúp tâm trở về trạng thái vô niệm của nó - là vấn đề chính của người tu Phật - thiện hay bất thiện còn lệ thuộc vào duyên. Hai hình thức giống nhau nhưng xảy ra trong những điều kiện khác nhau thì thiện hay bất thiện cũng theo đó mà lập. Như giết người. Giết người là một hình thức bất thiện. Nhưng không phải khi nào giết người cũng là bất thiện. Nắm rõ tinh thần nhân quả nhưng vì mạng sống của ngàn người khác mà giết một người thì hành động ấy không gọi là bất thiện. Vì sân hận, vì quyền lợi riêng tư mà giết người thì hành động đó hoàn toàn bất thiện. Xảy ra trong hai cái duyên khác nhau nên cùng một việc giết người mà ý nghĩa của chúng lại khác nhau. Nếu chỉ căn cứ vào một hình thức cố định nào đó cho là thiện, rồi rập khuông theo đó mà làm thì có khi việc thiện của mình không còn là thiện nữa, vì nó không đáp ứng đúng tinh thần tu Phật của mình. Vì thế, đây không căn cứ trên hình thức mà chỉ căn cứ trên mức độ VÌ NGƯỜI và KHÔNG DÍNH MẮC mà hành xử.

Thứ hai, khi chưa đủ trí tuệ thì việc phân định giữa thiện và bất thiện chỉ có tính cách tương đối. Có thứ mình thấy thiện mà lại dẫn đến kết quả không thiện. Có thứ thấy không thiện mà lại dẫn đến kết quả thiện. Không giữ tinh thần không dính mắc của mình làm chính mà chạy theo những hình thức tương đối ấy, chỉ khiến tâm bận rộn xao động và có khi việc thiện cũng tắt nghẹt.      

Mợ tôi, bà ấy rất tốt bụng. Nghe ai cơ hàn, khó khăn, lỡ bước là bà sẵn sàng giúp đỡ. Ai lọt vào mắt xanh của bà rồi, bà cưu mang hết mực. Mới đây, bà đưa về nhà một người bà con không phải thân ruột cũng không có họ hàng. Trước vừa đủ sống thì tình thâm nghĩa nặng, không có gì xảy ra. Giờ về làm chủ cả ngôi nhà với đầy đủ tiền bạc và sự tín nhiệm nên người bà con ... sinh tật. Nói sinh tật là nói theo người đời, mình học giáo lý rồi mình hiểu, ba thứ tập nghiệp thiếu khối gì trong người, chưa có điều kiện thì nó ngủ yên đó, đủ điều kiện nó ló đầu liền. Nói cho cùng thì cũng là sinh. Cái tật đó là tật đánh số đề. Đánh đến nỗi bao nhiêu tiền bạc của mợ giao để coi ngó ông cậu, bà làm láng, thâm luôn vào tiền bán nhà. Cuối cùng, bà đốt quách căn phòng bà cất đồ để mọi người thấy ngọn lửa mới là tác nhân xơi sạch mớ của kia chứ không phải bà. Chỉ tội ông cậu tôi, nửa đêm hồn xiêu phách tán, sang nhà hàng xóm ngồi đỡ cho qua cơn hồng thủy. May là chưa đủ duyên lãnh đồ phúng điếu!

Đến lúc này, tốt bao nhiêu cũng chẳng ai dám đứng ra bảo bọc. Mợ tôi chẳng còn bụng dạ đâu mà nghĩ đến việc phước thiện. Tống được người bà con ra khỏi nhà bấy giờ mới là việc phước thiện phải làm. Người bà con thì dọa mãi mới chịu đi. Đi trong sự uất hận với những lời nguyền rủa báo thù. Nhìn cảnh tượng ấy, tôi không biết tới đây sẽ thế nào và kiếp sau mọi chuyện sẽ ra sao? Lại một vòng luẩn quẩn nữa cũng nên! Làm thiện mà kết quả ra vậy vì cái thấy của mình chưa xuyên suốt. Mình làm thiện trong sự chi phối của vòng nghiệp lực. Đã là nghiệp lựïc chi phối thì việc phước thiện chỉ là cái cớ để ân đền oán trả với nhau. Mình không thể nói nên lựa cái gì, không nên chọn cái gì. Nhưng tỉnh hồn mà ý thức và bình thản được thì mình sẽ giải quyết cái nhân oan nghiệt kia theo kiểu “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”. Lời nguyền ấy chính là cái nhân cho một cái quả oan nghiệt sau này. Không tỉnh thì cái quả ấy lại là cái nhân để vòng oan nghiệt kia nối tiếp xoay tròn như vòng bánh xe. Chưa kể, không bất động được, trúng tình trạng này vài lần chắc mình cũng bỏ cuộc, chào thua việc phước thiện.

Hoặc như việc phóng sanh. Nó là một hình thức thiện. Nhưng hình ảnh phóng sanh hiện nay không thể nào không làm ta vọng tưởng. Không ai mua chim để thả thì liệu có người bắt chim để bán? Không bắt chim thì không có kẻ bắt chim, chim cũng không bị cầm tù từ ngày này qua ngày khác, rồi chết rơi, chết rụng … cho đến lúc gặp được một thí chủ cần phóng sanh. Càng thả nhiều chừng nào chỉ khiến nghiệp bắt chim và chim bị bắt nhiều chừng nấy. Quả tình, không biết việc đó là thiện hay bất thiện nữa.

Đưa ra vậy không có nghĩa chân lý nằm ở điều tôi giải thích ấy. Đó chỉ là cái thấy tương ưng với cái trí hiện tại của tôi mà thôi. Mình vẫn có thể nhìn vấn đề ấy theo một khía cạnh khác. Song dù ở khía cạnh nào, chỉ khi vô tâm mình mới có thể tin tưởng hoàn toàn vào cái thấy của mình. Khi vô tâm mình mới thấy các pháp đúng như chính nó trong cái duyên nó đang an trụ. Nên đưa ra không phải để luận đúng hay sai, mà để thấy trí tuệ luôn là thứ quan trọng. Thiếu nó hành xử của mình dễ lầm lẫn. Có khi việc tưởng thiện mà hóa ra bất thiện. Như việc người bà con của mợ tôi. Có khi rồi cái đủ ăn của bà có giá trị với bà hơn là sự đầy đủ thừa mứa. Nghèo là một cái tội nhưng lo cho được đầy đủ quá chưa hẳn đã là hay. Tôi đã vướng rất nhiều trường hợp tương tợ và tự kết luận “Ngoại trừ trường hợp quá thiếu thốn, còn nghèo không hẳn đã là dở. Pháp nào cũng có cái hay của nó. Đúng duyên, vẫn là thứ tối thượng”. Càng thấm thía câu nói của người xưa “Có phước nắm gạch thành vàng, không phước nắm vàng thành gạch”. Giờ thì cũng chẳng thắc mắc vì sao ngài Bàng Long Uẩn đem của đổ sạch xuống sông thay vì mang ra bố thí. Không có trí tuệ, tiền của chỉ là thứ tai họa.

Việc “Lá lành đùm lá rách” hiện nay phải nói là phát triển rất mạnh trên toàn thế giới. Không những chỉ có tiền bạc mà cả tấm lòng và công sức của những vị Bồ tát không tông nữa. Song giúp nhiều chừng nào thì nạn tai, bịnh tật, lụt lội, hỏa hoạn nhiều chừng đó. Đùm bao nhiêu, rách cũng cứ tràn đầy. Y như đem muối bỏ biển. Đó là do quan niệm sống của người chưa hướng thiện. Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh. Bát cơm của một vị thánh dưới cái nhìn bị chi phối bởi lòng tham của ngạ quỉ liền trở thành lửa đỏ. Tâm không tịnh, phước không có, lo cho nhiều cũng vậy thôi. Giúp đỡ người bao nhiêu mà quan niệm sống của người chưa thay đổi phù hợp với qui luật sống ở thế gian thì chỉ là việc làm ngoài da. Chỉ là mới lo được cái ngọn, chưa lo được cái gốc. Gốc đã thối thì khổ nạn không bao giờ chấm dứt. Phải làm sao lo cái ngọn để vun lần cái gốc mới là việc làm có hiệu quả lâu dài. Khi tâm con người đã hướng thiện thì cảnh giới của họ sẽ tự đổi khác. Không thì giống như dã tràng se cát biển đông, đâu rồi cũng vào đó.

Thiếu trí tuệ, mọi phước thiện đều trở thành hạn chế, vì thế kinh nói “Quên mất tâm bồ đề mà hành các thiện pháp gọi là hành động của ma”.

Nhiều người do không nắm được chỗ này nên nhìn đạo Phật như một loại tôn giáo tiêu cực, còn Tăng Ni tu hành theo đúng đường lối của đạo Phật lại là những vị ăn bám trốn đời. Cho những thứ ngoài da kia mới là lợi ích thiết thực. Thiết thực thì có. Bởi có thực mới vực được đạo. Nhưng muốn có lợi ích thực sự thì phải làm sao để tự mỗi người phải có cái nhìn đúng đắn về nhân quả, tâm tư suy nghĩ phải hướng thiện và làm thiện.

Song làm thế nào để quan niệm sống của người có thể thay đổi hướng thiện? Chính là nhờ đạo giáo. Đương nhiên phải là loại đạo giáo chính thống không bị thay hình đổi dạng bởi những kẻ trục lợi. Đạo giáo chính là chỗ giúp tâm người đời hướng thiện. Bố thí pháp, công đức hơn hẳn bố thí tài là vậy. Bố thí pháp là dạy người quan niệm sống đúng với qui luật chi phối thế gian, dạy người làm lành tránh ác, dạy người đạo đức làm người v.v... Có điều những lời dạy đó đi ngược với lòng tham dục và bản ngã của người đời nên không có nội lực tu hành thì lời nói không đủ năng lực thuyết phục được người. Nghe nhiều mà như vịt nghe sấm, cuộc sống vẫn trôi nỗi theo tham dục thì ích lợi gì? Vì thế phải có nội lực tu hành thì lời nói của Tăng Ni mới có tác dụng thực sự cho người đời. Ngay cả Phật tử mình đây, khuyên người làm thiện mà bản thân mình không làm thiện, đụng chuyện cũng tranh dành cướp giựt hơn thua, đời sống khi nào cũng khó khăn và toàn tai ương hoạn nạn thì ai dám tin vào những điều mình nói và tin vào việc tu hành mình đang làm là đúng đắn mà làm theo? Vì thế, nội lực và trí tuệ là thứ không chỉ có quí Tăng Ni mà ngay cả Phật tử mình cũng cần phải có. CÓ TRÍ TUỆ thì mới biết rõ cái gì nên làm, cái gì không nên làm. CÓ NỘI LỰC thì mới có thể làm được những việc cần làm, dừng đi những việc không nên làm. Muốn có nội lực và trí tuệ thì phải dẹp bỏ tham dục và sân hận. Càng đánh đổ được tham dục và sân hận chừng nào thì nội lực và trí tuệ càng tăng trưởng chừng nấy. Trí tuệ là cái trí thấy đúng các qui luật chi phối ở thế gian từ cạn đến sâu bằng chính thực nghiệm của bản thân. Có thấy thực rồi mới có thể sống được với những điều đã đọc học được trong kinh luận. Đó là nền tảng để Tăng Ni cũng như phật tử mình không do dự và lùi bước trước những khó khăn, cũng là nền tảng để Tăng Ni vận dụng pháp Phật một cách linh hoạt ứng hợp với từng cơ duyên của mọi người, giúp người đời đạt được lợi ích thiết thực trong cuộc sống. Có lợi ích thiết thực, họ mới có niềm tin tiếp tục thực hành.

Cho nên, hình thức mà chúng ta cho là tiêu cực đó lại chính là nền tảng cần thiết để thực hiện cái tích cực kia một cách trọn vẹn. Một học thuyết lý tưởng bao nhiêu mà đặt nền tảng trên những con người quá tham dục, không hề biết đến nhân quả ở thế gian thì chỉ là một học thuyết không tưởng. Giá trị thiết thực của nó không có. Áp dụng vào thực tế mọi thứ đảo ngược chính vì không lường được mặt tham dục của con người. Chiến tranh, giết người, trộm cắp, tham nhũng, khổ nạn, thiên tai v.v... chỉ do tham dục mà phát triển.

Tham dục phát triển vì chúng ta không có cái nhìn đúng đắn đối với cuộc đời này và vấn đề nhân quả ở thế gian bị bỏ quên. Nếu thiên hạ biết rằng những hành động như tham nhũng, cướp bóc là cái nhân nghèo hèn trong tương lai chứ không phải là cái nhân giàu sang như họ đã nghĩ, thì không ai còn dám tham nhũng hay cướp bóc. Một vị thiền sư đã nói “Khi ta thấy rõ vạn pháp trong thế giới này đều hạn cuộc và tương đối thì ta sẽ hài lòng trong mái nhà tranh đơn sơ nhất”. Thấy rõ được qui luật Nhân Quả chi phối thế gian, ta sẽ bớt tham dục, ta sẽ sống vì người nhiều hơn. Nhưng vì không biết gì về nhân quả, chỉ tin vào năng lực qua mặt được thánh thần của mình, nên mọi vấn đề xấu xa mới được thực hiện nghiêm túc và mạnh mẽ.

Một thế giới hết khổ đau thật sự khi và chỉ khi con người sống vì người khác nhiều hơn vì mình.

Chánh pháp là thứ đi ngược với tham dục, sân hận và bản ngã của người đời. Vì thế dù hoàn toàn thuận chân lý nó khó được chấp nhận hơn những thứ phù hợp với bản ngãù. Đây là lý do vì sao khoa học tiến triển tận đâu đâu, mê tín dị đoan vẫn tràn đầy. Có những việc mình thấy rất vô lý nhưng có người vẫn tin rất mực. Chẳng qua vì thuận với bản ngã của người ta. Như hiện nay một số người vẫn cho rằng thượng đế là người tái tạo ra mọi thứ trên đời, trong đó có hạnh phúc và đau khổ của một con người. Song vì sao thượng đế lại sáng lập ra một thế giới đầy đau thương tranh tàn mà không là một thế giới toàn mỹ? Vì sao Thượng đế không đoái hoài đến nỗi đau khổ của muôn loài? Vì sao cùng được sáng tạo ra làm người mà hoàn cảnh mỗi người mỗi khác nhau? Nếu tự đặt câu hỏi ấy cho mình, ta sẽ thấy thượng đế rất xa xôi! Nhưng ông ta lại luôn ngự trị trong lòng một số người, chẳng qua vì được sự ban bố che chở của một đấng tối cao khoẻ hơn là phải giữ gìn vấn đề thiện ác ở chính bản thân mình. Chỉ mất một mớ tiền mà nghe tai qua nạn khỏi đương nhiên dễ chịu hơn là phải làm lành tránh ác, ăn uống đạm bạc v.v... Vì thế cầu thầy, cầu cậu, cúng sao giải hạn dễ được chấp nhận hơn là những lời khuyên chân thật đúng đắn. Nhưng thuận với bản ngã của mình thì thế nào? Qui luật Nhân Quả ở thế gian vẫn vô tâm xoay vòng chi phối tất cả. Nhân nào quả nấy. Đã gây nhân, đủ duyên sẽ có quả. Cái luật ấy không cần biết mình nghĩ thế nào, mình làm cái gì … Hể nắm được nó mà sống thì an lạc hạnh phúc, không nắm được nó mà sống thì đau khổ triền miên. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết mới sống vậy.

Vì cớ ấy, nhiều người mình thấy đến chùa rất chăm, cúng lạy rất nhiều nhưng khổ vẫn không hết khổ. Ngược lại, có những người không hề biết đến một tôn giáo nào nhưng cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc đầy đủ. Vì đến chùa thì nhiều nhưng chỉ lo xin cái này, cầu cái kia, cúng sao giải hạn, đốt vàng đốt mã, nhân ngã thị phi … còn Phật dạy gì cũng chẳng biết. Tuy là đệ tử Phật nhưng một chút nhân quả mình cũng không nắm được, chỉ mua sự an tâm bằng những điều giả dối. Còn người không đến chùa mà mọi hành xử đời thường của họ lại đáp ứng đúng với qui luật Nhân Quả ở thế gian, họ không tin vào thần thánh, cũng chưa bao giờ biết lạy Phật là gì, nhưng việc gì hại người hại vật họ không làm, họ sống với mọi người bằng thứ tình thương tận tình, họ biết san xẻ những gì họ có … Việc thiện được triển khai tối đa như thế nên tuy không ý thức được việc mình làm, không tôn thờ thần thánh hay đức Phật, cuộc sống của họ vẫn hạnh phúc an lạc, vì nó phù hợp với đạo.

ĐẠO nói đây không phải để chỉ cho một tôn giáo nào mà chính là chỉ cho cái qui luật đang vận hành chi phối vạn vật đó. Đó là qui luật mà đức Phật đã khám phá ra, được ghi lại trong kinh như sau “Này các Tỷ kheo! Do duyên sanh, lão tử có mặt. Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất của các pháp vẫn là thế, vẫn quyết định tánh ấy, vẫn theo duyên như thế”. Bản chất của các pháp là như thế, có Phật hay không có Phật nó vẫn như thế. Phật không phải là người sáng lập ra nó để hình thành nên một tôn giáo cho riêng ngài mà cần đến sự lễ lạy cầu xin của chúng ta. Ngài xuất hiện chỉ với mục đích giúp chúng ta hiểu về qui luật đang chi phối toàn bộ đời sống của mọi chúng sanh. Y đó mà làm thì không cầu vẫn đủ.

Thấy và sống được với nhân quả, mình có thể yên tâm về con đường phía trước của mình. Càng có trí tuệ, hành xử của mình càng ít nhầm lẫn, cuộc sống của mình và người càng bớt khổ đau. Nhiều người đã than “Tao làm toàn chuyện tốt mà cứ gặp chuyện gì đâu không”. Gặp toàn chuyện gì đâu không vì bất thiện mà tưởng thiện rồi chúi mũi vào làm. Lúc đầu thì thiện nhưng do quá đà trong khi hành xử mà thiện thành bất thiện. Làm thiện mà nhập nhèm riêng tư v.v... Nhân như vậy, quả bất thiện liền sau là lẽ tất nhiên. Ngã tướng đã có thì khó mà gặt được cái quả hạnh phúc toàn vẹn ở thế gian. Phúc họa lẫn lộn là vậy.

Việc thiện của người tu Phật đặt nặng ở tâm hơn ở sự, nên một khía cạnh cần chú ý nữa trong việc làm thiện là phải PHÁ đi những thói quen khiến mình mất tự tại, dù là thói quen thiện. Như việc cúng dường, có khi mình cúng dường chỉ với tâm để Tam Bảo trường tồn, chỉ vì sự biết ơn và tha thiết đối với Tam Bảo mà thôi. Nhưng cúng quen rồi, đến khi không có điều kiện để cúng hay cúng ít đi tự nhiên thấy ngại không yên. Thầy nói “Có người khi làm ăn được, cúng dường được, thấy có mặt luôn. Nhưng khi làm ăn thất bại lại bỏ chùa không thấy đâu nữa. Hỏi ra nói ngại”. Cũng là việc tự nhiên khi làm thiện mà chưa được vô tâm. Đó chẳng qua là vì thói quen mà thôi. Quen như thế nên trái lại thì bất an. Việc của mình là phải phá đi cái quen đó. Cúng ít thấy ngại thì khi cúng ít ấy, cố gắng đừng ngại. Cúng dường là thứ để mình gieo duyên với Tam Bảo. Quí Tăng Ni giúp mình gieo duyên cũng chỉ cốt để mình có cơ hội học hỏi với các vị. Học và tu mới là chính. Vì thế khi cái ngại ló đầu, chỉ cần tỉnh mà biết cái ngại này là vọng, buông đi! Buông được ngay tâm thì không bị dẫn ra thành hành động. Vậy thì mình mới đến chùa học đạo tự nhiên. Khi có điều kiện sẽ cúng lại bình thường. Ở đời vui đạo hãy tùy duyên! Không bị thói quen trói buộc mới tùy duyên được. Tùy duyên được mới vui đạo được. Việc thiện của người tu Phật là vậy, đặt nặng ở tâm hơn đặt nặng ở sự.

Tùy duyên đối với việc làm thiện

TÙY DUYÊN nghĩa là duyên thế nào, mình theo thế ấy. Theo, nhưng không làm mất đi chất đạo của mình. Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài! Chỉ có không khí và chất lỏng mới có thể uyển chuyển nhịp nhàng như thế mà vẫn không mất đi bản chất của nó. Bởi một thứ không có hình tướng, còn thứ kia nhuần nhuyễn linh động. Khi tâm không bị ràng buộc bởi định kiến và quan niệm, trống trơn trống rốc, thân không bị những cái quen làm cứng ngắt, đâu cũng trụ được, mình sẽ giống như không khí và chất lỏng, linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Linh hoạt được là tùy duyên được. Cái tùy duyên này là loại tùy duyên cao cấp. Gọi là cao cấp vì nó đòi hỏi phải vô tâm rồi, mình mới làm được. Chưa được vô tâm mà thực hành tu tập theo hướng ấy gọi là cao cấp tu hành.

Việc thiện do tùy duyên cao cấp mà làm là việc thiện vượt ngoài vòng nghiệp tập. Việc thiện do cao cấp tu hành mà làm là việc thiện giúp phá dần vòng nghiệp tập. Còn một loại tùy duyên đặc biệt nữa : Tùy theo duyên nghiệp của mình mà làm thiện. Tùy duyên ở đây là không làm gì quá sức mà nghiệp tập và hoàn cảnh cho phép. Tuy nội dung có khác nhưng cũng đều là tùy duyên. Chia ba là để rõ vấn đề, còn khi thực hành cứ tùy duyên mà hành xử. Tùy duyên được đều vui đạo được.

Việc thiện do tùy duyên cao cấp mà làm thì không có gì để bàn luận, vì nó vượt khỏi sự suy luận đánh giá của người đời. Mình chỉ biết im lặng mà nhìn. Vô tâm rồi thì việc gì cũng là đạo. Nhăn mặt, nhíu mày ... tất cả đều là đạo. Vô tâm hành thiện nghĩa là hành thiện mà không bị tâm sanh diệt chi phối. Còn bị tâm sanh diệt chi phối thì không thể sử dụng mấy chiêu đó. Vì chúng là những hình thức xuất phát từ ngã tướng. Lục Tổ nói “Có ngã tội liền sanh”. Tội sanh thì địa ngục chực chờ. Đãõ có cái tôi thì địa ngục và niết bàn không thể ‘không hai’. Đây là điều mình phải liệu lấy.

Loại thứ hai là cao cấp tu hành làm thiện thì việc thiện đặt ở tâm không đặt nặng ở sự. Việc đến thì làm, không đến thì thôi. Không bương chải tìm việc mà chỉ lấy việc giữ tâm làm chính. Kết quả thế nào cũng lấy sự bình thản làm trọng. Nó là một loại tùy duyên tiêu nghiệp cũ. Nội dung thực hành đã nói ở trên.

Loại thứ ba là tùy theo duyên nghiệp của mình mà làm thiện, nghe thì thấy hạn chế nhưng lại rất quan trọng. Biết tới lui chừng mực trong cái hạn chế ấy cũng là tu. Bài học này, mình có thể rút được từ những người chung quanh và ngay ở bản thân mình.

Không một xu dính túi nhưng bà chị tôi rất khoái bố thí và giúp đỡ người nghèo. Ngoài việc cắt bớt phần trong nhà, bà còn dám đứng ra vay mượn để bố thí. Giúp đỡ ai, mình còn coi đối tượng ra sao, bà thì chẳng quan tâm, có xin là có cho. Quả thật, không phải tâm Bồ tát không dễ gì làm được. Một lần vô tình, tôi đưa ra chiêu bài “Bố thí thì tránh mặt đi cho khoẻ, chỉ cần tới tay người mình muốn giúp là được”. Bà phản kháng và phát biểu một cách rất hùng hồn “Chị muốn tự mình đứng ra cho. Chị có cái thú khi tận tay cho ai cái gì” . Nghe câu ấy rồi, tôi biết thế nào cũng có chuyện.

Cho cả thế giới này cũng không ai nói gì, nhưng lấy của người khác mà cho, vay mà không trả thì có chuyện chớ sao. Cái oan nghiệt ở chỗ là dám bố thí, dám vay mượn và cắt bớt của người thân mà cho, nhưng lại không dám bình thản khi hậu quả xảy đến. Cho hoài thành quen. Người nhận hoài bây giờ không nhận được, đâm ghét. Vay hoài cũng thành quen. Vay mà không trả thiên hạ cũng đâu chừa. Gia đình xào xáo, chồng sinh rượu chè cờ bạc, con thì oán hận. Tu Phật nên tiền chị không trả, tôi gắng ngậm bồ hòn làm ngọt mà vui. Anh chị em chị đâu ai tu, đâm bát nháo loạn xạ. Đảo lộn hết như thế mà bà vẫn một mực bình thản sắp xếp mọi thứ ổn thỏa thì vẫn là Bồ tát trong tâm tôi. Đằng này ... nổi sân! Giận thì mất khôn. Những chuyện mà một người hiểu đạo không nên làm, giờ chị làm tất … Chị không còn vui vẻ tươi tắn như trước, chỉ toàn sân hận và than thở, hết kể tội người này đến kể tội người khác. Mọi thứ đã thay đổi sau một quãng đời làm thiện. Tôi chỉ còn biết nhìn chị mà thở dài … Tùy duyên ơi hỡi tùy duyên! Thiếu mi một cái đời thành tang thương.

Việc phước thiện của bà chị tôi bị cái thú của bà dẫn dắt nên nó vượt chỉ tiêu một cách thần kỳ và dẫn đến hậu quả đáng buồn. Cái thú ấy là một thứ đội lốt của bản ngã và thói quen. Thói quen xấu làm chủ thì giống như xe chạy mà không tài xế. Nguy hiểm chực chờ. Đó là bài học để mình học hỏi : Làm gì cũng phải liệu sức mà làm, không nên làm gì ngoài khả năng và hoàn cảnh cho phép. Đức Phật dạy người tại gia làm ra của cải một phần để dùng, một phần cúng dường bố thí và một phần dành dụm để phòng khi có chuyện. Kinh Trường A Hàm, phẩm Thiện Sanh ghi:

Một ăn biết vừa đủ
Hai, làm việc siêng năng
Ba, phải dự trữ trước
Để phòng khi thiếu thốn
Bốn, cày ruộng buôn bán
Lựa đất để chăn nuôi
Năm, phải dựng tháp miếu
Sáu, xây cất tăng xá
Tại gia, sáu việc ấy
Siêng lo chớ lỡ thời

Vì sao Phật đem cả vợ con đi bố thí mà lại dạy người cư sĩ ăn một, cho một và dành một? Vì đó là cái lý ở thế gian. Chỗ tột cùng mọi thứ như nhau, nhưng một khi đủ duyên để xuất hiện thì pháp nào có vị trí pháp ấy. Lý ở thế gian là vậy! Mình xuất hiện ở thế gian này thì mình cũng bị qui luật ấy chi phối. Nhập gia mà quên tùy tục thành sinh chuyện.

Cư sĩ mình, thường ai cũng có gia đình. Cuộc sống của mình liên hệ mật thiết với những người chung quanh. Vì sự liên hệ ấy, suy nghĩ và hành xử của mình không phải chỉ phục vụ cho một mình mình, mà còn những người chung quanh và ngược lại. Đứng trên mặt duyên nghiệp, một khi mình chưa được vô tâm thì điều đó thể hiện cho sự ràng buộc của nghiệp tập. Nghiệp tập còn thì khả năng chịu đựng và buông xả của mình còn hạn chế. Thứ gì vượt qua mức hạn cho phép đều sinh chuyện. Nên Phật dạy người tại gia phân của cải thành ba phần là để đảm bảo sự ổn định trong cuộc sống về mặt vật chất. Vật chất ổn định là một trong các yếu tố giúp gia đình hạnh phúc. Hạnh phúc trong gia đình cũng là mục đích mà đạo Phật nhắm đến. Vì vậy, tuy “Đạo ta chỉ có một vị là giải thoát” - vì chỉ có giải thoát mới khiến con người thoát khổ thật sự - nhưng không phải đạo Phật chỉ có chừng đó. Không phải ai đến với đạo Phật đều phải xả bỏ tất cả để hướng về giải thoát như đức Phật. Vẫn còn phần giáo lý thấp hơn ứng dụng cho từng duyên, từng trường hợp để mọi người có thể tìm thấy hạnh phúc trong vòng duyên nghiệp của mình. Phần giáo lý 5 giới, 10 thiện và những bài pháp dành cho cư sĩ đều nhắm vào cái hạnh phúc tương đối này.

Phật bố thí tất cả mà cư sĩ phải có phần để dành là do cái duyên của Phật khác với cái duyên của cư sĩ. Phật là người đã buông xả được. Việc làm ấy không ảnh hưởng xấu đến ngài mà còn là cái duyên để chúng ta có được một đức Phật và một kho tàng giáo lý vô giá ngày nay. Mình tu Phật, sẽ có lúc mình phải dẫm chân trên lối mòn ấy, rồi cũng phải bỏ tất cả. Song vào thời điểm nào là còn ... tùy duyên! Đây là thứ mình phải sáng suốt tự quyết định lấy. Sinh ra trong cái thân con nhái mà bắt chước làm con bò thì nổ cái đùng. Sinh ra là con bò mà cứ cho mình là nhái thì lướng vướng không yên. Nhái hay bò là tự mình, mình phải liệu lấy. Tới hay lui, sướng hay khổ là do mình. Chư Phật và Bồ tát dù hạnh nguyện có sâu dày, dù thương tưởng mình bao nhiêu, chỉ là cái duyên hỗ trợ bên ngoài mà thôi. Mình phải biết vận dụng năng lực sẵn có của mình. Ý Tổ sư trên đầu ngọn cỏ. Chỗ nào chẳng phải là ý của Tổ sư? Mình không thấy được ý Tổ sư thì mình phải thấy được ý của Bồ tát. Bà chị tôi không phải là vị Bồ tát dạy cho mình bài học tùy duyên đó sao? Không cố chấp thì đâu cũng có Phật pháp để học hỏi.

Phân ba là chuẩn mực chung cho đa số cư sĩ. Song không phải cứ cư sĩ thì người nào cũng giống người nào. Có người dư giả mà có người chỉ vừa đủ ăn. Dư giả quá mà gặp người hoạn nạn không cho, rồi viện cớ Phật dạy phải để dành là đang gieo cái nhân bất thiện. Phật không dạy mình gieo nhân bất thiện. Vừa đủ ăn mà lại cắm đầu chia ba, có muốn cũng không làm được. Làm được thì gia đình cũng chẳng hạnh phúc. Không lý pháp Phật thiếu thực tế? Phật không thiếu thực tế. Chẳng qua Phật nói thì nhiều mà mình tiếp thu quá ít. Mình chấp vào những hình thức nhỏ nhặt mà không nắm được cái lý bao quát của nó : Lý Duyên Khởi. Phật nói thế giới này là thế giới duyên khởi. DUYÊN KHỞI nghĩa là, mọi thứ ở thế gian này không có thứ gì xuất hiện “một mình” mà do nhiều yếu tố trợ thành. Yếu tố ấy gọi là duyên. Do duyên mà sinh, do duyên mà thành nên gọi là duyên sinh hay duyên khởi. Duyên sinh nên pháp lệ thuộc vào duyên. Duyên nào thì pháp ấy. Hoàn cảnh nào thì có pháp ứng cho hoàn cảnh ấy. Duyên trước không giống duyên sau thì pháp trước không thể giống pháp sau. Không giống nhưng không phải mạnh đứa nào đứa đó sống mà luôn có chỗ qui nhất. Chính nhờ chỗ qui nhất ấy mà thiên hình vạn trạng bao nhiêu, nó vẫn là chính nó mà thôi. Tùy duyên mà bất biến. Bất biến mà tùy duyên. Thế đó, chẳng qua chỉ là sâu hay cạn.  

Thế nên, trong cái tùy duyên phải có cái tùy duyên. Phật đưa ra hình thức như thế là muốn nói đến tinh thần chừng mực và lo xa của người cư sĩ, để hiện tại mình được hạnh phúc mà tương lai cũng sáng lạng. Có ba ăn một là tránh tình trạng phung phí bất kể ngày mai. Phung phí buông tuồng là cái nhân của tàn mạt và bê tha. Dành một trong ba là để phòng cho tương lai. Khi cần mà không có thì hay sinh tầm bậy. Hiện đời đã khổ mà tương lai cũng chẳng ra gì. Bố thí cúng dường là phá đi tâm chấp ngã của mình. Nó vừa là cái nhân của sự giàu có, vừa là niềm vui của mình và người trong hiện tại. Thế giới này đầy tai họa vì cái gì cũng thủ cho mình và gia đình. Tinh thần của việc chia ba là như thế. Mình phân mấy thì phân miễn giữ cho được cái tinh thần ấy. Phân mấy thì phân là tùy duyên. Giữ được tinh thần ấy chính là chỗ qui nhất. Kinh nghiệm cuộc sống sẽ dạy mình linh hoạt trong từng trường hợp. Không tiền làm phúc lợi mà lấy công sức cúng dường cho mọi người, không tiền để dành mà vẫn không xâm phạm cướp giật của người thì vẫn giữ được tinh thần đức Phật đã dạy đó. Không biết tùy duyên, cứ cố chấp theo hình thức mà làm rồi sinh phiền não là tại mình.

Như vậy, tuy lấy hình thức PHẬT hay CƯ SĨ để phân duyên nhưng thật ra chính là căn cứ ở mức độ buông xả được của tâm mà phân. Tâm mới là chuẩn, hình thức chỉ là cái tương đối đánh giá cho cái chuẩn bên trong này. Nên tuy cùng một hình thức cư sĩ nhưng tùy tâm của mỗi người, mình lại có cái duyên làm thiện khác nhau. Người xả nhiều, người xả ít. Cứ tùy sức mà làm, miễn êm xuôi trót lọt là được. Không nên để xảy ra tình trạng trớ trêu như bà chị tôi. Song, làm ít làm nhiều gì cũng phải nhớ càng xả bỏ được chừng nào thì càng an lạc và càng gần đạo chừng nấy. Vì vậy, xả được thứ gì thì nên xả. Muốn tâm xả bỏ được ngày càng nhiều thì trong hiện tại mình phải gắng xả những gì có thể xả. Đừng hẹn ngày mai cũng đừng hẹn đủ khả năng v.v… Hẹn thì trước sau sẽ như nhau, chẳng bao giờ bước được bước nào. Ngoài ra, làm thiện là để tâm trở về gần đạo. Làm thiện mà chỉ khiến tâm càng xa đạo thì thà đừng làm còn hơn. Vì càng xa đạo thì việc làm thiện ấy chỉ khiến mình càng khổ não và ràng buộc mãi trong những oan nghiệt xoay vòng. Cho nên, không phải là xả hay không xả mà phải xả như thế nào để không thiếu mà cũng không dư. Thiếu cũng phiền não mà dư cũng phiền não.

Cũng không nên bi quan về những gì mình chưa xả được. Không bi quan thì thứ gì cũng xong. Còn không thì có khi mình bỏ cuộc nửa chừng. Bởi mình quen chấp thủ, nên giờ nói xả không phải là chuyện đơn giản. Có chuyện thấy thì nhỏ nhưng chưa quen, bỏ không phải dễ, huống là những chuyện lớn lao. Vài năm đầu mới tu, tôi đã mang một nỗi sợ hãi rất buồn cười. Tu thì tu Phật, phát tâm là phát tâm tu Phật, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện cạo đầu mặc áo lam là tôi toát mồ hôi lạnh. Một lần, nỗi sợ ấy lên đến cực điểm. Sợ đến quắp cả người rồi ngủ quên lúc nào không hay. Và thấy mình lang thang đến một nơi xa lạ đầy ắp người nữ mà toàn là áo lam và đầu láng cóng. Mơ thì mơ chứ hoảng thì không hết hoảng. Tôi tuông nỗi kinh hoàng ấy với vị Ni trưởng. Bà cười lớn và trả lời nhẹ nhàng “Chưa đủ duyên thì nó vậy đó. Đủ duyên rồi có gì mà không bỏ được”. Tôi tỉnh giấc và thấu suốt vấn đề : Việc của mình là gieo nhân và chăm bón để cái nhân ấy phát triển, không phải là ngồi để sợ hãi khi nhìn những cái quả mà người khác đã gặt. Gác qua một bên những gì chưa làm được và cố gắng làm những gì mình có thể làm dù chỉ một chút. Ngày nay một chút, ngày mai một chút, cứ thế mà làm. Một khi cái nhân ấy đủ lớn thì những thứ không thể làm bây giờ sẽ trở thành dễ dàng ở tương lai. Đủ duyên mọi thứ sẽ đâu vào đó.

 

Nguồn:chanhientam.net

Các bài đã đăng

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70351
  • Online: 24