Tư tưởng Cư Trần Lạc Đạo của Phật Hoàng Trần Nhân Tông

09/12/2023 | Lượt xem: 956

TT.Thích Tâm Hạnh

1. KHÁI QUÁT CHUNG.

1.1. Ở đời vui đạo, đức Phật Hoàng nói cho ai?

- Phật Hoàng nói điều mình đang sống, nói cho mình.

Người học Phật luôn nói điều mình sống, hơn là nói điều mình hiểu. Đây là nói được, làm được, khẳng định năng lực của một con người. Trong đạo gọi là “Hạnh giải tương ưng”, xứng ngôi vị Tổ.

- Nói cho những ai hữu duyên,

Không khiên cưỡng ép người khác phải nghe. Không cố chấp đến sai lầm, ai cũng đang sẵn sàng nghe thấu được. Những ai có duyên chín muồi mới có thể nghe và suốt thông được những gì ngài chỉ dạy. Nếu chưa, theo thời gian, quý vị sẽ có duyên và nghe sau.

1.2. Ở đời vui đạo như thế nào?

- Vui với đạo.

- Đạo cho chúng ta vui tự vui.

1.3. Vui với đạo, có bao nhiêu cấp độ?

Tùy theo công phu tu tập của mỗi hành giả mà việc vui với đạo, hoặc là đạo cho chúng ta vui, ít nhất ở hai cấp độ: Một là đã sáng đạo, đạt đạo. Hai là đang học đạo, đang trong quá trình còn tu tập.

2. TƯ TƯỞNG CƯ TRẦN LẠC ĐẠO CỦA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

2.1. Tư tưởng cư trần lạc đạo, theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông dạy là gì?

- Một là hướng về chánh đạo để tu tập.

Tức là ở trong đời biết học đạo, ứng dụng tu tập; biết vui với đạo, lấy đạo làm niềm vui.

- Hai là tỏ ngộ bản tâm, là đạo chân thật.

Tức là diệu lực của đạo cho hành giả tự an vui.

Ngài đã nói: “Mình ngồi thành thị, nết dụng sơn lâm. Muôn việc lặng an nhàn thể tánh, nửa ngày rồi tự tại thân tâm”. (Cư Trần Lạc Đạo Phú). Tức là ở nơi thành thị mà lòng vắng bặt như chốn sơn lâm, chứ không phải ở sơn lâm mà lòng đầy loạn tưởng. Đây là ở trong trần đời mà có đạo nên đạo cho chúng ta tự an vui, là vui với đạo; chính là ý nghĩa cư trần lạc đạo.

2.2. Vì sao ngài nói ở đời vui đạo?

Vì chỉ có đạo mới cho chúng ta niềm vui bất diệt, vô tận, không ngằn mé. Ngài nói: “Gìn tánh sáng tánh mới hầu an, nén niềm vọng, niệm dừng chẳng thác”. Tức là sống trở lại tánh sáng chính mình, đó là đạo chân thật thì mình mới an, mới vui thực sự. Buông vọng niệm xuống thì niệm sẽ dừng, tánh sáng hiển bày. Sống trong đời mà khế hợp với đạo như vậy, chắc chắn sẽ có niềm vui, không sai khác.

Ở đời có buồn có vui, nhưng niềm vui thế gian còn trong vô thường sanh diệt. Đức Phật dạy, vì còn trong tính chất sanh diệt vô thường nên niềm vui này cũng thuộc về khổ. Thực tiễn dễ dàng nhận thấy ở thế gian, có khi niềm vui lại đánh đố chúng ta, giống như liếm một chút mật trên lưỡi dao bén để phải trả giá đứt lưỡi. Nếu biết trước liếm mật sẽ đứt lưỡi, sẽ không một ai dám liếm mật, không dám vui với niềm vui của vô thường sanh diệt, mà phải biết vui với đạo, mới có niềm vui bất diệt và bất tận.

2. 3. Vì sao Đạo cho chúng ta được an vui?

 

Sở dĩ con người sống trong đời bị đau khổ là do vô minh che mờ. Có thể dễ dàng nhận ra biểu hiện của sự vô minh này qua thực nghiệm. Nếu được cho làm lại từ đầu thì ai cũng làm tốt hơn. Đó là dấu hiệu cho thấy trước đó có những sai sót; là dấu hiệu từ gốc của vô minh, mê mờ. Từ gốc vô minh mê mờ này mà con người thấy biết phan duyên, thấy biết theo vật, tìm vật để thấy và đợi có vật mới nhận ra sự thấy biết. Đức Phật dạy, nếu thấy biết phan duyên tức là có nhiễm trước. Từ phan duyên nhiễm trước mà bị trói buộc và đưa đến khổ đau. Sống trong đời, nếu không nhận ra, không biết rõ những điều này thì con người phải trả những giá khổ đau nhất định.

Cũng ở trong đời, Phật Hoàng dạy chúng ta phải biết “Vui với Đạo”. Đạo cho chúng ta vui bởi có trí tuệ, giác sáng. Khi con người sống bằng trí tuệ giác sáng thì như là ánh sáng soi rọi đến đêm tối Vô Minh, bóng tối Vô Minh không còn. Chính tự tánh giác sáng này cho con người tự sáng biết, chứ không phải đợi có vật mới biết. Thiền sư Cứu Chỉ (Việt Nam) nói: “Tuy thấy tất cả pháp mà không có chỗ thấy, tuy biết tất cả pháp mà không có chỗ biết”. Tức là, không đợi có vật, mới thấy biết. Khi chưa có vật, tánh sáng biết này đã sẵn. Thấy biết như thế là giác sáng, tự biết; không biết theo hay biết về vật. “Tánh tự sáng biết” như thế, không phải thấy biết phan duyên. Không phan duyên thì không nhiễm trước. Sống bằng cái biết vô nhiễm như thế sẽ có nội lực cho hành giả tự tại, an lạc.

2.4. Ở đời vui đạo – Một cách sâu xa hơn.

 

 

- Hiện tại, trước mắt dễ dàng nhận ra.

Sống ở đời, sở dĩ bị khổ là do không tự chủ, không làm chủ thân tâm (bản thân). Nếu tự chủ thì ở trong đời sẽ được thanh thản, an vui thực sự. Và đạo sẽ cho chúng ta làm chủ được thân tâm. Do đó, sống trong đời, có đạo thì sẽ được an vui.

Xét đến hệ quả vị lai lâu dài.

Thứ 1: Nếu người còn đang trong quá trình tu tập thì có đạo, nên có tâm tàm quý (hổ thẹn). Tàm quý chính là cội nguồn của các công đức lành. Chính tâm tàm quý này không cho phép người có đạo suy nghĩ và hành động xấu ác. Không nhân xấu ác thì không có những quả khổ của vị lai. Cho thấy, có đạo trong đời, sẽ cho chúng ta an vui trước mắt và mãi đến về sau.

Thứ 2: Với hành giả sáng đạo, trong quý Ngài có định lực và có trí tuệ. Chính định lực cho con người tự chủ. Có trí tuệ sẽ sáng biết, không mê lầm. Có rất nhiều điều mình biết, nhưng không sống được, không làm được là do thiếu định lực. Do thiếu nội tại này nên thiếu bản lĩnh sống. Vật chất, tiện nghi để sống có thể nhiều. Nhưng thiếu bản lĩnh sống thì khó thanh thoát và an vui được. Điều hay chúng ta biết thì nhiều, nhưng không thể làm theo được những gì mình biết, do thiếu nội lực này.

Năng lực này từ nội lực của Đạo (đạo lực), cho chúng ta thực thi được những gì mình thấy ra, biết rõ. Một vị hành giả đã sáng đạo, có đạo ở trong đời thì vừa có trí tuệ thấy ra, vừa có định lực tự chủ cho quý ngài thực hiện được những gì mình thấy biết. Thế gian gọi là “Thấy được, làm được”, là thể hiện được năng lực của bản thân. Tập hợp nhiều người có năng lực bản thân, tạo nên “Năng lực cộng hưởng”. Năng lực cộng hưởng sẽ trở thành năng lực của thể chế. Năng lực của thể chế giúp cho một tập thể phát triển. Các vua quan và người dân thời Trần có nhiều vị tu hành đắc lực, phát huy được năng lực này cho nên đã vận dụng được đạo vào đời, làm cho Triều đại nhà Trần phát triển rực rỡ.

Đối với đạo, hành giả có trí tuệ sẽ thấy biết khế hợp với đạo lý chân thật. Có định lực nên giúp hành giả thực hiện được, sống được những gì mình thấy biết. Đây là “Hạnh giải tương ưng”, xứng ngôi vị Tổ. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã thể hiện tinh thần “Cư Trần Lạc Đạo” khế hợp, xứng hợp với một vị Tổ sư như vậy. Vì có trí tuệ nên không mê lầm, có định lực nên cho chúng ta tự chủ được. Từ đó đưa đến kết quả an vui trước mắt và mãi mãi về sau.

2.5. Theo Phật Hoàng dạy, vui với Đạo như thế nào?

Ngài nói: “Ở đời Vui Đạo hãy tùy duyên

               Đói đến thì ăn mệt ngủ liền”.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, đói thì ăn, mệt thì ngủ. Vậy, Đạo chỉ có ăn và ngủ thôi sao? Còn lại tất cả các việc khác thì thế nào? Ở đây, đạo không phải nằm ở chỗ ăn ngủ, và cũng không nằm vào bất cứ nơi chốn nào, mà là trùm khắp, vô tướng. Ăn ngủ chỉ là ví dụ. Tức là đói ăn mệt ngủ là việc thường ngày ai cũng làm và ai cũng có thể làm được. Ở đời muốn vui được với đạo thì phải khéo léo tùy duyên. Cảnh đời này dù có khó khăn đến mức nào thì chúng ta cũng phải uyển chuyển vượt qua một cách nhẹ nhàng, dễ dàng như việc thường ngày mọi người vẫn làm “Đói ăn, mệt ngủ”. Muốn vậy thì không nên quan trọng hóa các duyên, tịnh hóa định lực, có tỉnh lực thì sẽ tùy duyên một cách dễ dàng. Tùy thuận được các duyên mà không để đánh mất công phu tu tập thì tất cả các việc trong đời hay việc đạo, chúng ta đều cố gắng trôi tròn, hoàn thành một cách mỹ mãn, trọn vẹn; đây là thuận đạo – hiệu quả.

Vui với đạo, ở trong đời có đạo thì chúng ta đã khéo thuận với đạo, không trái với đạo giác ngộ giải thoát. Bằng sức sống đạo đó để làm tất cả mọi việc có lợi ích cho đời, sẽ có hiệu quả tốt đẹp. Có đạo lực nên làm việc lợi ích tốt hơn. Khi làm việc lợi ích chúng sanh, cũng chính là lúc kiểm chứng và trau dồi công phu tu tập. Sức sống và việc làm này tương tác bổ túc cho nhau, nên nói trong đời có đạo, và chắc chắn sẽ được an vui, ý vị, sẽ đạt đến tự tại, tiêu sái.

2.6. Cuối cùng, năng lực nào cho chúng ta làm được điều đó?

Ngài nói: “Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

                Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.

Trong nhà đã sẵn của báu, đó là bản tâm, tự tánh của mỗi người mà Phật Hoàng đã nói trước đó: “Vậy mới hay, Bụt ở trong nhà, chẳng phải tìm xa”. Tức là trong nhà có báu, có Phật tâm, khéo nhận lại. Nhận lại Phật tâm, tâm ấy vốn tự không một vật thì đối cảnh sẽ vô tâm. Ngay đó, sức sống thiền rạng ngời.

Khéo nhận lại bản tâm thì tâm tự không (vô nhất vật), chứ không phải cố làm gì đó cho được không. Mà tâm đã tự không, vốn không một vật thì đối cảnh, tự vượt thoát. Diệu lực của bản tâm này cho hành giả tự tại tiêu sái, không phải do cố gắng nữa. Còn tu tập thì có cố gắng. Nhưng khi hành giả đã nhận lại của báu trong nhà là bản tâm rồi thì không phải do cố gắng, mà diệu lực này cho chúng ta thấy biết tất cả, nhưng tự vượt thoát tất cả. Không phải quay lưng ngoảnh mặt hay chạy trốn cuộc đời, chỉ là trần cảnh muốn chạm đến diệu lực này cũng không được. Đây chính là tinh thần “Cư Trần Lạc Đạo” đúng nghĩa mà Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nói bằng sức sống của ngài, nói cho chính ngài. Đồng thời cũng là nói cho tất cả cho những ai hữu duyên nghe suốt được.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 51283
  • Online: 36