Tu Là Phải Nhận Ra Cái Chân Thật

06/05/2024 | Lượt xem: 113

HT.Thích Thanh Từ

Tất cả chúng ta, từ người thế gian cho đến người tu hành trong đạo Phật, nếu không thấy tột được cái gì là chân thật, là quý báu thì sẽ bị những thứ rất tầm thường, rất tạm bợ dẫn dắt lôi kéo, che đậy bản tâm, khiến cho cả đời sống trong mê lầm không biết được hướng đi. Đó là điều nhà Phật gọi là vô minh, là si mê. Thật đáng thương!

Người đời si mê như vậy thì đã đành, nhưng với người tu mà cũng không biết thì thật đáng trách! Nếu chúng ta tu mà không nhận ra cái chân thật, cứ bị những thứ tạm bợ giả dối chi phối thì uổng một đời tu! Tôi nhắc toàn chúng, phải ráng chú tâm nhận ra cái gì là thật mình, cái gì là tạm bợ, cái gì là tầm thường, đừng bị lệ thuộc nó.

Một là đối với thân này, có người nào không quý nó không? Trăm người như một, đều quý thân này. Bởi quý thân này nên tất cả các nhu cầu của nó mình cũng quý, vì quý nên muốn ăn ngon, ngủ nhiều… bị lệ thuộc vào các nhu cầu của thân, phải tìm kiếm đủ thứ để thỏa mãn nó. Chúng ta cho thân này là quý, nhưng thử xét kỹ, nếu mình được thụ hưởng mọi nhu cầu của thân, làm cho nó được thỏa mãn như ý, nhưng cuối cùng thân này thành cái gì? Thành một khối vàng, một khối ngọc hay chỉ là một thây thúi! Thân mà chúng ta đang quý trọng, đang lo lắng tìm kiếm theo thị hiếu của nó, rốt cuộc cũng chỉ là một thây thúi. Vậy mà tất cả người thế gian cứ chấp vào nó và sống theo cách như thế.

Chúng ta là người tu, cần phải thấy được lẽ thật để tự mình thoát ly. Nếu biết thân này cuối cùng chỉ là một thây thúi, không có giá trị gì thì khi đang mang nó, phải sử dụng như thế nào để hữu ích cho đời cho đạo, không nên cung dưỡng, đừng vì nó mà đuổi theo vật chất hưởng thụ, rốt cuộc không ra gì. Có một sai lầm lớn mà mọi người đang mắc phải, kể cả người tu cũng không ngoại lệ. Đó là tuy biết thân này bất tịnh, vô thường nhưng cũng lơ là, bỏ qua, chẳng quan tâm, chỉ biết sống hưởng thụ mà thôi!

Hai là đối với tâm mình, chúng ta luôn quý trọng bảo vệ nó. Tất cả mọi người đều cho rằng những điều mình nghĩ ngợi, suy tính, phân biệt, nhận định… là đúng, là hay. Cho nên ai khác với chỗ thấy hiểu, phân biệt của mình thì phản đối, không chấp nhận. Vì vậy, cả đời cứ buồn phiền những người chung quanh, trách họ sao không giống như mình nghĩ, rồi đâm ra bực bội… Từ đó, cảm thấy sống trong cuộc đời không được toại ý, luôn luôn buồn khổ.

Do chấp lầm những suy nghĩ phân biệt, nhận định đúng sai phải quấy ấy, cho đó là tâm mình nên có sanh tử khổ đau. Thân của mình khi chết chỉ là một thây thúi, còn tâm lăng xăng lộn xộn rốt cuộc thành cái gì? Thành nghiệp, dẫn mình tiếp tục thọ sanh, chịu khổ đau. Tâm ấy chỉ là những niệm dấy động sanh diệt, hư dối không thật. Vừa dấy niệm khởi nghĩ đó, quan sát lại thì nó mất, vậy làm sao thật được! Thứ giả dối tạm bợ mà cho là tâm mình, thật mê lầm trầm trọng. Tinh thần là tâm sanh diệt, thể xác là thân nhớp nhúa bại hoại, mà lầm cho đó là mình, làm sao không sanh tử được!

Người thế gian sống chỉ vì hai việc, đó là lo cho thân và bảo vệ suy nghĩ của mình. Một thứ thì nhớp nhúa bẩn thỉu, một thứ chỉ là bóng dáng không thật, mà cả đời mãi đuổi theo rồi cho đó là gốc của cuộc sống. Không biết rằng, ngoài hai thứ tạm bợ giả dối ấy còn có cái chân thật miên viễn luôn luôn hằng tri, hằng giác nơi mình, mà mình đã bỏ quên, chưa từng nhớ nghĩ tìm kiếm, cứ chạy theo tâm thô phù sanh diệt liên miên, rồi chấp chặt vào đó, cho nó là mình nên bị che đậy mãi.

Tôi chỉ thẳng cho quý vị thấy. Như hiện giờ, quý vị đang ngồi yên lắng nghe, không suy nghĩ tính toán, không luận bàn phân biệt gì cả, lúc này có biết không? Vẫn biết. Vậy nên, tổ Lâm Tế nói: 

“Ai là người đang nghe pháp!”. Lúc đang nghe pháp, không khởi niệm, không nghĩ suy, vậy ai biết lắng nghe? Ngay nơi mình có một tâm chân thật mà quên hoài, cứ nhớ những thứ hơn thua, phải quấy, tốt xấu, không chịu buông, nên không nhận ra mình đang có cái hằng tri, hằng giác hiện tiền không vắng thiếu một phút giây nào.

Những nghĩ suy phân biệt là động, vì nó sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, còn tâm hằng tri hằng giác thì không từng sanh diệt. Chúng ta luôn sống với tâm sanh diệt, tâm sanh diệt này lặng, tâm sanh diệt khác tiếp tục khởi, chứ không chịu xoay lại nhận tâm chân thật của mình. Do tâm sanh diệt dấy lên che khuất tâm chân thật, mà chúng ta cứ liên tục sống trong trầm luân sanh tử. Bởi vậy, Phật mới thương xót nhắc nhở rằng, mỗi người đều có viên ngọc quý vô giá. Viên ngọc quý giá mà không chịu nhận, lại mê lầm đuổi theo những thứ sỏi đá tầm thường tạm bợ. Thế nên chúng ta ngồi thiền, chính là để dẹp bỏ những vọng niệm lăng xăng, quay lại sống với cái chân thật của mình. 

Những phút giây không nghĩ, không suy mà vẫn tỉnh vẫn sáng, ấy là ai? Ai tỉnh, ai sáng? Đó chính là con người thật của mình. Tâm chân thật đó bàng bạc, không sanh không diệt, không động, mà thường biết. Chư Phật ra đời nhắc nhở, chỉ cho của báu nhưng chúng sanh mê lầm quay lưng không chịu thừa nhận. Đó là điều rất đáng buồn, đáng thương cho mình! Tại sao ta mê muội đến thế? Thứ tạm bợ giả dối thì quý, nhận cho đó là mình, còn tâm chân thật hiện tiền không thiếu vắng lại bỏ qua. Có phải đại si mê không?

Cho nên tu Phật là phải định, để trí tuệ sáng. Định là gì? Lặng tâm lăng xăng đuổi theo dính mắc ngoại cảnh, đó là định. Tâm an định thì cái chân thật hiện tiền là trí tuệ, chứ không có gì khác. Tuệ là trí tuệ sẵn có, được gọi là trí vô sư. Chúng ta không cần tìm kiếm Phật ở đâu xa, chỉ buông xả hết niệm điên đảo ngay nơi mình, chứ không tìm bên ngoài. Chính tâm trong sáng, thanh tịnh hiện tiền đó là tâm Phật.

Tôi rất thích bài kệ của thiền sư Úc Sơn Chủ ở Trà Lăng. Khi ngài đang cưỡi ngựa qua cây cầu ván thì tấm ván thủng, quăng ngài rớt xuống sông. Ngài ngộ, nói bài kệ: 

Ngã hữu minh châu nhất khỏa,

Cửu bị trần lao quan tỏa.

Kim triêu trần tận quang sanh,

Chiếu phá sơn hà vạn đóa.

Dịch: 

Ta có một viên mình châu,

Đã lâu vùi tại trần lao.

Hôm nay trần sạch sáng chiếu, 

Soi tột núi sông muôn thứ. 

Mỗi người đều sẵn có một viên ngọc minh châu, mà bị trần lao che phủ. Trần lao là gì? Là nghĩ suy phân biệt, tốt xấu, hơn thua, phải quấy... Những vọng niệm ấy cứ liên tục dấy khởi nên che phủ tâm chân thật, là viên ngọc báu của mỗi người. Ngày nay, nhân bị té ngã ngài tỉnh ngộ. Ngay lúc đó các trần cấu sạch hết, ánh sáng viên ngọc hiện ra chiếu soi khắp cả sơn hà đại địa, không sót một chỗ nào. Như vậy, thiền sư ngộ đạo chính là nhận thấy rõ ràng viên ngọc báu của mình.

Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói thí dụ anh chàng nghèo khổ đến nhà bạn chơi, uống rượu say không biết gì, người bạn thương lấy một viên ngọc quý cột trong chéo áo. Người này có viên ngọc mà không biết lấy ra xài, nên vẫn đi xin ăn. Đến khi gặp lại người bạn, chỉ rõ chỗ để hạt châu, người này nhận ra, chừng đó mới hết đời lang thang khổ sở. Cũng vậy, nơi mình đã có cái chân thật mà cứ đuổi theo những thứ tạm bợ hư dối, do đó trôi lăn trong sáu đường.

Khi rơi vào địa ngục, Phật tánh có theo mình xuống địa ngục không? Địa ngục là do nghiệp tạo mà nghiệp là do tâm lăng xăng sanh diệt tạo nên. Đã tạo rồi phải xuống địa ngục, nhưng lúc xuống địa ngục thì Phật tánh bị hình phạt hay cái gì bị hình phạt? Chỉ là thân giả hiện trong địa ngục chịu khổ, chứ Phật tánh không có chịu khổ. Phật tánh tuy cùng theo nghiệp mà không chịu khổ.

Sống ở thế gian, có những người sang cả sung sướng, cũng có những người nghèo khổ đói khát. Người sang cả sung sướng, Phật tánh có sung sướng không? Người nghèo khổ đói khát, Phật tánh có nghèo khổ đói khát không? Chẳng qua chỉ là thân mang nghiệp này, nó sung sướng hay chịu khổ mà thôi. Thân là tạm bợ, còn Phật tánh là cái chân tâm luôn hiện tiền. Nhưng vì quên mất tâm chân thật, chạy theo cái hư giả nên phải chịu đủ thứ khổ đau. Những người tu hành, không riêng tu thiền, mà tu theo bất cứ pháp nào của Phật, rốt cuộc cũng phải tìm ra cái thật đó, chứ không tìm cái nào khác. Cho nên tôi nói thẳng, chỉ thẳng cho tất cả nghe, biết để đừng lầm.

Có những người sống vì thân, mà thân có bảo đảm đâu. Ngày nay còn đi đứng vui cười, ngày mai đứt một mạch máu thì đã nằm dài, rồi một ngày nào đó thành thây thúi, không có gì bảo đảm. Thứ không bảo đảm mà dồn hết tâm lực lo cho nó, chạy theo sự đòi hỏi của nó, bị lệ thuộc vào nó thì có đáng thương không? Chúng ta là người tìm viên ngọc quý trong sọt rác, phải tỉnh sáng để nhận chân được cái gì là thật, cái gì là không thật. Được như vậy mới xứng đáng là người tu cầu giải thoát sanh tử. Cầu giải thoát không cần phải đi đâu, không cần tìm kiếm nơi nào, chỉ cần phá tan đám mây mờ trần lao, để sống được với tâm chân thật là giải thoát. Cho nên tôi khuyên các vị phải ngồi thiền. Không phải chúng ta ngồi thiền để có hào quang hay được thần thông, mà ngồi để phá tan trần lao, cho tâm rối loạn lóng lặng lại. Tâm lặng rồi thì cái chân thật hiện tiền. Như một cái lu, nếu đem nước đục đổ vô thì nhìn vào không thấy gì hết, nếu để yên một thời gian, những cặn bã bụi đất lắng xuống thì nước thành trong, nhìn vào thấy trời đất mặt mũi mình hiện rõ trong lu nước. Lúc nước đục nhìn vô thấy tối, vì bụi đất cặn bã hòa tan trong đó. Biết rồi, chỉ cần để yên cho cặn bã lắng xuống thì nước trong hiện tiền, không phải tìm kiếm ở đâu xa. 

Nếu cho rằng bỏ nước đục để tìm nước trong thì nhọc công vô ích. Ngay nước đục mà biết lắng xuống thì thành nước trong. Cũng vậy, tại mình mê lầm nên chạy theo những thứ lăng xăng điên đảo, nếu tỉnh ngộ biết nó là hư dối, tâm lăng xăng lặng rồi thì tâm trong sáng hiện tiền, chứ không đâu xa. Tâm chân thật đó không rời tâm lăng xăng. Vì chấp nhận lăng xăng là mình nên tâm chân thật bị ẩn đi, nay biết niệm lăng xăng hư giả, buông xả nó thì tâm chân thật liền hiện ra ngay, không từ đâu được cũng không phải do ai đem đến.

Người tu Phật nhất là tu thiền, làm một công việc quá chân thật, quá cụ thể. Có những giây phút chúng ta không suy nghĩ gì hết, lúc ấy rõ ràng chúng ta vẫn thấy, vẫn nghe, vẫn biết. Biết đó không phải là cái biết động, không phải do nghĩ suy phân biệt hơn thua, phải quấy... mới biết. Biết do phân biệt nghĩ suy là cái biết sanh diệt, tạm bợ theo duyên. Thật tình mà nói, chúng ta rất khờ dại. Vì cái biết do phân biệt quá mạnh nên mình cứ theo nó hoài, còn cái biết chân thật lại bỏ quên. Tu là bỏ thứ hư giả tạm bợ để cái chân thật hiện tiền, đây là một việc làm rất chân thật, thực tế, chứ không phải huyền bí, mầu nhiệm.

Ngày nay người tu hay tìm sự mầu nhiệm, những thứ huyền bí xa vời, cho đó là hay. Thật ra, những thứ đó đối với nhà thiền là trò chơi, không có giá trị. Điều quan trọng là mình phải thấy, phải sống với cái chân thật, mới có thể cứu mình không rơi rớt trong ba cõi. Hiểu như vậy, tu như vậy mới là người hiểu đạo, còn không thì muôn đời đi trong trầm luân sanh tử. 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 66479
  • Online: 43