Tín tâm minh giảng giải (Phần 5)

21/09/2016 | Lượt xem: 3374

HT.Thích Phước  Tú dịch và giảng

                                       Nhứt không đồng lưỡng,

                                      Tề hàm vạn tượng.

                                       Bất kiến tinh thô,

                                      Ninh tâm kiệt đảng.

                                    

Dịch:

                             Một “Không” đồng hai,

                             Bao hàm vạn tượng.

                             Chẳng thấy tinh thô,

                             Lòng yêu dứt sạch.

Một Tánh Không đồng Tánh hai thứ tức là Tánh Không đồng Tánh tâm ý và cảnh. Tánh Không này bao trùm muôn giống loại.

Tánh Không đồng với Tánh của hai thứ và bao hàm cả vạn tượng. Chúng ta biết như vậy thì không chấp vào tâm ý và cảnh.Tâm cảnh đều không chấp thì rõ ràng vạn tượng ngay khi ấy. Rõ ràng hết tất cả muôn sai vạn biệt giữa này.

Giống như bây giờ ngồi đây mà tôi để tâm đến một vị nào đó trong lớp học này thì tâm của tôi dính vào người đó. Tâm đó là tâm ý. Dính vào người đó thì người đó là cảnh. Và khi đó tôi chỉ biết chỉ thấy người đó thôi, còn bao nhiêu người khác trong lớp này tôi không thấy. Nhưng khi tôi không dính người đó thì cảnh trở thành không với tôi và tâm ý tôi không ở trên người đó khi ấy tôi sẽ thấy hết cả lớp. Đó gọi là “Bao hàm vạn tượng”.

Như giữa ban ngày, ban mặt mà có người dám đập tủ vàng để hột vàng ở giữa chợ và bị cảnh sát bắt. Hỏi tại sao giữa ban ngày đông người như vậy mà anh dám đập tủ vàng?

Anh ta trả lời:

Khi đó trước mắt tôi chỉ có vàng.

Người ăn cướp trả lời như vậy là vì lúc đó tâm ý của họ để vào tủ vàng và tủ vàng là cảnh của anh ta. Tâm ý và cảnh ngay đó dính trong nhau vì vậy anh không còn thấy ai xung quanh nữa ngay cả cảnh sát, công an đứng đó anh cũng không thấy nữa. Chuyện dính mắc làm nên tội lỗi là do vậy đó.

Do mình có tâm ý dính cảnh và tạo nên cảnh, vì vậy tạo nên sự tội lỗi cho mình. Thật ra cảnh có không phải tự nó có. Cảnh có là do tâm ý khởi.

Cảnh là cảnh của Tự Tâm chớ nguyên cảnh không tự là cảnh nên mình đừng đổ thừa tại cảnh mà tôi sinh mê. Do vì mê mới sanh cảnh, dính cảnh.

Khi tôi còn trẻ, hai mươi mấy tuổi bước chân vào tu viện. Lúc bấy giờ tu viện cấm đọc sách báo. Những sách ngoài chương trình học là không được đọc. Một hôm có một món đồ được gói bằng giấy báo thì ghiền đọc nên mở tờ báo ra đọc mà tờ báo có chút xíu. Mở ra thì thấy hình một cô gái quảng cáo kem đánh răng Perlon, cô gái rất giống người tôi yêu trước kia.

Quá khứ chỗi dậy liên tưởng tới người yêu. Và để diệt điều đó tôi vò tờ báo liệng đi. Sau đó tôi nghĩ tại sao mình phải làm như thế? Mình tu mà làm như vậy là không được, tôi mới lượm tờ báo lên vuốt lại phẳng phiu dán trên đầu giường. Tôi cho phép nhìn, không chạy trốn nữa.

Mới đầu nhìn tôi còn thấy nhưng vài ba ngày sau tôi nhìn mà không thấy nữa, hông phải mảnh giấy báo mất, nó vẫn còn đó. Nhìn mà không thấy người ở trên báo và nhiều lần thử nhìn cũng không thấy nữa. Lúc đó mới xác định rằng mình không còn thấy, không còn nhớ nghĩ đến nữa tôi mới gỡ xuống bỏ vô giỏ rác.

Tấm giấy báo là cảnh. Thấy cảnh sanh tình. Thực sự điều đó cũng chưa phải. Mình không tỉnh giác thấy cảnh tình sanh vì mình đang mê, đang sống bằng tâm ý để tâm ý lang thang thành ra cảnh. Còn khi mình tỉnh giác thực sự không sang tâm ý nên mảnh báo kia không thành cảnh nữa và chỉ là ánh nhìn trong sáng thôi.

Từ ánh nhìn trong sáng đó tiêu dung hết tất cả những cảnh sắc ở trước nó nên không còn tác động đối với mình nữa. Với ánh nhìn bình thản nhìn đến đâu thì cũng không ngoài TÂM của mình.

Từ nơi Tánh Không nhìn ra thì tất cả không ngoài Tánh Không. Nên khi chúng ta thấy bằng Tánh Không thì không có gì xảy ra với mình, khi đó mình không có dính mắc một thứ gì cả.

Mỗi người chúng ta đều có một ánh nhìn như thế, một ánh nhìn trong lặng. Rất tiếc là chúng ta không sống được bằng ánh nhìn trong lặng đó một cách liên tục. Có mà không chịu sống cho nên mỗi thứ đều trở thành cảnh với mình. Và mình bằng tâm ý đón nhận cảnh cho nên có lắm chuyện xảy ra với mình.

Lỗi không phải tại cảnh mà lỗi ở chỗ mình đánh mất Tánh Không, không sống được bằng Tánh Không vì vậy cảnh trở thành cảnh thực sự làm chúng ta động tâm, dính nhiễm ở trên cảnh sắc.

Khi các vị hiểu ra được Tánh Không thì sẽ có một cách giải quyết rất tốt về các thứ dính nhiễm, các thứ ghiền của mình. Từ cái ghiền nhỏ cho tới cái ghiền lớn như ghiền thuốc hút, trà, cà phê cho tới ghiền tiền bạc, ghiền vợ chồng, con cái… chúng ta sẽ giải quyết một cách nhẹ nhàng.

Cho nên Tuệ Trung Thượng Sĩ nói rằng: “Một lần phủi giũ một lần xong”. Mình có năng lực đó nhưng mình không hay, không biết. Lẽ ra người xuất gia là những người phủi giũ một cách tài tình như vậy, cũng như năm phút là phủi giũ xong mái tóc của mình nhưng tất tiếc là có người tu cả đời cũng không phủi giũ nổi.

Đó là vì không hiểu rõ về chuyện này, cứ thấy cảnh và tâm ý là thật, do đó cảnh và tâm ý ràng rịt, trói buộc mình hoài. Mình đổ thừa tại hoàn cảnh. Đâu phải hoàn cảnh mà do mình sống trong mê rồi trở thành hoàn cảnh.

Như mình với Phật là mấy hoàn cảnh? Phật ở trên cõi Ta bà, mình cũng ở trên cõi Ta bà nhưng đức Phật giải thoát còn mình lại trầm luân sanh tử. Đó không phải tại hoàn cảnh. Chỉ tại vì mê còn Phật thì giác.

Phật không bị hoàn cảnh làm ảnh hưởng, Ngài tiêu dung được hoàn cảnh, bao nhiêu hoàn cảnh là bấy nhiêu TÂM của ngài. Còn mình không sống được bằng Tâm Không, mà chỉ sống bằng tâm ý nên dính mắc lằng nhằng đủ chuyện.

                   Chẳng thấy tinh, thô.

                   Lòng yên dứt sạch.

Chẳng thấy nhỏ, lớn thì lòng tự yên. Chỗ tu này rất đơn giản, không phải công phu gì nhiều chỉ cần có cái thấy chính xác.

Như thế nào thấy đúng như thế nấy. Không có niệm nhỏ, không có niệm lớn thì lòng mình tự yên và dứt sạch mọi phiền não.

Như các vị nhập hạ ở đây có khi không yên là vì các vị nhớ tới chùa, nhớ tới Phật tử. Khi nhớ nhiều gọi là thô, nhớ ít gọi là tinh. Có nhớ nhiều, nhớ ít nên ở tu không yên, cứ xao xuyến trong lòng hoài. Muốn cho yên móc điện thoại ra alo. Nói chuyện chút nghe yên yên, tưởng là yên thật nhưng không ngờ nói chuyện chút lại kéo nhây làm cho nhớ thêm, dính mắc nhiều hơn nữa.

Chúng ta không mạnh dạn cứ sử dụng alo hoài làm chúng ta ở tu không yên. Khi chưa giải quyết được lòng mình thì phải ngắt nó đi đừng để dây dưa. Đó là chỗ gây tai nạn cho mình.

Giống như tài xế chạy xe cứ nghe alo hoài thì coi chừng bị tai nạn. Vì vậy công an cấm tài xế nghe alo, gặp là phạt, điều đó rất phải. Đang lái xe mà nghe những tin xấu là lạc tay lái liền trong khi xe chở mấy chục hành khách. Dó là chuyện rất kinh khủng, không phải chuyện thường nên hạn chế đừng xài alo được chừng nào là tốt chừng nấy.

Không xài alo mà vẫn bình thường được, đó là con người hạnh phúc. Biết tu rồi mình phải tự hiểu ra, chuyện không cần thiết nên dứt khoát liền, đừng để lăng xăng. Một cái đầu lăng xăng còn mệt, thêm cái alo nữa càng phiền phức hơn.

Ở đây nói rất dễ hiểu:

Chẳng thấy tinh thô,

Lòng yên dứt sạch.

Tuy chúng ta tu chưa thành Phật nhưng lòng mình được yên dứt sạch mọi phan duyên. Cái tâm phan duyên là cái tâm lằng nhằng, dính mắc là tâm làm rắc rối cuộc đời mình.

Tu là tạo cho mình một đời sống làm sao cho cõi lòng mình được yên, dứt sạch mọi dây mơ rễ má, nên phải không có tâm phan duyên. Mà muốn không có tâm phan duyên chúng ta phải tĩnh lự. Muốn tĩnh lự phải hành thiền.

Hiểu điều này thì chuyện giữ lòng trong lặng không phải là chuyện khó vì vốn chúng ta đã trong lặng rồi mà chúng ta không hay không biết để cho mình vướng víu, đánh mất đi sự trong lặng.

Một “Không” đồng hai,

Bao hàm vạn tượng.

Chẳng thấy tinh thô,

Lòng yên dứt sạch.

Điều này giống như cảnh trời hôm nay. Ngoài trời mưa lớn rồi mưa nhỏ, mưa lất phất. Dầu mưa lớn, mưa nhỏ thì những giọt mưa đó cũng có khả năng làm ướt hết những thứ ở trong nó như mái nhà, mái ngói, đường sá, cây cảnh… Nhưng có một thứ không ướt đó là hư không. Mưa nhỏ, mưa lớn gì hư không cũng không bị ướt vì những thứ có ra đều từ trong hư không cho nên không thể làm ướt được hư không.

Đang mưa ầm ầm nếu có máy bay, bay vọt lên trên bay qua khỏi trận mưa rồi thì trên đó không có mưa. Nói rằng mưa đầy trời nhưng thật ra nó chỉ đầy trước mắt mình thôi chớ không đầy trời.

TÂM mình giống như bầu trời. Những niệm thô, tế, dày, mỏng giống như trời mưa. Những niệm thô tế làm ướt mắt, tâm ý của mình nhưng không làm sao ướt được TÂM bản thể vì nó là những thứ ở trong TÂM bản thể.

 TÂM bản thể giống như hư không. Niệm thô, niệm tế giống như trời mưa. Mưa thế nào cũng không làm ướt được hư không thì niệm thô, niệm tế cỡ nào cũng không đụng chạm gì được tới cái Tánh Không của mình.

Rất tiếc nhiều người không hiểu về điều đó, dù không hiểu nhưng nó vẫn là sự thật. Cho nên sau khi khóc than, mình vẫn chơi đùa vui vẻ trở lại như thường là vì mình có cái bản TÂM không bị ảnh hưởng gì. Đó là sức sống đích thực của mình.

Nếu chưa thấy chuyện đó ở ngay TÂM của mình thì nên thấy qua cảnh trời mưa và hư không để có thể hiểu ra mưa có ướt hư không đâu mà sợ. Những niềm đau nỗi khổ có ướt được TÂM thể của mình đâu mà lo.

Rõ ra được TÂM thể rồi thì trong đó vốn không có niệm tinh, thô nào hết. Như máy bay khi bay lên không rồi thấy trên đó không có giọt mưa nào cả. Chúng ta có TÂM thể rất mầu nhiệm mà không biết, cứ sống bằng tâm ý vẩn vơ, vơ vẩn cho nên khổ hoài.

Khi tu chúng ta không dám yên lặng, không dám ngồi thiền, cứ mãi lo tụng kinh, niệm Phật, trì chú gì đó vì buông ra là những thứ xa xưa bia bật dậy đầy đầu mình, mình không dám ngồi yên để đối diện với nó.

Những người trung niên xuất gia mà bảo ngồi thiền là cái khổ đối với họ. Không dám để cho quá khứ chỗi dậy nên phải xách kinh, xách mõ đi tụng cho khỏa lấp đi. Tụng và tụng liên tục, điều đó chỉ gây nên sự mệt mỏi trên thân xác và tâm hồn của mình thôi.

Đó là tu theo kiểu học Phật chẳng thông lý. Học Phật mà không ngộ lý mới sinh ra tình trạng tội nghiệp như vậy. Người thông lý, hiểu được lý rồi cũng dễ giải quyết đâu có gì vất vả, khổ nhọc đến thế.

Như bộ phim có những người vai đóng về một vị Tăng, một người xuất gia, khi quá khứ tội lỗi đau buồn bò về thì người diễn viên đó đánh mõ tới tấp, nhắm mắt lại, chau mày, nhíu mày đến độ đánh trật mõ luôn để diễn tả một tâm hồn bi quan của người tu hành đó. Có những ẩn tình, ản ức sao đó mà trở thành như thế.

Học Đạo không thông lý nên tu hành rất mệt mỏi. Nếu hiểu ra được như đây thì chúng ta không phải nặng nề như vậy. Mưa dù lớn dù nhỏ cũng không ướt được hư không. Như vậy chúng ta tu một cách nhàn hạ, không phải gõ chuông, gõ mõ gì mà vẫn thanh thản được ở bên đức Phật.

Chuyện tu quan trọng không phải ở công phu mà ở chỗ phải hiểu lý để rồi công phu. Phải hiểu lý Đạo trước, sau đó công phu mới có tác dụng tốt. Chưa hiểu lý Đạo mà công phu là chuyện rất sai lầm.

Giống như người chích thuốc, chích vô càng bơm mạnh, nhanh chừng nào càng hư chuyện, làm văng kim, xịt thuốc ra bên ngoài, coi như mất tác dụng. Phải chích đàm đầm, êm êm, chích làm sao cho nước thuốc vào được trong gân, trong thịt của mình làm thuốc thấm mới có tác dụng, có giá trị. Chuyện tu cũng giống như vậy.

Người tu phải nhớ hai điều. Tinh tấn, siêng năng là tốt nhưng phải siêng năng như thế nào? Không phải siêng năng một cách bộp chộp. Làm một cách lẹ làng nóng vội thì cái siêng năng đó là sai lầm, hư chuyện. Tu như vậy không đến đâu.

Siêng năng trong nhà Phật dạy rất rõ. Siêng năng là tinh tấn. Sau tinh tấn là hỷ và khinh an. Tinh tấn phải vui tươi, nhẹ nhàng. Muốn vui tươi, thư thả nhẹ nhàng thì phải có hiểu biết. Phải có trạch pháp tức là phải hiểu cái pháp một cách rõ ràng. Có trạch pháp rồi mới bắt tay vào tinh tấn trong niềm vui tươi tỉnh táo, cất nhắc công phu trong nhẹ nhàng thư thới. Như vậy mới thực hiện pháp tu một cách tốt lành.

Tất cả nằm trong pháp “Thất giác chi” hay pháp “Thất bồ đề phần” tức là bảy bước trên đường hành đạo trong phần “Đạo đế” của “Tứ đế”. Chúng ta đã học qua nhưng không biết thực hiện dù đức Phật đã dạy rất rõ.

Ngay chuyện tụng kinh. Trước khi tụng kinh mà chúng ta không biết gì về kinh đó, tụng cứ tụng thì không tốt. Khi tụng chúng ta lại không vui để tụng, đánh chuông đánh mõ không thư thả, chỉ đạp chuông, đập mõ thì thời kinh đó không có lợi ích, làm mất đi những lời Phật đã dạy vì không biết trạch pháp, không có tinh tấn, hỷ, khinh an. Thiếu những yếu tố đó đảm bảo là tu không tốt dù tu pháp môn nào.

Tụng kinh, niệm Phật, hành trì gì thì cũng phải đi đúng các bước đó. Điều quan trọng nhất là trạch pháp. Phải có sự hiểu biết trong pháp tu. Nếu tu mà không có hiểu biết, cư tu đại, tu đùa thì hết sức đáng tiếc. Tu vậy không có kết quả, chẳng khác nào phá hoại đường tu của mình. Nên trước khi tu cần hiểu rõ lý Đạo rồi sau đó hãy tu.

Đại đạo thể khoan

Vô dị vô nam

Tiểu kiến hồ nghi

Chuyển cấp chuyển trì.

Dịch:

Đạo lớn thể rộng

Hông dễ hông khó

Hiểu cạn ngờ nghi

Lật đật chậm thêm.

Tột cùng của Đạo là cái thể mênh mông. Giống như hư không mênh mông, không phải dễ mà cũng không phải khó nhận ra. Nếu chúng ta cứ lo bám chấp ở trên cảnh sắc thì dẫu hư không sờ sờ trước mặt chúng ta vẫn không thấy được.

Hư không là sự thật nhưng một ngày chúng ta thấy hư không được mấy lần? Chúng ta làm tối mặt tối mũi có rảnh rang đâu mà thấy hư không.

Những lúc chúng ta nằm nhìn mây trắng, ngắm hư không được đó là những lúc chúng ta rất thanh thản.

Hư không vẫn luôn sờ sờ trước mắt nhưng vì mình lo dính người, dính vật, dính cảnh nên không thấy cho nên gọi rằng khó. Nhưng nếu mình không dính mắc thì hư không lúc nào cũng sẵn, muốn thấy là thấy thôi cho nên trở thành dễ.

Cái Đạo cũng giống như hư không trùm khắp từ trong cho đến ngoài con người của mình. Đâu cũng là Đạo, nhưng chúng ta không biết ra vì chúng ta chấp và dính mắc vào cảnh sắc. Nếu ai không nặng và không dính vào cảnh sắc thì người đó rất dễ thấy Đạo. Nên nói cũng khó, cũng dễ là vậy.

Hiểu cạn ngờ nghi

Lật đật chậm thêm.

Người hiểu cạn cợt là có ngờ nghi. Không lẽ Đạo lại dễ vậy sao? Nghĩ rằng cái Đạo phải là một cái gì khó khăn lắm mới tìm ra.  Nghĩ rằng cái Đạo phải là phải là một cái gì khó khăn lắm mới tìm ra. Phải vượt trời, xuyên đất để tìm cái Đạo, chớ cái Đạo sao lại sờ sờ trước mắt được? Sao dễ quá vậy? Nên có nhiều nghi ngờ.

Người tu mà tâm hồn cầu kỳ chừng nào thì càng khó hiểu Đạo chừng nấy. Vì Đạo không phải là chuyện trên trời, hay dưới đất mà là chuyện ngay đây và tại đây.

Nòng nả muốn tu cho nhanh lẹ, tu cho được liền thì càng chậm thêm.

Đó là chuyện nhiều người vướng phải. Có người thì rề rà không tha thiết trên con đường cầu Đạo, học Đạo. Có người lại nồng nàn quá trong việc học Đạo nhưng khi nồng nàn quá lại xa Đạo hơn nên cũng không phải là điều tốt.

Giống như chúng ta muốn nhanh lẹ để thấy hư không thì chúng ta đặt mình để cho tất cả những vật chất xung quanh mìn ngã sập hết, như vậy trống dễ thấy hư không hơn. Nhưng không ngờ khi đặt mìn nổ tung thì mờ mịt đầy bụi mù lại càng không thấy hư không.

Có những người thấy như là tinh tấn lắm nhưng lại không thấy Đạo. Nên nhớ tu không phải lật đật làm gì, mà cần phải có cái nhìn cho chuẩn xác, công phu tu phải giữ được điềm đạm không nên tu theo kiểu lóc chóc.

Đức Phật đã dạy một vị Tăng, khi thấy công phu của vị này trông có vẻ quá tinh tấn, nóng vội. Đức Phật kêu đến hỏi:

- Khi chưa đi tu làm nghề gì?

Vị này trả lời:

- Khi chưa đi tu con làm nghề đàn.

Đức Phật hỏi:

- Khi dây đàn dùn thì nghe thấy sao?

Vị này trả lời:

Dây đàn dùn thì nghe rất dở.

Dây đàn căng thì nghe sao?

Dây đàn căng thẳng quá thì nghe chát chúa và dễ bị đứt dây.

Khi đàn không chùn không căng thì nghe thế nào?

Nếu dây đàn không chùn, không căng thì tiếng nghe rất hay.

Nhân đó đức Phật dạy chuyện tu cũng như vậy. Không nên rề rà cũng không nên quá sốt sắng nóng vội. Cả hai thứ đó đều không tốt. Phải điềm đạm thể hiện đời sống trung đạo, đừng rề rà, đừng nóng vội. Điềm tĩnh mà hành đạo, đó mới là chỗ tốt.

Như muốn thấy được hư không, chỉ cần chúng ta không dính mắc về cảnh sắc là có thể thấy hư không. Vì hư không không bị che chắn, nên không cần phải xua cái này, dẹp cái kia gì cả. Chỉ cần gỡ cái dính vào cảnh sắc thì hư không ngay đó hiện tiền.

Cũng không cần phải chạy cho nhanh, chạy cho lẹ mong tìm cho ra hư không. Chạy nhanh, chạy lẹ vấp té cũng không thấy hư không. Lật đật chỉ làm chậm thêm.

Lý Đạo sờ sờ trong cuộc sống chúng ta. Đạo vốn đầy ắp ở các căn. Căn nào cũng có Đạo nhưng chúng ta không thấy, nghe, ngửi… được Đaọ là vì ở chỗ đó có vướng gì đó, chúng ta gỡ nó đi thì sẽ nhận ra, hay ra cái Đạo. Đó là chuyện nhẹ nhàng, không có gì nặng nề.

Sở dĩ chúng ta làm không nổi là vì chúng ta chấp nặng quá, chấp từ bao nhiêu đời không hiểu ra cái đơn giản đó nên làm không được.

Giống như hình ảnh của Bồ Tát Di Lặc bị năm, sáu đứa nhỏ chọc ghẹo móc mắt, móc tai, móc mũi, móc miệng, móc rốn mà Ngài vẫn tỉnh bơ, cười một cách thoải mái. Tu là ở chỗ đó. Chúng ta có hoan hỷ để mà xả không? Hoan hỷ mà xả thì xả rồi là vui. Vui mà xả nên bị lục tặc móc, nhéo mà vẫn cười. Bí quyết là ở chỗ phải vui mà xả và có xả thì mới vui.

Nên hạnh tu của Ngài Di Lặc được gọi là hạnh hỷ xả. Mình phải biết để tu theo như vậy. Phải hỷ mà xả và xả thì được hỷ. hai cái đó làm nhân làm quả với nhau.

Quan trọng là cần phải hiểu ra vấn đề. Tu giống như gỡ một cuộn chỉ rối. muốn cho nhanh chúng ta bứt, giựt làm nó càng rối thêm. Mở chỉ rối là chúng ta phải hết sức tỉnh táo, không nên vội vã, hấp tấp. Tìm ra được mối của nó rồi chúng ta mở dễ dàng, đơn giản.

Đừng nghe nói tu mau kẻo trễ rồi mình tu vội tu vàng, tu quyết liệt nhưng không ngờ đó là chuyện bị xúi dại. Tu là phải điềm tĩnh mà tu, không lăng xăng bộp chộp. Đừng nói đến tháng 12 này tận thế rồi nên phải tu quyết liệt, tu cho lẹ.

Đức Phật nói mạng người sống chỉ trong hơi thở. Một hơi thở ra không hít vào là xong ngay. Tại sao chung ta không sợ mà sợ đến tháng 12? Đó là chuyện rất tầm bậy. Mạng người sống chỉ trong hơi thở chớ không phải sống mấy tháng như vậy đâu. Đó là điều chúng ta đã không khéo, mất bình tĩnh, chạy đôn chạy đáo như vậy không tới đâu hết.

Biết rằng con người sống trong hơi thở thì hãy tỉnh táo mà tu. Tu từng hơi thở để rồi ngay trong hơi thở mà có chết đi chăng nữa thì vẫn là chết trong thể Đạo, mà chết trong thể Đạo thì có gì đáng nói đâu. Đã thể nhập vào đại Đạo rồi thì cái thân tứ đại này có chết bao nhiều lần cũng chẳng sao, không còn là chuyện quan trọng nữa. Hiểu ra được điều này nên người xưa nói rằng: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỷ”. Nghĩa là: “Sáng nghe Đạo, chiều chết cũng vui”. Có gì đâu mà phải đau khổ, lo sầu.

Đạo đang ở trong ta và quanh ta nên không phải bồn chồn nóng vội. Phải thực sự tỉnh táo để nhận ra cái Đạo ở nơi mình. Khi nhận ra Đạo rồi sẽ an vui mà hành Đạo, an vui từ giã cõi đời không có gì phải lo.

Người biết tu chỉ ngại rằng mình chưa đạt Đạo. Đó là điều quan trọng nhất đời.

Ngài nói tới nói lui là làm sao cho mình nhận ra được thể Đạo. Có được thể Đạo rồi chúng ta tu mới tốt, mới thực sự là người hành Đạo, chưa được thể Đạo thì không thể gọi là người hành Đạo được.

Tu không phải làm cái này, làm cái kia mà tu là làm thế nào để cho mình ngộ ra, hay ra, nhận ra được cái Đạo. Phải mà sao thấy ra được cái Đạo ở tại mình. Đó mới là cái quan trọng.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã bỏ hết cung thành, điện ngọc, vợ đẹp, con xinh để vô rừng tìm Đạo nhưng rốt cuộc Ngài không thấy Đạo ở trong rừng mà Ngài thấy Đạo ở nơi chính mình.

Bấy giờ nhiều người lại không hiểu điều đó. Có người cũng học theo Phật bỏ nhà, bỏ cửa đi vô rừng để tìm Đạo. Đó là điều sai lầm. Đạo không có ở trong rừng, Đạo không ở đâu hết mà Đạo ở ngay mình.

Sở dĩ đức Phật bỏ cung thành, điện ngọc, vợ con là vì đức Phật không hiểu về cái Đạo nên Ngài mới bỏ như vậy mà đi. Khi ngài hiểu ra Đạo rồi Ngài không lánh cung thành, điện ngọc, vợ con nữa mà Ngài trở lại với cõi đời. Ngài trở lại cung thành thăm phụ hoàng, để gặp lại người bạn đời của mình và gặp lại đứa con thuở trước, gặp hết bao nhiêu người mà không trốn chạy.

Vì cái Đạo Ngài muốn tìm nó ở trên từng hơi thở, từng bước đi của Ngài. Ngài ở đâu thì Đạo ở đó, Ngài sẵn sàng trở về cung nội mà không có gì chướng ngại.

Nên có vị nói rằng: “Vô ngại là Đạo”. Đạo là một đời sống không ngại. Nếu cảm thấy chướng ngại một cái gì đó là chúng ta mất Đạo rồi.

Khi đã ngộ Đạo, đạt Đạo thì nơi nơi đều là Đạo. Đạo là không chỗ nơi. Nếu nói có chỗ nơi thì Đạo là ở trong Tâm mà Tâm không có chỗ nên Đạo là thênh thang.

                             Chấp chi thất độ,

                             Tất nhập tà lộ.

                             Phóng chi tự nhiên,

                             Thể vô khứ trụ.

Dịch:

                             Lòng chấp mất chừng,

                             Ắt vào đường tà.

                             Hãy thả tự nhiên,

                             “Thể” chẳng đi ở.

Lòng hay chấp làm mất đi cái chừng mực. Như mình vội vã lăng xăng, mất chừng mực làm chuyện tu của mình không tốt.

Tu là không chấp mà chúng ta lại lấy cái chấp để mà tu cho nên cái tu đó rất đáng tiếc. Như chúng ta chấp Thiện là tốt hơn cái chấp Ác nhưng nó cũng làm mất đi cái chừng mực ở nơi bản Tâm của mình.

Cái Niệm làm nên chấp, khi chúng ta chấp một thứ gì đó đều có Niệm hết. Nói người này tu mà chấp quá, đó là người tu mà hay khởi Niệm. Niệm là chất keo để dán dính Căn Trần, dán dính cái Pháp.

Nếu không có Trần thì nó dán dính cái Pháp tức là dán dính pháp tu làm cho pháp tu của mình không được trơn tru, linh hoạt cho nên phải rõ Niệm là cái chấp.

Tu phải dè dặt chớ sống bằng Niệm, chớ sống vì Niệm.

Có Niệm là có cái không hay, nó không giúp cho pháp tu phát triển cũng không giúp cho công đức của mình có thêm. Như chuyện của Ngộ Đạt Quốc sư là vị gọi là:

                   Sa di thuyết pháp sa môn thính.

                   Bất tại niên cao tại tánh linh.

Vị đó còn sa di nhưng thuyết pháp rất hay đến độ các bậc sa môn là các bậc Thầy còn phải nghe. Khi vị sa di này có tiếng tăm vang dội như vậy thì được nhà vua kính nể và tôn sùng, tôn vinh Ngài lên làm Quốc sư.

Lễ tấn phong Quốc sư, Ngài được nhà vua cúng dường cái tòa trầm hương có mùi thơm đặc biệt quý giá vô cùng. Khi đó Ngài khởi niệm thích về tòa trầm hương này.

Khi Ngài vừa khởi ý thích đó thì thấy từ bên ngoài có một cục lửa bay xẹt vào bắp vế của Ngài. Sau đó bắp vế bị u nhọt và hành đau nhức vô cùng. Nhà vua cho ngự y đến trị nhưng càng trị thì càng lở loét đau nhức và lở ra thành một vết lở lớn trông như mặt người nên gọi là “ghẻ mặt người”. Ngự y dốc lòng chữa trị mà không hết.

Vì thấy ghẻ hình mặt người hàng đau nhức quá nên có người nói rằng ghẻ mặt người đói bụng đòi ăn. Nên có người lóc thịt để cho nó ăn. Để miếng thịt vô mụt ghẻ thì lần lần tiêu mất miếng thịt đó. Cứ mỗi lần bị hành đau nhức là lóc thịt cho nó ăn. Tạm thời thì không đau nhức nhưng đó là nỗi khổ của Ngài vì miệng ăn chay nhưng cái đùi lại ăn thịt. Ngài rất khổ tâm làm cho chuyện tu hành rất khó khăn, vất vả.

Một hôm, Ngài sực nhớ ra trong thời kỳ đi hành khước Ngài gặp một ông già ghẻ lác không ai ngó ngàng gì đến ông, Ngài mới chăm sóc tắm rửa, thuốc men cho ông già ghẻ lác đó. Cuối cùng thì khắc phục được bệnh ghẻ lác của ông già. Trước khi chia tay ông già trao cho Ngài một phong thư và dăn rằng: “Khi nào có điều gì bất an, khó xử, khó giải quyết thì hãy coi theo phong thư đó mà giải quyết.”

Giờ nhớ lại chuyện đó Ngài mới lục tìm phong thư. Theo sự chỉ dẫn Ngài phải đến một ngọn núi, nhìn lên thấy có một cây dương cao. Dưới cây dương có một cái am, bên cái am có một hồ sen. Hãy đến đó múc nước hổ sen rửa thì vết thương sẽ khỏi. Nghe vậy, mừng quá Ngài mới sắp xếp đi lên ngọn núi theo sự hướng dẫn trong phong thư thì thấy đúng là có cây dương như thế. Ngài đi tới nơi thì thấy rõ có cái am và có hồ sen. Ngài mừng quá, xuống hồ sen định phát nước rửa mụt ghẻ nhưng từ mụt ghẻ phát lên tiếng nói:

- Khoan đã. Chờ ta một chút. Thực ra ta với ngươi trước kia là bạn. Ta là Triệu Thố đây. Cũng là chỗ bạn bè thân thiết, ta với ngươi cùng đánh cờ. Hôm đó ngươi đánh ba bàn thì thua ta hét cả ba bàn. Ngươi giận quá lấy bàn cờ xán lên đầu làm ta vỡ sọ mà chết.

Kể từ đó ta nguyền sẽ báo ngươi. Nhưng vì ngươi biết tội lỗi mà xuất gia đầu Phật và lo chuyên tu. Ngươi tu một cách miên mật khít khao nên ta không có dịp trả thù rửa hận. Mãi đến khi ngươi nhận tòa trầm hương, ngươi phóng tâm tham dính cho nên ta có cơ hội nhập vào. Đến hôm nay cũng do công đức tu hành của ngươi, ta thấy rằng việc trả báo như vậy cũng đủ rồi, đến đây là xong việc của hai ta.

Sau đó, Ngài phát nước rửa, mụt ghẻ từ từ lành hẳn.

Chuyện đó được các giới tu hành trong Phật giáo Bắc tông biết nhiều lắm. Điều đó cho thấy rằng sự khởi niệm là một vấn đề. Tu mà có khởi niệm bậy bạ nhất là khởi niệm về tham chấp là điều không hay cho đường tu của mình. Đó là bài học lớn cho chúng ta. Đừng khinh thường cái Niệm dù nó là nhỏ. Cũng như đừng khinh thường một đốm lửa nhỏ nó có thể thiêu rụi một khu rừng.

Một Niệm nhỏ có thể làm tiêu tan sự nghiệp tu hành mất hết công đức. Khi tu mà có mộng Niệm chấp nào đó thì chính cái Niệm chấp đó làm hư hại đường tu, làm mất cái chừng mực Tâm Tánh của mình. Chúng ta phải lưu ý về những cái nhỏ mà đừng khinh thường. Một Niệm nhỏ thôi nhưng có khả năng hại chúng ta thê thảm.

Giống như một chiếc thuyền đi biển, đi sông mà chở khẳm chỉ cần bị xì nước bằng mũi đinh thôi thì chiếc thuyền đó cũng có thể bị chìm như thường. Việc nhỏ mà không biết giữ, không cẩn thận thì trở thành việc lớn làm hư hại cả công đức của chúng ta. Sự hư hại đó ắt vào đường tà. Từ một sự khởi niệm chấp vào cái thiện, chấp vào cái tu sẽ khiến mình đi vào đường tà.

Người không biết tu thì không lấy gì làm sợ. Giống như người không biết giữ rừng thì không biết sợ đốm lửa của tàn thuốc, tàn nhang. Đến khi thành ngọn đuốc, thành bó lửa thì mới biết sợ. Nhưng những người canh rừng có chuyên môn họ rất sợ các tàn nhang, tàn thuốc. Các vị đi núi vào mùa khô thỉnh thoảng sẽ thấy trên các tảng đó có dòng chữ cấm “Không được đốt nhang” “Không được hút thuốc”. Đó là người chuyên môn biết sợ những điều nho nhỏ.

Người biết tu rất sợ chuyện khởi Niệm dù là Niệm nhỏ xíu cũng phải dè chừng không để xảy ra. Khi dụng công nên hiểu ra chỗ này.

                   Lòng chấp mất chừng.  

                   Ắt vào đường ta.

Có những người tu thời gian nghe lại thì họ đã đi vào đường tà hồi nào không hay. Họ không biết và những người xung quanh cũng không biết.

Chuyện để đi vào đường tà là gì? Nếu hỏi kỹ lại rõ ràng là họ có những ý niệm chấp vào một cái gì đó và những ý niệm đó không phải là ý niệm tốt. Dầu có ý niệm tốt đi chăng nữa thì cũng vẫn sanh vào đường tà mà thôi. Khi tu chớ nên chấp vào cái pháp. Đây là chỗ các vị phải cẩn trọng.

Lời của Tổ nói là lời của người có kinh nghiệm trên đường tu không phải của người thông thường.

Người biết tu là người phải biết đề phòng về sự khởi niệm, về sự chấp vào pháp tu của mình. Nếu nói như đây thì vô số người tu của mình bị vướng kẹt. Thay vì đạo Phật là chánh pháp nhưng do vì không hiểu lại biết thành tà pháp. Cho nên chớ khởi niệm tầm bậy, chớ có nghĩ tầm bậy dù là cái nghĩ chơi đi chăng nữa cũng không nên.

Chúng ta biết rằng tâm thức rất bén nhạy, nhạy hơn máy cassette nhiều. Khi mở máy cassette mà chúng ta tằng hắng hoặc nói một cái gì đó có cũng thâu vô dù là nói chơi. Khi khởi niệm thì bộ máy tâm thức như camera mở thường xuyên, kiểm soát 24/24 nhúc nhích động tĩnh gì là nó thâu vô liền.

Mình khởi niệm một chút nhỏ cũng thâu vào trong tâm thức của mình để làm nhân và khi gặp duyên thì lưu xuất. Nhân gặp duyên thì muôn nghiệp thành quả báo. Cho nên cả chuyện nói chơi, nghĩ chơi cũng không nên có. Tam thức vô hình nhưng bén nhạy vô cùng.

Cái bộ nhớ của máy vi tính còn có thời hạn, khi bấm nút lệnh mới làm. Còn tâm thức thì khỏi cần bấm nút. Chúng ta nghĩ gì nó ghi hết không chừa cái nhỏ, cái lớn nào. Tự nó sẽ cộng duyên rồi phát tác thành ra quả báo cho chúng ta, mà quả báo đó là quả báo xấu ác cho nên chúng ta nhập vào ta lộ thôi.

Phải biết ngoài ra còn có những chúng sinh ở dạng vô hình mà chúng ta thường nói là ma, quỷ, thần thánh họ nhận được tín hiệu và đáp ứng cho tín hiệu đó. Mình có tâm tham cầu cái gì đó nhiều khi họ cũng giải quyết cho mình rồi mình tưởng rằng cái tâm của minh linh, tưởng rằng mình hay.

Đâu ngờ những tín hiệu của mình bị ma, quỷ hay biết. Nó sẽ đáp ứng cho mình một lần, hai lần. Mình ăn quen đến một lúc nào đó mình bỏ mạng vì nó. Nên người biết tu rất sợ về chuyện khởi niệm.

Như vị Thiền sư trụ trì một ngôi địa già lam. Một hôm thị giả bưng mâm cơm và trượt tay làm rớt đổ bể hết mâm cơm. Vị Hòa thượng mới rầy thị giả làm hư hại đồ thường trụ, làm tiêu hao của đàn na tín thí. Khi Ngài rầy cũng có chút sân nổi dậy. Ngay khi đó có một người áo mão xanh quỳ xuống trước Ngài để ra mắt. Ngài hỏi:

- Ông là ai?

Người áo mão xanh mới nói:

- Con là thần núi ở nơi này. Bấy lâu nay nghe tiếng Hòa thượng mà không thấy, tìm hoài không gặp. Hôm nay rất may được gặp Hòa thượng. Con xin ra mắt.

Nếu mình tu hành mà được một vị sơn thần ra mắt như vậy thì sẽ thấy vinh hạnh. Nhưng lúc đó vị Hòa thượng mới giựt mình hay ra mình đã tạo nên lỗi lầm cho nên lắc đầu mà buồn. Vì khi rầy thị giả có chút nổi sân, cái Niệm phóng ra là có kẽ hở hiện nguyên hình của vị trụ trì. Đó là cơ hội khiến cho sơn thần thấy ra. Tu hành như vậy là một sự sơ xuất.

Rồi một vị khác là Vương lão sư tức là Tổ Bách Trượng. Tổ ở núi cao và đại chúng rất đông chiếm hết cả ngọn núi. Khu vực ở dưới chân núi gọi là nông thiền là nơi để làm ruộng kiếm lương thực cho đại chúng.

Một hôm Ngài từ núi cao xuống nông thiền để thăm và thấy chúng ở nông thiền chuẩn bị tươm tất đón chào Ngài rất nghiêm chỉnh. Thấy vậy Ngài mới hỏi vị tri sự:

- Ta đi không có cho ai hay vậy tại sao các ông biết mà tiếp đón vậy?

Người tri sự mới trả lời:

- Dạ. Đêm hôm thổ địa mách, sáng nay Hòa thượng sẽ quang lâm.

Nghe qua Ngài lắc đầu than rằng:

- Vương lão sư tu hành vô lực để quỷ thần thấy tâm.

Do vì đêm ngủ Ngài có khởi nghĩ sáng mai đến thăm nông thiền mà thổ địa hay biết cái tâm của Ngài.

Người tu là phải giữ tâm của mình khít rim không để bỏ ngõ, muốn phóng đi chừng nào thì phóng. Như vậy, chỗ khởi Niệm, chấp vào cái pháp nào đó sẽ đi vào lối tà mà thôi, không phải chánh Niệm.

Chánh Niệm trong nhà Phật phải là vô Niệm.

Dù là Niệm Phật cũng chưa là chánh Niệm. Có Niệm là mất chánh Niệm. Chánh Niệm phải là hông Niệm. Đó là điều chúng ta phải hiểu mặc dù chúng ta chưa có trình độ sống vô Niệm hoàn toàn nhưng ít ra chúng ta cũng phải hiểu như vậy để đừng lầm chấp rằng phải có Niệm gì đó để gọi là chánh. Hiểu như vậy là chưa đúng. Đó là có Niệm chấp gây mất chừng cho nên vào đường tà. Không người nào đi vào đường tà mà không phải từ sự khởi Niệm.

Để có định thật sự phải không chấp vào một pháp nào, không có sự khởi Niệm nào. Định là cái chung của nhà Phật không phải định là của pháp môn này hay pháp môn kia. Định là Samadhi, chúng ta phải biết để tránh đi những tình trạng không hay.

Hãy thả lỏng một cách tự nhiên không để sinh ra một niệm nào gọi là nhất niệm Quy y.

                   Hãy thả tự nhiên

                   “Thể” chẳng đi ở.

Thể Đạo chẳng đi chẳng ở vì thể Đạo vốn đầy ắp bất động. Nếu chũng ta khởi nghĩ rằng mình nên đi hướng vào để tìm gặp hư không thì đó là một sự sai lầm. Vì hư không hông đến, không đi nó vốn là đầy ắp bất động. Thể Tánh của mình cũng vậy. Nếu mình nghĩ rằng phải đi hướng nào, phải làm sao để tìm là mình không hiểu chuyện.

Một thí dụ rõ hơn khi chúng ta ở trong biển nước, xung quanh mình chỗ nào cũng mà mình không chịu uống lại khởi nghĩ rằng hãy đi về phía trước hay đi về phía sau, qua bên phải, qua bên trái để uống nước thì chúng ta sẽ chết khát trong hồ nước. Trong hồ nước mà vẫn chết khát vì không hiểu rằng nước bao quanh mình. Muốn uống chỉ cần há miệng ra là có nước liền. Vậy mà không biết lại còn tính Đông, tính Tây, tính Nam, tính Bắc. Đó là chuyện sai lầm đi vào tà lộ. Đoạn này Ngài nói ngắn gọn nhưng rất hay:

                   Lòng chấp mất chừng,

                   Ắt vào đường tà.

                   Hãy thả tự nhiên,

                   “Thể” chẳng đi ở.

Như vậy mình có thể ngộ được Thể Tánh và sống bằng Thể Tánh một cách rất đơn giản.

                   Nhậm tánh hiệp đạo,

                   Tiêu dao tuyệt não.

                   Hệ niệm quai chơn,

                   Hôn trầm bất hảo.

Dịch:

                   Bằng “Tánh” hiệp đạo,

                   Tiêu dao dứt não.

                   Buộc niệm trái “chơn”,

                   Hôn trầm chẳng tốt.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 12228
  • Online: 42