Phật Sự Không Hoa

15/04/2024 | Lượt xem: 996

TT.Thích Tâm Thuần

Bài viết tham dự buổi thảo luận tại Khóa họp mặt Chư Tôn Đức Trụ trì tại TV Thường Chiếu.

Hơn hai mươi năm thừa lệnh Hoà thượng Sư ông, chúng con từ giã Thiền viện Trúc Lâm ra đất bắc. Vừa rồi được ngồi lại cùng huynh đệ trong khoá tu kỷ niệm 30 năm thành lập, bây giờ ai cũng tóc đã pha sương, mỗi người mỗi nơi như những đám mây tụ tán bềnh bồng trên không. Cùng nhau ngồi uống chung trà nóng, ôn lại kỷ niệm xưa, thảo luận bao việc Phật sự, cùng cười cùng nói, rồi lại nâng chén trà, còn lại gì nhỉ?

 

Thầy Trụ Trì TVTL Sùng Phúc và các huynh đệ gặp mặt trong dịp lễ kỷ niệm 30 năm TVTL Phụng Hoàng

 

Hôm nay lại được vân tập về tổ đình, trong một thời điểm đặc biệt, khoá tu họp mặt của các trụ trì nhân dịp có nhiều cột mốc quan trọng: 51 năm Hoà thượng Tôn sư chấn tích khai sơn tổ đình Thường Chiếu, 21 năm thành lập Ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm; và phấn khởi hơn Hoà thượng Tôn sư bước qua tuổi 101, Ngài vẫn khoẻ, vui sống và chứng minh cho các Phật sự. Từ nam chí bắc, huynh đệ tập hợp đông đảo. Chủng duyên tu hành, chúng con cùng được sống trong pháp hội của Sư ông. Người đã mang hoài bão, tâm huyết mà Đức Phật, chư Tổ đã nhắn nhủ gửi gắm tới tất cả chúng sinh:

Nếu không thành đạo

Xương tan thịt nát

Thề không đổi rời

Thầy Trụ Trì TVTL Sùng Phúc tại Khóa gặp mặt trụ trì tại TV Thường Chiếu

Với lời tâm huyết của chư Phật, Sư ông đã ôm ấp hoài bão để rồi nơi trượng thất Pháp Lạc, Sư ông một lòng hướng về Đức Bổn Sư, Sơ Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Ngài đã tỏ ngộ được những gì Đức Phật, chư Tổ tâm huyết mong mỏi chỉ dạy cho chúng sinh. Sau khi được niềm vui lớn trong Phật pháp, Sư ông đã dốc hết tâm huyết của mình để thành lập Tu viện Chân Không, phát triển Thường Chiếu và các Chiếu tại Đồng Nai.

Ngài từng kể: “Từ buổi ban sơ, tôi lên Núi Lớn – Vũng Tàu cất một cái thất lá, để tên là Pháp Lạc thất. Một mình tôi vạch ra lối tu, tự cố gắng nỗ lực công phu, không có bạn, không có người cùng chí hướng. Việc làm đơn độc của tôi cay đắng vô cùng, đã mấy lần khóc trước Phật…”. Sư ông đã tự mình cố gắng nỗ lực, âm thầm vượt qua muôn vàn đắng cay mới có thể khôi phục lại nền đạo pháp, gây dựng lại Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam.

Ngài dạy: “Phật giáo còn là do sự tu chứng của tăng ni. Có tu chứng thì mới truyền bá được đạo. Nếu không tu ra gì mà giữ đạo thì giữ bằng cách nào? Cho nên phải tu cho đạt đạo thì mới giữ được mối đạo”.

Nhân duyên hội đủ, hoài bão lớn lao của Sư ông xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để rồi đem chánh pháp của Phật, đem tâm huyết của Phật của Tổ Sư ông trao truyền cho chư tôn thiền đức. Chúng con ngày nay cũng được hưởng công đức lớn của Sư ông truyền đạt.

Từ Thiền viện Trúc Lâm, chúng con với tài hèn đức mọn, nương đức Hoà thượng Sư ông và tông môn, làm Phật sự nơi đất Bắc. Dù làm được gì thì việc tu cũng không thể quên. Sư ông đã răn dạy: “Tu không thể có thái độ lưng chừng mà phải quyết chí tu cho tới sáng đạo mới được”. Lời pháp nhũ ân cần của Sư ông in sâu vào tâm khảm của tất cả chúng con, nếu không sáng đạo một đời này cũng chỉ loanh quanh bàn và giải quyết việc trong mộng mà thôi.

Giờ đây sinh hoạt cùng huynh đệ, nối tiếp trên Sư ông và chư tôn đức, chia sẻ cùng huynh đệ trẻ về kinh nghiệm hoằng pháp, chúng con luôn nhớ lời dạy của Sư ông làm Phật sự phải với tâm tỉnh táo sáng suốt, không dính mắc, nếu không sẽ thành ma sự. Khi ở Thiền viện Trúc Lâm Ngài đã từng dạy chư Tăng ra làm Phật sự hai điều:

Điều thứ nhất: Khi làm Phật sự đừng chủ quan, nghĩ mình làm việc tốt thì mọi người đều khen và kính mến… Chúng ta phải chuẩn bị trước rằng, khi quyết tâm làm Phật sự, ắt sẽ gặp nhiều khó khăn trở ngại và bất như ý. Chúng ta phải chấp nhận, dù khó khăn gian khổ mấy vẫn phải vượt qua, cương quyết đem thân này phụng thờ chánh pháp…

Điều thứ hai: Cần phải biết rõ, điều mình làm thuận với người này thì sẽ nghịch với người kia…. Những việc mình chủ trương, được một số này hưởng ứng sẽ có một số khác phản đối, không bao giờ tất cả đều bằng lòng. Hiểu như thế khi bị phản đối mình chỉ cười thôi. À, đó là chuyện đương nhiên không sao tránh khỏi, sẵn sàng chấp nhận. Được vậy Phật sự của mình sẽ không thối chuyển. Nếu cứ ngỡ việc của mình chủ trương là hay là tốt, mọi người phải hưởng ứng theo, đến lúc bị phản đối đâm ra nản lòng thì Phật sự mình làm không được vuông tròn.” – (Trích: Tông môn cảnh huấn - tập 3).

Khi xưa Đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài đã thành công trong sự giáo hoá mọi người ở mọi lĩnh vực, mọi căn cơ từ vua chúa cho đến người dân, có thể nói nhờ ba điểm căn bản: thứ nhất trí tuệ cao tột, nhận biết chính xác; thứ hai đạo hạnh cao thâm đến một oai nghi nhỏ nhặt cũng không có lỗi; thứ ba đức từ bi vô ngã rộng lớn bao la.

Chúng con ngày nay về trí tuệ và đạo hạnh đương nhiên không thể sánh với đức Phật, nhưng người hoằng pháp cần phải có những điều như thế. “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, như trong kinh Pháp Hoa nói: “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi toà Như Lai. Nhà Như Lai là tâm đại từ bi, áo Như Lai là nhu hoà nhẫn nhục, toà Như Lai là tất cả pháp đều không”. Dù đối ứng với đối tượng nào, trường hợp nào mà đánh mất ý nghĩa này thì tính cách trụ trì trở thành không ý nghĩa. Cho nên trụ trì không đơn thuần là việc quản lý điều hành cơ sở mà còn là người nắm giữ mạng mạch Phật pháp một cách căn bản nhất. Nếu là một giảng sư hoằng pháp thì chỉ việc thuyết giảng với một điều kiện cần có là tư cách đạo hạnh. Nhưng ở vị trí trụ trì thì rất đa dạng, từ truyền Tam quy cho Phật tử tại gia, giáo dục mở mang nâng cao sự hiểu biết Phật pháp cho quần chúng Phật tử. Đặc biệt đối với tăng chúng, trụ trì không chỉ có trách nhiệm đời sống mà còn là trách nhiệm giáo dục, giảng dạy cấp gia giáo, trách nhiệm pháp lý… ngoài những việc như thế trụ trì còn là chỗ nương tựa tinh thần cho quần chúng. Trụ trì là trung tâm hoá giải những khúc mắc, mâu thuẫn, uẩn khúc của cá nhân, của gia đình các Phật tử. Đồng thời còn là người tư vấn những công việc, sự việc trong đời sống của Phật tử. Vì vậy trụ trì cần phải có: Trí tuệ rộng lớn, kiến thức đa dạng: trong quần chúng Phật tử có nhiều thành phần khác nhau, trình độ khác nhau, cho nên trụ trì cần có đủ kiến thức đáp ứng cho họ, dẫn dắt họ cải tà quy chánh, nâng đỡ họ sự hiểu biết Phật pháp, điều chỉnh họ những hiểu biết chưa đúng với Phật pháp. Học hành thông suốt giáo điển: hiểu biết rõ ràng về hệ thống giáo lý, đúng đường lối pháp môn tu trì. Có tri kiến bất nhị môn mới hoà nhập được với mọi người, mọi quan điểm. Trên hơn cả là tinh thần từ bi, vô ngã: Có tâm từ bi vô ngã rộng lớn thì mới gần gũi được với mọi người, hoà hợp nhẫn nhịn mới được mọi người kính mến nương tựa và mới hy sinh cho sự nghiệp Phật pháp.

Trong hoằng pháp việc hướng dẫn Phật tử tu học không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là bản hoài của vị trụ trì, của người xuất gia. Tổ Quy Sơn dạy: “Thiệu long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu”. Nếu không được như vậy là “lạm xí Tăng luân, ngôn hành hoang sơ, hư triêm tín thí”. Hằng ngày cơm ăn, áo mặc đều do đàn na tín thí dâng cúng, lo liệu cho chư tăng yên tâm tu học, đắc thành đạo quả. Do vậy phải biết đem chân lý của Phật đà hướng dẫn cho họ tu tập, chuyển hoá khổ đau, an vui tự tại. Nếu chỉ lo phần riêng mình, không tổ chức đạo tràng tu tập, tiếp tăng độ chúng, không truyền bá chính pháp thì quả thật không xứng với danh nghĩa trụ trì, càng xa rời bản hoài của người mang lý tưởng giải thoát, giác ngộ, xuất trần thượng sĩ.

Sư ông từng dạy: “Tôi dạy cho Tăng ni Phật tử cả đời nhưng tôi chỉ mong Tăng ni Phật tử có hai việc: Những gì là giả làm ơn biết là giả, đừng có bận lòng mệt mỏi quá nhiều với những cái giả nữa. Những gì là thật nhận chân lại, đừng bỏ quên nó nữa.” Lời thống thiết của Sư ông luôn luôn ân cần chỉ dạy chúng con, vậy mà chúng con nhiều đời chấp thân này là ta, sở hữu này là của ta, bỏ quên đi cái thật mình. Mãi cho tới ngày nay, bao nhiêu thiền viện hình thành phát triển, công đức của Sư ông được lan toả khắp nơi mà chúng con chưa làm được những gì Sư ông mong mỏi.

Những gì Phật nói là sự thật của muôn pháp, các pháp do nhân duyên sinh, các pháp trong quy luật vô thường sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không, sinh lão bệnh tử. Sư ông nhắc nhở chúng con mọi việc trên thế gian này làm Phật sự dù lớn mấy cũng chỉ là tuỳ duyên, việc chính yếu là sáng đạo, giác ngộ lại chính mình. Ngài một đời dốc hết tâm huyết để dặn dò sớm biết được mộng và sớm tỉnh cơn mộng. Mỗi người có sẵn tri kiến Phật, quay đầu nhận lại mình thì đó là bờ giải thoát, chúng con tin hiểu đã nhiều năm nhưng ngày nay, chúng con tự thấy lại mình làm Phật sự vẫn thấy thật nên vẫn mệt mỏi với các duyên, các việc. Như thật mình không già không chết, nhưng chúng con với thân già bệnh yếu này cũng vẫn còn băn khoăn, chưa được lực tự tại an nhiên một cách thật sự.

Một lòng tri ân trên Sư ông, toàn thể chúng con xin hứa nguyện nỗ lực tinh tấn hơn nữa để tinh tấn tu, tỏ ngộ được chân lý vô thường, vô ngã, các pháp do nhân duyên sinh như giấc chiêm bao để dứt chấp hết khổ. Thực hành hạnh hỷ xả trọn vẹn. Tin tâm mình là Phật, khẳng định mình không chết, có được năng lực tự chủ trong kiếp mộng sinh tử này. Cũng để mong:

Đạo tràng thuỷ nguyệt nơi nơi dựng

Phật sự không hoa mỗi mỗi thành

Đó là tấm lòng tri ân của chúng con đối trước Sư ông và chư tôn đức.

Sư ông đã ôm cổ Phụng Hoàng

Người sau tung cánh lướt không gian

Thiền tông rực sáng trời Nam Việt

Chánh pháp hiển vang cả xóm làng

Khơi dậy nguồn Tào vang bốn biển

Mở nguồn chánh pháp khắp muôn phan (phương)

Năm châu bốn biển truyền tông đốn

Người ngộ thiền tông chẳng nghĩ bàn.

 

 

 

 

Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 64771
  • Online: 37