Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức (Phần 1): Kính Bậc Đại Sa môn

15/12/2017 | Lượt xem: 6021

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt

1.Kính Bậc Đại Sa Môn

Sa-môn là gì? Có phải Sa-môn là các thầy mới thọ giới Tỳ-kheo?

Sa-môn là những vị Hòa thượng bốn mươi tuổi hạ, chẳng hạn như Hòa thượng Trụ trì Thường Chiếu. Các ngài có đức độ, có con mắt pháp nhãn, độ chúng sanh rất nhiều mới dám tự đề mình là Sa-môn. Còn mình thọ giới mới có năm năm thì đề là Tỳ-kheo. Nhiều người không hiểu, tưởng Sa-môn cũng như Tỳ-kheo, nên thọ giới năm hạ hay mười hạ cũng đề: Dịch giả: Sa-môn… là trật!

Trong Thiền Sư Trung Hoa có ghi:

Một hôm sau thời thuyết pháp của thiền sư Bách Trượng có một ông già không chịu về. Hỏi tại sao, ông nói:

- Con không phải là người thường, ngày trước con trụ ở núi này, có một người đến hỏi con: Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không? Con nói: Không! Cho nên con bị đọa làm chồn năm trăm kiếp! Nhờ thiền sư chuyển ngữ một lời cho con được giải thoát.

Bậc đại tu hành là gì? Là bậc đại Sa-môn, chứ không phải là Tỳ-kheo nữa. Bậc đại Sa-môn có năng lực tâm linh rất lớn, rất vi diệu để điều phục chúng sanh. Nói Tỳ-kheo là bậc đại Sa-môn là trật.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Kính là kính tín, nghĩa là tôn trọng, nghĩa là có nói ắt tin, có dạy ắt theo, chẳng dám khinh nhờn.”

Chẳng hạn như Hòa thượng dạy xuống điều gì, thà quý thầy không ở trong tùng lâm này, còn ở đây quý thầy phải tin chắc lời Hòa thượng dạy một trăm phần trăm thì quý thầy tu mới đúng, mới có lợi lạc. Nếu phỉ báng lời dạy của Hòa thượng, thì quý thầy đọa địa ngục chắc chắn luôn. Kính là kính tín. Mình tin điều Hòa thượng dạy, nghĩa là tôn trọngnghĩa là có nói ắt phải tin, có dạy ắt theo, chẳng dám khinh nhờn. Nhiều khi Hòa thượng dạy quý thầy cười, các ngài nói khinh nhờn những lời dạy của bậc Sư trưởng. Như vậy kiếp sau ra đời không bao giờ gặp Phật pháp, mà sanh vào trong biên địa hạ tiện, không thấy nghe được Phật, Pháp, Tăng.

Người xưa có câu: “Trọng Thầy mới được làm Thầy”. Chính chúng tôi chứng kiến, mỗi lần thị giả Thầy Thường Chiếu được báo năm hoặc mười phút nữa Hòa thượng Trúc Lâm sẽ điện lại để gặp Thầy Trụ trì bàn một số công việc, Thầy mặc hậu đàng hoàng, nghe điện thoại reng ba tiếng, Thầy xá một cái rồi mới nhấc điện thoại lên. Thầy mặc hậu kính cẩn đàng hoàng giống như đối diện trước Hòa thượng vậy. Tôn kính bậc Sư trưởng như vậy, nên bây giờ Thầy mới được làm Thầy của gần ba trăm chúng.

Thầy Trụ trì Trúc Lâm cũng vậy, tôi đi theo thấy, Hòa thượng dạy sao làm vậy, không dám trái, nhiều khi chúng nói Thầy cứ làm đi, Thầy nói: “Ông cụ còn sống, làm gì cũng phải thưa thỉnh.” Chính vậy mới được làm Thầy. Còn mình nói một người cũng không chịu nghe, chứng tỏ mình khinh nhờn lời nói của Thầy mình.

Phật dạy:

“Lòng tin là gốc của đạo, là mẹ các công đức, nuôi lớn hết thảy các pháp lành, giúp trừ lưới nghi, ra khỏi dòng ái, mở bày đạo Vô thượng Niết-bàn.”

Mình tin lời của bậc đại Sa-môn thì chính đó là gốc của đạo, là đạo đức khi mình bước vào đạo. Mình phải tin, còn không tin thì đi chỗ khác, chứ ở đây mà phỉ báng pháp môn hoặc lời Thầy dạy là chết mình luôn. Là mẹ của các công đức, nuôi lớn hết thảy các pháp lành, giúp trừ lưới nghi, ra khỏi dòng ái là cũng nhờ bậc Sư trưởng dạy dỗ cho mình.

Lại nói:

“Lòng tin hay tăng trưởng trí, công đức. Lòng tin hay đưa người đến địa vị Như Lai. Kinh nói: Lòng tin hay dứt hẳn gốc phiền não. Lại bảo lòng tin có khả năng làm cho người mau chứng được môn giải thoát.”

Hòa thượng Cao Phong Diệu nói:

“Bậc thượng như Phật, như Tổ vượt lên bờ bên kia, chuyển bánh xe pháp lớn, nhiếp vật lợi sanh. Không có một vị nào chẳng do từ trong một chữ tin này mà ra.”

Chư Phật, Tổ đều tin lời Thầy mình dạy, tin như thế mới hành trì được. Hành trì được rồi, thì mới nhiếp phục oai nghi phép tắc, giới luật. Chẳng hạn như Thầy Trụ trì ở đây dạy mình chiều chỉ uống sữa ăn bột thôi, mình phải tin chắc vào thanh quy tế thắng yết-ma thì mới được lợi ích. Còn mình nói: Ôi! Thầy nói thì nói, mình ăn thì ăn, uống thì uống quyền của mình thì không bao giờ mình gặt hái được đạo quả giải thoát, tu là tu cho vui qua ngày tháng thôi.

“Có Tỳ-kheo Thiện Tinh hầu Phật hai mươi năm chẳng rời, thế mà vì không có một chữ tin này chẳng thành Thánh đạo, lại bị rơi trong địa ngục.”

Không tin lời Phật dạy, chứng tứ thiền mà nói là đã chứng quả vị A-la-hán, sau khi hết phước không hiện ra tướng Niết-bàn. Phỉ báng Phật, nói là Phật dối, Phật không có thật, vừa nói vậy là đọa vào chốn địa ngục, đó là Thiện Tinh Tỳ- kheo.

Kinh Hoa Nghiêm có nói:

“Có tin mà không hiểu thì tăng trưởng vô minh.”

Nghĩa là mình rất tin, Thầy nói sao mình tin vậy, mà không hiểu gì hết. Chẳng hạn như Thầy mình đưa ra đường hướng, phép tắc gì đó mình đều tin, nhưng không hiểu thì cũng không có lợi ích gì. Hiểu thì mới có tâm hướng thượng, còn không hiểu thì tăng trưởng gốc vô minh mờ tối.

“Có hiểu mà không tin thì thêm lớn tà kiến.”

Hiểu mà không tin thì làm lệch, lệch theo ý của mình. Nhiều khi quý thầy hành trì chắc gì đúng phương pháp Hòa thượng dạy, thêm lớn tà kiến.

“Tin, hiểu, suốt thông mới là gốc của sự tu hành.”

Luận Trí Độ nói, Phật dạy:

“Nếu người có lòng tin thì có thể vào trong biển pháp lớn của ta, có thể được quả Sa-môn, không uổng cạo tóc, nhuộm áo. Nếu người không có lòng tin thì không thể vào biển pháp lớn của ta, như cây khô chẳng sanh ra hoa quả, chẳng đắc quả Sa-môn. Dẫu có cạo tóc, nhuộm áo, đọc các kinh điển, có khả năng hỏi, có khả năng đáp đi nữa, ở trong Phật pháp cũng chỉ vô ích, không được chi cả. Do vì nghĩa này nên trong Phật pháp trước hết phải khéo lấy lòng tin làm căn bản.”

Nghĩa là dẫu cho mình cạo tóc, nhuộm áo, đọc các kinh điển, ai nói gì mình cũng biết hết mà mình không tin, mình nói chắc gì ông thầy nói đúng. Như vậy thì cũng vô ích, không gặt hái được đạo quả giải thoát.

Chú:

“Tiếng Phạn gọi là Sa-môn, đây gọi là công lao. Nghĩa là tu đạo có công lao nhiều, nghĩa là cần tu thiện pháp, hạnh hướng đến con đường Niết-bàn thì tiếng Phạn gọi là Sa-môn.”

Ở Trung Hoa gọi là công laotu đạo có công lao rất là nhiều. Chẳng hạn như quý thầy vào đây được một năm, ngoài tu học còn làm xây dựng nhà cửa, chẻ củi, nấu cơm, làm hết tất cả các việc thiện pháp, thì người vào sau phải thua quý thầy một năm. Huống chi là bậc Đại Sa-môn, công lao các ngài rất nhiều, các ngài đã bỏ ra công sức nhiều đời nhiều kiếp. Tâm sức của các ngài đều hướng đến con đường Niết-bàn. Các ngài tu hành không những nhiều tháng, nhiều năm mà còn nhiều kiếp nữa. Nên nếu mình làm sai quấy, bị vị Hòa thượng nào đó quở nặng một tiếng là phước đức của mình bị tổn giảm và sẽ tu rất là khó.

Biện Chánh Luận nói:

“Hạnh xuyên thoát tục, tâm dạo ngoại trần gọi là Sa-môn,”

Nghĩa là hạnh thì ngoài thế tục, mà tâm thì dạo ngoại trần, tức là nhiếp phục chúng sanh, đi vào cuộc đời này để giáo hóa chúng sanh. Chẳng hạn như việc Hòa thượng lập rất nhiều thiền viện.

Trong Tương Ưng Bộ Kinh có ghi:

Lúc Đức Phật ở trong rừng Kỳ Đà, vườn ông Cấp Cô Độc thì một vị phi tử đến hỏi Phật:

Phật có hoan hỉ không?

Phật nói:

Này hiền giả! Ta được gì mà ta hoan hỉ?

Ở đây muốn nói bậc Sa-môn thì vượt thoát hoan hỉ, khen chê, sầu muộn. Phật đạt đến chỗ đó rồi và Ngài dạy lại các Tỳ-kheo. Người đạt đến bậc Sa-môn cũng thành tựu pháp này. Mà thành tựu pháp này, thì con đường đi đến Phật quả rất gần.

“Không được gọi tên và pháp danh bậc Đại Sa-môn.”

Ví dụ, ai hỏi quý thầy Hòa thượng ở đây tên gì, mình trả lời là Hòa thượng Trúc Lâm. Vì quí kính nên mình không dám gọi tên hay pháp danh của Ngài. Cũng không nói Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ, sợ tổn phước đức, mà gọi là Hòa thượng Trúc Lâm hoặc Ôn Trúc Lâm; Hòa thượng Thường Chiếu, Thầy Trụ trì Trúc Lâm…

Sa Di Học Xứ ghi:

“Sa-di nên lấy năm sanh làm thứ lớp. Nếu năm sanh bằng nhau nên lấy xuất gia làm thứ lớp.”

Chẳng hạn như quý thầy vào đây có nhiều độ tuổi khác nhau: mười bảy có, mười tám, mười chín, hai mươi cũng có. Nếu thọ giới Sa-di cùng một lúc, thì người lớn tuổi hơn là sư huynh.

“Nên luận về giới lạp, Sa-di chưa vào tăng số, chỉ luận về năm sanh. Dầu cho Sa-di một trăm tuổi cũng nên lễ dưới chân tân Tỳ-kheo, nên trụ nơi cung kính, chẳng được ngã mạn cống cao, có thì trái với lời Phật dạy.”

Dầu cho quý thầy một trăm tuổi mà không chịu thọ giới Tỳ-kheo, hoặc dầu đáng cha, đáng ông mà mới xuất gia thì quý thầy cũng phải cung kính một tân Tỳ-kheo, không được cống cao ngã mạn cho là mình hiểu biết. Ngã mạn thì trái lời Phật dạy, không biết kính bậc đại Sa-môn.

Thiền sư Thừa Hạo ở Ngọc Tuyền khi đắc đạo được tam muội chánh định tự tại rồi, ngài viết các vị Tổ (33 vị Tổ) trên cái quần của ngài rồi mặc. Ngài nói rằng: “Chỉ có Văn Thù, Phổ Hiền mới so sánh chút ít.” Vì vậy trong tùng lâm gọi sư là Hạo Bố Côn tức là Hạo quần đùi vải.

Trong chúng có một thầy nhỏ Sa-di mới xuất gia thấy vậy bắt chước, cũng viết vào quần mặc đi chơi cho vui. Bữa đó vị Hòa thượng thấy được nói: “Ông được cái gì mà ông dám làm cái này?” Bảy ngày sau ông Sa-di hộc máu chết.

Đức mình chưa đủ, mà bắt chước Thầy mình làm như thế, như thế... thì không được.

Thêm một điều quý thầy cũng cần phải kinh nghiệm: cái bục gỗ Hòa thượng hay Thầy Trụ trì lớn giảng mà quý thầy leo lên chơi hoặc ai mời quý thầy cũng leo lên giảng là tổn phước. Âm đức, năng lực không đủ, mà mình bước lên pháp tòa của các bậc trưởng thượng, giảng là chết. Mình phải kêu chúng chuyền xuống một bậc rồi mới giảng.

Hạnh khiêm cung của toát ra từ năng lực có học, có tu. Còn không tu không học thì không biết. Có nhiều người đi ngang ngang với Hòa thượng, lại còn chắp tay sau lưng, như vậy cũng trật luôn. Phải học từng li từng tí mới được.

Tổ Tuyên Luật sư dạy:

“Người xưa thân cận Sư trưởng chẳng dám xưng danh cho nên trụ núi mà xưng tên, ấy gọi là tôn trọng, huống là Sa-di tiểu chúng ư?”

Chẳng hạn Hòa thượng ở đây gọi là Hòa thượng Phụng Hoàng hay Hòa thượng Trúc Lâm. Những vị gần Sư trưởng lâu năm lâu tháng còn chẳng dám xưng danh huống nữa mình là tiểu chúng. Nhiều khi quý thầy kêu trỏng tên của Hòa thượng hoặc Thầy Trụ trì là tổn đức của mình. Quý thầy sau này sẽ là bậc long tượng, là hàng pháp khí trong tùng lâm nếu thực hành đúng oai nghi này. Cũng không khó, nếu hiểu và học thuộc, từ từ thấm hồi nào không hay.

Luật nói:

“Tăng già cùng nhau tương kính, Tam bảo trụ thế lâu dài.”

Tăng già cùng nhau tương kính, có nghĩa tương kính những bậc đại Sa-môn thì Phật pháp trụ lâu đời.

Phật bảo các thầy Tỷ-kheo:

- Các thầy cùng nhau cung kính, vui mừng đón tiếp, thăm hỏi, nguồn gốc bắt đầu từ nơi đâu?

Các thầy bạch Phật:

- Mỗi thầy tự nói chí hướng của mình, hoặc nói dòng dõi cao sang, hoặc nói thần trí cao xa, hoặc nói dòng dõi thân thuộc với Phật, hoặc nói chứng đạo Thánh quả.

Sở dĩ vui mừng thấy nhau mà niềm nở vì gặp người dòng dõi cao quý hoặc thông minh trí huệ! Còn không phải vậy thì không quí kính, không thưa hỏi đón tiếp!

Phật bảo:

- Chỗ nói của các ông đều là tăng trưởng lòng ngã mạn, không có thể quán thấu. Phải thuận phép tắc lưu bố ở đời, đối với pháp luật của ta lại cùng nhau cung kính, Phật pháp có thể được lưu truyền rộng rãi. Thế Tôn từ bi thương xót chỉ dạy khiến cho phép tắc được lưu thông. Lễ độ, tôn kính, nhún nhường chẳng có thiếu sót thì Tam bảo có thể trụ lâu ở đời được.

Mình ở ngoài đời mà ỷ dòng tộc cao sang, hoặc làm giám đốc, kỹ sư gì đó, thấy bậc đại Sa-môn mình cứ đi tự nhiên thì chánh pháp đoạn diệt.

Phật bảo:

- Ta sẽ chỉ dạy cho các ông bốn phương pháp. Thực hành bốn phương pháp này, lễ độ, tôn kính nhún nhường chẳng có thiếu sót thì Tam bảo có thể trụ lâu ở đời.

Kính lễ đạo chẳng lễ tục có bốn:

1- Thứ nhất là Tăng chẳng lễ Ni thì chánh pháp mới cửu trụ được.

Quý thầy gặp Ni mà xá xuống một xá, là chắc chắn chánh pháp hoại diệt. Đây là lời Phật dạy, Tăng chẳng được lễ Ni. Mai kia, quý thầy nếu ở chùa nghèo mà gặp vị Ni trưởng giàu có, quý thầy đến y chỉ sư, y chỉ sư là phải xá lạy, rồi làm đệ tử luôn thì chánh pháp hoại diệt. Người này phá kiến các Tăng Ni và các vị thất chúng. Hoặc đến đảnh lễ để có tiền xây cất chùa chiền của quý thầy, như vậy gọi là không biết phép tắc oai nghi của nhà Phật. Phật dạy muốn chánh pháp cửu trụ lâu ở đời thì thứ nhất là Tăng chẳng được lễ Ni. Mình cứ đứng bình thường không có lỗi gì hết, không phải là ngã mạn.

Tuy nhiên Tăng không được lễ Ni là nói về những bậc Đại Tăng, còn Sa-di mới xuất gia chưa được gọi là sứ giả Như Lai thì vẫn lễ bình thường. Sau khi thọ giới, dù chỉ một ngày, tức là nằm trong bộ Tăng rồi thì không được lễ.

2- Thứ hai là người nghiêm trì giới luật chẳng được lễ người phạm giới luật.

Người giữ giới luật thanh tịnh xá người phạm giới, thì họ tổn phước. Mà tổn phước thì chánh pháp không cửu trụ ở đời.

3- Thứ ba là người thọ giới trước chẳng lễ người thọ giới sau.

Người thọ giới trước không được lễ người thọ giới sau thì chánh pháp mới cửu trụ lâu ở đời.

4- Thứ tư là từ hơn năm chúng còn mất và sai khác đều qui ước niên hạ, thứ lớp mà sắp đặt tôn kính.

Không phải người mới thọ hai tuổi hạ mà quý thầy sắp ngồi trước, mà phải sắp: năm hạ, bốn hạ, ba hạ, hai hạ, một hạ. Người ta nhìn vào là biết đạo tràng có oai nghi phép tắc, làm đúng lời Phật dạy, như vậy thì chánh pháp mới cửu trụ. Sau này quý thầy lớn lên sẽ thấy điều này.

Kinh nói:

“Cung kính nơi tháp miếu, khiêm hạ các thầy Tỷ-kheo, xa lìa tâm ngạo mạn của chính mình, thường tư duy trí huệ. Lại nói nếu có trí huệ thì không có tham chấp. Nay tham sân ngạo mạn mà chấp theo thì cái ngu đó chẳng có thể tính kể.”

Cung kính nơi tháp miếu. Đến các tháp thờ xá lợi Phật quý thầy phải đi nhiễu, đảnh lễ thật cung kính và phải khiêm hạ đối với các thầy Tỳ-kheo thì phước của quý thầy mới tăng trưởng. Còn mình lễ Phật sát đất, mà những vị đại Sa-môn, thầy Tỳ-kheo thọ giới trước, mình khinh dễ họ, cống cao ngã mạn thì lễ Phật vô ích.

Phật sống không chịu lễ, nhiều khi mình phải lễ lại chính mình, nghĩa là mình thấy được từng vận hành của tâm thức, thấy được tâm ngạo mạn của mình. Phải kiểm soát từng tâm niệm để chuyển hóa thì trí huệ tăng trưởng. Nếu chấp theo tình chấp của mình, thì cái ngu đó nhiều đời nhiều kiếp chẳng thể tính kể. Cái ngu ngày càng tăng trưởng thì không phát sinh trí huệ được. Thấy được tính chất đó, thì quý thầy sẽ không còn tham đắm nữa. Không tham đắm thì lúc này quý thầy khiêm hạ.

“Không được trộm nghe bậc đại Sa-môn thuyết đại giới.”

Theo tinh thần của kinh Nguyên thủy tức là tông phái Nam tông, bên Nguyên thủy cho cư sĩ hoặc Sa-di nghe luôn, nhưng bên Bắc tông lại không cho nghe. Nếu nghe là đồng với tội ngũ nghịch, tức là đồng với tội giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật ra máu, giết A-la-hán.

Trong Kinh Đại Bảo Tích ghi rõ, lúc đang thuyết giới có đứa bé bò vô gần cửa, thần Kim Cang dùng chày đánh nát đầu đứa bé chết tại chỗ. Tôn giả A-nan bất bình hỏi Phật:

- Tại sao thần Kim Cang hộ pháp mà không thương xót đứa bé, nó nghe đâu có biết gì?

Phật nói:

- Tuy rằng không biết nhưng từng lời nói đại giới ghi vào trong tàng thức. Cho nên giết một đời còn hơn để nhiều đời nó sa đọa trong ba đường ác.

Nhưng cuối cùng Phật nói:

- Đứa bé này do từ năng lực, thần lực của Như Lai ứng tác ra để răn các thầy Tỳ-kheo.

Thật ra đứa bé là do đức Phật hóa sanh để răn các thầy Tỳ-kheo không được trộm nghe đại giới của bậc đại Sa-môn.

Mỗi kỳ thỉnh nguyện, Hòa Thượng cho Sa-di, Tỳ-kheo thỉnh nguyện chung. Trong khi bên Nam tông Tỳ-kheo bố tát xong rồi mới đến phần Sa-di. Bởi vì Tỳ-kheo đâu phải là Thánh, Tỳ-kheo có lỗi ra sám hối thì Sa-di sẽ khinh dễ, mà khinh dễ thì sa đọa. Nên họ không cho Tỳ-kheo và Sa-di bố tát chung.

Tuy nhiên mỗi bên đều có cái hay riêng. Hòa Thượng cho thỉnh nguyện chung, nếu Tỳ-kheo có lỗi sẽ bị Sa-di khinh, nên Tỳ-kheo phải ráng thu thúc lục căn, ráng tu, ráng học, ráng vươn lên.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Phật chế Sa-di chẳng lãnh thọ lắng nghe. Nếu riêng đến trộm nghe thì cùng như phạm vào tội ngũ nghịch còn gọi là người tặc trụ chẳng được thọ cụ túc giới.”

Giới cụ túc này chính là chư đại Tôn giả, đại quyền thừa Bồ-tát phá giới cho nên Phật mới chế ra. Giới pháp này nếu mình đến nghe trộm thì gọi là tặc trụ. Tặc là trộm cướp, tặc trụ là những ông thầy trộm cướp ở trong tùng lâm.

Người tặc trụ chẳng được thọ cụ túc giới. Nhiều khi mình tưởng vì nghe trộm giới nên không cho thọ cụ túc. Không phải vậy, bởi vì mình nghe được giới rồi, thấy thầy Tỳ-kheo phạm mình khinh dễ cho nên tổn phước. Vì tổn phước nên sanh ra những biến tướng, chẳng hạn bị xe đụng gãy chân, hoặc cây đâm vào mắt bị mù, hoặc té xe chấn thương sọ não lúc tỉnh lúc không tỉnh. Không đủ lục căn thì làm sao thọ cụ túc.

Vì thế cấm quý thầy không được coi đại giới là có lý do. Bên Bắc Tông cấm luôn, còn bên Nam Tông tôi thấy cho cư sĩ và Sa-di coi luôn.

Nhưng nhớ kỹ một điểm, chừng nào quý thầy qua bên Nam tông thì được phép, còn đã tác pháp yết-ma bên Bắc tông, chấp nhận vào ngôi nhà này rồi, thì quý thầy phải tuân hành. Chừng nào quý thầy mặc áo Nam tông, tác pháp yết-ma bên Nam tông, bên Nguyên thủy thì khác.

“Cụ túc này chính là chư đại Tôn giả, lại vì thị hiện thỉnh Phật vì các thầy Tỳ-kheo mà chế giới. Song trong rừng chiên đàn từng không có gỗ tạp, trên hội Linh sơn há có phàm phu ư? Chỉ sợ người chưa thọ giới cụ túc mà nghe chẳng hiểu tâm từ bi của Phật, trở lại làm việc bất thiện mà phá đạo nội ngoại. Hoặc sợ giới pháp tinh nghiêm, hoặc khinh việc duyên khởi nhân đây mà thối mất thiện tâm, như dùng kiếm bén mà chặt đứt tín căn, thì huệ mạng Phật chủng tương lai sẽ mất nên nói đồng như phạm tội ngũ nghịch. Rất là cẩn thận vậy!”

Nghĩa là sau khi coi rồi quý thầy thấy 250 giới khó quá nên thối Bồ-đề tâm không dám thọ, nói thôi giữ giới Sa-di được rồi, chứ 250 giới rất khó giữ, đụng chuyện gì cũng phạm.

Nghe quý thầy kể lại, trong một thiền viện bên Miến Điện có cây xoài lớn có trái chín, một thầy Tỳ-kheo bên Việt Nam qua vừa đưa tay rờ trái xoài, thì vị thầy Nam tông nói:

- Ông phạm giới rồi.

Lần thứ hai, vị thầy Việt Nam thèm xoài quá rờ trái xoài lần nữa. Sáng hôm sau, vị trưởng lão Sư trưởng kêu hai cư sĩ đến chặt cây xoài, mà cây xoài đó rất quý, trồng mười mấy năm rồi mà đành chặt. Quý thầy Việt Nam đến hỏi tại sao chặt cây xoài, ông nói:

- Thà chặt cây xoài còn hơn để mấy ông phạm giới.

Vị thầy Việt Nam còn kể: Vào nhà cư sĩ, vừa kéo ghế ngồi thì vị cư sĩ nói:

- Thầy phạm giới rồi đó.

Thầy giựt mình:

- Sao phạm giới?

- Tôi chưa cho mà thầy ngồi là phạm giới. Nãy giờ thầy ngồi năm phút là phạm giới năm phút.

Đến giờ chiều thầy phải tác pháp yết-ma trước đại chúng sám hối: Ngồi cái ghế tín thí không cho năm phút. Thầy lại kể có một lần đến nhà một vị tín thí, thấy cây viết bút bi, lấy viết. Vừa viết xong, ông thầy kế bên nói:

- Thầy phạm giới rồi, thầy dùng cây viết của tín thí mà không xin là phạm tội trộm cắp.

Bên đó giữ giới luật tới mức độ như vậy. Cuối cùng thấy khó quá, nên thầy về Việt Nam. Bữa đó thầy lên Trúc Lâm nghỉ lại một đêm, kể chuyện rất là vui. Thầy nói, bên đó giới luật rất khó, đụng cái gì cũng phạm, ăn cái gì, làm cái gì cũng phải trình. Một hôm thầy bị táo bón, thầy ra sau vườn hái lá mát ăn. Vừa nhai thì tín thí đi ngang qua nói:

- Thầy phạm giới, thầy chưa xin ai hết mà thầy hái.

Thầy nói:

Cỏ này mọc mà.

- Cỏ mọc cũng là pháp tự nhiên của pháp giới, thầy làm vậy là phạm giới.

Vào thời đức Phật có một thầy Tỳ-kheo bị cướp trói, nếu cựa quậy dây thừng sẽ đứt, thầy sẽ thoát được bọn cướp. Nhưng thầy nghĩ, nếu cựa quậy thì cỏ nó đau rồi chết, nên thầy nằm im luôn cho cướp nó làm gì thì làm.

Bên đó, họ giữ giới giống như thời Phật, Tỳ-kheo mà giậm lên cỏ là phạm giới giậm đạp lên cỏ non. Còn bên Bắc Tông lại khác, nên quý thầy học phải biết.

Theo Kinh Du Hành Trường A Hàm 3, Luận Đại Tỳ Bà Sa, Sa-môn được chia làm bốn:

1- Thắng Đạo Sa-môn:

Những vị có khả năng tự giác như Phật, hoặc những vị ra đời không gặp Phật chỉ dạy, mà các ngài quán thấu suốt các nhân duyên hay nói khác hơn là các pháp duyên khởi, tự chứng được gọi là Độc giác Phật, cũng gọi là Sa-môn.

2- Thị Đạo Sa-môn (còn gọi là Thuyết Đạo Sa-môn):

Chỉ cho người khéo giải nói đạo pháp, có khả năng thường theo Phật chuyển đại pháp luân như Ngài Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp cũng gọi là Đại Sa-môn.

3- Mạng Đạo Sa-môn:

Là những vị Sa-môn sinh hoạt theo đạo pháp, sống đúng với chánh pháp. Những vị này tuy còn ở địa vị hữu học nhưng đồng với địa vị vô học, học rộng nhớ dai, đầy đủ giới cấm thanh tịnh, truyền bá pháp thân huệ mạng của Phật cho đời như Ngài A-nan, thì cũng gọi là những vị Sa-môn lớn.

4- Ô Đạo Sa-môn:

Chỉ cho những Sa-môn làm những điều nhơ uế ảnh hưởng đến đạo, tuy mang hình tướng Sa-môn nhưng tâm thì tà vọng, trộm cướp tài vật của người khác như Tỳ-kheo Mạc-thác-lạc–ca.

“Hoặc thấy bậc Đại Sa-môn hai, ba ngài đồng ở trong nhà nói nhỏ chẳng được xông vào. Bằng có việc gấp phải đàn chỉ có tiếng vậy sau mới vào. Vì sao? Bởi sợ tiết lậu việc thị phi của người mà chuốc lấy sự tội lỗi và tán loạn chánh niệm của mình.”

Chẳng hạn như mình đi ngang qua phòng có ba, bốn vị Sa-môn trong đó đang nói nhỏ. Nhiều khi các ngài đang nói chuyện riêng tư, mình xông vào nghe được nên loạn tâm chánh niệm, về nhà ngồi thiền không được. Nên trước khi vào mình phải đàn chỉ ba tiếng. Hoặc quý thầy có nhân duyên lên phòng Thầy Trụ trì phải gõ ba cái, để bên trong Thầy biết, rồi có người vào mình mới vào, chứ không được tự ý xông vào.

“Không được ghé tai nói lỗi bậc Đại Sa-môn.’

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư có ghi:

“Tỳ-kheo có lỗi tự có đại Tăng cử phạt, Sa-di chẳng được nói lén sau lưng kia tốt, xấu.”

Mình không được nói thầy này tốt, thầy kia xấu. Nhưng đừng nghe vậy, rồi mai kia khi quý thầy mới thọ giới, có người chỉ lỗi cho, quý thầy lại nói, tôi là bậc đại Sa-môn, nói như thế thì không được. Nếu có lỗi, huynh đệ thọ giới bằng mình, có thể nói lỗi của mình để chỉ cho biết mình tránh. Ở đây muốn nói cho những thầy Sa-di mới xuất gia, chỉ nên lo bổn phận của mình.

Ở nhà trưng bày có bán ba con khỉ, con khỉ thứ nhất bịt miệng lại. Bịt miệng không phải không cho nói, mà có nghĩa là đừng nói lỗi bậc đại Sa-môn. Con khỉ thứ hai bịt hai con mắt lại, ý nói mình như đui không thấy gì hết, chỉ lo bổn phận mình tu thôi. Con khỉ thứ ba bịt hai lỗ tai lại, nghĩa là ai nói chuyện thị phi là quyền của họ, nhân quả họ chịu, mình không dính dáng gì hết. Như vậy, tu rất là dễ.

Truyện Khổng Tử có ghi:

Ngài Tử Cống, là đệ tử lớn của Khổng Tử, hay chê người này khen người khác, nói người này tốt, người kia xấu. Một hôm Khổng Tử kêu lên dạy: “Ông nên quán sát lại hành động của chính mình, đó là điều thứ nhất.” Tức là nên luôn luôn phản quan tự kỷ. Cổ Đức thường nói, chuyện người ta thì sáng mà chuyện mình thì tối mù. Muốn chuyện của mình sáng, thì phải quán chiếu lại mới thấy rõ được.

Trong Khóa Hư Lục của Vua Trần Thái Tông có bài kệ Vô Thường:

Ngày sáng mất rồi, đêm tối đến,

Đường đêm mờ mịt lại mịt mờ,

Uổng công đốt đuốc cho người khác,

Chẳng chịu mồi đèn chính nhà mình.

Chẳng hạn như huynh đệ ở bên cạnh trời tối chưa thắp đèn, bên mình cũng tối mà không chịu thắp đèn lên, lại chạy qua thắp đèn cho huynh đệ.

Cho nên trong Kinh Tam Bảo Giám có nói:

Nhơn nhơn tự tảo môn tiền tuyết,

Bất vị tha nhơn ốc thượng sương.

Nghĩa là:

Người người tự quét tuyết trước cửa,

Chẳng nghĩ sương đóng trên nhà người.

Nghĩa là mình lo quét tuyết trước nhà, còn sương đóng trên nhà người thì đừng lo. Mình lo chuyện người ta, nhưng chuyện của mình thì rất là tối.

Kính bậc đại Sa-môn, nghĩa là các ngài có lỗi gì mặc kệ, đã có đại Tăng cử phạt. Các bậc đại Sa-môn có lỗi thì trên có Hòa thượng, trên nữa thì có chư Phật, chư Tổ. Trên nữa còn gì? Còn sự tự vận hành của nhân quả.

“Cũng chẳng được đến chỗ khuất mắng lén bậc đại Sa-môn, hay cười giỡn trước mặt, nhái tiếng nói, bắt chước hình tướng và bộ đi.”

Mỗi người đều có nghiệp, nghiệp đó chiêu cảm trong đời quá khứ. Chẳng hạn như trong tùng lâm, có những Thầy lớn có giọng nói hơi thanh, mình bắt chước nhái lại là không được. Hoặc tướng đi của Thầy không đúng kiểu bậc môphạm, mình bắt chước nhái tướng đi, như vậy cũng không được.

Kinh Lăng Nghiêm có ghi:

Tỳ-kheo Kiều-phạm-ác-đề đã chứng quả vị A-la-hán nhưng khi ăn ngài nhai giống như trâu. Ngài sợ chúng sanh thấy rồi khởi niệm giỡn cười, mà giỡn cười bậc A-la-hán thì tội đọa địa ngục, nên ngài không sống ở cõi Ta-bà này mà lên cung trời thứ ba mươi ba ở và hành đạo trên đó. Ngài nói trong đời quá khứ ngài đã coi thường giỡn cợt các bậc đại Sa-môn nên đời đời kiếp kiếp mắc tật nhai lại như trâu, dù chứng quả vị A-la-hán rồi nhưng vẫn bị nghiệp quả đó.

Trong cuộc sống tu hành mình được phúc duyên tốt, tướng mạo sang trọng, rồi cười những người không được hảo tướng, coi chừng mình mắc nhân quả.

Thiền sư Vĩnh Gia Huyền Giác nói:

“Hoặc phải, hoặc quấy người chẳng biết. Nghịch hạnh, thuận hạnh trời chẳng lường, như Chí Công ăn chim bồ câu, La Thập nhai kim.”

Có những bậc đại Sa-môn trong tùng lâm sống kiểu nghịch hạnh mà mình không biết:

Thiền sư Chí Công thị hiện cho chúng đệ tử thấy ngài ăn chim bồ câu, các đệ tử nói ngài phá giới không chịu tu theo ngài nữa, ngài há miệng cho hai con chim bồ câu bay ra. Đó là nghịch hạnh của các ngài thị hiện để nhiếp phục chúng sanh.

La Thập được vua Diêu Tần rất kính nể nên cho mười tám cung nữ theo hầu, các đệ tử ngài thấy vậy cũng bắt chước. Bữa nọ ngài dọn ra bàn, mỗi đệ tử ba cây kim, ngài thì một tô kim. Ngài ăn, nhai rất bình thường, còn đệ tử ba cây kim nuốt không nổi. Ngài nói: “Đó, mấy ông đâu có diệu dụng đâu mà bắt chước tôi.” Đó là những nghịch hạnh của các ngài.

“Chẳng có thể lấy cái thấy nhỏ hẹp mà thấu thoát đại dụng của các ngài.”

Trong nhà thiền, mình hay nghe các vị thiền sư nói: “Ông được đại cơ mà không được đại dụng.” Đại cơ là thấu thoát được bản tâm, tức là thấu thoát được từng cảnh giới vọng niệm, nhưng chưa có đại dụng thì làm việc Phật sự không được. Các ngài sở dĩ vào được quán rượu, lầu xanh, tửu điếm mà không động tâm, là vì các ngài đã đạt đến cảnh giới vừa đại cơ vừa đại dụng.

Thiền thoại có ghi:

Thiền sư Cảnh Hư ở Nhật Bản, một đêm nọ dắt một người con gái dáng rất đẹp về phòng. Được ba đêm, thì đệ tử thị giả của ngài là Mãn Không bực mình mở tung cửa phòng nói:

- Thầy là bậc mô phạm mà vậy đó. Thầy nói, Thầy là bậc mô phạm trời người mà bây giờ có người phụ nữ nằm trên giường.

Người phụ nữ quay mặt lại, Mãn Không mới biết người này bị hủi. Sẵn dịp Thiền sư nói:

- Bây giờ đến lượt ông, ông xức thuốc giùm.

Lúc này đệ tử mới quỳ xuống, xin sám hối.

Mật hạnh, nghịch hạnh của các ngài, mình không biết được. Căn cơ của bậc thượng căn, các ngài thị hiện trong cuộc đời này để dìu dắt chúng sanh, mình không thể thấu thoát được.

Tướng quốc Bùi Hưu có lần đến chùa Đại An thưa hỏi chúng Tăng rằng:

- Đức Phật có mười đại đệ tử, mỗi người đứng đầu một hạnh, La-hầu-la bậc nhất về hạnh gì?

Tất cả đều đáp:

- Lấy mật hạnh làm đệ nhất.

Mật hạnh là hạnh kín nhiệm bên trong, không biết được. Chẳng hạn như ở tùng lâm có những vị Hòa thượng đàng đầu lớn thường hay xuống quét cầu tiêu, dọn dẹp nhà bếp…, mà toàn làm ban đêm, một, hai giờ đêm các ngài xuống dọn dẹp. Những vị này lấy mật hạnh làm đệ nhất.

Bùi Hưu không vừa lòng câu trả lời này, nên hỏi:

- Ở đây có thiền sư không?

Lúc này thiền sư Long Nha Cư Đôn, đang trồng rau ở vườn sau thì được Tăng chúng mời ra. Bùi Hưu hỏi thiền sư:

- La-hầu-la đệ nhất về hạnh gì?

Thiền sư Long Nha đáp:

- Không biết.

Lúc này Bùi Hưu mới gật đầu nói:

- Đúng là thiền sư, còn mấy vị trước thì không phải.

Thấy mình còn mật hạnh, thì không phải là mật hạnh nữa. Còn ở đây không biết tức là vô tri. Bát-nhã nói:

“Bát-nhã vô tri nhi vô sở bất tri, Bát-nhã vô kiến nhi vô sở bất kiến.”

Nghĩa là Bát-nhã thì không biết nhưng không chỗ nào mà chẳng biết. Các ngài cái gì cũng biết nhưng mà giống như ngu như ngơ. Ai lỗi không thành vấn đề, mà các ngài lo cho chính bản thân mình.

Trong thiền thoại còn kể một câu chuyện:

Thiền sư Cảnh Sơn và thiền sư Vân Thanh là hai huynh đệ nhưng cách sống rất khác biệt. Một vị chuyên tu hạnh đầu đà, giới luật rất thanh tịnh, một vị thì chuyên uống rượu ăn thịt, hai huynh đệ sống chung với nhau mà khác nhau như thế. Một hôm thiền sư Vân Thanh mời thiền sư Cảnh Sơn uống rượu, thiền sư Cảnh Sơn nói:

- Sư huynh suốt ngày uống rượu ăn thịt, không lo tu hành gì hết.

Thiền sư Vân Thanh nói:

- Sư đệ đúng là không giống …

Thiền sư Cảnh Sơn nổi sân:

- Không giống gì?

Thiền sư Vân Thanh:

- Sư đệ không giống người mà giống Phật.

Những vị tu về mật hạnh hoặc tu nghịch hạnh, mà thấu thoát được tâm niệm thì các ngài không sân. Còn mình chấp giữ giới, làm việc này, việc kia, thanh tịnh, thì gặp những lúc nghịch, mình liền nổi sân.

Kinh Thiện Cung Kính nói:

“Báng Sư, hủy Sư là trong pháp đại ma.”

Chẳng hạn mình mắng chửi, hủy nhục Thầy mình đó là trong pháp đại ma.

Đại Luật nói:

“Người xuất gia có nói ra lời gì đều là lợi ích.”

Nghĩa là ẩn ác mà dương thiện. Chẳng hạn mình biết vị thầy này có lỗi gì đó, mình ẩn cái ác, xiển dương cái thiện của người đó lên thì đúng. Còn mình nói lỗi người này, người kia thì không được.

“Chẳng nên riêng giận và bàn luận việc của người. Luật nói: nếu đến nhà bạch y mà nói lỗi ác Tỳ-kheo, thời người thế gian kia đối trong Phật pháp đã không có tâm tín kính lại còn gây tội hủy báng, thêm gốc khổ cho họ.”

Chẳng hạn mình ghét vị thầy đó, chịu không được, mình đến nhà cư sĩ bạch y quen biết, kể ông thầy đó vậy đó, ông thầy đó mà tu cái gì… Tự nhiên người bạch y đó không còn kính tín Tam bảo nữa. Hoặc nếu quý thầy có đủ nhân duyên về thăm nhà, trong Luật có nói rất rõ mình về nhà gặp mẹ, mình ca ngợi chúng Tăng, ca ngợi Tam bảo để cho bà phát tín tâm, chứ không phải chuyện tốt xấu của Tăng chúng, mình kể ra hết làm cho mẹ mất tín tâm luôn, phá nát hạt giống Tam bảo của bà, tội lắm. Quý Thầy nhớ cho kỹ.

“Thà phá pháp, đốt tượng chứ không nên đến người thế gian nói tội lỗi của thầy Tỳ-kheo. Nếu ta nói lỗi thì hư hoại pháp thân ta vậy.”

Nếu nói lỗi các thầy Tỳ-kheo cho hàng bạch y nghe thì pháp thân bị hư, bị đốt cháy hết, công đức mất hết.

Kinh nói vào thời đức Phật có vị Tăng đến nhà đàn việt, nói xấu hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Phật bảo:“Ông phải thành tâm sám hối.” Vị này không chịu thành tâm sám hối, ba tháng sau trên người nổi ung nhọt lên rồi chết. Sau khi chết, thần thức cảm ở địa ngục A-tỳ. Phật nói: “Do ông ấy đến nhà đàn việt, nói lời xấu ác các vị đại Sa-môn đại đệ tử của Phật.”

“Không được ngồi thấy bậc Sa-môn đi qua chẳng đứng dậy, trừ có năm điều không đứng dậy không lỗi như là: Khi đọc Kinh, khi bệnh, khi cạo tóc, khi ăn cơm, khi làm việc cho chúng.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Bậc đại Sa-môn chính là hậu duệ của Phật Tổ, khinh mạn Sa-môn tức là khinh mạn Phật Tổ.”

Quý thầy mà coi thường Hòa thượng, thầy Trụ trì, nói khác hơn coi thường những thầy Tỳ-kheo lớn tuổi hạ, tức là khinh mạn Phật Tổ. Phật thì đã nhập Niết-bàn, còn giáo lý ai nói? Nghiên cứu kỹ trong những quyển Luận Đại thừa, Kinh Đại thừa, nếu không có những bậc đại Sa-môn khai pháp nhãn cho, thì mình không biết. Nên những bậc đại Sa-môn này chính là hậu duệ của Phật Tổ. Khinh mạn Sa-môn tức là khinh mạn Phật Tổ. Những vị đi tu học ngày xưa kể lại, bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám ngộ được tông chỉ rồi, trước khi dạy quý thầy, ngài đến đảnh lễ mỗi người ba lạy.

“Song bình thường thấy tôn trưởng đi qua còn nên đứng dậy hỏi thăm chỗ ở, huống nữa thấy đại Sa-môn đi qua há có thể ngồi yên chẳng đứng dậy.”

Chắc ở đây mình cũng bị lỗi. Bình thường mình thấy những bậc tôn trưởng, quý thầy lớn đi qua, mình phải đứng dậy chào, xá chứ không phải ngồi yên luôn. Những khi có các vị Thầy hay Hòa thượng đến Tùng lâm, quý thầy phải nhớ đến đảnh lễ để thêm phước, tăng đức và tâm lực cho mình.

Kinh Đại Bi có nói:

“Như Lai trong thời quá khứ, lúc hành đạo Bồ-tát, phàm thấy Tam bảo, tháp tượng xá lợi, sư tăng, phụ mẫu, trưởng bối, thiện hữu thảy đều nghiêng người khiêm hạ nên cảm quả Phật vị lai. Núi rừng, người, thú đều cung kính, ngưỡng mộ, qui kính đối với Phật.”

Phật nói, sở dĩ ngày hôm nay tất cả chúng sanh đều qui kính Ngài, vì trong thời quá khứ lúc hành đạo Bồ-tát, phàm thấy Tam bảo, tháp tượng, xá lợi, sư tăng, phụ mẫu, trưởng bối, thiện hữu ngài đều nghiêng người khiêm hạ đảnh lễ.

Trong thời quá khứ, lúc Phật hành đạo Bồ-tát, Ngài đã trải thân cho Phật Nhiên Đăng đi qua, còn thiếu một chút thì ngài trải tóc. Rồi Phật Nhiên Đăng thọ ký cho ngài đời vị lai sẽ thành Phật vào trong đời ngũ trược.

Bây giờ quý thầy tu, có nghĩ mình thành Phật không? Chắc chắn quý thầy tu sẽ thành Phật. Dù kiếp này không xong thì vô lượng kiếp cũng phải thành Phật. Phật rất là nhiều, đó là điều chắc chắn phải tin. Chứ chẳng lẽ thành ma? Mà dầu cho thành ma, thì sau cùng cũng thành Phật. Quý thầy lỡ phạm giới đọa địa ngục, đọa địa ngục lên, rồi cũng tu thành Phật.

Nói trải thân, trải tóc, quý thầy đừng hình dung là Phật trải thân lót đường cho Phật Nhiên Đăng đi qua, rồi Phật thọ ký. Ở đây ngầm một ý: Sâu trong tâm thức mỗi hành giả theo tinh thần Bồ-tát thừa, trải thân là làm hết tất cả các hạnh trong tùng lâm. Trong cuộc sống tu hành nếu có sức khỏe thì mình trải thân, nghĩa là mình làm hết các hạnh trong tùng lâm cho đại chúng: Nấu cơm, hành đường, trị nhật, tri khố…, đó là trải thân lo cho đại chúng.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phật nói rất rõ, người nào tu các hạnh mà không phát Bồ-đề tâm là hạnh của ma. Ưa chỗ vắng lặng mà không phục vụ cho đại chúng, không phát nguyện độ hết tất cả chúng sanh cũng là hạnh của ma.

Tại vì không có sức khỏe, thí dụ như đau thần kinh tọa… rồi cắt đặt việc gì hơi nặng mình làm không nổi. Như tôi làm tri khách sáu tháng là thấy muốn oải rồi, làm nữa không nổi. Nhưng nếu có sức khỏe và năng lực, mình làm thấy nó khác. Tinh thần Bồ-tát đạo là phải đi con đường này. Mình trải thân lo cho đại chúng yên tu là năng lực mình có, kiếp sau ra đời tự nhiên người khác lo cho mình.

Bộ Hành Hộ nói:

“Thấy phải đứng dậy, ngồi phải nhường chỗ, lúc đi đường tình cờ gặp thì phải đứng vững bên đường đợi ngài đi qua mình mới đi. Ngài có dạy những điều lợi ích thì phải vòng tay đứng nghe rồi lễ tạ ơn. Nếu mình có lỗi bị quở trách không nên trợn mắt mà ngó, phải dịu lời xin tội, đem lỗi về mình.”

Quý thầy thấy có khó không? Chẳng hạn như mình có lỗi, một vị thầy nói: “Ông làm vậy không được.” Mình trợn mắt lên: “Ông là cái gì?” Hoặc bữa nay xuống nhà bếp, thầy tri khố nói lặt rau phải lặt bằng tay để biết cảm giác cái nào già hay non, nhưng mình không làm như vậy mà lấy dao rọc. Thầy tri khố nói: “Ông làm vậy không được.” Mình trợn mắt lên nói: “Ông xuống ông làm đi.” Như vậy là mình trật.

Ngày xưa vào trị nhật ở Thường Chiếu, chúng tôi cũng làm kiểu đó cho lẹ. Chẳng hạn cọng rau muống rọc xuống rột một cái là xong. Nhưng Thầy tôi dạy công phu rất hay, Thầy nói mình ngắt, để cảm xúc được nóng lạnh, đây chính là công phu. Tức là mình tiếp xúc vào pháp giới để biết đây là cái gì, non hay già. Trong lúc làm, có công phu trong đó. Từ đó về sau, chúng tôi lên đây làm trị nhật cũng đều làm y theo lời Thầy dạy.

Kinh Trang Nghiêm Bảo Vương nói:

“Nếu khinh dễ chúng Tăng, người ấy sẽ đọa sanh trong nhà bần tiện, tùy chỗ đầu thai, hình tướng sứt mẻ, lưng còm, thấp bé. Khi bỏ thân này rồi sanh về chỗ nào nhiều bệnh, ốm gầy, tay chân co rút, máu chảy đầy cùng thân thịt rời rã, tới trăm ngàn muôn năm chịu cái khổ báo này.”

Nếu khinh dễ chúng Tăng, khinh dễ bậc đại Sa-môn, hay nói khác hơn khinh dễ những bậc Thầy lớn thì khi chết mình sanh vào nhà bần tiện, nghèo cùng khốn khổ, không biết Phật pháp là gì. Rồi sao nữa? Hình tướng sứt mẻ, chẳng hạn sanh ra đời mà lé con mắt, sứt môi hoặc đi cà thọt, hoặc như cái còng làm sao đi tu, làm sao hoằng pháp lợi sinh được. Nhìn là người ta cười rồi, thì làm sao mình giảng pháp! Sở dĩ quý thầy Tăng tướng đầy đủ là nhiều đời nhiều kiếp quý thầy đã tán thán những bậc đại Sa-môn. Còn khinh dễ thì chắc chắn mình sẽ tái sanh vào những cảnh giới thấp, xấu.

- Tại sao khi đọc Kinh không cần đứng dậy?

Khi đang đọc Kinh mà quý thầy lớn đi qua mình cũng ngồi yên đọc.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Lấy pháp làm trọng. Nghĩa là đối trước kinh điển như đối diện trước Phật. Miệng đọc, tâm tư duy, thâm nhập nghĩa lý nên chẳng cần đứng dậy.”

Mình đọc Kinh giống như đang đối diện trước Phật, hình dung Phật đang giảng pháp cho mình. Miệng đọc, tâm thức tư duy vào nghĩa lý sâu kín Phật dạy, lúc này thâm nhập nghĩa lý, xuất thần rồi, đâu có biết Thầy đi qua đâu mà đứng dậy.

Giống như vua Trần Thái Tông, đọc Kinh Kim Cang đến câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài để cuốn Kinh xuống ngẫm nghĩ, thâm nhập tư duy về nghĩa lý trong Kinh thì ngộ nhập.

Ngài Thiền Tâm đời Tống, đọc Kinh Lăng Nghiêm đến câu:“Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”, ngài chấm phết như thế này: Tri kiến lập, ngài phẩy một cái, tri tức vô minh bổn; tri kiến vô, phẩy một cái, kiến tư tức Niết-bàn, ngài đốn ngộ luôn.

Ngài biết được là cái thấy nếu lập thì gốc vô minh, cái thấy biết mà Không thì đó là Niết-bàn. Ngài thâm nhập được, đốn ngộ luôn. Lúc đó mà mười đại Sa-môn đi qua, Ngài cũng không biết nên không cần đứng dậy chào.

Đại sư Trí Khải tụng Kinh Pháp Hoa đến câu:“Diệu Pháp Liên Hoa Kinh”, Ngài nhập định luôn bảy ngày, rồi Ngài ra giảng chữ Diệu bảy ngày liên tục mà không hết nghĩa lý của chân kinh. Như vậy mới đúng là đọc Kinh không cần đứng dậy, vì lúc này đã thể nhập vào Kinh tạng rồi.

Còn mình đọc mà không thâm nhập nghĩa Kinh, thấy rõ ràng quý Thầy đi qua thì phải đứng dậy. Chớ nghe nói đang đọc Kinh không cần đứng dậy, mình thấy quý Thầy đi qua, mà ngồi nghinh nghinh là trật.

- Tại sao khi bệnh không cần đứng dậy?

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là bốn đại chẳng điều hòa, thân khổ bệnh nặng nên chẳng cần đứng dậy.”

Có nghĩa là lúc này mình bệnh nặng, không thể đứng dậy chào được.

- Tại sao lúc cạo tóc không cần đứng dậy?

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là thọ trì kệ chú, dao bén trên đầu, động thì sợ bị dao rạch nên chẳng cần đứng dậy.”

Trong lúc cạo tóc, mình đọc bài kệ chú, dao để trên đầu nếu động đậy thì rách đầu, nên không cần đứng dậy.

- Tại sao khi ăn cơm không cần đứng dậy?

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là tam đề ngũ quán như pháp thọ thực nên chẳng cần đứng dậy. Lại nữa Phật chế nhất tọa nhất thực.”

Quý thầy đang ăn cơm mà ra chào, vào ăn lại là phi thời. Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư dạy: Phật chế nhất tọa nhất thực, một khi ngồi ăn mà đứng dậy là không đúng pháp Phật.

- Tại sao khi làm việc trong chúng không cần đứng dậy?

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là lấy việc chánh thường trụ làm trọng, đứng dậy thì tổn hại công phu nên chẳng cần đứng dậy.”

Trong lúc nhổ cỏ lặt rau, quý thầy dồn hết lực vào công phu, nếu đứng dậy thì nó mất. Việc chánh là trong lúc làm mình có chánh niệm tỉnh giác, nên không cần đứng dậy.

Bộ Hành Hộ nói:

“Năm hạ sắp lên tức là vị A-xà-lê, mười hạ sắp lên tức là vị Hòa thượng. Tuy việc của Tỳ-kheo nhưng Sa-di cũng cần giữ biết.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Hạ tức là hạ lạp, nghĩa là sau khi thọ giới cụ túc rồi chuyên tinh giới luật tu trì, đã trải qua hạ lạp như thế, giới phẩm kiên cố, khai giá rõ ràng, đảm nhiệm làm Thầy, tiếp vật lợi sanh.”

Quý thầy sau khi thọ giới Sa-di, đủ năm đủ tháng, Thầy Tổ cho mình đi thọ giới cụ túc. Thọ giới cụ túc là giới phẩm kiên cố, khai giá rõ ràng, đảm nhiệm làm Thầy, tiếp vật lợi sanh.

“Đại thể mà nói nếu chẳng am tường giới pháp như trên còn phải y chỉ đối với người, huống nữa là có năng lực làm Thầy ư?”

Nghĩa là nếu có vị thầy được mười hạ mà giới luật không biết gì, giáo pháp cũng không biết, nhưng vị thầy này sống rất đạo đức thì quý thầy cũng cần nên y chỉ. Không được nói lỗi người đó, huống nữa là vị thầy đó có năng lực, phải kính đến bực nào. Chẳng hạn quý thầy mà xúc tác tâm ô nhiễm đến Hòa thượng hoặc Thầy Trụ trì, thì quý thầy bị nhân quả. Chính chúng tôi ở trong chúng chứng kiến, có những người hay đi nói xấu, nói những lỗi nhỏ của Thầy Trụ trì, sau này đều bị mắc nhân quả rất nặng, tu hành không được, dụng công cũng không được. Quý thầy để ý coi, lấy trái banh quăng vào vách tường, thì nó dội về đâu? Dội về mình chứ về đâu.

Trong đại chúng, có những người nói: Thầy mình vậy chứ so ra có người tài giỏi hơn. Sự thật mình thấy trong chúng có nhiều người có năng lực hơn Thầy, cái gì cũng giỏi, cái gì cũng biết, nhưng tại sao họ lại đến xin quy y với Thầy hoặc xin quy y với Hòa thượng? Hòa thượng đâu có bằng tiến sĩ, mà tại sao có những vị tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ đến quy y thọ pháp với Hòa thượng, với Thầy Trụ trì? Quý thầy biết tại sao không?

Trong Khổng Tử truyện có ghi:

Khổng Tử được thiên hạ tôn làm Vạn Thế Sư Biểu, tức là vị Thầy của muôn đời. Ngài rất giỏi nên nhiều bậc lỗi lạc đến học với ngài. Có một người tên Tử Hạ, sau một thời gian nhập môn, ông ngạc nhiên, thắc mắc tại sao nhiều huynh đệ tài giỏi như rồng như phượng, biện tài vô ngại hơn hẳn Khổng Tử mà lại xin đến học với ngài. Một hôm, chịu hết nổi, ông quỳ trước Khổng Tử nói:

- Bạch Thầy! Thầy thấy Nhan Hồi thế nào?

Khổng Tử hiểu ý cười bảo:

- Y nhân nghĩa hơn ta.

- Tử Cống là người như thế nào?

- Y lanh lẹ và biện tài hơn ta.

- Vậy Tử Lộ như thế nào?

- Y dũng cảm hơn ta.

- Còn Tử Trường?

- Y đối với người trân trọng hơn ta.

- Đó chính là chỗ con nghĩ mãi không thông, con thấy các sư huynh rõ ràng tài hơn Thầy mà vì sao họ phải theo học với Thầy?

Khổng Tử đáp:

- Nhan Hồi quả rất là nhân nghĩa nhưng y không biết quyền biến, uyển chuyển. Tử Cống có biện tài hùng biện hơn ta nhưng thiếu sự từ tốn và khiêm cung. Tử Lộ dũng cảm có thừa song chỉ biết tiến mà không biết lùi. Tử Trường đối với người trân trọng hơn ta nhưng lại sống không có hòa hợp. Những môn sinh này mỗi mỗi đều có sở trường riêng nhưng họ không biết và không nhận ra sở đoản của mình, nên buộc phải đến đây cầu ta chỉ cho những khuyết điểm đó để sửa lại cho thành người toàn bích.

Nhiều khi mình nghĩ, mình có tài hơn Thầy, nhưng nhìn lại có những khiếm khuyết mà Thầy chỉ cho mình, trong nhà thiền gọi là điểm phá. Chẳng hạn còn tật gì đó mà Thầy mình nhìn biết nên điểm phá cho mình, điểm phá một thời gian mới thành ngọc:

Ngọc bất trác bất thành khí,

Nhơn bất học bất tri lý.

Nghĩa là ngọc mà không mài giũa thì không dùng được. Người mình cũng giống như là ngọc, mà muốn được thành người pháp khí sau này phải đến Hòa thượng, đến Thầy Trụ trì để được mài giũa, một thời gian mới thành ngọc. Muốn mài được như vậy mất bao nhiêu năm? Mười năm, hai chục năm, ba chục năm, bốn chục năm, dài lắm, có khi kiếp này không xong, kiếp sau nữa.

Xá Lợi Phất Kinh nói:

“Phàm là người xuất gia bỏ nhà cha mẹ sanh tử vào trong cửa Phật, thọ pháp vi diệu vốn là nhờ sức của người Thầy nuôi lớn pháp thân, tăng trưởng tài bảo công đức, hun đúc cái pháp thân huệ mạng, công rất là lớn.”

Phàm là người xuất gia bỏ nhà cha mẹ sanh tử vào trong cửa Phật, thọ pháp vi diệu vốn là nhờ sức của Thầy. Nếu Thầy mô phạm, có năng lực lớn thì quý thầy học được cái hạnh từ Thầy mình rất là nhiều. Ở với vị Thầy có đạo đức, có năng lực thì tự nhiên khi đến với người khác, mình ở không được. Cuối cùng, mình cũng tìm lại chỗ vị Thầy ngày xưa đã nuôi nấng, hun đúc cho thành pháp khí, pháp vi diệu.

Vào trong cửa Phật, thọ pháp vi diệu vốn là nhờ sức của Thầy kềm kẹp. Nhờ sức của Thầy mài giũa kềm kẹp, mình mới thành người tài giỏi. Thủ thuật nhà thiền gọi là kiềm chùy, là móc, nhổ, kềm kẹp, đánh mình, la mắng mình. Chính đó, mới thành người giỏi, còn để mình xìu xìu thì không thành pháp khí.

Chẳng hạn Thầy ở đây nói, tối ngồi thiền không được đi ra bờ hồ, bị bắt gặp thì một là phải sám hối, hai là đuổi luôn. Mình nói, Thầy khó quá, mà thiệt ra đó là Thầy mài giũa cho mình. Muốn thành pháp thân huệ mạng, mà tối mình bỏ sám hối, ngồi thiền để ra bờ hồ nói chuyện thì đâu có đúng. Thầy khó thì sau này mình mới cám ơn, chứ Thầy dễ là mình hư hết.

Thầy ở đây, bây giờ đã dễ cũng năm mươi phần trăm rồi, bởi vì Thầy ra tiếp xúc ngoài đời, nhận thấy mấy đứa nhỏ ở đây chịu yên như vậy là quá giỏi rồi, nên bây giờ Thầy nới. Chớ ngày xưa Thầy rất là khó, buổi chiều xả thiền rồi là không ai dám bước ra cửa. Chính nhờ cái khó hun đúc như thế, nên khi qua bên kia làm việc tôi không dám rong chơi, chỉ chuyên hoằng pháp lợi sanh và tu học thôi. Nhờ cái khó ở Trúc Lâm mài giũa mới thành được như vậy.

“A-xà-lê là gì? Tiếng Phạn gọi là A-già-lị-gia, đây nói là truyền thọ, nhà Đường gọi là Quỹ Phạm Sư, nghĩa là có năng lực làm khuôn phép cho người hậu học. Nam Sơn Sự Sớ có nói: năng lực là uốn nắn chánh hạnh cho đệ tử.”

Người Thầy có năng lực nghĩa là uốn nắn chánh hạnh cho đệ tử để thành bậc pháp khí.

Đại Luận nói:

“Hòa thượng như cha, mà A-xà-lê thì như mẹ.”

Cha thì nghiêm nhưng mẹ thì từ ái, từ bi. Chẳng hạn Hòa thượng đưa lệnh xuống thì Thầy Trụ trì, quý Thầy lớn chỉ dạy cho mình.

“Do dứt bỏ cha mẹ thế tục, cầu cha mẹ xuất thế, nếu bỏ Hòa thượng, A-xà-lê tức gọi là xả giới.”

Nghĩa là quý thầy không cần cầu pháp học của Hòa thượng, của vị Thầy A-xà-lê, tự cho là mình đủ lực, đủ sức rồi, như vậy giống như mình bỏ giới, xả giới. Vì chưa thành tựu pháp thân huệ mạng, mà đã rời Hòa thượng đi, thì giống như người xả giới, bỏ pháp thân huệ mạng không thành tựu được, chứ không phải xả giới là hoàn tục.

“Lại nữa, trong Tứ Phần Luật nói rõ năm nghĩa A-xà-lê:

Thứ nhất là thế độ nương Thầy được xuất gia, gọi là A-xà-lê.

Thầy cạo tóc, truyền mười giới, gọi là bậc A-xà-lê. Hòa thượng hoặc Thầy Trụ trì cũng gọi là bậc A-xà-lê.

Thứ hai là thọ giới tác Yết-ma cũng gọi là A- xà-lê.

Quý thầy thọ 250 giới, có những vị gọi là Yết-ma A-xà-lê, Giáo thọ A-xà lê thì cũng gọi là A-xà-lê.

Thứ ba là Giáo thọ giáo giới oai nghi A-xà-lê.

Những vị này oai nghi mô phạm, mình thấy bắt chước được, thì cũng gọi là A-xà-lê.

Thứ bốn là thọ Kinh, theo học Kinh, nếu nói nghĩa cho đến bốn câu kệ thì cũng gọi A-xà-lê.

Mình không hiểu, không biết bài pháp đó nói gì, đến nhờ một vị Thầy nói cho mình hiểu, vị đó gọi là A-xà-lê.

Thứ năm là y chỉ cho đến y chỉ dừng trụ một đêm cũng gọi là bậc Thầy A-xà-lê.”

Thiền sư Huyền Giác đến nương Lục Tổ có một đêm gọi là nhất túc giác, một đêm cũng gọi là vị Thầy A-xà-lê nói pháp, truyền pháp cho mình.

Phẩm Pháp Cự Đà La Ni Pháp Sư nói:

“Phàm đã là vị Pháp sư, thường phải có lòng từ mẫn, lời nói nhu hòa và nhún nhường. Nếu ôm lòng ganh ghét, tâm còn hơn thua thì chuốc lấy tội báo rất là nặng. Bằng thuyết pháp với tâm từ bi thì được công đức rất là lớn và có thể tiêu hết các đồ cúng dường ở thế gian.”

Sau này, quý thầy mà đủ năng lực làm giáo thọ A-xà-lê, khi lên thuyết pháp, hướng dẫn cho Tăng chúng, mà có tâm tật đố, ganh ghét, hơn thua thì chuốc lấy tội báo rất nặng, đọa địa ngục luôn chớ không có lợi ích gì hết. Vì vậy, phải có tâm từ mẫn.

“Giả sử đem bảo tòa sư tử cao to, y phục vô giá dâng lên Pháp sư cũng chưa có đủ đền ơn. Mà vị Pháp sư kia tuy thọ nhận đồ cúng dường nên hết lòng hổ thẹn, chớ khởi lòng tham chấp và chẳng được ngã mạn.”

Quý thầy đem tất cả y phục, những tòa sư tử cao lớn dâng cúng Hòa thượng, Thầy Trụ trì cũng chưa đền được ơn lớn Hòa thượng, Thầy Trụ trì đã chỉ một bài pháp, để mình hiểu rõ được pháp tu tập mà mình chưa biết. Quý thầy sanh ra đời có biết học Phật pháp không? Không biết! Nhưng nhờ vào đây, nhờ Hòa thượng, nhờ Thầy Trụ trì chỉ cho mình biết phải tu như thế nào. Công đức này rất lớn, mình trả ơn không hết được.

 

Tags: Oai nghi, Thầy Khế Định

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 12436
  • Online: 18