Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Tám NGƯỜI TRÂU ĐỀU QUÊN

19/01/2019 | Lượt xem: 2312

TT.Thích Thông Phương

LỜI DẪN

Phàm tình rơi rớt sạch, Thánh ý thảy đều không. Chỗ có Phật cũng chẳng được dừng ở, chỗ không Phật chạy nhanh qua. Chẳng kẹt ở hai đầu, ngàn Thánh khó dòm thấy. Trăm chim ngậm hoa một phen hổ thẹn.

GIẢNG:

“Phàm tình rơi rớt sạch, Thánh ý thảy đều không”: Đến chỗ này là sạch hết các tình phàm Thánh, vượt qua cái phân biệt đối đãi, không còn ý niệm kia đây nữa.


 

 

 

Ở bức tranh số bảy là quên trâu còn người, tức quên hai mà còn một, hay quên vọng mà còn chân, là còn dấu vết thanh tịnh, nếu bám vào đó cũng mắc kẹt. Cho nên trong nhà thiền có công án: “Muôn pháp trở về một, một trở về đâu?” Đến đây là quên hết cả chân và vọng, phàm và Thánh, hết chỗ để duyên, để bám.

Chỗ có Phật chẳng được dừng ở, chỗ không Phật chạy nhanh qua”: Tức vượt qua cả có và không, không trụ vào chỗ nào hết, không có chỗ cho thức tình có thể bắt kịp được. Hễ còn chỗ trụ thì thức tình còn bắt kịp, còn không trụ chỗ nào làm sao bắt? Cho nên đến đây là bỏ xa tâm duyên, năng-sở, người-trâu đều quên hết.

“Chẳng kẹt ở hai đầu, ngàn Thánh cũng khó dòm thấy”: Không kẹt ở hai đầu tức vượt qua đối đãi hai bên. Chỗ này ngàn Thánh dòm không thấy nổi, vì đâu còn dấu vết tâm để thấy. Do chúng ta còn có tâm phân biệt, còn đối đãi nên còn có dấu vết bị thấy được.

‘Trăm chim ngậm hoa, một phen hổ thẹn”: Nói cho đủ là trăm chim ngậm hoa cúng dường nhưng cũng phải một phen hổ thẹn, vì hết còn chỗ thấy để cúng dường. Giống như Ngài Ngưu Đầu - Pháp Dung, ban đầu còn có chim ngậm hoa cúng dường, nhưng khi gặp Tứ Tổ rồi chim cũng hết ngậm hoa cúng dường luôn, tức hết chỗ thấy để cúng dường.

Với người bình thường thì thấy tu như vậy là dở. Ban đầu tu còn được chim ngậm hoa cúng dường, giờ nó hết còn cúng dường rồi, nhưng không ngờ chính đó mới là chỗ hợp với ý Tổ. Bởi vì còn chỗ cúng dường là còn có dấu vết tâm thấy được. Bây giờ tâm hết chỗ để thấy.

Đến đây cũng không còn nhà để trở về luôn, bởi vì người cũng quên luôn rồi, còn nhà đâu mà trở về. Tức cũng không còn có người có trâu ở đâu để mà so sánh, hết chỗ để dò tìm.

Mới hay, ở trước nói tìm trâu, chăn trâu, cỡi trâu về nhà v.v... cũng là những lời nói phương tiện khéo dẫn dắt người mê thôi. Chính ở đây là nhà rồi, còn nhà ở đâu nữa mà về!

Vậy là cũng không còn có tâm nào tìm, cũng không còn có trâu nào để chăn, cũng không còn có nhà ở đâu để trở về nữa. Bởi vì xưa nay chỉ là một tâm thể đó thôi, đâu có cái thứ hai trong đó mà trở về.

Phải thấy cho thấu đáo vậy đó. Nghĩa là xưa nay vẫn ở trong đó nhưng quên đi, giờ nhớ ra vẫn ở trong đó thôi chứ trở về đâu. Cuối cùng quên hết mọi công phu tạo tác bên ngoài, sạch hết niệm phàm Thánh, phân biệt kia đây, có không v.v..., tất cả đều vô sở trụ. Do đó đến đây chỉ còn một vòng tròn rỗng rang, hết chỗ để cho tâm duyên theo sanh khởi.

Ngài Hoàng Bá có khai thị: “Giả sử người tinh tấn tu hành, trải qua bao nhiêu số kiếp, qua các địa vị, cùng với người một niệm mà chứng được, cũng chỉ là chứng cái sẵn có đó thôi. Kỳ thật trên cái thật của chính mình cũng không có thêm một vật gì, xem lại công phu nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng”.

Như vậy rốt cuộc phải quên hết công phu, không thấy có một chút sở đắc, đó mới là chỗ thật đến. Cho nên chúng ta làm là để buông. Hãy nhớ kỹ! Không phải làm để dính, để mà được. Ai thấy mình làm để được này được kia, đó là trái đạo!

Câu chuyện Thiền sư Đạo Ưng cất am trên Tam Phong, trải qua một tuần nhật không xuống trai đường dùng cơm. Ngài Động Sơn - Lương Giới thấy lạ mới gọi đến hỏi:

- Mấy ngày nay sao không thấy ông đến thọ trai? 

Đạo Ưng thưa:

- Mỗi ngày con được thiên thần cúng dường.

Ngài Động Sơn bảo:

- Ta bảo ông là kẻ vẫn còn kiến giải, ngươi rảnh chiều hãy lại đây!

Tới chiều, Đạo Ưng đến, Ngài Động Sơn gọi: 

- Am chủ Ưng!

Sư ứng:

- Dạ!

Động Sơn bảo:

- Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác là cái gì?

Đạo Ưng trở về am ngồi lặng lẽ như vậy mấy ngày, thiên thần tìm không ra, hết cúng dường! 

Đó là chỗ phải thấy cho đến. Tu được thiên thần cúng dường vẫn còn bị quở, tức còn bị thấy tâm, phải đến chỗ hết còn dấu vết để thấy được, đó mới là chỗ khế hợp với ý Tổ.

***

LỜI TỤNG

    Tiên sách nhân ngưu tận thuộc không,

    Bích thiên liêu quách tín nan thông.

    Hồng lô diệm thượng tranh dung tuyết,

    Đáo thử phương năng hiệp Tổ Tông.

Dịch:

   Người trâu roi gậy thảy về không,

   Thăm thẳm trời xanh tin khó thông.

   Lửa rực lò hồng đâu chứa tuyết,

   Đến đây mới thật hợp Tổ Tông.

GIẢNG:

“Người trâu roi gậy thảy về không, Thăm thẳm trời xanh tin khó thông”: Đến đây là sạch hết dấu vết người trâu, roi gậy, bặt hết dấu vết trong ngoài, năng sở đối đãi, không còn chỗ nào để dụng công. Chỉ một bầu trời trong xanh thăm thẳm, không một vết mây, không còn một chút tin tức nào lọt vào ở trong đó, nên gọi là: “Thăm thẳm trời xanh tin khó thông”. Tức không còn tin tức cảnh trần bên ngoài để tâm duyên theo.

Chúng ta tu mà đủ tin tức hết, nhiều khi tin tức đầy ắp luôn, còn ở đây không một chút tin tức nào lọt vào trong được hết, nên đâu còn chỗ nào để tâm duyên, để tâm sanh, không còn chỗ để cho người thấy tâm, không ai dòm lén trong đó được cả. Tâm đến đó mới hợp Tổ Tông, hợp ý Tổ.

Như có lần Thiền sư Động Sơn - Lương Giới trên đường đi du phương đến gặp Hòa thượng Long Sơn, Ngài là bậc tu hành đắc đạo nhưng ẩn ở trong núi rừng không ra giáo hóa. Ngài Động Sơn hỏi để thăm dò:

- Hòa thượng được đạo lý gì mà về ở núi này?

Hòa thượng Long Sơn đáp:

- Tôi thấy hai con trâu đất húc nhau rồi nhảy ùm xuống biển, thẳng tới hôm nay bặt hết tin tức.

Vậy Ngài được đạo lý gì? Thấy hai con trâu đất húc nhau rồi nhảy ùm xuống biển tức mất dấu năng-sở, đây-kia, hết còn tin tức, không còn dấu vết của tâm sót lại.

“Lửa rực lò hồng đâu chứa tuyết”: Giống như nơi lò lửa đang cháy rực, một điểm tuyết rơi xuống liền tan hết không còn để lại dấu vết gì.

Chính đây là chỗ thổ địa theo tìm Hòa thượng Động Sơn ba mươi năm không gặp. Ngài Động Sơn - Lương Giới tu kỹ tới chỗ ông thần thổ địa đi theo tìm ba mươi năm để lễ bái mà tìm không gặp.

Một hôm, Ngài đi vào trong nhà bếp thấy Tăng chúng làm bếp để bún gạo rơi vãi dưới đất, ngay đó Ngài mới khởi tâm nhắc nhở. Khi Ngài khởi tâm nhắc nhở, thần thổ địa thấy mới hiện lên nói: “Con theo Hòa thượng ba mươi năm nay mới tìm gặp”.

Hoặc như câu chuyện Ma vương tên Chướng Tế lãnh các quyến thuộc đi theo Bồ-tát Kim Cang Tề một ngàn năm để tìm chỗ khởi của Bồ-tát này mà tìm không thấy. Bỗng một hôm Ma vương thấy được liền hỏi:

- Ngài nương vào đâu mà trụ khiến cho tôi một ngàn năm nay tìm chỗ khởi của Ngài không được?

Bồ-tát Kim Cang Tề đáp:

- Tôi chẳng nương có trụ mà trụ, cũng chẳng nương không trụ mà trụ, như thế mà trụ. Thế nên ông tìm không gặp.

Chúng ta cần phải tu như vậy. Không nương có trụ mà trụ, rồi cũng không nương không trụ mà trụ, tức vượt qua cả có-không, không có chỗ nào để trụ hết, như thế mà trụ, thì ma không tìm nổi.

Chính chỗ “chỉ như thế mà trụ”, chúng ta học suốt đời không hết, “chỉ như thế” thôi đừng thêm bớt gì nữa. Do chúng ta không “như thế”, mà lại như thế này, thế nọ, thế kia, đủ thứ, nên có chỗ cho thấy.

Bởi vậy, việc tu hành không phải dễ dàng, không phải nói suông ngoài miệng được.

“Đến đây mới thật hợp Tổ Tông”: Phải nhớ là đến chỗ như thế mới thật khế hợp được với ý Tổ, mới là chỗ ấn tâm, còn rời ngoài chỗ này mà nói ngang nói dọc gì đi nữa cũng không dính dáng.

Đến đây là xả hết công phu từ trước, mới thật sự là hết chỗ để làm. Đến chỗ như thế này mới thật là vô sự, không phải nói vô sự dễ dàng.

Mỗi người cần xét lại tâm mình xem thế nào? Tâm mình còn đủ thứ kia đây sai biệt, còn đủ thứ dấu vết, đủ thứ tin tức, mà tu lơ lơ là là, tu lừng chừng, giống như tu lấy có để có cơm ăn chắc chắn không thoát khỏi lưới ma, bị ma thấy. Kiểm lại có thật đau buồn không? Mỗi người nên xét sâu chỗ này, để có thêm sức mạnh tỉnh giác.

Đây dẫn thêm bài họa của Ngài Mộng Am Cách:

    Nhân ngưu sinh hoạt nhất thời không,

    Đáo thử phương tri xứ xứ thông.

    Kiến lập tùng không hoàn tảo đãng,

    Thập phương thế giới hiển chánh tông.

Dịch:

    Người trâu sinh hoạt một lúc không,

    Đến đây mới biết chỗ chỗ thông.

    Từ không dựng lập rồi quét sạch,

    Thế giới mười phương bày chánh tông.

“Người trâu sinh hoạt một lúc không”: Tức quên trâu quên người, bặt hết dấu vết kia đây, đối đãi.

“Đến đây mới biết chỗ chỗ thông”: Đến chỗ này mới thông suốt tất cả chỗ đều vô ngại. Tâm đi qua tất cả không để lại dấu vết.

“Từ không dựng lập rồi quét sạch”: Như vậy mới rõ được sở dĩ từ trước tới giờ có lập trâu, lập người cũng từ chỗ không rồi dựng lập lên, gọi là tạm lập thôi. Do tạm lập cho nên giờ mới quét sạch thành không trở lại, tức trở về nguồn cội xưa nay, bao nhiêu phương tiện dựng lập cũng buông sạch, không mắc kẹt gì ở trong đó.

Cho nên trong kinh Kim Cang phá: “Pháp còn nên xả huống nữa là phi pháp”. Pháp cũng còn không cho chấp nữa huống là phi pháp, không cho mình chấp cái gì, nên hễ có lập rồi có phá, đừng dại dột chết cứng trong đó. Người tu hành phải sáng suốt chỗ này.

“Thế giới mười phương bày chánh tông”: Đến đây là vượt qua tất cả mới thông suốt tất cả, mới rõ đâu đâu cũng là nhà, không còn lấy bỏ gì nữa. Bất kỳ chỗ nào cũng hiển bày chánh tông trong đó, tức ấn Tổ đều nằm ngay trong đó, đâu đâu cũng gặp ý Tổ hết.

Như vậy đến đây chỉ còn vòng tròn vô tâm, vô sự, vô tung tích. Tuy nhiên, cũng chưa phải là chỗ dừng. Nhớ kỹ, mới là bức tranh thứ tám thôi. Nếu không khéo dừng trong đó cũng thành ở trong nước chết, chưa phải thật viên mãn công đức, còn có bức tranh số chín, số mười.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08267
  • Online: 11