Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Mười THỎNG TAY VÀO CHỢ

17/02/2019 | Lượt xem: 2244

LỜI DẪN

Một mình khép cánh cửa gỗ, ngàn Thánh cũng chẳng biết. Chôn vùi vẻ sáng sủa của chính mình, bỏ qua lối mòn của bậc Thánh trước. Mang bầu rượu đi vào chợ, roi gậy trả lại nhà, nơi quán rượu hàng cá, hóa độ chuyển thành Phật hết.


 

 

 

 

GIẢNG:

Thiền giả đến bức tranh thứ chín là nhìn thấy cái gì cũng sáng, cũng chân thật hết, không còn chút mê lầm nào chen vào, nhưng nếu dừng chỗ đó thì cũng chưa phải là viên mãn.

Bởi vì theo đúng tinh thần Đại thừa, chính mình đã đến được chỗ an ổn đó rồi nhưng còn bao nhiêu người mê muội chung quanh chẳng lẽ cứ để mặc họ rồi mình tự vui một mình hay sao? Nên phải tiếp qua bức tranh số mười là “thỏng tay vào chợ, hòa quang đồng trần để hóa độ chúng sanh, chuyển hết về đất Phật”.

Ở đây lời dẫn: “Một mình khép cánh cửa gỗ, ngàn Thánh cũng chẳng biết”: Đến đây khép cánh cửa gỗ lại, ngàn Thánh cũng chẳng biết, không còn dấu vết gì để cho người thấy được. Ngàn Thánh còn chẳng biết thì phàm phu làm sao dòm thấu nổi? Tức tâm phân biệt hết đường để phán đoán, không thể đến được trong đây.

“Chôn vùi vẻ sáng sủa của chính mình, bỏ qua lối mòn của bậc Thánh trước”: Không cần ai biết mình, quên tột cái “ta đắc đạo” luôn, không phải phô trương ra. Nó khác với người mê là chỗ đó. Người mê muốn phô trương vẻ sáng sủa của mình cho người thấy, để người khen mình tu đắc đạo rồi. Nếu vậy là chết ngay chỗ đó, tức còn dấu vết để cho ma thấy rồi. Cho nên chỗ này là chỗ ngàn Thánh còn chẳng biết là vậy đó.

Cũng “không đạp theo cái lối mòn của bậc Thánh trước”: Tức không bắt chước theo khuôn khổ xưa cũ đã chết. Đến đây là đã có sức sống chân thật rồi phải tự sống, phải tự đi, không đi theo lối mòn xưa cũ. Cho nên chỗ này không bắt chước được, ai bắt chước là bị lộ ra không phải thứ thiệt liền.

“Mang bầu rượu đi vào chợ, roi gậy trả lại nhà, nơi quán rượu hàng cá, hóa độ chuyển thành Phật hết”: Nếu lấy theo con mắt thông thường để nhìn thì làm sao phán đoán nổi? Nghe nói ông thầy này đắc đạo mà thấy rất là tầm thường, còn thua mấy người không tu nữa. Nếu nhìn trên hình thức phán đoán, không thể phán đoán nổi. Không còn biết khen chê là gì, cũng không còn cái gì để khen chê trong đây, bởi vì người này trong lòng sạch trơn, đâu còn sợ khen chê nữa, khen chê không dính dáng gì.

Và người ở bên ngoài cũng không làm sao thấy được đến trong đây để khen chê nữa. Chỗ này gọi là “đầu tro mặt đất”, tức bôi tro trên đầu, trét đất trên mặt để cho nó mất đi dáng vẻ sáng sủa, không cần ai biết tới. Đó mới thật sự là quên cái ngã hoàn toàn.

Người chưa đến đây được thì chỉ muốn bày cái ngã ra, còn đây là quên cái ngã, xóa hết tung tích của cái ngã, vượt qua tất cả những cái tình chấp phân biệt, đưa hết vào cõi Phật. Vậy còn cái gì là nghịch là thuận nữa? Đến đây là vượt qua cả nghịch thuận, như câu chuyện Ngài Phần Dương - Vô Đức.

Một hôm Sư bảo trong chúng:

- Đêm qua tôi nằm mơ thấy cha mẹ về đòi rượu thịt, giấy tiền vàng bạc, thôi cũng phải tùy thuận theo thế tục một chút. Mấy vị nấu dọn cho tôi một mâm cơm rượu thịt để tôi cúng đáp lễ.

Rồi Sư sai thầy Tri sự lập một cái bàn, mua rượu thịt, giấy tiền v.v... và thắp hương cúng. Cúng xong, Sư bèn mời hết các vị chức sự và ban lãnh chúng cùng ngồi vào dùng đồ cúng. Nhưng tất cả đều từ chối. Sư tự ngồi vào bàn gắp thịt uống rượu tự nhiên như không có chuyện gì xảy ra!

Sau đó, đại chúng xôn xao, bàn tán, trách rằng:

- Ông thầy này uống rượu ăn thịt, đâu còn đáng làm thầy, làm gương mẫu cho chúng ta nữa.

Thế là hơn 500 chúng bỏ đi, chỉ còn lại sáu người là: Ngài Từ Minh, Ngài Đại Ngu, Ngài Tuyền Đại Đạo v.v... Đúng là thứ thiệt!

Qua hôm sau, Sư lên tòa bảo:

- Bao nhiêu kẻ nương gió tựa bóng, tôi chỉ cần một mâm rượu thịt và hai trăm tiền là tống đi sạch hết.

“Những kẻ nương gió tựa bóng”, tức nghe tiếng tăm ông thầy này đắc đạo, Thiền viện đông người, đến là vì cái danh chứ không phải thật lòng, nên gặp việc này là bỏ đi hết.

Quả là hành động của các Ngài không thể nghĩ bàn, nên ở đây gọi là không còn theo khuôn mẫu, phép tắc cũ nữa, tự có chỗ sống riêng, không bắt chước. Nếu đem tâm phân biệt thì không thể nào hiểu nổi, nhưng cũng không dễ gì bắt chước được, bắt chước là lộ ra thứ giả liền. Đến chỗ này là tâm phàm khó dòm thấu được.

***

 

LỜI TỤNG

     Lộ hung tiên túc nhập triền lai,

     Phù thổ đồ khôi tiếu mãn tai.

     Bất dụng thần tiên chân bí quyết,

     Trực giao khô mộc phóng hoa khai.

Dịch:

     Chân trần bày ngực vào chợ thành,

     Bôi đất trét bùn cười thật xinh.

     Bí quyết thần tiên cần chi nữa,

     Cây khô cũng phải nở hoa trình.

GIẢNG:

“Chân trần bày ngực vào chợ thành”: Chân trần, phạch ngực đi vào trong chợ búa, thành thị, không quan tâm gì đến hình thức oai nghi bên ngoài, cũng không sợ ai phê bình, chê khen không thành vấn đề. Đúng là quên hẳn cái ta, không còn thấy có ta tu hành đắc đạo, cũng không phải làm ra mẫu mực hình thức để cho người ta tôn quý.

“Bôi đất trét bùn cười thật xinh”: Bôi đất, trét bùn hay đầu tro mặt đất, xóa bỏ hết tung tích để trộn lẫn vào thế tục, đồng sự với người rồi giáo hóa họ. Tuy nhiên, bên ngoài xem rất là nhơ nhớp, xấu xí, không thấy dáng vẻ gì tôn quý nhưng mà bên trong cười thật xinh. Chỗ đó mới là chỗ quan trọng!

 Bên ngoài thấy rất tầm thường, thấp kém nhưng trong lòng đầy niềm vui không thể tả, nguyên văn là “tiếu mãn tai”, cười thoải mái, cười toe toét, cười mà sạch trong lòng, mấy ai trên đời dễ gì có được!

Người thường nhiều khi cười nhưng không phải cười thoải mái, bên ngoài cười vậy nhưng trong lòng khổ, hoặc là cười nhưng lại có cái ý khác. Thí dụ cười châm biếm, cười mỉa mai, bên ngoài cười mà trong lòng khác, không phải cái cười trọn vẹn. Còn đây đúng là cười trọn vẹn, cười sạch trong lòng. Như vậy làm sao theo khuôn khổ thông thường mà đoán định, phê phán được?

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán bảo: “Rốt ráo cùng tột, Chẳng còn phép tắc”. Đến chỗ rốt ráo cùng tột đó thì vượt qua hết phép tắc. Hoặc như kinh Duy Ma Cật nói: “Thực hành phi đạo mà thông đạt Phật đạo”. Ở trong cảnh nghịch nhưng vẫn thuận, quên mất cái ta lúc nào không hay, chỗ này không thể bắt chước được.

“Bí quyết thần tiên cần chi nữa”: Bao nhiêu thứ cao siêu, huyền diệu, những thứ phép lạ khác thường cũng không còn phải bận tâm, mấy cái đó làm sao sánh được. Tức không phải mong cầu cái gì khác nữa, bởi vì đã có đầy đủ niềm tự tin chắc chắn rồi không còn gì lay chuyển.

Trong nhà thiền gọi là “Dù ngàn Đức Phật ra đời, y cũng vẫn được ngồi yên không ai làm gì được”. Không phải như nhiều người, nghe đâu hay hay là chạy tới, tức tâm còn lăng xăng, chưa vững.

“Cây khô cũng phải nở hoa trình”: Tức nói lên cái diệu dụng đầy đủ, sức sống chân thật đầy tràn khắp nơi, đến trong đây là không phải nói nhiều nữa, vì ngôn ngữ đến trong đó cũng thành thừa. Người tu phải đến chỗ đó mới được coi là xong việc. Nếu chưa được vậy chớ có vội tự mãn.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 21234
  • Online: 20