Lời Dạy Trong Ngày Tự Tứ

26/08/2024 | Lượt xem: 150

 Hòa Thượng Thường Chiếu Trùng Tuyên Lại Lời Chỉ Dạy Của Hòa Thượng Tôn Sư  trong ngày Khánh Tuế Sư Ông - 17/07 Giáp Thìn, 20/08/2024

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni,Cung kính bạch chư tôn Thiền đức Tăng Ni, chúng đệ tử của Sư Cụ. Hàng năm, lễ mừng thọ Thầy, Thầy nhọc, cho nên tôi, Tỳ-kheo Thích Nhật Quang được thay nhọc Thầy, tìm lại những lời chỉ dạy của Thầy vào những dịp này. Và hôm nay cũng có một trích đoạn tìm lại lời của Thầy Tổ, xin được đọc lên, kính gửi đến toàn thể quý Tôn đức Tăng Ni, quý Phật tử, huynh đệ.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Hôm nay ngày lễ Tự tứ, Tăng Ni về đảnh lễ mừng khánh thọ tôi, tôi hoan hỷ và có đôi lời nhắc nhở.Qua ba tháng An cư, quý vị nỗ lực tu hành là điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc tu hành là cả đời chứ không phải chỉ có ba tháng, cho nên mãn hạ rồi, Tăng Ni vẫn phải nỗ lực không ngừng, bởi vì vô thường không cho hẹn và cũng không chừa một ai. Cho nên ngày nào mình còn có mặt ở đây, thì ngày đó phải nỗ lực tu hành, ngoài ra không có việc gì khác.

Một hôm, vua Trần Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ: “Bạch Thượng Sĩ, pháp yếu của Thiền tông là gì?”. Thượng Sĩ trả lời: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”.“Phản quan” là soi sáng hay xem xét, “tự kỷ” là chính mình. “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” có nghĩa xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được. Đó là câu châm ngôn trong nhà Thiền, rất hệ trọng đối với các Thiền sinh phát tâm tu thiền. Kinh Kim Cang, Phật dạy: Trọng tâm tu là phải hàng phục vọng tưởng bên trong, đừng dính mắc sáu trần bên ngoài. Muốn hàng phục tâm vọng tưởng bên trong, phải phản quan nhìn lại chính mình. Muốn không dính mắc sáu trần, thì phải khéo quán sát. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần liền thấy, liền biết, không cho dính kẹt. Đó là gốc của đạo Phật. Chúng ta tu muốn đi tới giác ngộ, tâm hoàn toàn an định thì không có cách nào khác hơn là phải ứng dụng như vậy.Biết tâm hư dối là vọng tưởng. Khi vọng tưởng lặng mà vẫn hằng giác, hằng tri, đó chính là tánh giác.

Vì sao bình thường tánh giác không hiển hiện được? Là vì vọng tưởng che phủ, hết niệm này tới niệm kia liên tục mãi. Đồng thời chúng ta lại nhận vọng tưởng là mình, quên hẳn tánh giác. Bây giờ vọng tưởng dấy lên, mình biết nó vọng, hư dối, không theo nó thì dần dần nó lặng. Nó lặng thì tánh giác hiện ra. Chúng sanh quên cái thật, chạy theo cái giả, nên Phật nói mê. Mê là gì? Mê là quên, quên thật theo giả. Tâm vọng tưởng hư dối, buồn thương giận ghét liên miên là hư ảo, giả dối không thật mà mình lại theo nó. Còn cái chân thật hiện tiền lại bỏ quên. Cho nên Phật dạy, tu là phải dừng vọng tưởng. Vọng tưởng dừng rồi thì chân tâm hiện ra, không tìm không kiếm ở đâu hết.Tất cả chúng ta tu để làm gì? Tu để phá tan mây mù nghiệp thức che phủ tánh giác của mình. Nghiệp từ những vọng tưởng khởi niệm lành, niệm dữ tạo thành nghiệp lành, nghiệp dữ, nên vọng tưởng là nhân của nghiệp. Khi những niệm vọng tưởng yên lặng thì nghiệp theo đó hết. Như vậy niệm không còn thì nghiệp không còn. Tâm niệm rỗng lặng thì tự nhiên an lành, tự tại, không dính không mắc. Còn tâm niệm lăng xăng, lộn xộn thì đưa tới chỗ dính mắc. Dính mắc là bị nghiệp lôi, không dính mắc là không bị nghiệp lôi. Người không bị nghiệp lôi là người giải thoát sanh tử. Còn người bị nghiệp lôi là người đi trong vòng sanh tử, rõ ràng như vậy.

Thế nên, sự tu hành cốt ở chỗ chúng ta phải hằng nhớ lại mình, ngoài không theo sáu trần, trong không theo vọng tưởng thì bản tâm chân thật hiện tiền, nó luôn sẵn đủ chứ không thiếu vắng bao giờ.Vì vậy, “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” là châm ngôn của người tu. Bất kỳ tu pháp môn nào cũng phải trở lại mình, nếu quên mình mà cầu bên ngoài thì không thể được. Chúng ta dù tại gia hay xuất gia, đều phải phản quan soi chiếu lại mình, đó là người biết tu, người không phụ mình. Ngược lại, nếu còn chạy ra ngoài, thì đó là phụ mình, quên mình. Quên mình thì trầm luân trong sinh tử, chịu nhiều khổ đau. Trở về với mình thì tự do tự tại, giải thoát khỏi mọi khổ đau.Đó là ý nghĩa tôi muốn nhắc nhở quý vị hôm nay.

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 51285
  • Online: 29