Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 3: NÊU TÁNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI

04/04/2018 | Lượt xem: 2570

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

MỤC 3: NÊU TÁNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI

CHÁNH VĂN:

A-nan bạch Phật: "Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tánh thấy này nhất định là tánh nhiệm mầu của con, thì diệu tánh đó phải hiện ở trước mắt con, cái thấy đó hẳn thật là con, vậy thân tâm con hiện nay là vật gì?

Nhưng thân tâm con hiện nay thật có phân biệt, còn cái thấy kia không phân biệt được thân con. Nếu thật là tâm con, khiến cho con hiện nay có thấy, vậy tánh thấy ấy thật là con, còn thân này không phải con, thì khác nào trước kia Đức Như Lai gạn hỏi "vật hay thấy được con". Cúi mong Đấng Đại từ chỉ bày cho chỗ chưa ngộ".

GIẢNG GIẢI:

Phật khai thị quá rõ vậy rồi nhưng Ngài A-nan vẫn còn chưa quên được tâm phân biệt hai bên. Tuy biết được tánh thấy không trả về đâu nhưng vẫn còn mê cho nó là hiện ở trước thân tâm. Cho  nên Ngài mới nói rằng nếu tánh thấy này nhất định là tánh nhiệm mầu của con thì cái diệu tánh đó phải hiện ở trước con. Và nếu cái thấy đó hiện trước mặt con thì nó là con rồi vậy thân tâm con đây là ai?

Như vậy hóa ra ngoài thân tâm còn có thêm tánh thấy. Chướng ngại là chỗ đó.

Kế, Ngài A-nan nói tánh thấy nó phải ở trước mặt con, mà trước mặt con thì con phải thấy nó. Vậy thành ra nó là một vật hay sao? Không khéo  thành ra giống như ở trước Phật nói vật hay thấy được con. Chỗ này cần quán kỹ để không lầm.

Thí dụ như khi nghe nói ngộ được tánh thấy thành ra thấy giống như có cái tánh thấy để cho mình ngộ, nó thành cái sở ngộ. Mà sở ngộ tức không phải chính mình, nó cách biệt với chính mình. Đây Phật dạy:

CHÁNH VĂN:

Phật bảo  A-nan: "Nay ông  nói cái thấy ở trước mặt ông, nghĩa ấy không đúng! Nếu thật ở trước mặt ông và ông thật thấy thì tánh thấy này đã có chỗ nơi đều chỉ ra được. Vậy nay tôi cùng ông ngồi trong rừng Kỳ-đà, xem khắp rừng suối, nhà cửa phía trên đến mặt trời mặt trăng, phía trước là sông Hằng, nay ông ở trước tòa sư tử của tôi, hãy đưa tay chỉ rõ ra các thứ tướng ấy: Chỗ mát là rừng cây, chỗ sáng là mặt trời, chỗ ngăn ngại là vách, chỗ thông suốt là hư không, như thế cho đến cỏ cây mảy mún lớn nhỏ tuy có sai khác, nhưng đã có hình tướng đều có thể chỉ ra được. Nếu nhất định cái thấy kia hiện trước mắt ông, ông nên lấy tay chỉ rõ ra cho chính xác cái nào là cái thấy? A-nan! Ông nên biết, nếu hư không là cái thấy, đã thành cái thấy rồi, cái gì là hư không? Nếu vật là cái thấy, đã là cái thấy thì cái gì là vật? Ông nên chín chắn phân tích trong muôn vật, lựa ra tánh thấy sẵn có sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu để chỉ rõ cho tôi, cùng các vật kia một cách rõ ràng, không nhầm lẫn".

A-nan thưa: "Nay con ở trong giảng đường này nhìn xa thấy sông Hằng, trên thấy mặt trời mặt trăng, trong đó đưa tay chỉ ra những gì dùng mắt nhìn xem được thì đều là vật, không phải là cái thấy.

Bạch Thế Tôn, đúng như lời Phật vừa dạy, chẳng những hàng Thanh Văn sơ học hữu lậu chúng con, cho đến Bồ-tát cũng không thể đối trước hiện tượng của muôn vật vạch ra được cái thấy rời tất cả vật riêng có tự tánh".

Phật nói: "Đúng thế! Đúng thế!"

GIẢNG GIẢI:

Đây là Phật phá cái nghĩa thị, tức các vật là cái thấy. Rồi  kế là Phật phá nghĩa phi để dứt trừ tâm hý luận "thị phi" mới thể nhập vào chân tánh.

Ngài A-nan nói: "Nếu tánh thấy thật là con thì nó phải ở trước mặt". Phật dạy: "Nếu ở trước mặt thì nó phải có chỗ nơi và ông phải chỉ ra được", vì nó thành một vật rồi. Và "Nếu có chỗ chỉ ra thì nó lại thành cái vật bị thấy, vậy đâu phải là tánh thấy".

Nên đây Phật bảo: "Từ rừng Kỳ-đà xem đến trên mặt trời, mặt trăng v.v…rộng khắp hết mọi thứ đều là hiện tượng trước mắt, là cái tướng bị thấy". Rồi bảo A-nan lựa ra xem trong đó cái gì là tánh thấy để không lẫn lộn với các vật.

Làm sao chỉ ra cái nào là cái thấy? Chỉ cái nào cũng là vật, cái nào cũng là đối tượng bị thấy. Đây Ngài A-nan cũng nhận rõ, mới bạch với Phật là không thể vạch ra được để chỉ ra tánh thấy. Tuy nhiên nó không phải một vật, mà nó lại thấy được hết tất cả vật. Đó mới là chỗ vi diệu và là chỗ khó hiểu.

Cho nên dùng trí thông minh cách mấy phân tích cũng không nổi, càng phân tích lại càng thêm mê. Trái lại, quên niệm phân biệt thì sáng tỏ. Ngược đời vậy đó! Vì phân tích là thuộc về tình thức chia chẻ nên Ngài A-nan thưa tới thưa lui, thưa mãi vẫn bị Phật bác. Đó là chỗ chúng ta cần phải sáng.

 

CHÁNH VĂN:

Phật lại bảo A-nan: "Như ông đã nói, không có cái thấy rời tất cả vật riêng có tự tánh, thì trong tất cả vật ông chỉ ra được, chỉ là vật chứ không phải cái thấy. Nay tôi lại hỏi ông, ông cùng Như Lai ngồi trong rừng Kỳ-đà  lại xem vườn rừng, cho đến mặt trời mặt trăng, các thứ hình tượng sai khác, nhất định không có cái thấy mà ông có thể chỉ ra được, vậy ông hãy phát minh trong các vật này cái gì chẳng phải cái thấy?".

Ngài A-nan thưa: " Con thật xem khắp trong rừng Kỳ-đà này chẳng biết trong ấy cái gì chẳng phải là cái thấy. Vì sao? Nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Như thế cho đến nếu hư không chẳng phải cái thấy thì làm sao thấy được hư không ? Nếu hư không là cái thấy thì sao lại gọi là hư không? Con lại suy nghĩ, trong muôn vật đây chín chắn phát minh không có cái gì chẳng phải là cái thấy".

Phật nói: "Đúng thế, đúng thế!".

GIẢNG GIẢI:

Nói Tức Phải không được, e người lại chấp vào Tức Phi, nên Phật cũng phá luôn.

Ngài A-nan đã hiểu nên trả lời là không thể ở trong đây mà chỉ ra cái gì không phải cái thấy, như nói nếu cây chẳng phải là cái thấy thì làm sao thấy được cây? Nếu cây tách rời cái thấy thì cái gì thấy được cây?

Ở trước, khi phá chấp Tức Thị thì Phật cũng ngừa nói là tánh thấy chẳng phải vật, nhưng tánh thấy cũng không rời ngoài vật riêng có tự tánh có thể chỉ ra. Như vậy là ngăn ngừa cái chấp ngược lại, cho nên khi Ngài A-nan đáp như trên thì Phật xác định rõ là đúng như vậy, tức cũng không thể chỉ ra được cái gì không phải là tánh thấy. Vì ngại chúng sanh nhiều đời huân tập tình mê, nên đây Phật phải nêu rõ rồi gạn kỹ để phá.

Ngài A-nan nói khi chín chắn phát minh thì  không có cái gì chẳng phải cái thấy, tức là không có cái gì rời ngoài cái thấy, vậy là ngầm chỉ cái gì?

Nói tức thị cũng không được, mà nói tức phi cũng không được. Chấp là một không được, chấp là khác cũng không được. Đó là chỗ khó hiểu. Bởi nếu là một thì tánh thấy với vật thành lộn xộn, và tánh thấy là vật rồi. Còn nếu là hai thì tức là tách rời, mà tách rời thì cái gì thấy vật? Đây ngầm chỉ  là phải lìa niệm phân biệt thì ngay đó sẽ tự thầm nhận. Đừng sanh thêm tâm phân biệt trong đó, sanh thêm tâm phân biệt thành dư, dư là dư cái tâm phân biệt.

Đó là chỗ mà người thế gian không hiểu. Bởi thế gian luôn sống với tâm phân biệt, mà phân biệt tức là đối đãi hai bên, luôn luôn phân chia kia-đây thì chưa thể thật thấy. Còn ở đây phải thầm nhận hay là trực nhận, lìa phân biệt đây-kia.

Trong nhà  thiền, khi Thiền sư Quế Sâm gạn hỏi Ngài Văn Ích(Thiền sư Pháp Nhãn) rằng:

- Ở trong Triệu Luân nói là trời đất cùng với ta đồng gốc, như vậy sơn hà, đại địa này cùng với chính mình ( Thượng tọa) là đồng hay khác?

Theo cái hiểu thông thường, Ngài Văn Ích thưa:

- Khác.

Ngài Quế Sâm đưa hai ngón tay lên. Ngài Văn Ích thấy vậy liền nói:

- Đồng.

Ngài Quế Sâm cũng đưa hai ngón tay lên.

Tức là theo cái thấy của thông thường là không khác thì đồng, còn không đồng thì khác, là kẹt ở hai bên. Nhưng đây thì không phải vậy, còn thấy đồng thấy khác tức là còn trong cái thấy phân biệt hai bên, chưa thoát khỏi tình thức. Tình thức thì thuộc về tưởng, chưa thể thực thấy. Nên ở đây Phật bác hết.

Tiếp theo, Phật lại chỉ ra kỹ hơn.

 

CHÁNH VĂN:

Khi ấy những vị trong đại chúng, những vị chưa chứng quả Vô học nghe Phật nói lời này đều mờ mịt, chẳng biết nghĩa ấy trước sau thế nào, nên đều lo sợ mất chỗ bình thường.

GIẢNG GIẢI:

Nói  tức (phải) không được, mà nói phi (chẳng phải) cũng không được, giờ phải hiểu sao đây? Cho  nên trong đại chúng những người chưa chứng quả Vô học đều hoang mang chới với, mất chỗ bình thường, vì không còn chỗ để nắm bắt, không còn chỗ nào bám để hiểu được nữa.

Đúng là không còn có thể theo cái hiểu bình thường để hiểu được, đó cũng là chỗ gốc rễ phân biệt bị lung lay.

Bởi vì nếu còn có chỗ bám để hiểu thì tức là còn có chỗ cho tình thức làm việc, còn ở đây hết chỗ để bám để hiểu, giống như đến đường cùng, nếu khéo chút nữa, chính ngay cái không hiểu đó mà ông hiểu được là xong.

 

CHÁNH VĂN:

Đưc Như Lai biết đại chúng lo sợ nên sanh lòng thương xót, liền an ủi ông A-nan và cả đại chúng rằng: "Các Thiện nam tử! Đấng Vô Thượng Pháp Vương nói lời chân  thật, như tánh chân như mà  nói, đều chẳng hư dối, chẳng phải như bọn Mạt-già-lê dùng bốn thứ luận nghị "kiểu loạn bất tử". Ông nên chín chắn suy nghĩ, chớ phụ lòng thương mến của tôi!".

GIẢNG GIẢI:

Phật thấy đại chúng hoang mang chới với không biết phải hiểu sao Phật mới an ủi: "Đấng Vô Thượng Pháp Vương nói lời chân thật, như tánh chân như mà nói, đều chẳng hư dối".

Bởi  Đức Như Lai từ chỗ chứng biết mà nói ra nên những lời nói này là những lời nói đúng như thật, do đó mà Đức Phật mới nhấn mạnh để đại chúng đầy đủ niềm tin chín chắn suy nghĩ kỹ.

 

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, Ngài  Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử thương xót bốn chúng, ở trong đại chúng từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:  "Bạch Đức Thế Tôn! Đại chúng đây không nhận được chỗ Đức Như Lai phát minh hai nghĩa "phải" và "chẳng phải" nơi hai thứ "cái thấy" và "sắc không".

Bạch Thế Tôn! Các hiện tượng sắc không v.v… nơi tiền cảnh, nếu là cái thấy thì đáng lẽ có chỗ chỉ ra được, còn nếu chẳng phải là cái thấy thì  đáng lẽ không thể thấy, mà nay chẳng biết nghĩa này về đâu nên mới lo sợ, chứ chẳng phải trước đây căn lành mỏng ít. Cúi mong Đức Như Lai mở lòng đại từ chỉ rõ các vật hiện tượng này và cái thấy "nguyên là vật gì" mà ở trong ấy không có cái "phải" và "chẳng phải".

GIẢNG GIẢI:

Bồ-tát Văn Thù xin Phật chỉ rõ các hiện tượng này và cái thấy "nguyên là vật gì" mà ở trong ấy không có cái "phải" và "chẳng phải". Đó là Ngài đã gợi ý rồi. Chỗ này cần chú ý, đọc kỹ mới thấy được cái ý của Ngài.

Ở đây Ngài Văn-thù xuất hiện, là muốn nêu lên ý gì? Ngài Văn-thù tượng trưng cho Căn bản trí hay Vô phân biệt trí. Đây ngầm chỉ chỗ này cần phải nhờ trí tuệ căn bản mới thấu được chứ không thể dùng trí phân biệt để hiểu.

Đại chúng đây còn vướng kẹt nghĩa "phải" và "chẳng phải" của cái thấy và các hiện tượng sắc không, tức là các cảnh tiền trần. Vì chưa tiêu được cái thấy phân biệt hai bên nên đại chúng không biết là cái thấy và các cảnh sắc không đó là phải hay chẳng phải, là một hay khác. Vì nếu tiền trần là cái thấy thì đáng lẽ ra có chỗ chỉ ra được đâu là cái thấy. Ngài Văn-thù mới gợi ý để hỏi Phật là cần chỉ rõ các vật hiện tượng này và cái thấy "nguyên là vật gì" mà trong đó có nghĩa "phải", "chẳng phải"?

Ngay đây nếu người sáng suốt lanh lợi thì ngầm thấy cái ý của Ngài Văn-Thù. Chú ý! Ngài nói là muốn thấy Phật chỉ rõ các vật hiện tượng và cái thấy "nguyên là vật gì?". Đó là chỗ Ngài gợi ý. Nguyên là vật gì mà không thể nói ra được phải-chẳng phải. Nếu nó là vật gì thì phải nói được! Tức ngầm chỉ nó không phải là vật gì khác mà nguyên là một thể giác thì làm sao có hai nghĩa "phải", "chẳng phải"! Chỉ thế thôi mà người không thấy được!.

Bởi ngoài tâm riêng thấy có pháp thật nên mới thấy có "phải", "chẳng phải", mới thành cái thấy ngăn ngại. Còn nếu thật thấy được nó vốn nguyên là một thể giác thì còn hỏi gì phải-chẳng phải! Cho nên Phật dạy:

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo Ngài Văn-thù-sư-lợi và cả đại chúng: "Mười phương Như Lai và Đại Bồ-tát khi tự trụ trong chánh định kia thì cái thấy và cảnh bị thấy cùng với các tướng tưởng đều như hoa đốm giữa hư không vốn không thật có. Cái thấy và cảnh bị thấy này nguyên là thể giác ngộ nhiệm mầu thanh tịnh, sáng suốt, cớ sao trong ấy lại còn có nghĩa phải và chẳng phải?

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ ra quá rõ rồi! Chỉ nguyên là thể giác nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt, cớ sao trong đó lại còn có cái nghĩa phải-chẳng phải? Nhưng muốn thấy được chỗ này thì phải tự trụ trong Chánh định mới thấy được, dùng tâm phân biệt thì không thể thấy.

Dùng tâm phân biệt thì chỉ thấy theo tướng phân biệt bên ngoài, còn tự trụ trong chánh định kia thì mới thấu rõ được cái thấy và cảnh bị thấy đều như hoa đốm giữa hư không, không có thật thể, nó nguyên là thể giác thanh tịnh nhiệm mầu sáng suốt thì còn gì mà nói phải-chẳng phải nữa. Chỗ này là chỗ chúng ta cần học. Học kinh Lăng Nghiêm cũng như các kinh Đại Thừa cần phải học kỹ, đọc từng chữ để thấm được ý của Phật chứ không thể đọc hời hợt qua suông. Nếu chúng ta chỉ đọc lơ là rồi cho qua thì làm sao thấy được cái "nguyên thể giác ngộ thanh tịnh sáng suốt này"?

Rồi tự trụ trong chánh định là chánh định gì? Tức là chánh định Thủ Lăng Nghiêm. Trụ trong chánh định Thủ Lăng Nghiêm tức là ở trong tâm thể chân thật thường trụ; từ tâm thể chân thật mà nhìn thì đâu còn  thấy phân biệt hai bên và cũng đâu thấy thật có pháp ở ngoài tâm; đâu có cái thấy riêng là cái thấy và cảnh vật bị thấy mà thành ra phân chia đây-kia, phải-chẳng phải.

Giống như chỉ có một mặt trăng chứ không có  mặt trăng thứ hai. Mặt trăng thứ hai chỉ là bóng, vậy còn nói gì là phải, chẳng phải nữa. Người rời ngoài tâm thể mà nhìn thì vọng thành có cái thấy sai biệt gọi là kia-đây, do đó mà có ngại rồi có thấy là phải-chẳng phải, lỗi là ở chỗ đó.

Đây dẫn câu chuyện nhà thiền:

Một hôm Ngài Thiệu Tu hỏi Thiền sư Quế Sâm:

- Người xưa nói rằng: "Ở trong vạn tượng riêng bày thân" là ý chỉ thế nào?

Đây dẫn trong bài kệ ngộ đạo của Ngài Huệ Lăng - Trường Khánh.

Ngài Quế Sâm mới bảo:

- Người nói người xưa vạch vạn tượng hay là chẳng vạch vạn tượng?

Thiệu Tu thưa:

- Chẳng vạch.

Ở trong  đó riêng bày thôi đâu có vạch.

Ngài Quế Sâm bảo:

- Hai cái.

Ông nói chẳng vạch, tức là đối với vạch; vạch-chẳng vạch là hai bên, lại thành mắc kẹt.

Ngài Thiệu Tu nghe vậy kinh hãi lặng thinh không biết ra sao. Kế đó , Ngài mới hỏi thêm:

- Vậy chưa biết người xưa là vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng?

Thiền sư Quế Sâm bảo:

- Ngươi nói cái gì là vạn tượng?

Ngay đó Sư liền tỉnh ngộ.

Là do ông còn thấy thật riêng có vạn tượng ngoài con người chân thật kia nên mới thấy là có vạch hay chẳng vạch. Đây Ngài nhấn mạnh lại: "Cái gì là vạn tượng?".Vạn tượng chỉ là cái bóng ở trong tâm thể chân thật kia thì nói gì là vạch-chẳng vạch. Tức là không thấy thật có vạn tượng riêng ở bên ngoài, không có cái thật thể thứ hai riêng ngoài cái tâm chân thật. Thì ngay đó Ngài Thiệu Tu liền tỉnh ngộ.

Đây Phật mới nói thêm:

 

CHÁNH VĂN:

Này Văn-thù! Nay tôi hỏi ông, như  ông là Văn-thù thì lại có Văn-thù phải là Văn thù hay không chăng?".

Ngài Văn-thù đáp:"Đúng như thế, bạch Thế Tôn! Con nay thật là Văn-thù rồi thì không có cái phải Văn-thù. Vì sao? Vì nếu có phải là Văn-thù thì có hai Văn-thù. Song con hiện nay chẳng phải là không Văn-thù, trong ấy thật không có hai tướng "phải" hay "chẳng phải"."

GIẢNG GIẢI:

Đây là lấy ngay thực tế làm sáng nghĩa.

"Ông là Văn-thù rồi thì còn có nói phải Văn-thù nữa không?" Đã thực Văn-thù rồi thì đâu còn nghi gì là phải-chẳng phải nữa. Nếu mình là Văn-thù rồi mà còn nói là phải Văn-thù thì tức là có thêm ông Văn-thù chẳng phải nữa, là có thêm ông Văn-thù thứ hai để đối đãi. Chỗ này là chỗ rất tế nhị.

Chúng ta tu đến chỗ vi tế này không khéo thì dễ mắc kẹt. Chỗ này không phải là chỗ lý luận, người không có công phu tu tập thì không rõ biết được. Thí dụ như tôi nói Phật tức tâm hay tâm tức Phật. Là sao? Nếu người thật ngộ thì còn thấy Phật tức tâm hay là tâm tức Phật hay không? Nếu còn thấy cái này tức cái kia là chưa thật ngộ. Nếu thật ngộ là quên tức. Đây chỉ là lời nói phương tiện cho người còn mê ngoài tâm mà cầu Phật nên mới nói là Phật tức tâm để cho mình  không cầu bên ngoài, còn  nếu thực ngộ rồi thì khỏi nói tức.

Cũng như vậy, chính ông là Văn-thù rồi thì khỏi cần phải nói phải Văn-thù nữa? Còn nói phải Văn-thù nữa tức là còn nghi.

Nhà thiền có câu chuyện, một hôm Ngài Phong Can hỏi Ngài Hàn Sơn (hiện thân của Bồ-tát Văn-thù):

- Ông đi dạo núi Ngũ Đài với tôi thì ông mới là bạn của tôi, còn  nếu ông  không đi thì tức là ông không phải bạn với tôi.

Ngài Hàn Sơn đáp:

- Thôi, tôi không đi!

Ngài Phong Can bảo:

- Vậy ông không phải bạn của tôi.

Ngài Hàn Sơn  mới hỏi lại Ngài Phong Can:

- Ông đi núi Ngũ Đài để  làm gì?

Ngài Phong Can đáp:

- Tôi đi lễ Văn-thù.

Ngài Hàn-sơn nói:

- Vậy ông không phải là bạn của tôi rồi.

Tôi đối diện với ông đây mà ông còn  đi đến kia để lễ, vậy tức là không phải bạn của tôi rồi.

Ngài Phong Can đi một mình  đến  núi Ngũ Sơn thì gặp một ông già, ông già này cũng là Ngài Văn-thù thị hiện. Ngài Phong Can hỏi:

- Ông có phải là Văn-thù không?

Ông già đáp:

- Há có hai Văn-thù sao?

Vì ông chính là Văn-thù thị hiện rồi mà còn hỏi phải Văn-thù hay không gì nữa.

Ngay đó, Ngài Phong Can biết là Ngài Văn-thù thì liền làm lễ. Lễ xong đứng dậy ông già đã biến mất. Chuyện này cũng đồng với nghĩa của đoạn kinh trên.

Thứ nhất, Ngài Hàn Sơn tức là ngài Văn-thù rồi thì còn nói đi lễ Văn-thù nào nữa. Thứ hai, chính ông già đó cũng là Ngài Văn-thù thị hiện thì còn nói phải chẳng phải chi nữa! Cũng vậy, đến chỗ tự chứng, cần quên cái nghĩa phải và chẳng phải. Phật ngầm chỉ đến chỗ thật thấy rồi thì nó-như-vậy-thấy-như-vậy, khỏi nói phải-chẳng phải gì nữa.

 

CHÁNH VĂN:

Phật dạy: "Tánh thấy nhiệm màu sáng suốt ngày cùng với hư không và tiền trần cũng lại như vậy. Vốn  là chân tâm giác ngộ vô thượng thanh tịnh tròn sáng  nhiệm màu, mà  vọng ra làm sắc, không và thấy nghe; Ví như mặt trăng thứ hai thì cái nào là phải mặt trăng, cái nào là không phải mặt trăng? Này Văn-thù! Chỉ có một mặt trăng  thật, trong ấy tự nhiên không có phải mặt trăng hay không phải mặt trăng.

Thế  nên hiện nay ông xem cái thấy và trần cảnh, mỗi thứ phát minh ra đều gọi là vọng tưởng, không thể trong ấy chỉ ra nghĩa "phải" và "chẳng phải".

Bởi do tánh giác chân thật sáng suốt nhiệm mầu ấy, hay khiến cho ông ra ngoài nghĩa " chỉ ra được hay chẳng chỉ ra được"."

GIẢNG GIẢI:

Kết lại, Phật chỉ ra cái thấy, hư không cho đến tiền trần đều ở trong chân tâm nhiệm mầu sáng suốt hiện ra, không riêng tự có. Nói theo Bát-nhã thì đều là tánh không, không có thật thể riêng, không ngoài chân tâm mà riêng có cái thấy và tiền trần. Nó giống như cái bóng hiện nên Phật mới nói giống như mặt trăng thứ hai.

Mặt trăng thứ hai chỉ là cái bóng của mặt trăng thật, thể của mặt trăng thứ hai cũng là thể của mặt trăng thật. Nó không có cái thật thể đối lại mà nó chỉ là  cái bóng. Nếu thật sự nó có một cái thật thể riêng thì mới nói là phải hay chẳng phải, thành cái đối lập, so sánh. Cũng vậy, tánh thấy với tiền trần bên ngoài cũng vốn từ chân tâm hiện, nên thể nó cũng vẫn là chân tâm chứ không có thật thể riêng, thì  không còn nói gì là phải, chẳng phải. Ý là như vậy.

Phật mới nói:" Thế nên hiện nay ông xem cái thấy và trần cảnh, mỗi thứ phát minh đều gọi là vọng tưởng, không thể trong ấy chỉ ra nghĩa "phải" và "chẳng phải"." Ý nói nó đâu có thật đâu mà xác định là phải, là chẳng phải. Càng cố xác định thì càng mê thêm. Muốn xác định nó là muốn cho nó có cái thật thể , trong khi nó là hư vọng thì  làm sao có thật thể riêng được. Còn ngay đó mà nhận ra tánh giác sáng suốt nhiệm mầu thì liền quên cái nghĩa phải-chẳng phải, rồi vượt ra nghĩa chỉ ra được và không chỉ ra được.

Bởi nó chính là tánh giác sáng suốt rồi, còn nghi gì mà chỉ ra, chẳng chỉ ra được. Tự chứng rồi sẽ hết nghi.

Đến đây, Ngài A-nan lại nghi qua cái khác:

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 21978
  • Online: 20