Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 13 NÊU RA CĂN ĐỂ CHỈ CHỖ MÊ

16/07/2018 | Lượt xem: 2645

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Như Lai tuy nói nghĩa quyết định thứ hai, song nay con xem trong thế gian, những người mở gút, nếu không biết đầu gút ở đâu, thì con tin chắc rằng người ấy không thể nào mở được.

Bạch Thế Tôn! Con và hàng Thanh Văn hữu học trong hội cũng giống như vậy. Từ vô thủy đến nay chúng con cùng với các thứ vô minh đồng sanh đồng diệt. Tuy được thiện căn nghe nhiều Phật pháp thế này, nhưng tiếng là xuất gia mà cũng như người bị bệnh rét cách ngày. Cúi mong Đức Thế Tôn mở lòng đại bi thương xót kẻ trầm luân, chính nơi thân tâm hiện nay chỉ cho chúng con thế nào là cột và làm sao để mở, cũng khiến cho chúng sanh khổ não đời vị lai được ra khỏi luân hồi, chẳng rơi vào ba cõi”.

Nói lời ấy rồi tất cả đại chúng năm vóc gieo xuống đất, khóc lóc thành khẩn trông chờ lời khai thị vô thượng của Đức Như Lai.

GIẢNG GIẢI:

Đoạn trước Phật đã chỉ gút là ở ngay nơi sáu căn, cũng ngay nơi sáu căn mà mở. Nhưng Ngài A-nan chưa biết đầu mối của gút và cách mở thế nào, nên thưa hỏi thỉnh Phật khai thị thêm. Ngài A-nan tự nói mình tuy nghe pháp nhiều nhưng giống như bị rét cách ngày, hết rồi rét trở lại, chưa thật hết mê, xin Phật chỉ rõ ngay thân tâm này thế nào là cột, làm sao để mở.

 

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, Đức Thế Tôn thương xót A-nan và đại chúng các hàng hữu học trong hội, rồi cũng lại vì chúng sanh đời vị lai tạo cái nhân xuất thế và làm đạo nhãn cho tương lai. Ngài dùng cánh tay sắc vàng sáng ngời xoa trên đảnh ông A-nan. Liền khi ấy khắp tất cả các cõi nước của chư Phật trong mười phương, sáu thứ rung động; các Đức Như Lai nhiều như số vi trần ở trên thế giới ấy, mỗi vị đều có hào quang báu từ trên đảnh phóng ra, hào quang ấy đồng thời ở thế giới kia phóng đến rừng Kỳ-đà soi trên đảnh Đức Như Lai. Khi ấy, tất cả đại chúng được việc chưa từng có.

Khi ấy, ông A-nan và cả đại chúng đều nghe mười phương các Đức Như Lai như số vi trần, tuy khác miệng nhưng đồng một lời bảo với A-nan rằng: “Lành thay! A-nan! Ông muốn biết câu sanh vô minh là cái đầu gút khiến ông luân chuyển sanh tử, thì nó chính là sáu căn của ông chớ không phải vật gì khác. Ông muốn biết tánh Vô thượng Bồ-đề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát tịch tịnh diệu thường cũng là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác”.

GIẢNG GIẢI:

Phật thương xót Ngài A-nan và đại chúng, các hàng hữu học trong pháp hội hiện tại và chúng sanh đời vị lai mà tạo cái nhân xuất thế. Ngài lấy tay xoa đảnh A-nan, xoa đảnh để khiến cho thân thiết mà tiếp nhận. Ngay đó mười phương chư Phật đồng phóng quang trên đảnh, soi đến trên đảnh Đức Phật Thích Ca, biểu thị Phật Phật đồng cảm thông với nhau, chỗ này vượt ngoài cái phân biệt của thường tình, người ngoài không biết. Mười phương chư Phật đồng nói rõ chính sáu căn là chỗ đi vào luân chuyển sanh tử, cũng chính sáu căn này là chỗ chứng an lạc, giải thoát, Niết-bàn. Tức là đi vào sanh tử luân hồi cũng ngay sáu căn, ra khỏi sanh tử luân hồi cũng ngay sáu căn, mười phương chư Phật đồng nói như vậy. Điều này chứng minh đây là lẽ thật của tất cả chư Phật, chớ không phải chỉ Đức Phật Thích Ca, khiến chúng ta có đầy đủ lòng tin.

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan tuy được nghe pháp như thế, nhưng tâm còn chưa rõ, nên mới cúi đầu bạch Phật: “Thế nào là khiến con sanh tử luân hồi, hay an lạc diệu thường cũng đều do sáu căn của con, chớ không phải vật gì khác?”.

Phật bảo A-nan: “Căn và trần đồng một nguồn, triền phược hay giải thoát không hai, thức phân biệt là hư vọng như hoa đốm giữa hư không. A-nan! Do trần mà phát ra cái biết của căn; nhân căn mà có cái tướng của trần, tướng và kiến không có thật tánh, như những hình cây lau gác vào nhau”.

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan tuy được mười phương chư Phật đồng thời khai thị cho thấy khiến lưu chuyển sanh tử luân hồi hay khiến ra khỏi sanh tử luân hồi, chứng Niết-bàn an lạc cũng ngay sáu căn này, chớ không gì khác. Nhưng tâm Ngài vẫn chưa nhận được yếu chỉ nên thưa hỏi thêm. Điều này ngầm chỉ, đây là chỗ sâu xa vi tế, không thể nghe một cách hời hợt, không thể dùng tình thức phân biệt lý luận, phải quán sâu quán kỹ mới nhận được lẽ thật đó. Đây là lẽ thật mười phương chư Phật đồng nói, chớ không phải tầm thường.

Phật chỉ rõ căn trần đồng nguồn, trói buộc hay giải thoát cũng không có hai, không có thật thể riêng, cũng từ Như Lai Tạng bởi mê mà vọng phát khởi. Căn không có tự ngã riêng của căn, trần không có tự ngã riêng của trần, trói buộc hay giải thoát cũng vậy, không có tự ngã trói buộc riêng, tự ngã giải thoát riêng. Thì chính ngay trói buộc này là giải thoát, không có cái nào riêng khác. Vậy lỗi ở chỗ nào mà thành mê lầm, trói buộc? Lỗi ở thức phân biệt, do thức phân biệt mới có yêu ghét, lấy bỏ. Nếu thấy nghe không có thức phân biệt chen vào thì thanh tịnh, trong sáng, không có yêu ghét, lấy bỏ, kia đây v.v…, ngay đó là trở về gốc. Thấy được đầu mối này rồi thì ngay đầu mối mà gỡ. Nhưng thức này cũng hư vọng, nhân căn trần mới khởi, nó cũng không có tự thể riêng. Căn trần không thật thể, thức phân biệt cũng không thật thể, đồng một cái giả dối không thật. Vậy mà chúng sanh lại mê trong đó.

Do trần phát ra cái biết của căn, nhân căn có tướng của trần, tức căn nhân trần mới biết, như con mắt nhân nơi sắc mới thấy. Trần cũng nhân căn mới hiện, do mắt thấy mới biết có sắc trần, nếu không có con mắt thấy thì sắc trần không chỗ hiện. Hai cái nương nhau tạm lập, tách ra một cái liền thành không có thật thể, nên giống như hình cây lau gác vào nhau, cái này gác vào cái kia, kéo ra thì không thành gì hết. Vậy có gì đâu để trói buộc? Trói buộc là do vọng tưởng thôi, nhưng thức phân biệt lại nương vào đó sanh, nên gọi là sống trong hư vọng. Nếu giác ngộ trở lại, thấu suốt nó không thật thể, ngay đó tự thành giải thoát, không thật có gì trói buộc mà nguyên chỉ là một thể giác xưa nay.

Có bài kệ của một vị Thiền sư nói: “Tìm trâu là phải theo dấu, hễ dấu còn thì trâu không mất”. Từ căn đi ra theo trần, chúng ta ngay cái dấu này phăng trở lại, tức ngay cái thấy nghe hiểu biết này là dấu của nó, phăng trở lại nguồn sẽ gặp lại bản tâm chân thật. Còn thấy nghe hiểu biết là còn dấu, nếu không còn thấy nghe hiểu biết thì hết chỗ tìm. Chúng ta cũng còn cái may mắn là còn dấu rõ ràng, vậy ngay dấu phăng tìm trở lại là trở về đầu nguồn, là gặp lại người xưa!

 

CHÁNH VĂN:

Thế nên, nay ông chính nơi tri kiến mà lập ra tướng tri kiến là cội gốc của vô minh. Chính nơi tri kiến mà không có tướng tri kiến thì đó là vô lậu chân tịnh Niết-bàn, làm sao trong ấy lại còn có vật gì khác”.

GIẢNG GIẢI:

Nguyên văn chữ Hán là: “Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn”. Ngay nơi cái thấy biết này mà lập ra cái thấy biết nữa là cội gốc của vô minh. Còn ngay nơi cái thấy biết này, không thêm cái thấy biết nữa, đó gọi là vô lậu, chân tịnh Niết-bàn, chớ không có vật gì khác chen vào. Rõ ràng ngay vọng tức chân, đâu có cái chân nào khác. Cho nên, trói buộc - giải thoát không hai, không có thật thể riêng.

Gốc của vô minh hay vô lậu, chân tịnh Niết-bàn cũng ở ngay tri kiến này, ngay cái thấy biết này, chớ không có gì khác. Chỉ khác là tri kiến lập thêm tri kiến, hay không lập thêm tri kiến. Ngay nơi thấy biết hiện tiền mà thêm cái thấy biết nữa, tức là thêm cái thức phân biệt, đó là gốc vô minh, là cái vọng thấy biết, không phải cái thấy biết chân thật, là bị trói cột.

Cũng ngay cái thấy biết hiện tiền, không thêm cái thấy biết nữa, tức không sanh thêm thức phân biệt, thì thấy biết vẫn là thấy biết, là cái thấy biết thanh tịnh trong sáng, rõ ràng. Đó là Niết-bàn chân thật, là giải thoát, là mở. Vậy rõ ràng cột hay mở, chân hay vọng cũng ngay cái thấy biết hiện tiền này, không có vật khác, không có hai thể riêng.

Phật đã chỉ rõ con đường mê ngộ rất sáng tỏ, chúng ta còn chưa chịu nhận, còn muốn tìm gì nữa? Các Thiền sư thường tận dụng ý nghĩa này để khai thị cho người. Ngữ lục của các Thiền sư tuy nhiều, nhưng tóm tắt lại không ngoài sáu căn. Có khi giơ phất tử hay giơ ngón tay để khai thị từ con mắt mà trở về. Gọi biết dạ là khai thị nơi lỗ tai. Khai thị nơi lỗ mũi như trường hợp Ngài Hối Đường khai thị cho Hoàng Sơn Cốc: Hai vị đi rừng gặp mùa hoa quế nở, Hối Đường hỏi Hoàng Sơn Cốc có ngửi thấy mùi hoa quế hay không, Hoàng Sơn Cốc đáp có, Hối Đường nói đâu có gì che giấu, Hoàng Sơn Cốc liền ngộ. Hoặc Thiền sư Hồng Nhân ở Thần Đảnh khai thị nơi lưỡi biết vị khi gắp món ăn đưa vào miệng. Hoặc khai thị nơi thân biết xúc, như Ngài Vân Môn gặp Trần Tôn Túc đóng cửa, bị thương ở đầu ngón chân mà cảm ngộ, ngay nơi xúc mà trở về. Còn khai thị nơi ý căn như Ngài Duyên Quán khai thị chỗ đạo tràng vô tướng.

Rõ ràng kinh Phật nói, các Tổ, các Thiền sư chỉ bày luôn khế hợp nhau, trước sau thông suốt, không có gì khác. Chỉ vì người học không hiểu, phân tích trên chữ nghĩa, suy luận theo cái hiểu riêng tư, nên thấy có đây kia sai biệt, thế này thế khác. Người thật sự tỏ ngộ lẽ thật thì chỗ thấy không hai, thông suốt một đường xưa nay.

Chúng ta học kỹ để có đủ niềm tin, không cần phải tìm đâu xa, ngay sáu căn, ngay cái thấy biết hiện tiền này, khéo léo trở về. Cột hay mở chỉ ngay chỗ này. Tu ngay sáu căn là tu kỹ nhất, xuống bếp, ra đồng, ra chợ v.v… đều không rời sáu căn. Nếu đợi ngồi thiền mới tu thì chỉ tu trên thiền đường thôi. Khéo biết như vậy sẽ thấy được yếu chỉ tu hành của mình.

 

CHÁNH VĂN:

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:

    Nơi chân tánh pháp hữu vi không,

    Do duyên sanh nên giống như huyễn.

    Pháp vô vi không sanh, không diệt,

    Không thật như hoa đốm hư không.

GIẢNG GIẢI:

“Nơi chân tánh pháp hữu vi là không, do duyên sanh nên giống như huyễn”, pháp hữu vi đối với chân tánh thì vốn là không, không có thật thể tồn tại riêng. Tuy nhiên, ‘do duyên sanh nên giống như huyễn’, là không mà không phải không có gì, nó theo duyên mà hiện như huyễn có. Thí dụ như huyễn rất hay, là có nhưng không phải có cũng không phải không. Thấy rõ ràng nên không phải không, nhưng nắm bắt không được nên không phải có. Nói như huyễn thì không mắc kẹt trong có và không. Bởi chữ “không” đây, là không thật tánh hay không tự tánh, chớ không phải không có gì.

Như thân chúng ta đây rõ ràng còn ăn còn nói, nhưng nói là không vì nó không có tự tánh, bởi nó do duyên sanh. Vậy cái “không” của pháp hữu vi đây không phải là cái không của đoạn diệt, không phải phá hoại cái “có” để thành “không”, mà ngay cái “có” thấy là “không”, nên cái không đó không mắc kẹt nơi có và không.

“Pháp vô vi không sanh không diệt, không thật như hoa đốm hư không”, pháp vô vi thì không có tạo tác, không thuộc duyên sanh, nên không thể lập bày, không thể chỉ riêng ra được, gọi là như hoa đốm trong hư không. Không phải có pháp vô vi riêng đối với pháp hữu vi, mà ngay nơi pháp hữu vi, thấu suốt được bản chất không thật của nó, không lầm vào nó thì tự bày pháp vô vi, không phải bỏ pháp hữu vi thành pháp vô vi, không phải tách rời bên này là hữu vi, bên kia là vô vi. Như vậy ngay sanh tức vô sanh, không phải rời sanh có vô sanh.

 

CHÁNH VĂN:

     Nói vọng để tỏ bày cái chân,

     Vọng và chân cả hai đều vọng.

     Còn không phải chân, phi chân

     Làm sao có năng kiến sở kiến.

GIẢNG GIẢI:

Nói vọng để tỏ bày cho người nhớ trở về cái chân, nhưng chân chỉ là đối với vọng tạm lập, không phải riêng ngoài cái vọng có cái chân, hay ngoài cái chân có cái vọng. Vọng và chân đối đãi tạm lập, không có thật tánh.

Như mặt trăng và bóng mặt trăng. Bóng mặt trăng tạm dụ như vọng, mặt trăng dụ như chân, bóng mặt trăng không rời mặt trăng riêng có, mặt trăng cũng không rời bóng. Khi còn bóng thì chúng ta nói đây là bóng, kia là thật, có đây kia đối đãi, nhưng thật thể không hai. Nên nói vọng và chân đều là tên giả lập, không thật có hai thể, vì mê nên chia thành có chân có vọng, với người tỉnh thì không có pháp để sanh hai tâm.

“Còn không phải chân phi chân, làm sao có năng kiến sở kiến”, chân hay chẳng phải chân còn không thể thành lập được, thì nói gì là năng kiến sở kiến. Khi chúng ta lìa được cái thấy hai bên, vượt lên tâm kia đây, thấy chúng đều không có thật thể, thì không còn chấp theo cái thấy phân chia nữa. Năng kiến là căn, sở kiến là trần. Khi còn chia đây là căn, kia là trần, đây là cái hay thấy, kia là cái bị thấy là còn ở trong mê, trong thể giác vốn không có hai.

 

CHÁNH VĂN:

     Thức ở giữa không có thật tánh,

     Vậy nên như hình cây lau gác.

GIẢNG GIẢI:

Năng kiến sở kiến đã không, tức căn là cái hay thấy và trần là đối tượng bị thấy, hai cái đều không thật. Vậy thức do căn trần hòa hợp mà sanh, nhưng căn trần đã không thật thì thức làm sao thật được. Quán kỹ để rõ thức phân biệt không có thật tánh, giống như hình cây lau gác vào nhau, khi tạm gác vào nhau giống như có một chùm, gỡ ra thì không có thật thể gì. Rốt cuộc chỉ là vọng sanh. Nếu mê, lầm chấp trong đó thì thành chướng ngại, nếu thấu suốt thức phân biệt không có thật tánh, ngay đó liền giải thoát.

 

CHÁNH VĂN:

     Cột và mở đồng một sở nhân,

     Thánh và phàm vốn không hai lối.

GIẢNG GIẢI:

Cột cũng ngay thấy biết này mà cột, mở cũng ngay thấy biết này mà mở, nên nói cột và mở đồng một sở nhân, không có riêng. Ngay thấy biết này mà sanh thêm thấy biết, sanh thêm cái ngã trong đó là cột. Ngay thấy biết mà không thêm thấy biết, không sanh cái ngã, không sanh thức phân biệt trong đó, là mở. Cho nên Thánh phàm không hai lối, cũng ngay thấy biết này thôi, không riêng có chỗ khác, không có cái thể thứ hai. Chúng ta thấy chỗ tu hành rất sáng tỏ, ngộ hay mê chỉ ngay chỗ thấy biết này, không phải tìm đâu khác.

 

CHÁNH VĂN:

    Hãy xem tánh cây lau gác nhau,

    Đâu phải là không hay là có.

GIẢNG GIẢI:

Như hai cây lau gác vào nhau, thấy có rõ ràng mà tách ra thì không còn, nên nói không cũng không được, nói có cũng không được. Nó không thật thể cố định, còn nói có nói không là còn mê, còn kẹt một bên.

 

CHÁNH VĂN:

    Mê mờ nghĩa đó tức vô minh,

    Tỏ sáng liền thành giải thoát.

GIẢNG GIẢI:

Ngay đó mà vọng chấp cho là thật là vô minh, rõ biết nó không thật có, hết chấp liền thành giải thoát. Đây chính là con đường Đốn giáo.

 

CHÁNH VĂN:

    Mở gút tuy phải theo thứ lớp,

    Sáu đã mở, một cũng không còn.

GIẢNG GIẢI:

Khi mở gút phải theo thứ lớp, không phải vừa nói là xong. Chúng ta mê đã nhiều đời, nên mở cũng theo thứ lớp, tức là trái vọng để về chân. Nhưng khi sáu cái đã mở thì một cũng không còn, tức chân vọng đều quên sạch. Lúc mê phải bỏ vọng về chân, gọi là có thứ lớp. Khi sạch hết vọng, sáu cái đã mở hết thì một cũng không còn, chẳng còn đối đãi sáu và một nữa, chân vọng đều quên sạch, không còn chút dấu vết nào ngăn ngại.

 

CHÁNH VĂN:

     Nơi các căn chọn tánh viên thông,

     Nhập lưu được thì thành Chánh giác.

GIẢNG GIẢI:

Ngay các căn này ngộ suốt tột nguồn viên thông, thể nhập được trong đó thì cùng Phật không khác. Không khác là cái thấy đó hợp với Phật, cùng Phật không hai, nói theo nhà thiền là được Phật ấn chứng.

Khi Ngài Lâm Tế ngộ đạo, Ngài từng nói: “Chỗ thấy của Sơn Tăng cùng Phật Thích Ca không khác”, chỗ thấy không khác nhưng quả chưa đồng, vì công đức của Ngài sao bằng được công đức của Phật. Ở đây nói “nhập lưu thì thành Chánh giác” là nghĩa cùng Phật không khác như thế.

 

CHÁNH VĂN:

    Thức A-đà-na rất nhỏ nhiệm,

    Tập khí lưu hành như dòng thác.

GIẢNG GIẢI:

A-đà-na là chấp trì, chấp trì có ba nghĩa: Một là chấp trì thân căn này, thức giữ thân căn khiến cho không hoại. Hai là chấp trì chủng tử khiến nó không tan mất, giống như cái kho. Ba là chấp lấy kiết sanh để tương tục, giữ gìn cho sanh tử liên tục không dứt, khi chúng ta chết, thức vẫn kéo dài về sau. Thức A-đà-na là tên khác của thức thứ tám, tức tàng thức. Thức này rất nhỏ nhiệm, khó thấy.

Thức thứ sáu phân biệt hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v… dễ thấy. Thức A-đà-na là thức thứ tám ở sâu bên trong, là kho chứa những chủng tử, nó nhỏ nhiệm vì hòa hợp cả chân và vọng nên khó thấy. Người tu thật tỏ ngộ mới thấy được. Thể của nó nguyên là Như Lai Tạng tánh, vì vô minh vọng động huân thành những tập khí sanh diệt lưu chuyển giống như dòng thác. Dòng thác đổ xuống nhanh, đứng xa nhìn giống như một mảng nước, sự thật là từng giọt từng giọt kết hợp chớ không phải một. Nó là cái tương tục nối tiếp nhau, nói một không được, nói khác cũng không được. Nên nói nó vi tế nhỏ nhiệm là vậy. Thấy giống như một nên người không khéo thì chấp nó là chân, sự thật nó sanh diệt tương tục nên không phải chân. Bởi nó sanh diệt quá nhanh, quá nhỏ nhiệm nên khiến người dễ lầm.

 

CHÁNH VĂN:

    E lầm là chân hay phi chân,

    Nên Tôi thường không diễn giảng đến.

GIẢNG GIẢI:

Nó sanh diệt trôi chảy liên tục nên không phải chân, nhưng nó vốn là Như Lai Tạng tánh nên không phải vọng. Người mê không khéo chấp là chân vì thấy nó là một dòng liên tục, nhưng chấp như vậy là gồm thâu luôn cả cái vọng, tu không giải thoát nổi. Nếu cho nó là vọng là chối bỏ luôn cả cái chân, đó là chỗ hàng Nhị thừa mắc kẹt. Đây là chỗ khó nói, nên Như Lai thường không nói đến, chỉ khi thời tiết nhân duyên khế hợp Ngài mới nói, vì sợ người lầm là chân hay phi chân.

 

CHÁNH VĂN:

    Tự tâm trở lại chấp tự tâm,

     Không phải huyễn thành ra pháp huyễn.

GIẢNG GIẢI:

Tự tâm trở lại chấp tự tâm, khiến tự tâm thành cái thứ hai, có hai cái tự tâm. Một cái là tự tâm, một cái bị chấp lấy, thành hai cái. Tự tâm vốn tự tại, lại khởi ra một cái để chấp giữ lại nó, biến nó thành đối tượng bị chấp, bị giữ, mất đi sức tự tại. Nó vốn không phải huyễn, bây giờ thành ra huyễn, trở thành cái bóng thứ hai, thành đối tượng. Đó là trên đầu thêm đầu, trên cái biết thêm cái biết nữa. Thế nên người tu không khéo dễ bị mắc kẹt chỗ này. Trong nhà thiền hay quở chỗ này là đem tâm quán tâm, đem tâm tìm tâm, đem tâm dụng tâm, hay cỡi trâu tìm trâu v.v… Tâm chính là nó, còn đem cái tâm để quán trở lại tâm, vậy tâm nào quán, tâm nào được quán?

Như chúng ta tu thường nói giữ gìn chân tâm không mất. Nói nghe như đúng, nhưng đó chỉ là ngôn ngữ phương tiện. Nếu thật giữ gìn chân tâm thì ai giữ, chân tâm là cái gì mà giữ? Biến chân tâm thành đối tượng bị giữ, có thêm cái tâm giữ cái chân tâm thành hai tâm. Vậy tâm nào thật? Nếu cái giữ thật thì chân tâm thành vọng. Cũng vậy, thay vì tìm tâm, chúng ta tìm trở lại cái đang đi tìm đó mới hay. Chính cái đang đi tìm đó là cái được tìm, chớ không phải có cái khác để được. Cho nên trong nhà thiền thường nói: “Ngộ rồi đồng chưa ngộ”. Ngộ cái mình chưa ngộ chớ không phải ngộ cái khác, không có thêm cái thứ hai để ngộ. Chỗ này rất vi tế, chúng ta học kỹ để đừng lầm.

 

CHÁNH VĂN:

    Không chấp trước không gì phi huyễn,

    Cái phi huyễn vẫn còn không sanh,

    Thì pháp huyễn làm sao thành lập?

GIẢNG GIẢI:

Có huyễn nên lập phi huyễn. Khi không chấp trước thì huyễn không sanh, vậy lấy gì để nói phi huyễn. Huyễn không có thì phi huyễn cũng không lập, vì đó là hai pháp đối đãi. Vượt lên cả hai pháp huyễn phi huyễn, ngay đó tự lặng lẽ, không có sở đắc. Còn nói huyễn phi huyễn là còn mê. Nên ở đây Phật nói rõ không chấp trước thì không gì phi huyễn. Cái phi huyễn còn không sanh thì pháp huyễn làm sao lập.

 

CHÁNH VĂN:

    Ấy gọi Như Huyễn tam-ma-đề,

    Bảo giác chắc như Kim Cang Vương,

    Không nhiễm tịnh tợ diệu liên hoa,

    Khảy ngón tay vượt hàng Vô học.

GIẢNG GIẢI:

Ngay nơi tướng lìa tướng, biết nó là huyễn thôi, chớ không phải phá hoại các tướng, gọi là chánh định Như Huyễn, không như hàng Nhị thừa, bỏ cái này lấy cái kia. Đạt như huyễn là tâm không sanh, ngay sanh mà vô sanh, ngay động mà bất động, vượt cả hai niệm có không. Đó là bảo giác chân thật chắc chắn hay chém sạch tất cả vô minh lậu hoặc, như kiếm bén Kim cang, chém sạch hết những pháp nhiễm tịnh. Đây gọi là không nhiễm tịnh tợ diệu liên hoa, tức không kẹt nơi nhiễm tịnh, không còn thấy hai, vượt vòng đối đãi phân biệt, thức tình không có chỗ sanh. Đó là pháp nhanh chóng vượt lên hàng Vô học, tức là vượt thứ lớp, không có lấy bỏ. Nên nói khảy móng tay vượt hàng Vô học.

 

CHÁNH VĂN:

    Pháp ấy không gì so sánh được,

    Là con đường thẳng đến Niết-bàn,

    Của mười phương các Đức Thế Tôn.

GIẢNG GIẢI:

Pháp này không gì so sánh được, vì nó vượt lên phân biệt đối đãi, tu mà như không tu. Là con đường thẳng tắt đến Niết-bàn của mười phương các Đức Thế Tôn.

Chỗ này chúng ta phải quán kỹ, quán sâu mới thấy được giá trị, mới thấy ý vị sâu xa. Ngay cái thấy-nghe-hiểu-biết hiện tại đây mà mê, rồi cũng ngay cái thấy-nghe-hiểu-biết đây mà giác, chớ không có gì khác. Con đường thẳng tắt là vậy, vào sanh tử cũng ngay đây, vào Niết-bàn, trở về nguồn chân cũng ngay đây. Cho nên đoạn trước mười phương chư Phật đồng khai thị chân hay vọng cũng ngay sáu căn này. Trên tâm khởi tâm là vọng, tức trên đầu thêm đầu; biết vọng vốn không sanh thì ngay đó tức chân. Rõ ràng nhanh chóng như vậy. Vọng-chân là hai tên, còn thể vốn không hai, có gì để lấy bỏ trong đó? Thế nên gọi đó là con đường thẳng tắt đến Niết-bàn của mười phương chư Phật.

Bài kệ này Đức Phật tóm tắt ý nghĩa trên. Chúng ta học kỹ, quán kỹ sẽ thấy đường lối tu hành rất sáng tỏ và nhanh chóng, không có kẹt hai bên.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70533
  • Online: 16