Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 06 THAM THỈNH CƠ DUYÊN

26/01/2020 | Lượt xem: 1723

Dịch giảng: HT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Từ khi Sư nhận được pháp ở Hoàng Mai rồi quay về đến thôn Tào Hầu ở Thiều Châu, người đều không hay biết. Bấy giờ có người Nho sĩ là Lưu Chí Lược đối xử rất tốt. Chí Lược có người cô đi tu làm ni tên Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, Sư vừa nghe qua liền biết diệu nghĩa, bèn giải nói cho cô nghe. Cô cầm quyển kinh hỏi chữ, Sư đáp:

 

- Chữ thì chẳng biết nhưng nghĩa thì cứ hỏi. 

Cô nói:

- Chữ còn chẳng biết, sao có thể hiểu nghĩa? 

Sư đáp:

- Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng gì đến văn tự.

Cô lấy làm lạ, đi bảo khắp cho những bậc kỳ đức trong làng:

- Người này là bậc có đạo, nên thỉnh cúng dường.

Có người cháu nhiều đời của Ngụy Võ Hầu là Tào Thúc Lương cùng dân chúng trong làng đua nhau đến chiêm lễ. Lúc đó, ngôi chùa cổ Bảo Lâm từ cuối đời Tùy đã bị chiến tranh thành bỏ hoang phế, họ bèn xây dựng lại ngôi chùa ngay trên nền cũ, rồi đón Sư về ở đây, không lâu liền thành ngôi Tam Bảo trang nghiêm.

Sư ở đây hơn chín tháng, lại bị bọn người xấu đuổi tìm tới. Sư bèn ẩn tránh vào ngọn núi phía trước, bị họ phóng lửa đốt cháy cỏ cây, Sư phải ẩn mình nép vào trong đá mới khỏi. Hòn đá đó, nay còn có dấu đầu gối Sư ngồi kiết-già và lằn vải của chiếc y, nhân đó gọi là “hòn đá lánh nạn”. Sư nhớ lại lời dặn dò của Ngũ Tổ dạy dừng ẩn nơi Hoài và Hội, bèn đi ẩn tránh ở hai ấp này.

***

Vị tăng Pháp Hải, người Khúc Giang, Thiều Châu, ban đầu đến tham học với Tổ, hỏi:

- Tức tâm tức Phật, nguyện Hòa thượng chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật, hiện thành tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật. Nếu tôi nói đủ thì cùng kiếp chẳng hết. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Tức tâm là tuệ,

    Tức Phật là định.

    Định tuệ đồng đều,

    Trong ý thanh tịnh.

    Ngộ pháp môn này,

    Do ông tập tánh.

    Dụng vốn không sanh,

    Song tu là chánh.

Âm:

    Tức tâm danh tuệ,

    Tức Phật nãi định.

    Định tuệ đẳng trì,

    Ý trung thanh tịnh.

    Ngộ thử pháp môn,

    Do nhữ tập tánh.

    Dụng bổn vô sanh,

    Song tu thị chánh.

Pháp Hải ngay lời nói đại ngộ, dùng kệ tán thán:

    Tức tâm nguyên là Phật,

    Chẳng ngộ mà tự khuất.

    Con biết nhân định tuệ,

    Song tu lìa các vật.

Âm:

    Tức tâm nguyên thị Phật,

    Bất ngộ nhi tự khuất.

    Ngã tri định tuệ nhân,

    Song tu ly chư vật.

***

Vị tăng Pháp Đạt, người Hồng Châu, xuất gia từ 7 tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa. Ông đến lễ Tổ, đầu chẳng sát đất, Tổ quở:

- Lễ mà đầu chẳng sát đất, sao bằng chẳng lễ. Trong tâm ông hẳn là có một vật, đã chứa nhóm việc gì ư?

Pháp Đạt đáp:

- Đã niệm kinh Pháp Hoa đến ba ngàn bộ.

Tổ bảo:

- Nếu ông niệm đến muôn bộ mà nhận được ý kinh, chẳng cho là hơn thì cùng với tôi đồng đi. Nay ông mang cái sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Lễ vốn bẻ cờ mạn,

    Sao đầu chẳng sát đất?

    Có ta, tội liền sanh,

    Quên công, phước vô kể.

Âm: 

    Lễ bổn chiết mạn tràng,

    Đầu hề bất chí địa?

    Hữu ngã tội tức sanh,

    Vong công phúc vô tỉ.

Sư hỏi tiếp:

- Ông tên gì?

Pháp Đạt đáp:

- Dạ, tên Pháp Đạt.

Sư bảo:

- Ông tên Pháp Đạt mà đâu từng đạt pháp.

Tổ lại nói kệ:

    Nay ông tên Pháp Đạt,

    Siêng tụng chưa thôi nghỉ.

    Tụng suông chỉ theo tiếng,

    Sáng tâm gọi Bồ-tát.

    Nay do ông có duyên,

    Tôi sẽ vì ông nói.

    Chỉ tin Phật không lời,

    Hoa sen từ miệng nở.

Âm: 

    Nhữ kim danh Pháp Đạt,

    Cần tụng vi hưu hiết.

    Không tụng đản tuần thanh,

    Minh tâm hiệu Bồ-tát.

    Nhữ kim hữu duyên cố,

    Ngô kim vị nhữ thuyết.

    Đản tín Phật vô ngôn,

    Liên hoa tùng khẩu phát.

Pháp Đạt nghe kệ liền ăn năn tạ lỗi thưa:

- Từ nay về sau con sẽ khiêm cung với tất cả. Đệ tử tụng kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa kinh, tâm thường có điều nghi. Hòa thượng trí tuệ rộng lớn, nguyện nói tóm tắt nghĩa lý trong kinh.

Sư bảo:

- Pháp Đạt, pháp rất là đạt mà tâm ông chẳng đạt. Kinh vốn không có nghi, tâm ông tự nghi, ông niệm kinh này, lấy gì làm tông?

Pháp Đạt thưa:

- Học nhân căn tánh mê mờ, từ trước đến nay chỉ nương theo văn mà tụng niệm, đâu biết tông thú.

Sư bảo:

- Tôi chẳng biết chữ, ông thử lấy kinh tụng qua một lần, tôi sẽ giải nói cho nghe.

Pháp Đạt liền to tiếng niệm kinh, đến phẩm Phương Tiện, Sư bảo:

- Hãy dừng! Kinh này vốn lấy nhân duyên ra đời làm tông, dẫu nói nhiều thứ thí dụ cũng không ra ngoài ý này. Gì là nhân duyên? Kinh nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên nên hiện ra nơi đời”. Một đại sự là tri kiến Phật. Người đời, bên ngoài thì mê đắm nơi tướng, bên trong thì mê đắm nơi Không. Nếu hay nơi tướng mà lìa tướng, nơi Không mà lìa không, tức trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này, một niệm tâm mở sáng, đó là Khai tri kiến Phật. Phật vẫn giác, chia ra làm bốn môn. Khai tri kiến Giác, Thị tri kiến Giác, Ngộ tri kiến Giác, Nhập tri kiến Giác. Nếu nghe khai thị liền có thể ngộ nhập, tức tri kiến Giác, chân tánh xưa nay sẽ hiện ra. Ông hãy dè dặt, chớ hiểu lầm ý kinh, nghe Phật nói khai thị ngộ nhập, rồi tự cho là tri kiến của Phật, bọn ta không có phần. Nếu khởi cái hiểu này, chính là chê bai kinh, hủy báng Phật. Ngài đã là Phật thì đã đủ tri kiến, đâu cần phải khai nữa. Nay ông hãy tin tri kiến Phật chỉ là tự tâm ông trọn không có Phật khác. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che lấp cái sáng tỏ, tham đắm nơi tiền cảnh, bên ngoài thì duyên ra, bên trong thì quấy động, đành chịu rong ruổi làm nhọc cho Đức Thế Tôn từ tam-muội dậy, nói hết lời để khuyên hãy nghỉ ngơi, chớ tìm cầu bên ngoài thì cùng Phật không hai, vì vậy nói: Khai tri kiến Phật. Tôi cũng khuyên tất cả người, ngay trong tự tâm thường Khai tri kiến Phật. Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng nói lành mà tâm nghĩ dữ, tham sân, tật đố, siểm nịnh, ngã mạn, xâm phạm người, tổn hại vật, tự Khai tri kiến chúng sanh. Nếu hay chánh tâm trở lại, thường sanh trí tuệ quán chiếu tự tâm, dừng ác, làm thiện, đó là Khai tri kiến Phật. Ông cần niệm niệm Khai tri kiến Phật chớ Khai tri kiến chúng sanh. Khai tri kiến Phật là ra khỏi thế gian. Khai tri kiến chúng sanh là thế gian. Nếu ông chỉ cứ nhọc nhằn chấp niệm lấy làm công khóa, thì đâu khác gì con bò hoang mến đuôi!

Pháp Đạt thưa:

- Nếu vậy, chỉ hiểu được nghĩa, chẳng nhọc tụng kinh chăng?

Sư bảo:

- Kinh có lỗi gì, đâu làm ngăn ngại ông niệm. Chỉ vì mê ngộ ở người, tổn ích do mình. Miệng tụng mà tâm thực hành, tức là chuyển kinh. Còn miệng tụng mà tâm chẳng hành, tức bị kinh chuyển. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Tâm mê Pháp Hoa chuyển,

    Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.

    Tụng kinh lâu chẳng sáng,

    Với nghĩa thành trái xa (giặc thù)

    Không niệm, niệm tức chánh,

    Có niệm, niệm thành tà.

    Có không đều chẳng chấp,

    Ngồi mãi trâu trắng xe.

Âm:

    Tâm mê Pháp Hoa chuyển,

    Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.

    Tụng kinh cửu bất minh,

    Dữ nghĩa tác cừu gia.

    Vô niệm, niệm tức chánh,

    Hữu niệm niệm thành tà.

    Hữu vô câu bất kế,

    Trường ngự bạch ngưu xa.

Pháp Đạt nghe bài kệ bất giác buồn khóc, ngay lời nói liền đại ngộ, rồi bạch với Sư:

- Pháp Đạt từ trước đến giờ thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, chính bị Pháp Hoa chuyển.

Đạt lại bạch tiếp:

- Trong kinh nói: “Các vị Thanh Văn cho đến hàng Bồ-tát đều dùng hết sức nghĩ suy mà cùng chung suy lường, cũng chẳng thể lường biết trí Phật, trừ ngoài bậc thượng căn ắt chưa khỏi sanh nghi ngờ, chê bai. Lại, kinh nói ba xe: “Xe dê, xe nai, xe trâu trắng”, thế nào phân biệt rõ ràng? Ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chỉ bày thêm cho.

Sư bảo:

- Ý kinh đã rõ ràng, ông tự mê trái. Những người Nhị thừa chẳng thể lường biết trí Phật, bệnh ở “suy lường” đó. Dù họ dùng hết sức nghĩ suy mà cùng chung suy xét, lại càng cách xa thêm. Phật vốn vì phàm phu mà nói, chẳng vì Phật nói. Nếu chẳng nhận lý này thì theo nhóm người kia lui về. Đâu biết rằng, mình đang ngồi trên xe trâu trắng, lại đi tìm ba xe ở ngoài cửa. Huống chi văn kinh đã nói rõ với ông: “Chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác, hoặc hai hoặc ba, cho đến vô số phương tiện, nhiều thứ nhân duyên thí dụ, lời lẽ, pháp ấy đều là vì một Phật thừa”, sao ông chẳng tỉnh? Ba xe là giả, là vì trước kia; một thừa là thật, là vì hiện nay. Chỉ dạy ông bỏ giả về thật, sau khi về thật rồi, cũng không cái tên “thật”. Nên biết, bao nhiêu của báu đã có hoàn toàn thuộc về ông, do ông thọ dụng, trọn chẳng khởi tưởng cha, cũng chẳng khởi tưởng con, cũng không tưởng dùng. Đó gọi là trì kinh Pháp Hoa, từ kiếp này đến kiếp nọ, tay chẳng giở quyển kinh mà từ sáng đến chiều không lúc nào chẳng niệm tụng.

Pháp Đạt được nhờ Sư mở bày, hết sức vui mừng dùng kệ khen ngợi:

    Kinh tụng ba ngàn bộ,

    Tào Khê một câu quên.

    Chưa rõ ý xuất thế,

    Đâu dứt nhiều kiếp cuồng,

    Dê, nai, trâu quyền lập,

    Trước, giữa, sau khéo bày,

    Ai biết trong nhà lửa,

    Vốn là Vua trong pháp.

Âm:

    Kinh tụng tam thiên bộ,

    Tào Khê nhất cú vong.

    Vị minh xuất thế chỉ,

    Ninh yết lũy sanh cuồng.

    Dương, lộc, ngưu quyền thiết,

    Sơ chung hậu thiện dương.

    Thùy tri hỏa trạch nội,

    Nguyên thị Pháp trung vương.

Sư bảo:

- Từ nay về sau ông mới đáng gọi là vị tăng niệm kinh.

Pháp Đạt từ đây lĩnh nhận huyền chỉ cũng chẳng nghỉ tụng kinh.

***

Tăng Trí Thông, người An Phong, châu Thọ, ban đầu xem kinh Lăng Già khoảng hơn ngàn lần mà chẳng hiểu rõ ba thân, bốn trí, đến lễ Sư cầu giải rõ nghĩa ấy.

Sư bảo :

- Ba thân đó, Pháp thân thanh tịnh là tánh của ông, Báo thân viên mãn là trí của ông, Hóa thân ngàn trăm ức là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh riêng nói ba thân, tức gọi là có thân không trí. Nếu ngộ ba thân không có tự tánh, tức gọi bốn trí Bồ-đề. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Tự tánh đủ ba thân,

    Phát minh thành bốn trí.

    Chẳng lìa duyên thấy nghe,

    Vượt thoát lên Phật địa.

    Nay tôi vì ông nói,

    Tin chắc mãi không mê.

    Chớ học chạy tìm cầu,

    Trọn ngày nói Bồ-đề.

Âm:

    Tự tánh cụ tam thân,

    Phát minh thành tứ trí.

    Bất ly kiến văn duyên,

    Siêu nhiên đăng Phật độ.

    Ngộ kim vị nhữ thuyết,

    Đế tín vĩnh vô mê.

    Mạc học trì cầu giả,

    Chung nhật thuyết Bồ-đề.

Thông bạch thêm:

- Nghĩa bốn trí có thể nghe được chăng?

Sư bảo:

- Đã hiểu rõ ba thân liền sáng tỏ bốn trí, sao còn hỏi nữa? Nếu lìa ba thân bàn riêng bốn trí, đây gọi là có trí không thân, chính đó là có trí lại thành không trí.

Sư nói thêm bài kệ:

    Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

    Bình đẳng tánh trí tâm không bệnh,

    Diệu quan sát trí thấy không công,

    Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

    Năm tám, sáu bảy quả nhân chuyển,

    Chỉ dùng danh ngôn không tánh thật,

    Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình,

    Ồn náo ở mãi na-già định.

Âm:

    Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

    Bình đẳng tánh trí tâm vô bệnh,

    Diệu quan sát tri kiến phi công,

    Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

    Ngũ bát, lục thất quả nhân chuyển,

    Đản dụng danh ngôn vô thật tánh,

    Nhược kim chuyển xứ bất lưu tình,

    Phồn hưng vĩnh xử na-già định.

Trí Thông đốn ngộ tánh trí, bèn trình bài kệ:

    Ba thân nguyên thể con,

    Bốn trí vốn tâm sáng.

    Thân trí dung không ngại,

    Ứng vật mặc theo hình.

    Khởi tu đều vọng động,

    Giữ cứng chẳng thật ròng.

    Diệu chỉ nhân thấy hiểu,

    Trọn quên tên nhiễm ô.

Âm:

    Tam thân nguyên ngã thể,

    Tứ trí bổn tâm minh.

    Thân trí dung vô ngại,

    Ứng vật nhậm tùy hình.

    Khởi tu giai vọng động,

    Thủ trụ phỉ chân tinh.

    Diệu chỉ nhân sư hiểu,

    Chung vọng nhiễm ô danh.

***

Tăng Trí Thường, người Quý Khê, châu Tín, xuất gia từ bé, quyết tâm cầu thấy tánh. Một hôm Thường đến tham lễ, Sư hỏi:

- Ông từ đâu đến? Muốn cầu việc gì?

Thường đáp:

- Học nhân gần đây có qua núi Bạch Phong, châu Hồng, kính lễ Hòa thượng Đại Thông mong chỉ cho nghĩa thấy tánh thành Phật, mà chưa dứt được nghi ngờ. Từ xa đến đây kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Vị ấy có lời lẽ gì ông thử thuật lại xem!

Thường thưa:

- Trí Thường đến đó trải qua ba tháng mà chưa được chỉ dạy, vì lòng tha thiết với pháp, một buổi chiều một mình vào trượng thất thưa hỏi: “Thế nào là bản tâm, bản tánh của con?”.

Hòa thượng Đại Thông bèn bảo:

- Ông thấy hư không chăng?

Con đáp:

- Dạ thấy.

Ngài bảo:

- Ông thấy hư không có tướng mạo gì chăng?

Con đáp:

- Hư không không hình thì có tướng mạo gì.

Ngài bảo: “Bản tánh của ông giống như hư không, trọn không một vật có thể thấy, đó gọi là chánh kiến (thấy đúng); trọn không một vật có thể biết, đó gọi là chân tri (biết thực); không có xanh vàng, dài ngắn, chỉ thấy cội nguồn thanh tịnh, giác thể tròn sáng, tức gọi thấy tánh thành Phật, cũng gọi là tri kiến Như Lai”. Học nhân tuy nghe lời này, vẫn chưa hết nghi, kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Chỗ vị thầy kia nói vẫn còn thấy biết nên khiến ông chưa rõ. Nay tôi chỉ cho ông một bài kệ:

     Chẳng thấy một pháp còn thấy không,

     Giống hệt mây nổi che mặt nhật.

     Chẳng biết một pháp giữ biết không,

     Lại như hư không sanh điện chớp.

     Cái thấy biết này chợt dấy lên,

     Lầm nhận đâu từng hiểu phương tiện.

     Ông phải một niệm tự biết quấy,

     Linh quang chính mình thường hiển hiện.

Âm:

    Bất kiến nhất pháp tồn vô kiến,

    Đại tự phù vân già nhật diện.

    Bất tri nhất pháp thủ không tri,

    Hoàn như thái hư sanh thiểm điển.

    Thử chi tri kiến miết nhiên hưng,

    Thác nhận hà tằng giải phương tiện.

    Nhữ đương nhất niệm tự tri phi,

    Tự kỷ linh quang thường hiển hiện.

Thường nghe bài kệ xong, tâm ý mở toang, bèn thuật bài kệ:

    Vô cớ dấy tri kiến,

    Chấp tướng cầu Bồ-đề.

    Tình còn một niệm ngộ.

    Đâu khỏi mê trước kia.

    Tự tánh thể nguồn giác,

    Theo chiếu uổng trôi lăn.

    Chẳng vào Tổ sư thất,

    Mờ mịt chạy hai đầu.

Âm:

    Vô đoan khởi tri kiến,

    Trước tướng cầu Bồ-đề.

    Tình tồn nhất niệm ngộ,

    Ninh việt tích thời mê.

    Tự tánh giác nguyên thể,

    Tùy chiếu uổng thiên lưu.

    Bất nhập Tổ sư thất,

    Mang nhiên thú lưỡng đầu.

Một hôm, Trí Thường hỏi Sư:

- Phật nói pháp ba thừa, lại nói Tối thượng thừa, đê tử chưa hiểu, ngưỡng mong Hòa thượng chỉ dạy.

Sư bảo:

- Ông hãy quán bản tâm mình, chớ chấp pháp tướng bên ngoài. Pháp không có bốn thừa, tâm người tự sai khác. Thấy nghe chuyển tụng là Tiểu thừa, ngộ pháp hiểu nghĩa là Trung thừa, y pháp tu hành là Đại thừa. Muôn pháp trọn thông, muôn pháp đều đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa mọi pháp tướng, không một cái gì sở đắc, gọi là Tối thượng thừa. Thừa nghĩa là thực hành, chẳng ở miệng tranh cãi. Ông phải tự tu hành, chớ hỏi tôi. Trong tất cả thời tự tánh tự tu.

Thường lễ tạ, theo hầu trọn đời Sư.

***

Tăng Chí Đạo, người Nam Hải, châu Quảng, đến thưa hỏi:

- Học nhân từ khi xuất gia đã xem kinh Niết Bàn hơn mười năm mà vẫn chưa sáng tỏ đại ý, ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Sư bảo:

- Ông chưa sáng tỏ chỗ nào?

Đạo đáp:

- “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt. Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, con nghi ngờ điểm này.

Sư bảo:

- Ông nghi làm sao?

Đạo đáp:

- Tất cả chúng sanh chính có hai thân: Sắc thân và pháp thân. Sắc thân vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân hữu thường, không tri không giác. Kinh nói: “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, chẳng biết thân nào tịch diệt? Thân nào thọ vui? Nếu sắc thân, thì khi sắc thân diệt, bốn đại chia rời, hoàn toàn là khổ, khổ chẳng thể nói là vui. Nếu pháp thân tịch diệt, tức đồng cây cỏ, ngói đá, cái gì sẽ thọ vui? Lại pháp tánh là thể của sanh diệt, năm uẩn là dụng của sanh diệt. Một thể năm dụng sanh diệt là thường. Sanh ắt từ thể khởi dụng, diệt ắt nhiếp dụng về thể. Nếu nhận sanh lại nữa, tức cùng loài hữu tình, chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu chẳng nhận sanh nữa ắt mãi mãi trở về tịch diệt, đồng với vật vô tình, như thế thì tất cả các pháp bị Niết-bàn cấm ngăn, còn chẳng sanh được, có gì là vui?

Sư bảo:

- Ông là hàng Thích tử, sao lại học theo tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn pháp Tối thượng thừa! Theo chỗ ông nói, tức ngoài sắc thân riêng có pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu tịch diệt, lại suy về Niết-bàn thường vui mà nói có thân thọ dụng. Chính đây là chấp tiếc sanh tử, đắm mắc cái vui thế gian. Nay ông phải biết, Phật vì tất cả người mê nhận năm ấm hòa hợp làm tướng tự thể, phân biệt tất cả pháp làm tướng ngoại trần, ưa sống ghét chết, niệm niệm dời đổi, chẳng biết rõ là mộng huyễn hư dối, uổng chịu luân hồi. Đem Niết-bàn thường vui trở lại cho là tướng khổ, trọn ngày rong ruổi tìm cầu. Phật vì thương xót hạng người này bèn chỉ cho cái vui chân thật của Niết-bàn, sát-na không có tướng sanh, sát-na không có tướng diệt, lại không có cái sanh diệt có thể diệt, đó là tịch diệt hiện tiền. Chính khi hiện tiền cũng không có lượng hiện tiền mới gọi là thường vui. Cái vui này không có người thọ, cũng không người chẳng thọ thì đâu có tên một thể năm dụng; huống nữa lại nói Niết-bàn cấm ngăn khiến cho các pháp mãi chẳng sanh. Chính đây chê bai Phật, hủy báng pháp. Hãy nghe tôi nói kệ:

    Vô thượng Đại Niết-bàn,

    Tròn sáng thường tịch chiếu.

    Phàm ngu cho là chết,

    Ngoại đạo chấp là đoạn.

    Những người cầu Nhị thừa,

    Gọi đó là vô tác.

    Trọn thuộc về tình chấp,

    Gốc sáu mươi hai kiến.

    Vọng lập tên hư giả,

    Đâu là nghĩa chân thật?

    Chỉ có người quá lượng,

    Thông suốt không lấy bỏ.

    Do biết pháp năm uẩn,

    Và ngã trong năm uẩn.

    Ngoài hiện mọi sắc tướng,

    Mỗi mỗi tướng âm thanh,

    Bình đẳng như mộng huyễn,

    Chẳng khởi thấy phàm thánh.

    Chẳng khởi hiểu Niết-bàn,

    Hai bên, ba mé đoạn.

    Thường ứng các căn dùng,

    Mà chẳng khởi tưởng dùng.

    Phân biệt tất cả pháp,

    Chẳng khởi tưởng phân biệt.

    Kiếp hỏa đốt biển cạn,

    Gió thổi núi chọi nhau.

    Chân thường tịch diệt vui,

    Tướng Niết-bàn như thế.

    Nay tôi gượng nói ra,

    Khiến ông bỏ tà kiến.

    Ông chớ theo lời hiểu,

    Cho ông biết chút phần.

Âm:

    Vô thượng Đại Niết-bàn,

    Viên minh thường tịch chiếu.

    Phàm ngu vị chi tử,

    Ngoại đạo chấp vi đoạn.

    Chư cầu Nhị thừa nhân,

    Mục dĩ vi vô tác.

    Tận thuộc tình sở kế,

    Lục thập nhị kiến bổn.

    Vọng lập hư giả danh,

    Hà vi chân thật nghĩa?

    Duy hữu quá lượng nhân,

    Thông đạt vô thủ xả.

    Dĩ tri ngũ uẩn pháp,

    Cập dĩ uẩn trung ngã.

    Ngoại hiện chúng sắc tượng,

    Nhất nhất âm thanh tướng.

    Bình đẳng như mộng huyễn,

    Bất khởi phàm thánh kiến.

    Bất tác Niết-bàn giải,

    Nhị biên tam tế đoạn.

    Thường ứng chư căn dụng,

    Nhi bất khởi dụng tưởng.

    Phân biệt nhất thiết pháp,

    Bất khởi phân biệt tưởng.

    Kiếp hỏa thiêu hải để,

    Phong cổ sơn tuơng kích.

    Chân thường tịch diệt lạc,

    Niết-bàn tướng như thị.

    Ngô kim cưỡng ngôn thuyết,

    Linh nhữ xả tà kiến.

    Nhữ vật tùy ngôn giải,

    Hứa nhữ tri thiểu phần.

Chí Đạo nghe bài kệ đại ngộ, vui mừng làm lễ rồi lui.

***

Thiền sư Hành Tư, họ Lưu quê tại An Thành, châu Cát, nghe pháp hội Tào Khê giáo hóa hưng thịnh, đi thẳng đến tham lễ Sư, bèn hỏi:

- Phải làm những việc gì tức chẳng rơi vào thềm bậc?

Sư bảo:

- Ông từng làm việc gì?

Tư thưa:

- Thánh đế cũng chẳng làm.

Sư bảo:

- Rơi vào thềm bậc gì?

Tư thưa:

- Thánh đế còn chẳng làm thì có thềm bậc gì?

Sư thầm hứa nhận, sai Tư thủ chúng. Một hôm Sư bảo Tư:

- Ông phải chia ra đi giáo hóa một phương, không để cho đoạn dứt.

Hành Tư đã đắc pháp, bèn trở về núi Thanh Nguyên ở châu Cát hoằng hóa chánh pháp. Khi tịch được tên thụy là “Thiền Sư Hoằng Tế”.

***

Thiền sư Hoài Nhượng họ Đỗ, ở châu Kim, ban đầu đến gặp Quốc sư An ở Tung Sơn, An khuyên qua Tào Khê thưa hỏi. Nhượng đến lễ bái, Sư hỏi:

- Ở đâu đến?

Nhượng thưa:

- Ở Tung Sơn.

Sư bảo:

- Vật gì thế ấy đến?

Nhượng thưa:

- Nói giống một vật tức chẳng trúng.

Sư bảo:

- Lại có thể tu chứng chăng?

Nhượng thưa:

- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.

Sư bảo:

- Chỉ cái “chẳng nhiễm ô” này là chỗ chư Phật hộ niệm, ông đã như thế, tôi cũng như thế. Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: “Dưới chân ông sẽ xuất hiện một con ngựa khỏe đạp chết người trong thiên hạ, ứng tại tâm ông chẳng cần nói sớm”.

Nhượng hoát nhiên khế hội, bèn theo hầu Sư mười lăm năm, mỗi ngày càng đến chỗ sâu xa. Sau Hoài Nhượng qua núi Nam Nhạc xiển dương Thiền Tông.

***

Thiền sư Huyền Giác ở Vĩnh Gia, lúc nhỏ học kinh luận, tinh thông pháp môn chỉ quán của tông Thiên Thai, nhân xem kinh Duy Ma phát minh tâm địa. Tình cờ đệ tử của Sư là Huyền Sách tới thăm hỏi, cùng nhau bàn luận hăng say, Giác nói ra đều thầm hợp chư Tổ, Sách nói:

- Ngài đắc pháp với thầy nào?

Giác đáp:

- Tôi nghe kinh luận phương đẳng đều có thầy truyền cho, sau ngộ tâm tông của Phật ở kinh Duy Ma, chưa có người chứng minh.

Sách nói:

- Từ Oai Âm Vương về trước thì được, từ Oai Âm Vương về sau, không thầy tự ngộ thảy là ngoại đạo thiên nhiên.

Giác nói:

- Mong Ngài chứng minh cho tôi.

Sách nói:

- Lời tôi nhẹ lắm. Ở Tào Khê có Đại sư Lục Tổ, bốn phương nhóm họp về, đồng thời là người đã được truyền pháp, nếu Ngài đi thì tôi sẽ cùng đi.

Giác bèn cùng Sách đến tham lễ, đi quanh Sư ba vòng rồi chống tích trượng mà đứng.

Sư bảo:

- Là hàng Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào đến mà sanh ngã mạn to vậy?

Giác thưa:

- Sanh tử là việc lớn, vô thường rất mau chóng.

Sư bảo:

- Sao chẳng thể nhận cái vô sanh, liễu không mau chóng sao?

Giác thưa:

- Thể tức vô sanh, liễu vốn không chóng.

Sư bảo:

- Đúng thế, đúng thế!

Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi lễ bái, giây lát cáo từ, Sư bảo:

- Trở về quá nhanh vậy sao?

Giác thưa:

- Vốn tự chẳng phải động, há có nhanh sao?

Sư bảo:

- Ai biết chẳng động!

Giác thưa:

- Ngài tự sanh phân biệt.

Sư bảo:

- Ông rất được ý vô sanh.

Giác thưa:

- Vô sanh há có ý sao?

Sư bảo:

- Không ý thì ai sẽ phân biệt?

Giác thưa:

- Phân biệt cũng chẳng phải ý.

Sư bảo:

- Lành thay! Hãy tạm ở lại một đêm.

Người thời đó gọi là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ). Sau Huyền Giác có trước tác bài Chứng Đạo Ca lưu truyền rộng rãi ở đời.

***

Thiền giả Trí Hoàng trước kia tham học với Ngũ Tổ, tự cho là đã được chánh thọ, về ở am thường luôn ngồi thiền trải qua hai mươi năm. Đệ tử của Sư là Huyền Sách đi du phương đến Hà Sóc, nghe tiếng tăm Hoàng tới am hỏi:

- Ngài ở đây làm gì?

Hoàng nói:

- Ở nhập định.

Sách bảo:

- Ngài nói nhập định, là có tâm nhập chăng? Không tâm nhập chăng? Nếu không tâm mà nhập thì tất cả loài vô tình như cỏ cây, ngói gạch lẽ ra nên được định. Nếu có tâm mà nhập, thì tất cả hạng hữu tình hàm thức cũng nên được định!

Hoàng nói:

- Chính khi tôi nhập định, chẳng thấy có tâm có không.

Sách bảo:

- Chẳng thấy có tâm có không tức là thường định, đâu có nhập xuất. Nếu có nhập xuất tức chẳng phải đại định.

Hoàng không đáp, giây lâu hỏi:

- Thầy kế thừa ai?

Sách đáp:

- Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Hoàng hỏi:

- Lục Tổ lấy gì làm thiền định?

Sách đáp:

- Chỗ thầy tôi nói là, trong sáng nhiệm mầu, tròn lặng, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không trụ, lìa trụ nơi thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh cái thiền tưởng, tâm như hư không, cũng không cái lượng hư không.

Hoàng nghe lời ấy, đi thẳng đến gặp Sư.

Sư hỏi:

- Ngài ở đâu đến?

Hoàng thuật lại đầy đủ duyên trước. Sư bảo:

- Đúng như điều đã nói. Ông chỉ tâm như hư không mà chẳng dính mắc cái thấy không, ứng dụng không ngại, động tĩnh không tâm, tình phàm Thánh đều quên, năng sở đều mất, tánh tướng như như, không lúc nào chẳng định.

Hoàng ngay đó liền đại ngộ, tâm sở đắc trong hai mươi năm đều dứt sạch. Đêm đó dân chúng ở Hà Bắc nghe trong hư không có tiếng nói: “Thiền sư Hoàng ngày nay đã được đạo”.

Sau đó, Hoàng lễ bái từ giã, trở về Hà Bắc mở mang giáo hóa cho bốn chúng.

***

Một vị tăng hỏi Sư:

- Ý chỉ Hoàng Mai người nào được?

Sư đáp:

- Người hội Phật pháp được.

Tăng thưa:

- Hòa thượng được chăng?

Sư đáp:

- Ta chẳng được.

Tăng thưa:

- Hòa thượng vì sao chẳng được?

Sư đáp:

- Tôi chẳng hội Phật pháp.

***

Một hôm, Sư muốn giặt chiếc y đã được truyền trao mà không có suối tốt. Nhân đi đến phía sau chùa khoảng năm dặm, thấy núi rừng rậm rạp, khí lành xoay quanh, Tổ liền chống tích trượng xuống đất, suối theo tay vọt ra, chứa đầy thành hồ. Tổ bèn quỳ gối giặt y trên tảng đá. Chợt có vị tăng đến lễ bái thưa:

- Phương Biện là người xứ Thục, vừa qua ở nước Nam Thiên Trúc gặp Đại sư Đạt-ma dặn dò Phương Biện: “Hãy đi nhanh qua đất nước Đường. Tôi truyền Chánh pháp nhãn tạng và Tăng-già-lê của Ngài Đại Ca-diếp thấy đến đời thứ sáu ở Tào Khê, Thiều Châu, ông hãy đến đó chiêm lễ,” Phương Biện từ xa đến, mong được thấy y bát của thầy tôi truyền lại.

Sư bèn đưa ra chỉ cho. Kế đó hỏi:

- Thượng nhân giỏi về sự nghiệp gì?

Phương Biện đáp:

- Con khéo đắp tượng.

Sư nghiêm sắc mặt bảo:

- Ông thử đắp xem!

Phương Biện mờ mịt. Qua mấy ngày sau đắp được tượng chân dung của Sư cao khoảng bảy tấc tàu, rất khéo léo, đem trình với Sư.

Sư cười bảo:

- Ông chỉ giỏi tánh đắp, chẳng giỏi tánh Phật.

Sư duỗi tay xoa đầu Phương Biện bảo:

- Mãi mãi làm phước điền cho trời người.

Rồi lấy y đền công cho ông. Phương Biện lấy y chia làm ba phần: Một tấm khoác lên tượng đắp, một tấm tự giữ lại, một tấm đem gói lại chôn xuống đất, thệ: “Về sau, ai được y này, chính là ta ra đời, trụ trì nơi đây, xây dựng lại ngôi chùa”.

Niên hiệu Gia Hựu thứ tám đời Tống (1063), có vị tăng tên Duy Tiên sửa sang lại ngôi điện, đào đất được tấm y như mới. Tượng đắp thì để ở chùa Cao Tuyền, cầu đảo liền ứng nghiệm.

***

Có vị tăng thuật lại bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân:

    Ngọa Luân có tài khéo,

    Hay dứt trăm tư tưởng.

    Đối cảnh tâm chẳng khởi,

    Bồ-đề ngày thêm lớn.

Âm:

    Ngọa Luân hữu kỹ lưỡng,

    Năng đoạn bách tư tưởng.

    Đối cảnh tâm bất khởi,

    Bồ-đề nhật nhật trưởng.

Sư nghe nói, bảo:

- Bài kệ này chưa sáng tỏ tâm địa, nếu nương theo đó mà tu hành, càng thêm trói buộc.

Nhân đó, Sư chỉ dạy bài kệ:

    Huệ Năng không tài khéo,

    Chẳng dứt trăm tư tưởng.

    Đối cảnh tâm thường khởi,

    Bồ-đề làm sao lớn?

Âm:

    Huệ Năng một kỹ lưỡng,

    Bất đoạn bách tư tưởng.

    Đối cảnh tâm sổ khởi,

    Bồ-đề tác ma trưởng?

 

GIẢNG:

Từ khi Sư nhận được pháp ở Hoàng Mai rồi quay về đến thôn Tào Hầu ở Thiều Châu, người đều không hay biết. Bấy giờ có người Nho sĩ là Lưu Chí Lược đối xử rất tốt. Chí Lược có người cô đi tu làm ni tên Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Đại Bát Niết Bàn, Sư vừa nghe qua liền biết được diệu nghĩa, bèn giải nói cho cô nghe. Cô cầm quyển kinh hỏi chữ, Sư đáp:

- Chữ thì chẳng biết, nghĩa thì cứ hỏi.

Cô nói:

- Chữ còn chẳng biết, sao có thể hiểu nghĩa?

Sư đáp:

- Diệu lý của chư Phật chẳng dính dáng gì đến văn tự.

Cô lấy làm lạ, đi bảo khắp hàng kỳ đức trong làng:

- Người này là bậc có đạo, nên thỉnh cúng dường.

Nói về Lục Tổ từ khi đắc pháp, được truyền y bát ở Hoàng Mai thuộc tỉnh Hồ Bắc, đến đây là thôn Tào Hầu ở Quảng Đông. Lúc này, chưa người nào biết Ngài là người được truyền y bát, Ngài còn đang ẩn. Ông Lưu Chí Lược là nhà Nho, tuy không biết Ngài là Tổ, nhưng ông có duyên lành nhiều đời nên cảm mến, đối xử rất tốt với Ngài. Ông Lưu Chí Lược có người cô xuất gia làm ni tên Vô Tận Tạng. Bà ni này tu hành tinh tấn, thường tụng kinh Đại Bát Niết Bàn và sau khi tịch để lại nhục thân.

Khi bà ni tụng kinh, Lục Tổ nghe qua liền biết diệu nghĩa trong kinh, Ngài giải nói cho bà nghe. Bà tưởng Ngài giỏi chữ nghĩa nên cầm quyển kinh hỏi chữ. Không ngờ Lục Tổ đáp: “Chữ thì chẳng biết, nghĩa thì cứ hỏi”. Bà nghe vậy không tin, chuyện đó trái với thường tình thế gian, chữ không biết mà lại hiểu nghĩa? Nên bà nói ngay: “Chữ còn chẳng biết, sao có thể hiểu nghĩa?”. Câu đáp của Lục Tổ làm bà kinh ngạc: “Diệu lý của chư Phật chẳng có dính dáng gì đến văn tự”. Tức nghĩa nhiệm mầu sâu xa của chư Phật không nằm trong văn tự chữ nghĩa chết. Câu đáp cho thấy chỗ thấy hiểu của Tổ vượt hẳn hơn cái thấy thường tình.

Đây cũng là đánh thức cho người học Phật, phải thấy được đến diệu lý vượt ngoài văn tự, không nên chỉ bám vào việc hiểu nơi văn tự cho là đủ. Ví như Niết-bàn vốn không nằm trên cái tên hay trên lời giải thích bằng chữ nghĩa. Dù cho giải thích chữ nghĩa cả ngày hoặc giải cả cuốn sách, xuất bản hàng triệu bản đưa cho mọi người đọc cũng không thấy Niết-bàn, Niết-bàn không có trong đó. Niết-bàn ngay trong tâm mỗi người, tâm dứt sạch phiền não tức nguội lạnh tất cả phiền não không còn mầm sanh, đó mới là Niết-bàn. Giải thích chữ nghĩa nhiều nhưng tâm phiền não vẫn còn thì đâu thấy Niết-bàn, đôi khi đọc hiểu nhiều rồi sanh ngã mạn lại càng xa Niết-bàn. Kinh nói pháp Phật như “ngón tay chỉ mặt trăng”, hoặc dụ như “chiếc bè qua sông”. Chúng ta muốn thấy lý thật phải vượt qua văn tự, giống như vượt qua ngón tay mới thấy mặt trăng.

Bà ni nghe thế, biết Tổ là người có trí tuệ không phải thường nên đi báo cho những bậc trên trước trong làng biết để cúng dường.

Có người cháu nhiều đời của Ngụy Võ Hầu là Tào Thúc Lương cùng dân chúng trong làng đua nhau đến chiêm lễ. Lúc đó, ngôi chùa cổ Bảo Lâm từ cuối đời Tùy đã bị chiến tranh thành bỏ hoang phế, họ bèn xây dựng lại ngôi chùa ngay trên nền cũ, rồi đón Sư về ở đây, không lâu liền thành ngôi Tam Bảo trang nghiêm. Sư ở đây hơn chín tháng, lại bị bọn người xấu đuổi tìm tới, Sư bèn ẩn tránh vào ngọn núi phía trước, bị họ phóng lửa đốt cháy cỏ cây, Sư phải ẩn mình nép vào trong đá mới khỏi, hòn đá đó nay còn dấu đầu gối Sư ngồi kiết-già và lằn vải của chiếc y, nhân đó gọi là “hòn đá lánh nạn”. Sư nhớ lại lời dặn dò của Ngũ Tổ dạy dừng ẩn nơi Hoài và Hội, bèn đi ẩn tránh ở hai ấp này.

Lúc này Lục Tổ được mọi người trong làng quý trọng đón về ở ngôi chùa cổ Bảo Lâm từ lâu bị bỏ hoang, nhưng mới hơn chín tháng thì có nhóm người ganh ghét tìm đến hại; nên Tổ lại phải đi tránh nạn. Ngài nhớ lại lời dạy của Ngũ Tổ trước kia, do đó đi đến hai ấp Hoài Tập và Tứ Hội ở ẩn. Đó là thời gian Ngài ẩn, tiếp theo là cơ duyên giáo hóa, Ngài gặp các vị tăng đến hỏi, gọi là Tham Thỉnh Cơ Duyên.

Có vị tăng tên là Pháp Hải, người Khúc Giang, Thiều Châu, ban đầu đến tham học với Tổ hỏi rằng:

- Tức tâm tức Phật, nguyện Hòa thượng chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật; hiện thành tất cả tướng tức tâm, lìa tất cả tướng tức Phật, nếu tôi nói đủ thì cùng kiếp chẳng hết, hãy nghe tôi nói kệ:

     Tức tâm là tuệ,

     Tức Phật là định,

     Định tuệ đồng đều,

     Trong ý thanh tịnh.

     Ngộ pháp môn này,

     Do ông tập tánh,

     Dụng vốn không sanh,

     Song tu là chánh.

Pháp Hải ngay lời nói đại ngộ, dùng kệ tán thán:

     Tức tâm nguyên là Phật,

     Chẳng ngộ mà tự khuất,

     Con biết nhân định tuệ,

     Song tu lìa các vật.

Khi này Tổ đã ra giáo hóa, không còn ở ẩn nơi Hoài Tập, Tứ Hội.

Tăng Pháp Hải, Sư vốn họ Trương, tự là Văn Duẫn, sinh năm 650 (thế kỷ VII), xuất gia ở chùa Hạc Lâm, sau đến chùa Bảo Lâm ở Tào Khê gặp Lục Tổ, mới có cơ duyên thưa hỏi. Sư cũng là người ghi chép lại những lời thuyết pháp của Lục Tổ thành Kinh Pháp Bảo Đàn. Sau khi Lục Tổ tịch, Sư đến trụ trì ở chùa Bảo Trang Nghiêm, tịch năm 730.

Sư hỏi Tổ về tức tâm tức Phật, Tổ đáp: “Niệm trước chẳng sanh tức tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật”. Lời đáp đơn giản nhưng ý sâu xa, không nên mắc kẹt trên chữ nghĩa. Nếu hiểu theo chữ nghĩa “có niệm trước” tức có sanh, đâu thể nói chẳng sanh được? Nếu niệm trước đã chẳng sanh thì không có niệm sau, đây nói niệm sau chẳng diệt là sao? Có niệm trước, có niệm sau thành ra hai niệm, không gọi là tức tâm tức Phật được. Hiểu theo chữ nghĩa có trở ngại. Phải hiểu được ý Tổ muốn nói là chẳng theo niệm sanh cũng chẳng theo niệm diệt, vậy là chẳng sanh chẳng diệt, tức tâm đó là tức Phật. Tuy nói có trước sau mà vốn không có hai niệm, ngay sanh diệt tức chẳng phải sanh diệt, không lầm theo sanh diệt, chính đó là tức tâm tức Phật, sáng tỏ rõ ràng không nghi.

“Hiện thành tất cả tướng tức tâm”. Từ tâm hiện thành tất cả tướng, tất cả tướng chẳng lìa nơi tâm riêng có, vậy tâm là gốc của tất cả. “Lìa tất cả tướng tức Phật”. Từ tâm hiện thành tất cả tướng, nhưng lại lìa tất cả tướng, không thuộc một tướng nào cả, tướng chỉ là cái bóng. Như thế, tướng không làm mê, làm loạn, không che mờ, tức thường sáng tỏ rõ ràng, đó là tức Phật.

Tuy nói “tâm” nói “Phật” mà vốn không hai “thể”. Đây là phương tiện theo ngôn ngữ thế tục mà nói “tức”, người thật sự tỏ ngộ cũng quên luôn chữ “tức”. Bởi người mê thấy ngoài tâm có Phật, nên đây nói tức tâm tức Phật để người không chạy tìm cầu bên ngoài, đó là vì người mê mà nói, ngộ rồi khỏi nói “tức”. Nếu còn thấy “tức” là chưa ngộ. Bởi vì sao? Thấy “tức” là còn thấy có hai, có tâm có Phật, cái này “tức” cái kia, nếu ngộ rồi thì “tức” cái gì nữa? Nghĩa sâu của chỗ này thật không thể nghĩ bàn, nên Lục Tổ nói : “Nếu tôi nói đủ thì cùng kiếp chẳng hết”. Chúng ta bây giờ nói không đầy một phút là xong “tức tâm tức Phật”. Tổ nói nếu nói đủ thì nói cùng kiếp chẳng hết, ngầm chỉ nghĩa này không ở trên lời nói nên nói mãi không hết, bởi nói mãi cũng là trên lời nói thôi. Người nghe chớ mắc kẹt trên lời nói mà nhân đó phải đạt được ý Tổ mới là khéo.

Lục Tổ nói bài kệ:

“Tức tâm là tuệ”. Tâm là Biết, Biết rõ tất cả mà chẳng sanh theo, nên là Tuệ.

“Tức Phật là định”. Lại lìa tất cả mà chẳng chìm theo, không biết gì hết, là định mà Giác.

Vậy là ngay đó đầy đủ cả hai định và tuệ, không nghiêng lệch một bên, không chia thành hai.

“Trong ý thanh tịnh”. Bặt dấu vết phân biệt đây-kia do đó không sanh lỗi lầm.

“Ngộ pháp môn này”. Tức sáng tỏ được pháp môn Đốn giáo này.

“Do ông tập tánh”. Đây là ở nơi ông, do ông tích tập căn lành mà thành, không do ai đem lại cũng không ai làm thế cho ông, không phải do Lục Tổ đem đến.

“Dụng vốn không sanh”. Làm mà không có chỗ làm, không thuộc về tạo tác bên ngoài nên làm không có sanh, dụng không rời thể.

“Song tu là chánh”. Song tức đồng đều, đi đôi. Cả hai định tuệ cần phải đồng đều, không nghiêng lệch bên này bên kia.

Ngộ yếu chỉ tức tâm tức Phật là con đường chân chánh, nhanh chóng, không cần phải tìm kiếm bên ngoài.

Ngài Pháp Hải nghe lời Tổ chỉ dạy thẳng tắt rõ ràng liền tỏ ngộ, bèn nói kệ trình bày chỗ hiểu:

“Tức tâm nguyên là Phật”. Ngộ ra rồi thì Phật không ở đâu xa, vốn ở ngay nơi tự tâm xưa nay của chính mình, nguyên sẵn là vậy mà lâu nay không biết.

“Chẳng ngộ mà tự khuất”. Gần bên ta, do không ngộ mà tự che lấp, tự ta che lấp ta chứ không ai khác, không phải người khác che lấp. Tự ta che lấp nên cũng tự ta ngộ.

“Con biết nhân định tuệ”. Giờ con nhận biết được cái nhân định tuệ rồi, không còn lầm mê, không còn hướng ra bên ngoài tìm nữa.

“Song tu lìa các vật”. Tức tu cả hai đồng đều, không còn lầm theo các vật, không phải phân biệt đây-kia, ngay nơi tự tâm vốn đầy đủ.

Với Ngài Pháp Hải sao ngộ dễ dàng quá! Chúng ta ngày nay thì sao? Bởi Sư thiết tha, khắc khoải, ghi sâu việc này trong tâm đã lâu, sự thiết tha của Sư quá lớn, nên đến đây hỏi Lục Tổ như thời tiết đã chín muồi, Tổ chỉ cần gợi lại thì ngộ ra liền. Chúng ta tâm chưa đủ thiết tha với việc này, mà còn thiết tha với cái ngã này, với các tướng, với trần cảnh bên ngoài, làm sao ngộ! Đó là chỗ nhắc chúng ta phải biết để quay trở lại.

***

Vị tăng Pháp Đạt, người Hồng Châu, xuất gia từ 7 tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa. Ông đến lễ Tổ, đầu chẳng sát đất, Tổ quở:

- Lễ mà đầu chẳng sát đất, sao bằng chẳng lễ. Trong tâm của ông hẳn là có một vật, đã chứa nhóm việc gì ư?

Pháp Đạt thưa:

- Đã niệm kinh Pháp Hoa đến ba ngàn bộ.

Tổ bảo:

- Nếu ông niệm đến muôn bộ mà nhận được ý kinh, chẳng cho là hơn thì cùng với tôi đồng đi. Nay ông mang cái sự nghiệp này đều chẳng biết lỗi. Hãy nghe tôi nói kệ:

     Lễ vốn bẻ cờ mạn,

     Sao đầu chẳng sát đất?

     Có ta, tội liền sanh,

     Quên công, phước vô kể.

Ngài Pháp Đạt vốn họ Lý, bảy tuổi đã xuất gia, thường tinh tấn tụng kinh Pháp Hoa cho đến ba ngàn bộ. Nghe tiếng Lục Tổ nên đến lễ, tuy có kính nhưng chưa hết lòng, nghĩ mình đã tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa là có công đức lớn, thế nên lễ mà đầu không sát đất, chưa thành tâm. Lục Tổ là người sáng đạo, tâm sáng nên thấy thế liền biết người này đã có gì trong lòng, nên hỏi ông có chứa việc gì? Ngài Pháp Đạt đáp: “Con đã niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa”, ngay đó đã lộ ra có chút tự hào trong đó, chấp vào công của Ngài tụng. Lục Tổ nghe liền quở để dẹp cái ngã mạn kia!

    “Lễ vốn bẻ cờ mạn,

    Sao đầu chẳng sát đất?

    Có ta tội liền sanh,

    Quên công phước vô kể”.

Chúng ta lễ vốn để dẹp bớt ngã mạn, bởi ai cũng quý cái đầu, cúi đầu lễ xuống là thấp cái ta. Ngài Pháp Đạt lễ mà đầu không sát đất, đã lộ ra cái ta trong đó, cái ta gì? Cái ta tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa. Với Lục Tổ, tuy tụng kinh có công lớn nhưng nếu còn chấp vào cái công đó, tức có ta trong đó thì tội sanh chứ chưa hay. Cần phải biết, làm mà quên công, quên cái ta thì phước mới lớn. Lục Tổ đốn ngay cái ngã.

Sư lại hỏi:

- Ông tên gì?

Pháp Đạt thưa:

- Dạ! Tên Pháp Đạt.

Sư bảo:

- Ông tên Pháp Đạt mà đâu từng đạt pháp.

Tổ lại nói bài kệ:

     Nay ông tên Pháp Đạt,

     Siêng tụng chưa thôi nghĩ,

     Tụng suông chỉ theo tiếng,

     Sáng tâm gọi Bồ-tát.

     Nay do ông có duyên,

     Tôi sẽ vì ông nói,

     Chỉ tin Phật không lời,

     Hoa sen từ miệng nở.

Lục Tổ hỏi tên, nhân tên mà cảnh tỉnh cho Sư.

“Nay ông tên Pháp Đạt, siêng tụng chưa thôi nghỉ”. Tức ông siêng năng tụng như thế mà chỉ tụng suông theo tiếng thì thật là đáng tiếc. Nếu tụng đạt được ý kinh, sáng được tâm thì mới quý, nên Tổ nói “Tụng suông chỉ theo tiếng, sáng tâm gọi Bồ-tát”. Sáng tâm, là vượt qua chữ nghĩa bên ngoài.

“Nay do ông có duyên, tôi sẽ vì ông nói, chỉ tin Phật không lời, hoa sen từ miệng nở”. Tức là ông với tôi cũng có duyên, ông đến đây gặp thì tôi sẽ chỉ rõ cho ông, chỉ tin Phật vốn không lời thì hoa sen sẽ nở ngay nơi miệng, không ở đâu xa. Tin Phật không lời là sao? Tức tin Phật không nói. Trong kinh Lăng Già nói, Phật tuy thuyết pháp trên bốn mươi năm nhưng khoảng giữa đó Ngài chưa từng nói một chữ. Phật chưa từng nói một chữ thì chúng ta nghe cái gì? Đó là muốn nhắc người học phải thấu qua chữ nghĩa. Những lời nói đó chưa phải là chỗ Phật muốn nói, bởi nói mà chưa từng nói, Phật nói rồi thu lại hết, còn lại cái gì đó, chúng ta phải tự thấy. Nên nhà Thiền nói: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”.

Giáo ngoại biệt truyền không phải là truyền ngoài Kinh giáo riêng có cái khác. Nếu Thiền truyền ngoài Kinh giáo có gì riêng khác thì không phải Phật giáo. Truyền ngoài Kinh giáo đây muốn nói rằng sự truyền không nằm trong những kinh giáo chữ nghĩa. Cũng như đây nói Phật không lời, không lời lấy gì truyền? Phải thấu qua chữ nghĩa, sáng tỏ được lý thật ở ngoài lời thì nhận ra Diệu Pháp ở ngay chính mình. Diệu Pháp Liên Hoa là ngay chỗ đó chứ không phải ở bộ kinh để trên bàn. Tổ nhắc phải xoay trở lại nơi chính mình, đừng chạy theo câu theo lời chết trên những trang giấy mực.

Ngài Pháp Đạt nghe kệ liền ăn năn, tạ lỗi:

 - Từ nay về sau con sẽ khiêm cung với tất cả. Đệ tử tụng kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa kinh, tâm thường có điều nghi, Hòa thượng trí tuệ rộng lớn, nguyện nói tóm tắt nghĩa lý trong kinh.

Ngài Pháp Đạt nghe Tổ dạy liền biết lỗi, ăn năn, tạ lỗi. Ngài xin Lục Tổ chỉ dạy thêm.

Sư bảo:

- Pháp Đạt, pháp rất là đạt mà tâm ông chẳng đạt. Kinh vốn không có nghi, tâm ông tự nghi, ông niệm kinh này, lấy gì làm tông?

Trước khi khai thị, Tổ gợi ý cho ông nắm vững yếu chỉ Xoay Về Chính Mình. Pháp rất thông đạt tức thông suốt không ngăn ngại, nhưng tâm ông không đạt, là tự ông ngăn ngại ông chớ không phải do nơi pháp. Kinh cũng không có sanh nghi, chỉ tự tâm ông nghi, rốt lại là cần xoay lại tự tâm. Tổ lại hỏi ông đã niệm kinh thời gian lâu, nhưng kinh này lấy gì làm tông, ông có hiểu rõ chưa? Tông tức tông thú, là yếu chỉ trọng yếu để quy hướng, nương về. Tụng kinh mà không hiểu được tông thú hay yếu chỉ của kinh thì chỉ tụng suông.

Pháp Đạt thưa:

- Học nhân căn tánh mê mờ, từ trước đến nay chỉ nương theo văn mà tụng niệm, đâu biết tông thú.

Ngài Pháp Đạt rất thật thà, thưa rõ lâu nay theo văn, theo chữ mà tụng chứ không hiểu được tông thú, yếu chỉ của kinh.

Sư bảo:

- Tôi chẳng biết chữ, ông thử lấy kinh tụng qua một lần, tôi sẽ giải nói cho nghe.

Đây là một lần nữa đánh thức cho người học rằng, “ý thật” không ở trên văn tự, nên chẳng biết chữ mà biết giải nghĩa.

Pháp Đạt liền to tiếng niệm kinh, đến phẩm Phương Tiện, Sư bảo:

- Hãy dừng! Kinh này vốn lấy nhân duyên ra đời làm tông, dẫu nói nhiều thứ thí dụ cũng không ra ngoài ý này. Gì là nhân duyên? Kinh nói: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên nên hiện ra nơi đời”. Một đại sự là tri kiến Phật.

Nhiều người cũng tụng không biết bao nhiêu bộ mà chưa hiểu rõ ý kinh. Tổ mới nghe lần đầu chưa hết quyển kinh đã hiểu rõ tông chỉ của kinh nên bảo dừng. Tổ nói rõ tông chỉ của kinh: “Kinh này vốn lấy nhân duyên ra đời làm tông, dẫu nói nhiều thứ thí dụ cũng không ra ngoài ý này”. Tức lấy nhân duyên của Phật ra đời làm tông chỉ, nhân duyên đó là gì? Tổ dẫn trong kinh: “Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên nên hiện ra nơi đời, một đại sự là Tri kiến Phật”. Đó là tông thú của kinh. Người học kinh Pháp Hoa cần phải nắm được ý chính này mới học xuyên suốt được.

Đại sự nhân duyên tức nhân duyên việc lớn mà Phật hiện ra đời, đó là “Tri kiến Phật”. Dù Phật nói nhiều phương tiện và dùng nhiều thí dụ để dẫn dắt cho người nhưng ý chính là chỗ này. Như vậy, học kinh Pháp Hoa tức học “Tri kiến Phật”, nếu bỏ chỗ này là bỏ mất kinh Pháp Hoa, ý chính mà bỏ qua. Tri kiến Phật là gì mà trọng yếu như thế? Tri kiến Phật làm sao học? Làm sao tụng? Làm sao niệm? Đó là chỗ cần phải nghiền ngẫm, xét cho thấu đáo để sáng tỏ, học kinh Pháp Hoa là học đến như thế.

Tổ đúng là bậc trí tuệ, Ngài nói đơn giản, ngắn gọn nhưng vẫn súc tích, không cần giảng dài dòng mênh mông.

Người đời, bên ngoài mê đắm nơi tướng, bên trong thì mê đắm nơi Không. Nếu hay nơi tướng mà lìa tướng, nơi Không mà lìa không, tức trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ pháp này, một niệm tâm mở sáng, đó là Khai tri kiến Phật.

Phật ra đời là khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật. Người đời mê tri kiến Phật, nên nói: “Người đời bên ngoài thì mê nơi tướng, bên trong thì mê nơi không”. Tức là trong ngoài đều mê, nên tri kiến Phật bị đóng, chưa khai. Mê nơi tướng là theo tướng mà phân biệt lăng xăng nên bị dẫn đi mất, tức theo duyên bên ngoài. Bên trong mê nơi Không tức mờ mịt, không rõ biết. Giờ phải chuyển lại như thế nào? Nơi tướng mà lìa tướng, thấy tất cả tướng nhưng lìa tướng nên đâu bị tướng che mờ. Nơi Không mà lìa không là rõ ràng sáng tỏ, thường biết không mê, tức không dính ở nơi Không. Trong ngoài sáng tỏ, bên ngoài tướng không làm mờ, bên trong không chìm theo nơi Không, ngay đó là một niệm tâm mở sáng, trong ngoài đều không che. Một niệm tâm mở sáng chính là khai tri kiến Phật. Chúng ta tụng năm này qua năm kia vẫn không khai, do không hiểu được ý chính của kinh. Vậy tri kiến Phật ở ngay Một Niệm Tâm Mở Sáng đó thôi, nhân duyên Phật ra đời vì đại sự này. Tụng kinh Pháp Hoa phải tụng thấu đến chỗ này.

Phật vẫn giác, chia ra làm bốn môn. Khai tri kiến Giác, Thị tri kiến Giác, Ngộ tri kiến Giác, Nhập tri kiến Giác. Nếu nghe khai thị liền có thể ngộ nhập, tức tri kiến Giác, chân tánh xưa nay sẽ hiện ra.

Nguyên văn trong kinh Pháp Hoa là: “Khai tri kiến Phật, Thị tri kiến Phật, Ngộ tri kiến Phật, Nhập tri kiến Phật”. Nếu không được giải thích, nhiều người cũng hiểu lầm là Khai tri kiến của Phật, Thị tri kiến của Phật, Ngộ tri kiến của Phật, Nhập tri kiến của Phật tức không dính dáng tới chúng ta. Lục Tổ từng quở hiểu như thế là chê bai Phật. Phật mà còn nhờ chúng ta khai tri kiến của Ngài hay sao? Ở đây Lục Tổ nói rõ tri kiến giác, là tri kiến giác ở ngay nơi chính mình.

Được Phật khai thị, chỉ bày cho liền ngộ nhập tri kiến giác nơi chúng ta, vượt qua tình mê, đó là nhân duyên ra đời của chư Phật, gọi là bản hoài của chư Phật ra đời. Ngay đó, chân tánh xưa nay hiện ra hết bị che mờ, đó chính là Diệu Pháp Liên Hoa.

Ông hãy dè dặt, chớ hiểu lầm ý kinh, nghe Phật nói khai thị ngộ nhập, rồi tự cho là tri kiến của Phật, bọn ta không có phần. Nếu khởi cái hiểu này, chính là chê bai kinh, hủy báng Phật. Ngài đã là Phật thì đã đủ tri kiến, đâu cần phải khai nữa. Nay ông hãy tin tri kiến Phật chỉ là tự tâm ông trọn không có Phật khác.

Có người nghe nói chư Phật khai thị ngộ nhập tri kiến Phật cho chúng sanh thì cho đó là tri kiến của Phật, đó là hiểu lầm theo chữ nghĩa. Tổ chỉ rõ đây là tri kiến giác ngộ ngay nơi chính mình mà chúng ta bỏ quên, nên chư Phật thương xót ra đời khai thị để chúng ta tỏ ngộ trở lại, thể nhập sống trong đó. Đó là chuyển mê thành giác hay là chuyển cái chúng sanh thành Phật. Thế nên tri kiến Phật hay tri kiến giác ngộ là ở ngay nơi tự tâm của mỗi người chứ không phải cái gì khác bên ngoài. Đã ở nơi ta thì phải tự soi lại chính mình để nhận ra chứ không thể tìm đâu khác.

Bởi vì tất cả chúng sanh tự che lấp cái sáng tỏ, tham đắm nơi tiền cảnh, bên ngoài thì duyên ra, bên trong thì quấy động, đành chịu rong ruổi làm nhọc cho Đức Thế Tôn từ tam-muội dậy, nói hết lời để khuyên hãy nghỉ ngơi, chớ tìm cầu bên ngoài thì cùng Phật không hai, vì vậy nói: Khai tri kiến Phật. Tôi cũng khuyên tất cả người, ngay trong tự tâm thường Khai tri kiến Phật.

Tổ chỉ ra nguyên do mà chúng sanh không nhận ra tri kiến Phật: “Bởi vì tất cả chúng sanh tự che lấp cái sáng tỏ, tham đắm nơi tiền cảnh, bên ngoài thì duyên ra, bên trong thì quấy động”. Mỗi người tự có tri kiến Phật, là cái sáng tỏ nơi chính mình lại tự che lấp. Tự chúng ta che lấp chính mình, không phải người khác che lấp, vậy cầu ai gỡ cho chúng ta? Phải tự chúng ta gỡ ra. Tức không ai làm chúng ta mê, cũng không ai ngăn cản chúng ta ngộ, chỉ tự chúng ta.

Lý do là tham đắm nơi tiền cảnh, tâm hướng ra ngoài, duyên theo những cảnh trần bị cảnh cuốn đi mãi, thành ra che mờ. Chỉ nhớ những cảnh trước thì đâu còn nhớ chính mình, đâu còn nhớ tri kiến Phật. Gọi là Quên mình theo vật.

Bên trong thì tự quấy động lăng xăng không yên, thành lưu chuyển mãi không dừng. Ngồi thiền mà nhớ cảnh trần nào thấy thích thì sao? Thì theo, tâm cũng động theo. Còn nhớ cảnh người nào làm cho ta không vui thì bực, đó là quấy động thành ra bị che.

“Làm nhọc cho Đức Thế Tôn từ tam-muội dậy, nói hết lời để khuyên hãy nghỉ ngơi chớ tìm cầu bên ngoài thì cùng Phật không hai, vì vậy nói: Khai tri kiến Phật”. Đức Thế Tôn ở trong chánh định yên ổn, không lời, giờ phải khởi dậy nói thành có lời để khuyên dạy cho chúng sanh. Nhưng dù nói hết lời cũng chỉ khuyên dạy chúng sanh “hãy nghỉ ngơi đi!”. Phật nói bao nhiêu kinh điển cũng để khuyên chúng ta hãy nghỉ ngơi, nhưng không ai chịu nghỉ mà cứ chạy rong ruổi mãi nên mới nhọc Thế Tôn, nhọc chư Tổ!

Nghỉ ngơi cái gì? Buông những tâm chạy theo duyên, liền cùng chư Phật không hai không khác, không phải tìm cái gì khác nữa. Trong kinh Kim Cang, Phật nói: “Lìa tất cả tướng tức gọi là chư Phật”. Lìa tất cả tướng tức nghỉ ngơi! Trong bài kệ của Thiền sư Bá Trượng - Hoài Hải có câu: “Chỉ lìa vọng duyên, tức như như Phật”. Phật, Tổ cũng chỉ bấy nhiêu đó, nhưng người mê cứ mãi theo tình mê, vọng duyên không chịu lìa, không chịu nghỉ ngơi đi thì làm sao thấy Phật!

Ngày nay, chúng ta học cũng nên thực hành theo Phật, Tổ, tức là cũng nên nghỉ ngơi đi để tự thường khai tri kiến Phật, không nên khai tri kiến chúng sanh. Mỗi niệm mỗi niệm đều tự khai tri kiến Phật, không để bị che lấp. Đây là lẽ thật nơi chính mình, nằm trong khả năng chính mình. Nếu Phật nói pháp ngoài khả năng chúng ta thì Phật thuyết pháp không khế cơ, nói chuyện ngoài tầm tay chúng ta tức nói chuyện của Phật, không dính dáng đến chúng ta, thì nói làm gì! Nhưng Phật luôn nói khế cơ khế lý, cho nên việc này nằm trong tầm tay của chúng ta, sao lại không chịu làm? Đó là Tổ thức tỉnh cho chúng ta.

Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng nói lành mà tâm nghĩ dữ, tham sân, tật đố, siểm nịnh, ngã mạn, xâm phạm người, tổn hại vật, tự Khai tri kiến chúng sanh. Nếu hay chánh tâm trở lại, thường sanh trí tuệ quán chiếu tự tâm, dừng ác, làm thiện, đó là Khai tri kiến Phật. Ông cần niệm niệm Khai tri kiến Phật chớ Khai tri kiến chúng sanh. Khai tri kiến Phật là ra khỏi thế gian. Khai tri kiến chúng sanh là thế gian. Nếu ông chỉ cứ nhọc nhằn chấp niệm lấy làm công khóa, thì đâu khác gì con bò hoang mến đuôi!

Lục Tổ nhắc chớ có theo người đời, miệng nói lành, tâm nghĩ dữ, tức miệng nói khác, tâm nghĩ khác là khai tri kiến chúng sanh, tự che lấp chính mình. Cần niệm niệm nơi tự tâm thường khai tri kiến Phật, niệm niệm tâm thường sáng tỏ, mở sáng cái thấy biết của chính mình không mê, công phu như thế mới thiết thực.

Tổ cảnh tỉnh: “Nếu ông chỉ nhọc nhằn chấp niệm, lấy làm công khóa thì đâu khác gì con bò hoang mến đuôi!” Đó là lầm mê đáng trách. Cốt yếu cần phải sáng lại tâm, cái thấy biết thường giác không có mê, gọi là tâm tâm niệm niệm thường chuyển vật, đừng để bị vật chuyển, đó là con đường ra khỏi thế gian. Còn tâm mà bị vật chuyển là đường vào thế gian tức vào sanh tử. Đường ra khỏi thế gian hay vào thế gian là ngay nơi chính mình chứ không đâu xa, ngay cái thấy biết này.

Pháp Đạt thưa:

- Nếu vậy, chỉ hiểu được nghĩa, chẳng nhọc tụng kinh chăng?

Sư bảo:

- Kinh có lỗi gì, đâu làm ngăn ngại ông niệm. Chỉ vì mê ngộ ở người, tổn ích do mình. Miệng tụng mà tâm thực hành, tức là chuyển kinh. Còn miệng tụng mà tâm chẳng hành, tức bị kinh chuyển. Hãy nghe tôi nói kệ:

Lục Tổ chỉ rõ kinh đâu có lỗi mà ông lại bỏ tụng kinh, lỗi là do người chấp vào kinh. Tụng kinh mà sáng nghĩa, hiểu lý thì càng tụng càng tốt. Tổn hay ích do nơi mình, không phải do nơi kinh. Cho nên không phải chê người tụng kinh, chỉ chê người không biết tụng kinh. Có người hiểu lầm, nói Lục Tổ chê người tụng kinh thành ra xuyên tạc, thế nên phải học đến nơi, hiểu thấu đáo. Người khéo biết tụng là chuyển kinh, người không khéo biết tụng là bị kinh chuyển. Không khéo biết tụng tức tụng suông, tâm không thực hành theo thì không thể khai tri kiến Phật, không sáng được tâm. Bài kệ của Tổ:

     Tâm mê Pháp Hoa chuyển,

     Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.

     Tụng kinh lâu chẳng sáng,

     Với nghĩa thành trái xa (giặc thù)

     Không niệm, niệm tức chánh,

     Có niệm, niệm thành tà.

     Có không đều chẳng chấp,

     Ngồi mãi trâu trắng xe.

Tâm mê tức bị kinh chuyển, gọi là “bị Pháp Hoa chuyển”. Tâm ngộ thì chuyển được kinh, gọi là “chuyển Pháp Hoa”. Vậy thì bị kinh chuyển là lỗi nơi tâm, không phải lỗi nơi kinh.

“Tụng kinh lâu chẳng sáng”. Tụng kinh từ bao lâu mà không sáng được ý kinh, cho nên: “Với nghĩa thành trái xa”. Thành như giặc thù, tức tụng suông ngoài miệng mà tâm không thực hành, nên không khai tri kiến Phật, lại khai tri kiến chúng sanh, cho nên với nghĩa thành trái, thành thù.

“Không niệm niệm tức chánh”. Không niệm tức không chấp vào niệm, không sanh khởi cái ta, thì niệm tức chánh. Thế nên niệm không có lỗi, không phải bảo đừng niệm kinh, niệm mà không sanh khởi cái ta, không chấp vào niệm thì đâu có lỗi. “Có niệm niệm thành tà”. Tức chấp vào niệm, khởi cái ta vô minh trong đó nên bị che mờ thành có lỗi, do đó niệm thành tà.

Nói thế vẫn còn trên cái đối đãi có-không, còn tương đối. Cần tiến đến: “Có-không đều chẳng chấp, ngồi mãi trâu trắng xe”. Vượt vượt qua cả có niệm và không niệm, không kẹt bên có cũng không kẹt bên không thì tâm rỗng rang tự tại, ngay đó là ngồi trên xe trâu trắng, tức tri kiến Phật hiện hữu nơi mình. Đó là khéo biết tụng kinh Pháp Hoa, mới được Phật thọ ký. Lục Tổ nói đơn giản nhưng nghĩa lý sáng tỏ, giúp người càng tụng kinh tâm càng sáng.

Pháp Đạt nghe bài kệ bất giác buồn khóc, ngay lời nói liền đại ngộ, rồi bạch với Sư:

- Pháp Đạt từ trước đến giờ thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, chính bị Pháp Hoa chuyển.

Đây là thú tội! Ngài Pháp Đạt bất giác buồn khóc tức cảm ngộ, nên thú thật với Tổ là mình từ trước đến giờ thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, chính bị Pháp Hoa chuyển, cũng để nhắc cho nhiều người chớ lầm theo dấu chân này nữa.

Đạt lại bạch tiếp:

- Trong kinh nói: “Các vị Thanh Văn cho đến hàng Bồ-tát đều dùng hết sức nghĩ suy mà cùng chung suy lường, cũng chẳng thể lường biết trí Phật, trừ ngoài bậc thượng căn ắt chưa khỏi sanh nghi ngờ, chê bai. Lại, kinh nói ba xe: “Xe dê, xe nai, xe trâu trắng”, thế nào phân biệt rõ ràng? Ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chỉ bày thêm cho.

Ngài Pháp Đạt thưa hỏi hai việc: Thứ nhất, kinh nói các vị Thanh Văn cho đến hàng Bồ-tát đều dùng hết sức nghĩ suy cùng chung suy lường cũng chẳng thể lường biết trí Phật, nói thế có nghĩa gì? Các vị Thanh Văn và các vị Bồ-tát là những bậc đã giác ngộ, mà không phải một hai người, lại vô số người cùng chung nhau suy lường mà không lường biết được trí Phật, vậy chúng ta còn mong gì có phần! Chúng ta vô phần thì đâu cần học tụng kinh Pháp Hoa. Nếu vậy, Phật nói kinh này cho ai? Thứ hai, trong kinh nói về ba xe: Xe dê, xe nai, xe trâu, làm thế nào phân biệt rõ ràng ba xe đó?

Hai việc đều vướng mắc. Việc thứ nhất vướng mắc theo chữ nghĩa, nghe nói suy lường không thể biết trí của Phật thì cho là mình không có phần biết được. Việc thứ hai vướng mắc nơi ba xe, vậy là quên mất ý của Phật cốt là Nhất thừa, ở đây lại quan trọng về ba xe, đó là chỗ lầm.

Sư bảo:

- Ý kinh đã rõ ràng, ông tự mê trái. Những người Nhị thừa chẳng thể lường biết trí Phật, bệnh ở “suy lường” đó. Dù họ dùng hết sức nghĩ suy mà cùng chung suy xét, lại càng cách xa thêm. Phật vốn vì phàm phu mà nói, chẳng vì Phật nói. Nếu chẳng nhận lý này thì theo nhóm người kia lui về.

Lục Tổ nói: “Ý kinh đã rõ ràng, ông tự mê trái”. Vì ông bám theo lời, dùng tâm suy nghĩ phân biệt này để hiểu nên không hiểu nỗi. Không ngờ rằng, ngay lời kinh đã có câu trả lời. Kinh nói dù bao nhiêu hàng Thanh Văn cho đến Bồ-tát còn dùng hết sức nghĩ suy cùng chung nhau “suy lường”! Ý đã quá rõ, đâu có gì phải nghi? Tức lỗi ở chỗ “suy lường”! Dù là Thanh Văn, Bồ-tát, nhưng còn suy lường thì không suy lường được, đem tâm suy lường mà muốn hiểu trí Phật thì không làm sao hiểu được. Bởi tâm suy lường là tâm sanh diệt, tâm phan duyên, trái với ý Phật, nên càng suy xét càng xa. Quên tâm suy nghĩ liền tự thầm hợp, tức khai tri kiến Phật thôi. Vậy đâu phải chúng ta vô phần, chỉ chuyển lại cái thấy là sáng tỏ ngay!

Thế nên “Phật vốn vì phàm phu mà nói, chẳng vì Phật nói”. Phật nói cho phàm phu, thì phàm phu cũng có phần chứ không phải vô phần. Nhận rõ được lý này là có đủ lòng tự tin chính mình có phần, có đủ tri kiến Phật. Ngược lại, không nhận được lý này cho là ta vô phần, đây là chuyện của Phật, không dính dáng gì đến ta, vậy là theo nhóm người tăng thượng mạn kia lui về, đành cô phụ chính mình. Nghe kinh phải đạt được ý, chớ chấp theo lời. Ngay đó, đạt được ý liền sáng tỏ, còn không đạt thì thấy xa xôi.

Đâu biết rằng, mình đang ngồi trên xe trâu trắng, lại đi tìm ba xe ở ngoài cửa.

Đang ngồi trên xe trâu trắng lại đi tìm ba xe ngoài cửa là nghĩa gì? Là quên mất cái chân thật nơi chính mình mà chạy theo những phương tiện bên ngoài, cầu những quả này quả kia. Trong kinh, Phật dụ như ông trưởng giả vì đám trẻ không chịu nghe nói thẳng về những cái khổ nên phải dụ bằng ba xe, nói ở ngoài cửa có ba xe rất đẹp, xe dê, xe nai, xe trâu, xe nào cũng trang hoàng đầy của báu, các con chạy ra ngoài kia, cha sẽ cho. Đám trẻ nghe vậy mới đua nhau chạy ra cửa. Còn nói đây khổ, kia khổ, đám trẻ không chịu nghe, cứ giỡn đùa nhau. Chúng ta giống đám trẻ kia không? Nói tu được cái này cái kia như sanh cõi trời được phước báu, được chứng quả này quả kia là chịu liền. Còn nói tu là trở về chính mình, không được gì thêm thì thấy buồn.

Thế nên, Lục Tổ nói đang ngồi xe trâu trắng mà chạy tìm ba xe ngoài cửa, tức bỏ mất cái chân thật nơi chính mình. Tri kiến Phật nơi chính mình mà không nhận, lại nhận những tri kiến học được ở bên ngoài, thấy đáng thương chưa? Không nhận cái thật ở chính mình mà nhận những cái cho được như quả này quả kia. Ba xe chỉ cho tam thừa có quả này quả kia, đó là phương tiện của Phật, thế nên kinh Pháp Hoa Phật nói rốt rồi chỉ có Nhất thừa, chỉ có một lẽ thật, chỉ có tri kiến Phật, những cái kia đều là phương tiện, không nên dừng ở đó, vì sao chúng ta mãi bám nơi đó! Quay trở lại chính mình là đang ngồi trên xe trâu trắng, còn muốn được cái gì nữa?

Vì vậy, Thiền Tông nhấn mạnh chỗ “vô sở đắc”, không chỗ được. Đến chỗ đó thì được cũng không có chỗ để. “Ngộ rồi đồng chưa ngộ”, không thêm cái gì khác. Nên nhớ, không được thì không mất, có được là có mất, được cái này cái kia là được cái bên ngoài, thì phải trả về.

Huống chi văn kinh đã nói rõ với ông: “Chỉ có một Phật thừa, không có thừa nào khác, hoặc hai hoặc ba, cho đến vô số phương tiện, nhiều thứ nhân duyên thí dụ, lời lẽ, pháp ấy đều là vì một Phật thừa”, sao ông chẳng tỉnh? Ba xe là giả, là vì trước kia; một thừa là thật, là vì hiện nay. Chỉ dạy ông bỏ giả về thật, sau khi về thật rồi, cũng không cái tên “thật”.

Đây nhắc chúng ta phải vượt qua phương tiện bên ngoài, những thứ tạm lập bày ra đều không phải thật. Ba xe là phương tiện tạm lập bày để dẫn dắt người trở về cái chân thật nơi chính mình, nên rốt rồi chỉ có Nhất thừa. Bởi cái chân thật không có hai, huống nữa có ba. Ví như tri kiến Phật nơi chính mình không thể có hai hoặc ba tri kiến Phật. Người tỏ ngộ, sống với tri kiến Phật thì cái thấy đồng với Phật, không có hai hay ba, không có sai biệt, không có cao thấp, lớn nhỏ. Rốt rồi chỉ một Phật thừa vượt qua hết những sai biệt kia. Khéo nhận ra cái chân thật tri kiến Phật ở nơi chính mình là trọng yếu. Những quả chứng thứ lớp như nhị thừa, tam thừa đều là phương tiện trên đường trở về, kinh Pháp Hoa gọi là “hóa thành”, chưa phải “bảo sở”. Phải thấu đến chỗ vô sở đắc, không có gì để được thì ba xe để ở đâu?

Tổ nói: “Ba xe là giả, là vì trước kia, một thừa là thật, hiện nay chỉ dạy ông bỏ giả về thật, sau khi về thật rồi, cũng không có tên thật”. Trước kia ông còn mê nên Phật dùng ba xe để tạm dẫn dắt trở về. Hiện nay, ngay đây chỉ thẳng cái thật nơi ông, không phải hướng về cái gì khác nữa, đó là Nhất thừa. Nhưng nói giả nói thật cũng còn phương tiện đối đãi, chưa phải rốt ráo. Tuy nói bỏ giả về thật, hay nói: “bỏ ba về một”, cũng là lời nói phương tiện, đừng vội chấp vào đó. Người đã ở trong cái thật thì còn về đâu nữa? Thế nên, rốt ráo cái tên “thật” cũng phải quên. Kinh Lăng Nghiêm có đoạn: “Con đã là Văn-thù rồi thì không cần phải nói thật Văn-thù nữa, nếu nói thật Văn-thù thì có hai Văn-thù!”.

Nên biết, bao nhiêu của báu đã có hoàn toàn thuộc về ông, do ông thọ dụng, trọn chẳng khởi tưởng cha, cũng chẳng khởi tưởng con, cũng không tưởng dùng.

Bao nhiêu những của báu hoàn toàn thuộc về ông, do ông thọ dụng, đâu cần phải khởi thêm cái tưởng là cha, là con để thành cách biệt. Đây là thu hết phương tiện trở lại, trả về hoàn toàn chính ông, không thêm gì khác. Nói cha nói con cũng còn là phương tiện để đánh thức ông. Còn tưởng cha, tưởng con, tưởng dùng là còn lớp mê.

Thí dụ bàn tay ở ngay nơi chúng ta, cần dùng để cầm nắm vật gì thì nắm, nếu nghĩ ta sẽ dùng bàn tay này nắm vật này thì sao? Là còn cách một lớp với bàn tay này, nghĩ “ta dùng bàn tay này nắm” thì bàn tay với ta là hai. Đây nói, ta còn tưởng dùng của báu hoặc tưởng kế thừa của cha thì còn cách một lớp. Đã là của ta thì tự thọ dụng đâu cần tưởng dùng, cần dùng thì dùng tự tại. Lục Tổ nói vậy tức là đem cơm đưa tới miệng, chỉ cần mở miệng ăn là xong, vậy mà không chịu ăn thì đành chịu đói.

Đó gọi là trì kinh Pháp Hoa, từ kiếp này đến kiếp nọ, tay chẳng giở quyển kinh mà từ sáng đến chiều không lúc nào chẳng niệm tụng.

Thấu được ý này mới thật trì kinh Pháp Hoa. Trì tức là giữ gìn, sống trong đó. Người thường hiểu theo nghĩa đọc kinh gọi là trì kinh. Lục Tổ chỉ rõ trì là không lúc nào rời kinh Pháp Hoa tức là không lúc nào rời tri kiến Phật, không cần giở quyển kinh ra mà luôn luôn niệm kinh không dứt, lúc nào cũng sáng tỏ tri kiến Phật. Đó mới thật sống trong Pháp Hoa, mới thật giữ gìn Pháp Hoa không mất. Phật thuyết kinh Pháp Hoa cho người cũng chính vì ý này, hiểu như thế thì học và tụng kinh Pháp Hoa rất lý thú, càng học càng đọc càng thấy hay, không chán. Nếu học theo chữ nghĩa thì thấy đọc tới lui mãi chỉ bấy nhiêu rồi sanh chán. Chúng ta thấy được ý nghĩa chân thật đó để biết cách học kinh hay đọc kinh, khế hợp được phần nào ý của Phật.

Pháp Đạt được nhờ Sư mở bày, hết sức vui mừng dùng kệ khen ngợi:

     Kinh tụng ba ngàn bộ,

     Tào Khê một câu quên.

     Chưa rõ ý xuất thế,

     Đâu dứt nhiều kiếp cuồng.

     Dê, nai, trâu quyền lập,

     Trước, giữa, sau khéo bày.

     Ai biết trong nhà lửa,

     Vốn là Vua trong pháp.

Sư bảo:

- Từ nay về sau ông mới đáng gọi là vị tăng niệm kinh.

Pháp Đạt từ đây lĩnh nhận huyền chỉ cũng chẳng nghỉ tụng kinh.

Đến đây, Ngài Pháp Đạt sáng tỏ được ý kinh cũng như chỗ Lục Tổ khai thị, thấy rằng lâu nay chỉ tụng kinh suông, không hiểu nghĩa, tức không dính dáng gì đến kinh, nên nói: “Tụng kinh ba ngàn bộ, Tào Khê một câu quên”. Tụng ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa nhưng nghe một câu Lục Tổ dạy liền quên hết. Tức ngay đây, nghe lời Tổ khai thị liền quên hết công phu tụng ba ngàn bộ kinh, vào được thật nghĩa của kinh, không còn chấp vào công phu bên ngoài.

“Chưa rõ ý xuất thế, đâu dứt nhiều kiếp cuồng”. Tức không sáng được lý thật sẽ tiếp tục chạy theo cái giả, uổng phí bao nhiêu thời gian quý báu, nay sáng tỏ ra mới thấy được điều đó.

“Dê, nai, trâu quyền lập. Trước, giữa, sau khéo bày”. Kinh nói xe dê, xe nai, xe trâu, người không biết tưởng đó là chỗ thật nên đi tìm để được, nhưng ba xe là phương tiện, là hóa thành, đâu có thật được. Ba xe tức ba thừa, tìm chỗ được tức được quả này quả kia. Trở về bản tâm chính mình thì được cái gì! Thế nên, được là cái bên ngoài, ba xe cũng thuộc về bên ngoài chưa phải thật. Rồi nghĩa ban đầu thuyết, khoảng giữa thuyết, ở sau thuyết cũng đều dẫn về chỗ Nhất thừa chứ không mắc kẹt theo thứ lớp. Như vậy, Ngài rõ được phương tiện của Phật, không còn vướng mắc.

“Ai biết trong nhà lửa, vốn là Vua trong Pháp”. Ngài sáng tỏ được, và nhắc lại cho người khác: Có ai biết được chăng? Ngay trong nhà lửa vô thường này đã có sẵn vị Vua Trong Pháp, tức ngay trong nhà lửa này đã có Phật thì còn phải tìm ở đâu nữa! Không phải bỏ đây tìm kia, ngay chỗ ngồi đây đã có đủ kho báu đầy nhà, ngay trong chỗ vô thường này đã có cái chân thật xưa nay! Ngay đây đang ngồi trên kho báu, nhưng có “ai biết” chăng? Ai biết! Ngay đó vỗ tay cười ha hả thì mới hay! Nếu không như vậy vẫn mãi tiếp tục làm kẻ cùng tử lang thang chạy ăn xin. Đang ngồi trên kho báu mà làm cùng tử chạy đi ăn xin, buồn chưa? Đa số chúng sanh ở trong tình trạng đó. Chữ “ai biết” là chữ đánh thức cho tất cả!

Niệm kinh thấu được vậy mới xứng đáng niệm kinh. Nên Lục Tổ bảo: “Từ nay về sau ông mới đáng gọi là vị tăng niệm kinh”. Ngài Pháp Đạt nghe được Lục Tổ khai thị, tuy đã nhận được huyền chỉ sâu xa nhưng vẫn tiếp tục tụng kinh, không bỏ, đó là người chân thật hiểu. Nếu người hiểu nghiêng lệch một bên là nghĩ tôi hiểu rồi khỏi tụng kinh nữa. Đây cũng là chỗ mọi người cần phải học kỹ.

***

Tăng Trí Thông, người An Phong, châu Thọ, ban đầu xem kinh Lăng Già khoảng hơn ngàn lần mà chẳng hiểu rõ ba thân, bốn trí, đến lễ Sư cầu giải rõ nghĩa ấy.

Tăng Trí Thông (662-738) vốn họ Đường, quê ở An Phong, châu Thọ tức huyện Thọ, tỉnh An Huy hiện nay. Ông xem kinh Lăng Già hơn một ngàn lần, cho thấy rất chuyên tâm cầu học, không như chúng ta ngày nay.

Kinh Lăng Già được Đức Phật thuyết trên núi Lăng-già thuộc nước Tích Lan. Kinh này kết hợp tư tưởng của Như Lai Tạng và A-lại-da thức tức tàng thức, thức thứ tám. Đó là một trong sáu bộ kinh được Tông Pháp Tướng y cứ, thuộc Đại thừa. Vị tăng Trí Thông xem hơn ngàn lần mà chưa hiểu được nghĩa ba thân bốn trí trong kinh, nghe Lục Tổ là người sáng được tâm nên đến thưa hỏi. Ba thân là: Pháp thân, báo thân, hóa thân. Bốn trí là: Đại viên cảnh trí, Bình đẳng tánh trí, Diệu quan sát trí và Thành sở tác trí.

Đại viên cảnh trí: Trí này do chuyển thức A-lại-da thứ tám mà được. Thức A-lại-da thứ tám là tàng thức, là kho chứa chủng tử. Chúng ta làm thiện hay làm ác, các chủng tử đó đều rơi vào kho này chứa, sau đó dẫn đi thọ sanh hoặc thiện hoặc ác, nên thân này chết nhưng nghiệp vẫn còn. Do chuyển thức A-lại-da thành trí đại viên cảnh nên trí này lìa các phân biệt như các hành tướng sở duyên, tức không có tướng bị duyên, nên rất vi tế, khó biết, không mê vọng, không ngu si đối với tất cả tướng. Tánh tướng thanh tịnh, lìa các thứ tạp nhiễm, như ánh sáng của gương tròn lớn nên gọi là đại viên cảnh, soi khắp cả vạn tượng sự lý không bỏ sót mảy may.

Bình đẳng tánh trí: Do chuyển thức Mạt-na thứ bảy, là thức chấp ngã mà được, thức này cũng gọi là truyền tống thức, nghĩa là đưa chủng tử vào trong kho rồi tống ra. Khi chuyển thức này thành trí bình đẳng, thì trí này quán tất cả pháp: Tự, tha, ta, người, hữu tình thảy đều bình đẳng vì đã phá chấp ngã, nên thường tương ứng với đại từ bi, bình đẳng và phổ độ khắp tất cả chúng sanh.

Diệu quan sát trí: Do chuyển thức thứ sáu tức ý thức. Ý thức là phân biệt tốt xấu, yêu ghét. Chuyển được ý thức thành diệu quan sát trí, trí này khéo quán sát các tự tướng, cộng tướng của các pháp, chuyển biến vô ngại, tự tại thuyết pháp, tùy theo căn cơ khác nhau của chúng sanh để giáo hóa họ.

Thành sở tác trí: Do chuyển năm thức trước mà được, năm thức ở nơi năm căn: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Trí này khi làm lợi ích cho các hữu tình, có khả năng ở trong mười phương vì chúng sanh mà hành thiện bằng ba nghiệp thân, khẩu, ý, thành tựu những việc theo năng lực của bản nguyện nên gọi thành sở tác trí.

Sư bảo :

- Ba thân đó, Pháp thân thanh tịnh là tánh của ông, Báo thân viên mãn là trí của ông, Hóa thân ngàn trăm ức là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh riêng nói ba thân, tức gọi là có thân không trí. Nếu ngộ ba thân không có tự tánh, tức gọi bốn trí Bồ-đề.

Lục Tổ giải thích cho thấy rõ ngay nơi tánh của ông có đủ ba thân chứ không phải tìm ở bên ngoài, chớ kẹt trên tên thành có ngại. Người học đạo hay mắc kẹt trên tên, nghe nói ba thân thì nghĩ có ba cái thân, mỗi thân cũng có đầu, mắt, tay chân v.v... Hiểu như thế là hiểu theo chữ nghĩa, là lầm. Nếu vậy là có ba người, khi thành Phật thì có ba vị Phật hay sao! Vậy, Phật nào chính?

Lục Tổ khai thị, Pháp thân thanh tịnh chỉ cho tánh của ông, tự tánh vốn thanh tịnh vô tướng là thể của ba thân. Báo thân viên mãn chỉ cho trí của ông, vốn tròn đầy công đức sáng suốt nên gọi viên mãn. Hóa thân ngàn trăm ức là hạnh của ông, ứng hiện ra đủ các thứ sai biệt. Hiểu rõ ba thân thì ngay nơi tự tánh có đủ, không phải tìm bên ngoài. Nếu hiểu ba thân riêng có bên ngoài bản tánh thì thân đó có thân mà không có trí, là thân rỗng, không dùng được. Khéo tỏ ngộ được ngay ba thân không có tự tánh riêng tức thành bốn trí Bồ-đề. Vậy bốn trí đó cũng không phải riêng ngoài ba thân tự có, nếu phân tích ba thân bốn trí riêng biệt nhau là lầm!

Hãy nghe tôi nói kệ:

     Tự tánh đủ ba thân,

     Phát minh thành bốn trí.

     Chẳng lìa duyên thấy nghe,

     Vượt thoát lên Phật địa.

     Nay tôi vì ông nói,

     Tin chắc mãi không mê.

     Chớ học chạy tìm cầu,

     Trọn ngày nói Bồ-đề.

Tổ nói rõ: “Tự tánh đủ ba thân, Phát minh thành bốn trí”. Ba thân có đủ ngay tự tánh của chính mình, hãy xoay trở lại tự tánh mà thấy, chớ hướng ra bên ngoài tìm. Hiểu được ý chớ kẹt trên cái tên rồi chia thành bốn cái tự ngã, đi xa với nghĩa thật. Cho nên học kinh phải đạt ý quên lời.

“Chẳng lìa duyên thấy nghe, Vượt thoát lên Phật địa”. Rốt lại cũng không lìa nơi thấy nghe, ngay thấy nghe này mà vượt thoát lên Phật địa, không phải tách rời thấy nghe mà thành Phật ở chỗ nào khác. Người học theo chữ nghĩa thường nghĩ thành Phật là bỏ chỗ này, lên cõi nào đó thành Phật. Lục Tổ nói ngay thấy nghe mà vượt lên cái thấy nghe, không theo đó chìm trong trần để mê lấp bản tánh thanh tịnh, đó là chỗ thành Phật.

“Nay tôi vì ông nói, Tin chắc mãi không mê, Chớ học chạy tìm cầu, Trọn ngày nói Bồ-đề”. Nếu tin chắc theo đây, chuyển trở lại thì không còn mê, không phải chạy tìm cầu bên ngoài xa xôi. Nếu tìm trên ngôn ngữ chữ nghĩa thì không dính dáng gì, nên nói trọn ngày nói Bồ-đề mà không thấy, tức là Bồ-đề trên lời nói. Tổ dạy xoay trở lại là thấy Bồ-đề ngay chính mình, Bồ-đề này không có trong sách vở.

Thông bạch thêm:

- Nghĩa bốn trí có thể nghe được chăng?

Sư bảo:

- Đã hiểu rõ ba thân liền sáng tỏ bốn trí, sao còn hỏi nữa? Nếu lìa ba thân bàn riêng bốn trí, đây gọi là có trí không thân, chính đó là có trí lại thành không trí.

Vị tăng Trí Thông còn chưa hiểu nghĩa bốn trí, nghĩ ngoài ba thân còn bốn trí, nên Tổ quở: Đã rõ ba thân liền sáng tỏ bốn trí ngay đó! Nếu ngoài ba thân có bốn trí khác thành ra có thân không có trí hay có trí không có thân, tức thân trí riêng nhau. Có trí mà không có thân thì trí đó dùng vào đâu? Nên nói có trí lại thành không trí. Người học phân tích theo chữ nghĩa thường lầm chỗ này, lo phân tích để hiểu nhưng không ngờ đi xa với nghĩa thật.

Sư nói thêm bài kệ:

     Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

     Bình đẳng tánh trí tâm không bệnh,

     Diệu quan sát trí thấy không công,

     Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

     Năm tám, sáu bảy quả nhân chuyển,

     Chỉ dùng danh ngôn không tánh thật,

     Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình,

     Ồn náo ở mãi na-già định.

Lục Tổ nói Đại viên cảnh trí là tánh thanh tịnh của ông chứ không phải cái gì khác, tánh thanh tịnh lìa tất cả tướng, sạch tất cả những phân biệt, giống như gương tròn sáng không dính vật gì.

Bình đẳng tánh trí là tâm bình đẳng không bệnh hoạn sạch hết những tình chấp ngã, không có yêu-ghét lấy-bỏ riêng tư mà thành nghiêng lệch.

Diệu quan sát trí là cái thấy không công, thấy mà quên công, hay khéo quán sát các pháp tướng mà không mê trong đó, không dính vào so đo phân biệt.

Thành sở tác trí là đồng với gương tròn sáng, trí này hay khiến các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tùy theo sự mà ứng dụng nhưng thảy đều vào chánh thọ, không bị loạn. Khi còn là thức, mắt theo sắc phân biệt thì mê loạn theo sắc. Khi đã chuyển thành trí, mắt cũng phân biệt sắc nhưng ở trong định nên không lìa chánh thọ, không bị loạn. Cũng vậy, nhĩ thức khi còn là thức, nghe tiếng thì mê loạn theo tiếng. Khi đã chuyển thành trí, cũng nghe tiếng nhưng sáng ngời, vẫn ở trong định. Giống như gương chiếu vào vật, vật đến thì soi nhưng không bị mê theo vật, không lẫn lộn với vật. Nên nói toàn là hiện lượng, không có động khởi, do đó nó hoàn thành nhiệm vụ gọi là thành sở tác trí. Vậy cũng không lìa nơi thấy nghe này.

Bốn câu sau, có bản vốn là không có, như trong bản ở nội cung Nhật Bản không có bốn câu này, cho nên bốn câu này là để giải thích thêm.

    Năm tám sáu bảy quả nhân chuyển,

    Chỉ dùng danh ngôn không tánh thật,

    Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình,

    Ồn náo ở mãi na-già định.

“Năm tám sáu bảy quả nhân chuyển”. Năm tám chỉ năm thức trước và thức thứ tám, sáu bảy chỉ thức thứ sáu và thức thứ bảy. Năm thức trước chuyển thành thành sở tác trí, thức thứ tám chuyển thành đại viên cảnh trí, đây là trên quả mà chuyển, hai trí này đến quả thành tựu thì mới được viên thành nên chuyển ở sau. Thức thứ sáu chuyển thành diệu quan sát trí, thứ bảy chuyển thành bình đẳng tánh trí, hai thức này chuyển trong nhân nên chuyển trước.

Tuy nhiên, nói chuyển nhưng chỉ chuyển trên danh ngôn chứ không có tánh thật, chỉ chuyển cái tên, khi mê gọi là thức, khi giác gọi là trí, thể vẫn không hai. Không phải chuyển thành hai cái thể riêng nhau, nếu chuyển thể như vậy thì thành hai người! Như vậy tu hành rốt cuộc đâu có bỏ gì, cho nên không sợ tu rốt rồi không còn biết gì. Khi mê gọi là thức, giác rồi chuyển thành trí.

“Nếu ngay chỗ chuyển chẳng lưu tình, Ồn náo ở mãi na-già định”. Na-già định là cái định của rồng. Tức ở trong động vẫn định, thường định nên gọi na-già định. Người thông đạt thì không kẹt theo chỗ chuyển, không theo đó mà thấy có được mất, hai bên, tức không để dính vào tình phân biệt trở lại. Nghe nói chuyển, nếu mắc kẹt chỗ chuyển thì dính trở lại tình phân biệt, rơi lại vào thức. Thế nên đừng mắc kẹt, chẳng lưu tình thì ở ngay chỗ ồn náo, ngay trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi vẫn thường ở trong định, không bị tướng động lay chuyển.

Trí Thông đốn ngộ tánh trí, bèn trình bài kệ:

     Ba thân nguyên thể con,

     Bốn trí vốn tâm sáng.

     Thân trí dung không ngại,

     Ứng vật mặc theo hình.

     Khởi tu đều vọng động,

     Giữ cứng chẳng thật ròng.

     Diệu chỉ nhân thấy hiểu,

     Trọn quên tên nhiễm ô.

Ông tăng Trí Thông trình chỗ ngộ. Ba thân nguyên là thể của con, bốn trí vốn là chỗ tâm sáng tỏ chứ không gì khác, không phải cầu bên ngoài, giờ mới thấy ngay nơi mình có đủ, đâu phải ngoài đây riêng có. Thấu suốt thân-trí dung thông với nhau không ngăn ngại, không chia kia-đây mà tùy cơ cảm, ứng dụng tự tại, như ứng vật hiện hình. Trong đó, nếu khởi thêm tâm tu tạo nữa thì thành vọng động tức thêm cái thứ hai, hoặc nếu giữ cứng chấp chặt vào ba thân bốn trí, không ngộ được thật thể thì cũng không phải cái chân thật, tức là tưởng tượng. Thế nên, diệu chỉ ở trong đây nhân được thầy khai thị mà được tỏ hiểu sáng ra, khiến quên mất cái tên nhiễm ô. Đây là chuyển cái tên, không lầm theo tên mà thấy có tạo tác kia đây. Tức không lầm theo cái tên thức, mà đã chuyển thành trí, không mắc kẹt trong cái tên nhiễm ô nữa. Chúng ta hiện đang ở trong cái tên nhiễm ô, giờ nếu ngộ ra thì chuyển.

***

Tăng Trí Thường, người Quý Khê, châu Tín, xuất gia từ bé, quyết tâm cầu thấy tánh. Một hôm Thường đến tham lễ, Sư hỏi:

- Ông từ đâu đến? Muốn cầu việc gì?

Thường đáp:

- Học nhân gần đây có qua núi Bạch Phong, châu Hồng, kính lễ Hòa thượng Đại Thông mong chỉ cho nghĩa thấy tánh thành Phật, mà chưa dứt được nghi ngờ. Từ xa đến đây kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho.

Sư bảo:

- Vị ấy có lời lẽ gì ông thử thuật lại xem!

Thường thưa:

- Trí Thường đến đó trải qua ba tháng mà chưa được chỉ dạy, vì lòng tha thiết với pháp, một buổi chiều một mình vào trượng thất thưa hỏi: “Thế nào là bản tâm, bản tánh của con?”.

Hòa thượng Đại Thông bèn bảo:

- Ông thấy hư không chăng?

Con đáp:

- Dạ thấy.

Ngài bảo:

- Ông thấy hư không có tướng mạo gì chăng?

Con đáp:

- Hư không không hình thì có tướng mạo gì.

Ngài bảo: “Bản tánh của ông giống như hư không, trọn không một vật có thể thấy, đó gọi là chánh kiến (thấy đúng); trọn không một vật có thể biết, đó gọi là chân tri (biết thực); không có xanh vàng, dài ngắn, chỉ thấy cội nguồn thanh tịnh, giác thể tròn sáng, tức gọi thấy tánh thành Phật, cũng gọi là tri kiến Như Lai”. Học nhân tuy nghe lời này, vẫn chưa hết nghi, kính mong Hòa thượng chỉ dạy cho.

Vị tăng Trí Thường (680-750) vốn họ Du, xuất gia từ thuở bé, có quyết tâm cầu được thấy tánh nên từng đến thưa hỏi với Hòa thượng Đại Thông ở núi Bạch Phong, nhưng chưa thật sáng tỏ, giờ đến kính lễ Lục Tổ xin chỉ dạy. Có chỗ lầm lẫn Hòa thượng Đại Thông là Ngài Thần Tú, bởi Ngài Thần Tú sau khi tịch thì được ban tên thụy là Đại Thông. Nhưng Hòa thượng Đại Thông này ở núi Bạch Phong, Ngài Thần Tú không có ở núi này nên có chỗ giải thích Ngài Đại Thông là vị khác, không phải Ngài Thần Tú.

Đây là điểm cần lưu ý: “Thế nào là bản tâm bản tánh của con?”. Thật đáng buồn! Đã là bản tâm bản tánh của chính mình mà đi đến người khác hỏi! Giống như chuyện của nhà mình mà đến nhà người khác hỏi. Bản tâm đó là chuyện nhà mình, nhưng qua hàng xóm hỏi. Chúng ta ngày nay cũng như vậy. Tuy nhiên, người biết đi hỏi là còn tốt, biết bao nhiêu người bỏ quên luôn, không cần hỏi.

Nhưng bản tâm bản tánh là chỗ khó chỉ. Bản tánh đâu phải vật gì mà chỉ? Dùng sự vật để chỉ thì không phải bản tánh của ông. Hòa thượng Đại Thông gắng gượng, tạm mượn hư không để chỉ, nhưng không thể chỉ tột, nên rốt lại ông tăng Trí Thường cũng không sáng tỏ.

Sư bảo:

- Chỗ vị thầy kia nói, vẫn còn thấy biết nên khiến ông chưa rõ. Nay tôi chỉ cho ông một bài kệ:

     Chẳng thấy một pháp còn thấy không,

     Giống hệt mây nổi che mặt nhật.

     Chẳng biết một pháp giữ biết không,

     Lại như hư không sanh điện chớp.

     Cái thấy biết này chợt dấy lên,

     Lầm nhận đâu từng hiểu phương tiện.

     Ông phải một niệm tự biết quấy,

     Linh quang chính mình thường hiển hiện.

Lục Tổ nhân chỗ khai thị của vị thầy kia, chỉ đẩy thêm một chút khiến cho vị tăng này hết chỗ bám, liền tự sáng tỏ. Tổ nói kia còn có thấy biết, tức còn chỗ để tâm ông duyên đến nên vẫn còn kẹt ở nơi duyên, không thể tự sáng tỏ được. Mà bản tâm bản tánh của ông thì ông phải tự sáng tỏ, không thể kẹt theo duyên, đây là yếu chỉ.

“Chẳng thấy một pháp còn thấy không, Giống hệt mây nổi che mặt nhật”. Tuy nói như hư không, trọn không một pháp có thể thấy, cũng là gắng gượng mà nói. Nếu duyên theo đó, chẳng thấy một pháp mà còn có cái “thấy không” thì chính cái không cũng thành che lấp, thành chỗ duyên cho tâm ông duyên đến, nên giống như một áng mây nổi che mặt trời khiến ông không ngộ. Ông còn kẹt nơi cái “thấy không”, còn bản tánh đang sáng tỏ chứ đâu phải là không.

“Chẳng biết một pháp giữ biết không, Lại như hư không sanh điện chớp”. Trọn không một vật có thể biết, nhưng còn có cái biết không một vật tức còn nhắm vào chỗ không một vật, giữ cái “biết không” làm chỗ biết thì làm sao ngộ được, giữ như thế là dính mắc theo duyên rồi, còn có cái không để biết cũng là cái biết theo duyên, duyên với cái không. Chính nó đang sáng ngời vì sao không ngộ chỗ đó mà lo nhớ cái không, chính đó là chỗ làm ông không sáng tỏ. Tức ông bị cái duyên đó che mất cái chân tri, làm sao tỏ ngộ được! Giống như trong hư không sanh làn điện chớp, khi chớp nhá lên là che đi sự trong sáng sẵn có trong hư không. Đây là chỗ vi tế, mắt thường khó thấy được, chỉ mắt Tổ mới nhìn thấu.

“Cái thấy biết này chợt dấy lên, lầm nhận đâu từng hiểu phương tiện”. Vừa chợt khởi lên cái thấy biết này là mê rồi, bởi thấy biết mà có khởi lên là không phải thật. Chấp vào đó là nhận lầm trên phương tiện, vẫn bị lớp mê che mờ. Nên nhớ, đó là lời nói phương tiện, cần phải vượt qua, ông lại chấp vào lời đó để sanh hiểu, mê là chỗ đó.

“Ông phải một niệm tự biết quấy, Linh quang chính mình thường hiển hiện”. Một niệm tự biết quấy tức là phải xoay trở lại tự biết lỗi thì ánh sáng rõ ràng thường biết luôn hiển hiện nơi mình chưa từng thiếu vắng, đâu phải giữ cái “biết không” đó. Bản tánh luôn thường sáng tỏ rõ ràng, thường biết, biết khắp tất cả đồng thời vượt qua cả có và không thì đâu có dừng ở cái “biết không”, còn ông chỉ dừng ở cái “biết không” nên còn kẹt. Nếu không phải là người trong đó thì làm sao rõ thấu được chỗ này!

Thường nghe bài kệ xong, tâm ý mở toang, bèn thuật bài kệ:

     Vô cớ dấy tri kiến,

     Chấp tướng cầu Bồ-đề.

     Tình còn một niệm ngộ.

     Đâu khỏi mê trước kia.

     Tự tánh thể nguồn giác,

     Theo chiếu uổng trôi lăn.

     Chẳng vào Tổ sư thất,

     Mờ mịt chạy hai đầu.

Ông tăng Trí Thường sau khi nghe Tổ khai thị liền sáng tỏ, thuật kệ trình kiến giải: “Vô cớ dấy tri kiến, Chấp tướng cầu Bồ-đề”. Vô cớ tức bỗng dưng trong đây khởi lên thêm một cái tri kiến nữa, trên tri kiến lại khởi thêm tri kiến nữa nên nói bỗng dưng khởi lên, giống như trên đầu gắn thêm đầu. Chấp theo tướng bên ngoài để cầu Bồ-đề là trái với bản tánh thường thanh tịnh, giờ đây ông thấy được chỗ mê đó.

“Tình còn một niệm ngộ, Đâu khỏi mê trước kia”. Còn một niệm ngộ chưa quên là chưa thoát khỏi cái mê ở trước, tức vẫn còn ở trong cái mê-ngộ. Bị niệm ngộ che ngại không thể thấy biết tự tại.

“Tự tánh thể nguồn giác, Theo chiếu uổng trôi lăn”. Đây là chỗ cần phải nắm vững yếu chỉ để tu hành. Tự tánh vốn là thể của nguồn giác sẵn có thì không phải do tạo tác mà thành, cũng không phải đối tượng cho chúng ta thấy. Thế nên, đừng nghe nói thấy tánh rồi tìm tánh để thấy, nếu tìm tánh để thấy thành ra tánh ở ngoài chúng ta, ta thấy nó thì nó không phải ta, đó là chỗ mê lầm. Cho nên, nếu còn có tánh để thấy là trái với nguồn giác sẵn có, nếu là thể của nguồn giác xưa nay tại sao lại thấy nó? Đó là bỏ gốc theo ngọn, tức theo cái chiếu soi bên ngoài mà quên mất đi cội nguồn chân thật nên bị trôi lăn trên duyên, thật đáng uổng! Chỗ này trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán từng nhắc: “Về nguồn được chỉ, theo chiếu mất tông”. Xoay trở về nơi nguồn thì đạt được yếu chỉ, chạy theo chiếu hướng ra bên ngoài thì mất gốc.

“Chẳng vào Tổ sư thất, Mờ mịt chạy hai đầu”. Tức còn đứng ngoài cửa Tổ chưa vào được trong nhà, là chưa thầm hợp ý Tổ thì mờ mịt chạy hai đầu, luôn mắc kẹt trên tình thức phân biệt hai bên đối đãi, không kẹt bên này thì cũng kẹt bên kia, không ra khỏi tâm sanh diệt.

Một hôm, Trí Thường hỏi Sư:

- Phật nói pháp ba thừa, lại nói Tối thượng thừa, đê tử chưa hiểu, ngưỡng mong Hòa thượng chỉ dạy.

Sư bảo:

- Ông hãy quán bản tâm mình, chớ chấp pháp tướng bên ngoài. Pháp không có bốn thừa, tâm người tự sai khác. Thấy nghe chuyển tụng là Tiểu thừa, ngộ pháp hiểu nghĩa là Trung thừa, y pháp tu hành là Đại thừa. Muôn pháp trọn thông, muôn pháp đều đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa mọi pháp tướng, không một cái gì sở đắc, gọi là Tối thượng thừa. Thừa nghĩa là thực hành, chẳng ở miệng tranh cãi. Ông phải tự tu hành, chớ hỏi tôi. Trong tất cả thời tự tánh tự tu.

Thường lễ tạ, theo hầu trọn đời Sư.

Tăng Trí Thường còn thắc mắc thêm về Tối thượng thừa. Lục Tổ cảnh tỉnh: Ông đừng lo phân biệt thừa ở ngoài, phải quán trở lại bản tâm chính mình, đó là trọng yếu. Bản tâm chính mình vốn đâu có thừa nào để cho ông nghi! Thừa là phương tiện tạm lập bày để dẫn dắt cho người, đâu phải thật mà ông kẹt trên những tướng sai biệt đó để thành tự ngại. Nghĩ thừa này thừa kia, thấy ta tu theo thừa này thấp, người tu theo thừa kia cao, sanh phân biệt cao thấp thành trở ngại.

Đối với pháp tánh chân thật một thừa còn không thể có huống nữa là ba bốn thừa. Chỉ vì tâm người có sai khác, nên Phật, Tổ phương tiện lập bày để thích hợp những chỗ tâm sai biệt đó mà hóa độ người. Nhưng đến chỗ rốt ráo, chỗ pháp tánh chân thật thì một thừa cũng còn không có. Nếu chúng ta quay trở về với pháp tánh chân thật là vượt qua hết các thừa.

Lục Tổ phương tiện giải thích: Người theo chỗ mắt thấy tai nghe chuyển tụng kinh điển, tạm gọi là Tiểu thừa, tức còn nương trên văn tự. Người tiến sâu thêm tỏ ngộ được pháp, hiểu được ý nghĩa là Trung thừa. Người y theo pháp tu hành là Đại thừa, tức đi sâu vào thực hành. Người rõ suốt muôn pháp vốn tự đầy đủ nơi tâm chính mình, không tìm cầu bên ngoài, lìa hết mọi pháp tướng có thể duyên, cũng không thật có cái để được, khéo nhận rõ lẽ thật nơi chính mình sẵn đủ là Tối thượng thừa. Thiền Tông là chỉ cho chúng ta nhận ra cái thật nơi chính mình đầy đủ không phải tìm đâu khác, chúng sanh và Phật đồng như nhau lẽ thật đó, gọi là Tối thượng thừa.

Tuy nhiên, nói là thừa để cho người thực hành, không phải để tranh cãi cao thấp. Nói: “Tôi tu Tối thượng thừa, anh tu Đại thừa thấp hơn tôi”, phân biệt cao thấp như thế là đã rơi xuống khỏi Đại thừa luôn. Phải khéo trong tất cả thời tự tánh tự tu, hằng sống trở lại trong tự tánh chân thật mới quý, tránh tình trạng nói suông ngoài miệng mà không thực hành. Miệng nói tối thượng thừa nhưng không thực hành, chỉ nói lý suông là bệnh. Lục Tổ đã cho thuốc ngừa bệnh.

***

Tăng Chí Đạo, người Nam Hải, châu Quảng, đến thưa hỏi:

- Học nhân từ khi xuất gia đã xem kinh Niết Bàn hơn mười năm mà vẫn chưa sáng tỏ đại ý, ngưỡng mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.

Tăng Chí Đạo (668-740) vốn họ Lương, năm hai mươi tuổi thọ giới cụ túc, từng đọc kinh Đại Bát Niết Bàn hơn mười năm nhưng không sáng tỏ được ý kinh. Nghe tiếng Lục Tổ nên tìm đến thưa hỏi.

Sư bảo:

- Ông chưa sáng tỏ chỗ nào?

Đạo đáp:

- “Các hành vô thường, là pháp sanh diệt. Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, con nghi ngờ điểm này.

Sư bảo:

- Ông nghi làm sao?

Đạo đáp:

- Tất cả chúng sanh chính có hai thân: Sắc thân và pháp thân. Sắc thân vô thường, có sanh có diệt. Pháp thân hữu thường, không tri không giác. Kinh nói: “Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt là vui”, chẳng biết thân nào tịch diệt? Thân nào thọ vui? Nếu sắc thân, thì khi sắc thân diệt, bốn đại chia rời, hoàn toàn là khổ, khổ chẳng thể nói là vui. Nếu pháp thân tịch diệt, tức đồng cây cỏ, ngói đá, cái gì sẽ thọ vui? Lại pháp tánh là thể của sanh diệt, năm uẩn là dụng của sanh diệt. Một thể năm dụng sanh diệt là thường. Sanh ắt từ thể khởi dụng, diệt ắt nhiếp dụng về thể. Nếu nhận sanh lại nữa, tức cùng loài hữu tình, chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu chẳng nhận sanh nữa ắt mãi mãi trở về tịch diệt, đồng với vật vô tình, như thế thì tất cả các pháp bị Niết-bàn cấm ngăn, còn chẳng sanh được, có gì là vui?

Theo chỗ hiểu của ông tăng Chí Đạo là chia thành có hai, sắc thân và pháp thân riêng biệt, đó là một sai lầm. Lại hiểu theo đoạn thường, nghĩ cái vui Niết-bàn cũng phải có thọ vui giống như thế gian, đó là đem tâm tình thế gian, theo vọng tình để suy đoán về Niết-bàn, thì Niết-bàn cũng thành ra phàm tục luôn!

Sư bảo:

- Ông là hàng Thích tử, sao lại học theo tà kiến đoạn thường của ngoại đạo mà bàn pháp Tối thượng thừa! Theo chỗ ông nói, tức ngoài sắc thân riêng có pháp thân, lìa sanh diệt mà cầu tịch diệt, lại suy về Niết-bàn thường vui mà nói có thân thọ dụng. Chính đây là chấp tiếc sanh tử, đắm mắc cái vui thế gian.

Trước, Lục Tổ quở trách cái thấy hiểu theo tà kiến, tức thấy một bên đoạn, một bên thường, như nói: “Nếu nhận sanh trở lại nữa tức cùng loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt” đó là chấp theo thường kiến, sanh trở lại nữa là còn mãi. “Nếu chẳng nhận sanh nữa thì ắt mãi mãi trở về tịch diệt”, đó là đoạn kiến, không còn sanh lại nữa là hoàn toàn tịch diệt, lặng lẽ mất luôn. Đó là cái thấy theo đoạn thường.

“Sắc thân vô thường có sanh có diệt, Pháp thân hữu thường không tri không giác”. Đây là thấy lìa ngoài sắc thân riêng có pháp thân, thành ra có hai thân riêng biệt, rồi cho pháp thân không tri giác đối lại với sắc thân. Lại đem phàm tình suy tưởng về cái vui tịch diệt của Niết-bàn, nghe nói tịch diệt là vui, nghĩ cái vui Niết-bàn giống như thọ vui của thân này, tức phải có chỗ thọ dụng vui như phàm tình, đó là đem phàm tình suy về cảnh giới Thánh. Nên nói: “Nếu Pháp thân tịch diệt tức đồng cỏ cây ngói đá thì cái gì sẽ thọ vui?” là muốn có chỗ thọ vui, tức có chỗ cảm thọ. Tổ bảo ông còn tiếc trong sanh tử, sợ mất thân này rồi lấy ai thọ vui?

Nay ông phải biết, Phật vì tất cả người mê nhận năm ấm hòa hợp làm tướng tự thể, phân biệt tất cả pháp làm tướng ngoại trần, ưa sống ghét chết, niệm niệm dời đổi, chẳng biết rõ là mộng huyễn hư dối, uổng chịu luân hồi. Đem Niết-bàn thường vui trở lại cho là tướng khổ, trọn ngày rong ruổi tìm cầu. Phật vì thương xót hạng người này bèn chỉ cho cái vui chân thật của Niết-bàn, sát-na không có tướng sanh, sát-na không có tướng diệt, lại không có cái sanh diệt có thể diệt, đó là tịch diệt hiện tiền. Chính khi hiện tiền cũng không có lượng hiện tiền mới gọi là thường vui. Cái vui này không có người thọ, cũng không người chẳng thọ thì đâu có tên một thể năm dụng; huống nữa lại nói Niết-bàn cấm ngăn khiến cho các pháp mãi chẳng sanh. Chính đây chê bai Phật, hủy báng pháp.

Lục Tổ giải thích cho thấy rõ chúng sanh vì mê Niết-bàn, nhận tướng hư dối sanh diệt nên luôn sống trong sự dời đổi bất an, không được vui, do đó rong ruỗi đi tìm cầu cái vui. Phật thương xót, chỉ cho cái vui chân thật Niết-bàn, “sát-na không có tướng sanh, sát-na không có tướng diệt”. Tức chưa từng có sanh diệt, thì đâu có cái sanh diệt có thể diệt mà thành ra đoạn diệt, chính đó mới là tịch diệt hiện tiền, không phải diệt cái sanh diệt thành tịch diệt mới có vui. Còn như ông hiểu phải diệt cái sanh diệt để thành cái tịch diệt, vậy là diệt cái này thành cái kia là có sanh có diệt rồi, đâu thành nghĩa tịch diệt, đó là chỗ lầm.

Tổ nói thêm, chính khi tịch diệt hiện tiền cũng không có cái lượng hiện tiền, tức không có đối tượng hiện tiền cho mình thấy, để mình duyên. Nói tịch diệt hiện tiền cũng là phương tiện ngôn ngữ thôi. Chỗ này vượt ngoài ngôn ngữ. Nhưng nếu không nói gì thì người không biết, nên mượn ngôn ngữ thế gian để nói, người lanh lợi phải hiểu được ý. Đừng nghe nói tịch diệt hiện tiền thì nghĩ có đối tượng hiện tiền để duyên theo, thế thì không còn tịch diệt. Sạch hết dấu vết sanh diệt mới gọi tịch diệt thường vui.

Nói thường vui, nhưng cái vui này cũng không đồng với cái vui có thân thọ dụng của phàm tình thế gian. Cái vui có thân thọ dụng thuộc về đối đãi, vui đối với khổ, cái vui sanh diệt, không phải thường vui. Vui tịch diệt là sạch hết dấu vết sanh diệt. Vậy thì, làm sao đem cái vui thô thiển của thế gian so sánh với cái vui tịch diệt này được! Đó là chỗ Lục Tổ muốn cảnh tỉnh.

Như vậy, vui tịch diệt không có người thọ, bởi có người thọ thì có ta vui tất nhiên phải có ta khổ, là còn có vui có khổ, không phải thường vui. Cái vui tịch diệt không có người thọ nên không đồng với năm ấm, cũng không có người chẳng thọ nên không đồng với cây đá vô tri. Thế nên, vui này vượt qua phàm tình phân biệt hai bên, thì làm sao đem phàm tình phân biệt để phân biệt trong đó!

Đây là ngăn ngừa người đem phàm tình suy tưởng mà so sánh cái vui Niết-bàn. Vui Niết-bàn là vui tịch diệt, cái vui không sanh diệt, nếu đem tâm sanh diệt để hiểu thì không thể hiểu thấu được, thành ra hiểu sai, hiểu theo tà kiến là vậy. Nếu đem tâm không sanh diệt để hiểu thì tự khế hợp, không còn nghi. Muốn rõ Niết-bàn, phải thấy vượt qua tâm sanh diệt. Đây là yếu chỉ.

Hãy nghe tôi nói kệ:

     Vô thượng Đại Niết-bàn,

     Tròn sáng thường tịch chiếu.

     Phàm ngu cho là chết,

     Ngoại đạo chấp là đoạn.

     Những người cầu Nhị thừa,

     Gọi đó là vô tác.

     Trọn thuộc về tình chấp,

     Gốc sáu mươi hai kiến.

     Vọng lập tên hư giả,

     Đâu là nghĩa chân thật?

     Chỉ có người quá lượng,

     Thông suốt không lấy bỏ.

     Do biết pháp năm uẩn,

     Và ngã trong năm uẩn.

     Ngoài hiện mọi sắc tướng,

     Mỗi mỗi tướng âm thanh,

     Bình đẳng như mộng huyễn,

     Chẳng khởi thấy phàm thánh.

     Chẳng khởi hiểu Niết-bàn,

     Hai bên, ba mé đoạn.

     Thường ứng các căn dùng,

     Mà chẳng khởi tưởng dùng.

     Phân biệt tất cả pháp,

     Chẳng khởi tưởng phân biệt.

     Kiếp hỏa đốt biển cạn,

     Gió thổi núi chọi nhau.

     Chân thường tịch diệt vui,

     Tướng Niết-bàn như thế.

     Nay tôi gượng nói ra,

     Khiến ông bỏ tà kiến.

     Ông chớ theo lời hiểu,

     Cho ông biết chút phần.

Chí Đạo nghe bài kệ đại ngộ, vui mừng làm lễ rồi lui.

“Vô thượng Đại Niết-bàn, Tròn sáng thường tịch chiếu. Phàm phu cho là chết, Ngoại đạo chấp là đoạn”. Đại Niết-bàn là chỗ rốt ráo chẳng sanh chẳng diệt. Vô thượng là không có gì trên nữa, không có gì so sánh. Tròn sáng thường tịch chiếu, tức lúc nào cũng sáng, không có khiếm khuyết, thường đầy đủ cả tịch và chiếu. Tuy là tịch mà lại chiếu, chiếu mà vẫn thường tịch. Tịch mà chiếu là không phải một bề không biết gì. Chiếu mà thường tịch là biết tất cả mà không động. Chúng sanh thì chiếu là mất tịch, tức động, phàm Thánh khác nhau chỗ đó. Chiếu thì không phải là không, mà tịch thì không phải là có, vậy không kẹt “có” cũng không kẹt “không”, qua cả “có-không”. Nhưng phàm ngu không hiểu, lầm Niết-bàn cho là chết. Ngoại đạo chấp là đoạn diệt tức không còn gì, đều là kẹt trong có-không.

“Những người cầu Nhị thừa, Gọi đó là vô tác. Trọn thuộc về tình chấp, Gốc sáu mươi hai kiến”. Những người thuộc về Nhị thừa là Thanh Văn, Duyên Giác thì chấp là vô tác, cho rằng đó là chỗ rốt ráo không còn gì phải làm nữa, đó cũng là mắc kẹt một bên. Xét chung đều còn trong tình chấp phân biệt gọi là gốc của sáu mươi hai kiến chấp, lấy năm uẩn làm nền tảng, từ năm uẩn mà có các kiến chấp.

Sáu mươi hai kiến chấp có nhiều cách giải, trong đó có cách giải:

Đối với sắc uẩn thì chấp có bốn thứ: Thứ nhất chấp sắc là ta; thứ hai chấp lìa sắc mà có ta; thứ ba chấp sắc lớn ta nhỏ, ta ở trong sắc; thứ tư chấp ta lớn sắc nhỏ, sắc trụ ở trong ta. Đó là bốn cái chấp về sắc uẩn.

Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn: Mỗi uẩn đều có bốn thứ chấp như thế, cộng lại thành hai mươi kiến chấp. Lại nhân cho ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai, chung lại thành sáu mươi kiến chấp.

Thêm hai kiến chấp về đoạn và thường làm căn bản là sáu mươi hai kiến chấp, tức không ra ngoài đoạn và thường.

Nhưng “Vọng lập tên hư giả, Đâu là nghĩa chân thật. Chỉ có người quá lượng, Thông suốt không lấy-bỏ”. Như thế cũng là những cái tên vọng lập, không thật có, đâu thể tin vào đó được. Chỉ có những người quá lượng tức những người vượt qua những hiểu biết so đo phân biệt của thường tình mới thấy suốt được nghĩa thật, không kẹt trong tình chấp lấy bỏ hai bên, ngay khi ấy là vượt qua các kiến chấp.

“Do biết pháp năm uẩn, Và ngã trong năm uẩn. Ngoài hiện mọi sắc tướng, Mỗi mỗi tướng âm thanh. Bình đẳng như mộng huyễn, Chẳng khởi thấy phàm thánh. Chẳng khởi hiểu Niết-bàn, Hai bên ba mé đoạn”. Người thông suốt thì rõ biết các pháp năm uẩn và cái ngã trong năm uẩn đều không có tánh thật, không lầm theo kiến chấp. Tức là tuy thấy bên ngoài có hiện ra các thứ sắc tướng thấy được và mỗi mỗi thứ âm thanh sai biệt đều nghe được, giống như thật có thể được, người thế gian thấy là thật có; nhưng với người giác ngộ, đều rõ như mộng huyễn, không có tánh thật thì không vướng mắc vào cái gì. Nghĩa là không thật có tánh tồn tại của nó, chỉ là vọng khởi, cho nên không có ở trong đó khởi lên cái thấy Thánh-phàm đối đãi. Người không khéo thấy phàm thật là phàm, Thánh thật là Thánh, có Thánh riêng ở ngoài phàm. Với bậc giác ngộ không khởi lên cái thấy phân biệt đó, thấy Thánh-phàm cũng là giả tướng bên ngoài, trong chân tánh không có Thánh-phàm.

Cũng không khởi cái hiểu về Niết-bàn. Không lấy Niết-bàn làm thành đối tượng để hiểu, bởi nếu hiểu như thế thì Niết-bàn thành ra sanh diệt, không phải thật. Niết-bàn không phải là đối tượng cho ta hiểu, không thể để cho tình thức xen vào trong đó được. Muốn hiểu Niết-bàn thì phải chứng Niết-bàn, vào trong đó thì tự hiểu, không thể đứng bên ngoài suy luận. Người học thường hiểu lầm, muốn giải thích sao cho hiểu Niết-bàn, muốn đem tâm phàm tình để hiểu, đó là chỗ sai lầm, đem phàm tình hiểu thì Niết-bàn cũng thành phàm. Chỗ đó đoạn dứt cả hai bên có và không, dứt cả ba mé trước sau giữa, tức vượt cả ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Niết-bàn không nằm trong ba thời thì đâu thể nói còn mất, vậy mà trước ông nói cái này còn, cái kia mất, đó là cái lầm của ông.

“Thường ứng các căn dùng, Mà chẳng khởi tưởng dùng. Phân biệt tất cả pháp, Chẳng khởi tưởng phân biệt”. Đây là Tổ phương tiện gợi ý cho người, ứng với các căn này mà dùng nhưng chẳng khởi cái tưởng dùng, phân biệt tất cả pháp nhưng chẳng khởi cái tưởng phân biệt, được vậy thì khéo hiểu được chút ít Niết-bàn. Đây là chỗ khó hiểu với tình phân biệt của thế gian, ứng các căn dùng mà không khởi tưởng dùng thì làm sao dùng? Dùng mà có thêm cái tưởng dùng thì còn mê, bởi còn có “ta dùng”. Dùng mà không khởi cái tưởng dùng mới là thật dùng. Phàm tình luôn sống với cái ta này nên nghĩ phải có người dùng, chết là chỗ đó!

Lục Tổ nói rất đầy đủ ý nghĩa, thường ứng các căn dùng tức không phá bỏ cái thấy nghe hiện tiền này, nhưng chẳng khởi tưởng dùng thì thấy nghe chỉ là thấy nghe, nguyên vẹn là thấy nghe không xen vào cái gì khác. Như vậy, cái thấy nghe rất trong sáng, thanh tịnh, không có gì rắc rối. Chúng sanh mê lâu quá thành ra mắc kẹt, nên ứng với các căn thì dính với các căn, đó là khổ, chúng ta học để sống trở lại. Rồi “phân biệt tất cả pháp, mà chẳng khởi tưởng phân biệt”, vậy là vẫn phân biệt tất cả pháp thì đâu phải không biết gì, không phải như cây như đá. Tuy nhiên, biết hết tất cả, nhưng quan trọng là không khởi thêm cái tưởng phân biệt, tức không khởi cái tưởng biết. Kinh Lăng Nghiêm gọi là “tri kiến lập tri”, trên cái biết mà còn lập cái biết nữa là dư thừa, gọi là trên đầu mà thêm đầu, đó là vọng, chúng sanh sống trong vọng là vậy.

“Kiếp hỏa đốt biển cạn, Gió thổi núi chọi nhau. Chân thường tịch diệt vui, Tướng Niết-bàn như thế”. Lục Tổ phương tiện gợi ý. Dù kiếp hỏa đốt cạn biển, tức trong thời tam tai của thế giới, lửa bừng lên đốt cháy cạn nước biển, gió nổi lên thổi núi chọi nhau làm thế giới tan hoại thành không theo phép thành-trụ-hoại-không, nhưng ở nơi chân thường vẫn thường lặng lẽ vui, không dính dáng gì, không mảy may động đến được. Trong đó, làm sao ông phân biệt mà nói được-mất? Làm sao dùng lời nói để nói tột cái đó?

“Nay tôi gượng nói ra, Khiến ông bỏ tà kiến. Ông chớ theo lời hiểu, Cho ông biết chút phần”. Tổ an ủi, tôi nói ra với ông đây cũng là gượng nói để giúp ông hiểu được phần nào mà trừ bỏ tà kiến, nhưng phải khéo, nhân lời nói đạt được ý, chớ chấp hiểu theo lời. Nếu được vậy thì cho ông biết chút phần, còn muốn thật biết thật hiểu thì phải chứng Niết-bàn, phải thực tu, thực hành, thực chứng. Đối với Niết-bàn mà đứng bên ngoài bàn luận suy tưởng tới lui thì không dính dáng gì, vì vậy mới có cái hiểu sai lệch.

***

Thiền sư Hành Tư, họ Lưu quê tại An Thành, châu Cát, nghe pháp hội Tào Khê giáo hóa hưng thịnh, đi thẳng đến tham lễ Sư, bèn hỏi:

- Phải làm những việc gì tức chẳng rơi vào thềm bậc?

Sư bảo:

- Ông từng làm việc gì?

Tư thưa:

- Thánh đế cũng chẳng làm.

Sư bảo:

- Rơi vào thềm bậc gì?

Tư thưa:

- Thánh đế còn chẳng làm thì có thềm bậc gì?

Sư thầm hứa nhận, sai Tư thủ chúng.

Thiền sư Hành Tư (671-740), người An Thành, châu Cát nay thuộc Giang Tây, vốn xuất gia từ nhỏ, mỗi khi chúng nhóm họp bàn đạo lý thì Ngài thường ngồi im, không theo luận bàn. Khi nghe tiếng Lục Tổ, Ngài tìm đến tham vấn. Ngài hỏi: “Phải làm những việc gì tức chẳng rơi vào thềm bậc?” thềm bậc tức là giai cấp, ý hỏi vượt lên thứ lớp. Lục Tổ không trả lời, hỏi lại: “Ông từng làm việc gì?” để ông tự đáp. Ngài thưa: “Thánh đế cũng chẳng làm”. Thánh đế là pháp Tứ đế, là con đường tu hành xuất thế gian, như thế cũng không làm tức không mắc kẹt chỗ làm. Tổ gạn lại: “Như vậy thì rơi vào thềm bậc gì?”. Ngài đáp: “Thánh đế chẳng làm thì có thềm bậc gì?”. Vậy là tự Ngài đã trả lời cho câu hỏi. Bởi còn thấy có chỗ làm thì có thềm bậc, có thứ lớp. Nếu vượt qua hết chỗ làm thì không còn thềm bậc.

Như vậy, muốn không rơi vào thềm bậc mà hỏi phải làm gì, câu hỏi đó đã sai, bởi có làm tức có thềm bậc, nếu theo đó trả lời thì sai luôn. Thế nên Lục Tổ không trả lời, ngay đó hỏi lại để ông tự đáp.

Một hôm Sư bảo Tư:

- Ông phải chia ra đi giáo hóa một phương, không để cho đoạn dứt.

Hành Tư đã đắc pháp, bèn trở về núi Thanh Nguyên ở châu Cát hoằng hóa chánh pháp. Khi tịch được tên thụy là “Thiền Sư Hoằng Tế”.

Đây ghi tóm tắt, có chỗ ghi: Một hôm, Lục Tổ gọi Sư bảo:

- Từ trước y và pháp, cả hai đều được thầy truyền cho trò, y để tiêu biểu làm tin, pháp để ấn tâm. Nay không còn sợ người chẳng tin, ta từ khi nhận y đến nay đã gặp nhiều tai nạn, huống là đời sau cạnh tranh quá nhiều, y hãy để lại nơi đây, ngươi đến một phương truyền bá Tâm tông, không để cho đoạn dứt.

Thay vì Tổ truyền y bát, nhưng đến đây không truyền nữa.

Sau Sư về ở núi Thanh Nguyên, chùa Tĩnh Cư, xiển dương tông phong thành ra hệ Thanh Nguyên, về sau phát xuất tông Tào Động nổi tiếng còn truyền bá đến ngày nay.

***

Thiền sư Hoài Nhượng họ Đỗ, ở châu Kim, ban đầu đến gặp Quốc sư An ở Tung Sơn, An khuyên qua Tào Khê thưa hỏi. Nhượng đến lễ bái.

Thiền sư Hoài Nhượng (677-744) quê ở An Khang thuộc châu Kim, hiện nay thuộc tỉnh Thiểm Tây. Sư ban đầu theo Luật sư Hằng Cảnh xuất gia (có chỗ ghi Hoằng Cảnh) và thọ giới Cụ túc. Một hôm Sư tự than: “Ta từ khi thọ giới đến nay đã trải qua năm hạ, rộng học oai nghi mà khó mẫu mực nghiêm trang, muốn nghĩ đến chân lý mà lại khó khế hợp”. Lại nói: “Là người xuất gia thì phải vì pháp vô vi, trên trời và nhân gian không có gì hơn được”.

Có người bạn đồng học là Thản Nhiên, biết Sư có chí cao siêu do đó khuyên Sư cùng đến yết kiến Quốc sư Lão An cũng gọi là Huệ An ở Tung Sơn, là người nối pháp Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Thản Nhiên thưa hỏi với Ngài Lão An về yếu chỉ Tây lai được tỏ ngộ nên ở lại thờ Ngài Lão An. Còn Thiền sư Hoài Nhượng theo lời khuyên bèn đến gặp Lục Tổ.

Sư hỏi:

- Ở đâu đến?

Nhượng thưa:

- Ở Tung Sơn.

Sư bảo:

- Vật gì thế ấy đến?

Nhượng thưa:

- Nói giống một vật tức chẳng trúng.

Sư bảo:

- Lại có thể tu chứng chăng?

Nhượng thưa:

- Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được.

Sư bảo:

- Chỉ cái “chẳng nhiễm ô” này là chỗ chư Phật hộ niệm, ông đã như thế, tôi cũng như thế. Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: “Dưới chân ông sẽ xuất hiện một con ngựa khỏe đạp chết người trong thiên hạ, ứng tại tâm ông chẳng cần nói sớm”.

Nhượng hoát nhiên khế hội, bèn theo hầu Sư mười lăm năm, mỗi ngày càng đến chỗ sâu xa. Sau Hoài Nhượng qua núi Nam Nhạc xiển dương Thiền tông.

Thiền sư Hoài Nhượng đến gặp Lục Tổ, Tổ hỏi: “Ở đâu đến?”. Xưa kia, khi người tham học mới đến, các Ngài thường hỏi chỗ nơi, đó là phương tiện để dò xét trình độ của người. Ngài Hoài Nhượng đáp theo thông thường là ở Tung Sơn. Tổ hỏi tiếp “Vật gì thế ấy đến?”. Câu hỏi đó là gạn lại chỗ thấy nơi nội tâm, thấy ông đến là biết ông đến rồi, hỏi vật gì đến là không phải nói đến người này? Nếu nghe nói “vật gì đến?” liền nghĩ đến một vật gì đó để trả lời thì sao? Đó là lầm, bị gạt, theo ngôn ngữ chuyển.

Thiền sư Hoài Nhượng có chỗ thấy nơi nội tâm nên đáp: “Nói giống một vật tức chẳng trúng”. Ở đây ghi Ngài đáp ngay khi ấy, chỗ khác nói Ngài phải trải qua tám năm “nghi”, sau sáng tỏ mới trả lời được câu đó chứ không dễ dàng. Trong chỗ chân thật đó thì có cái gì để so sánh! Trong đây, vừa có tâm so sánh là rơi vào tình thức phân biệt, liền biết chưa phải sáng tâm. Nhưng nói thế vẫn chưa tột lý, bởi với người học hiểu chứa trong tàng thức, nếu có người hỏi cũng bắt chước đáp được, thế nên, Lục Tổ gạn lại thêm: “Lại có tu chứng chăng?”. Nói giống vật không trúng, tức nó không thành vật gì cả. Nhưng có tu chứng hay không? Nếu người học thiền theo kiểu “khẩu đầu thiền” sẽ đáp không cần tu chứng, bởi không một vật thì tu chứng cái gì? Nếu đáp như thế liền biết ông này thiền ở trên miệng, chỉ nói lý chứ không thật chứng.

Ngài Nam Nhạc - Hoài Nhượng thưa: “Tu chứng tức chẳng không, nhiễm ô tức chẳng được”. Câu đáp rất đầy đủ ý nghĩa, có lý có sự. Trong chỗ đó “không một vật”, nhưng không phải là rỗng suông không có gì mà có thể tu chứng rõ ràng, công phu đến nơi là chứng nghiệm được, nó rất chân thật không chút nghi ngờ. Tuy nhiên không có gì làm nhiễm ô được, tức tu chứng mà không thấy có chứng, không thấy có được, xưa nay vốn như thế, không thêm không bớt trong đó. Bởi nếu thấy có chỗ được thành ra pháp tạo tác rồi! Câu đáp cho thấy người này thật chứng, không phải nói suông.

Đến đây, Lục Tổ mới ấn chứng: “Chỉ cái chẳng nhiễm ô này là chỗ chư Phật hộ niệm. Ông đã như thế, tôi cũng như thế”. Đó chính là tâm tâm khế hợp nhau, tâm Ngài khế hợp với tâm Tổ gọi là ấn tâm, cũng gọi truyền tâm ấn. Người học theo chữ nghĩa nghe nói truyền tâm ấn liền tưởng tượng có cái gì để truyền, hoặc người bắt chước bày ra những cách truyền huyền bí không cho người ngoài biết thành ra càng đi sai. Truyền tâm ấn chính là chỗ này: “Ông như thế, ta cũng như thế”. Tức tâm ông giống như tâm ta, tâm tâm in nhau, tâm thầy như tâm trò, việc này người ngoài làm sao biết được! Chỉ thầy trò biết nhau bởi tâm như nhau. Thế nên, người đến trình độ đó mới cảm thông nhau “tâm ấn tâm”. Nhà Thiền ví như người uống nước nóng lạnh tự biết, thầm hiểu với nhau vượt ngoài ngôn ngữ, ngôn ngữ nói không thể tới. Dù thiết bị điện tử tân tiến cách mấy cũng không ghi được cái này.

Lục Tổ nói thêm: “Tổ Bát-nhã-đa-la ở Tây Thiên có lời sấm rằng: Dưới chân ông sẽ xuất hiện một con ngựa khỏe đạp chết người trong thiên hạ. Ứng tại tâm ông, chẳng cần nói sớm”. Tổ Bát-nhã-đa-la là Tổ thứ 27, đến Tổ Bồ-đề-đạt-ma là Tổ 28. Lời sấm ký là dưới Thiền sư Hoài Nhượng sẽ xuất hiện một con người đặc biệt làm hưng thạnh Thiền Tông, nên gọi con ngựa khỏe. Về sau, ứng với lời sấm chính là Mã Tổ. Từ tông phái của Ngài Nam Nhạc - Hoài Nhượng xuống đến Mã Tổ, sau phát xuất phái Thiền Lâm Tế còn truyền đến ngày nay.

Đoạn hỏi đáp này trong đây được ghi lại đơn giản, nhưng trong sách Tổ Đường Tập ghi rõ hơn và chia thành hai đoạn:

Đoạn thứ nhất:

Lục Tổ hỏi: “Ông vừa rời nơi nào?”. Sư đáp: “Rời Tung Sơn, riêng đến lễ bái Hòa thượng”. Tổ bảo: “Vật gì thế ấy đến?”. Sư đáp: “Nói giống một vật tức chẳng trúng!”. Sư bèn ở lại gần gũi với Lục Tổ mười hai năm.

Đoạn thứ hai:

Đến niên hiệu Cảnh Vân thứ hai, tức năm 711 đời vua Đường Duệ Tông, Sư lễ từ giã Lục Tổ. Lúc đó, Lục Tổ bảo: “Nói giống một vật tức chẳng trúng, lại có nhờ tu chứng chăng?”. Sư đáp: “Tu chứng tức chẳng không, chẳng dám ô nhiễm”...

***

Thiền sư Huyền Giác ở Vĩnh Gia, lúc nhỏ học kinh luận, tinh thông pháp môn chỉ quán của tông Thiên Thai, nhân xem kinh Duy Ma phát minh tâm địa. Tình cờ đệ tử của Sư là Huyền Sách tới thăm hỏi, cùng nhau bàn luận hăng say, Giác nói ra đều thầm hợp chư Tổ, Sách nói:

- Ngài đắc pháp với thầy nào?

Giác đáp:

- Tôi nghe kinh luận phương đẳng đều có thầy truyền cho, sau ngộ tâm tông của Phật ở kinh Duy Ma, chưa có người chứng minh.

Sách nói:

- Từ Oai Âm Vương về trước thì được, từ Oai Âm Vương về sau, không thầy tự ngộ thảy là ngoại đạo thiên nhiên.

Giác nói:

- Mong Ngài chứng minh cho tôi.

Sách nói:

- Lời tôi nhẹ lắm. Ở Tào Khê có Đại sư Lục Tổ, bốn phương nhóm họp về, đồng thời là người đã được truyền pháp, nếu Ngài đi thì tôi sẽ cùng đi.

Thiền sư Huyền Giác (665-713), vốn họ Đới, tự Minh Đạo, người ở Vĩnh Gia thuộc Triết Giang, Tổ tiên là dòng dõi hoàng tộc đời Hán. Sư xuất gia từ lúc tám tuổi, theo học giáo lý về chỉ quán của tông Thiên Thai tức Giáo tông. Nhân xem kinh Duy Ma sáng được tâm nhưng chưa có thầy ấn chứng. Cho thấy rằng, người có đủ duyên khi đọc kinh cũng ngộ đạo được.

Sư gặp Thiền sư Huyền Sách là đệ tử của Lục Tổ cùng nhau bàn luận thấy khế hợp, bởi sáng được tâm nên nói ra là khế hợp ý Tổ. Qua đối đáp, Ngài Huyền Sách biết là chưa có người ấn chứng, nên nói: “Từ Oai Âm Vương về trước thì được, từ Oai Âm Vương về sau không thầy mà tự ngộ thảy là ngoại đạo thiên nhiên”. Kinh Pháp Hoa nói Phật Oai Âm Vương thuộc về thời kiếp Không xa xưa. Nếu người tự đắc sẽ nói tôi không cần ai chứng, còn Ngài Huyền Giác khiêm tốn, không tự đắc, nên nói: “Mong Ngài chứng minh cho tôi”. Mới thấy, người thật thấy đạo thì khác, còn người chưa thật thấy đạo đôi khi vì bản ngã mà tự đắc ấy là còn mắc kẹt trong tình mê. Ngài Huyền Sách khuyên đến gặp Lục Tổ.

Giác bèn cùng Sách đến tham lễ, đi quanh Sư ba vòng rồi chống tích trượng mà đứng.

Sư bảo:

- Là hàng Sa-môn phải đủ ba ngàn oai nghi, tám muôn tế hạnh. Đại đức từ phương nào đến mà sanh ngã mạn to vậy?

Giác thưa:

- Sanh tử là việc lớn, vô thường rất mau chóng.

Sư bảo:

- Sao chẳng thể nhận cái vô sanh, liễu không mau chóng sao?

Giác thưa:

- Thể tức vô sanh, liễu vốn không chóng.

Sư bảo:

- Đúng thế, đúng thế!

Huyền Giác mới đầy đủ oai nghi lễ bái, giây lát cáo từ, Sư bảo:

- Trở về quá nhanh vậy sao?

Giác thưa:

- Vốn tự chẳng phải động, há có nhanh sao?

Sư bảo:

- Ai biết chẳng động!

Giác thưa:

- Ngài tự sanh phân biệt.

Sư bảo:

- Ông rất được ý vô sanh.

Giác thưa:

- Vô sanh há có ý sao?

Sư bảo:

- Không ý thì ai sẽ phân biệt?

Giác thưa:

- Phân biệt cũng chẳng phải ý.

Sư bảo:

- Lành thay! Hãy tạm ở lại một đêm.

Người thời đó gọi là Nhất Túc Giác (một đêm giác ngộ). Sau Huyền Giác có trước tác bài Chứng Đạo Ca lưu truyền rộng rãi ở đời.

Đến gặp Lục Tổ, Ngài Huyền Giác đi nhiễu quanh ba vòng đứng chống tích trượng, đó là trình kiến giải, tức biểu lộ có chỗ tự tin. Lục Tổ quở để gạn lại xem thật hay giả. Ngài thưa rõ sanh tử là việc lớn lao, là việc gấp rút hơn việc lễ nghi, bởi vô thường rất mau chóng không thể chần chừ, không thể rảnh rang. Lời đáp rõ ràng, có chỗ thấy, có lý chứ không phải ngã mạn suông.

Lục Tổ gạn lại: Nếu ông biết như vậy thì hãy thể nhận ngay cái vô sanh ấy đi, rõ suốt không nhanh sao? Thì đâu có gì phải lo vô thường nhanh chóng. Tuy nhiên nói thế là Tổ ngầm đưa ra cái bẫy. Câu: “Sao chẳng thể nhận cái vô sanh, liễu không mau chóng sao?”. Trong đây ngầm đưa cái bẫy “nhanh-chậm”. Thiền sư Huyền Giác tâm sáng, nghe liền biết nên không kẹt trong chỗ “liễu nhanh”. Ngài đáp, ngay thể tức vô sanh, nó vốn là vô sanh, đâu phải liễu mới thành vô sanh, thì đâu có gì mà nhanh-chậm. Đó là vượt qua cái bẫy “liễu nhanh”, cũng thấu qua chỗ liễu, liễu tức rõ thấu, nó vốn sẵn rồi không phải liễu mới thành.

Lục Tổ khen: “Đúng thế, đúng thế!”. Coi chừng lọt bẫy! Người không khéo, nghe khen rồi nhận lời khen thì lọt bẫy. Ngài Huyền Giác bây giờ đầy đủ oai nghi lễ bái, giây lát cáo từ về, đó là qua một pháp trận thứ nhất.

Đến trận thứ hai khó hơn. Lục Tổ bảo: “Sao trở về quá nhanh vậy?”. Người bình thường thấy đó là lời hỏi thông thường, thật sự trong đó có “mũi nhọn”, tức thêm một cái bẫy, cũng là cái bẫy “nhanh-chậm”. Ngài Huyền Giác thấy ngay, không để lọt bẫy: “Vốn tự chẳng phải động, há có nhanh sao”. Đó là vượt qua cái bẫy “nhanh-chậm” dễ dàng. Tổ nhân câu đáp, gài tiếp cái bẫy chẳng động: “Ai biết chẳng động?” Nếu là chúng ta sẽ đáp: “Con biết” thì lọt bẫy ngay. Nghe hỏi “Ai!”, nếu lo đi tìm “người biết” chẳng động thì thành “động”, là lọt bẫy. Thiền sư Huyền Giác thấu rõ liền đáp: “Ngài tự sanh phân biệt”. Là không mắc kẹt trong đó mà đẩy trở lại Lục Tổ, liền qua cái bẫy “Ai” dễ dàng.

Lục Tổ nói giống như khen: “Ông rất được cái ý vô sanh”. Đây là chỗ chết người không hay, người thường nghe thế tưởng Tổ khen liền thấy vui, tự đắc là rơi vào bẫy. Tổ vừa khen cũng vừa gài bẫy “cái ý”. Mắt Thiền sư Huyền Giác thật sáng, Ngài thấy liền nên đáp: “Vô sanh há có ý sao?”. “Vô sanh” mà có “ý” là thành sanh rồi. Chỗ đó rất tế nhị, nếu không phải là người thật mắt sáng thì khó thấy. Chúng ta học theo chữ nghĩa mà đạt được ý vô sanh là quá hay. Đây không phải vậy, “vô sanh” mà còn có “ý” tức là sanh, chỗ đó phải kinh nghiệm trực tiếp chứ không phải suy nghĩ, hướng về nó. Hiểu được ý vô sanh tức chỉ hiểu về vô sanh chứ chưa chứng nghiệm trực tiếp.

Cho nên thấy “được ý vô sanh” là lọt bẫy, Thiền sư Huyền Giác đã vượt qua cái bẫy này. Tổ lại bảo: “Nếu không ý thì ai phân biệt?” Chỗ này khó qua, không ý thì ai phân biệt, vậy giống như cây đá hay sao? Ngài Huyền Giác thấy được ý Lục Tổ, nên vượt qua bẫy một cách nhẹ nhàng: “Phân biệt cũng chẳng phải ý”. Tuy phân biệt nhưng không thêm cái ý, bởi thêm ý là đầu thêm đầu, có ý tức có “Ai”. Phân biệt chỉ là phân biệt, đâu cần có “Ai” phân biệt. Chúng ta thường cần có thêm “Ai” phân biệt nên chết là chỗ đó, thêm “Ai” tức thêm cái ngã. Chỗ này, phải là người thật sống trong đó mới thầm biết với nhau. Người sống trong tình thức thì phải có ai, là khó hiểu nổi chỗ này!

Kinh Duy Ma Cật nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp, nơi nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động”. Tức cũng phân biệt đối với các pháp chứ không phải như cây đá không biết gì, nhưng chẳng rời nghĩa đệ nhất, đó là chỗ quan trọng, tức phân biệt mà không rời tự tánh chân thật, không mất mình, không bỏ sót mình, không mê theo cảnh, không bị cảnh chuyển, đó mới chính là chỗ người đạt đạo. Còn phân biệt của người mê là phân biệt cái gì thì theo cái đó, mất mình, khác nhau chỗ đó.

***

Thiền giả Trí Hoàng trước kia tham học với Ngũ Tổ, tự cho là đã được chánh thọ, về ở am thường luôn ngồi thiền trải qua hai mươi năm. Đệ tử của Sư là Huyền Sách đi du phương đến Hà Sóc, nghe tiếng tăm Hoàng tới am hỏi:

- Ngài ở đây làm gì?

Hoàng nói:

- Ở nhập định.

Sách bảo:

- Ngài nói nhập định, là có tâm nhập chăng? Không tâm nhập chăng? Nếu không tâm mà nhập thì tất cả loài vô tình như cỏ cây, ngói gạch lẽ ra nên được định. Nếu có tâm mà nhập, thì tất cả hạng hữu tình hàm thức cũng nên được định!

Hoàng nói:

- Chính khi tôi nhập định, chẳng thấy có tâm có không.

Sách bảo:

- Chẳng thấy có tâm có không tức là thường định, đâu có nhập xuất. Nếu có nhập xuất tức chẳng phải đại định.

Thiền giả Trí Hoàng (648-738), người quê ở Chân Định nay thuộc về Chánh Định tỉnh Hà Bắc, ban đầu từng ở nơi Hoàng Mai học pháp với Ngũ Tổ, sau tự cho mình được chánh thọ tức thường nhập định dễ dàng nên về ở am. Tuy thường nhập định nhưng chưa sáng được tâm. Mới thấy định chưa hẳn là rốt ráo.

Ngài Huyền Sách gạn: “Ngài nói nhập định là có tâm nhập chăng, hay không tâm nhập chăng? Nếu không tâm nhập thì tất cả loài vô tình như cỏ cây ngói đá lẽ ra nên được định; nếu có tâm nhập thì tất cả hạng hữu tình hàm thức cũng nên được định”. Có tâm nhập định hay không tâm nhập định cũng đều mắc kẹt, vậy làm sao trả lời? Thiền sư Trí Hoàng trả lời: “Chính khi tôi nhập định chẳng thấy có cái tâm có-không”. Lời đáp cũng hay nhưng xét kỹ có chỗ kẹt, chẳng thấy có tâm “có-không” nhưng còn “có nhập”, đã “có nhập” ắt phải “có xuất”. Mà có nhập có xuất thì chẳng phải thường định.

Hoàng không đáp, giây lâu hỏi:

- Thầy kế thừa ai?

Sách đáp:

- Thầy tôi là Lục Tổ ở Tào Khê.

Hoàng hỏi:

- Lục Tổ lấy gì làm thiền định?

Sách đáp:

- Chỗ thầy tôi nói là, trong sáng nhiệm mầu, tròn lặng, thể dụng như như, năm ấm vốn không, sáu trần chẳng phải có, chẳng ra chẳng vào, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền không trụ, lìa trụ nơi thiền tịch, tánh thiền không sanh, lìa sanh cái thiền tưởng, tâm như hư không, cũng không cái lượng hư không.

Hoàng nghe lời ấy, đi thẳng đến gặp Sư.

Sư hỏi:

- Ngài ở đâu đến?

Hoàng thuật lại đầy đủ duyên trước. Sư bảo:

- Đúng như điều đã nói. Ông chỉ tâm như hư không mà chẳng dính mắc cái thấy không, ứng dụng không ngại, động tĩnh không tâm, tình phàm Thánh đều quên, năng sở đều mất, tánh tướng như như, không lúc nào chẳng định.

Hoàng ngay đó liền đại ngộ, tâm sở đắc trong hai mươi năm đều dứt sạch. Đêm đó dân chúng ở Hà Bắc nghe trong hư không có tiếng nói: “Thiền sư Hoàng ngày nay đã được đạo”.

Sau đó, Hoàng lễ bái từ giã, trở về Hà Bắc mở mang giáo hóa cho bốn chúng.

Thiền sư Huyền Sách chỉ thẳng bản tánh vốn đủ vậy rồi, không thêm bớt trong đó, tức bản tánh vốn trong sáng, nhiệm mầu, tròn lặng, thể dụng như như, thì đâu cần phải lặng thêm nữa. Rõ suốt, trong thì “Năm ấm vốn không”, ngoài thì “Sáu trần chẳng phải có”, vậy đâu còn kẹt trong-ngoài, ra-vào. Rồi “Chẳng định, chẳng loạn”, tức không kẹt nơi tướng định cũng chẳng kẹt nơi tướng loạn. Có loạn thì mới định, thành ra bỏ loạn về định tức bỏ động về tịnh. Định có được do bỏ động về tịnh thì chưa phải thật định, còn bỏ này được kia. Đây không bỏ động về tịnh để được định, nhưng cũng không có loạn, gọi là tự tánh định.

“Tánh thiền không trụ, lìa trụ nơi thiền tịch”. Trụ nơi thiền tịch là trụ nơi vắng lặng, tánh thiền sẵn vốn lặng, nếu có cái vắng lặng để trụ là trái với tánh thiền. “Tánh thiền không sanh, lìa sanh cái thiền tưởng”. Chỗ này nhiều người mắc kẹt, thiền mà có sanh cái tưởng thì động rồi, trái với tánh thiền. “Phải tâm như hư không cũng không có cái lượng của hư không”. Tức tâm rỗng rang như hư không, không có vật gì, nhưng cũng không có “cái không” để thấy, còn có “cái không” để thấy là thuộc về đối tượng, không phải là tâm thật.

Ngài Trí Hoàng nghe lời ấy biết được chỗ sâu xa nên đi đến gặp Lục Tổ. Tổ cũng xác định lại: “Đúng như điều đã nói. Ông chỉ tâm như hư không mà chẳng vướng mắc cái thấy không”. Người thường, tâm luôn có hoặc cái này hoặc cái kia, luôn luôn có tướng. Đúng là tâm thì không là cái gì hết, nếu “là cái gì” tức thành vật. Nó vốn không có “cái tướng” để thấy, không thuộc có-không. Nó là “Biết” thì đâu phải không, nhưng không là gì hết thì đâu phải có. Không dính vào “cái không” để thấy, cũng không mắc kẹt “cái có”, cho nên “ứng dụng không ngại”. Cũng không kẹt nơi động, không kẹt nơi tịnh, tâm vượt qua cả hai tướng động-tịnh. Động biết động, tịnh biết tịnh nhưng không phải là động-tịnh.

“Tình phàm Thánh đều quên, năng-sở đều mất, tánh tướng như như”. Tức vượt qua cái thấy phân biệt phàm Thánh, năng-sở, tánh tướng đối đãi. Tâm là tâm, đâu là gì, có phàm-Thánh là đã bày ra phân biệt; năng-sở cũng vậy. Thấu được vậy thì không lúc nào chẳng định, không mắc kẹt bên này bên kia, không thuộc về động-tịnh, không có nhập-xuất. Có nhập rồi phải có xuất, xuất thì hết định. Ngài Trí Hoàng nghe liền đại ngộ, quên cái tâm sở đắc từ trước. Từ trước thấy mình có được định, giờ hết thấy được bởi định này có sẵn nơi tự tánh, không có được thì đâu có mất, đó mới là chân định.

***

Một vị tăng hỏi Sư:

- Ý chỉ Hoàng Mai người nào được?

Sư đáp:

- Người hội Phật pháp được.

Tăng thưa:

- Hòa thượng được chăng?

Sư đáp:

- Ta chẳng được.

Tăng thưa:

- Hòa thượng vì sao chẳng được?

Sư đáp:

- Tôi chẳng hội Phật pháp.

Hỏi: “Ý chỉ Hoàng Mai người nào được?” Hoàng Mai tức chỉ cho Ngũ Tổ. Đáp: “Người hội Phật pháp được”. Nhưng nếu người thấy có Phật pháp cho mình lãnh hội, cho mình được thì chẳng phải thật lãnh hội Phật pháp. Cần phải đạt ý quên lời, chớ có theo lời mà sanh hiểu.

***

Một hôm, Sư muốn giặt chiếc y đã được truyền trao mà không có suối tốt. Nhân đi đến phía sau chùa khoảng năm dặm, thấy núi rừng rậm rạp, khí lành xoay quanh, Tổ liền chống tích trượng xuống đất, suối theo tay vọt ra, chứa đầy thành hồ. Tổ bèn quỳ gối giặt y trên tảng đá. Chợt có vị tăng đến lễ bái thưa:

- Phương Biện là người xứ Thục, vừa qua ở nước Nam Thiên Trúc gặp Đại sư Đạt-ma dặn dò Phương Biện: “Hãy đi nhanh qua đất nước Đường. Tôi truyền Chánh pháp nhãn tạng và Tăng-già-lê của Ngài Đại Ca-diếp thấy đến đời thứ sáu ở Tào Khê, Thiều Châu, ông hãy đến đó chiêm lễ,” Phương Biện từ xa đến, mong được thấy y bát của thầy tôi truyền lại.

Sư bèn đưa ra chỉ cho. Kế đó hỏi:

- Thượng nhân giỏi về sự nghiệp gì?

Phương Biện đáp:

- Con khéo đắp tượng.

Sư nghiêm sắc mặt bảo:

- Ông thử đắp xem!

Phương Biện mờ mịt. Qua mấy ngày sau đắp được tượng chân dung của Sư cao khoảng bảy tấc tàu, rất khéo léo, đem trình với Sư.

Sư cười bảo:

- Ông chỉ giỏi tánh đắp, chẳng giỏi tánh Phật.

Sư duỗi tay xoa đầu Phương Biện bảo:

- Mãi mãi làm phước điền cho Trời người.

Rồi lấy y đền công cho ông. Phương Biện lấy y chia làm ba phần: Một tấm khoác lên tượng đắp, một tấm tự giữ lại, một tấm đem gói lại chôn xuống đất, thệ: “Về sau, ai được y này, chính là ta ra đời, trụ trì nơi đây, xây dựng lại ngôi chùa”.

Niên hiệu Gia Hựu thứ tám đời Tống (1063), có vị tăng tên Duy Tiên sửa sang lại ngôi điện, đào đất được tấm y như mới. Tượng đắp thì để ở chùa Cao Tuyền, cầu đảo liền ứng nghiệm.

Đoạn này hơi huyền bí, Tổ Đạt-ma là Sơ Tổ, Lục Tổ sống cách Tổ Đạt-ma năm đời Tổ sư tức mấy trăm năm mà Phương Biện nói rằng: “Ở nước Nam Thiên Trúc, gặp Đại sư Đạt-ma chỉ dạy bảo qua đây chiêm lễ”. Chỗ khác thì ghi Tổ Đạt-ma gá mộng bảo ông đến chiêm lễ.

Lục Tổ hỏi ông giỏi về sự nghiệp gì? Phương Biện đáp: “Con khéo về đắp tượng”. Tổ nghiêm sắc mặt bảo: “Ông thử đắp xem”. Người khéo lanh lợi ngay đó hiểu được ý Tổ, lễ bái ba lạy là đắp xong, gọi là tâm tâm ứng hợp, tâm mình hợp với tâm Tổ. Ở đây Phương Biện chưa thấy được chỗ đó, tưởng bảo đắp chân dung Tổ, nếu bảo vậy thì đâu cần nghiêm sắc mặt bảo. Nghiêm sắc mặt bảo là chỗ Tổ ngầm muốn chỉ đó, nhưng chỗ đó hai tròng mắt này không thể thấy mà phải thấy bằng trí tuệ. Phương Biện mờ mịt không biết làm sao, đành đắp tượng dâng lên.

Khi dâng tượng lên trình thì Tổ cười, ý Tổ không phải bảo đắp chân dung này nhưng ông đã đắp thì cũng tốt nên nói: “Ông chỉ giỏi cái tánh đắp mà chẳng giỏi tánh Phật”. Đây nhắc thêm mọi người cần ngộ tánh Phật mới là yếu chỉ, mới hội được ý Tổ. Tuy nhiên đã đắp thành tượng cũng có thể làm phước điền cho đời sau, nên Tổ duỗi tay xoa đầu Phương Biện: “Mãi mãi làm phước điền cho Trời người”.

***

Có vị tăng thuật lại bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân:

     Ngọa Luân có tài khéo,

     Hay dứt trăm tư tưởng.

     Đối cảnh tâm chẳng khởi,

     Bồ-đề ngày thêm lớn.

Sư nghe nói, bảo:

- Bài kệ này chưa sáng tỏ tâm địa, nếu nương theo đó mà tu hành, càng thêm trói buộc.

Nhân đó, Sư chỉ dạy bài kệ:

     Huệ Năng không tài khéo,

     Chẳng dứt trăm tư tưởng.

     Đối cảnh tâm thường khởi,

     Bồ-đề làm sao lớn?

Nghe kỹ bài kệ của Thiền sư Ngọa Luân đúng là không phải dở, tu đến trình độ đó thì đâu phải tầm thường, tuy nhiên vẫn còn trên công phu ngăn dẹp tư tưởng, “hay dứt trăm tư tưởng”, nên “đối cảnh tâm không sanh”, thì công phu đó như đá đè cỏ, nếu công phu hết liền sanh trở lại, cho nên chưa phải là chỗ rốt ráo không sanh. Đây là còn dẹp cái này được cái kia, dẹp tư tưởng được Bồ-đề thêm lớn, đó là còn trong công phu tạo tác sanh diệt. Còn sanh diệt nên còn nghiêng lệch một bên chưa sáng tỏ được tâm địa, do đó Lục Tổ phá chấp để không bị trệ ngại trong đó, để tỏ ngộ được bản tánh sáng suốt sẵn có. Nhưng phải là người công phu được như vậy mới tiến thêm bước nữa như Tổ dạy. Chúng ta chưa được như vậy mà học bài kệ sau là nguy hiểm.

Lục Tổ nói, Ngài không có tài khéo gì tức không có thêm công phu tạo tác gì trong đó, cũng chẳng phải đè dẹp, không phải đoạn dứt tư tưởng bởi tư tưởng cũng không ngoài tâm mà riêng có. Như sóng từ biển dấy lên rồi cũng tan về biển, không phải ngoài biển mà riêng có sóng, nếu đoạn dứt sóng thì bỏ luôn biển, gọi là ngọc đá đều đập hết, chỗ đó dễ lầm. Lục Tổ sáng tâm nên không mắc kẹt trong chỗ dứt tư tưởng. “Đối cảnh tâm thường khởi”. Người không hiểu bắt chước theo, không cần dứt tư tưởng, để cho khởi mãi, thì phàm phu mãi. Bởi, kia là dứt tư tưởng không cho khởi giống như không cho biết gì. Đây đối lại, là “rõ ràng thường biết” không thiếu vắng, nên đâu có chướng ngại với cảnh mà dứt. Đó là chỗ thấu suốt được tâm tánh hiện tiền, không còn phân biệt lấy-bỏ, chính là tâm Tổ. “Thường khởi”, tức rõ ràng thường biết chớ không phải thường để cho khởi. Hiểu theo chữ nghĩa dễ lầm.

Bài kệ của Tổ giống như cái đòn bẩy khiến người có công phu trong đó vượt lên, không để chìm trong chỗ “nước chết”. Đây là thuốc trị bệnh, có bệnh này thì có thuốc này trị. Chúng ta không có bệnh này mà uống thuốc này thì bệnh thêm nữa, người chưa đến trình độ đó, học theo kiểu bắt chước suông, chưa có công phu mà để tâm thường khởi thì bị cảnh lôi đi mãi. Phải hiểu được hoàn cảnh, chỗ đối cơ của các Ngài, không thể nhận hiểu hời hợt trên lý suông mà phải khéo đạt được ý Tổ mới không lầm!

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 36292
  • Online: 27