Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 05 TRUYỀN HƯƠNG SÁM HỐI

09/01/2020 | Lượt xem: 2174

Dịch giảng: HT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Bấy giờ Đại sư thấy dân chúng ở châu Quảng, châu Thiều và các nơi nhóm họp trong núi để nghe pháp, liền lên tòa bảo mọi người rằng: 

- Hãy đến đây, thiện tri thức! Việc này cần từ trong tự tánh phát khởi, đối trong tất cả thời, niệm niệm tự tịnh tâm mình, tự tu, tự hành, thấy Pháp thân chính mình, thấy Phật nơi tự tâm, tự độ tự răn mới được, chẳng nhờ tới đây. Nhưng đã từ xa đến cùng chung hội họp nơi này, là đều có duyên với nhau. Nay mỗi người hãy quỳ xuống, trước tôi sẽ truyền cho Năm Phần Pháp Thân Hương của tự tánh, kế đó trao pháp Vô Tướng Sám Hối!

 

Mọi người quỳ xuống, Sư bảo:

    - Một là Giới hương. Tức trong tự tâm không quấy, không ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại, gọi là Giới hương.

    - Hai là Định hương. Tức thấy các cảnh tướng thiện ác, tự tâm chẳng loạn, gọi là Định hương.

    - Ba là Huệ hương. Tự tâm không ngăn ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, chẳng gây tạo các điều dữ, tuy tu mọi điều lành mà tâm chẳng chấp trước, kính người trên nghĩ đến kẻ dưới, thương xót người nghèo khó, đơn độc, gọi là Huệ hương.

    - Bốn là Giải Thoát hương. Tức tự tâm không chỗ vin theo, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại không ngại, gọi là Giải Thoát hương.

    - Năm là Giải Thoát Tri Kiến hương. Tự tâm đã không chỗ vin theo thiện ác, mà chẳng chìm đắm trong “Không”, bám giữ chỗ “Tịch”, phải học rộng nghe nhiều, nhận biết bản tâm mình, thấu suốt lý của chư Phật, hòa ánh sáng tiếp độ mọi người, không ta không người, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi dời, gọi là Giải Thoát Tri Kiến hương.

 Này thiện tri thức! Hương này mỗi người hãy tự xông bên trong chớ hướng ra ngoài tìm. Nay sẽ trao cho các ông pháp Vô Tướng Sám Hối, diệt tội trong ba đời khiến ba nghiệp được thanh tịnh.

Này thiện tri thức! Mỗi người hãy nói theo cùng một lúc:

    - Đệ tử.......... từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị ngu mê làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội ngu mê v.v... thuộc ác nghiệp đã tạo nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.

    - Đệ tử.......... từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị kiêu mạn, lừa dối làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội kiêu mạn, lừa dối v.v... thuộc ác nghiệp đã tạo nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi không sanh khởi trở lại.

    - Đệ tử.......... từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị ganh ghét làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội ganh ghét v.v... thuộc ác nghiệp đã tạo nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.

Này thiện tri thức! Trên đây là pháp Vô Tướng Sám Hối. Thế nào gọi là Sám? Thế nào gọi là Hối? Sám là mong tha thứ lỗi trước. Từ trước có bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét v.v... thuộc ác nghiệp thảy đều mong tha thứ hết, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại, đó là Sám. Hối là ăn năn chừa bỏ lỗi sau. Từ nay về sau, bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét v.v... thuộc ác nghiệp, giờ đây đã giác ngộ rồi, thảy đều đoạn dứt hẳn, chẳng còn làm trở lại, đó gọi là Hối. Vì vậy gọi là Sám Hối.

Phàm phu ngu mê, chỉ biết mong tha thứ lỗi trước, chẳng biết ăn năn chừa bỏ lỗi sau; do chẳng ăn năn chừa bỏ nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là Sám Hối!

Này thiện tri thức! Đã sám hối rồi, sẽ vì thiện tri thức phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn, mỗi người phải dụng tâm lắng nghe kỹ!

  Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.

  Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn.

  Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học.

  Tự tánh vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.

Này thiện tri thức! Cả thảy đâu chẳng nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nói thế ấy rốt cuộc chẳng phải Huệ Năng độ.

Này thiện tri thức! Chúng sanh ở trong tâm, nghĩa là tâm tà mê, tâm dối gạt, tâm chẳng lành, tâm ganh ghét, tâm ác độc, những tâm như thế… trọn là chúng sanh. Mỗi thứ cần tự tánh tự độ, đó gọi là chân độ. Sao gọi là tự tánh tự độ? Tức chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si trong tự tâm, đem chánh kiến mà độ, đã có chánh kiến thì khiến trí Bát-nhã phá tan chúng sanh ngu si, mê vọng, mỗi thứ đều tự độ. Tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, dữ đến thì lành độ, độ như thế gọi là chân độ.

Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn, là đem trí Bát-nhã của tự tánh mà trừ sạch tâm hư vọng nghĩ tưởng.

Pháp môn vô tận thệ nguyện đoạn, là cần tự thấy tánh, thường thực hành chánh pháp, gọi là chân học.

Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành, là đã thường hay thấp lòng mà thực hành chân chánh, lìa mê, lìa giác, luôn sanh Bát-nhã, trừ chân, trừ vọng liền thấy Phật tánh, tức ngay lời nói mà thành tựu Phật đạo. Luôn luôn nghĩ nhớ tu hành, đó là phát nguyện lực.

Này thiện tri thức! Nay đã phát bốn thệ nguyện rộng lớn xong, sẽ vì thiện tri thức trao cho ba giới Quy Y Vô Tướng. Này thiện tri thức! Quy y Giác, Nhị Túc Tôn. Quy y Chánh, Ly Dục Tôn. Quy y Tịnh, Chúng Trung Tôn. Từ ngày nay trở đi lấy Giác làm thầy, trọn chẳng quy y tà ma, ngoại đạo. Lấy Tam Bảo của tự tánh thường tự chứng minh. Khuyên thiện tri thức hãy quy y Tam Bảo của tự tánh. Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh.

Tự tâm quy y Giác, tà mê chẳng sanh, ít muốn biết đủ, nay lìa tài, lìa sắc, gọi là Nhị Túc Tôn (bậc tôn quý đầy đủ cả hai).

Tự tâm quy y Chánh, niệm niệm không có tà kiến. Do không có tà kiến nên không có nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn (bậc tôn quý lìa dục).

Tự quy y Tịnh, tất cả cảnh giới trần lao, ái dục, tự tánh đều chẳng nhiễm trước, gọi là Chúng Trung Tôn (bậc tôn quý ở trong chúng).

Nếu tu hạnh này chính là tự quy y. Phàm phu chẳng hiểu, ngày đêm thọ ba thứ quy giới. Nếu vậy, Quy y Phật thì Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật thì y cứ vào đâu để trở về? Lời nói thành hư dối!

Này thiện tri thức! Mỗi người hãy tự quán xét chớ lầm dụng tâm. Kinh văn đã nói rõ ràng là tự quy y Phật, chẳng nói quy y Phật khác, Phật của chính mình mà chẳng trở về thì không chỗ nào để nương tựa. Nay đã tự ngộ rồi, mỗi người cần trở về nương tựa với Tam Bảo của tự tâm. Bên trong điều phục tâm tánh, bên ngoài cung kính người khác, đó là tự quy y.

Này thiện tri thức! Đã quy y Tam Bảo của chính mình rồi, mỗi người hãy chí tâm, Tôi sẽ nói về Tự tánh Phật một thể ba thân khiến cho mọi người thấy ba thân rõ ràng, tự ngộ tự tánh. Cả thảy hãy nói theo tôi:

    - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy y Phật Pháp thân thanh tịnh.

    - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy y Phật Hóa thân ngàn trăm ức.

    - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy Phật Báo thân viên mãn.

Này thiện tri thức! Sắc thân là nhà ở, chẳng thể nói là trở về. Ba thân Phật ở trong tự tánh, người đời thảy đều có đủ, vì tự tâm mê, chẳng thấy tánh bên trong mà tìm kiếm ba thân Như Lai ở bên ngoài, chẳng thấy ngay trong thân mình có Phật ba thân. Các ông hãy lắng nghe, tôi sẽ khiến các ông ở ngay thân mình thấy tự tánh có đủ Phật ba thân. Phật ba thân này từ tự tánh phát sanh, chẳng từ bên ngoài mà được.

Sao gọi là Phật pháp thân thanh tịnh? Tánh của người đời vốn là thanh tịnh, muôn pháp từ tự tánh mà sanh. Nghĩ ngợi tất cả việc dữ liền sanh hạnh dữ, nghĩ ngợi tất cả việc lành liền sanh hạnh lành, các pháp ở trong tự tánh cũng như thế. Như bầu trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, vì bị đám mây nổi che lấp mà trên sáng dưới tối. Chợt gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, muôn tướng đều hiện rõ. Tánh của người đời luôn luôn trôi nổi như đám mây trên trời kia.

Này thiện tri thức! Trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng, trí tuệ luôn luôn sáng, mà dính mắc cảnh bên ngoài, bị đám mây nổi vọng niệm che lấp nên tự tánh chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp thiện tri thức, nghe pháp chân chánh, tự trừ hết mê vọng, bên trong sáng suốt, thì muôn pháp đều hiện trong tự tánh. Người thấy tánh cũng như thế. Đây gọi là Phật pháp thân thanh tịnh.

Này thiện tri thức! Tự tâm trở về nương tựa tự tánh, đó là quy y Phật thật. Tự quy y là trừ sạch ở trong tự tánh những tâm chẳng lành, tâm ganh ghét, tâm dua dối, tâm ngô ngã, tâm dối gạt, tâm khinh người, tâm ngạo mạn với kẻ khác, tâm tà kiến, tâm cống cao và những hạnh chẳng lành, trong tất cả thời thường thấy lỗi của chính mình, chẳng nói điều tốt xấu của người khác. Đó là tự quy y. Thường nên thấp lòng thực hành cung kính khắp hết tức là thấy tánh thông suốt, không còn trệ ngại, là tự quy y.

Sao gọi là Hóa thân ngàn trăm ức? Nếu chẳng nghĩ nhớ muôn pháp, tánh vốn như hư không. Một niệm nghĩ ngợi gọi là biến hóa. Nghĩ ngợi việc dữ thì hóa thành địa ngục, nghĩ ngợi việc lành thì hóa thành thiên đường, độc hại hóa làm rồng dữ, từ bi hóa làm Bồ-tát, trí tuệ hóa làm cõi trên, ngu si hóa làm phương dưới. Tự tánh biến hóa rất nhiều. Người mê chẳng thể tỉnh giác, mỗi niệm sanh khởi điều dữ, thường đi theo đường dữ. Nếu xoay trở lại một niệm lành thì trí tuệ liền sanh. Đây gọi là Phật hóa thân nơi tự tánh.

Sao gọi là Báo thân viên mãn? Ví như một ngọn đèn hay trừ hết bóng tối của ngàn năm. Một trí hay diệt cái ngu của muôn năm. Chớ nghĩ nhớ về trước, đã qua rồi thì chẳng thể được. Thường nghĩ về sau, mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh thì lành dữ tuy khác, bản tánh không hai. Tánh không hai gọi là thật tánh. Ở trong thật tánh chẳng nhiễm lành dữ. Đây gọi là Phật báo thân viên mãn.

Tự tánh sanh khởi một niệm dữ thì diệt cái nhân lành của muôn kiếp. Tự tánh sanh khởi một niệm lành thì hết sạch hằng sa điều dữ, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, niệm niệm tự thấy, chẳng mất bổn niệm, gọi là báo thân.

Này thiện tri thức! Từ pháp thân mà nghĩ ngợi tức là Phật hóa thân. Mỗi niệm tự tánh tự thấy tức là Phật báo thân. Tự ngộ, tự tu công đức của tự tánh, đó là quy y chân thật. Da thịt là sắc thân. Sắc thân là nhà ở, chẳng nói quy y. Chỉ ngộ ba thân của tự tánh liền nhận biết Phật của tự tánh. Tôi có một bài tụng VÔ TƯỚNG, nếu ai hay tụng trì, ngay lời nói khiến cho tội mê trong nhiều kiếp của ông một lúc tiêu dứt.

Tụng rằng:

    Người mê tu phước chẳng tu đạo,

    Chỉ nói tu phước đó là đạo.

    Bố thí cúng dường phước vô biên,

    Ba ác trong tâm vốn đã tạo.

    Toan đem tu phước muốn diệt tội,

    Đời sau được phước, tội vẫn còn.

    Chỉ nhằm trong tâm trừ duyên tội,

    Thảy trong tự tánh thật sám hối.

    Chợt ngộ Đại thừa chân sám hối,

    Trừ tà hành chánh tức không tội.

    Học đạo thường quán nơi tự tánh,

    Liền cùng chư Phật đồng một thứ.

    Tổ ta chỉ truyền Đốn pháp này,

    Nguyện khắp thấy tánh đồng một thể.

    Nếu muốn về sau tìm Pháp thân,

    Lìa các pháp tướng rửa trong tâm.

    Gắng sức tự thấy chớ lơ là,

    Niệm sau chợt dứt một đời thôi.

    Nếu ngộ Đại thừa được thấy tánh,

    Thành kính chắp tay chí tâm cầu.

Sư bảo:

- Thiện tri thức! Cả thảy cần tụng lấy, nương theo bài tụng này tu hành, ngay lời nói thấy tánh, thì dù cách xa ta ngàn dặm, như luôn luôn ở bên ta. Ngay lời nói chẳng ngộ, tức đối diện mà cách ngàn dặm, đâu phiền từ xa đến.

Trân trọng, hãy khéo đi!

Cả chúng nghe pháp đều tỏ sáng, vui mừng vâng làm.

***

 

GIẢNG:

Bấy giờ Đại sư thấy dân chúng ở châu Quảng, châu Thiều và các nơi nhóm họp ở trong núi để nghe pháp, liền lên tòa bảo mọi người rằng:

- Hãy đến đây thiện tri thức! Việc này cần từ trong tự tánh phát khởi, đối trong tất cả thời, niệm niệm tự tịnh tâm mình, tự tu, tự hành, thấy Pháp thân chính mình, thấy Phật nơi tự tâm, tự độ, tự răn mới được, chẳng nhờ tới đây.

Đúng lý thật thì nơi mình đã sẵn đủ, Lục Tổ nhắc cho mọi người biết quay trở lại tự tánh chính mình, sáng tỏ trở lại nơi tự tâm chính mình là yếu chỉ tu hành chân thật. Tổ bảo: “Việc này cần ở trong tự tánh phát khởi”. Không phải tìm bên ngoài, lo chạy tìm cầu bên ngoài là trái xa với đạo. Tu hành là: “Đối trong tất cả thời, niệm niệm tự tịnh tâm mình”. Tu hành chân thật là thường ở ngay nơi mỗi niệm mà tự tịnh tâm mình mới là quý, không để niệm chạy lọt ra ngoài, không để nhiễm theo cảnh, như thế là tu rất kỹ và không ai tu thế cho ai được.

Nên nói: “Tự tu, tự hành, tự thấy bản tâm chính mình, thấy Phật nơi tự tâm”. Tánh giác sẵn ở nơi mỗi chúng sanh, chúng ta ai cũng có ông Phật này, nhưng lại bỏ quên rồi chạy tìm Phật ở bên ngoài. Xét kỹ mới thấy mỗi người chúng ta quá cô phụ chính mình, khiến cho Phật chính mình ngồi đó mà không ai ngó đến, thấy có buồn không? Phật thì không buồn, nhưng thật buồn cho chúng ta. Tổ nhắc cần phải: “tự độ, tự răn mới được”. Chớ có một bề nương tựa bên ngoài, nên nói: “chẳng nhờ tới đây”. Nhưng mà không phải nói vậy đó là không cần tới đây, nếu không tới đây thì không được nghe những điều này. Chúng ta không thể chấp một chiều, quan trọng là hiểu được ý để tiến tu.

Nhưng đã từ xa đến, cùng chung hội hợp nơi này là đều có duyên với nhau, nay mỗi người hãy quỳ xuống. Trước tôi sẽ truyền cho Năm Phần Pháp Thân Hương của tự tánh, kế đó trao pháp Vô Tướng Sám Hối.

Lục Tổ nhắc trước như vậy để mọi người nhận định đúng đắn, rồi mới bảo mọi người quỳ xuống, Ngài truyền cho Năm Phần Pháp Thân Hương của tự tánh, rồi trao cho pháp Vô Tướng Sám Hối, tức là sám hối thuộc về vô tướng chứ không phải sám hối trên hình tướng.

Mọi người mới quỳ xuống, Sư bảo:

     - Một là Giới hương, tức là trong tự tâm không quấy, không ác, không ganh ghét, không tham sân, không cướp hại, gọi là Giới hương.

Thắp cây hương này là hương giới, không cần phải mồi đèn để thắp mà thắp bằng giới đức nơi người tu hành. Hương giới ở ngay trong tự tâm không khởi những niệm quấy ác, những niệm tội lỗi làm xúc hại đến người. Thắp được hương này lên thì tự tâm mình thanh tịnh, tội lỗi đi xa.

     - Hai là Định hương, tức là thấy các cảnh tướng thiện, ác, tự tâm chẳng loạn gọi là Định hương.

Tức là tâm đối trước cảnh mà vẫn tự an, không bị cảnh chi phối. Tự tâm cần phải thắp hương này lên, gọi là hương định, chính là Pháp thân hương.

     - Ba là Huệ hương, là tự tâm không ngăn ngại, thường dùng trí tuệ quán chiếu tự tánh, chẳng gây tạo các điều dữ. Tuy tu mọi điều lành mà tâm chẳng chấp trước, kính người trên, nghĩ đến kẻ dưới, thương xót người nghèo khó, đơn độc, gọi là Huệ hương.

“Tự tâm không ngăn ngại”. Là thấu suốt qua các cảnh, không bị cảnh che mờ, không bị ngăn chướng. “Thường dùng trí tuệ quán chiếu nơi tự tánh”. Tức soi sáng trở lại nơi chính mình, không để duyên ra ngoài, không để chạy theo cảnh mà làm mất mình, mất mình tức mất huệ. Rồi “chẳng gây tạo các điều dữ”, trừ hết nghiệp dữ, nghiệp gây ác hại đến người, tu nghiệp lành nhưng không dính mắc vào việc lành, không tham trước trong đó. Tức là không sanh tâm tự đắc hay kiêu ngạo vì làm được những việc tốt. “Kính người trên, nghĩ đến kẻ dưới, thương xót người nghèo khó, đơn độc”. Tâm rộng mở đến tất cả mọi người. Đó là khéo quên cái ngã để trí tuệ soi sáng, thường thắp hương này lên thì không có mê.

     - Bốn là Giải Thoát hương, tức là tự tâm không có chỗ vin theo, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại không ngại gọi là Giải Thoát hương.

“Tự tâm không có chỗ vin theo”. Vin theo tức là phan duyên, tâm lìa hết các duyên, không có chỗ bám. “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, tự tại không ngại”. Dứt bặt tâm duyên, vượt qua tất cả những niệm phân biệt thiện ác, đây kia thì tâm tự tại không ngăn ngại, đó chính là giải thoát. Thắp được hương này lên thì khỏi phải nghĩ lăng xăng tốn tiền vô ích.

     - Năm là Giải Thoát Tri Kiến hương, tự tâm đã không chỗ vin theo thiện ác, mà cũng chẳng chìm đắm ở trong “Không”, bám giữ chỗ “Tịch”, phải học rộng nghe nhiều, nhận biết bản tâm mình, thấu suốt lý của chư Phật, hòa ánh sáng tiếp độ mọi người, không ta không người, thẳng đến Bồ-đề, chân tánh không đổi dời, gọi là Giải Thoát Tri Kiến hương.

Giải thoát tri kiến tức là chỗ chứng biết đến chân thật giải thoát. “Tự tâm đã không có chỗ vin theo những thiện ác, mà cũng chẳng chìm đắm ở trong “Không”, bám giữ chỗ “Tịch””. Tâm dứt bặt những niệm theo duyên, không có chỗ để sanh tâm, cũng không kẹt trong chỗ vắng lặng, trống không, tức cái lặng thiếu sáng suốt. Không kẹt bên này cũng không kẹt bên kia, không còn nghiêng lệch, không dừng trụ một bên thì tự tại vô ngại. “Phải học rộng nghe nhiều”. Không phải nghe nói tự tánh sẵn rồi thì chỉ quay về tự tánh, không cần học gì cả. Lục Tổ dạy phải học rộng nghe nhiều để chỗ thấy không cục bộ. “Nhận biết bản tâm mình, thấu suốt lý của chư Phật”. Vừa bảo học rộng nghe nhiều, ngay đó liền bảo phải nhận biết bản tâm mình, thấu suốt lý của chư Phật, chứ không phải mắc kẹt trên chữ nghĩa, không phải chỉ lo học rộng bên ngoài. “Hòa ánh sáng tiếp độ mọi người”. Không tự hưởng an vui riêng mình, phải trở lại tiếp độ mọi người chứ không nghĩ đến tự lợi riêng. “Không ta không người”. Quên hết cái ngã, xóa tan những dấu vết của ta-người, kia-đây. “Thẳng đến Bồ-đề”. Đi tột đến Bồ-đề, không dừng ở giữa đường. “Chân tánh không đổi dời”. Chân tánh không sanh, không diệt, không có gì phá hoại được. Thắp hương này lên thì bao nhiêu những thứ tạp nhạp không còn chỗ bám. Dạy thắp hương này cũng là dạy chúng ta tu hành chứ không phải chỉ làm trên hình thức.

Này thiện tri thức! Hương này mỗi người hãy tự xông bên trong, chớ hướng ra ngoài tìm.

Hương này thuộc về công đức pháp thân, phải thắp lên bằng sự tu tập nơi tự tâm, chuyển hóa những điều lầm mê, vọng tưởng, dính mắc để hợp trở về với Pháp thân thanh tịnh, không phải cầu trên hình thức bên ngoài, cũng không phải nói suông mà được.

Nay sẽ trao cho các ông pháp Vô Tướng Sám Hối, diệt tội trong ba đời, khiến ba nghiệp được thanh tịnh. Này thiện tri thức! Mọi người hãy nói theo cùng một lúc:

     - Đệ tử (xưng pháp danh) từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị ngu mê làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội ngu mê v.v… thuộc ác nghiệp đã tạo, nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.

Lục Tổ truyền pháp Vô Tướng Sám Hối, là pháp sám hối vượt lên trên những hình thức lễ nghi bên ngoài. Vào chùa lạy sám hối là sám hối có tướng, còn đây là sám hối vô tướng.

Trước là sám hối về những tội ngu mê v.v… đã tạo, sám hối ngay mỗi niệm, mỗi niệm trong ba thời không để bị lầm nhiễm, không để sanh trở lại. Đây là thực tế, chuyển hóa ngay từ trong mỗi niệm, tức là sám hối dứt tận gốc.

     - Đệ tử (xưng pháp danh) từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị kiêu mạn, lừa dối làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội kiêu mạn, lừa dối v.v… thuộc ác nghiệp đã tạo nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.

Sám hối những tội kiêu mạn, lừa dối v.v… cũng ngay trong từ mỗi niệm, khắp cả ba thời đều không để lầm nhiễm, không cho sanh trở lại.

     - Đệ tử (xưng pháp danh) từ niệm trước, niệm nay và niệm sau, mỗi niệm chẳng bị ganh ghét làm nhiễm. Từ trước có bao nhiêu tội ganh ghét v.v… thuộc ác nghiệp đã tạo, nên thảy đều sám hối, nguyện một lúc tiêu dứt, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại.

Sám hối những cái tội ganh ghét, đố kỵ v.v… trong mỗi niệm đều dứt sạch, không cho sanh trở lại. Nên nhớ sám hối là phải dứt sạch, không sanh trở lại.

Này thiện tri thức! Trên đây là pháp Vô Tướng Sám Hối. Thế nào gọi là sám? Thế nào gọi là hối? Sám là mong tha thứ lỗi trước. Từ trước có bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, v.v… thuộc ác nghiệp thảy đều mong tha thứ hết, mãi mãi chẳng sanh khởi trở lại, đó là sám. Hối là ăn năn, chừa bỏ lỗi sau. Từ nay về sau, bao nhiêu tội ngu mê, kiêu mạn, lừa dối, ganh ghét, v.v… thuộc ác nghiệp, giờ đây đã giác ngộ rồi thảy đều đoạn dứt hẳn, chẳng còn làm trở lại, đó gọi là hối. Vì vậy gọi là sám hối.

Lục Tổ giải thích kỹ nghĩa sám hối, đây không phải làm trên hình thức suông bên ngoài mà thực sự chuyển hóa từ trong tâm. “Sám là mong tha thứ những lỗi trước”. Khiến sạch hết những lỗi trước, không chứa giữ để làm nhân duyên sanh khởi trở lại. “Hối là ăn năn, chừa bỏ lỗi sau”. Dứt hẳn về sau, không còn tạo trở lại nữa, điều này mới là quan trọng. Tức là mong hết lỗi trước để không còn đắm nhiễm, ngăn ngừa về sau không để sanh trở lại. Sám hối chân thật phải như vậy mới chuyển những lỗi lầm thành thanh tịnh được. Không phải chỉ lên lễ Phật rồi xem như đã sám hối, trở về tiếp tục làm những việc lỗi đến kỳ lại sám hối, thế thì sám hối mãi cũng không hết tội.

Phàm phu ngu mê chỉ biết mong tha thứ lỗi trước, chẳng biết ăn năn chừa bỏ lỗi sau. Do chẳng ăn năn chừa bỏ nên tội trước chẳng dứt, lỗi sau lại sanh. Tội trước đã chẳng dứt, lỗi sau lại sanh, sao gọi là sám hối!

Chúng ta phải hiểu đúng nghĩa sám hối, phải thật sự chuyển hóa, ăn năn, chừa bỏ để dứt sạch không còn tái phạm. Sám hối như vậy đó thì được thanh tịnh. Đó là Lục Tổ chỉ dạy pháp Vô Tướng Sám Hối, không phải chỉ nương trên hình tướng bên ngoài.

Nói vậy không phải bảo chúng ta không lễ sám hối, nhưng làm phải có đủ sự và lý. Lễ thuộc về sự bên ngoài, nhưng phải có lý ở bên trong, sự lý viên dung thì tội mới thật sạch. Chỉ có sự không lý thì nghiêng một bên, không sạch tội được. Hoặc nói tôi sám hối lý được rồi, không cần lên chùa lễ Phật sám hối, như thế cũng nghiêng một bên.

Này thiện tri thức! Đã sám hối rồi, sẽ vì thiện tri thức phát bốn điều thệ nguyện rộng lớn, mỗi người phải dụng tâm lắng nghe kỹ!

    Tự tâm chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

    Tự tâm phiền não vô biên thệ nguyện đoạn,

    Tự tánh pháp môn vô tận thệ nguyện học,

     Tự tánh vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành.

Tứ Hoằng Thệ Nguyện là bốn điều thệ nguyện rộng lớn. Thường bốn điều này nói gọn là:

    Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ,

    Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn…

Lục Tổ thêm ở phía trước lời thệ nguyện chữ “tự tâm” và “tự tánh”, ngầm chỉ cho mọi người phát bốn thệ nguyện lớn này phải xoay trở lại nơi tự tâm tự tánh chứ không phải hướng ra bên ngoài.

Này thiện tri thức! Cả thảy đâu chẳng nói: “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”, nói thế ấy, rốt cuộc chẳng phải Huệ Năng độ.

Này thiện tri thức! Chúng sanh ở trong tâm nghĩa là tâm tà mê, tâm dối gạt, tâm chẳng lành, tâm ganh ghét, tâm ác độc, những tâm như thế… trọn là chúng sanh, mỗi thứ cần tự tánh tự độ, đó gọi là chân độ.

Chúng sanh vô biên, không có bờ mé, thế thì làm sao độ hết tất cả! Lục Tổ chỉ chúng sanh này ở ngay nơi tự tâm, bởi tâm mê nên sanh vô số chúng sanh trong đó không thể tính kể, tức tâm tà mê, tâm dối gạt, tâm chẳng lành, tâm ganh ghét… mỗi tâm niệm là một chúng sanh, độ là độ chúng sanh đó, độ hết những chúng sanh đó thì thành Phật không nghi ngờ. Cho nên nói Phật thành Phật thì phải độ hết chúng sanh, nếu nhìn chúng sanh bên ngoài thì chúng ta còn ở đây mà Phật đã thành Phật rồi là sao?

Mỗi tâm niệm là một chúng sanh, lẽ thật này chúng ta có thể hiểu được, bởi niệm là có biết, nhưng biết trong vô minh nên là chúng sanh. Chúng sanh này phải là tự tánh tự độ, không ai có thể độ thay cho chúng ta và độ sạch chúng sanh này thì thành Phật, bởi không còn niệm chúng sanh tức là Phật. Nhưng độ đây thì mỗi người phải tự độ, không thể nhờ ai khác độ, không phải nhờ Lục Tổ độ.

Sao gọi là tự tánh tự độ? Tức chúng sanh tà kiến, phiền não, ngu si trong tự tâm, đem chánh kiến mà độ. Đã có chánh kiến thì kiếm trí Bát-nhã phá tan chúng sanh ngu si, mê vọng, mỗi thứ đều tự độ, tà đến thì chánh độ, mê đến thì ngộ độ, ngu đến thì trí độ, dữ đến thì lành độ, độ như thế gọi là chân độ.

Tu như vậy là tu kỹ. Niệm tà khởi lên thì lấy chánh độ, niệm dữ khởi thì lấy niệm lành độ, độ tất cả như vậy, rốt cuộc không còn chúng sanh tức thành Phật. Đây là tự tánh tự độ, không ai vào đây để độ, dùng diệu dụng của tự tánh để tự độ.

Phiền não vô biên thệ nguyện đoạn là, đem trí Bát-nhã của tự tánh trừ sạch tâm hư vọng nghĩ tưởng.

Trí Bát-nhã của tự tánh không phải trí học được từ bên ngoài. Trí mà chúng ta học từ bên ngoài là trí vay mượn của thầy, Tổ, của Phật. Đã có vay mượn thì phải có trả lại nên trí đó không bảo đảm. Trí của tự tánh mới là trí chân thật nơi chính mình, không mất, bởi trí này ở tự tánh thì không phải trả cho ai cả. Trí này phải tự tu, tự hành rồi tự tánh hiển phát. Trí này mới trừ sạch được tận gốc những tâm hư vọng nghĩ tưởng, mới trừ hết được những phiền não vô biên. Trí vay mượn bên ngoài không thể trừ hết, có chăng chỉ tạm trừ chút ít, bởi đó là phương tiện bên ngoài.

Tâm hư vọng nghĩ tưởng ẩn trong vô minh mới sống được, có trí Bát-nhã sáng suốt thì không còn chỗ ẩn. Có trí Bát-nhã sáng suốt thì vô minh không tồn tại, không còn vô minh thì không còn chỗ cho nó ẩn, không chỗ bám, vậy phiền não vô biên nơi tự tâm cũng theo đó tự đoạn dứt. Đó là lẽ thật Lục Tổ dạy rất thiết thực. Đây là thệ nguyện vững mạnh, phải thắng phiền não đến tận cùng chứ không chịu thua cũng không chịu thắng chút ít, gọi là phiền não vô biên thệ nguyện đoạn. Người tu thông thường nguyện đoạn phần nào thôi, đoạn hết không nỗi, đó là chưa mạnh mẽ, chưa rốt ráo. Đây thì thệ nguyện phải đoạn hết, đi đến cùng chứ không dừng bước nửa chừng.

Pháp môn vô tận thệ nguyện học, là cần tự thấy tánh, thường thực hành chánh pháp, gọi là chân học.

Pháp môn vô tận tức những pháp môn nhiều không tính kể được, thệ nguyện học tất cả, không nhàm chán, không có mệt mỏi. Chúng ta bây giờ học được một số ít bộ kinh đã thấy đủ, vậy là tâm còn quá giới hạn, tâm hẹp hòi. Đây nguyện học tất cả thì trí tuệ mới rộng lớn, mở rộng tâm đến vô biên. Muốn vậy, Lục Tổ dạy cần tự thấy tánh, tức chân tánh không sanh không diệt, bởi đó là gốc của tất cả pháp. Thấy tánh là thấy ngay gốc mới học được tất cả. Nó là cái vốn vượt ngoài chữ nghĩa, học thấu đến đó mới thấu được pháp môn vô tận. Thường thực hành chánh pháp là phải học vượt qua chữ nghĩa. Vượt qua chữ nghĩa, thực hành chánh pháp để thật sự sống trong pháp, đó mới là chân học.

Vô thượng Phật đạo thệ nguyện thành, là đã thường hay thấp lòng thực hành chân chánh, lìa mê, lìa giác, luôn sanh Bát-nhã, trừ chân trừ vọng liền thấy Phật tánh, tức ngay lời nói mà thành tựu Phật đạo, luôn luôn nghĩ nhớ tu hành, đó là phát nguyện lực.

Phật đạo đây không phải Phật đạo của Đức Phật mà của tự tánh nơi mỗi người chính mình. Muốn vậy, phải thấp lòng thực hành chân chánh, tức là phải quên cái ngã, vượt qua cả mê và giác, cả chân và vọng. Vì Phật đạo Vô thượng nên không mắc kẹt ý niệm đối đãi, phải vượt qua tất cả.

“Luôn sanh Bát-nhã, trừ chân trừ vọng liền thấy Phật tánh”. Trí Bát-nhã luôn sáng ngời nên không bị phân biệt đối đãi che mờ, liền đó thấy Phật tánh sẵn nơi mình, không phải cầu ở đâu khác. Rồi “ngay lời nói mà thành tựu được Phật đạo” là sao? Tức ngay lời nói đó, chúng ta nhận ra sáng tỏ được Phật đạo, không tìm cầu đâu khác, cũng không mắc kẹt trên ngôn ngữ lời nói. Ngay lời nói đó, nhận trở lại nơi tự tánh. Tuy nói thành Phật đạo mà không thành cái gì khác ở bên ngoài, nên gọi là tự tánh Vô thượng Phật đạo.

Tuy nhiên, việc này không thể hiểu suông mà phải luôn nghĩ nhớ tu hành. Nói suông ngoài miệng dễ quá, ngộ tự tánh là xong, nhưng có thật ngộ hay không? Thực hành việc đó đôi khi cả đời cũng chưa được, phải thấy điều đó. Nên Lục Tổ dạy không phải phát nguyện suông mà phải luôn nhớ thực hành nơi tự tâm để hợp với tự tánh sáng suốt, chuyển hóa những mê lầm, những hư vọng, phải thật sự đặt chân trên đất Phật. Đặt chân trên đất Phật như thế nào? Đất Phật ở đâu? Phật là giác, nếu người chứng nghiệm được giác ngộ, có phần nào giác ngộ gọi là đặt chân trên đất Phật, tu hành là phải vậy.

Bốn thệ nguyện đều rộng lớn. Thệ nguyện nào cũng không giới hạn, giúp chúng ta mở rộng cõi lòng, quên hết dấu vết cái ngã nhỏ hẹp, như vậy mới thành tựu được Chánh giác. Chúng ta học kỹ lời Tổ dạy phát nguyện để tu tập là thành tựu được những lợi ích lớn lao trên đường giác ngộ.

Này thiện tri thức! Quy y Giác, Nhị Túc Tôn. Quy y Chánh, Ly Dục Tôn. Quy y Tịnh, Chúng Trung Tôn. Từ ngày nay trở đi lấy Giác làm thầy, trọn chẳng quy y tà ma, ngoại đạo. Lấy Tam Bảo của tự tánh thường tự chứng minh. Khuyên thiện tri thức hãy quy y Tam Bảo của tự tánh. Phật là Giác, Pháp là Chánh, Tăng là Tịnh.

Tiếp theo Lục Tổ truyền ba giới quy y Vô tướng gọi là Tam Bảo của tự tánh, cũng nhắc nhở chúng ta nên quay trở về nơi chính mình. Phật là Giác, nên ở đây gọi quy y Giác. Đọc theo dịch âm tiếng Phạn thì thấy Phật là cái gì rất xa xôi, nhưng dịch ra Phật là Giác thì gần gũi với chúng ta. Sự thật ngày xưa nhiều vị Tổ cũng có tên là chữ Phật như Ngài Phật Đà Mật Đa, Phật Đồ Trừng.

Quy y Phật là quy y Giác, Giác là Nhị Túc Tôn, Nhị Túc là đầy đủ cả hai Phước và Tuệ. Phật là bậc tôn quý đầy đủ cả phước và tuệ, gọi là phước tuệ trang nghiêm.

Pháp là chánh, tức chân thật không có nghiêng lệch, đó là ngôi tôn quý, lìa các thứ dục nhiễm, nên gọi là Ly Dục Tôn.

Tăng là tịnh, tức thanh tịnh, không có tranh chấp, là ngôi tôn quí ở trong chúng, nên gọi là Chúng Trung Tôn.

Lục Tổ dạy từ đây lấy Giác làm thầy, không để những mê lầm dẫn đi lệch lạc theo các thứ tà ma ngoại đạo, phải thường quay về với Tam Bảo tự tánh, đó là chỗ quy y chân thật.

Tự tâm quy y Giác thì tà mê chẳng sanh, ít muốn biết đủ, nay lìa tài lìa sắc, gọi là Nhị Túc Tôn.

Hãy nhớ tự tâm trở về nương tựa với Giác, tức thường sống với tâm giác ngộ sáng suốt, không chạy theo tài sắc, không tham cầu nhiều để nuôi đức sáng của chính mình, gọi là đủ cả phước đức trí tuệ tôn quý.

Tự tâm quy y Chánh, niệm niệm không tà kiến, do không tà kiến nên không có nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước, gọi là Ly Dục Tôn.

Đem tự tâm trở về nương tựa với Chánh, là lìa bỏ những thiên lệch đây-kia sai lầm. Nơi mỗi niệm đều hướng về Chánh nên không để tà kiến sanh khởi, trong tâm không có tà kiến thì các thứ nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước không có chỗ sanh. Không sống theo những tâm nhân ngã, cống cao, tham ái, chấp trước thì không đi lệch ra ngoài nghĩa Chánh của Pháp, thành tựu được Ly Dục Tôn.

Tự tâm quy y Tịnh, tất cả cảnh giới, trần lao, ái dục, tự tánh đều chẳng nhiễm trước gọi là Chúng Trung Tôn.

Đem tự tâm trở về nương tựa với Tịnh, tức xa lìa các cảnh giới trần lao, ái dục, sống trở về với tự tánh thanh tịnh thì không có những nhiễm trước, thành tựu an ổn trong chỗ chúng đông người, nên gọi Chúng Trung Tôn. Đó là chỗ tu hành chân thật, phát huy ba ngôi báu của tự tánh, không để mê mất. Quy y như vậy mới có thể là chỗ nương tựa vững bền. Nếu chỉ quy y ở bên ngoài thì Phật giờ đã nhập Niết-bàn, Pháp chữ nghĩa thì pháp đó thuộc về pháp vô thường, không bền chắc, Tăng cũng vậy. Thế nên quy y trở về với Tam Bảo tự tâm sẽ đi đến thành Phật, vượt khỏi thế gian điên đảo lầm mê.

Nếu tu hạnh này chính là tự quy y. Phàm phu chẳng hiểu, ngày đêm thọ ba thứ quy giới, nếu vậy, quy y Phật thì Phật ở chỗ nào? Nếu chẳng thấy Phật, y cứ vào đâu để trở về, lời nói thành hư dối.

Đây không phải một bề hướng ra ngoài mà quay trở về chính mình, đó mới là quy y chân thật. Nên Tổ nói quy y Phật, giờ Phật ở đâu mà quy y, muốn nhắc mọi người cần phải quay lại với Phật nơi chính mình, bởi Phật mà thành Phật cũng từ đó thành. Thế nên quy y trở lại, đó là trở về gốc.

Này thiện tri thức! Mỗi người hãy tự quán xét, chớ lầm dụng tâm. Kinh văn đã nói rõ ràng là tự quy y Phật, chẳng nói quy y Phật khác, Phật của chính mình mà chẳng trở về thì không có chỗ nào để nương tựa. Nay đã tự ngộ rồi, mỗi người cần trở về nương tựa với Tam Bảo của tự tâm, bên trong điều phục tâm tánh, bên ngoài cung kính người khác, đó là tự quy y.

Chúng ta thường tụng Tam Tự quy y là nhắc phải trở về với Tam Bảo của tự tánh, nhưng thường chúng ta chỉ tụng theo chữ nghĩa, nhớ theo chữ nghĩa chứ không thực hành. Lục Tổ giải thích rõ ý nghĩa tự quy y là tự quay trở về với Tam Bảo của tự tánh hay Tam Bảo của tự tâm chứ không phải hướng cầu bên ngoài xa xôi. Vậy thì vừa quy y cũng vừa gạn lọc nội tâm để ba ngôi báu này hiển bày không còn che đậy, đó mới thật tự quy y. Lục Tổ nhắc: “Bên trong điều phục tâm tánh, bên ngoài cung kính người khác”. Tức vừa tự tin ở nơi chính mình có đủ, vừa hiểu rõ nơi người cũng có đủ nên không dám khinh ai. Tu hành đúng theo đây càng ngày càng làm sáng tỏ của báu nơi chính mình, không để bị chôn vùi như xưa, đó mới là khai thác kho tàng của báu của chúng ta.

Này thiện tri thức! Đã quy y Tam Bảo của chính mình rồi, mỗi người hãy chí tâm, tôi sẽ nói về tự tánh Phật một thể ba thân, khiến cho mọi người thấy được ba thân rõ ràng, tự ngộ tự tánh. Cả thảy hãy nói theo tôi:

     - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy y Phật pháp thân thanh tịnh.

     - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy y Phật hóa thân ngàn trăm ức.

     - Đối với sắc thân của chính mình, xin quy y Phật báo thân viên mãn.

Ngay nơi sắc thân này hướng về Phật ba thân chứ không kẹt nơi sắc thân, đồng thời Phật ba thân cũng không rời sắc thân này riêng có. Nhắc mọi người hãy quay trở lại tỏ ngộ nơi tự tánh chính mình, không nên tìm cầu bên ngoài, ngay nơi sắc thân của chúng ta mà tỏ ngộ được ba thân.

Này thiện tri thức! Sắc thân là nhà ở, chẳng thể nói là trở về, ba thân Phật ở trong tự tánh người đời thảy đều có đủ, vì tự tâm mê chẳng thấy tánh bên trong mà tìm kiếm ba thân Như Lai ở bên ngoài, chẳng thấy ngay trong thân mình có Phật ba thân. Các ông lắng nghe, tôi sẽ khiến các ông ở ngay thân mình thấy tự tánh có đủ Phật ba thân. Phật ba thân này từ tự tánh phát sanh, chẳng từ bên ngoài mà được.

Phật ba thân ở ngay nơi sắc thân này, nhưng sắc thân giống như nhà ở, tạm mượn một thời gian rồi đi, không thường còn, không phải là chỗ nương tựa. Chính ba thân Phật ở trong tự tánh mỗi người có đủ mới là chỗ quy y chân thật, cần phải sáng tỏ để trở về. Người không biết, chạy tìm bên ngoài là bỏ gốc theo ngọn, nên Tổ nói: “Tìm kiếm ba thân Như Lai ở bên ngoài, chẳng thấy ngay trong thân mình có Phật ba thân”.

Sao gọi là Phật pháp thân thanh tịnh? Tánh của người đời vốn là thanh tịnh, muôn pháp từ tự tánh mà sanh, nghĩ ngợi tất cả việc dữ liền sanh hạnh dữ, nghĩ ngợi tất cả việc lành liền sanh hạnh lành. Các pháp ở trong tự tánh cũng như thế, như bầu trời thường trong, mặt trời mặt trăng thường sáng, vì bị đám mây nổi che lấp mà trên sáng dưới tối, chợt gặp gió thổi mây tan, trên dưới đều sáng, muôn tướng đều hiện rõ. Tánh của người đời luôn luôn trôi nổi như đám mây trên trời kia.

Tổ chỉ ra Phật pháp thân, tức tánh vốn thanh tịnh của mọi người, nhưng người lại quên nó. Tánh sẵn thanh tịnh là thể của muôn pháp, nên muôn pháp từ tự tánh sanh, chúng ta phải sáng suốt, không theo những cái sanh đó mà bỏ quên gốc vốn sẵn thanh tịnh này.

Ví như mặt trời mặt trăng vốn thường sáng lại bị mây che lấp thành ra trên sáng dưới tối. Khi trên sáng dưới tối, người ở dưới nhìn lên chỉ thấy mây mà không thấy sáng. Chúng ta cũng vậy, tánh thanh tịnh sẵn không thiếu bao giờ, luôn sáng tỏ, nhưng bị những đám mây vọng tưởng, vô minh, phiền não che kín giờ chỉ thấy mây. Tuy nghe nói chúng ta có tánh sáng suốt cũng chỉ mường tượng chớ không thấy rõ. Song những đám mây chỉ là tạm thời, không có thực thể, không chắc chắn thường còn. Khi gió thổi mây tan, sẽ thấu suốt được trên dưới đều sáng, muôn tướng hiện rõ ràng.

Cũng vậy, chúng ta tu tập để thổi tan những đám mây vô minh, vọng tưởng, thì bầu trời trong sáng, sẽ thấy rõ tự tánh thanh tịnh sẵn đủ không thiếu. Thế nên chớ lầm theo những đám mây nổi, đó là chỗ Lục Tổ muốn nhắc. Đa số người đời lầm theo đám mây nổi, chỉ nhận theo đám mây nổi, ngoài ra không thấy gì khác, không biết còn có gì nữa. Với người sáng suốt, biết đó chỉ là đám mây nổi không có thật, trên đám mây nổi còn có bầu trời trong sáng. Chúng ta không nên đồng hóa mình với những vọng tưởng sanh diệt hư dối mà sống mất mình, bỏ quên chân thật. Đây là nhắc để chúng ta nhớ trở lại Phật pháp thân thanh tịnh nơi tự tánh.

Này thiện tri thức! Trí như mặt trời, tuệ như mặt trăng, trí tuệ luôn luôn sáng mà dính mắc cảnh bên ngoài, bị đám mây nổi vọng niệm che lấp nên tự tánh chẳng được sáng tỏ. Nếu gặp thiện tri thức, nghe được pháp chân chánh, tự trừ hết mê vọng, bên trong sáng suốt thì muôn pháp đều hiện trong tự tánh, người thấy tánh cũng như thế, đây gọi là Phật pháp thân thanh tịnh.

Trí tuệ như mặt trời mặt trăng thường sáng không dính mắc cảnh bên ngoài, nhưng bị đám mây vọng niệm che lấp thành ra giống như chẳng được sáng, nên Tổ gọi: “Chẳng được sáng tỏ”. Nhưng người học không khéo lại mắc kẹt nơi đó, nói chẳng được sáng tỏ mà có thật không? Nếu không sáng tỏ tức là tối sao? Sự thật, mây hư vọng làm sao đánh mất được sự sáng tỏ của mặt trời mặt trăng, mà nói chẳng được sáng tỏ! Đó là tạm dùng ngôn ngữ phương tiện của thế gian mà nói, bởi nói với những người mê phải nói như vậy, với người trí không nói vậy. Vì nếu giờ không được sáng tỏ, khi trừ hết mê vọng mới được sáng hay sao? Nếu “được sáng” thì cái sáng này là “cái sáng mới được”, đâu phải thường sáng, thường sáng thì không có được. Học kinh phải khéo hiểu ý, không thể mắc kẹt trong ngôn ngữ lời nói. Người lanh lợi phải khéo thấy trở lại trước khi niệm khởi, trước khi tâm sanh, trước khi những đám mây nổi. Hiện tại chúng ta chỉ thấy sau những đám mây nổi, thấy theo vọng niệm. Giờ phải thấy ngược trở lại trước khi vọng niệm sanh, mới thấy bầu trời trong, thấy đến chỗ chân thật. Tức thấy vượt qua những đám mây nổi kia, không dừng trên những đám mây nổi đó. Đó là chỗ chúng ta phải học thấu đáo.

Này thiện tri thức! Tự tâm trở về nương tựa tự tánh đó là quy y Phật thật. Tự quy y là trừ sạch ở trong tự tánh, những tâm chẳng lành, tâm ganh ghét, tâm dua dối, tâm ngô ngã, tâm dối gạt, tâm khinh người, tâm ngạo mạn với kẻ khác, tâm tà kiến, tâm cống cao và những hạnh chẳng lành, trong tất cả thời thường thấy lỗi của chính mình, chẳng nói điều tốt xấu của người khác, đó là tự quy y. Thường nên thấp lòng thực hành cung kính khắp hết tức là thấy tánh thông suốt, không còn trệ ngại là tự quy y.

Biết tự quy y là biết trở về với tự tánh Phật, ở trong đó không có chất chứa những tâm chẳng lành như ganh ghét, dua dối, ngô ngã, dối gạt v.v… Phải tỉnh giác thường xuyên trong tất cả thời để trừ sạch, không để có khe hở cho nó tồn đọng lại. Tự quy y phải như vậy, không phải chỉ nói suông, tụng suông ngoài miệng. Phải thực hành để gạn lọc tâm hư dối, chính đó là tập sống trở về tự tánh Phật sáng suốt. Bây giờ chưa sống hoàn toàn nhưng phải tập sống trở về. Nếu không tập sống trở về, chỉ sống theo những đám mây hư vọng mãi thì phải theo nó trôi nổi trong luân hồi sanh tử. Nếu một giây phút nào tách rời ra khỏi tự tánh thanh tịnh tức là mê, mê tức tâm hư dối xen vào làm mất ý nghĩa tự quy y, chúng ta luôn nhớ vậy là tu hành kỹ. Thực hành đúng ý nghĩa tự quy y thì thấy tánh thành Phật không nghi.

Sao gọi là Hóa thân ngàn trăm ức? Nếu chẳng nghĩ nhớ muôn pháp thì tánh vốn như hư không, một niệm nghĩ ngợi gọi là biến hóa. Nghĩ ngợi việc dữ hóa thành địa ngục, nghĩ ngợi việc lành hóa thành thiên đường, độc hại hóa làm rồng dữ, từ bi hóa thành Bồ-tát, trí tuệ hóa thành cõi trên, ngu si hóa thành phương dưới. Tự tánh biến hóa rất nhiều, người mê chẳng thể tỉnh giác, mỗi niệm sanh khởi điều dữ thường đi theo đường dữ, nếu xoay trở lại một niệm lành thì trí tuệ liền sanh, đây gọi là Phật hóa thân nơi tự tánh.

Ở đây giải Phật hóa thân trước báo thân. “Tánh vốn như hư không” tức tự vốn rỗng không, thanh tịnh, không có thứ này thứ kia, nhưng trong đó khởi ra nghĩ ngợi liền có đủ thứ hiện ra. Từ chỗ rỗng không hiện thành có thì cái có đó là vọng có, không phải thật có, nhưng chúng sanh mê theo nó cho là thật, điên đảo là chỗ đó. Có là vọng có không có thật tánh, giống như biến hóa nên gọi hóa thân. Người đời không biết chấp là thật, chúng ta biết đều từ tự tánh mà hiện, không rời tự tánh, nếu sáng tỏ trở lại tự tánh liền chuyển thành diệu dụng, nên gọi Phật hóa thân. Do mê nên có những vọng niệm điên đảo, giác trở lại thành hóa thân Phật, rất diệu dụng. Người mê không biết, chấp vào đó bị lưu chuyển, người giác liền chuyển trở lại tự tánh liền giải thoát tự tại.

Hiểu đây rồi sẽ rõ được lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa: “Khi tháp Phật Đa Bảo hiện ra, Đức Phật Thích Ca muốn mở cửa tháp phải thâu hồi các hóa thân Phật khắp nơi trở về một chỗ mới mở được, mới thấy được Phật Đa Bảo”, bởi Phật Đa Bảo chính là Phật pháp thân. Muốn thấy Phật pháp thân phải thu tất cả những hóa thân trở về một chỗ, nếu để hóa thân đi chỗ này chỗ kia thì không thể thấy. Chúng ta còn để cho tâm đi lang thang, đi đâu cũng không hay, không biết, hiện giờ cũng không biết đang ở đâu, đó là mê. Tuy nhiên, mỗi niệm mỗi niệm đều không rời tự tánh giác nên gọi Phật hóa thân nơi tự tánh, nếu suốt như vậy thì không lầm theo niệm.

Sao gọi là Báo thân viên mãn? Ví như một ngọn đèn hay trừ hết bóng tối của ngàn năm, một trí hay diệt cái ngu của muôn năm. Chớ nghĩ nhớ về trước, đã qua rồi thì chẳng thể được. Thường nghĩ về sau, mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh thì lành dữ tuy khác mà bản tánh không hai, tánh không hai gọi là thật tánh. Ở trong thật tánh chẳng nhiễm lành dữ, đây gọi là Phật báo thân viên mãn.

Phật báo thân tức là trí tuệ tròn sáng thấu suốt qua niệm lành dữ đối đãi, thấy tột được bản tánh không hai. Nghĩa là ở trong Phật tánh không hai thì không nhiễm lành nhiễm dữ, lành dữ không dính được trong đó nên gọi báo thân viên mãn. Mỗi niệm thường sáng như thế, không để cho những niệm lành dữ sanh khởi che mờ, đó là sống với báo thân Phật. Tổ bảo thêm: “Chớ nghĩ nhớ về trước, đã qua rồi thì chẳng thể được”. Trước giờ mê thì không tính, bảo đừng mê cũng không được, đó là chuyện về trước. Quan trọng là: “Thường nghĩ về sau, mỗi niệm tròn sáng, tự thấy bản tánh thì lành dữ tuy khác mà bản tánh không hai, tánh không hai gọi là thật tánh”. Thường nghĩ về sau để luôn sáng tỏ trở lại. Bây giờ có trách chuyện mê ngày trước cũng không hết mê, quan trọng là từ đây về sau phải thường sáng tỏ không lầm nữa, luôn không rời bản tánh thì cái mê không còn chỗ bám, đó là thực tế.

Trong nhà Thiền có câu chuyện Cá Nhảy Khỏi Lưới. Có Thiền sư Thâm và Hòa thượng Minh trên đường cùng đi du phương, đến sông Hoài, thấy người bủa lưới đánh cá, có một con cá mắc lưới rồi từ trong lưới nhảy vọt ra. Thiền sư Thâm nói:

- Huynh Minh, giỏi quá, giống như một nạp tăng (thiền tăng).

Hòa thượng Minh nói:

- Đâu có gì giỏi! Thay vì trước kia đừng vào lưới hay hơn.

Thiền sư Thâm nói:

- Huynh Minh! Ông còn thiếu ngộ.

Khi đó Hòa thượng Minh chưa hiểu nên im lặng. Hai huynh đệ đi đến nhà trọ nghỉ, đến nửa đêm thì Hòa thượng Minh ngộ ra lời của Thiền sư Thâm.

Chúng ta thường bị lý luận gạt. Hòa thượng Minh nói: “Đâu có gì giỏi, thay vì trước kia đừng vào lưới hay hơn”. Tại sao phải vào lưới rồi mới nhảy ra cho tốn công nhọc nhằn, trong khi ở ngoài tự tại? Nhưng lý luận như thế vẫn ở mãi trong lưới. Quan trọng là hiện giờ ngay trong lưới này mà nhảy ra mới quý. Nên Tổ dạy từ đây về sau phải luôn thường sáng, không để mê xen vào mới quan trọng.

Tự tánh sanh khởi một niệm dữ thì diệt nhân lành của muôn kiếp. Tự tánh sanh khởi một niệm lành thì hết sạch hằng sa điều dữ, thẳng đến Vô thượng Bồ-đề, niệm niệm tự thấy, chẳng mất bổn niệm, gọi là báo thân.

Lành dữ không có thật tánh, không cố định, không nên mắc kẹt trong lành dữ, cần sáng tỏ trong đó để vượt thẳng lên Vô thượng Bồ-đề, không có niệm thứ hai, gọi là báo thân. Tức là trí tuệ không có hai, không lầm theo những tướng đối đãi đó. Khởi một niệm dữ thì diệt nhân lành muôn kiếp, nhưng khởi niệm lành là hết sạch hằng sa điều dữ, tức nó không có tự tánh thật. Thấy trở lại tự tánh không hai mới là thật tánh, đó là chỗ sống trí tuệ. Luôn sống với trí tuệ thấu suốt, sáng tỏ thì không có niệm thứ hai, là sống với báo thân Phật.

Này thiện tri thức! Từ pháp thân mà nghĩ ngợi tức là Phật hóa thân. Mỗi niệm tự tánh tự thấy tức là Phật báo thân. Tự ngộ, tự tu công đức của tự tánh, đó là quy y chân thật. Da thịt là sắc thân. Sắc thân là nhà ở, chẳng nói quy y. Chỉ ngộ ba thân của tự tánh liền nhận biết Phật của tự tánh. Tôi có một bài tụng VÔ TƯỚNG, nếu ai hay tụng trì, ngay lời nói khiến cho tội mê trong nhiều kiếp của ông một lúc tiêu dứt.

Từ pháp thân khởi ra hóa thân, pháp thân cũng làm chỗ dựa cho báo thân, vậy pháp thân là gốc. Tuy nói ba thân nhưng đồng một thể, không thể tách rời nhau mà riêng có, không phải nói ba thân thành có ba cái thể riêng, thế nên ngộ trở lại tự tánh xưa nay thì có đủ ba thân. Đó là chỗ trở về nương tựa chân thật. Quy y đó là quy y chân thật, đời nay cho đến đời sau không mất, bởi Phật ba thân của tự tánh không thuộc về sắc thân. Còn quy y sắc thân chỉ một thời gian rồi phải bỏ.

Người ta thường sống lầm theo chữ nghĩa, theo danh mà khởi tưởng, rồi bị tưởng gạt. Nghe nói ba thân liền nghĩ có ba cái thân, có đầu mắt tay chân mũi lưỡi, hiểu vậy là trái với chỗ Lục Tổ chỉ. Lục Tổ dạy ba thân nơi tự tánh, từ Pháp thân nghĩ ngợi tức là Phật hóa thân, mỗi niệm tự tánh tự thấy là Phật báo thân, vậy là ngay tự tánh. Phải hiểu thấu qua ngôn ngữ để đạt được ý sâu trong đó.

Bài tụng Vô Tướng, nghĩa là phá chấp trên tướng.

Tụng rằng:

     Người mê tu phước chẳng tu đạo,

     Chỉ nói tu phước đó là đạo.

     Bố thí cúng dường phước vô biên,

     Ba ác trong tâm vốn đã tạo.

Người mê chỉ chấp vào một bên tu phước, không biết tu hành để đạt đạo, cho rằng tu phước là đạo, tức kẹt trong phước hữu lậu. Như bố thí cúng dường tuy được phước nhiều nhưng cũng là phước hữu lậu, có lúc sẽ hết. Hơn nữa, những điều ác ở trong tâm chúng ta đã tạo, phước đó không thể làm cho hết tội.

     Toan đem tu phước muốn diệt tội,

     Đời sau được phước, tội vẫn còn.

     Chỉ nhằm trong tâm trừ duyên tội,

     Thảy trong tự tánh thật sám hối.

Tu phước muốn diệt tội thì không thể được. Tu phước là việc làm bên ngoài, còn tội do tâm làm cũng phải tự trong tâm trừ mới sạch được, nên muốn sạch tội phải trừ sạch duyên tội ở trong tâm, không còn có chỗ để tâm tạo tác nữa thì tội mới sạch. Vậy phải tu từ ngay trong tâm, dứt sạch mầm tạo tội ngay trong tâm. Ngay trong tự tánh sám hối mới trừ tận gốc tội, mới là sám hối tận gốc, gọi là chân sám hối, không phải làm trên hình thức bên ngoài.

     Chợt ngộ Đại thừa chân sám hối,

     Trừ tà hành chánh tức không tội.

     Học đạo thường quán nơi tự tánh,

     Liền cùng chư Phật đồng một thứ.

Tỏ ngộ được pháp chân sám hối của Đại thừa mới chóng trừ tội lỗi, tức sám hối ngay tự tâm, trừ sạch trong tự tâm, không còn những tâm tà vạy, những tâm hư vọng, tâm chánh rồi thì tội mới không còn. Còn tâm tà làm sao hết tội? Nên nói trừ tà hành chánh. Không phải chỉ sám hối trên hình thức, lễ nghi bên ngoài mà được hết tội. Lễ sám hối để nhắc chúng ta phải thật lòng biết nhớ những điều lầm lỗi. Đối trước Phật, trước chúng Tăng, thành tâm nói lên điều lỗi lầm để xấu hổ, không còn dám tạo tội nữa. Như vậy, lễ sám hối là phương tiện bên ngoài, nhắc chúng ta gạn lọc trong nội tâm, không phải lễ sám hối là hết tội, phải trừ gốc trong tâm mới hết tội được. Người học đạo cần phải luôn quán nơi tự tánh để sáng tỏ lại tự tánh mới khế hợp với chư Phật. Đó là con đường chuyển mê khai ngộ.

     Tổ ta chỉ truyền Đốn pháp này,

     Nguyện khắp thấy tánh đồng một thể.

     Nếu muốn về sau tìm Pháp thân,

     Lìa các pháp tướng rửa trong tâm.

Đây là pháp Đốn giáo chư Tổ từ trước đã truyền, không dễ gặp được. Nếu người chóng ngộ được pháp này tức liền thấy tánh. Khi thấy tánh thì cùng với chư Phật khế hợp về đồng một thứ, tức đồng một thể như nhau. Tánh Phật vốn không hai, sở dĩ có hai là vì chấp vào tánh chúng sanh này nên thấy ta khác Phật. Thấy tánh là vượt lên tâm phân biệt đối đãi kia-đây ngăn cách. Cho nên, nếu muốn tìm pháp thân phải lìa tướng bên ngoài, xoay trở về để rửa sạch trong tâm những thứ lầm mê liền tự thấy, không phải tìm đâu xa. Pháp thân ngay trong tự tâm chính mình, không có ở bên ngoài.

     Gắng sức tự thấy chớ lơ là,

     Niệm sau chợt dứt một đời thôi.

     Nếu ngộ Đại thừa được thấy tánh,

     Thành kính chắp tay chí tâm cầu.

Ngài nhắc phải gắng sức tự thấy, chớ có lơ là. Nói gắng sức tự thấy cũng là lời nói phương tiện để ngăn ngừa buông lung để thời giờ luống qua vô ích. Nhưng cũng đừng lầm theo chữ nghĩa, nghe nói gắng sức tự thấy thì cố gắng để tự thấy, như vậy là không thể thấy. Tự thấy là buông hết những duyên bên ngoài, tâm tự khế hợp, còn cầu tự thấy thì trái xa.

Hãy nhớ, ngay một niệm sau mà chợt dứt thì hết một đời! Đây là răn nhắc hãy nhớ sự vô thường cận kề để luôn tinh tấn, chỉ cần niệm trước đến, niệm sau chợt dứt là cáo chung một đời. Đời người ngắn ngủi như thế, sao nhiều người chưa chịu tỉnh?

Nếu ngộ pháp Đại thừa này, nhận thấy được tự tánh xưa nay mới thấy vô cùng trân quý, không có gì trên thế gian này có thể sánh kịp. Thế nên, Lục Tổ chắp tay chí tâm cầu, không dám xem thường bỏ qua. Lục Tổ còn như vậy, chúng ta thì sao?

Sư bảo:

- Thiện tri thức! Cả thảy cần tụng lấy, nương theo bài tụng này tu hành, ngay lời nói thấy tánh, thì dù cách xa ta ngàn dặm, như luôn luôn ở bên ta. Ngay lời nói chẳng ngộ, tức đối diện mà cách ngàn dặm, đâu phiền từ xa đến.

Trân trọng, hãy khéo đi!

Cả chúng nghe pháp đều tỏ sáng, vui mừng vâng làm.

Tổ nhắc cần phải y đây tu hành chứ không phải tụng suông nghe suông. Ngay lời nói mà thấy tánh thì tuy cách xa ngàn dặm cũng như gần bên Ngài, còn không thì tuy ở gần bên Ngài mà như cách xa ngàn dặm. Cũng như chúng ta ngày nay, nếu ngay lời đó thấy tánh thì thấy Tổ hiện tiền dù cách xa hơn ngàn năm. Người khéo học kinh Pháp Bảo Đàn sẽ luôn thấy Tổ hiện tiền, không phải chạy cầu xa xôi nhọc công đáng tiếc!

Thượng Sĩ Tuệ Trung có câu:

    “Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê,

    Thể tánh sáng tròn chẳng từng mê.”

Ngài nói thôi tìm Tổ Bồ-đề Đạt-ma ở núi Thiếu Thất, cũng đừng đến Tào Khê tìm Lục Tổ. Ngay thể tánh sáng tròn chẳng từng mê của chính mình, thấy lại là xong!

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 63779
  • Online: 50