Khám phá ông chủ
28/06/2009 | Lượt xem: 4344
Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt ngày 08-10-2004
Hôm nay Tăng Ni về đây nghe tôi nói chuyện, vì gần hai năm không thuyết pháp nên hơi ngắn, tôi nói nhiều không được, nói từ từ chút chút thôi. Đề tài buổi nói chuyện hôm nay là Khám phá Ông chủ. Đơn giản vậy!
Chúng ta ai cũng có Ông chủ, nhưng hỏi Ông chủ ở đâu thì không biết. Lâu nay người tu thường mắc bệnh tìm bên ngoài hơn là quay lại mình. Giờ đây khám phá được Ông chủ là niềm vui lớn của tôi. Tôi nghĩ cũng là niềm vui chung của tất cả Tăng Ni, Phật tử. Lý do gì tôi khám phá được Ông chủ? Đó là đi sâu trong vấn đề.
Cách đây mười hai hôm, 7 giờ tối ngày 13 tháng 08 năm Giáp Thân, tôi ngồi thiền tới khoảng 8 giờ. Được yên định khoảng thời gian không biết bao lâu, tôi tự phản chiếu lại cái định của mình sao không được rõ ràng thường biết như định nghĩa Chân tâm. Vì vậy tôi hơi ngờ, không chấp nhận được. Bởi không chấp nhận nên tôi dừng lại, tỉnh táo đặt câu hỏi: “Nếu là Chân tâm của mình, đòi hỏi phải thường xuyên rõ ràng. Bây giờ mình yên định mà hơi mờ mờ không biết rõ ràng. Đó không phải là Chân tâm.”
Khi ấy tôi ngồi lại bình thường, đặt từng câu hỏi để khám phá ra Chân tâm là gì, ở đâu? Bấy giờ tôi nhớ trong kinh, Phật nói Chân tâm ở ngay sáu căn, nơi sáu căn đầy đủ Chân tâm. Tôi ngạc nhiên tự hỏi: “Nơi sáu căn, làm sao mình biết được Chân tâm?” Ngồi một hồi tôi tỉnh, nhớ lại trong Duy thức học nói, niệm đầu là chân, niệm thứ hai thứ ba là vọng. Tôi nghĩ khi mắt mở ra nhìn thấy cái này, cái nọ, phân biệt tốt xấu là rơi vào niệm thứ hai. Nó đi một mạch chớ không dừng. Nếu nói Chân tâm là niệm đầu nơi sáu căn, làm sao mình giữ được niệm đầu? Vừa thấy liền chạy qua niệm thứ hai, thứ ba mất. Tôi nghĩ muốn nhận ra Chân tâm thì phải biết rõ Chân tâm.
Trong nhà Phật thường nói Chân tâm là cái thường biết rõ ràng, tỉnh táo sáng suốt chớ không mờ mờ. Như vậy khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần mình biết rõ ràng, làm sao dừng ở chặng đầu, đó là điều quan trọng. Ngồi gẫm thật kỹ, tôi thấy bây giờ mình nên đặt thành phương tiện. Vừa nhìn chưa cần thấy cái gì, tự nhủ mắt biết thấy là Chân tâm. Biết là tâm. Thấy được cảnh, ngay niệm đầu đừng có niệm thứ hai thứ ba. Thấy biết là Chân tâm, còn thêm cái gì nữa thì quá Chân tâm rồi.
Ngay nơi sáu căn, mắt thấy - biết - dừng. Tai nghe - biết - dừng. Thân xúc chạm - biết - dừng, không cho đi qua niệm thứ hai thứ ba. Tôi sử dụng như thế thấy có hiệu nghiệm. Khi thấy nói Chân tâm, nó dừng lại. Khi nghe nói Chân tâm, nó dừng lại. Vừa khởi phân biệt nói Chân tâm, nó dừng lại. Nếu để nó đi thì nó đi luôn một mạch, chớ không dừng. Muốn nó dừng phải chận lại, bằng cách đem Ông chủ ra chận. Vừa thấy là Chân tâm, vừa nghe là Chân tâm, sáu căn vừa tiếp xúc với sáu trần, vừa ở niệm đầu là Chân tâm. Mới thấy Chân tâm ở sẵn nơi mình, tại vì chúng ta cứ cho qua hoài nên không thấy. Bây giờ ngay nơi niệm đầu nhận là Chân tâm thì các niệm khác không xen vào. Tôi ứng dụng tu phương pháp này thấy có hiệu nghiệm.
Trong sáu căn, nổi nhất là mắt, kế đến tai, kế nữa là thân. Đó là ba căn nổi, luôn tiếp xúc với bên ngoài. Còn mũi, lưỡi, ý thì chìm, khi có khi không. Vì vậy tôi lấy ba căn nổi làm chỗ tựa. Mắt biết thấy là Chân tâm. Tai biết nghe là Chân tâm. Thân biết xúc chạm là Chân tâm. Biết thấy, biết nghe, biết xúc chạm đều là Chân tâm hiện tiền, không có niệm nào nữa.
Như vậy tự mình thấy mình có cái chân thật hiện tiền, chẳng phải không. Lâu nay chúng ta quên đi, thấy thì thấy cái gì, nghe thì nghe cái gì, xúc chạm thì xúc chạm cái gì… cứ tìm cái thứ hai thứ ba, từ đó dẫn mình đi luôn, quên mất cội gốc. Bây giờ vừa thấy, vừa nghe, vừa biết xúc chạm liền đặt thẳng “Chân tâm”, nó dừng ngay, không bước qua niệm thứ hai thứ ba. Đó là tự mình quay trở về với chính mình, không chạy ra ngoài nữa.
Thí nghiệm được rồi, tôi nghĩ nếu Chân tâm ở khắp sáu căn, mình biết ba căn chưa đủ. Còn ba căn kia tôi cũng dùng phương tiện như mắt biết thấy là Chân tâm, tai biết nghe là Chân tâm, mũi biết mùi là Chân tâm, lưỡi biết nếm là Chân tâm v.v… tôi đi một mạch, tới ý biết pháp trần là Chân tâm. Chỉ biết thôi, không có phân biệt. Như vậy sáu căn tiếp xúc với sáu trần, biết là dừng ngay. Ngay sáu căn vừa tiếp xúc sáu trần mình chận đứng, nó không chạy nữa. Tự nhiên tôi phấn khởi trong lòng, nhớ lại câu chuyện ngài Đại An đến hỏi Tổ Bá Trượng:
- Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật?
Tổ Bá Trượng nói:
- Như người cỡi trâu tìm trâu.
Chúng ta có giống cỡi trâu tìm trâu không? Phật ở ngay nơi sáu căn mà mình bỏ, cứ tìm Phật bên ngoài, khác gì cỡi trâu tìm trâu. Cho nên khi thấy được Chân tâm sẵn nơi sáu căn, chúng ta tự nhận lấy, không tìm Phật ở ngoài nữa. Đến đây tôi nhận ra cái chân thật của chính mình ngay nơi sáu căn, với điều kiện chỉ có niệm đầu thôi thì là chân, đừng để tới niệm thứ hai thứ ba là qua vọng thức rồi.
Từ hôm đó, mỗi đêm ngồi thiền tôi hết buồn ngủ. Nhớ sáu căn, nhớ ông Phật của mình, nhớ hoài hết buồn ngủ. Từ sự tỉnh táo đó tôi đi sâu thêm. Sáu căn là cái chân thật hiện có của chính mình, biết sống ngay đó là biết sống trở về với mình. Trở về với mình là biết được Ông chủ. Đến đây tôi đặt câu hỏi: “Chân tâm là gì?” Lâu nay chúng ta cứ định nghĩa, Chân tâm là Tâm chân thật của chính mình. Tâm chân thât là cái biết chân thật. Bây giờ tôi không định nghĩa mà tự hỏi: “Chân tâm là gì?” Tôi thấy Chân tâm là Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt. Định được nghĩa đó rồi, tôi thấy mình có Ông chủ hay nói cách khác là khám phá ra Ông chủ.
Khi khám phá được như vậy, tôi thấy trên đường tu, chúng ta ứng dụng lối tu trở về với Ông chủ là lối tu gần nhất, còn những lối tu khác hơi xa hơn. Tôi nghĩ hiện mình có Ông chủ sẵn nơi sáu căn, làm sao đừng vượt qua Ông chủ, chạy đầu này đầu nọ. Tới Ông chủ là dừng, như vậy trở về không khó. Vì thế khi thấy tôi nói biết thấy, khi nghe tôi nói biết nghe, khi xúc chạm tôi nói biết xúc chạm. Biết thấy là Chân tâm, biết nghe là Chân tâm, biết xúc chạm là Chân tâm. Ngang đó nghĩ là Chân tâm thì các niệm khác không có. Cho nên tu bằng cách này gọi là đánh phủ đầu. Đem Ông chủ ra dọa, đánh cho các niệm thứ hai thứ ba chạy mất. Vừa thấy biết là thấy, nếu không biết làm sao thấy? Biết tức là thấy, thấy đó là Chân tâm, có ai chen vô được? Đằng này mình biết liền hỏi “cái gì”, nên bị nó dẫn đi một mạch.
Tất cả những thấy, nghe… đều là biểu hiện cái chân thật của chính mình. Khi ứng dụng như vậy tôi thấy giờ ngồi thiền chỉ ròng rã trong cái biết chân thật thôi. Thấy là Chân tâm, nghe là Chân tâm, cái gì cũng Chân tâm, cả ngày mình sống trong Chân tâm mà không hay. Tìm ra tới đó thì hết giờ ngồi thiền, tôi xả thiền rồi đi ngủ, nhưng ngủ không được. Nó phơi phới trong lòng, nhẹ nhàng làm sao! Mới thấy lâu nay mình cứ tìm bên ngoài.
Ngồi thiền muốn định để thấy Chân tâm, nhưng định lại thấy mờ mờ. Chân tâm là rõ ràng thường biết mà thấy mờ mờ thì đâu phải Chân tâm. Vì vậy tôi không chấp nhận thấy mờ mờ, đòi hỏi rõ ràng thường biết. Muốn rõ ràng thường biết phải tỉnh táo, hơi mờ mờ không được. Lâu nay mình quan niệm hơi lệch một chút, ngồi thiền muốn được yên nên kềm, làm như bị say trong định. Định rồi có khi quên ngày quên tháng, tưởng như vậy rất tiến bộ, nhưng định như thế là quên mình.
Lần này tôi thí nghiệm, ngồi thiền bắt buộc quên hết không còn biết gì. Quả nhiên tôi quên hết. Tới hồi xả thiền, không biết nãy giờ mình làm cái gì. Tôi nghĩ đó là định nhưng thuộc về si định, vì định mà không biết gì. Định sáng sủa mới định trong Chân tâm. Chân tâm mà không sáng sủa thì đâu được Chân tâm. Nên đôi khi chúng ta cũng bị lầm, cứ ngỡ ai ngồi được năm ngày, bảy ngày cho là đại định. Định đó thuộc về Thanh văn, không phải định của Thiền tông. Thiền tông là định trong cái rõ ràng thường biết. Thường biết thì không quên, quên thì không định. Đó là những kinh nghiệm tôi trải qua, nhất là trong thời gian gần đây.
Từ hồi đầu năm đến giờ trong thất, tôi hơi nặng về Bát-nhã, nghiên cứu sâu về Bát-nhã. Càng đi sâu vào Bát-nhã tôi lại cảm thấy lo. Nếu thấu triệt lý Bát-nhã để tu kết quả cũng tốt, nhưng đem truyền bá nói không ai dám nghe, vì cái gì cũng không hết, tam thiên đại thiên thế giới cũng không thì cái gì có? Nếu không hết làm sao Phật tử dám tu? Cho nên đi sâu trong lý Bát-nhã chừng nào tôi thấy càng khó truyền bá. Đang băn khoăn về lẽ đó thì hôm ngồi thiền này, tôi thấy được Ông chủ hiện tiền, ai cũng có. Ông chủ đã có, mất mát đâu mà sợ, do đó khỏi nói lý không. Mắt thấy là Ông chủ thấy, tai nghe là Ông chủ nghe. Ông chủ hiện tiền, lúc nào cũng có.
Nhận ra như thế, tôi thấy ai cũng có thể tu được, không phải chỉ riêng một ít người thôi, vì ai cũng muốn thấy Ông chủ. Mình là chủ, muốn sống về Ông chủ của mình, đó là chuyện thích hợp. Cho nên nhận ra được lẽ thật này, tôi nghĩ đây là con đường dễ truyền bá, gần gũi với quần chúng, còn đường trước khó hơn. Đó là nói đại cương.
Bây giờ đi sâu trong Chân tâm, biết rõ mình có Chân tâm. Một bữa khuya ngồi thiền, tôi đặt câu hỏi: “Chân tâm là gì?” Thường chúng ta định nghĩa chân là chân thật, tâm là cái biết, Chân tâm là cái biết chân thật, nhưng bây giờ tôi không định nghĩa như vậy. Tôi nói Chân tâm là Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không tướng mạo, không sanh diệt. Bởi không tướng mạo nên đồng với hư không, không sanh diệt nên giải thoát sanh tử. Đi tới đó mới ra khỏi dòng sanh tử. Nếu chỉ hiểu Chân tâm theo nghĩa Chân tâm thôi thì chúng ta không thấy gì là giải thoát sanh tử.
Chân tâm trùm hết sáu căn nhưng không có tướng mạo, nếu có tướng mạo làm sao trùm hết sáu căn được? Không có tướng mạo nên khi thân này hoại nó đồng với hư không, tức Pháp thân. Chân tâm không có sanh diệt, còn gì nữa mà sanh tử nên giải thoát sanh tử. Chân tâm có đủ trong tất cả chúng ta, không hề thiếu. Có Ông chủ là có đủ khả năng đi tới giải thoát, không tìm kiếm ở đâu khác.
Như vậy biết được tột cùng gốc Chân tâm rồi, khi khởi sự tu chúng ta phải tu bằng cách nào? Khi trước đọc câu chuyện Tổ Đạt-ma, Tổ Huệ Khả, tôi lãnh hội và đề ra pháp tu. Tổ Huệ Khả thưa:
- Bạch Hòa thượng, tâm con không an xin Hòa thượng dạy con pháp an tâm.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói:
- Đem tâm ra ta an cho.
Ngài Huệ Khả sửng sốt tìm tâm, tìm mãi không thấy mới thưa:
- Con tìm tâm không được.
Tổ nói:
- Ta an tâm cho ngươi rồi.
Ngài Huệ Khả lãnh hội được, thời gian sau trình:
- Bạch Hòa thượng, con dứt hết các duyên.
Tổ Bồ-đề-đạt-ma nói:
- Coi chừng rơi vào không.
Ngài Huệ Khả thưa:
- Rõ ràng thường biết, không sao được?
Tổ liền ấn chứng.
Qua câu chuyện đó, tôi thấy an tâm là quay lại tìm xem cái tâm ở đâu, biết nó không thật là an. Lâu nay chúng ta cứ cho cái nghĩ suy hơn thua, phải quấy là tâm mình, sự thật đó chỉ là bóng dáng thôi, tâm thật không phải vậy. Khi chúng ta xoay tìm lại những bóng dáng ấy mất, đó là an. Cho nên tôi hướng dẫn quí vị tu thấy vọng khởi liền buông. Buông hết nó tỉnh lặng, nhưng đi sâu trong sự tu hành trăm người tu chưa được kết quả một hai người. Tại sao? Vì thiếu Bát-nhã mà ra, do đó tôi bắt đêm nào cũng tụng Bát-nhã, nhưng tụng bằng chữ chưa thấm.
Tâm lăng xăng lộn xộn không dừng được tại vì chúng ta thấy người thật, cảnh thật, muôn vật đều thật. Người thật, cảnh thật, muôn vật đều thật thì không nhớ cái này cũng nhớ cái kia, luôn luôn tâm không an. Bây giờ muốn nó an phải thấu triệt lý Bát-nhã, người không, cảnh không, cái gì cũng không hết, tự nhiên an liền. Muốn tu có kết quả tốt phải ứng dụng Bát-nhã triệt để, ứng dụng triệt để Bát-nhã rồi, không muốn an nó cũng an. Vì không có gì thật hết nên đâu còn nhớ chi nữa, do đó tâm an.
Quí vị thấy cái gì cũng thật nên bảo bỏ, bảo đừng nghĩ không được. Người ta mắng mình thật, ngồi lại nhớ chuyện vui, chuyện buồn, chuyện hay, chuyện dở, đủ thứ chuyện thật hết nên tâm bất an. Một năm rưỡi tôi đi sâu trong Bát-nhã, càng đi sâu càng thấy không có ngã, không có pháp. Không ngã không pháp thì còn gì nghĩ? Bây giờ chúng ta chưa bỏ ngã, chưa bỏ pháp được thì chấp còn nguyên. Ngã, pháp còn thì tu không tiến.
Bởi vậy tôi lo đi sâu Bát-nhã, thấy ngã pháp không có, mình nói đạo lý sao đây? Không nói được làm sao giáo hóa? Trong khi tâm tôi ngại ngùng như vậy, bỗng dưng tôi thấy được lý này, tôi hết lo. Ai cũng muốn biết mình có Ông chủ, không ai nói mình không ngơ, thì bây giờ chỉ Ông chủ cho họ. Sống được với Ông chủ ai cũng vui. Cho nên đường lối này gần gũi, rõ ràng, thích hợp với mọi người, vì ai cũng có sẵn.
Chúng ta tu tới hết vọng tưởng, còn Chân tâm thì nhắm mắt mới nhập Pháp thân, từ Pháp thân có Ứng thân, Hóa thân độ chúng sanh. Ở đây Ông chủ có đủ, thường biết rõ ràng, không sắc tướng, không sanh diệt. Vì vậy biết được Ông chủ thì không còn kẹt thân sắc tướng nữa. Bấy giờ thân đồng hư không, là Pháp thân bất sanh bất diệt, giải thoát sanh tử. Ngay đây mình có đủ hết, chúng ta nhân danh Ông chủ đi thẳng vào chỗ bất sanh bất diệt. Chớ tu mà không có gì thì buồn chết, không biết sẽ đi về đâu, ai chịu trách nhiệm trong việc tu này?
Vì vậy khi nói tới sự tu, tôi thấy nhà Thiền phân hai loại: một là Thiền tông tu loại ra, hai là Thiền tông tu thu vào. Phương pháp chúng ta ứng dụng lúc trước thuộc về loại ra. Nhưng quí vị loại hoài không hết vì còn thấy thật. Chừng nào thấy thân không, cảnh không, tất cả đều không thì dễ loại. Còn nếu thấy thân thật, cảnh thật thì không bao giờ loại hết. Phương pháp thu vào, thật giả không cần biết, chỉ cần biết Ông chủ thôi, bám vào Ông chủ làm chỗ tựa. Phương pháp loại ra lấy Bát-nhã làm trí tuệ dẹp phá. Phương pháp thu vào lấy Ông chủ làm chỗ tựa. Biết. Ông chủ biết thấy, Ông chủ biết nghe, Ông chủ biết xúc chạm v.v… Nhớ như vậy, sống như vậy thì trở về gốc, gọi là thu vào. Bởi vì cái gì cũng đem vô Ông chủ hết, không bỏ ra. Còn pháp kia cái gì cũng bỏ ra. Phương pháp thu vào thấy như lạ, nhưng thật tình đó là gốc của Thiền tông. Cưỡi trâu chỉ biết trâu chớ không biết gì hết, chỉ giữ con trâu thôi, không kiếm ở đâu khác.
Tất cả chúng ta tu, mỗi người mỗi hạnh nhưng pháp nào gần gũi hơn, cần thiết hơn thì mình sử dụng tu, dạy người cùng tu. Từ hôm tôi thấy được cái gốc đó, tới nay chỉ mười hai mười ba ngày, chưa đủ thời gian kinh nghiệm kỹ. Nhưng tôi nghĩ vô thường bất cập lắm, bây giờ chờ đủ kinh nghiệm mới kêu nói thì không biết mình còn sống hay chết mất, nên tôi phải nói sớm cho tất cả biết. Giả sử tôi có tịch, quí vị cũng có một lối đi rồi phăng lần thêm. Chúng ta cứ đi theo lối cũ thì không thuận tiện trong việc giáo hóa hiện tại. Nói tới thiền phải nói tới tột cùng, không thể đi nửa chặng, không phải tu thiền để yên tâm, để khỏe, mà là phải đi tới tột cùng.
Bây giờ trở lại phương pháp tôi đã và đang ứng dụng trong thời gian gần đây. Khi sử dụng pháp này thì đi, đứng, nằm, ngồi đều rất dễ tu. Như sáng tôi đi chơi, chống gậy đi trên đường, vừa bước đi, mắt thấy, tôi nói “mắt thấy là Chân tâm”; vừa nghe tiếng chim kêu, tôi nói “tai nghe là Chân tâm”; chân bước cộp cộp là thân xúc chạm, tôi nói “thân xúc chạm là Chân tâm”. Như vậy thấy, nghe, vận động đều không ngoài Chân tâm, cái nào cũng Chân tâm. Đi giáp một vòng không biết mấy trăm lần Chân tâm. Tôi không nói sống được với Chân tâm, nhưng đi tới đi lui đều có Chân tâm. Như vậy tôi có sống được chút nào chưa?
Đi từng bước mình biết đi trong Chân tâm. Bởi vì định nghĩa Chân tâm là cái thấy, cái biết. Thấy biết ở chặng đầu, không phải chặng thứ hai thứ ba. Chúng ta thấy đường đi, đó là Chân tâm chớ gì, đâu có nghĩ suy. Thấy đường thì cứ vậy mà đi, đó là sống trong Chân tâm. Đi nghe chim kêu biết nghe, đó là Chân tâm. Giở chân bước tới, biết thân xúc chạm là Chân tâm. Trong sáu căn, ba căn đầu mắt, tai, thân là ba căn nổi, còn ba căn sau mũi, lưỡi, ý là ba căn chìm. Bởi ba căn nổi nên chúng ta dễ ứng dụng tu.
Lối tu này ứng dụng khi ngồi thiền, khi làm công tác, khi ra đường. Chúng ta cứ làm một cách tự nhiên, không ngại chi hết, nhưng nhớ mắt nhìn là Chân tâm, tai nghe là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm. Đi một giờ, nửa giờ giống như ngồi thiền, chỉ nhớ Chân tâm, không nhớ gì khác. Như vậy có thiền không? Đi, đứng, nằm, ngồi đều nhớ Chân tâm. Nhớ Chân tâm là nhớ niệm đầu, không nghĩ bậy. Vì vậy chúng ta tu rất thuận lợi, trong hoạt động cũng tu, giờ ngồi thiền cũng tu.
Giờ ngồi thiền tôi bắt mình làm hai việc. Việc thứ nhất mắt thấy là Chân tâm, tai nghe là Chân tâm, thân xúc chạm là Chân tâm. Tức mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm, đó là Chân tâm. Cứ thế lặp tới lặp lui mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm đều là Chân tâm. Nói nguyên câu là “mắt biết thấy là Chân tâm, tai biết nghe là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm, Chân tâm luôn hiện tiền”. Lặp đi lặp lại như thế ngồi thiền không buồn ngủ chút nào, vì nhớ Chân tâm nên không buồn ngủ, tỉnh táo hoàn toàn.
Lặp tới lặp lui bao nhiêu đó thấy như không định. Không định mà Chân tâm hiện tiền tức là định. Khi nói như vậy một hồi thấy nhọc, tôi cho nó nghĩ một chút bằng cách nhớ Chân tâm hiện tiền. Nhớ Chân tâm hiện tiền đến lúc khỏe, tiếp tục nhắc tới nhắc lui lại. Suốt giờ ngồi thiền làm việc ấy, đó là chặng số một.
Qua chặng thứ hai, tôi đặt câu hỏi: Chân tâm là gì? Như tôi đã nói “Chân tâm là Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”. Chân tâm là thường biết rõ ràng. Cái thường biết rõ ràng đó trùm khắp cả sáu căn, chớ không phải biết một chỗ. Nó không có tướng mạo, nếu có tướng mạo làm sao trùm được? Ngồi đó nhớ Ông chủ, định nghĩa “Ông chủ thường biết rõ ràng, trùm khắp sáu căn, không có tướng mạo, không có sanh diệt”. Bởi không tướng mạo nên khi bỏ thân này, Ông chủ nhập Pháp thân đồng hư không. Không sanh diệt nên giải thoát sanh tử, vì có gì dẫn trong sanh tử?
Như vậy đường đi từ thủy tới chung có manh mối rõ ràng. Bởi vậy tôi ngồi thiền, có lúc khoe với Thị giả:
- Bây giờ tôi mới biết Thiền duyệt vi thực.
Ngồi trong yên tịnh mới thấy vui, nhẹ. Khi trước ngồi một, hai giờ thấy đau, bây giờ ngồi hoài thấy thích, nên người ta nói Thiền duyệt. Tôi cũng trải qua những trạng thái ấy, nhưng tới lần này mới thấy chính xác, mình đi thẳng ngay từ một con người mê lầm trở lại con người tỉnh táo, sáng suốt rồi tiến tới chỗ tột cùng mình nhắm là được thể nhập Pháp thân, giải thoát sanh tử. Như vậy mới gọi là tu giải thoát.
Tu lừng chừng mà nói giải thoát thì hơi ngờ, không biết chừng nào thấy. Trên đường tu chúng ta phải đi tới nơi tới chốn mới thấy cái hay cái quí. Nếu tu thường thường không bao giờ thấy những cái đó. Tu miên mật với Chân tâm của mình, giả sử ngang đây tắt thở, chúng ta còn gì? Chân tâm thôi. Khỏi lo, khỏi cầu nguyện chi hết, vì mình đang sống với Chân tâm.
Con đường cuối của chúng ta tu đến chỗ giải thoát sanh tử là như vậy, bởi vì sống được với Chân tâm thì không sanh diệt, đâu có tướng mạo. Không tướng mạo nên trùm khắp pháp giới. Không tướng mạo cũng không sanh diệt, nên giải thoát sanh tử. Như vậy trên con đường tu, đi từ mê lầm đến giải thoát sanh tử, chúng ta có manh mối, có đường hướng rõ ràng sẵn đủ nơi mình, chớ không đâu khác. Đây là cách tu thu hồi về mình, thường biết rõ ràng, thiếu thường biết rõ ràng là nguy hiểm. Lúc nào cũng nhớ thường biết rõ ràng, không lầm, không sai.
Thật ra Tăng Ni ứng dụng pháp tu này có hiệu quả nhất trong giai đoạn nhập thất. Vì cả ngày mình nhớ Ông chủ dễ, nếu chúng ta đang chạy tứ tung thì nhớ Ông chủ hơi khó. Giai đoạn này là giai đoạn đầu tôi ứng dụng, chưa phải giai đoạn cuối. Tôi ứng dụng từ nay cho tới ngày ra thất chắc cũng được khá khá một chút. Khi biết được điều này rồi tôi thấy sự tu dễ, hướng dẫn người ta cũng dễ.
Lúc trước tôi nghĩ ba năm ra không biết dạy gì, vì tất cả đều không, dạy gì bây giờ? Thời này người ta ham tu thiền, nhưng không biết tu thế nào? Đường lối tu này không có gì nguy hiểm, vì quay lại mình mà. Mắt mình thấy, tai mình nghe, thân xúc chạm, cái gì mình cũng biết có Ông chủ, Chân tâm hiện tiền vậy thôi, không có chi nguy hiểm. Còn người ngồi kềm chế quá mới có những phản ứng nguy hiểm. Tu theo phương pháp này không kềm, nhẹ nhàng thảnh thơi, tu như không tu. Nói thế cũng nên nhắc lại, nhiều người lợi dụng “tu như không tu” rồi không tu gì hết. Nói đi, đứng, nằm, ngồi tôi cũng tu vậy, nhưng mà ai biết? Miệng nói thế nhưng trong ruột không phải vậy.
Người thật sự biết tu, ham tu dù ở hoàn cảnh nào, trường hợp nào cũng có thể tu được. Tu với Tâm chân thật của mình thì lợi ích lớn, trường hợp nào cũng có kết quả tốt. Còn nếu thiếu chân thật, gian lận thì không tốt. Tôi nhắc cho tất cả nhớ để dè dặt cẩn thận.
Như vậy kể từ hôm nay, tôi không ứng dụng như ngày xưa nữa, mà đi con đường mới. Nói thế để quí vị đừng hiểu lầm, ngày trước thầy dạy thế này, ngày nay thầy dạy thế kia. Sự thật hai cái thấy tuy khác, nhưng cuối cùng không hai. Bên loại ra thì dứt hết các duyên, Chân tâm hiện tiền. Chân tâm hiện tiền, bỏ thân này nhập Pháp thân. Bên thu vào cũng vậy, dứt hết các duyên, chỉ biết có Ông chủ. Ông chủ đó không tướng mạo, không tướng mạo thì như hư không, nhập Pháp thân hết sanh tử. Tuy hai bên thấy như khác, nhưng cuối cùng là một. Phật dạy nhiều pháp tu nhưng cuối cùng đều gặp nhau, chớ không khác. Khác thì không phải đạo Phật. Miễn đi đúng đường thì cuối cùng gặp nhau, trừ khi đi sai đường.
Còn ba căn mũi, lưỡi và ý, chúng ta ít sử dụng, nhưng tôi cũng nhắc cho đủ. Mắt thấy là Chân tâm, tai nghe là Chân tâm, thân xúc chạm là Chân tâm, mũi biết ngửi là Chân tâm, lưỡi biết nếm là Chân tâm, ý biết pháp trần là Chân tâm, như vậy đi một mạch đủ sáu căn. Biết pháp trần là đủ rồi, còn biết cái gì là phân tích tức vọng thức. Mắt biết thấy là Chân tâm, đừng nói mắt tôi thấy này thấy kia. Chỉ biết thấy là được, mới là niệm đầu, là chân.
Các bài mới
- Cương lĩnh Pháp tu thiền Biết có chân tâm - 23/06/2009
Các bài đã đăng
Thiền tông
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Tâm Chơn Tâm Vọng
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 5: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 41 - buổi thứ 14/01.10.24 - Tham Vấn 3)
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 64767
- Online: 29