Hư Thực Khó Phân

22/09/2023 | Lượt xem: 1337

HT.Thích Thanh Từ

Hôm nay Thầy có một phần nhắc nhở về công phu, phần thứ hai Thầy sẽ kể về những điều hay dở của mình cho tất cả nghe. Đề tài là Hư thực khó phân. 

Căn cứ trên công phu, Thầy đã tìm ra lý lẽ thế nào là hư và thực. Hư thực, hai ranh giới rõ ràng hay lẫn lộn? Muốn hiểu rõ điều này, Thầy sẽ nhắc lại những chuyện đã xảy ra trong quãng đời của mình cho đại chúng thấy để sau này kinh nghiệm thêm. Trong đời tu hay trong cuộc sống, có những điều chúng ta không thể biết trước hay xét hiểu một cách rõ ràng, mà luôn luôn có lẫn hư thực trong đó. 

Trước hết, Thầy giải thích bài thơ Thầy sáng tác vào năm 9 tuổi. Lý do xuất phát như thế nào? Năm đó Thầy đang học lớp 3 trường làng, người bác của Thầy trên kênh Xáng mất. Được tin, ông thân của Thầy và mấy vị bà con trong dòng họ lên viếng thăm, Thầy cũng được đi theo. Đám xong, mọi người ở lại đó một tuần. Ngày cuối tuần cúng thất ở chùa Sân Tiên trên đỉnh núi Ba Thê, Thầy cũng được theo, tối tụng kinh cầu siêu, sáng hôm sau cúng ngọ rồi mới trở về. Đêm ấy, Thầy cảm hứng lạ nên tự làm một bài thơ không có tựa đề, nhưng Thầy nhớ luôn tới giờ: 

Non đảnh là nơi thú lắm ai,

Đó cảnh nhàn du của khách tài.

Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc,

Chuông hồi văng vẳng quá bi ai. 

Non đảnh là nơi chóp núi rất cao và thú vị. Đó cảnh nhàn du của khách tài. Hiện nay Thầy có hai thiền viện ở sườn núi là Chơn Không và Trúc Lâm Yên Tử, cái thứ ba là thiền viện Trúc Lâm trên đỉnh núi Phụng Hoàng Đà Lạt. Quả ứng với lời thơ ngày xưa, non đảnh là nơi thú lắm ai. 

Chữ “khách tài”, chỉ khách tài mới có thể ở nơi núi cao trong lúc rảnh rỗi. Bấy lâu nay Thầy cứ chạy ngược chạy xuôi, ít được ở yên. Bây giờ buông hết mọi việc về núi tu dưỡng. Như vậy câu thơ đó hàm ý nói mình sống trên đỉnh núi nhàn du, thong thả dạo chơi. Đó là sở thích từ thuở bé nhưng mãi đến bây giờ mới thực hiện được. 

Tiếng mõ công phu người tỉnh giấc, tỉnh giấc mê. Một là mê ngủ, hai là mê lầm trong cõi đời. Câu thơ này chứng tỏ thuở bé Thầy rất quý trọng người tu. Họ là người tỉnh sáng đáng quý nên mình cũng muốn làm người tu. Hiện tại Thầy đã được làm người xuất gia, bước vào hàng tỉnh giác.

Chuông hồi văng vẳng quá bi ai, nghe tiếng chuông nhất là buổi khuya sao thấy buồn thảm. Điều đó nói lên có thể đời trước mình đã xuất gia ở chùa, bây giờ nghe lại tiếng chuông khiến cho xúc động rung cảm, thôi thúc phải đi tu. Tóm lại, câu thứ tư là nhân tu đời trước thúc đẩy mình đời này phải đi tu để trở thành người tỉnh giác. 

Người tỉnh giác thì phải có khả năng độ mình và độ người. Nhưng dù hoằng hóa đến đâu thì cuối cùng cũng trở về núi cao yên nhàn nghỉ ngơi và tiếp tục công phu cho được viên mãn. Đó là Thầy giải mã bài thơ mà ngày xưa cao hứng làm đại, chứ thật ra lúc đó không biết gì hết. 

Bây giờ đặt lại câu hỏi, thuở xưa khi chưa biết gì hết mà làm bốn câu thơ đó là thực hay hư? Có thể nói ngày đó bài thơ là hư, vì lúc ấy Thầy còn quá nhỏ, hơn nữa lại theo đạo Cao Đài. Nói những điều mình không biết là nói rỗng. Nhưng bây giờ tất cả đều biến thành sự thật, cho nên hư thực không có ranh giới. Đó là vấn đề thứ nhất, hư thực rất khó phân. 

Qua chặng thứ hai, Thầy xuất gia năm 1949, lúc đó 26 tuổi. Ngày ấy Thầy bất hiếu hơn tụi con, bởi vì khi tụi con đi tu, cha mẹ phải đến xin phép Thầy mới cho, còn Thầy thì trốn đi. Tuy Thầy tu muộn nhưng lại được cái duyên vô ngay trường Phật học chùa Phật Quang ở rạch Bang Chang, dự lớp Sơ đẳng năm thứ hai với hơn 30 người. 

Thời điểm đó bắt đầu an cư, Thầy mới vô chùa được Hòa thượng cho làm công quả ba tháng chứ chưa học hành gì. Qua ba tháng mới được xuất gia. Đợt xuất gia đó chỉ có một hai người nên không có lễ truyền giới Sa-di. Thành thử Thầy được gọi là Hình đồng Sa-di, nghĩa là hình thức cạo đầu mặc áo nhuộm thì giống Sa-di, nhưng giới thì chưa được thọ. Thời gian sau, Sư ông của Thầy mở giới đàn ở  chùa Phước Hậu, lúc đó Thầy mới được thọ giới Sa-di. 

Vô lớp Sơ đẳng, Thầy phải học nhảy. Khóa học có ba năm mà Thầy vô gần cuối năm thứ hai, thành thử học lại các vị đi trước. Tuy nhiên Thầy lại được duyên tốt là có Thanh Đức, anh em chú bác với thầy Phước Tú ngồi gần một bên giúp đỡ. Ngày xưa gia đình Thầy cũng có quen biết với nhà Thanh Đức, nên nó kêu Thầy bằng chú. Hai chú cháu ngồi gần nhau, nó thông minh học giỏi và biết mặt chữ Hán nhưng không giải nghĩa được. Vậy là Thầy giao nó đọc chữ, còn Thầy giải nghĩa. Hai người trao qua đổi lại, chữ đưa ra nó đọc trước Thầy nghe và giải nghĩa, sau đó cùng đem ra ứng dụng. Học như vậy chưa đầy một năm đã nhảy qua một lớp. 

Đến năm kế (1950), Thầy chính thức được học lớp Sơ đẳng năm thứ ba. Lúc ấy không chỉ học kinh mà phải học luôn cả Tân Quốc Văn và đủ các môn khác. Trong môn Tân Quốc Văn, Thầy rất thích câu: “Địa du cố, mộc du kiên, gian nan giả phi khốn ngã dã, nhi trợ ngã giả dã”. Dịch là: “Đất càng chai thì cây càng cứng, gian nan đó không phải khổ cho ta, trái lại trợ giúp ta”. Chính gian nan là nhân duyên giúp chúng ta trở thành người cứng cỏi hơn để đạt được chí nguyện. Cho nên người có ý chí mà sợ khó khổ thì không bao giờ làm được việc gì. 

Sang đến năm 1951, Thầy bắt đầu học lên Trung đẳng. Khi ấy Hòa thượng dạy kinh Lăng Nghiêm, Thầy rất thích. Học tới chỗ “thất xứ trưng tâm” (bảy chỗ hỏi tâm), Thầy vô cùng vui mừng.  

Ở  chùa 3 giờ khuya thức dậy công phu, Thầy phải thức sớm hơn một giờ để học bài, tức là 2 giờ đã thức chong đèn ngồi học một mình. Khi đọc lại đoạn “thất xứ trưng tâm”, tới chỗ Phật chỉ tâm cho ngài A-nan, Thầy xúc động rơi nước mắt. Lúc đó Thầy nhận ra một điều, những lời chân thật đức Phật chỉ dạy mà chúng ta không nhận. Mải sống và chấp nhận với cái tạm bợ sanh diệt rồi lấy đó làm mình, mà không chịu nhận và sống với cái chân thật. Sáng ra trình chỗ thấy này lên Hòa thượng, Hòa thượng nói: “Được, tốt!”. Thầy nghe vậy thôi chứ không biết ẩn ý của Hòa thượng trong đó.

Thất xứ trưng tâm là bảy chỗ hỏi tâm. Trong kinh, Phật hỏi ngài A-nan, do thấy được tướng thù thắng gì mà nhanh chóng bỏ hết những ân ái sâu nặng của thế gian phát tâm xuất gia? Ngài A-nan trả lời vì thấy đức Phật có 32 tướng tốt phi thường, hình thể sáng rỡ ví như lưu ly nên phát tâm theo Phật tu học. Đức Phật lại bảo, thấy tướng tốt là mắt thấy, còn phát tâm đi tu thì cái tâm đó ở đâu? Ngài A-nan trình bạch tâm hoặc ở trong hoặc ở ngoài...cho đến bảy chỗ. Tới chỗ thứ bảy, năng suy vi tâm, tức là cái hay suy nghĩ là tâm. Tất cả đều bị Phật bác. Ngài A-nan ngơ ngác thưa, vậy con không có tâm sao? Phật quở không phải không có, có mà ông không nhận ra. 

Nhân đó Phật chỉ tâm cho ngài A-nan bằng thí dụ. Phật đưa tay lên hỏi: 

-   A-nan! Ông thấy không? Ngài A-nan bạch:

-  Bạch Thế Tôn, con thấy. 

-   Thấy cái gì? 

-   Thấy tay Thế Tôn đưa lên. Phật để tay xuống rồi hỏi tiếp: 

-   Ông thấy không? 

-   Dạ không thấy.

Ngay đó Phật quở: 

- Ông quên mình theo vật. 

Phật giải thích khi đưa tay lên nói có thấy, khi để tay xuống nói không thấy. Như vậy cái thấy là cái tay sao? Chỗ này lầm cho cái bị thấy là cái hay thấy. Cái bị thấy là cái tay, cái hay thấy là cái thấy của con mắt. Cũng vậy, khi chúng ta nhìn kỹ vào chỗ trống rỗng thấy không có gì hết. Nếu hỏi thấy không, đáp không thấy là sai. Bởi vì nếu đã không thấy thì làm sao biết trống rỗng. Rõ ràng quên mình chạy theo cảnh. Đợi có cảnh mới nói có, không cảnh nói không có. Đó là sai lầm rất lớn cho nên bị Phật quở. 

Kế đó, Phật bảo ngài La-hầu-la đánh một tiếng chuông và hỏi: 

-   A-nan, ông có nghe không? Ngài A-nan đáp: 

-   Dạ nghe. 

-   Nghe gì? 

-   Nghe tiếng chuông. 

Một lúc sau tiếng chuông yên lặng, Phật hỏi:

- A-nan, ông có nghe không? 

Ngài A-nan đáp: 

- Không nghe. 

Phật lại bảo ngài La-hầu-la đánh một tiếng chuông nữa, rồi hỏi A-nan: 

-   Ông có nghe không?

Ngài A-nan trả lời:

 -   Nghe. 

Khi tiếng chuông bặt, Phật hỏi: 

-   Ông có nghe không?

Ngài A-nan thưa: 

-   Không nghe. 

Ngay đó Phật lại quở một lần nữa. Khi đánh tiếng chuông vang ra, nghe có tiếng chuông. Tiếng chuông bặt rồi thì nghe không có tiếng chuông. Tại sao lại nói không nghe? Cái nghe có tiếng chuông và nghe không có tiếng chuông là của mình. Tiếng chuông khi có khi không là âm thanh bên ngoài. Cũng vậy, khi chúng ta nói chuyện với nhau, lúc người kia nói thì mình nghe, lúc người kia im lặng mình vẫn nghe. Nếu thấy im lặng mà nói không nghe là chỉ biết tiếng động bên ngoài, không biết mình có cái hay nghe nghe được tất cả tiếng. Có động nghe động, không động nghe không động. Cái nghe thường hằng, không lúc nào thiếu vắng. 

Vì chúng ta quên cái chân thật sẵn có, nhận những thứ bên ngoài làm mình nên bị Phật quở “quên mình theo vật”. Đây là điều hết sức thực tế mà đa số chúng ta không biết. Nghe, thấy là cái của chính mình. Nó không có tướng mạo nên không bị vô thường chi phối và không bị hoại diệt, luôn luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, chỉ tại mình không nhận ra thôi. 

Cho nên khi đọc tới đoạn này Thầy xúc động. Tại sao bao nhiêu đời nay mình ngu mê, cái thật sờ sờ như vậy mà không biết. Từ khi học kinh Lăng Nghiêm, Thầy biết được mình sẵn có cái chân thật. Tuy nhiên, vì không có ai hướng dẫn thêm nên tới đó đành bế tắc. Biết mà không làm gì khác hơn được, bởi vì thầy của Thầy tu Tịnh Độ, Sư ông của Thầy cũng tu Tịnh Độ. 

Đến đây, Thầy dẫn lịch sử thiền cho đại chúng thấy rõ. Trong hội Lăng Nghiêm, đức Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan nhằm chỉ về tánh thấy. Trong hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa sen lên, không nói một lời mà đưa mắt nhìn hội chúng, thử xem ai biết Phật muốn nói điều gì. Phật nhìn khắp không thấy ai hiểu, nhưng khi nhìn tới ngài Ca-diếp thấy ngài mỉm cười, tức là thông cảm. Khi đó Phật tuyên bố: Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng... nay trao cho Ca-diếp. 

Ngài Ca-diếp lãnh hội được điều đó nên Phật trao y bát cho Ngài. Sự việc xảy ra trên hội Lăng Nghiêm và hội Linh Sơn không khác nhau chút nào. Cái chân thật này trong kinh Lăng Nghiêm Phật đã giải thích rõ, nó sẵn ở lỗ tai và con mắt. Qua các thí dụ trên cho thấy kinh Lăng Nghiêm với Thiền tông rất gần nhau. Đọc kinh Lăng Nghiêm mà Thầy xúc động, chứng tỏ đã có gốc tu thiền. Tuy nhiên, giai đoạn này không ai hướng dẫn tiếp nên Thầy đành ôm ấp ở đó, không làm sao khác hơn được. 

Lại trong kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan bạch Phật: “Thế nào là gốc luân hồi sanh tử, thế nào là gốc Bồ-đề Niết-bàn?”. Lúc đó mười phương chư Phật đồng thanh đáp rằng: “Gốc luân hồi sanh tử từ sáu căn của ông, gốc Bồ-đề Niết-bàn cũng từ sáu căn của ông”. Như vậy, ngay nơi sáu căn của chúng ta là gốc luân hồi sanh tử, ngay nơi sáu căn của chúng ta cũng là gốc Bồ-đề Niết-bàn. Muốn trở về Bồ-đề Niết-bàn, phải y nơi sáu căn mà tu. Tu bằng cách nào? 

Chỗ này Thầy đưa ra ví dụ cụ thể cho đại chúng thấy. Ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch tới thiền sư Trung Ấp hỏi:

-   Bạch Hòa thượng, thế nào là nghĩa Phật tánh?

Thiền sư Trung Ấp đáp: 

-    Ta nói cho ông một ví dụ. Như có con khỉ bị nhốt trong lồng có sáu cửa. Ở ngoài một con khỉ khác kêu “chéo chéo”, con khỉ bên trong đáp lại “chéo chéo”. Nó đi vòng hết sáu cửa đều kêu “chéo chéo”, con khỉ bên trong cũng ứng như vậy.

Ngài Ngưỡng Sơn hỏi: 

- Nếu con khỉ bên trong ngủ thì sao? 

Thiền sư Trung Ấp từ trên giường thiền bước xuống nắm cứng Ngưỡng Sơn nói: 

- Chúng ta thấy nhau rồi. 

Thấy cái gì? Khi sáu căn tiếp xúc với cảnh bên ngoài liền có niệm chạy theo thì Phật tánh ẩn. Nếu tâm lăng xăng lặng rồi, con khỉ bên ngoài có kêu “chéo chéo” cũng mặc nó. Tâm thanh tịnh lặng lẽ, Phật tánh sẽ hiển lộ. 

Chúng ta ngồi thiền để giữ con khỉ bên trong ngủ, chừng đó Phật tánh nơi sáu căn mới hiển bày. Phật tánh không sanh diệt, là gốc của giải thoát sanh tử. Muốn giải thoát sanh tử phải giữ sáu căn thanh tịnh. Muốn sáu căn thanh tịnh phải dừng tâm chạy theo ngoại cảnh. Vì vậy chúng ta ngồi thiền phải quyết chí kềm chế và làm chủ con khỉ ý thức.

Ngồi một giờ hai giờ mà tỉnh táo, không ngủ gục, vẫn thấy nghe và biết rõ tường tận tất cả những gì đang xảy ra xung quanh, chừng đó mới thấy rõ con đường giải thoát sanh tử. Nếu không làm chủ được mình, con đường tạo nghiệp cứ tiếp tục lôi dẫn chúng ta đi trong sanh tử, không thể nào ra khỏi. Bởi vậy khi tu, thiết yếu phải làm sao nắm được cái gốc để ứng dụng, khả dĩ mới giải thoát. Nếu tu lừng chừng thì không tới đâu hết. 

Tuy Thầy đọc kinh Lăng Nghiêm xúc động và biết duyên của mình hợp với Thiền tông, nhưng lúc đó không có người chỉ dẫn thêm. Thành thử năm 1951 dù có một bước tiến lạ nhưng phải dừng ở đó. Tới giữa năm 1951, chùa Phật Quang bị máy bay oanh tạc. Lúc ấy tính luôn cả người trong chùa và học trò ba lớp khoảng 250 người. Lớp học Thầy đang dạy chừng 40 người. 

Khoảng 9 giờ sáng, có hai chiếc máy bay, một chiếc bay thấp nhắm thẳng vào chùa mà bắn. Đợt đầu còn thấy rõ mọi thứ xung quanh, hai ba đợt sau khói bụi mù mịt, không còn ai thấy ai nữa. Trong lớp học không có chỗ trốn, Thầy nằm đại xuống đất, học trò cũng vậy, mạnh ai nấy nằm. Tội nghiệp lắm! Mấy đứa bị đất văng vô mặt, nó khóc: “Thầy ơi, con bị trúng đạn rồi!”. Địch bắn như thế khoảng nửa tiếng đồng hồ. Đợi khi máy bay đi khỏi, khói và đất cát cũng tan hết rồi, kiểm lại trong chùa chỉ có một cô trúng đạn ở cánh tay. Quý thầy tức tốc chở đi bệnh viện nhưng vì ra máu nhiều quá nên cô mất, còn bao nhiêu người khác không sao hết. 

Cuối năm 1951, Hòa thượng phải xin Sư ông dời về Phước Hậu, vậy là chấm dứt khóa học ba năm ở chùa Phật Quang. Lớp học tan rã, người đi chỗ này kẻ đến chỗ khác, còn một số nhỏ theo Hòa thượng lên Phước Hậu và vẫn được tiếp tục học. Ngài nói: “Còn một người học, tôi cũng dạy”. Nhờ vậy mà Thầy được học trở lại. 

Khoảng giữa năm 1952, hòa thượng Thiện Hòa - Giám đốc Phật học đường Nam Việt, mở một trường Tăng tại chùa Ấn Quang, một trường Ni ở chùa Dược Sư. Thầy của Thầy được mời về chung hợp tác. Lúc đó ngài bảo: “Tôi có một số đệ tử đang theo học, bây giờ về đây mỗi tháng học tăng đóng 250 đồng, mà thầy trò tôi không có tiền, phải làm sao?”. Quý Hòa thượng ở Ấn Quang đồng ý cho nhóm đệ tử lên học miễn phí, trong đó có hai Ni ở chùa Dược Sư và sáu Tăng ở Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang. Như vậy, Thầy lên Sài Gòn tu học tại chùa Ấn Quang vào năm 1953. 

Hòa thượng của Thầy được cử làm Đốc giáo Phật học đường Nam Việt, kiêm luôn bên Ni. Sau đó lại được cử làm Trưởng ban Hoằng pháp của Giáo hội Tăng Già Nam Việt. Lúc ấy, Thầy đang học Trung đẳng năm thứ hai, tới năm thứ ba thì Hòa thượng tập cho giảng. Vừa học vừa đi giảng, mấy năm đó thật là bù đầu. Một năm học được nghỉ ba tháng. Trước ngày an cư nghỉ một tháng, sau ngày mãn hạ nghỉ một tháng và Tết nghỉ một tháng. Ba tháng này huynh đệ Thầy chia thành từng đoàn đi giảng nơi này nơi kia. 

Kể từ năm 1955, Thầy đã bắt đầu làm giảng sư. Tới bây giờ có những chú bé nhỏ nhỏ xin đi tu, biết đâu lúc trước là mấy ông bà già từng nghe thầy giảng. Họ trở lại đây tìm thầy tu học tiếp, chứ ở xứ nào mà về đây tu đông như vậy, phải không? 

Lúc Thầy ở chùa Phước Hậu, một hôm thấy Sư ông vô phòng riêng xổ mùng, đốt ngọn đèn leo lét ngồi. Thầy tưởng là Sư ông tu thiền nên mới đắp y thưa: “Bạch Sư ông, con ham tu thiền quá, Sư ông dạy con cách tu thiền”. Sư ông nói: “Thời mạt pháp chỉ còn Lục Tự Di Đà thôi, chứ tu thiền sao được”. Thầy thất vọng quá, hỏi lại: “Vậy Sư ông ngồi làm gì?” Sư ông đáp: “Ngồi niệm Phật”. 

Khi Thầy ở Ấn Quang, thấy Hòa thượng Giám đốc đóng một cái lồng lưới trên sân thượng, tối nào cũng vô ngồi trong đó. Thầy nghĩ Hòa thượng tu thiền nên đắp y tới đảnh lễ thưa: “Bạch Hòa thượng, con ham tu thiền, xin Hòa thượng dạy con pháp tu thiền”. Hòa thượng nói: “Tôi đâu có tu thiền, tôi niệm Phật”. Thầy thưa tiếp: “Mỗi đêm con thấy Hòa thượng ngồi thiền trong lồng lưới”. Ngài bảo: “Tôi ngồi niệm Phật”. Thầy lại thất vọng lần nữa. Thầy của Thầy niệm Phật, Sư ông của Thầy niệm Phật, tới Hòa thượng Giám đốc cũng niệm Phật luôn, Thầy lại muốn tu thiền, không biết làm sao tu?

Đến năm 1958, sau khi hoàn tất việc học, Thầy được bổ nhiệm xuống Trà Vinh dạy lớp Sơ đẳng thay thế thầy Tịnh Đức vừa mất. Ở được hơn một năm Thầy bị gọi về, vì thầy Thiền Định đi Nhật, thầy Huyền Vi cũng chuẩn bị sang Ấn Độ du học, thành thử ở Ấn Quang thiếu người. Đó là khoảng thời gian cuối năm 1959 - đầu năm 1960. Do Thầy làm nhiều việc, vừa dạy học vừa đi giảng nên cuối năm 1960 bị nám phổi khá nặng. Thầy bi quan vô cùng, tất cả mọi công việc phải ngưng lại hết. 

Phật tử đưa Thầy vô bệnh viện Grall, bác sĩ người Pháp nói muốn trị cho mau lành phải ăn mặn vì ăn chay khó lên cân. Thầy hứa với bác sĩ sẽ lên cân mau. Tuy nhiên Thầy vẫn ăn chay và được Phật tử ưu đãi lo đầy đủ mọi thứ. Vô bệnh viện họ thuê phòng riêng hạng nhất cho Thầy nằm một mình, lại cho ăn sang thành thử mỗi tuần lên một ký. Qua đó mới biết do trước mình ăn uống thiếu thốn, hơn nữa lại làm việc quá nhiều nên mất sức. Vào viện được nghỉ ngơi, ăn uống sung túc nên mau lên ký. 

Trong thời gian này có một điều rất đặc biệt. Trước khi vào bệnh viện, thầy của Thầy soạn trong tủ thấy cuốn Lục Diệu Pháp Môn của Đại sư Trí Khải tông Thiên Thai bên Trung Hoa, ngài kêu Thầy lại dạy: “Thanh Từ ham tu thiền thì lấy cuốn này coi rồi tu”. Đọc đi đọc lại mấy lần, Thầy rất thích. Vì vậy trong lúc nằm bệnh viện Thầy đã chuẩn bị cho tương lai của mình. Từ đây về sau không thể sống chung trong tập thể được nữa, nên Thầy quyết định chuẩn bị chỗ ở để tu thiền. 

Lúc ấy có các Phật tử Bến Tre lên thăm, Thầy tỏ ý  muốn cất thất riêng tu. Họ hoan hỷ hưởng ứng và hứa sẽ lo cho. Cuối năm 1960 - đầu năm 1961, thầy Nhất Hạnh cho thầy mảnh đất gần Phương Bối - Bảo Lộc cất thất nghỉ ngơi. Khi được đất rồi, Thầy nói cho Phật tử biết và họ tự lên đó làm. Thành thử khi ra bệnh viện, Thầy liền có thất ở. Vậy là từ năm 1961 thầy bắt đầu tu thiền. Lúc trước ham tu thiền nhưng không có cơ hội cũng như phương tiện, bây giờ nhân bệnh duyên nên có cơ hội tu thiền. 

Khởi đầu Thầy tu theo cuốn Lục Diệu Pháp Môn, bắt đầu từ Sổ tức đến Tùy tức. Hai phương pháp này rất cần thiết và phù hợp cho người mắc bệnh phổi như Thầy. Sau khi xuất viện, bác sĩ dặn ba tháng nữa trở lại khám và lấy thêm thuốc. Nhưng Thầy tự hứa không trở lại lần thứ hai. Vì vậy Thầy cứ mải miết dùng phương pháp Sổ tức và tùy tức để vừa tu vừa trị bệnh luôn. Thầy Nhất Hạnh đặt tên thất ở Phương Bối là Thiền Duyệt Thất. Mấy tháng sau, thầy Nhất Hạnh đi ngoại quốc, còn lại mình Thầy và mấy chú. Thời gian ở đây hơn một năm, Thầy tận lực cho việc tu thiền và trị bệnh. 

Tới chừng khỏe rồi, Thầy soạn chương trình để dạy học vì lúc đó còn nợ trường, bởi lúc trước học ra chưa làm được bao nhiêu thì bệnh. Do Thầy đau phổi nên không tụng kinh niệm Phật cũng không ai rầy. Thầy từ giã nghi lễ nhà chùa, chuyển sang chuyên tu thiền, dành thời gian ngồi thiền. Đây là một bước ngoặt lớn trong đời tu của Thầy. 

Sống tại Thiền Duyệt Thất được hơn một năm thì tình hình an ninh ở đó không ổn định. Thấy không xong, Thầy về Vũng Tàu mượn thất ở chùa Linh Sơn ba tháng. Sau đó Phật tử cất cho Thầy cái thất tại An Dưỡng Địa. Từ đó về sau Thầy ở hết thất này tới thất kia. Cuối năm 1962, Thầy về An Dưỡng Địa - Phú Lâm. 

Khi ở Thiền Duyệt Thất, Thầy có soạn một chương trình dạy Trung đẳng Chuyên khoa ba năm cho những Tăng Ni lớn chuẩn bị ra làm Phật sự. Soạn xong, Thầy về trình với Hòa thượng Giám đốc và Hòa thượng Phó Giám đốc xem. Hai ngài đồng ý   mở lớp học tại An Dưỡng Địa vì Thầy có thất sẵn. Đến năm 1963 làm xong Chánh điện, nhà Tăng, nhà giảng thì gặp pháp nạn. Thầy chạy về Trà Vinh ẩn trong chùa Phước Hòa. Sau, thấy nơi này cũng không ổn, Thầy lại lên Mỹ Tho. 

Thời gian đó tại Cần Giuộc có thất của thầy Thiền Tâm. Thầy Thiền Tâm với thầy Bửu Huệ, thầy Tịnh Đức là lớp trước Thầy. Mấy vị xin nhập thất, mỗi vị nhập 10 năm sau mới ra làm Phật sự. Lúc Thầy lên đó thì mấy thầy đều nhập thất, tuy nhiên Thầy vẫn chạy tìm quý thầy xin tạm trú cho yên. Do thầy Thiền Tâm, thầy Bửu Huệ đều học giỏi và ham tu nên Thầy dự định mời hai thầy ra phụ dạy trường Trung đẳng Chuyên khoa. 

Sau pháp nạn, Thầy trở về An Dưỡng Địa chuẩn bị mở trường. Thầy hứa chỉ nuôi 30 Tăng, huấn luyện rốt ráo để sau ra làm Trụ trì hay các Phật sự khác đều được tốt đẹp. Ba thầy kia cùng về cất ba thất lá ở với chư Tăng. Năm 1964, bắt đầu khai giảng. Thầy giữ chức Quản viện, thầy Thiền Tâm là Giáo Thọ, thầy Bửu Huệ làm Thủ bổn, ai cũng phải giảng dạy. Quản viện coi sóc toàn bộ từ tiền bạc đến tiếp khách, thỉnh giáo sư. Ở Dược Sư cũng mở một lớp, quý thầy vừa dạy ở Huệ Nghiêm rồi dạy luôn Dược Sư. Đồng thời lúc ấy thầy Nhất Hạnh bên trường Đại học Vạn Hạnh cũng mời dạy thêm. Thành thử thời gian đó Thầy phải dạy ba chỗ và làm việc rất tích cực. 

Qua một năm, số chư Tăng tham dự biểu tình thời ông Diệm không về quê mà ở lại Việt Nam Quốc Tự. Họ hung hăng quá, bữa nọ đóng cửa đánh Trụ trì. Giáo hội bất lực, mời quý thầy họp bàn và quyết định dời họ về An Dưỡng Địa. Giáo hội cho biết số lượng là hơn 200 Tăng, mấy ông đó “lục lăng” quá nên Thầy ra điều kiện: Thứ nhất, Giáo hội phải cất chỗ ở; thứ hai, phải có tiền ăn uống sinh hoạt hằng tháng chứ Thầy không lo nổi; thứ ba, phải có trường học. Các điều kiện trên đều được Giáo hội chấp thuận. 

Trường học thì dễ rồi, vì lúc này đã có sẵn trường Bồ Đề. Từ con số ba mươi mấy, nay trở thành ba trăm mấy, vì vậy Thầy phải chạy ngược chạy xuôi. Có mấy lớp học tại chỗ, lại thêm phải lo xe đưa học tăng sang trường Bồ Đề. Công tác lúc đó thật nhiều phiền lụy. Tuy nhiên, dù dạy nhiều, làm việc nhiều nhưng phổi không sao hết, cho thấy việc tu thiền của Thầy rất hiệu nghiệm. Nhờ biết sử dụng hơi thở nên bệnh phổi nhẹ dần, từ đó tới giờ không tái phát. 

Năm 1966, mãn chương trình giáo dục ba năm, Thầy xin với Hòa thượng sau khóa học sẽ nghỉ. Tuy quý hòa thượng không cản nhưng không được vui. Giữa năm 1966, Thầy chuẩn bị thất để sau khi nghỉ dạy có chỗ tu. Thầy ra Vũng Tàu nhờ thầy Tịnh Viên tìm miếng đất trống trên núi và được thầy dẫn lên Chơn Không. Nơi này rừng núi không có ai, gần phía bên dưới chỉ có duy nhất nhà ông Ba Hạc. 

Cuối năm 1966, Thầy nhờ thầy Tịnh Viên thuê người lên cất thất. Thật tình bao nhiêu năm làm việc, Thầy không có lương. Dạy ở trường Đại học Vạn Hạnh mỗi tháng được ít trăm, dành dụm tới chừng khởi sự cất thất chỉ có 20.000 đồng. Cất cái thất lá với hồ nước là đủ. Cuối năm 1966 mãn công tác rồi, Thầy mời thầy Bửu Huệ ở lại quản lý Huệ Nghiêm đồng thời chuyển qua cho Giáo hội lo hết mọi việc. 

Như vậy từ năm 1952 đến năm 1966, Thầy quay cuồng trong công tác và lo tròn mọi chuyện. Thầy nghĩ mình dạy cho Tăng Ni ba năm là đủ đền ơn thầy tổ rồi, từ đó về sau làm việc riêng của mình. Vì vậy việc chuẩn bị cất thất trên núi là bắt đầu lối đi mới, không theo lối cũ nữa. Quyết tâm lên núi chỉ còn một việc, hoặc khỏe mạnh tu hoặc chết luôn trên đó. Tính gọn vậy thôi.

Thầy lên núi. Xung quanh thất toàn là rừng rú gai góc nên phải dọn dẹp suốt một năm. Thầy đặt tên chỗ mình ở là Pháp Lạc Thất, nghĩa là thất vui với chánh pháp. Buổi sáng lao động, buổi chiều xem kinh, buổi tối ngồi thiền nhưng chưa quyết liệt lắm. 

Nhờ có Phật tử mỗi tháng cho 500 đồng nên Thầy gửi Phật tử Vũng Tàu mua gạo và thức ăn đem lên. Thầy sắm hai cái nồi, một cái nấu cơm một cái nấu canh. Buổi sáng uống ly sữa với ít bánh mì khô rồi đi lao động. Tới 10 giờ vô tắm rửa xong nấu cơm. Thầy nấu ăn đơn giản, làm sao vừa canh vừa kho một thứ. Thầy xắt khoai tây, củ quả bỏ vô nồi, nêm nước mẳn mẳn, vừa làm canh vừa làm đồ kho. Như vậy một năm liên tục, tự làm tự chịu thôi. 

Đến năm 1968, xung quanh chỗ Thầy dọn tương đối mát mẻ và trống trải. Gia đình cô Bảy Ngọc (Hạnh Chơn) ra chùa Hang cất cái thất xin nấu cơm cho Thầy. Thầy hoan hỷ vì từ đây mình có cơ hội nhập thất. Thầy suy tính nhập chừng bao lâu đây? Điều gì sẽ xảy ra? Năm Mậu Thân 1968, tuy bên ngoài có nhiều biến động nhưng Thầy nhất định không bỏ quyết tâm chuyên tu.

Sau khi sắp đặt xong xuôi mọi việc, rằm tháng tư Thầy tuyên bố nhập thất. Một số Phật tử tới dự hỏi Thầy nhập bao lâu, Thầy nói không có hạn định.

Nếu phát minh được gì mới lạ sẽ ra, bằng không thì chết luôn trong thất. Nghe oai chưa? Nhiều người tưởng không gặp lại Thầy nữa. Đó là thời gian quyết liệt nhất, để tới ngày này có ra những điều kỳ lạ đáng kể. 

Trong thất Thầy có sẵn cuốn Lục Diệu Pháp Môn và hài lòng tu theo con đường đó. Vì trước đã quen với Sổ tức và Tùy tức nên Thầy tiếp tục qua đến bước Chỉ, Quán, Hoàn và Tịnh thì mới đủ sáu pháp. Trong phần Chỉ dạy hoặc trụ tâm ở mé tóc, hoặc ở chót mũi, hoặc dưới rún. Dừng tâm trụ những chỗ ấy, không cho nghĩ gì khác, không cho tâm chạy đi đâu. 

Ban đầu ngồi thiền Thầy trụ tâm ở mé tóc, chừng nửa giờ nhức đầu không tưởng tượng. Thầy buông ra, chuyển qua trụ chót mũi nhưng cũng nhức đầu luôn. Dời xuống trụ dưới rún thì lại ngủ gục liên miên. Thật là thất bại. Pháp môn này có sáu bước, mới thực hành bước thứ ba đã cùng đường đi không được, qua không nổi nên Thầy phải dừng lại. 

Ngày xưa Thầy từng đọc kỹ kinh A Hàm thành thử bây giờ chuyển qua pháp Tứ Niệm Xứ. Trước hết là quán thân bất tịnh, bước này Thầy quán rất kỹ. Quán được một lúc nhìn lại thân thấy rởn óc. Trong kinh dạy, khi nào quán thấy nhờm gớm quá phải đổi sang quán tịnh. Ngày xưa các thầy Tỳ-kheo quán bất tịnh thấy chán chê thân này và tự tử. Thầy sợ phạm phải lỗi đó nên chuyển qua quán tịnh. 

Trong sách dạy, xẻ sống mũi thấy có xương ngà ngà ở đó. Quán cái xương từ đục đến trong cho tới phát ánh sáng là thành công. Nếu quán chỗ này không được thì quán xương ở ngực. Nhưng quán chỗ nào Thầy cũng bị đau đầu, tức ngực. Tới đây Thầy không biết phải tiếp tục làm sao. Nếu quán tịnh không được thì hai pháp sau không thể đến. Thầy đau khổ cùng cực vì bế tắc không biết đường đi. Chỉ còn biết lạy Phật sám hối cầu xin một lối thoát. 

Đến đây không biết dùng pháp gì nên Thầy trở qua tu thiền thoại đầu. Tự mình đề ra công án: “Trước khi cha mẹ chưa sanh mình là cái gì?”, để theo dõi. Một hôm Thầy đơ người đề không được nữa. Buông không xong mà cứ cứng ngắc, không hiểu thế nào. Cuối cùng phải buông ra rồi lạy Phật khóc sám hối. Thời gian này tuy quyết liệt nhưng tu tới đâu bị bế tắc tới đó. Thầy liên tục lạy Phật sám hối. 

Đêm đó Thầy ngủ nằm mộng, thấy mình đi tới một ngôi chùa Tàu. Vô tới Nhà tổ thấy hai vị Tổ là ngài Huệ Khả và ngài Tăng Xán đang ngồi, nhưng không thấy vị Trụ trì. Thầy chạy xuống bếp tìm Trụ trì, vừa chạy lên thì thấy hai Tổ đứng dậy đi ra. Vừa thấy mặt, Thầy biết ngay đó là tổ Huệ Khả và tổ Tăng Xán. Tổ Tăng Xán mặt tròn, tóc hơi dài như cả tháng chưa cạo. Tổ Huệ Khả thì mặt vuông, đầu đội cái mũ, rõ ràng thấy là nhớ liền. Giật mình thức dậy, Thầy buồn vô cùng. Hai Tổ sống cách đây hơn ngàn năm, mình vừa gặp liền biết, nghĩa là mình đã có duyên với quý ngài từ xưa, sao tới giờ còn lang thang chưa biết đường lối tu hành. 

Đêm khác Thầy lại nằm mộng thấy có vị đứng trên bục cao đọc một bài thơ, câu cuối cùng là “không bình không trắc”. Nghe vậy Thầy không hiểu nên trong đầu suy nghĩ, không bình không trắc sao thành thơ? Khuya thức dậy Thầy ngồi thiền, trong đầu cứ nghĩ đi nghĩ lại, tại sao thơ mà không bình không trắc? Câu hỏi đó càng ngày càng nhấn mạnh trong đầu, bỗng dưng Thầy sáng ra. Bình là không, trắc là sắc. Sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc không không thể tách rời nhau. Khi bừng sáng ra, Thầy ôn lại những gì lâu nay từng học ở Bát Nhã thì thấy rõ như ban ngày. 

Thân chúng ta từ không, duyên hợp thành có. Cái không sẵn trước gọi là tánh Không, duyên hợp thì có. Trong cái có lại có cái không, lỗ mũi trống, miệng trống, lỗ tai trống, mạch máu trống; tất cả cái không sẵn trong cái có. Có chẳng rời không. Như vậy thân trước không, sau khi tan rã trở về không, ngay hiện tại đang sống có những cái không lồng trong đó. Sắc tức là không chứ không thể có sắc và không riêng. Đó là ẩn ý của câu “không bình không trắc”. 

Nhận được chỗ này rồi, cả ngày Thầy đi tới đi lui cười một mình. Sau đó Thầy lấy kinh Bát Nhã, Kim Cang và những quyển viết về thiền ra đọc. Đọc đến đâu hiểu đến đó, nhất là quyển Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (Nguồn Thiền), thấy rõ như ban ngày và bắt đầu đem ra dịch. Đến khi đọc qua các sách thiền khác cũng biết rõ không nghi. 

Qua đây Thầy nhận rõ rằng bước vào cửa thiền là cửa Không. Thấy được lý Không rồi, Thầy hiểu hết những gì trong nhà thiền nói. Như trong bài Tín Tâm Minh tổ Tăng Xán dạy: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm”, tin tâm thì không có hai bên. Hai bên là đối đãi sanh diệt, thoát được cái đó là ra ngoài sanh diệt. Vừa dấy niệm là đã có hai bên, tức là còn sanh tử. Dứt được hai bên mới hết sanh tử. Đó là chỗ Thầy thấy rõ ràng không nghi. 

Từ khi thấy được lý sắc không rồi, Thầy hăng hái tìm đọc các kinh sử của chư tổ để lại. Càng đọc càng thấu rõ, sau đó Thầy tuyên bố ra thất. Tháng 4 vô thì tới ngày 21 tháng 7 ra, năm đó nhuần nên là tháng 7 sau. Từ những điềm trong mộng mà Thầy ứng dụng tu và sáng được như vậy. Mộng mị là hư nhưng nhân mộng mị mình thấy được lý đạo. Đó là điều khó nói. Như vậy hư và thực không có ranh giới. 

Sau này người ta đặt câu hỏi, tu thiền phải có vị minh sư ngộ đạo truyền tâm ấn, vậy Thầy có được ai truyền tâm ấn không? Thầy dạy tu thiền gốc từ đâu? Thầy nghĩ mình có duyên với tổ Huệ Khả. Trong sử kể, ngài Huệ Khả tu thiền mà tâm chưa yên, gặp tổ Đạt-ma xin pháp an tâm. Tổ Đạt-ma bảo: “Đem tâm ra ta an cho”. Tổ Huệ Khả thấy tâm mình là thật vì đang bất an, nghe Tổ bảo ngài quay lại tìm tâm bất an thì nó mất. Ngài thưa với Tổ: “Con tìm tâm không được”. Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Dễ như trở bàn tay. Ngay đó ngài Huệ Khả có lối vào. 

Thông thường chúng ta cho suy nghĩ của mình là tâm. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật đã quở, đó không phải tâm mình, nó chỉ là những bóng dáng duyên theo sáu trần. Tổ biết cái sai lầm của ngài Huệ Khả nên bảo “đem tâm ra ta an cho”. Ngài Huệ Khả tìm không được nhưng cũng chưa biết nó giả, thành thử ngài thưa thật với Tổ, “con tìm tâm không được”. Tổ bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi”, nghĩa là cái ông cho là tâm đó không thật có, vì vậy tìm không được. Biết nó hư dối thì an rồi chứ có gì đâu. Ngài Huệ Khả nhân đây biết được đường vào. 

Từ đó Thầy nhìn lại hướng đi chư Tổ dạy trước sau rõ ràng, không sai chạy chút nào. Chỉ vì chúng ta tu chưa tới nên hiểu không rõ, thành thử cứ lẩn quẩn ra không được. Trong việc tu, chúng ta phải can đảm. Gặp những lúc lao đao lận đận cũng phải chấp nhận. Dù khổ mấy cũng phải tiến tới, mới mong đạt được sở nguyện. Nếu tu lừng chừng, khó một chút thối tâm Bồ-đề thì không đi tới đâu hết. Như vậy mộng của Thầy là hư dối, nhưng nhân mộng thấy được lẽ thật. Đây chính là chỗ hư thực khó phân. 

Một đêm khác Thầy nằm mộng thấy mình vận thần thông bay đi một mình, qua khỏi ngọn cây chứ không cao lắm. Phía dưới con đường đất, hai bên là rừng thông. Hết con đường đó tới cái cổng. Trong tâm tự nhắc mình về chùa, tới cổng đứng dưới nhìn lên thấy đề ba chữ Viên Giác Tự. Giật mình tỉnh dậy, Thầy ngạc nhiên không biết mộng đó là sao. Thầy nhớ lại năm đi qua Nhật được dẫn tới Kyoto thăm chùa Viên Giác, cổng ở đó giống hệt cổng trong giấc mộng.

Thầy có bệnh biết được điều gì hay phải nói ra chứ không giấu giếm. Cho nên cuối năm 1968, Thầy tuyên bố mở cửa thất. Thiên hạ ngạc nhiên, sao nói vô thất không thời hạn mà mới có bốn tháng đã ra rồi. Thầy về trình Hòa thượng Giám đốc, Hòa thượng Đốc giáo là thầy của Thầy, quý ngài đều hoan hỷ. Từ đó Thầy bắt đầu thành lập thiền viện Chơn Không. 

Năm 1968 - 1969, thiền viện Chơn Không ra đời. Thời gian đó nghe nói trên núi Phú Sĩ - Nhật Bản có vị hòa thượng tu ngộ đạo nên sư bà Vĩnh Bửu và sư bà Thanh Lương qua chiêm ngưỡng. Hòa thượng đã già lắm rồi, Ngài hỏi:

 -   Quý bà ở đâu?

Hai vị đáp: 

-   Bạch Hòa thượng, chúng con ở Việt Nam. 

-   Qua đây làm gì? 

-   Chúng con qua đây xin học thiền. 

Hòa thượng nói: 

- Ở Việt Nam có thiền, về bên đó học. 

Về nước, quý sư bà nghe tin Thầy mở lớp dạy thiền nên đến kể chuyện cho Thầy nghe. Về sau quý sư bà hợp tác xây dựng tu viện Bát Nhã bên cạnh Chơn Không để tiện việc học thiền.

Nếu kiểm nghiệm lại thì thấy Thầy đã từng sanh tử không biết bao nhiêu lần. Kể từ thời tổ Huệ Khả, từ khi Thầy biết Tổ tới giờ hơn ngàn năm. Như vậy rõ ràng Thầy đi lang thang từ Trung Quốc dần dần sang Việt Nam vào đời Trần, lại sanh qua Nhật Bản rồi đáo về Việt Nam. Qua đó mới thấy đời chúng ta không chỉ ngang một chặng này thôi, mà từng trải qua một chuỗi dài về trước và một chuỗi dài về sau. Việc tu hành của mình không phải mới nhân đời này mà cộng với nhiều đời của quá khứ. Quá khứ đã từng làm những gì đến đây nó tụ lại. Kiểm lại mới thấy những gì Thầy đã làm thật quá mong ước của mình. Thầy ước một nhưng lại được tới hai ba, không phải do Thầy có tài, chỉ vì đã từng tích lũy tu hành trong nhiều đời. 

Qua những sự việc xảy ra trong đời, Thầy thấy rõ lý luân hồi trong đạo Phật. Chúng ta có mặt ở đây không chỉ một lần mà đã nhiều lần. Nói về những đau khổ của chúng sanh, Phật bảo nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả. Vậy mà chúng sanh đa phần không biết, chỉ lo ăn chơi vui vẻ. Tới chừng ngã đùng ra chết, ra sao mặc kệ. Cứ vậy liên miên đi trong sanh tử không dừng. 

Đức Phật có lòng từ bi rộng lớn, Ngài thấy rõ vòng luân hồi sanh tử nên khuyên dạy chúng ta tu để dứt mầm sanh tử. Chúng ta không thấy cũng không tin nên chỉ tu lừng chừng lấy có. Đó là ý nghĩa lý nghiệp báo luân hồi, từng gieo nhân thì không bao giờ mất quả. Thầy biết tổ Huệ Khả nghĩa là Thầy biết tu thiền. Tới bây giờ tuy không gặp thầy bạn dạy tu thiền, nhưng cố gắng lần mò cũng ra và tu cũng được. Tuy nhiên, thiền ngày nay khác với thiền ngày xưa. Thời Lục Tổ có một số vị được mật truyền tâm ấn. Tại sao gọi là mật truyền? Một câu nói khó hiểu mà mình cố gắng nghiền ngẫm, đến ngày nào đó nó tự bung ra. Sau khi thấy đạo lý, trình lên thầy tổ được hứa khả gọi là mật truyền. 

Hiện nay Thầy không được mật truyền mà lại dạy thiền thì làm sao chấp nhận? Mỗi thời mỗi khác, mật truyền là khi người thầy ngộ được đạo, truyền riêng qua đệ tử. Thời này người ngộ đạo không có, ai mật cho ai? Không có người ngộ đạo mà muốn tu thiền thì phải lý giải. Đường lối của Thầy giống ngài Thần Hội. Hiểu rõ đường đi rồi ứng dụng tu hành, sau đó chỉ dạy lại cho người. Ngày xưa chư tổ được truyền y bát, lấy đó làm biểu tín, nên nói gì người ta cũng tin và cố gắng thực hiện. Hơn nữa lòng tin của những người thời trước mạnh mẽ hơn bây giờ. Ngày nay không như thế nên phải dùng lý giải rõ ràng thấu đáo để người nhận hiểu mà tu. 

Có học nhân tới hỏi tổ Lâm Tế: “Thế nào là Phật?”. Ngài đáp: “Que cứt khô”. Câu nói nghe tàn nhẫn làm sao. Nhưng chính nó đập tan được ý thức, không cho học nhân tiếp tục suy nghĩ. Hỏi: “Thế nào là Phật?”. Đáp: “Cây bá trước sân”. Những câu này đâu phải mật, nhưng vì các ngài không muốn nói trắng ra. Chúng ta cứ ngỡ nó huyền bí lạ thường nhưng sự thật không có gì lạ. Quý ngài dùng nó để chặn đứng tâm suy nghĩ của chúng ta, còn suy nghĩ là còn sai. Hỏi: “Thế nào là Phật?”. Đáp: “Ba cân gai”. Không chỗ vin theo. Phải dừng suy nghĩ mới thấy được chỗ chân thật. 

Chúng ta có bệnh nghe nói thì suy nghĩ tìm hiểu, vì vậy các ngài chặt đứt cái suy nghĩ ấy. Bây giờ biết nó giả, buông không theo nữa thì đâu khác với tôn chỉ của các ngài. Suy nghĩ là hư dối không thật, nó lặng rồi thì cái chân thật hiện tiền. Từ chỗ không suy nghĩ, đến lúc nào đó sáng ra, gọi là thấy đạo. Đường lối tu ngày nay Thầy dạy nói đủ là “Thiền tông lý giải”. Giải cho hiểu lý để tu thiền chứ không phải mật truyền. 

Trên đường tu chúng ta phải hiểu cho tường tận đầu đuôi gốc ngọn. Cách lý giải này có từ đức Phật, chứ không do tự ý Thầy đặt ra. Phật đã lý giải nhưng người ta không hiểu. Vì vậy sau này bậc thượng căn hiểu bằng cách mật truyền. Như chuyện đức Phật đưa cành hoa sen lên trong hội Linh Sơn. Nói mật truyền chứ thật ra đây là sự thông cảm giữa thầy trò, người tới trình độ đó thì liền hiểu ý Phật muốn chỉ. Gốc Phật dạy chúng ta tu là đập chết ý thức, đập bằng cách này hoặc cách khác. 

Ngày xưa lúc còn học trong trường, Thầy nghe các vị lớn hay nói: “Niệm Phật như lấy đá đè cỏ, tu thiền là nhổ cỏ tận gốc”. Nghe vậy biết vậy chứ Thầy không hiểu, tưởng đâu các ngài chê cái này khen cái kia. Nhưng thật sự khi niệm câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, tâm suy nghĩ lăng xăng lặng xuống. Tới chừng buông câu niệm Phật, tâm lăng xăng lại nổi dậy. Dùng áp lực đè xuống thì nó dừng, hết áp lực nó trở lại như cũ. Chúng ta tu thiền biết rõ cái gốc của lăng xăng hư ảo giả dối, bỏ nó là dứt tận gốc. 

Phương pháp trì chú cũng vậy, dùng câu thần chú “Án ma-ni-bát- di hồng”, tuy không hiểu nghĩa nhưng cứ đọc rồi có linh nghiệm. Khi đọc câu chú, tâm không chạy nhảy nhưng buông ra rồi thì nó lại lăng xăng như cũ. Đó là cách mượn một cái đè một cái. Chúng ta tu thiền là đi thẳng từ gốc mà bứng tung lên. Niệm Phật, trì chú hay tu thiền tuy phương tiện khác nhau, nhưng đều dùng để dẹp tâm vọng tưởng. Người yếu đuối muốn tu đời này đời sau được hưởng phước thì dạy niệm Phật cầu sanh Cực Lạc sung sướng. Người ở vùng rừng thiêng nước độc nguy hiểm sợ quỷ thần thì dạy niệm câu thần chú trấn áp ma quỷ. Nhưng pháp nào cũng phải tới được chỗ cuối cùng. Nghĩa là niệm Phật phải nhất tâm bất loạn, trì chú phải tới tam mật tức là thân khẩu ý mật. Mật là yên lặng, không còn niệm gì dấy động. Tất cả các pháp môn của Phật đều quy về chỗ không hai, tùy theo trình độ và căn cơ của mỗi người mà nói thành hai thành ba. Nếu không biết sẽ chấp tông này hay tông kia dở là sanh chuyện. 

Khi chúng ta tu tâm được yên lặng, tuy dứt dao động nhưng nguyện độ sanh không mất. Tức là không phải hết sạch nghiệp rồi nhập Niết-bàn, phải trở lại làm tròn trách nhiệm của mình. Khi nơi này lúc nơi khác, không đâu là chỗ nhất định. Hiểu vậy rồi nhìn lại mới thấy tất cả những người quen hay không quen ở nước này nước nọ, đều là tổ tiên bà con của mình. Ở đâu thì duyên theo đó chứ thật sự mình đã từng lang thang đủ chỗ rồi. Tâm chúng ta không cho phép mình vin người này bỏ người kia, thương người này ghét người nọ. Hiểu vậy trên đường tu mới không mệt mỏi chán ngán, không sợ sệt bất cứ điều gì. Đó là người thấy đúng đạo lý. 

Trong kinh Pháp Hoa Phật kể, ngày xưa Ngài tu hạnh Bồ-tát độ biết bao đệ tử. Đến lúc Ngài thành Phật, những người được độ khi xưa bây giờ đã chứng quả A-la-hán hoặc Bồ-tát. Cứ vậy mà lần lần tiến từ thấp lên cao. Chúng ta ngày nay cũng vậy, có mặt trong hội này rồi cũng có mặt trong hội khác, từ từ tiến lên. Trong chúng đây phải giỏi chân chạy theo Thầy. Thầy đi đâu chạy tới đó, không phải ngang đây dừng. Đi nữa, đi tiếp nhưng không biết đi xứ nào. Tùy duyên. 

Tất cả chúng ta, không ai là kẻ thân người sơ, đủ duyên gặp lại, hết duyên đi. Biết tu thì không còn tâm ích kỷ hẹp hòi, vì thấy ai cũng là người đáng thương. Mình cứ đi hoài trong vô số kiếp làm lợi ích chúng sanh. Phật từng nhiều đời nhiều kiếp tu hành, sau mới thành Phật nên Ngài nói ba vô số kiếp là vậy. Chúng ta bây giờ cũng thế, ráng cần mẫn tu tập để đời này đời sau không chán, không thấy thời gian quá dài sanh mệt mỏi. Mỗi ngày làm được lợi ích cho chúng sanh là điều phước lành tốt đẹp.

Khi Thầy qua Mỹ lần thứ hai, trước khi đi nằm mơ thấy ngồi trên chiếc thuyền mà người miền Tây gọi là tam bản (xuồng ba lá). Một mình Thầy ngồi trên thuyền, tay cầm lái chèo giữa dòng sông sóng gió ầm ầm. Thầy vẫn tiếp tục nắm vững tay lái, tuy sóng gió nguy hiểm nhưng một lúc sau cũng vô được tới bờ nhẹ nhàng an ổn. Tỉnh dậy, Thầy biết chuyến đi này hơi nguy hiểm. Nhưng vì đã nắm vững đường lối tu nên Thầy nghĩ chắc không có gì. Quả thật, qua bên đó Thầy gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, rốt cuộc mọi sự đều bình an tốt đẹp. Vì vậy trong mơ là hư nhưng sự thật lại như vậy, thành thử Thầy đặt tên chuyến đi đó là “Chuyến đi bão táp”. 

Bây giờ Thầy giải thích tại sao lại đặt tên núi này là Phụng Hoàng. Thầy từ Chơn Không xuống Thường Chiếu, khí hậu dưới đó quá nóng chịu không nổi. Nhân dịp mấy Phật tử đưa Thầy lên đây nghỉ mát và dạo hồ Tuyền Lâm. Thấy cảnh trí nơi đây Thầy rất thích. Thầy nghĩ nếu có được cảnh này cất thiền viện thì tốt quá, yên tĩnh và mát mẻ. Đêm đó về chùa Quan Âm ngủ, Thầy nằm mộng thấy con chim Phụng Hoàng to bay liệng trên không rồi sà xuống bên Thầy, Thầy đưa hai tay ôm cổ nó rồi giật mình thức dậy. Thầy biết đây là điềm lành, chắc chắn sẽ xin được đất trên này. 

Sau đó Thầy bắt đầu xin giấy phép, tuy kéo dài một hai năm nhưng cuối cùng cũng được. Vì mộng thấy chim Phụng Hoàng nên xây cất xong, Thầy đặt tên núi là Phụng Hoàng. Mộng biến thành thật, rõ ràng hư thật không lường được. 

Tóm lại buổi nói chuyện hôm nay có ba điều Thầy nhắc nhở. Thứ nhất, tu Phật phải tin lý luân hồi. Chúng ta không chỉ có mặt một lần trên đời, không phải chết lần này là hết, mà đã qua lại trong sanh tử rất nhiều lần rồi. Thứ hai, tin chắc nhân nào đã gây tạo thì không mất. Ngày xưa Thầy từng tu thiền nên bây giờ tuy không gặp ai dạy tu thiền mà vẫn có thể tu được. Thứ ba, chúng ta không phải là người Việt Nam muôn đời, đời sau sẽ đi đâu chưa biết. Vậy thôi đừng oán hờn, thù ghét ai. Đối với tất cả mọi người, chúng ta hãy mở tâm rộng lớn, biết đâu họ từng là những người thân quen của mình ngày xưa. 

Phật dạy chúng ta từ bi thương tất cả chúng sanh, không phải là điều vô lý. Bởi vì có những con vật tuy xấu xa mà biết đâu chính nó là thân nhân đời trước của mình. Thấy tất cả chúng sanh đều là thân quyến thì mình nên khởi tâm từ bi. Biết tất cả sự việc mình làm không mất, chỉ trước hay sau thôi. Kế nữa là con đường sanh tử luân hồi, gieo được hạt giống nào thì hạt giống đó sẽ từ từ trổ hoa. Tin được như vậy thì sự tu của chúng ta không thối chuyển. 

Thầy kể những chuyện này mong đại chúng nghe rồi nghiệm xét. Trong đời sống tu hành khéo xử sự đúng đạo lý, mở tâm rộng rãi đối với tất cả mọi người xung quanh. Được như vậy sự tu mới có kết quả tốt đẹp. Chúc đại chúng thành công trên con đường tu hành.

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 51312
  • Online: 31