Đức Phật ra đời

27/04/2023 | Lượt xem: 5702

TT.Thích Tâm Hạnh

Hơn một tuần nay, trên mọi nẻo đường từ thành thị đến thôn quê, đâu đâu cũng chuẩn bị trang hoàng cờ đèn, thiết trí lễ đài trang nghiêm trọng thể cùng nhiều hoạt động khác. Cho đến sáng  ngày Rằm tháng Tư, cùng một khung giờ, từ tất cả các lễ đài, chư vị Tăng Ni cùng toàn thể Phật tử đồng làm Lễ Phật Đản. Tất cả đã cho mọi người trên thế giới thấy được một sự kiện đặc biệt trọng đại; ghi dấu, tôn quý sự ra đời của một đấng giác ngộ xuất hiện trên cõi đời đầy đau khổ lầm than này.

I. ĐỨC PHẬT RA ĐỜI, SỰ GIÁC NGỘ XUẤT HIỆN:

Lễ Phật Đản là lễ kính mừng ngày đức Phật ra đời. Cụ thể là hằng năm, vào ngày trăng tròn của tháng tư, mỗi người con Phật đều làm lễ kỷ niệm mừng ngày chào đời của thái tử Sĩ-đạt-ta. Sau này lớn lên, thái tử đã xuất gia tu hành chứng đắc đạo quả, trở thành một vị Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ai ai cũng có ngày sinh, nhưng tại sao ngày sinh của vị thái tử này lại được nhân loại chú trọng và biến thành cả tuần lễ hội trọng đại? Sự kiện này đã hơn 2560 năm rồi, nhưng tại sao cho đến nay mọi người vẫn còn tôn vinh đến vậy? Bởi đây không phải là việc sanh ra đời một con người tầm thường, mà là sự xuất hiện của một đấng giác ngộ, đem ánh sáng giác ngộ soi sáng vào cõi mê lầm. Như ánh đuốc, như vì sao, như ánh trăng rằm sáng vằng vặc trong đêm, xóa tan mọi u tối, khổ đau cho nhân loại. Cái khổ của đói cơm rách áo chưa gọi là khổ. Cái khổ làm thân trâu ngựa kéo cày kéo xe chưa phải là cái khổ lớn. Chính sự vô minh tăm tối, lầm đường lạc lối để phải chịu khổ mãi trong luân hồi sanh tử không biết ngày ra mới là nổi khổ lớn nhất của tất cả chúng sanh. Đức Phật ra đời đã chỉ cho chúng ta một con đường xáng lạn, nẻo về giác ngộ, chấm dứt hết mọi khổ đau. Cảm từ ân sâu đậm và lớn lao ấy của đức thế tôn, vì tôn trọng sự giác ngộ lớn lao nơi mỗi chúng ta đã phần nào cảm nhận được cho nên mọi người trên thế giới, ai nấy đều hướng về ngày trọng đại này.

Đức Phật nào ra đời? Sự giác ngộ ấy là gì? Tổ Lâm Tế dạy: “Các ông nếu hay bặt được tâm luôn luôn chạy tìm, liền cùng Phật Tổ chẳng khác.” Hoặc là: “Quý vị một niệm không sanh thì lên cây Bồ-đề (giác ngộ), thần thông biến hóa trong ba cõi, được ý sanh thân, được thiền duyệt Pháp hỷ, thân thể sáng suốt tự soi.” Tức là Tổ dạy, nếu chúng ta một niệm không sanh, ngay đó đức Phật nơi chính mỗi người ra đời.

Tất cả chúng ta bị khổ là do nghiệp chi phối. Nghiệp từ ba nơi là thân, miệng và ý tạo tác mà có ra. Trong ba chú ấy, ý là chủ đạo. Nếu ý không khởi thì miệng không nói, thân không làm, nghiệp từ đâu mà tồn tại? Cho nên, tịnh ngay ý thì vọng niệm không còn, các nghiệp đều được thanh tịnh, dứt trừ mê lầm, vô minh phiền não liền đó dứt sạch, tâm tánh rộng lớn thênh thang trùm khắp, trong ngần, sáng ngời không có gì sánh được, tánh Phật hiển hiện rõ ràng. Ngay đó đức Phật nơi mỗi chúng ta ra đời. Mới biết, đức Phật thị hiện đản sanh không chỉ là dưới cội Vô-ưu ở đất nước Ấn Độ xưa nữa, mà Phật ra đời còn là ngay nơi nguồn tâm của mỗi một chúng ta. Đây không phải do Tổ Lâm Tế nói ra một vấn đề tầm thường để chúng ta dễ tin theo, chấp nhận; mà chính là ngài nêu lên một sự thật, một chân lý tuyệt đối, nhắc lại thâm ý của Phật muốn chỉ bày để chúng ta biết và thực hành cho đúng và có kết quả tốt. Bởi lẽ đức Phật Thích Ca Mâu Ni vốn dĩ là một vị đầy đủ phước đức và trí tuệ vĩ đại. Ngài thị hiện vào đời không phải vì thích nhận lấy điều gì nơi chúng sanh, không muốn chúng ta phục vụ hay lễ lạy ngài để làm gì, mà chỉ vì một điều duy nhất là chỉ bày cho chúng sanh, nhận ra và sống cho bằng được với “trí tuệ thấy biết Phật” nơi chính mỗi người. Tức là đức thế tôn muốn chúng ta được giác ngộ để hết khổ, an vui như ngài đã đạt được. Bằng chứng là ngài đã dạy: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.” Hoặc: “Ta là Phật đã thành. Các ông là Phật sẽ thành.” Hay là: “Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật.” Vì vậy, chúng ta khéo dụng tâm tu hành, lóng lặng tạp niệm, tánh Phật hiện tiền. Ngay đó, đức Phật nơi chúng ta đản sanh, ra đời. Tu tập được như vậy là thực hành đúng lời Phật dạy, đúng với thâm ý mà ngài muốn chỉ cho tất cả chúng ta.

Đức Phật dạy có ba pháp cúng dường. Đó là lợi cúng dường, kính cúng dường và tu tập cúng dường. Trong mùa Phật đản, chúng ta chuẩn bị hương hoa, tịnh phẩm, cờ đèn trang nghiêm, đó là dùng lợi dưỡng dâng lên đức Phật. Chúng ta cũng đã cung kính làm lễ, đảnh lễ đức Thế tôn, đó là kính cúng dường. Và nếu không hiểu pháp, không hiểu lời chư Phật chư Tổ để ứng dụng tu tập thì vẫn còn thiếu một ý nghĩa quan trọng, đó là tu tập cúng dường. Người xưa nói: “Cung kính bất như phụng mệnh.” Nghĩa là, sự cung kính không gì bằng vâng lời và làm theo. Như gia đình mình có cháu còn nhỏ. Trước mặt mình thì bao giờ cũng lễ phép ngoan ngoãn, nhưng khi ra đường thì cháu không chịu làm theo những gì ba mẹ, thầy cô giáo đã chỉ bảo. Một người con như thế sẽ không làm cho phụ huynh yên tâm chút nào. Nếu trước mặt mình cháu đã vâng lời theo những gì chúng ta chỉ bảo như thế nào thì khi ra xã hội, cháu cũng sống đúng như vậy. Biết vâng lời như thế thì bậc phụ huynh nào mà không yên tâm, không tự hào về con em của mình! Chúng ta còn trong mê lầm cho nên vẫn còn rất thơ dại trong mắt của một bậc giác ngộ trọn vẹn như Phật. Nếu biết làm theo lời Phật Tổ chỉ dạy, khéo tu tập cho thân tâm trở nên thanh tịnh, ngay đó đức Phật của chính mỗi người ra đời. Từ đây chúng ta bắt đầu lớn khôn, cũng chính là điều Phật Tổ mong mỏi nơi mỗi chúng ta, chứ quý ngài không hề muốn mình cứ thơ dại và đi theo nương tựa quý ngài mãi.

II.    TỪ TRONG BÙN LẦY VƯƠN LÊN:

Khi vào đời, thái tử đã bị Vua cha Tịnh Phạn ép lập gia đình, hạ sanh La-hầu-la… Tức là ngài cũng đã có gia đình rồi mới xuất gia, tu hành và thành đạo. Đã là thị hiện, tại sao ngài không ngồi thiền kiết-già, phóng hào quang từ hư không bay xuống mà phải sanh ra đời và lập gia đình như mọi người rồi mới đi tầm đạo, khổ nhọc tu hành, sau đó mới thành được đạo quả? Nếu ngài xuất hiện trong trường hợp thánh thiện thanh cao vi diệu như thế thì bây giờ con người chúng ta không ai đủ niềm tin để tu hành được. Bởi mọi người nghĩ rằng, ngài cao siêu như vậy mới tu hành thành đạo được. Còn như mình thì phàm phu quá làm sao tu hành thành được gì. Đặc biệt ngài vào đời bình thường, như là vẫn lấm lem trong bùn ngũ dục của cuộc đời như bao nhiêu con người khác. Nhưng một khi đã quyết chí tu hành thì ngài dứt khoát, kiên quyết và tu hành thành được đạo quả. Cho chúng ta một niềm tin rằng, không luận người ngu hay kẻ trí, người giàu kẻ nghèo, ai ai cũng có khả năng tu hành giác ngộ thành Phật. Đây là một điểm vô cùng đặc biệt, như hoa sen mọc từ trong bùn, vươn lên khỏi bùn lầy, tỏa hương thơm ngát.

Đời Tống ở Trung Hoa có hai vị Thượng tọa Thâm và Thượng tọa Minh có duyên sự cùng sang đò qua sông Hoài. Đang trên sông, thấy người bủa lưới đang kéo, có con cá to nhảy khỏi lưới ra ngoài. Thượng tọa Thâm vỗ tay khen: “Hay thay! Như Thiền sư.” Thượng tọa Minh không đồng ý bảo: “Phải ở ngoài lưới mới hay, đợi vào lưới rồi mới nhảy là muộn.” Thượng tọa Thâm nói: “Huynh Minh chưa hiểu.” Đi hơn dặm đường, Thượng tọa Minh bỗng nhận ra chỗ sai, liền sám hối.

Không kể đến các bậc Thánh nhân thị hiện nơi đời, phát nguyện vào đời cứu độ chúng sanh, các ngài không còn bị nghiệp chi phối. Còn lại tất cả chúng ta đều vì nghiệp thúc đẩy mà ra đời thì có ai là người sanh ra đã ở ngoài lưới, không vướn vào lưới nghiệp? Cho nên, nếu nói “phải ở ngoài lưới mới hay” thì ai là người ở ngoài lưới? Nếu nói “phải ở ngoài lưới mới hay”, trong khi không ai trong chúng ta sanh ra đã ở sẵn ngoài lưới nghiệp cả thì lời nói này sẽ vô nghĩa, không còn tính thực tiễn nữa. Hơn nữa, người đã ở sẵn ngoài lưới rồi thì còn gì cần nhảy ra, là chuyện đã hẳn nhiên rồi, có gì phải bàn nói thêm làm gì cho dư thừa nữa? Tất cả mọi người đều đang còn trong lưới nghiệp, nhưng nếu vị nào phát được chí xuất trần, nhảy tung ra được khỏi lưới thì mới là người có sức mạnh vĩ đại, đáng tán thán khen ngợi như một vị Thiền sư.

Từ sự kiện đức Phật vào đời bình thường như bao nhiêu người khác rồi phát tâm xuất gia tu hành thành đạo, cho đến câu chuyện chỉ dạy đạo lý của chư vị thiền sư, các ngài luôn vì chúng sanh, muốn cho tất cả chúng ta phải khéo tu hành để không còn mê lầm, không còn bị mọi thứ trong đời chi phối để phải khổ đau một cách oan uổng.

Có mấy chú bé thưa với quý Thầy: “Lớn lên con cũng học như thái tử Sĩ-đạt-ta, cũng lập gia đình rồi mới đi tu.” Có nhất thiết phải học hết mọi thứ đức Phật đã thị hiện qua như chú bé này không?

Ví dụ xưa kia muốn làm ruộng thì phải chuẩn bị gieo mạ từ mấy tháng trước. Kế đến là chuẩn bị đất bằng cách cho nước vào ruộng để ngâm cho cỏ rạ mục đi. Sau đó phải cài trâu vào cày, rồi bừa và trục nhiều lần. Cuối cùng mới nhổ mạ đem vào khom lưng để cấy từng tép một. Hiện nay thời đại văn minh, khoa học kỹ thuật phát triển, con người tiến bộ, không còn phải gieo mạ, cày, bừa và trục nhiều lần bằng trâu vất vả như xưa. Đã có những loại máy cho luôn cả lúa giống vào rồi cày đến đâu, lúa được cấy sạ đến đó, tiếc kiệm mọi thứ, khỏe vô cùng. Vậy thì bây giờ muốn làm nên hạt lúa, chúng ta có nhất thiết phải quay về làm từng bước một bằng thủ công như ông bà mình ngày xưa nữa hay không? Tất nhiên là không. Bây giờ kể lại còn không có được nhiều người biết hết những danh từ “cày, bừa, trục” này là gì nữa, nói chi đến quy trình trồng lúa theo kiểu cổ điển. Bởi đã kém hiệu quả lại còn vất vả thì không ai lại đi lùi trước đà ngày càng tiến bộ của xã hội.

Cũng thế. Xưa kia khi thái tử Sĩ-đạt-ta mới ra đời, mọi người không ai biết Phật, Pháp, Tăng là gì. Chưa một ai biết Tam Bảo là gì cả. Tất cả đều không, cho nên đức Phật phải tùy vào sự hiểu biết của chúng sanh mà thị hiện theo những quy trình cần thiết nhất định. Bây giờ Tam Bảo đã có. Rất nhiều người biết đến Phật, hiểu chánh Pháp và được chúng Tăng giảng dạy thường xuyên. Thế thì chúng ta chỉ nên kế thừa những tinh túy quý báu đang có của Phật Tổ để lại mà tu hành, phát huy thêm cho có kết quả, chứ đâu cần nhất thiết phải học theo kiểu rập khuôn như chú bé kia nghĩ? Đức Phật cũng không cho chúng ta học đạo theo kiểu đó. Học đạo như vậy, ngài nói mình chấp ngón tay mà cho là mặt trăng; chấp phương tiện mà quên cứu cánh; là người không biết ăn xoài. Một trái xoài muốn hình thành thì phải có đủ hạt, vỏ và cơm xoài. Nhưng người được ăn xoài thì phải biết lựa bỏ vỏ và hạt ra, chỉ ăn cơm của trái xoài thôi. Học theo trọn vẹn như chú bé kia là người không biết ăn xoài, nuốt luôn cả vỏ lẫn hạt. Như thế có thông minh không? Không chỉ riêng việc học đạo mà đối với tất cả mọi việc trong đời cũng vậy. Dựa trên căn bản trí tuệ, kế thừa những điều hay đang có để phát huy thêm; những gì chưa có thì sáng tạo, làm mới. Được vậy mới là người có trí tuệ biết vận dụng trong cuộc sống.

III.    XUẤT GIA, KHÔNG NƯƠNG TỰA:

Sau khi đi ra bốn cửa thành chứng kiến cảnh đời đau khổ bởi sanh già bệnh chết, ngài đã phát tâm xuất gia tu hành. Trải thời gian tầm học với các vị Tiên nhơn, tu khổ hạnh; cuối cùng tọa thiền và thành chánh quả. Tại sao đức Phật phải thị hiện xuất gia để thành đạo mà không ở hình thức cư sĩ tại gia? Không phải chỉ riêng đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà ba đời chư Phật, chưa có vị nào không thị hiện xuất gia để thành đạo. Tức là vị Phật nào cũng thị hiện hạnh xuất gia để thành đạo cả. Vì sao như vậy?

Ý nghĩa của việc xuất gia thì đức Phật và chư vị Tổ sư đã chỉ dạy trong Kinh Luận. Ở đây, quý thầy chỉ muốn nói đến xuất gia theo một ý nghĩa mà ai cũng có quyền thực hành được, đó là “không còn nương tựa”. Xuất gia là ra khỏi nhà thế tục, không còn nương tựa bà con thân thích, quan hệ bạn bè… Ra khỏi nhà phiền não, không còn nương tựa bất cứ những thứ lợi danh gì trong đời làm cho chúng ta phiền não, khổ đau. Ra khỏi sự ràng buộc của ngôi nhà tam giới: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Tóm lại, xuất gia có nghĩa là không còn nương tựa hay dựa vào bất cứ một điều gì, thứ gì trong ba cõi này để nó phải ràng buộc khiến cho chúng ta phải khổ não một cách vô lý nữa. Là giác ngộ để giải thoát mọi khổ đau. Cho nên, điều muốn nhắc đến ở đây chỉ nằm trong phạm vi của ý nghĩa “không còn nương tựa.” Bởi người biết sống không nương tựa một cách đúng mức, tự đứng vững bằng đôi chân của mình thì mới là người có đầy đủ trí tuệ, năng lực, nguồn an lạc và lòng từ bi. Tự mình mạnh mẽ, có trí tuệ thanh tịnh rỗng suốt, có niềm an lạc vô biên, như thế mới có được tâm thái thênh thang rộng lớn để cảm thông; có đầy đủ năng lực để cứu giúp mọi người.

Điểm yếu lớn nhất của con người chúng ta và cũng chính là điểm chính yếu khiến cho con người ta bị yếu đuối để rồi phải chịu khổ, đó là nương tựa. Tất cả chúng ta luôn luôn tìm một thứ gì đó bên ngoài để dựa vào. Hễ vừa rảnh rang thì thấy lòng mình trống trải, liền tìm một điều gì đó để lấp vào khoảng trống. Như là lên mạng đọc tin, chơi game, giao lưu, đi mua sắm, gọi điện thăm bạn bè, dạo phố, đi cà-phê, nghe nhạc, xem phim… Những thứ vụn vặt thì ăn uống, nhậu nhẹt, đi du lịch hay tìm đến những nơi giải trí… Lớn hơn thì phải có bạn bè, phải có mọi thứ quan hệ… Rõ ràng, con người chúng ta luôn tìm kiếm vô vàn thứ để lấp vào khoảng trống, đồng nghĩa là chúng ta luôn luôn nương tựa, bao giờ cũng dựa vào một thứ gì đó để sống chứ chưa biết tự sống, tự đứng vững bằng con người chân thật không nương tựa nơi mỗi chúng ta.

Có lần trong lúc chuẩn bị hương đèn làm lễ. Thầy A cầm ngọn đuốc trên tay, lửa đang bốc cháy để thắp nhang, nhưng miệng Thầy lại gọi Thầy B cho mượn hộp quẹt (bậc lửa) để đốt đèn cầy (nến). Trên tay đang có lửa mà không tự mình đốt đèn, lại đi kêu xin nhờ lửa của người khác. Đây là do thói quen nhìn ra, nương tựa, quên mình. Khi lo ra nương tựa mọi thứ bên ngoài thì con người đã bỏ quên đi một báu vật vô cùng quan trọng, đó là chính mình.

Ví như khi nghe giảng, quý vị hiểu bài và gật gù, nhưng nhà cửa cũng ở cạnh bên mình mà nó không hiểu gì cả. Bởi vì nó không có khả năng tự hiểu cho nên nó không thể hiểu. Còn con người chúng ta thì có khả năng tự hiểu ấy, cho nên khi tiếp xúc mọi thứ, chúng ta hiểu được. Vậy thì, trước khi muốn hiểu những thứ bên ngoài, con người ta đã có sẵn khả năng tự hiểu. Nhưng lại bận lao ra hiểu theo mọi thứ bên ngoài mà bỏ sót khả năng, tiềm năng hiểu nơi chính mình. Khả năng tiềm tàng này chính là trí tuệ căn bản, là con người chân thật của tất cả chúng ta. Nó rất vĩ đại, rất quan trọng đối với con người mà mình lại bỏ sót. Nếu quý vị biết dừng các duyên bên ngoài, khéo nhận ra và sống trở về bằng trí tuệ chân thật đó để sinh hoạt, để học hành, để làm mọi thứ cần thiết, chúng ta sẽ nhận ra một điều kỳ diệu là cuộc sống này vốn không động mặc dù nó vẫn đang vận hành. Ai từng nhận lại khả năng tiềm tàng này mới biết được chân lý tối thượng nơi mỗi chúng ta là gì. Ngược lại, nếu bỏ quên trí tánh thanh tịnh này là lý do đánh mất đi nguồn sống chính yếu, phần khí lực và sức mạnh quan trọng để phải chìm trong trầm luân, chịu các khổ nạn một cách oan uổng, thật không đáng có.

Chư Phật thị hiện xuất gia, đệ tử Phật đi xuất gia chỉ để nhận ra chân lý tối thượng nơi chính mỗi người. Không phải chỉ giới hạn trong phạm trù của những người đi tu mà tất cả những người dù ở tại gia hay đã xuất gia, nếu muốn tu hành để nhận ra chân lý tối thượng này thì cần phải biết một điều quan trọng là, mỗi một chúng ta phải bớt dần mọi duyên cho đến khi không còn nương tựa. Vì thế Tổ Đạt Ma dạy:

Ngoại tức chư duyên,            Ngoài dứt các duyên,
Nội tâm vô đoan.                   Trong không một niệm.
Tâm như tường bích,            Tâm như tường vách,
Khả dĩ nhập đạo.                   Mới được vào đạo.

Tổ Đạt Ma dạy người tu hành muốn thể nhập đại đạo thì bên ngoài phải dứt hết các duyên, muôn duyên buông xuống, không còn nương tựa bất cứ gì. Bên trong tâm mình không còn một mối manh động niệm. Trong ngoài đều dứt bặt, tâm vòi vọi thẳng đứng như tường vách thì mới có thể nhận ra, sống về bằng đạo lý chân thật, tức là tánh Phật nơi mỗi người chúng ta. Bởi chân lý tối thượng này vốn dĩ nó không tựa nương vào bất cứ gì, chỉ là vòi vọi riêng sáng rỡ.

Cư sĩ Long Uẩn đến tham vấn Mã Tổ Đạo Nhất:

- Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì?

Ông Bàng Long Uẩn hỏi về người không cùng muôn pháp làm bạn, tức là người không nương tựa, không dựa vào bất cứ gì, con người ấy như thế nào? Mã Tổ bảo:

- Đợi miệng ông hút hết nước Giang Tây, ta sẽ nói cho ông.    

Ngay câu nói này, ông ngộ được huyền chỉ và dừng ở chỗ Mã Tổ hai năm.

Nói như ở đây là: “Đợi đến khi ông hớp cạn hết nước của Hồ Tỉnh Giác (Hồ Truồi) của Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thì quý thầy sẽ nói cho.” Làm sao có người nào dùng miệng mà hút cạn hết gần sáu triệu khối nước ở đây được? Nói như vậy quý vị có hiểu được gì không? Không thể hiểu nổi! Ngay khi không thể hiểu là chỗ tâm không còn sanh khởi. “Thẳng đó nhận đi!”, thì con người chân thật nơi mỗi chúng ta vốn không nương tựa, “không làm bạn với muôn pháp” hiển hiện ra liền. Người nhận ra được chân lý tối thượng này thì có đầy đủ định lực, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nguồn an lạc; không còn bị ngoại duyên chi phối. Nếu không như thế thì sẽ vẫn còn nương tựa mọi thứ, vẫn phải bị yếu đuối, sợ sệt và chịu các khổ đau.

IV.    VẬN DỤNG TÍNH CHẤT KHÔNG NƯƠNG TỰA VÀO GIÁO DỤC:

Trong sách giáo khoa cấp Tiểu học thời xưa có bài học “Mẹ ơi!”. Mẹ bận giặt đồ ngoài giếng, trao cho chú bé chùm chìa khóa bảo vào mở cửa quét nhà. Bé hỏi: “Mẹ ơi, trong chùm chìa khóa này, chìa nào mở được cửa vậy?” Mẹ bảo: “Con cứ lần từng chìa để tự tìm lấy. Lần sau đừng gọi mẹ ơi nữa!” Hôm khác bận tay, mẹ bảo bé trông coi nồi cơm đang nấu trên bếp. Cơm sôi, nước trào lên. Bé gọi: “Mẹ ơi, cơm trào rồi.” Mẹ bảo: “Thì hạ bớt lửa rồi rót bớt nước ra. Nhớ lần sau đừng gọi mẹ ơi nữa nhé!”

Xưa kia cuộc sống con người còn nghèo khó, mọi thứ thiếu thốn, thời gian không có để giành cho nhau. Mỗi người dù lớn hay nhỏ đều phải có trách nhiệm với cuộc sống chung. Mọi người dạy cho nhau cách tự lực vận động bản thân, sống bằng năng lực của chính mình để nổ lực vực dậy cuộc sống. Hóa ra trong hoàn cảnh như là thiếu thốn mọi bề thì chúng ta lại có được điều mà mình cần, đó là tự đứng lên bằng chính đôi chân của mình, không nương tựa. Cũng chính vì thế cho nên theo thời gian, đời sống người dân ngày càng khá giả, mới có một xã hội văn minh hiện đại, đầy đủ mọi thứ như ngày hôm nay. Nhưng đến lúc cuộc sống được đầy đủ tiện nghi thì nhiều người lại quên đi giá trị không nương tựa này cho nên đã bị sai lầm. Cụ thể là khi đời sống vật chất càng dồi dào thì con người ta lại càng bị nương tựa, bị lệ thuộc, bị nô lệ quá nhiều vào mọi thứ bên ngoài, mất hết sự tự chủ của mình. Bị mọi thứ sai sử khiến mình ngày càng yếu đuối, tồi tệ; dẫn đến đời sống sa đọa, mất tư cách đạo đức, có khi mất hết cả tính người. Mới thấy tầm quan trọng của mỗi cách sống sẽ tác động ảnh hưởng đến cuộc đời của con người ta là lớn lao như thế nào!

“Đừng gọi mẹ ơi nữa!” Đó là người xưa biết cách dạy cho con mình ngay từ khi còn bé không có thói quen nương tựa bên ngoài để phải mắc bệnh ỷ lại, yếu đuối. Các bậc cha mẹ muốn con em mình lớn khôn bằng cách để cho nó phải tự động não, phải tự tư duy, tập đứng quen trên chính đôi chân của nó. Từ nhỏ đã được rèn luyện, đã có thói quen như vậy rồi. Sau này lớn lên sẽ có đầy đủ sức mạnh, đầy đủ trí và lực để tự đứng vững; không bị phong ba bão táp của cuộc đời làm dao động, quỵ ngã.

Hiện nay chúng ta dạy con em mình theo cách nào? Bảo rót một ly nước mời khách thì căn dặn đủ thứ. Đưa con đi học nước ngoài thì nhắc nhở liên hồi… Luôn đưa sẵn nhiều điều để con mình nương theo đó. Làm như thế sẽ khiến cho cháu ỷ lại vào điều đã có sẵn, lười tư duy và đánh mất cơ hội tự lập để lớn mạnh. Chúng ta luôn sợ con mình sau này bước ra trường đời bị yếu đuối, không đủ bản lĩnh để theo kịp mọi người; trong khi chính mình đang tạo nên sự yếu đuối đó. Mọi người thường có quan niệm con gà bao giờ cũng khôn hơn cái trứng cho nên dạy bảo theo kiểu rập khuôn, áp đặt để đứa trẻ bị tê liệt theo biểu mẫu có sẵn; không có gì là chính nó cả thì thử hỏi làm sao bé lớn mạnh và khôn ngoan lên được!

“Đi ra cho biết đó biết đây,
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”

Có thoát ra khỏi vòng tay âu yếm của người mẹ thì bé mới biết sống tự lập và lớn khôn. Câu ca dao trên đã nói lên sự cần thiết của cách giáo dục tư duy độc lập, không nương tựa để bị yếu đuối, lạc hậu. Con người ta ai cũng quen nương tựa hơn là tự đứng vững một mình. Đây chính là điểm yếu. Tại sao không nhơn điểm yếu đuối này để dạy bảo? Muốn giáo hóa trước tiên phải hàng phục. Phải biết cách khiến cho những hào khí sai lầm của tuổi trẻ bị lung lay thì nó sẽ thật sự cần đến mình. Khi ấy, những điều hay mình muốn dạy bảo sẽ được con tôn trọng, thấy là cần thiết và vâng theo. Được vậy thì việc giáo dục của mình không có kết quả hơn sao!

Ví dụ ngày mai có đám dỗ. Bố mẹ muốn dạy cho con biết cách tổ chức. Với tâm thái rất bình thường tự nhiên, bảo với con: “Ngày mai có đám giỗ, nhưng bố mẹ bận việc phải về muộn. Con lấy tiền đi chợ làm giỗ cúng ông bà giúp bố mẹ nhé.” Chỉ nói thế thôi, đừng căn dặn chỉ vẽ thêm gì cả. Đó là cách không có một mệnh đề gì trước để cháu nương tựa, phải tự đi lo liệu mọi thứ một mình. Lần đầu tiên rơi vào tình huống bất ngờ này con người ta sẽ bị hụt hẫng, bối rối, chơi vơi. Lúc này phải tự tư duy; như thế đồng nghĩa nó tự lớn mạnh và sẽ tự tin về sau. Điều gì cần thiết thì chắc chắn cháu sẽ tự tìm hỏi người từng kinh nghiệm hiểu biết, đó là mình. Đến lúc này chúng ta gợi ý, dạy bảo sẽ có giá trị, sẽ thấm sâu vào cháu và không bao giờ quên. Giống như để bụng thật đói rồi cho ăn thì mới có cảm giác ngon miệng. Những sự việc khác cũng khéo vận dụng tương tự. Trả lại sự tư duy độc lập, không có chỗ nương tựa; gợi ý tò mò để tự tìm học sẽ tạo nên bản lĩnh cho con người chúng ta tự tin và sáng tạo. Gần giống như phương pháp dạy kèm cho học sinh làm toán vậy. Chỉ gợi ý để các em động não, phát huy năng lực của chính các em. Nếu như bí quá, chúng ta mới gợi ý thêm một chút để có cơ sở cho các em tư duy tiếp. Cứ như thế cho đến khi giải được bài toán thì học sinh sẽ thích thú và nhớ mãi. Bởi đó là sản phẩm bằng sức lao động của chính các em. Bằng cách này, trí tuệ được tôi rèn, cọ xát và thông minh hơn. Giải toán là để trau dồi trí tuệ. Chúng ta cần trí tuệ phát minh chứ không phải quan trọng việc giải bài toán để được điểm. Nếu cứ ra bài dễ và giải ra sẵn để học sinh chép vào, chúng sẽ ỷ lại không chịu động não, sẽ ngu dốt với những con điểm mười khuôn mẫu và không có gì là của chính nó cả.

Một điều phụ huynh dễ mắc phải là thường bắt buộc con em nhất thiết phải làm theo đúng ý của mình. Có khi gần giống như muốn biến cháu thành một cục bột để nắn theo hình thù tưởng tượng của mình vậy. Nhiều vị đã làm như vậy và cho ra một kết quả tệ hại; một con người tự ty, ngây ngô đến thẩn thờ, bên trong tâm hồn quá nhiều tư tưởng lộn xộn, chẳng khác mấy một chiến trường hỗn độn; trạng thái thoạt buồn, thoạt vui, bỗng dưng lại cáu gắt một cách vô lý; không thể xác định được hướng đi cho cuộc đời mình. Rút kinh nghiệm này, chúng ta phải biết cách làm cho con trẻ tự lớn mạnh. Điều gì không sai thì đừng sửa. Bởi chúng ta muốn nó phải có cái là của nó. Nó phải chủ động, mạnh mẽ và tự đứng vững bằng năng lực của chính nó. Điều này sẽ có rất nhiều tác dụng tốt và trừ được nhiều điều xấu cho con mình về sau. Đó là cách biết làm cho con không có thói quen nương tựa, tự lớn mạnh, có trách nhiệm với bản thân và mọi người. Có thể mình phải biết chấp nhận một số vụng về, khiếm khuyết của buổi đầu để con em mình được trưởng thành. Bởi chúng ta cần sự lớn mạnh để mai này còn làm nên nhiều việc trọng đại, chứ không phải quá quan trọng những thứ tạm thời trước mắt để vùi lấp tương lai của các cháu sau này.

Vận dụng được như vậy là người biết dùng nhiều cái đầu cùng góp sức nhau làm nên đại sự. Nếu cứ dùng cách con gà bao giờ cũng khôn hơn cái trứng để đưa ra đủ điều buộc người khác phải theo ý mình là chúng ta đã tự nguyện một mình một bóng đi phục vụ cho nhiều người khác. Như thế sẽ không làm nên được nhiều điều, không làm được việc lớn. Là một nhân tài thực sự đã là giỏi. Nhưng nếu ai khéo điều hòa và sử dụng được nhiều nhân tài, người này chắc chắn phải có khả năng đặc biệt hơn. Đừng bao giờ đổ thừa cho một người tài nào đó có chứng khó trị, không cộng sự được. Nếu còn một ai mình thấy bất lực, không chịu được thì đó là lúc chúng ta nên xem lại đời sống, năng lực và trí tuệ của mình còn hạn chế gì để nổ lực phấn đấu thêm.

Hoặc giả khi nghe ai hỏi về một vấn đề gì, chúng ta không nên vội trả lời bằng cách xối xả tuôn ra nhiều điều để giải thích. Như thế là bị cuốn theo đối phương, bị cuốn theo câu hỏi. Trả lời như thế vô tình khiến cho người nghe có cảm giác như chúng ta đang bao biện, bào chữa cho dù đó là một điều trung thật. Hơn nữa, những điều mình ào ạt đưa ra một cách sẵn quá, chẳng khác nào cho họ một chỗ tựa để tạo thành thế mạnh và biến mình làm kẻ thụ động, yếu kém; đưa đến cách giải quyết vấn đề không làm cho người hỏi được thỏa mãn. Thay vì như thế, chúng ta sẽ trả lời bằng cách hỏi ngược lại khiến họ bị bất ngờ, hụt hẫng và bối rối. Buộc người hỏi phải có phần trách nhiệm với mệnh đề của họ đưa ra. Lúc này chúng ta nói ra sẽ có hiệu quả.

Ví dụ có người hỏi: “Tại sao Chùa mà lại có những sự phân biệt như vậy, như vậy…?” Chúng ta không trả lời ngay mà hỏi ngược lại mệnh đề chính người hỏi đưa ra: “Theo anh hiểu như thế nào gọi là Chùa?” Bị một câu hỏi bất ngờ, anh ta sẽ lúng túng và trả lời trong tầm hiểu biết có giới hạn. Ngay khi mất tự tin là anh ấy đã cần đến sự chia sẻ của mình. Khi ấy chúng ta nói ra sẽ có giá trị. Đó là biết đánh vào điểm yếu “luôn nương tựa” của con người, là cách trả lại sự trơ trọi và có trách nhiệm với mệnh đề của chính anh ta đưa ra, vấn đề sẽ được giải quyết một cách hoàn hảo.

Một điều khó nhất hiện nay là sự chuyển tiếp giữa hai thế hệ hơi bị cách biệt bởi tư tưởng truyền thống của người lớn và tư tưởng phát triển của giới trẻ con em mình. Tư tưởng truyền thống sẽ có cái hay là rất triết lý, logic, sâu sắc, chỉnh chu, tươm tất, hoàn hảo. Nhưng lại có nhược điểm trong cách ứng dụng. Luôn lập nên một lề lối, một mệnh đề hay một hình thức có sẵn nào đó rồi đưa ra và bắt buộc người khác phải nghe theo. Điều này sẽ tốt cho những đứa trẻ còn nhỏ, nhận thức chưa đầy đủ, chưa có khả năng tư duy độc lập. Nhưng đối với các bạn đã trưởng thành thì chúng ta phải khéo léo vận dụng thêm tý nữa để phù hợp với tâm lý của con mình. Nếu cứ đưa sẵn một vấn đề gì đó thì nó sẽ có cảm giác bị áp đặt và xem thường vấn đề của mình, cho nên không chịu nghe theo. Đôi khi còn muốn làm ngược lại dẫn đến bị hư hỏng. Không khó để tìm thấy nhiều vị đưa con mình đi du học đã chăm sóc quá mức cần thiết. Dặn dò, chỉ bảo cặn kẽ quá nhiều vấn đề. Đến nổi đứa trẻ cảm thấy có quá nhiều thứ rắc rối, căng thẳng, nhứt đầu, khó chịu và không muốn nghe nữa. Có cháu thẳng tính thì bảo là con biết rồi, bố mẹ cứ nói mãi! Cháu lịch sự hơn thì im lặng và nói con đi học bài nhé, rồi lảng tránh vào phòng một mình. Nếu cháu nào ngoan ngoãn nghe theo một cách tuyệt đối mà không biết vận dụng sáng tạo thì nó đã hoàn toàn thụ động. Chỉ biết dựa theo những điều đã có sẵn để nương tựa và ỷ lại, đánh mất đi khả năng tư duy độc lập. Hậu quả lớn lên sẽ không có được tính chủ động, thiếu tự tin khi bước vào đời. Biểu hiện dễ thấy là giữa những buổi hội họp công ty, bạn này chỉ phát biểu một cách vô thưởng vô phạt để đảm bảo an toàn; không dám đột phá, không có định hướng rõ ràng hay biện pháp mang tính khả thi. Gặp việc phức tạp thì thường bị bế tắc, không có hướng giải quyết sáng suốt… Điều này sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến tương lai sau này của các cháu.

Tư tưởng phát triển tiếp cận với thời đại tiên tiến của giới trẻ hiện nay có một điểm hay là giúp cho con người ta có tính tự lập, chủ động và phát minh. Nhưng nếu ăn chưa no, lo chưa tới, tư duy chưa chuẩn xác thì dễ bị quá đà và dẫn đến hư đốn, sa đọa.

Nếu biết sống về bằng trí tuệ sáng suốt không động, bằng con người sáng rỡ không tựa nương, không kẹt vào bất cứ gì, vượt lên trên và thông suốt, thấu qua cả cổ lẫn kim, chúng ta sẽ có khả năng thẩm thấu, thâu tóm, vận dụng; sẽ có cách dạy bảo đúng mức cần thiết, điều này sẽ giúp cho con em mình tự lớn mạnh và thành công thực sự.

V.    KHI KHÔNG CÒN CHỖ NƯƠNG TỰA:

“Khi rảnh rang nhất, mình sẽ làm gì?” Hay: “Khi không có một nguyên tắc nào ràng buộc, mỗi người chúng ta sẽ làm gì?” Câu hỏi lý thú này sẽ phần nào đoán biết được cuộc đời của mỗi người sẽ đi về đâu.

Khi rảnh rang nhất, không có một nguyên tắc nào ràng buộc cả, chính là lúc chúng ta được giải phóng, không còn bị trói buộc hay nương tựa vào bất cứ gì. Là lúc trả lại chính thực con người của mỗi chúng ta, không bị phủ lên bất kỳ một thứ gắng gượng giả tạo nào cả. Lúc ấy, hễ nghe trả lời muốn làm một điều gì đó, là đã lộ rõ con người thật đang ẩn náu trong mình. Con người ấy sẽ dẫn lối đưa đường cho mình đi đến tương lai. Có thể là thanh cao như Thần Thánh. Có thể là thánh thiện và siêu việt như Phật Tổ. Và cũng có khi là tìm vào nơi trụy lạc như quỷ ma, chỗ tối tăm như địa ngục hoặc ngu si như những loài súc vật quanh ta… Tất cả đang ngủ ngầm trong tâm khảm mỗi một con người. Khi rảnh rang nhất không còn lệ thuộc gì, nó sẽ hiện nguyên hình để chúng ta nhận diện. Cho nên không nương tựa là cách đưa con người ta trở về với chính họ để kịp sửa đổi, để không còn bị nạn chính mình đánh lừa mình để rồi phải hối tiếc.

Khi được hỏi như thế, có người trả lời: “Lúc ấy mình sẽ đi ngủ.” Nghe vậy thì biết người này bị ngủ nghỉ trói buộc, nương tựa vào ngủ nghỉ làm sự sống, muốn sống an phận, không tiến bộ được. Tuy hằng ngày làm việc vất vả không có thời gian nghỉ ngơi. Bây giờ rảnh rang sẽ tranh thủ nghỉ tí. Nhưng nếu là người cân bằng được tâm mình trong cuộc sống thì cũng ngủ nghỉ, nhưng họ sẽ không kẹt trong ấy cho nên câu trả lời của người này sẽ khác; không ở trong tâm thái vùi vào ngủ nghỉ như vậy.

Có người khác nói: “Sẽ đi mua sắm.” Thì biết là người hướng ngoại, muốn hoạt động bên ngoài. Nếu là người có tâm thái sống không nương tựa một cách đúng mức, khi cần họ cũng đi mua sắm chứ không nhất thiết phải ngồi giam mình một chỗ trong nhà. Nhưng tâm vị này không bị việc mua sắm sai sử rồi nhốt vào trong những món hàng hấp dẫn, vì thế sẽ có câu trả lời khác hơn.

Có người thì đi du lịch, tụ tập bạn bè ăn uống. Như vậy sẽ là người ham vui, sống trôi theo nhịp sống bên ngoài. Cần vào sự giao du, vui chơi với bạn bè mới cảm thấy thỏa mái. Do đó cuộc đời chỉ lẩn quẩn chung quanh những thú vui tầm thường, tiệc tùng, bè bạn. Có khi cần cũng phải đi đây đó, dự tiệc với bạn bè. Nhưng với người biết sống không nương tựa, câu trả lời của vị này sẽ khác hơn.

Có người nói: “Lúc rảnh rang sẽ đi làm từ thiện.” Là một ý tưởng hay. Nhưng vẫn chưa cho thấy cái nhìn đúng về việc làm từ thiện. Vì thế trong cuộc sống chưa được thảnh thơi, vẫn còn bị ràng buộc nên mới mơ ước có lúc rảnh rang để làm từ thiện.

Từ thiện là để mở lòng mình, ban ra cho nhiều người khó khổ hơn, khiến cho tâm mình được rộng lớn và thánh thiện. Nếu cuộc sống chỉ có biết nhận mà không cho ra thì lòng sẽ tự thu hẹp lại, trí không sáng, cuộc sống khó có được niềm vui và thanh cao. Người biết mở lòng, ban ra, sẽ khiến cho tâm mình thanh thoát, trí sáng, có niềm an vui và trở nên vĩ đại. Khi có vài trăm ngàn thì nhín bớt một phần chi tiêu để ban ra, giúp cho người nghèo khổ hơn mình bớt đi nỗi khó khăn trong cuộc sống. Gặp cụ già yếu ốm chúng ta đỡ đần. Thấy một vật nhọn thì sẵn tay nhặt lấy để không bị ảnh hưởng đến ai đó. Cho đến, nhường một chỗ ngồi êm ái cho người khác. Góp một lời an ủi cho người bị hoạn nạn đỡ lo sợ. Giúp ai đó một lời khuyên để chuyển hóa, hy vọng cuộc sống của họ sẽ được thay đổi tốt đẹp hơn… Với tấm lòng rộng mở, ban ra thì lúc nào chúng ta cũng đang làm từ thiện. Đợi đến khi dư ăn dư để, có thời gian nhàn rỗi, không có nguyên tắc gì ràng buộc mới đi làm từ thiện thì biết đợi đến khi nào mới có được ngày đó? Người sống không nương tựa, biết cách làm từ thiện đúng nghĩa sẽ có câu trả lời khác.

Một người khác nói: “Khi được rảnh rang, tôi sẽ viết văn, sáng tác.” Có người đã thưa với quý thầy: “Con rất thích sáng tác. Ước nguyện của con là chết trên bàn phím. Và con cảm thấy rất trống trải, lo sợ nếu một ngày không còn gì để làm.” Đây là người thích sống bằng một ý tưởng thanh cao, không đặt nặng đời sống vật chất. Nhưng nếu còn một thứ gì đó để hướng đến và sống về thì vẫn còn có cái để bị lệ thuộc, nương tựa, chưa được thảnh thơi thật sự. Chính vị này đã phát biểu: “Con cảm thấy rất trống trải, lo sợ nếu một ngày không còn gì để làm.” Tức là còn điểm yếu, lo sợ. Nếu người được sống là chính mình, họ cũng có thể sáng tác văn chương, nhưng câu trả lời sẽ không như thế.

Tất cả những câu trả lời trên đã cho chúng ta nhận ra một điều, khi nghe nói được thảnh thơi, không có nguyên tắc gì ràng buộc thì mọi người muốn đi làm đủ thứ khác hơn công việc hằng ngày. Hóa ra lâu nay con người chúng ta đang sống trong ràng buộc, nương tựa, bị nô lệ đủ thứ, chưa hề được sống bằng chính mình. Có khác gì đang sống mà không được sống. Khổ chưa!

Có vị thì bảo: “Tôi sẽ tọa thiền.” Nghe ra là hay và thật tốt, biết an trú trong tịch tịnh của thiền định. Nhưng chưa đạt được cốt tủy của Thiền một cách tuyệt đối nên vẫn còn nương tựa, dù đó là sự tựa nương về tâm vắng lặng an vui của thiền. Nếu khi bị chiến tranh hay bệnh nặng sắp qua đời… không còn điều kiện để thiền tọa thì liệu rằng chúng ta có an ổn được không? Biết vậy thì cũng nên tiếp tục tọa thiền nhiều hơn để thắng tiến. Đồng thời, cần khéo biết cách vượt ra khỏi sự tựa nương nơi thiền định. Là người sống bằng con người không nương tựa một cách tuyệt đối. Vòi vọi riêng sáng, rờ rỡ rõ ràng. Thiền tọa hay làm bất cứ việc gì thảy đều tùy duyên linh hoạt. Vị này sẽ có câu trả lời không như thế.

Suốt mấy ý tưởng đã nói qua mà không nêu rõ câu trả lời chính xác là gì. Chỉ là: “Vị này sẽ có câu trả lời không như thế.” Vậy thì cụ thể vị sống không nương tựa sẽ trả lời như thế nào? Nôn nao, chờ đợi, hồi hộp, ngóng trông đến bực tức để chờ nghe một câu trả lời của người sống không nương tựa sẽ nói gì. Như thế là chúng ta đã đánh mất chính mình, là đã bị lao ra tìm biết và nương tựa vào câu trả lời của người khác, là quên mất chính mình nữa rồi. Vậy phải làm sao?

Hãy sống bằng tâm tánh chân thật của chính mình thì trong ấy sẽ có vô vàn câu trả lời. Muốn làm thinh hay cười, hoặc nói bất kỳ điều gì đều được, đâu cần đi tìm câu trả lời nào khác bên ngoài. Có biết bao điều để làm khi có thời gian. Nhưng nếu sống bằng tâm không nương tựa, biết đặt mình ra ngoài sự chi phối của mọi thứ thì chúng ta sẽ có câu trả lời đặc biệt. Không chỉ là một lời nói hay của văn chương mà còn toát lên một sức sống thanh thoát lạ thường. Một cuộc sống thảnh thơi thật sự!

Có thể là: “Khi không có một nguyên tắc nào cả, tôi cũng sẽ sống và làm mọi thứ như những gì hằng ngày từng làm.” Bởi hằng ngày vị này biết định hướng sống, có lập trường sống. Không phải thụ động an phận mà họ biết mình ngang nào, bằng cách nào để có được cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn trong khả năng cho phép của mình. Không nhìn lên so sánh với người khác để bị tự ty, thụ động, chán chường hay hoang tưởng đột phá theo kiểu làm liều để phải bị tán gia bại sản, liên lụy đến mọi người chung quanh. Cũng không nhìn xuống so sánh với những người tệ hơn để tự hào, thỏa mãn hay bằng lòng về cuộc sống của mình. Như thế chẳng khác nào đã nương tựa vào mớ tơ nhện đang có để tự đóng khung, thu mình nhốt vào trong đó. An tỉnh, trí sáng sẽ có được định hướng và lập trường sống. Với cách sống này, cuộc sống sẽ tiến triển tốt, an toàn và bền vững; không bị bất cứ điều gì ràng buộc. Sống được một cuộc sống không nương tựa như thế, chúng ta sẽ có được phần an ổn của bước đầu và thảnh thơi nhất định trong đời. Đặc biệt hơn, với người có sức sống đạo mạnh mẽ, hằng ngày làm bất cứ việc gì cũng không ra ngoài tâm thể như như mà sống động. Ở không hay làm bất cứ việc gì tâm vẫn bình thường. Có nghe hỏi “lúc rảnh rang nhất sẽ làm gì?”, vị này vẫn chẳng thấy có gì biến đổi hay khác biệt: “Tôi cũng làm mọi thứ bình thường hằng ngày.”

Và sẽ có người trả lời: “Đến đó thì biết!” Bởi người này đã sống tuyệt đối bằng con người tròi trọi không chút tựa nương. Hằng ngày trên mọi sinh hoạt, vị này luôn sống bằng tâm vòi vọi riêng sáng. Việc nào cũng chỉ là một công việc. Không có việc gì cố định quan trọng, cũng chẳng có việc gì là thứ yếu hơn. Không có một nguyên tắc nào làm cho mình cảm thấy trở ngại hay ràng buộc. Cũng không chờ vào một khung cảnh vắng lặng, hay đợi đến một thời điểm rảnh rang nào thì mới được thanh thản, thảnh thơi. Ở bất cứ nơi đâu, mỗi một thời khắc đều là những khoảnh khắc thong dong tự tại. Có nguyên tắc nào buộc ràng được đâu mà lại đặt ra vấn đề “khi không có một nguyên tắc nào ràng buộc?” Trong bất cứ thời điểm nào vị này cũng cảm thấy thỏa mái, thảnh thơi thì đâu cần phải đặt ra vấn đề “lúc được rảnh rang?” Lúc nào cũng là lúc sống vui, an lạc, giải thoát; đâu có gì khác biệt đáng để đặt thành vấn đề! “Đến đó thì biết!” Hay im lặng mỉm cười. Hoặc cũng có thể có vô vàn cách nói thuận nghịch khác nhau. Người đến trong đây, sống bằng chỗ không nương tựa tuyệt đối này rồi thì nói gì, làm gì cũng đúng. Và muốn cho bất cứ điều gì biến thành sai cũng được. Chỉ là tùy thời, tùy duyên, tùy căn cơ, không cố định. Cứ đến trong ấy, diệu dụng thiếu gì! Cần chi phải thắc mắc, mong chờ, hoặc đi tìm một cách giải đáp nào mới thỏa đáng!

Ngoài ra, cũng có trường hợp trả lời theo hướng ngược lại câu hỏi, không chấp nhận rảnh rang: “Cuộc sống con người cần phải có một số nguyên tắc nhất định thì mới tốt.” Trước khi hiểu về ý tưởng này, chúng ta thử cùng tìm hiểu một ví dụ.

Có hai chú chim sáo vốn là loài được tự do tung tăng bay liệng khắp nơi trong bầu trời thênh thang lộng gió. Một hôm bị người thợ săn bắt về cưng quý, nuôi kỹ trong một chiếc lồng thật đẹp, cho ăn uống những món ngon vật lạ đầy đủ, sung túc. Dù vậy, ban đầu hai chú chim này vẫn cảm thấy bị tù túng, khó chịu; không sung sướng thỏa mái chút nào khi phải sống cảnh cá chậu chim lồng. Do không thể vùng vẫy thoát được đành phải chấp nhận vậy thôi. Qua nhiều năm tháng, hai chú chim này sống một đời sống trong lồng như thế cũng quen dần. Một hôm được chủ thả ra cho trở về với thiên nhiên, trả lại cuộc sống tự do, thảnh thơi với đất trời thênh thang trước đó của mình. Cửa lồng đã được thoáng mở, nhưng chú chim A thì không chịu ra khỏi lồng, suốt ngày muốn ở hẳn trong đó, bởi chú cảm thấy cuộc sống cần phải có cái lồng mới tốt. Chú chim B kia thì khác. Không cố định ở hẳn trong lồng, cũng chẳng phải háo hức, nhất thiết phải đòi bay ra ngoài. Mà ở trong lồng nuôi của chủ hay bay ra ngoài thiên nhiên chú đều thấy thỏa mái, thảnh thơi. Bây giờ đã không có vấn đề gì để bận tâm nữa. Lúc thì bay liệng ngoài vườn để kiếm ăn, không phiền đến chủ; khi thì đi theo chân chủ lảnh lót hót vang; và có lúc chú bay vào lồng trú ngụ chung với bạn. Không cố định, tùy duyên; chỗ nào chú cũng không thấy mình bị ràng buộc gì cả. Chú chim B này đã có một cuộc sống thảnh thơi thật sự.

“Cuộc sống con người cần phải có nguyên tắc thì mới tốt.” Có thể là vậy. Nhưng nếu còn thấy có nguyên tắc thì chúng ta bị nguyên tắc ràng buộc, là tự thu hẹp sự rộng lớn của mình. Nếu nói sống phi nguyên tắc mới thỏa mái thì chúng ta lại bị cái nguyên tắc trói buộc nên mới thích không nguyên tắc hơn. Như thế là đã nương tựa vào cái không nguyên tắc, cũng bị cái này sai sử mình nữa rồi. Hễ còn thấy có một chỗ không thích phải chán bỏ, có một nơi vừa ý để quay về, rõ ràng chúng ta chưa có được một cuộc sống an ổn thật sự. Bởi còn tâm lấy bỏ; còn dựa vào mọi thứ bên ngoài để lấy làm sự sống của mình, chưa được sống là chính mình. Nếu chúng ta sống bằng trí tuệ, lấy trí tuệ chân thật làm chủ đạo. Trên cơ sở đó, biết vận dụng nguyên tắc một cách linh hoạt, tùy duyên để có một cuộc sống tốt. Nguyên tắc mà không thấy có hiện tướng của nguyên tắc. Mới nhìn qua như là không có nguyên tắc gì, nhưng một cuộc sống như vậy lại là cội nguồn của trí tuệ để tùy duyên đưa ra mọi nguyên tắc cần thiết vừa đủ để có được đời sống an vui, thành đạt. Cuộc đời với bao nhiêu rắc rối, phức tạp, nhưng chúng ta lại có một cuộc sống thành đạt mà thanh thản biết bao!

VI.    KẾT LUẬN:

Khéo sống về bằng con người vòi vọi không nương tựa, cũng chẳng cần lìa mọi thứ. Chỉ là một tâm thể rờ rỡ, rõ ràng, có sức sống mạnh mẽ. Đây là con người “thấy biết Phật”. Thấy, nghe, nhận biết bằng tánh Phật của chính mình. Từ tánh Phật đó mà nhận biết mọi thứ. Sống được như vậy là chúng ta đã biết học Phật một cách rốt ráo, nhận ra “tri kiến Phật”. Đây là điều chính yếu và cũng là điều duy nhất tối yếu mà đức Phật muốn chỉ bày cho tất cả chúng sanh; phải bằng mọi cách để khéo nhận ra và sống về bằng “trí tuệ thấy biết Phật”, tức là “thấy biết bằng tự tánh giác” nơi mỗi người. Nhận hiểu, tu tập và sống được như vậy là chúng ta đang từng phút, từng giây chào đón vị Phật nơi chính mỗi người ra đời. Mới hay ra, lễ Phật Đản, kỷ niệm ngày đức Phật đản sanh không chỉ còn là ngày trăng tròn của tháng tư nữa, mà sức sống này sẽ sống động mãi trong bất cứ ai khéo sống về bằng tâm Phật không sanh không diệt này.
                                                                                                                

Thích Tâm Hạnh.
                                                                               Rằm tháng Tư năm Bính Thân, DL: 2016 – DL: 2560

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 12569
  • Online: 17