Đức Phật qua cái nhìn của Thiền tông

01/09/2016 | Lượt xem: 3798

HT.Thích Thanh Từ

IV. ĐỨC PHẬT QUA CÁI NHÌN CỦA THIỀN TÔNG.

 Thiền tông nhìn đức Phật khác cái nhìn của Phật tử thường. Mọi người Phật tử đều thừa nhận đức Phật là người Ấn Độ, sanh ra từ cung vua Tịnh Phạn, có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, đi xuất gia tu thành Phật, hiệu Thích-ca Mâu-ni. Song Thiền tông không thấy như thế.

  • A. THIỀN TÔNG NHÌN THẲNG PHÁP THÂN PHẬT.

     Con mắt Thiền tông thấy Phật là Phật Pháp thân. Bởi ba thân Phật - Pháp thân - Báo thân - Hóa thân, Pháp thân là căn bản. Từ Pháp thân mới có Báo thân, Hóa thân hay Ứng thân. Báo thân, Hóa thân là tướng sanh diệt, Pháp thân mới là thân Kim cang bất hoại. Pháp thân tức là Tánh giác. Đức Thích-ca ngộ Tánh giác được thành Phật. Chúng ta mê Tánh giác nên làm chúng sanh. Phật khác với chúng sanh chỉ tại ngộ Tánh giác và mê Tánh giác. Tánh giác là Thể chân thật của Phật, đạt Tánh giác là thoát ly sanh tử luân hồi, vĩnh viễn bất tử. Đó là mục đích Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tầm đạo. Tánh giác không tướng mạo nên không sanh diệt, thường còn, bất hoại. Tuy không tướng mạo mà hằng giác nên gọi là Phật. Bởi thấy Phật như thế nên nói: “Phật thường còn ở thế gian.” Nếu thấy Phật là thân ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẻ đẹp, thân ấy đã hoại diệt mất rồi, thế là Phật không còn sao? Thái tử Tất-đạt-đa tầm đạo khổ tu, cuối cùng đi đến chỗ hoại diệt, làm sao gọi Ngài thành đạo? Làm sao gọi Ngài thoát ly sanh tử luân hồi? Do đó Thiền tông chỉ thấy Tánh giác hay Pháp thân là Phật, chớ không chấp nhận thân tướng tứ đại hòa hợp làm Phật.

     

    Bởi thấy Tánh giác không lệ thuộc vào thân tướng, nên Thiền tông thờ Phật không căn cứ vào thân Phật ở Ấn Độ, tùy người xứ nào liền tượng hình Phật giống người bản xứ ấy. Tánh giác lồng sẵn trong mỗi người, sùng thượng Tánh giác đâu cần bám vào hình thức người Ấn Độ mới gọi là Phật. Thờ Phật với quan niệm biểu trưng để nhắc nhở mọi người nhớ lại Tánh giác của mình. Đức Phật ngồi trên bàn là giả, chính Tánh giác của mình mới là ông Phật thật. Thế mà người ta quên Tánh giác đi, chỉ biết ông Phật ở ngoài, quên hẳn ông Phật nơi mình. Thiền sư Tùng Thẩm nói: “Phật vàng không độ được lò đúc, Phật gỗ không độ được lửa, Phật đất không độ được nước, Phật thật ngồi ở trong.” Những hình tượng Phật chúng ta thờ, đều là tướng duyên hợp, đã duyên hợp làm sao không bị duyên tan. Phật thật đang ngồi lồ lộ nơi thân ta, chúng ta bỏ quên ông Phật thật, chạy theo ông Phật giả. Vì thế Thiền sư Đơn Hà Thiên Nhiên mới làm việc kỳ quái này:

     

    Sư đến chùa Huệ Lâm gặp tiết đại hàn, bèn lên chùa thỉnh tượng Phật gỗ đốt để hơ. Viện chủ Hướng trông thấy quở trách: “Sao đốt tượng Phật của tôi?” Sư lấy gậy bới trong tro nói: “Tôi thiêu để lấy xá-lợi.” Viện chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có xá-lợi?” Sư nói: “Đã không có xá-lợi, thỉnh hai vị nữa thiêu.” Viện chủ nghe câu này, tất cả chấp đều tan vỡ. Người sau nói “Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao” (Đơn Hà thiêu Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày).

     

    Xá-lợi là cái tinh ba cô đọng lại sau khi thiêu thân Phật. Thân Phật đã hoại hơn hai ngàn năm rồi, mà xá-lợi vẫn còn. So sánh trong tương đối, thân Phật là giả, xá-lợi là thật. Nương cái giả để thấy cái thật mới đúng tinh thần thờ Phật. Chỉ biết cái giả mà không thấy cái thật, tướng giả ấy trở thành vô nghĩa. Vì thế Thiền sư Đơn Hà bảo: “Đã không có xá-lợi, thỉnh hai vị nữa thiêu.” Viện chủ liền nhận được ý này.

     

    B. PHÁP THÂN CÓ SẴN NƠI MỌI CHÚNG TA.

     

    Quay lại Tánh giác sẵn có nơi mọi chúng ta là biết trở về với Phật. Chạy sang Tây thiên Đông độ cầu Phật, càng cầu, càng xa. Chính vì chúng ta quên Tánh giác của mình nên xem thấy Phật cao siêu xa vời, quá tầm vóc của mình. Nếu mọi người nhận được Tánh giác thì đâu còn thấy Phật ngoài chúng ta. Lỗi lầm to lớn nhất là tại chúng ta có Phật mà không dám tự nhận. Hãy nghe ông Sa-di Cao đối đáp với ngài Dược Sơn:

     

    Dược Sơn hỏi: “Ta nghe ở Trường An rất náo loạn, ngươi có biết chăng?” Sa-di Cao thưa: “Nước con an ổn.” Dược Sơn hỏi: “Ngươi do xem kinh được hay thưa hỏi được?” Sa-di thưa: “Chẳng do xem kinh được, cũng chẳng do thưa hỏi được.” Dược Sơn hỏi: “Có lắm người chẳng xem kinh, chẳng thưa hỏi, tại sao chẳng được?” Sa-di thưa: “Chẳng nói họ không được, chỉ vì họ không chịu thừa nhận.”

     

    Bởi không dám thừa nhận Tánh giác của mình, nên người ta chạy cầu Phật bên ngoài. Càng chạy ra ngoài, người ta càng sa lầy trong mê lầm. Phật bên ngoài chỉ là đối tượng để cảnh giác chúng ta thức tỉnh. Trái lại, chúng ta không thức tỉnh mà đi xin xỏ, ỷ lại vào Phật bên ngoài. Thế là đã mê lại thêm mê. Cần phải thức tỉnh, nhận Tánh giác hay Pháp thân Phật ngay nơi thân năm uẩn này, mới thật người đạt đạo. Chúng ta hãy nghe bà ni Liễu Nhiên nói kệ Pháp thân:

     

    Ngũ uẩn sơn đầu cổ Phật đường
    Tỳ-lô trú dạ phóng hào quang
    Nhược năng ư thử phi đồng dị
    Tức thị Hoa nghiêm biến thập phương.

     

    Trên đầu núi năm uẩn là ngôi nhà Phật xưa
    Phật Pháp thân đêm ngày hằng phóng hào quang ra sáu cửa
    Nếu người khéo ở nơi đây không khởi tâm phân biệt
    Tức là Hoa nghiêm (Pháp thân) khắp cả mười phương.

     

    Tóm lại, Thiền tông nhìn Phật bằng Tướng chân thật Pháp thân, cho nên thấy Phật đã có từ vô lượng kiếp, tuổi thọ của Phật bằng tuổi hư không. Phật Pháp thân nằm sẵn trong nhà năm uẩn của mọi chúng ta. Chúng ta tu hành cốt trở về với ông Phật sẵn có của chính mình. Sống trọn vẹn với ông Phật của mình gọi là thành đạo chứng quả.

Tags: Thiền tông

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 35125
  • Online: 25