Đặc Điểm Của Thiền Tông Việt Nam

19/11/2024 | Lượt xem: 121

HT.Thích Thanh Từ giảng tại  Viện nghiên cứu Hán Nôm, Hà Nội 03-04-1996

Hôm nay tôi xin nói về Đặc điểm của thiền tông Việt Nam. Tuy nhiên thiền tông Việt Nam lại có liên hệ mật thiết với thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản. Vì vậy khi nói về đặc điểm của thiền tông Việt Nam, tức nhiên chúng ta phải có so sánh đối chiếu với thiền tông của các nơi ấy, để thấy sự khác biệt nằm ở chỗ nào. Với đề tài này, tôi sẽ nói hơi rộng một chút.

Như hôm trước tôi đã nói, chúng tôi là hành giả chứ không phải học giả. Hành giả và học giả khác biệt ra sao? Hành giả là người đã thấy biết lẽ thật. Tôi tạm thí dụ, như tổ tiên trong gia đình tôi vào thuở xa xưa, lên núi gặp một ông tiên cưỡi hạc bay đến cho viên ngọc quý, có khắc dấu hiệu từ thế kỷ thứ II. Vị tổ này mất đi trao viên ngọc lại cho người kế, cứ thế vị trước truyền cho người sau, lần lượt như thế mãi đến đời chúng tôi. Nghe truyền tụng về lịch sử của viên ngọc thần thoại quá, có người không tin. Nhưng khi đích thân cầm được viên ngọc trong tay, mắt nhìn thấy tường tận rồi thì tôi có còn gì để nghi ngờ không? Nếu không tận mắt thấy viên ngọc, tay chưa cầm được viên ngọc thì hẳn là tôi cũng không tin. Một khi đã nhận biết rõ ràng viên ngọc quý của tổ tiên mình truyền lại là thật, dù cho mọi người có không tin, xuyên tạc thế nào đi nữa, chúng tôi cũng không bao giờ nghi.

Đối với những người không thấy viên ngọc, cũng chưa từng nắm được viên ngọc trong tay thì sao? Đọc trên sách vở hoặc nghe truyền tụng biết có viên ngọc quý, nhưng khi tìm hiểu lịch sử ghi chép không rõ ràng, nghe kể thì có vẻ thần thoại quá nên sanh nghi ngờ không tin. Bởi nghi nên phải cất công tra khảo tìm tòi cho ra lẽ thật, những nhà nghiên cứu tìm tòi đó được gọi là học giả. Hành giả thì đã tin chắc nên không nghi, còn học giả thì được quyền nghi. Như vậy, hành giả và học giả chỉ là trên hai tư tưởng, hai khía cạnh khác nhau mà thôi.

Trở lại vấn đề Thiền tông, tương tợ như thí dụ trên. Tuy trong sử sách Phật giáo không ghi rõ, buổi đầu tổ Ca-diếp được Phật truyền trao như thế nào. Chỉ được nghe trên hội Linh Sơn đức Phật ngồi yên, tay cầm cành hoa đưa mắt nhìn khắp đại chúng, ngài Ca-diếp hiểu ý nhìn Phật mỉm cười. Phật bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, nay trao cho Ma-ha Ca-diếp.” Sau này chư tổ lấy đó làm chuẩn ban đầu, còn trong kinh thì không thấy ghi lại sự kiện ấy. Đây là vấn đề mà khi tra khảo các nhà nghiên cứu thường ngạc nhiên, nghi ngờ về sự truyền thừa của Thiền tông. Việc này cũng không có gì lạ, tại sao?

Tôi tạm đưa thêm một thí dụ. Như ông tổ của chúng ta xưa kia là một nhà võ thuật giỏi, rất sở trường với những chiêu thức của mình, thắng người dễ như trở bàn tay. Những học trò theo học với ông, họ đã thuộc lòng những thế võ phổ thông. Về già sắp mất, ông mới thấy có một đệ tử rất xứng đáng, có khả năng lãnh thọ bí kíp của mình, ông tin tưởng liền truyền dạy ngón sở trường đặc biệt đó. Khi ông qua đời rồi, các học trò ngồi lại bàn luận và thi thố sở học mà ông đã dạy. Những thế võ phổ thông, mọi người đều hiểu và thông cảm hết, riêng người đệ tử được thầy truyền trao tâm huyết kia, khi trình bày ra không ai hiểu tới, nên chỉ lặng im không thố lộ được chỗ đến của mình. Tại sao người này tài giỏi hơn tất cả huynh đệ mà không thể nói ra? Vì biết rằng chỗ sở trường riêng đó cao vót quá, hạng thường không thể biết, mà không biết thì họ không thể tin. Tuy huynh đệ không thể tin nổi, nhưng rõ ràng thế võ sở trường ấy vị này sử dụng được và chiến thắng trong tất cả cuộc đua tài. Đây là truyền riêng, mà từ ngữ chuyên môn trong nhà thiền gọi là “Giáo ngoại biệt truyền”. Tinh thần Thiền tông kỳ đặc như thế.

Nói đến Thiền tông Việt Nam, tức là nói về Phật giáo Việt Nam, như hôm trước tôi đã trình bày trong buổi nói chuyện về những mốc lớn của Phật giáo Việt Nam. Ngót bốn trăm năm, kể từ thời Lý Trần, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo mang tinh thần dân tộc, gắn liền với đất nước Việt Nam. Sự còn mất của quê hương xứ sở cũng chính là sự còn mất của Phật giáo. Phật giáo thời Lý Trần, do các thiền sư lãnh đạo truyền bá, nên khi nói về Phật giáo Việt Nam, tức đồng nghĩa nói đến Thiền tông Việt Nam. Phật giáo phát xuất từ Ấn Độ, do đức Phật Thích-ca-mâu-ni sau khi giác ngộ thành Phật, ngài truyền bá giáo pháp và chư tổ kế thừa nối tiếp truyền trao, dần sang các nước như: Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản v.v… cho đến ngày nay. Do đó Thiền tông Việt Nam không phải ngẫu nhiên tự phát, mà có sự truyền thừa từ thủy chí chung rất rõ ràng.

Từ một vị thái tử bỏ hoàng cung đi tìm học đạo với các tiên nhân, những đạo sư thông thái thời bấy giờ, chứng qua hết các quả vị từ Sơ thiền tiến dần lên Phi tưởng phi phi tưởng xứ, rồi trải sáu năm trong rừng khổ hạnh vẫn chưa đạt được nguyện vọng của mình. Ngài từ giã đến cội Bồ-đề, một mình tọa thiền nhập định suốt bốn mươi chín ngày đêm, cuối cùng thành tựu đạo quả rốt ráo. Sau khi giác ngộ thành Phật, ngài tuyên bố: “Ta học đạo không thầy.” Lời tuyên bố ấy khiến nhiều người ngạc nhiên, có ai học mà không do thầy hướng dẫn, tại sao Thái tử lại nói như thế? Chúng ta thử chiêm nghiệm lại xem, lúc ngài hoàn toàn giác ngộ thành Phật, sự giác ngộ đó là do tâm an định thanh tịnh, hay do nhờ ai chỉ dạy cho ngài? Điều này hết sức quan trọng.

Trong giáo lý đạo Phật có nói đến Tam vô lậu học, tức ba môn học đưa đến giải thoát. Đó là giới, định và tuệ. Trí tuệ này không phải ở chỗ suy gẫm hay học hỏi có được, tức là không phải từ bên ngoài, mà do tâm an định nơi mình phát ra. Thế nhưng, tâm mình đã sẵn có trí tuệ sao không tự phát, mà phải đợi tu thiền định mới phát? Vì trí tuệ mình tuy có nhưng bị bao nhiêu thứ vọng tưởng điên đảo che phủ nên không hiện ra, từ ngữ chuyên môn trong đạo Phật gọi đó là vô minh. Gạn lọc vô minh, không để điên đảo vọng tưởng che phủ nữa thì trí tuệ tự phát sáng. Tổ sư nói: “Đất tâm nếu không, mặt trời trí tuệ tự chiếu.” Như vậy, tu thiền tức là tìm lại trí tuệ sẵn có của chính mình, chứ không phải tìm học ở bên ngoài. Tìm lại là ngôn ngữ tạm dùng, đã là trí tuệ của mình thì đâu cần phải tìm. Trí tuệ ấy được gọi là Vô sư trí, tức là trí tuệ không thầy. Bởi người thế gian không biết, nên tạm nói tìm để cho dễ hiểu.

Các vị làm việc trong lãnh vực nghiên cứu, hoặc những nhà khoa học dễ thấy điều này. Tại sao? Bởi khi nghiên cứu một vấn đề gì họ quên hết mọi việc bên ngoài, dồn hết tâm lực với vấn đề đó, tới lúc nào bỗng dưng sáng ra vấn đề mình đang nghiên cứu tìm tòi, mừng quá chạy la lên. Phát minh này là do ai dạy? Nếu có người dạy thì trước đã biết đâu cần nghiên cứu, còn trước không biết bây giờ mới phát minh ra thì cái này là của ai? Lúc nghiên cứu tập trung vào một việc thôi, không suy nghĩ các việc thường tình, tất cả lăng xăng bên ngoài lặng hết, chợt bừng sáng gọi là phát minh. Cũng vậy, người tu thiền vì muốn tìm ra vấn đề mà người đời chưa bao giờ biết, nên dồn hết tâm lực tới chỗ yên định hoàn toàn, từ chỗ định sâu đó bất chợt sáng ra việc của mình, gọi là phát tuệ. Trí tuệ ấy là tự nội tâm phát ra, nên nói không thầy.

Trọng tâm của đạo Phật là thiền định, từ thiền định đưa đến giác ngộ giải thoát. Cốt tủy của đạo Phật là như vậy, không có con đường nào khác hơn được. Thiền định là lối tu quan trọng của đạo Phật, từ đức Phật Thích-ca truyền mãi cho đến ngày nay. Nguồn gốc của đạo Phật nói chung, nguồn gốc của thiền tông nói riêng, được xuất phát từ Ấn Độ, rồi truyền sang Trung Hoa, Việt Nam… Sự truyền bá ấy trải qua thời gian khá dài và qua nhiều xứ sở, mỗi dân tộc lại có tập tục tín ngưỡng, văn hóa khác nhau. Bởi thế khi phát triển đến đâu thì phải uyển chuyển tùy duyên cho phù hợp với từng địa phương ở chỗ đó. Vì phù hợp mới có thể truyền bá được và đây chính là nét đặc thù của Phật giáo.

Giáo lý của Phật dạy được gọi là kinh, mà nói về kinh thì có đầy đủ ba yếu tố: khế lý, khế thời và khế cơ. Khế là thích ứng, là phù hợp. Khế lý là phù hợp chân lý, nếu nói mà không đúng với chân lý thì không phải giáo pháp Phật dạy. Khế thời là thích hợp với hoàn cảnh đương thời. Khế cơ là thích ứng theo căn cơ trình độ của mỗi người. Phật giáo được truyền bá cũng phải đầy đủ ba điều kiện trên. Trình độ căn cơ đương nhiên có sai khác, trí thức hay bình dân, người Ấn hay người Việt… Hoàn cảnh đương thời chuyển biến cũng không giống nhau, xã hội mỗi nước mỗi khác. Do đó Phật giáo khi truyền sang nơi nào phải linh động cho phù hợp nơi ấy. Phật giáo có nhiều tông phái, có nhiều pháp tu lý do là như thế, tức đều vì lợi ích cho nhiều người.

Thiền tông được truyền thừa ở Ấn Độ, từ đức Phật Thích-ca đến Tổ thứ hai mươi tám là Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa truyền pháp, trở thành Sơ tổ thiền tông Trung Hoa. Tổ thứ hai là Huệ Khả truyền dần đến Tổ thứ sáu là Huệ Năng. Cứ thế thứ lớp truyền thừa, từ Trung Hoa đến Việt Nam, Nhật Bản… mãi đến ngày nay. Sự truyền thừa đó như thế nào và có những đặc điểm gì, chúng ta tuần tự đối chiếu để thấy rõ sai biệt.

* Thiền tông Ấn Độ

Trước nói về Ấn Độ, trong quyển sử Ba Mươi Ba Vị Tổ do chúng tôi soạn dịch có nói đủ, vị nào cần thì đọc thêm cho rõ, ở đây tôi chỉ lược qua vài nét căn bản. Những điều tôi trình bày đây, không biết các vị có đồng tình hay không, riêng tôi thấy thế nào thì nói thế ấy mà thôi. Thiền tông ở Ấn Độ hơi nặng về lý luận khúc chiết và huyền bí. Nói về lối lý luận khúc chiết, tôi trích dẫn sơ qua hai vị tổ:

Thứ nhất là Bà-tu-mật, Tổ thứ bảy của thiền tông Ấn Độ. Một hôm ngài lên tòa giảng đạo, có một tín sĩ bước ra nói: “Tôi là Phật-đà-nan-đề, hôm nay quyết luận nghĩa với Thầy.” Tổ Bà-tu-mật liền bảo: “Này nhân giả! Nếu luận thì chẳng phải nghĩa, nếu nghĩa thì chẳng phải luận. Nếu nghĩ luận nghĩa trọn chẳng phải nghĩa luận.” Nan-đề biết đây là người nói nghĩa thù thắng, khởi tâm kính phục thưa: “Con nguyện cầu đạo để được thưởng thức vị cam lồ.”

Thông thường nói luận nghĩa, tức là phải luận bàn cho ra nghĩa lý, nhưng nghĩa và luận đó là thế nào? Thí dụ chúng ta luận bàn về cái bình hoa. Bàn luận có phải là bình hoa không? Bình hoa có phải là bàn luận không? Rõ được chỗ này tức biết nếu luận thì chẳng phải nghĩa, nếu nghĩa thì chẳng phải luận. Cho rằng nghĩa là một cái gì đó để đem ra luận bàn là đã sai rồi, vì bàn thì chưa phải đến sự thật của việc mình bàn.

Thứ hai là Tăng-già-nan-đề, Tổ thứ mười bảy của thiền tông Ấn Độ. Ngài có một vị đệ tử tên là Xá-đa, một hôm nhân gió thổi chiếc linh treo trên điện Phật khua động, ngài hỏi: “Linh kêu hay gió kêu?” Xá-đa thưa: “Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu mà tâm con kêu.”

Đối đáp này giống như “phướn động hay gió động” của Lục tổ Huệ Năng. Gió thổi linh khua, nếu hỏi linh kêu hay gió kêu thì chúng ta sẽ đáp là linh hoặc là gió, chứ không bao giờ nói tâm con kêu. Gió và linh là hai cái ở bên ngoài khua động, mà nói tâm kêu là sao? Quả là một lối nói lạ lùng!

Tổ hỏi: “Tâm ngươi là cái gì?” Xá-đa thưa: “Thảy đều lặng lẽ.” Tổ bảo: “Hay thay! Ngươi khéo hội lý Phật. Nay nói pháp yếu, nối đạo cho ta chẳng phải ngươi còn ai.”

Chúng ta quen theo cảnh bên ngoài, nên khi nghe gió linh khua động phát ra tiếng vang thì đều nghĩ âm thanh đó là ở bên ngoài. Nhưng bây giờ nghiệm lại xem là cái gì kêu? Thử hỏi, nếu là gỗ đá thì có nghe tiếng linh khua không? Gỗ đá không biết, vậy biết nghe tiếng kêu là từ đâu mà biết? Chắc hẳn phải từ tâm mới biết. Bởi có tâm nên biết, nếu không tâm thì tiếng kêu cũng thành vô nghĩa. Nên nói: Chẳng phải linh kêu, chẳng phải gió kêu mà tâm con kêu. Nghe đáp như thế Tổ mới gặng lại tâm ngươi là cái gì, liền trả lời: Thảy đều lặng lẽ. Tâm hoàn toàn lặng lẽ, chỗ yên định mà hằng sáng đó chính là tâm chân thật. Rất đơn giản! Chỉ qua một vài lý luận thì thấy rõ được ý nghĩa, ngang đó được truyền tâm ấn kế thừa Tổ.

Đó là những lối lý luận kỳ đặc của Ấn Độ, kiểu lý luận này nếu đem nói với người Việt Nam chúng ta thì thật khó mà hiểu nổi. Nói về sự huyền bí trong việc truyền bá Phật giáo ở Ấn Độ, không thể không nhắc đến hai vị tổ là Mã Minh và Long Thọ. Các ngài là những nhà biện luận tài tình, nhưng trong lối biện luận ấy vẫn có đôi chút huyền bí. Như trường hợp của ngài Mã Minh, là Tổ thứ mười hai ở Ấn Độ. Ngài có tài hùng biện chiết phục ngoại đạo, tuyên dương Phật giáo, thanh danh vang dội khắp nơi. Bấy giờ ngài đang thuyết pháp ở Hoa Thị thành, một hôm bảo chúng: “Giây lát đây sẽ có ngoại đạo đến đấu sức với ta.” Bỗng chốc trời đất mịt mù ầm ỹ, gió mây kéo đến, mưa tuôn xối xả. Ngài nói: “Đây là báo hiệu ngoại đạo đến, ta sẽ trừ chúng.” Ngài liền chỉ tay lên hư không, hiện ra một con rồng vàng to lớn, chấn khởi oai thần khiến pháp ngoại đạo tan biến.

Đến vị Tổ thứ mười bốn ở Ấn Độ là Bồ-tát Long Thọ. Ngài ngụ tại một nước ở gần Nam Ấn, trong nước ấy có đến năm trăm người tu theo ngoại đạo được nhiều phép lạ, vua và quốc dân đều thọ giáo với họ. Ngài thấy đạo Phật mờ tối, thương xót mọi người tin theo ngoại đạo, bèn đổi hình thức tăng sĩ mà mặc áo trắng đội mũ. Mỗi khi vua ra thành, ngài cầm cờ đi trước thoắt ẩn thoắt hiện, dùng tài biện luận hàng phục ngoại đạo. Nhà vua kính trọng và mến đức độ của ngài, nên phát tâm quy y theo Phật giáo, cùng kiến tạo một đại tinh xá ở Hắc Phong Sơn (Bhramaragiri) mời ngài trụ trì. Tương truyền ngài đã dùng thần thông đi xuống long cung, trong ba tháng mà đã đọc thuộc hết bản kinh Hoa Nghiêm, gồm mười vạn bài kệ. Đây tôi chỉ điểm sơ qua đôi chút, để thấy tính cách huyền bí và lý luận khúc chiết của các vị tổ ở Ấn Độ là như vậy.

* Thiền tông Trung Hoa

Thiền tông Trung Hoa mang tính cách kỳ bí và táo bạo, nổi bật nhất là các vị thiền sư cuối đời Đường sang đời Tống. Mã Tổ Đạo Nhất, vị thiền sư nổi tiếng ở Trung Hoa đời thứ hai sau Lục tổ Huệ Năng. Có người đến hỏi: “Thế nào là ý Tổ sư từ Tây sang?” Mã Tổ liền cầm gậy đánh nói: “Ta không đánh ngươi, các nơi sẽ cười ta.” Lạ kỳ! Hỏi ý chỉ của tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, đã không trả lời mà còn đánh bảo rằng ta không đánh ngươi các nơi sẽ cười ta. Quá kỳ bí và táo bạo, đánh chứ không giải thích.

Thiền sư Lâm Tế cũng là một vị tổ nổi tiếng của thiền tông, từ Trung Hoa cho tới Việt Nam. Hiện giờ chúng ta thấy bài vị thờ trong các chùa ở Việt Nam, đa phần đều ghi Lâm Tế Chánh Tông hoặc Lâm Tế Gia Phổ. Khi còn đi tham học các nơi, ngài tới chỗ thiền sư Hoàng Bá Hy Vận thời gian lâu mà không dám thưa hỏi. Một hôm Thủ tọa bảo, đến đây đã lâu sao không thưa hỏi đạo lý? Ngài thưa, không biết hỏi gì. Thủ tọa xúi đợi khi Hòa thượng thăng đường, hãy bước ra hỏi: Thế nào là đại ý Phật pháp? Ngài Lâm Tế làm theo Thủ tọa dạy, vừa dứt lời bị Hoàng Bá đánh ba gậy. Liên tiếp ba ngày đều như thế, cũng được ăn ba gậy rồi đuổi xuống. Ngài suy nghĩ không biết mình hỏi vậy có lỗi chỗ nào, mà chỉ bị đánh chứ không nghe dạy gì hết.

Sao ngài Hoàng Bá có vẻ tàn nhẫn quá vậy? Một bậc thầy đã là thiền sư ngộ đạo mà lại có những hành động táo bạo như thế, người thường làm sao hiểu nổi. Ngài Lâm Tế buồn tủi nghĩ rằng mình không có duyên ở đây, nên sửa soạn hành lý định từ giã ra đi. Thủ tọa biết việc liền kêu lại bảo, nên đến từ giã Hòa thượng rồi hãy đi. Ngài nghe lời đến từ giã, thiền sư Hoàng Bá bảo: “Nếu đi nên đến Đại Ngu, ông ấy sẽ chỉ cho ngươi.” Khi đến chỗ thiền sư Đại Ngu, ngài thưa: “Con ba phen thưa hỏi đại ý Phật pháp ba lần bị đánh, không biết có lỗi lầm gì?” Đại Ngu liền nói: “Hoàng Bá tâm lão bà tha thiết đã vì ngươi chỉ tột, ngươi lại còn thấy có lỗi không lỗi?” Nghe dứt câu ngài đại ngộ, thưa: “Phật pháp Hoàng Bá không nhiều.” Đại Ngu nắm lại hỏi: “Vừa rồi nói có lỗi không lỗi, bây giờ nói Phật pháp Hoàng Bá không nhiều, ngươi thấy cái gì nói mau!” Ngài không nói mà thoi vô hông Đại Ngu ba thoi. Đại Ngu xô ra nói: “Thầy ngươi là Hoàng Bá chẳng can hệ gì đến ta.” Về sau ngài trở thành vị tổ kỳ đặc nhất của của tông Lâm Tế, mỗi khi có người tới hỏi đại ý Phật pháp thay vì đánh thì ngài hét. Do đó tông Lâm Tế nổi tiếng với thủ thuật kỳ đặc là đánh và hét. Chúng ta nghe qua sự kiện ngộ đạo mà như một trường đánh nhau, vậy điểm đặc biệt nằm ở chỗ nào?

Trong bài Tín Tâm Minh của ngài Tăng Xán, Tổ thứ ba ở Trung Hoa, hai câu kết thúc nói: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm.” Nếu tin được tâm của mình thì tâm đó không có hai, không hai mới gọi là tin tâm. Thấy có lỗi không lỗi là hai bên, vừa nghĩ tìm xem có lỗi hay không tức đã sai lầm. Hỏi về đại ý Phật pháp, tức là nhắm đến chỗ không hai. Vì thế các ngài không nói năng bằng ngôn ngữ mà đánh, dồn tới chỗ bí. Bởi tâm dứt bặt hết ý niệm hai bên, nên khi người khác khơi lại là thấy được liền, ngộ đại ý Phật pháp chính ở chỗ tâm không hai.

Thiền sư Đức Sơn mỗi khi lên tòa, cầm cây gậy nói: “Nếu hỏi mà nói được thì ăn ba chục gậy, nói không được cũng ăn ba chục gậy.” Có vị tăng bước ra đảnh lễ chưa hỏi gì hết, ngài liền đánh. Tăng thưa: “Con chưa hỏi câu nào tại sao ăn gậy?” Ngài hỏi: “Ngươi ở đâu?” Đáp: “Tân La.” Ngài bảo: “Trước khi ngươi bước chân xuống thuyền, đã đáng ăn ba chục gậy rồi.” Đây gọi là đánh trước khi hỏi.

Tôi dẫn chứng sơ qua vài vị thiền sư, để cho thấy sự kỳ bí và táo bạo của Thiền tông Trung Hoa, bây giờ tới Thiền tông Nhật Bản.

* Thiền tông Nhật Bản

Theo cái nhìn của chúng tôi, thiền tông Nhật Bản vừa nhẹ nhàng thâm trầm vừa nghệ thuật, chứ không kỳ bí táo bạo như Trung Hoa. Do nặng về nghệ thuật nên tất cả những gì trong cuộc sống cũng được đưa vào nghệ thuật thiền đạo, như: vườn thiền, nhạc thiền, trà đạo, nhu đạo, hoa đạo, kiếm đạo v.v… đều mang sắc thái thiền.

Tinh thần thiền của Nhật Bản rất đặc biệt, được miêu tả qua những mẩu chuyện thiền: có một câu chuyện kể, vị tiến sĩ nọ tới hỏi đạo với thiền sư. Ông ta xưng mình là Tiến sĩ có hai ba bằng cấp, nào là khoa học, nào là văn học v.v… đến đây xin học tu thiền. Nghe ông giới thiệu huyên thuyên, thiền sư không nói gì hết, chỉ im lặng lau tách châm trà mời khách. Ngài cầm bình trà rót vào tách, trà đầy tách tràn ra ngoài mà ngài vẫn không dừng rót. Vị tiến sĩ nọ thấy vậy la lên: “Đầy rồi!” Thiền sư dừng lại nói: “Đầy mà thêm nữa thì tràn, cũng vậy ông hãy buông bỏ những kiến thức của mình đi, rồi mới học thiền được.” Thật là tế nhị, không rầy không nói, chỉ qua hành động nhẹ nhàng đã chỉ ra chỗ thâm trầm của thiền.

Lý thú nhất là câu chuyện có tựa đề là Giáo lý thượng thừa. Trong đó kể rằng, có một anh mù đi thăm người bạn tri kỷ, nói chuyện mãi tới lúc trời tối mịt. Anh mù từ giã ra về, người bạn đốt cây đèn lồng đưa cầm đi đường. Anh mù cười: “Với tôi ngày như đêm, đêm như ngày, cần gì đèn!” Người bạn nói: “Tuy là như vậy, nhưng cầm đèn để cho người ta thấy, không đụng nhầm anh.” Anh mù nghe bạn nói có lý bèn cầm đèn ra về, đi được một quãng bỗng bị người đụng trúng. Anh la lên, người đi đường bảo: “Vì tôi không thấy.” Anh mù nói: “Tôi cầm cây đèn sờ sờ mà sao không thấy?” Người kia nhìn nói: Thưa bạn, cây đèn của bạn đã tắt từ bao giờ.” Câu chuyện chỉ có thế, vậy giáo lý thượng thừa nằm ở chỗ nào?

Trong đạo Phật thường nhắc đến hai thứ trí tuệ, đó là Vô sư trí và Hữu sư trí. Vô sư trí là trí tuệ không thầy, còn Hữu sư trí là trí tuệ có thầy. Trí tuệ có thầy là trí tuệ do học hỏi mà được, còn trí tuệ không thầy tức là khi người tu thiền tới chỗ an định thì trí tuệ tự mình phát sáng, chứ không phải từ bên ngoài vào. Ở câu chuyện này, anh mù tức là người mắt không sáng. Mắt không sáng thì dù có cho đèn cũng không giúp được, vì tuy cầm đèn mà đèn tắt hồi nào không biết nên có đèn cũng như không. Cũng vậy, nếu chúng ta không mở sáng con mắt trí tuệ của mình thì dù cho thầy bạn có muốn cứu cũng không cứu được. Đó là giáo lý thượng thừa, ý nghĩa thiền chính ở chỗ ấy. Quả là nhẹ nhàng, không có gì thô bạo mà rất thâm thúy.

* Thiền tông Việt Nam

Thiền tông Việt Nam chúng ta thì thế nào? Theo nhận định của tôi, thiền tông Việt Nam có ba đặc điểm: huyền bí, thi vị và thận trọng.

1- Tính huyền bí

Điều này có lẽ do khi ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi sang Việt Nam, thời đó đất nước chúng ta vẫn còn sống theo bộ lạc chưa có văn minh. Bởi văn hóa còn kém nên lòng tin của con người hơi nặng về huyền bí. Do đó trong sự truyền bá thiền của ngài và các môn đệ mang tính chất huyền bí. Chúng ta thử nghe qua bài kệ vua Lý Nhân Tông tặng thiền sư Giác Hải, đệ tử của ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi:

Giác Hải tâm như hải,

Thông Huyền đạo hựu huyền,

Thần thông kiêm biến hóa,

Nhất Phật nhất thần tiên.

Vua khen thiền sư Giác Hải cùng đạo sĩ Thông Huyền, một người là Phật một người là tiên, đều được thần thông biến hóa.

2- Tính thi vị

Nói về tính thi vị của thiền tông Việt Nam, chúng ta đọc trong quyển Thơ Văn Lý Trần thấy rõ, các vị thiền sư trước khi tịch đều làm thơ kệ để lại. Thơ kệ của thiền sư Việt Nam rất nhiều và rất hay, ở đây tôi chỉ kể lược vài vị:

Vị thứ nhất là thiền sư Viên Chiếu đời Lý. Tăng hỏi, Phật và thánh khác nhau thế nào? Ngài đáp:

Dưới giậu trùng dương cúc,

Đầu cành xuân ấm oanh.

Ngài không nạt, không hét cũng không đánh, chỉ trả lời bằng hai câu thơ. Tiết trùng dương hoa cúc nở đầy giậu, ngày xuân ấm chim oanh đậu trên cành cây. Như vậy, ngài có trả lời câu hỏi chưa? Phật và thánh khác nhau chỗ nào? Đúng thời tiết, mùa thu vào tiết trùng dương thì hoa cúc nở, mùa xuân ấm áp chim hoàng oanh đậu cành cây. Hai mùa hai hiện tượng khác nhau, nhưng đều tùy theo thời tiết. Nghe qua dường như ngài không trả lời đúng câu hỏi, nhưng đâu ngờ đã đáp rồi. Giác ngộ là Phật, hướng đến giác ngộ thì gọi là thánh. Như vậy, Phật và thánh không có gì khác, chỉ là tùy trường hợp mà thôi.

Vị thứ hai là Tuệ Trung thượng sĩ. Có người hỏi, thế nào là đại ý Phật pháp? Ngài đáp:

Đầu trạnh vỗ sóng mắt sâu bọ,

Cánh bằng nhốt gió ruột kiến trùng.

Khi hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, ở Trung Hoa ngài Hoàng Bá đánh, ngài Lâm Tế hét; còn ở Việt Nam, ngài Tuệ Trung thì đáp bằng hai câu thơ rất nhẹ nhàng. Đầu trạnh to mà mắt sâu bọ nhỏ, cánh chim đại bàng lớn còn ruột kiến trùng thì nhỏ. Hai câu thơ cho thấy, cái lớn và cái nhỏ không rời nhau. Vậy thì đại ý Phật pháp là gì? Thiền sư Lâm Tế chỉ qua một câu nói của Đại Ngu: “Hoàng Bá đã chỉ chỗ tột cùng cho ngươi mà không chịu thấy, lại ở đó tìm xem có lỗi hay không lỗi?”, ngay đó ngài liền ngộ. Vừa dấy niệm tìm lỗi là kẹt hai bên, còn thấy có lớn nhỏ cao thấp là kẹt hai bên. Nếu muốn thấy đại ý Phật pháp thì đừng mắc kẹt ở hai bên nữa.

Tổ Bá Trượng ở Trung Hoa sau khi giảng pháp xong tất cả mọi người đều giải tán, chỉ còn một vị mặc áo xanh ngồi lại không ra. Tổ Bá Trượng thấy lạ hỏi, ông mới nói duyên do: “Con không phải người thường, mà là dã hồ tinh ở sau núi. Xưa kia con làm Tăng, một hôm có người hỏi, người đại tu hành có rơi vào nhân quả không? Con đáp, không rơi vào nhân quả. Do đó mà đọa làm hồ tinh năm trăm năm, nay xin Hòa thượng từ bi cứu con thoát kiếp hồ tinh.” Tổ bảo: “Ông hỏi lại đi, ta sẽ đáp cho.” Vị áo xanh liền hỏi: “Người đại tu hành có rơi vào nhân quả không?” Tổ đáp: “Không lầm nhân quả.” Ngay đó ông thoát kiếp hồ tinh, xin Tổ tống táng như một vị tăng chết. Sau này ở Việt Nam chúng ta, có người nêu câu chuyện đó ra hỏi Điều Ngự Giác Hoàng, tức là Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông, thì ngài đáp:

Miệng dường chậu máu chê Phật tổ,

Răng như kiếm bén gặm rừng thiền,

Một mai chết đọa A-tỳ ngục,

Cười ngất Nam-mô Quán Thế Âm.

Ngài đáp không giống như tổ Bá Trượng, mà nhẹ nhàng qua bốn câu thơ. Như vậy là có trả lời câu hỏi hay chưa?

Miệng dường chậu máu chê Phật tổ, răng như kiếm bén gặm rừng thiền. Nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả là chê Phật tổ, là phá Thiền tông. Tại sao? Vì giáo lý của đạo Phật căn cứ trên nhân quả, ngay như lý Tứ đế vẫn là nhân quả. Tập đế là nhân, Khổ đế là quả. Đạo đế là nhân, Diệt đế là quả. Một bên là nhân quả của trầm luân, một bên là nhân quả của giải thoát. Như vậy, trầm luân hay giải thoát cũng không rời nhân quả, mà nói người đại tu hành không rơi vào nhân quả tức là phủ nhận giáo lý căn bản của đạo Phật. Đó là chê Phật tổ, phá hoại Thiền tông.

Một mai chết đọa A-tỳ ngục, người đại tu hành tức là những người tu có công đức lớn đạo hạnh cao, nhưng nếu lỡ phạm lỗi lầm gì thì mai kia chết đi cũng phải đọa vào địa ngục. Nhân quả rõ ràng như vậy, làm tội thì phải đọa. Lẽ ra đọa địa ngục thì phải chịu khổ, mà lại Cười ngất Nam-mô Quán Thế Âm là sao? Bởi người tu hành khi đạt đạo rồi thì thấy “nghiệp chướng là không”, nên nếu có tạo nghiệp thì phải trả nghiệp là lẽ đương nhiên.

Như trường hợp tổ Sư Tử ở Ấn Độ, bị người sàm tấu với vua Kế-tân. Vua nghi ngờ ngài là ngoại đạo, bèn gọi tới hỏi: “Ngài thấy năm uẩn Không chưa?” Ngài đáp: “Là Không.” Vua bảo: “Vậy cho xin cái đầu được không?” Ngài nói: “Năm uẩn đã không, sá gì cái đầu.” Vua liền cho chém đầu ngài. Tổ Huệ Khả ở Trung Hoa cũng vậy, sau khi ngộ đạo ngài truyền bá thiền tông cho tới cuối đời.

Một hôm, bảo với đệ tử: “Ta còn chút nghiệp phải trả.” Ngài đến pháp hội giảng kinh, bị kẻ xấu vu khống rồi bắt giam tra khảo cho đến chết.

Có người nghi, bậc tu hành giác ngộ rồi thì nghiệp chướng không, tại sao các ngài còn phải trả quả. Có vị giải thích, nghiệp chướng không nhưng có nợ thì phải trả. Giải thích như thế người kia không chịu, vậy nói thế nào mới đúng? Tôi thí dụ, trước khi đi tu chúng ta có nói nặng nhẹ xúc phạm một người, người ấy giận mà chưa dám làm gì. Thời gian lâu sau có đủ điều kiện, họ tìm gặp mình để trả oán. Bấy giờ chúng ta tu tập hiểu Phật pháp tường tận rồi, nên dù người ấy có dùng lời mắng chửi hoặc đánh đập, mình vẫn vui vẻ không giận tức. Oán thù bao nhiêu năm xưa, nay gặp lại bị mắng chửi là việc đương nhiên, đã tạo thì bây giờ phải trả. Như vậy, trả nghiệp mà vẫn cười, vì thấy rõ nghiệp chướng vốn là không. Đây là việc rất khó, trả mà như không trả. Người kia đánh mắng là mình có trả, nhưng thay vì theo thế thường tức giận phiền khổ thì mình trả trong vui vẻ vậy thôi.

Nhân quả rõ ràng, có vay thì có trả. Tuy nhiên, với cái nhìn của người tu hành đạt đạo thì thấy tất cả đều không thật, đã không thật thì trả đó cũng không thật. Do thế gian thấy có vay thật có trả thật nên tạo nghiệp đau khổ liên miên. Đó là chỗ kỳ đặc của đạo Phật.

3- Tính thận trọng

Thiền tông Việt Nam thận trọng như thế nào? Tôi cho rằng, đây cũng chính là tính chất chung của dân tộc mình. Bởi vì đất nước chúng ta xưa kia luôn bị đô hộ, nên thường mang tâm lý thua kém xứ người. Do đó làm gì cũng rất dè dặt, thận trọng. Thiền sư Việt Nam ngộ lý thiền cũng như các thiền sư Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhưng khi truyền bá thì các ngài không sử dụng thoại đầu hay đánh hét, mà vẫn đem kinh điển Phật dạy ra giáo hóa. Điển hình như Sơ tổ Trúc Lâm dạy ngài Pháp Loa giảng kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa v.v… Đây gọi là Thiền giáo song hành. Nghĩa là không phải ngộ đạo rồi thì không cần đến giáo lý Phật, mà phải nương theo kinh điển Phật dạy để đối chiếu làm cho sáng tỏ rõ ràng sự tu, cũng để người không hiểu khỏi thắc mắc bắt bẻ mình. Vì vậy đối với Phật giáo Việt Nam, tuy thiền truyền bá rộng rãi mà kinh điển vẫn truyền bá cùng khắp chứ không như ở Trung Hoa, về sau các thiền sư ít chịu giảng kinh.

 Tóm lại, sai biệt là đứng về mặt căn cơ trình độ, do hoàn cảnh tập tục mỗi nơi khác nhau, chứ về chân lý thiền thì không có gì thay đổi. Tinh thần khế lý, khế cơ và khế thời của đạo Phật là như thế. Nên nói: Tùy duyên nhi bất biến, bất biến nhi tùy duyên. Theo căn cơ và hoàn cảnh mà tùy duyên giáo hóa, nhưng chân lý thì bất biến không đổi thay, nếu khác đi là không phải đạo Phật.

Sự truyền bá thiền tông ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam… mỗi nơi có đặc điểm gì, tôi tạm nêu ra những điều chủ yếu, các vị nghiên cứu thêm để có thể nắm vững một cách rõ ràng hơn.

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 97399
  • Online: 17