Đặc trưng trong Phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm VN: Chương 1-Tri Vọng Thượng Thừa
05/07/2020 | Lượt xem: 2103
TT.Thích Tâm Hạnh
Thay lời tựa
Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Nơi Phật không thêm, nơi phàm không thiếu. Ai cũng đang sống trên nó, nhưng bận theo trần cảnh do đó bỏ sót, tạm mê, luống chịu các khổ. Từ bản thể ấy, thương cho nỗi khổ chúng sinh, đức Phật đã thị hiện nói ra muôn lời ngàn lời giáo hóa độ sanh, để đưa người người trở về nhận lại tánh Phật sẵn đủ nơi chính mình, thoát khỏi biển khổ trầm luân sanh tử.
Thay lời tựa
Tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Nơi Phật không thêm, nơi phàm không thiếu. Ai cũng đang sống trên nó, nhưng bận theo trần cảnh do đó bỏ sót, tạm mê, luống chịu các khổ. Từ bản thể ấy, thương cho nỗi khổ chúng sinh, đức Phật đã thị hiện nói ra muôn lời ngàn lời giáo hóa độ sanh, để đưa người người trở về nhận lại tánh Phật sẵn đủ nơi chính mình, thoát khỏi biển khổ trầm luân sanh tử.
Nhiều đời chư vị Tổ sư tu hành chứng ngộ, quý ngài từ bi chỉ bày kinh nghiệm, bí quyết hoặc khai thị để hành giả ngay đây trực ngộ điều chính yếu mà chư Phật muốn chỉ, chính là tánh mình. Lời Phật ý Tổ vốn dĩ đơn giản, bình dị, rõ ràng, chỉ thẳng, ai cũng có thể áp dụng tu hành. Nhưng căn cơ người học lại có cao thấp không đồng cho nên pháp cũng từ đó chia ra có khác. Do đây, nhiều Tông phái Phật giáo được thành lập. Tuy nhiên chung quy lại có hai tông phái chính. Một Tông phái chủ yếu đứng trên lý tánh, đứng trên thể để lý luận và tu tập. Còn lại là Tông phái đứng trên sự, đứng trên dụng để lý luận, tu tập. Vì vậy, giáo thì có Tánh, có Tướng. Thiền thì có Đốn, có Tiệm. Đối với căn cơ lanh lợi thì ngay đây chỉ thẳng, ngộ thẳng. Những căn cơ thấp hơn thì quý ngài lập bày phương tiện dẫn dắt từ từ. Nhưng cuối cùng đồng trở về một tâm thể như nhau, không khác.
Ngàn xưa Phật Tổ, hiện tại các bậc tu hành đắc đạo, cho mãi đến ngàn sau, hễ đã chứng ngộ thì đồng về trong thể tánh Phật ấy, không sai khác. Cho thấy, trên tánh thể vốn bình đẳng, đồng nhất. Nhưng về phương diện mở bày phương tiện dẫn dắt người học thì phải khéo léo uyển chuyển cho phù hợp với căn cơ con người và môi trường sở tại. Từ đó có những điểm đặc sắc khác nhau (sai biệt). Do đây cho nên có Phật giáo hay Thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ 13. Đây là dòng thiền thuần Việt đầu tiên do một vị Tổ sư là người Việt Nam khai sáng, phát triển mạnh mẽ. Đến thời Nhị Tổ Pháp Loa, dòng thiền này rất hưng thịnh, đưa Phật giáo Thiền tông lúc bấy giờ trở thành Quốc giáo. Hiện nay, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã tiếp nối, phục hưng, khiến cho dòng thiền này thêm một lần nữa được phát triển rực rỡ trong thời đại văn minh, tiến bộ.
Sự thật bao giờ cũng tồn tại. Nó tồn tại bởi sự tất yếu chính nó có chất lượng, có bản chất và đặc sắc được nhân loại đón nhận. Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam vẫn đang hiện hữu một cách tốt đẹp như thế. Một trong những điểm đặc biệt riêng có của dòng thiền thuần Việt này là phương pháp hành trì.
Nếu các tông phái của Phật giáo thuộc về Tánh Tông nêu cao việc ngộ tánh thì không nói cụ thể rõ ràng về phương pháp hành trì. Ngược lại, Tướng Tông một bề chuyên nói về phương pháp hành trì thì không nhắc đến việc phải kiến tánh, ngộ tâm. Với Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thì hội đủ cả hai. Chủ trương người học đạo trước phải kiến tánh, nhưng sau đó phải bảo nhậm, miên mật tinh cần để đạt đến rốt ráo. Việc này được chư vị Tổ sư và các Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam chỉ bày rất cụ thể, cặn kẽ, rõ ràng. Với người chưa kiến tánh thì có nguyên lý tu hành Tối Thượng Thừa, hướng tiến tâm tánh, chứ không phải rơi vào các tướng của tạo tác sanh diệt. Đây là điểm đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam xuyên suốt từ xưa đến nay mà không Tông phái nào có được.
Từ loạn động của phàm phu, khéo hạ thủ công phu, trở lại tánh thể thanh tịnh; trí thể hiện bày. Trong ấy thấy biết suốt hết tất cả một cách linh thông, chủ động nhưng vẫn bất động; trí dụng sẵn đó. Sống trọn vẹn bằng sức sống này một cách miên mật, tùy duyên tiêu dung tập khí, thuận dòng hợp tánh, đó là chân thật tu hành. Công phu đắc lực, bặt cả vọng chơn, ngay tướng tức tánh, tánh tướng thường trụ, thể dụng không hai, đại lực dụng hiện tiền, tự tại trong sanh tử. Điểm đặc trưng trong phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam chỉ bày cho hành giả một cách cụ thể về công phu đặc biệt như thế. Sống thẳng tự tánh ấy, trải qua nhiều kiếp không còn lầm mê, công viên quả mãn, Phật đạo tự viên thành.
Ngày xuân năm Canh Tý – 2020
Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh.
Chương 1:
TRI VỌNG THƯỢNG THỪA
Bản chất “Pháp Tri vọng” vốn là phương pháp hành trì của Thiền Tối Thượng Thừa. Nhưng chúng ta phải thực hành như thế nào để không bị sai lầm, để đúng với bản chất vốn có của nó là Thiền Tối Thượng Thừa?
Chọn “Pháp Tri vọng” để nói, bởi đây là phương pháp phổ cập. Bất kỳ căn cơ nào cũng có thể ứng dụng thực hành được.
Phần 1: CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
1. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT.
Mục đích của Đạo Phật là giác ngộ, giải thoát sanh tử và từ bi hóa độ chúng sinh.
Sau khi đức Phật nhập diệt 100 năm. Đạo Phật được chia ra làm nhiều tông phái khác nhau. Hiện nay, đạo Phật có mười tông phái. Như: Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông v.v... Tuy có nhiều tông phái như thế, nhưng vẫn không ngoài ba mục đích chính, đó là: “Giác ngộ - Giải thoát sanh tử và từ bi hóa độ chúng sinh”.
1.1. Giác ngộ.
a) Cuộc đời vô thường, khổ, không, vô ngã.
Cuộc đời vốn vô thường biến đổi sanh diệt. Tuy có khổ có vui, nhưng niềm vui ấy không bền chắc. Sau niềm vui thì đổi lại là lắm khổ não. Vui ít khổ nhiều cho nên nó cũng chỉ mang tính chất đau khổ. Cuộc thế là không, bởi tạm có rồi vụt tan. Khi đang có cũng như ánh trăng trong nước, không thật có. Cuộc đời là vô ngã bởi tất cả đều do nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố hợp lại mà thành; không có một thứ duy nhất (chủ tể) tạo nên. Vô thường, khổ, không, vô ngã là bốn chân lý, là tứ pháp ấn của đạo Phật. Sự thật của nhân gian là như thế. Hiểu ngược lại là thấy biết sai với lẽ thật, không đúng chân lý, là mê lầm và tất yếu phải chịu khổ đau. Người nhận ra đúng bản chất thật là thấy đúng chân lý, là giác ngộ.
b) Thân, tâm sanh diệt, các pháp là duyên hợp, huyễn hóa.
Cuộc đời là nói bao quát, nói chung, mà tồn tại trong đời là con người và mọi thứ chung quanh (ngã và ngã sở). Con người thì có thân và tâm phân biệt. Cuộc đời đã huyễn hóa thì mọi thứ trong đời, mà cụ thể là thân, tâm sanh diệt và các pháp (muôn sự muôn vật) không thể nương vào đâu để chắc thật được. Thử tĩnh lặng tâm lại, trí sẽ sáng ra. Sẽ thấy sâu thân này, tâm khởi nghĩ này và muôn sự muôn vật đều do duyên hợp, huyễn hóa, không thật. Thấu suốt tột cùng sẽ không còn các mê lầm do chấp thật mà có. Để sống trên các pháp mà tâm tự lìa các pháp. Sẽ ngay đây nhận ra tự tánh sáng biết chưa từng thiếu vắng. Lâu nay đang sống trên nó nhưng lại bận theo cảnh duyên mà bỏ sót nó, phải chịu khổ đau một cách oan uổng vô cùng. Mới biết giá trị giác ngộ của đạo Phật là trước mắt, nhưng chúng sinh tự lầm qua.
c) Tỏ sáng, đạt ngộ bản tâm chân thật chính mình.
Thấy rõ bản chất thật của cuộc đời, con người và muôn sự muôn vật vốn là huyễn hóa, không thật. Thấu suốt tột cùng như thế là giác ngộ chân lý thật, nhưng vẫn chỉ là sự giác ngộ bên ngoài và của buổi đầu mới học đạo. Bởi lẽ, dù rằng rõ ràng sự thật bản chất của thân, tâm và mọi thứ trên đời là huyễn hóa, không thật, ai cũng từng nghe biết. Nhưng có người không giác ngộ để sống đúng, vẫn như chưa từng nghe biết gì. Và cũng có người nghe qua thì cuộc sống từ đây bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực, không còn lầm chấp để đưa đến khổ đau. Mới thấy, người đủ duyên thấu suốt, thấy tột, nhận ra, thấy rõ được chân lý huyễn hóa của cuộc thế này là do bản tâm giác ngộ sẵn đủ bên trong của họ nhắc thức. Và thấy tột mọi thứ huyễn hóa để không lầm chấp, để tu tập thì mới có cơ hội nhận ra bản tâm giác ngộ nơi chính mình. Do đó, muốn đạt đến cội nguồn giác ngộ thì phải tu hành tỏ sáng, đạt ngộ bản tâm chân thật nơi chính mỗi người, mới có đầy đủ lực dụng và trí tuệ suốt thông tất cả.
1.2. Giải thoát sanh tử.
Bằng vào tâm tánh đã tỏ ngộ, sức sống định tuệ tròn đầy, an lạc vô biên, các pháp không còn đủ sức chi phối, ngay đây được tự tại giải thoát. Tuy nhiên, tinh thần giải thoát trong đạo Phật vẫn có hai hướng tiến khác nhau, cho nên sự giải thoát cũng có hai kết quả không đồng. Hai tinh thần ấy có ra từ Phật giáo Nguyên Thủy (Nam truyền) và Phật giáo Phát Triển (Bắc truyền).
Với Phật giáo Nguyên Thủy (Nam truyền) thì giải thoát là phải tránh sanh tử, bỏ tam giới, an trú vào trong Niết-bàn tịch tịnh để chấm dứt sanh tử.
Với Phật giáo Phát Triển (Bắc truyền) thì giác ngộ nhận lại và sống trọn vẹn bằng bản tâm chân thật nơi chính mình, sẽ đầy đủ lực dụng làm chủ và tự tại trong sanh tử, nơi nơi đều Niết-bàn. Không có sanh tử thật đáng sợ, không có một nơi Niết-bàn cố định tịch diệt để an trú.
1.3. Từ bi hóa độ chúng sinh.
Độ sanh là hạnh nguyện cao cả của đạo Phật. Nhưng thật hơn cả là bất kỳ ai sống bằng tự tâm giác ngộ, đại lực dụng được phát huy, có vô biên lực thì giáo hóa độ sanh như là một điều hiển nhiên sau đó. Như người đang đi thì sẵn đó hai tay tự đánh đồng xa (phẩy tay) vậy thôi. Chủ động, rõ ràng mà vẫn vô tâm, không phải tác ý. Đến điền địa này, hành giả sẽ như thế mà phát đại bi tâm, tùy duyên hóa độ chúng sinh đạt đến giác ngộ, chấm dứt khổ lớn sanh tử, an lạc giải thoát như mình.
1.4. Tóm lại.
Mục đích của đạo Phật là “Giác ngộ - Giải thoát sanh tử và Từ bi hóa độ chúng sinh”. Tất cả các pháp môn tu Phật đều là của đạo Phật. Đồng hướng đến một mục đích như nhau, không khác.
2. CỐT LÕI TRONG PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ CỦA ĐẠO PHẬT.
Pháp Phật như tùy bệnh cho thuốc. Tâm bệnh chúng sinh đa dạng, rất nhiều cho nên thuốc cũng nhiều. Do đó nói có vô lượng hay tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Tuy vậy, tựu trung chỉ nằm trong hai trọng tâm: “Đoạn trừ phiền não và giác ngộ bản tâm”.
2.1. Đoạn trừ phiền não. Có hai tư tưởng:
a) Tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.
- Thấy sanh tử có thật, phiền não thật, cuộc đời thật, cho nên có sanh tử đáng sợ.
- Thấy có một pháp (sanh tử) thật để đoạn trừ, để tránh.
- Có đoạn dứt sạch, tức là đoạn dứt sanh tử thật.
- Có một cõi Niết-bàn tịch tĩnh để an trú vào đó.
b) Tinh thần Phật giáo Phát triển.
- Thấy phiền não, sanh tử không thật, cho nên không sợ phiền não, sanh tử.
- Không cần đoạn trừ hay dứt sạch. Chỉ dùng Trí tuệ Bát nhã để thấu suốt, thấy tột và hàng phục.
- Vượt trên CÓ và KHÔNG. Làm chủ, tự tại trong sanh tử.
- Ngộ ra và sống thẳng bằng tự tánh thanh tịnh, nơi nơi đều Niết-bàn.
c) Minh chứng.
- Bậc bất hồi tâm độn A-la-hán.
Là bậc A-la-hán trụ hẳn trong Niết-bàn, không vào đời giáo hóa độ sanh.
- Bậc hồi tâm đại A-la-hán.
Quý ngài không trụ trong Niết-bàn tịch tĩnh mà hồi tâm phát nguyện giáo hóa độ sanh, thực hành hạnh Bồ-tát để viên thành Phật đạo. Cho nên Kinh nói, Bồ tát đóng cửa các đường ác mà hay vào đời độ thoát chúng sinh.
Ngay khi giáo hóa cũng chính là lúc đang làm công hạnh Bồ-tát của mình. Tinh thần Phật giáo phát triển không thấy có phiền não thật đáng sợ. Phiền não là huyễn hóa. Không thấy có vọng tưởng thật đáng sợ. Tu cũng chỉ là phương pháp tạm thời, chứ không có một pháp thật để chấp trong đó. Khi ngộ tự tánh thì làm chủ, tự tại trong sanh tử. Phiền não sanh tử không còn đủ sức chi phối nữa.
Ở trong sanh tử hay tránh bỏ sanh tử để được giải thoát là lời nói của hai đầu (nhị biên). Còn tâm phân hai như thế là chưa rời sanh tử để bàn nói, cái thấy biết này chưa thể vượt thoát sanh tử. Mà ở bất cứ nơi đâu, tự tánh này cho chúng ta có khả năng ngay đây tự vượt thoát, tự tại giải thoát sanh tử. Không có một cõi Niết-bàn để an trụ, mà “Vô trụ xứ Niết-bàn”. Nghĩa là nơi nào cũng đều là Niết-bàn. Đời Lý ở Việt Nam, Thiền sư Thường Chiếu nói:
“Đạo vốn không nhan sắc,
Ngày ngày lại mới tươi.
Trong ba ngàn thế giới,
Đâu chẳng phải là nhà.”
Đạo không có hình tướng, nhưng mỗi sáng tọa thiền thấy có phấn khởi hơn. Đó là “mới tươi”. Bản tánh vốn rỗng lặng, sáng biết, không động. Nhưng tự tại tùy duyên hay sanh muôn pháp. Đó là “mới tươi”. Lúc nào chúng ta cũng tươi mới bởi tâm sống đạo của mình. Sống với tâm đạo đó thì đâu đâu cũng lạc an, sáng rỡ. Nơi nao cũng là nhà mình chứ không phải bỏ nơi này để đi tìm kiếm nơi khác. Còn tâm lấy bỏ thì đạo này chưa thênh thang trùm khắp như bản chất vốn có của nó. Đó chính là “Vô trụ xứ Niết-bàn”, khắp nơi đều Niết-bàn.
2.2. Giác ngộ và sống bằng bản tâm chân thật.
Ngộ ra và sống bằng bản tâm chân thật chính mình. Khéo léo tùy duyên tiêu dung tập khí. Làm chủ sanh tử, không còn bị sanh tử chi phối. Ngay trong sanh tử mà tự vượt thoát. Đây là con đường của Thiền Phát Triển. Các pháp thiền khác không nhắc đến phương pháp hành trì này.
Phần 2:
PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM HIỆN NAY.
1. VÌ SAO GỌI LÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM HIỆN NAY? (Thiền Phái Trúc Lâm Đương Đại).
Hiện nay, Hòa thượng Tông chủ (Thiền sư Thích Thanh Từ) đã tiếp nối và phục hưng thành công Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”, Ngài nói kế thừa có phát huy. Những gì của chư vị Tổ Sư ngày xưa mà người thời nay có thể áp dụng được thì Hòa thượng kế thừa, tiếp nối. Những gì cần thiết để phù hợp cho quý vị hiện nay thì Hòa thượng phát huy.
Nếu không theo cái cũ thì không được gọi là tiếp nối. Nếu không có cái mới thì không được gọi là hiện nay. Nếu quá khứ và hiện nay chỉ là một thì không thể nói là đương đại. Thực tế, sự sáng tạo bao giờ cũng dựa trên nền tảng tái tạo. Gốc thì không mất cho nên gọi là tiếp nối, phục hưng. Mà cái mới thì phải có sự sáng tạo; kế thừa phải có sự phát huy thì mới gọi là đương đại; mới phù hợp và đem lại lợi ích cho con người và xã hội thời nay. Vì thế, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay còn được gọi là Thiền phái Trúc Lâm Đương Đại.
Thiền vốn là tâm thể sẵn vậy nơi mỗi người. Do đó, thiền là thiền, không có cổ đại hay đương đại. Cổ đại hay đương đại cũng chỉ là một tâm thiền. Cho nên thiền thì đồng nhau, không khác. Có khác chăng chỉ là phương pháp dụng công (yếu tố khế cơ). Sở dĩ phương pháp dụng công có khác là do ba yếu tố: “Sở trường công phu, yếu tố con người và môi trường hoàn cảnh”.
- Sở trường công phu.
Ví dụ, vị Thiền sư nào từ tánh thấy mà ngộ nhập thì khi ra khai thị người học, Ngài thường triển khai về tánh thấy, như là giương cung, đưa phất tử... Nếu quý ngài ngộ từ tánh nghe thì triển khai tánh nghe nhiều hơn... Đây gọi là sở trường công phu.
- Do yếu tố con người: Căn cơ của con người đương thời.
Ví dụ, thời xưa con người còn bình dị, chất phác thì nói khác. Bây giờ mọi người văn minh và thực tiễn thì phải có cách lập luận, triển khai vấn đề khác hơn. Xưa kia thiền khách có đến tham vấn hỏi đạo lý, vị thầy bảo “Tu đi rồi biết”, Thiền giả liền bặt tâm, dứt tưởng, một bề sống chết để công phu, tỏ sáng đạo lý chân thật. Nhưng hiện nay bảo như thế thì quý vị trẻ sẽ không thỏa mãn, không thực hành.
- Môi trường hoàn cảnh.
Ví dụ, thời xưa chỉ cần một tiếng hét thì thiền nhân liền ngộ. Nhưng bây giờ có khi phải khéo lý luận khóa chặt các đường khiến cho kiến thức không còn giải quyết được, để chặn đứng thức hiểu thì mới nhận ra thể đạo vô sanh.
Tuy có vô vàn uyển chuyển sai khác như vậy, nhưng tất cả đều chung một mục đích đưa hành giả trực ngộ tâm thiền.
2. PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM HIỆN NAY.
2.1. Sổ tức.
Khi mới thực tập thiền, do thân, tâm và hơi thở còn thô phù cho nên hành giả cần thực tập sổ tức (đếm hơi thở) để thuần thục từ từ. Phương pháp này chỉ ứng dụng khi tọa thiền hoặc ngồi yên tĩnh; không vận hành, hoạt động hay sinh hoạt gì.
a) Cách thực hành.
Khi đã ngồi ngay ngắn và đúng tư thế, hành giả hít sâu, thở sạch 3 lần để xả sạch và lưu thông hơi thở. Cụ thể, hít thật sâu vào bằng mũi, há miệng và thở sạch ra bằng miệng. Hít thở 3 lần như thế.
Kế đến, ngậm miệng lại, hít vào bằng mũi và thở ra cũng bằng mũi; nghĩa là hít thở bình thường. Hít vào bình thường, thở ra bình thường, đếm 1; hít vào thở ra đếm 2, hít thở bình thường như thế đếm 3, ... đếm đến 10 thì bỏ và bắt đầu đếm lại từ 1 cho đến 10... Trong khi đếm, nếu bị nhầm hoặc quên số thì bỏ qua, bắt đầu đếm lại từ số 1. Trong suốt thời gian tọa thiền, chỉ có đếm số hơi thở như là máy móc, đơn điệu, không khởi tưởng làm thêm gì. Chỉ lưu ý là phải luôn tỉnh sáng và rõ biết; không theo niệm tưởng, không mê mờ.
b) Sổ tức thành công.
Khi ngồi cảm thấy trong người thanh thản, hơi thở nhẹ mà suốt thông, vọng tưởng thưa và bớt chi phối, tâm khinh an. Hơi thở và số đếm tự lưu thông, không lẫn lộn số đếm. Như vậy là đã có vốn, có nền tảng căn bản để tiến lên phương pháp tùy tức. Nếu thời khóa ngồi thiền ổn định theo từng ngày, không bỏ công phu thì giai đoạn này thực tập khoảng từ sáu tháng đến một năm.
Khi sổ tức, rất dễ đạt được định mất thân, bặt niệm tưởng, mất hơi thở nhưng suốt thông hơn bình thường. Hành giả không nên chấp vào đó lấy làm sở đắc, phải khéo léo điều hòa thì sẽ có những bước tiến tốt và đặc biệt hơn. Nếu chấp chặt vào đó rồi cho là sở đắc, thời gian sau sẽ bị bệnh, không thể tiếp tục công phu được nữa. Hoặc có đạt được định sâu hơn cũng chưa khỏi rơi vào tà kiến (kiến giải sai lệch). Nếu trình được với vị Thầy sáng đạo và có kinh nghiệm để được chỉ dạy thì công phu sẽ tốt và tiến bộ nhanh hơn.
2.2. Tùy tức.
Tuy sổ tức đã thành thục, nhưng tâm chưa thực sự thuần thục cho nên cần có thêm thời gian thực hành phương pháp tùy tức.
a) Cách thực hành.
Hơi thở ngắn hay dài, đến đâu, hành giả nhận biết rõ ràng. Có hai phương cách:
- Tâm còn thô, hơi thở còn nặng nề, vọng tưởng còn nhiều:
Thực hành theo cách hơi thở đến đâu, biết đến đó. Gần như là còn biết về, biết theo hơi thở, nhưng phải buông thư, không kềm hoặc đè nén. Nếu chằm chằm biết theo hơi thở đến mức độ kềm, đè, cố gắng quá mức sẽ có tác dụng phụ như ran ngực, căng đầu...
- Khi tâm đã an, thân tâm đều an ổn, nhẹ nhàng:
Khi tọa thiền, hơi thở nhẹ một cách tự nhiên, bình thường, không tác ý hay làm thêm gì. Hành giả chỉ an ngay chỗ đang thông suốt, tự sáng biết rõ ràng. Cùng một lúc biết hết tất cả một cách rành rẽ, chủ động nhưng không động. Việc biết hơi thở lúc này cũng như thế. Như đứng trên lầu cao nhìn xuống, cùng lúc đồng thời thấy biết hết muôn vật. Lúc này chỉ thông suốt và biết rõ như thế chứ không cần biết về hay biết theo hơi thở nữa.
b) Tùy tức cho đến khi nào mới dừng?
Thông thường thực hành phương pháp tùy tức rất dễ khiến cho hành giả cảm thấy an ổn và buồn ngủ, hôn trầm, vô ký... Do đó, chỉ ứng dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn khoảng 3 – 6 tháng thì chuyển sang pháp Tri vọng (Biết vọng không theo).
c) Tóm lại.
Sổ tức và tùy tức là hai phương pháp vì người sơ cơ. Hai pháp này chú trọng vào điều thân nhiều hơn chứ chưa dụng tâm. Đồng thời, đây là hai phương pháp mang tính bổ trợ chứ không phải là công phu chính của Thiền tông. Khi chuyển qua Pháp Tri vọng mới bắt đầu đi vào công phu chính.
- Nói thêm: Đi ngang qua hay đi sâu vào?
Không có một pháp nào cố định là của một dòng thiền nào cả. Chỉ do cách hành trì và đích hướng đến có khác mà phương pháp ấy mang màu sắc riêng của từng dòng thiền khác nhau. Đối với pháp Sổ tức và Tùy tức cũng vậy.
- Ví như việc tập Yoga.
Nếu khi chưa biết Thiền Phật giáo thì sẽ ngỡ yoga chính là thiền của đạo Phật. Nhưng đã thông hiểu Thiền Phật giáo rồi thì dù có tập yoga, nhưng biết đây chỉ là môn tập thể dục, cho nên không bị nhầm lẫn để phải đưa đến kết quả không tốt.
- Đối với pháp Sổ tức và Tùy tức cũng tương tự.
Nếu xem pháp Sổ tức và Tùy tức là một pháp tu chính, từ đó chấp vào công phu, có tạo tác đối trị, có diệt trừ vọng tưởng phiền não... Đó là đi vào con đường của các pháp thiền khác, không phải Thiền tông Việt Nam.
Ngược lại, nếu xem đây là phương pháp hỗ trợ chứ không phải pháp tu chính (như việc tập Yoga). Không đối trị, không tạo tác, thực hành chỉ để hỗ trợ điều thân cho buổi ban đầu thôi. Khéo thấu suốt và ứng dụng như thế là chỉ đi ngang qua chứ không đi sâu vào. Đó là không rơi vào con đường của các pháp thiền khác.
2.3. Tri vọng (Biết vọng không theo).
Thiền sinh sau thời gian trải qua quá trình điều thân, điều tức thuần thục, Hòa thượng Tông chủ mới chỉ dạy đi thẳng vào công phu tu tập thiền. Ngài đã viết: “Đây là phần trọng yếu của pháp tu ở các thiền viện. Tùy theo căn cơ của hành giả, đến đây có hai cách thực tập...”:
a) Pháp tri vọng.
Hòa thượng Tông chủ dạy: “Tâm an nhiên, không duyên không trụ vào đâu, chỉ chăm chỉ với “cái biết”, tâm vọng khởi lên liền biết, không theo, vọng tự nhiên mất. Cứ theo dõi quá trình sinh diệt của vọng tưởng. Sau nhiều năm tháng vọng sẽ thưa dần, còn “cái biết” ngày một thường trực, không thiếu không vắng”.
Đây là phương pháp dụng công tu tập nhắm đến điều phục tâm. Nhưng nhắm thẳng đến bản tâm, hướng đến “Tánh tri vọng”, chứ không an trú, không chấp vào pháp tri vọng này để lấy làm công phu chính.
Có tri vọng, không theo vọng, là đang tu. Nhưng không chấp vào công phu cho nên coi như không tu gì cả. Đây là “tu mà không tu”. Đồng thời, không an trụ, không dừng ở công phu, do đó như là không tu. Nhưng vẫn lặng sáng, biết rõ vọng tưởng và không theo thì vẫn là đang công phu tu tập. Đây là “không tu mà tu”. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”, mới thực sự là tu, mới đạt đến “Chân thật tu hành”.
b) Tánh tri vọng.
Hòa thượng Tông chủ dạy: “Đến đây, hành giả biết vọng tâm và chân tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng biển và nước biển đều là nước. Đây là lúc ‘thấy dấu biết trâu’ hay ‘kiến sắc minh tâm’. Tu trong giai đoạn này không căng thẳng mà luôn khéo tỉnh sáng, nhẹ nhàng bảo nhậm công phu... cho đến lúc không còn một niệm thì tâm thênh thang và còn mãi”.
Lúc này vọng tưởng đã yếu, thưa và lặng, chỉ còn bản tánh tự sáng biết. Không cần phải khởi biết mà tự biết. Không cần biết theo, biết về vọng tưởng. Chỉ là không mê thì toàn thể đang tự sáng biết. Có vọng niệm hay không có vọng niệm, mình vẫn đang sáng biết rõ ràng mà không động. Hằng sống bằng bản tâm lóng lặng mà sáng biết như thế thì công phu sẽ đắc lực.
Sống bằng tâm lặng mà sáng biết, là đang tu. Nhưng không khởi tâm tạo tác hay làm gì cả, thì như là không tu. Đồng thời, công phu đến đây rồi chỉ là không mê thì đang sáng, thảnh thơi, như là không làm gì cả, do đó giống như là không tu. Tuy nhiên, tâm vẫn lặng sáng, hiện tiền cho nên cũng là đang tu. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”; đây là công phu mà không chấp dụng công, dụng nhưng không có chỗ dụng, đạt đến vô tướng, vô tác, vô trụ như thế mới đắc lực, mới đạt đến “Chân thật tu hành”. Theo Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền Thượng Thừa”. Cho thấy, dụng công “Tri vọng” như vừa nêu trên là đúng nguyên lý dụng công tu tập Thiền Tối Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã dạy. (Sẽ nói đầy đủ tại mục 3 và 4, trong phần 3, ở sau chương 1 này).
2.4. Biết là chân tâm.
a) Pháp tu thiền Biết có chân tâm.
Bằng tâm trong lặng sáng biết, hành giả nhận ra rõ ràng, mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm… Tóm lại, ngay mọi thứ đang đối diện, chúng ta đang lặng sáng, thấy biết rõ ràng mà không động, mỗi mỗi thấy, nghe, biết..., chân tâm đang hiển hiện rõ ràng.
Sách Chơn Tâm Trực Thuyết, Thiền sư Phổ Chiếu nói: “Biết không sanh tử chẳng bằng Thể không sanh tử. Thể không sanh tử chẳng bằng Khế không sanh tử. Khế không sanh tử chẳng bằng Dụng không sanh tử”. Cho thấy, “Biết không sanh tử” cũng đã được Thiền sư Phổ Chiếu chứng minh xếp vào hàng tỏ sáng được chỗ không còn sanh tử, tức là bản tâm, tự tánh chính mình. Và “Biết có chân tâm” cũng vậy. Còn từ chân tâm mà thấy biết thì tiến sâu hơn nữa. Hòa thượng Tông chủ đã dạy ở phần: “Chân tâm hiện tiền”.
b) Chân tâm hiện tiền.
Hòa thượng Tông chủ dạy: Khi đã thuần thục, cái biết chân tâm hiện tiền thì chuyển qua giai đoạn “thể nhập chân tâm”.
Đến đây hành giả thể nhận rõ chân tâm: “Vốn tự không động, thường biết rõ ràng mà không cần khởi niệm phân biệt. Thênh thang còn mãi, vốn tự như vậy”.
c) Tóm lại.
- Phần a, Pháp tu thiền Biết có chân tâm.
Ngay thấy biết là chân tâm. Vì sống bằng cái thấy biết của chân tâm cho nên đang tu. Nhưng không làm gì thêm cả, do đó như là không tu. Đây là “Tu mà không tu”.
- Phần b, Chân tâm hiện tiền.
Hằng sống bằng chân tâm hiện tiền chứ không làm thêm gì cả, do đó như là không tu. Nhưng không phải mê, mà là đang giác sáng, rạng ngời cho nên vẫn là đang tu. Đây là “Không tu mà tu”.
- Chân thật tu hành Tối Thượng Thừa.
“Tu mà không tu. Không tu mà tu” như thế không rơi vào dấu vết, tạo tác, sanh diệt. Áp dụng công phu như vậy mới chân thật tu hành theo tinh thần Thiền Tối Thượng Thừa.
2.5. Phương tiện chung tạm lập bày.
Ngoài bốn bước hành trì cơ bản trên, Hòa thượng Tông chủ có nói thêm “Bốn phương tiện chung tạm lập bày”. Trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài đã viết:
2.5.1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2.5.2. Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
2.5.3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
2.5.4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.
Đây là bốn phương tiện chúng tôi (Hòa thượng Tông chủ) tạm lập để hướng dẫn người tu. Tùy theo căn cơ trình độ nhanh chậm, cao thấp của hành giả mà lối ứng dụng có khác. Cũng có thể bốn lối tu này, hành giả linh động ứng dụng theo thứ tự từ pháp thứ nhất đến pháp thứ tư để tu hành cũng tốt.
- Tùy căn cơ, tùy lúc, tùy vào từng hoàn cảnh để ứng dụng:
- Khi tọa thiền có thể áp dụng phương pháp số 1 và số 4.
- Khi sinh hoạt, đối duyên xúc cảnh thì khéo léo ứng dụng các phương pháp số 2, số 3 hoặc số 4.
- Làm sao có kết quả tốt, không bị trở ngại thì đúng pháp.
Có khi thu nhiếp nơi mình mà không cần ở cảnh. Có khi không dừng trụ, suốt qua các cảnh mà không cần thu nhiếp nơi mình. Có khi cần thu nhiếp cả hai. Có lúc trong không trụ căn bản, ngoài không dừng trụ các cảnh duyên mà hay suốt qua tất cả; tâm thể hiện tiền. Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Vì huyễn thân diệt cho nên huyễn tâm diệt; vì huyễn tâm diệt cho nên huyễn trần diệt; do huyễn trần diệt cho nên huyễn diệt diệt; vì huyễn diệt diệt cho nên phi huyễn hiện tiền”.
Tùy vào căn cơ của từng hành giả thích hợp cách nào thì khéo léo ứng dụng theo cách ấy. Cũng có khi đối với một hành giả, nhưng tùy lúc, tùy thời, tùy hoàn cảnh để khéo léo vận dụng sao cho nội tâm an định mà sáng rỡ; làm chủ thân, tâm và các cảnh duyên. Khéo vận dụng để công phu một cách miên mật như thế, khi thời tiết nhân duyên chín muồi, bản tâm tự bừng sáng, tỏ ngộ tự tánh chính mình.
3. HÒA THƯỢNG TÔNG CHỦ NÓI PHƯƠNG PHÁP DỤNG CÔNG TU HÀNH QUA BA GIAI ĐOẠN, CÓ Ý CHỈ GÌ?
* Hòa thượng Tông chủ đã nói phương pháp hành trì qua thời kỳ:
- Ban đầu, vào năm 1968, lúc mới thành lập Tu viện Chơn không, Hòa thượng chỉ bày phương pháp “Tri vọng”.
- Chặng giữa, vào năm 1992, Hòa thượng nói thêm “Bốn phương tiện tạm lập bày”.
- Rốt sau, vào năm 2005, Hòa thượng chỉ thẳng “Biết là chân tâm”.
Như vậy là có ý chỉ gì? Vì sao Hòa thượng phải nói phương pháp hành trì qua ba thời kỳ (giai đoạn) như thế?
3.1. Yếu tố khế cơ.
Thiền là bản tâm vốn tự đầy đủ nơi mỗi người, ai ai cũng sẵn có. Ngộ ra bản tâm này là ngộ thiền. Tâm ấy vượt không gian và thời gian, vì thế không có ba thời: Ban đầu – Chặng giữa và Rốt sau. Người đã ngộ thiền và sống bằng sức sống thiền thì có nói ra ba thời kỳ khác nhau cũng chỉ từ một tâm thiền. Sự sai khác ở đây chỉ là phương pháp dụng công. Sở dĩ phương pháp dụng công có khác là do sở trường công phu, do yếu tố con người và môi trường hoàn cảnh. Tuy nhiên, tất cả đều chung một mục đích đưa hành giả nhận lại tâm thiền. Với tinh thần đó, từ trí tuệ giác ngộ của mình để quán xét căn cơ, Hòa Thượng Tông chủ đã tùy vào từng thời kỳ để uyển chuyển lập bày phương tiện, nói ra phương pháp thích hợp để giúp hành giả tu hành đắc lực, đạt đến giác ngộ.
3.2. Không ba, không một.
Cụ thể:
a) Ban đầu, năm 1968: Tri vọng.
Đây là buổi ban sơ, Hòa thượng Tông chủ mới khởi đầu việc tiếp nối và phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mọi người chưa biết gì về thiền. Lúc này Thiền tông ở Việt Nam gần như mất hút, không còn ai biết rõ và tin tưởng để tu tập. Có người còn đả kích, bài bác thiền. Đến nỗi còn cho rằng thiền là quái thai của đạo Phật, tu thiền coi chừng bị điên… Hòa thượng đã viết rõ trong sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”. Trong hoàn cảnh căn cơ chúng sinh như thế, nếu một bề nói thẳng, chỉ thẳng tâm tánh thì làm sao mọi người dễ dàng tin đến được chỗ rốt ráo chân thật ấy? Do đó, Hòa thượng chỉ dạy pháp tu “Tri vọng” để hành giả tu tập rồi thâm nhập dần. Ai cũng có vọng tưởng và đang bị nó hoành hành làm cho mình bị loạn động, căng thẳng. Vì vậy, pháp tu tri vọng này thực tế nơi mỗi người, dễ cảm nhận và tin tưởng để áp dụng hạ thủ công phu được.
b) Chặng giữa, năm 1992: Nói ra “Bốn phương tiện tạm lập bày”.
Sau 24 năm giáo hóa (1968 – 1992), rất nhiều người đã thấu suốt và thâm nhập được thiền. Nhiều vị có công phu tiến bộ đáng kể. Trong điều kiện hoàn cảnh thuận duyên, căn cơ con người đã thuần thục, Hòa thượng đã nói ra “Bốn phương tiện tạm lập bày”. Mục đích muốn cho hành giả tu hành thâm nhập sâu hơn. Đồng thời có nhiều phương pháp ứng dụng thích hợp cho nhiều căn cơ lúc bấy giờ.
c) Rốt sau, năm 2005: Biết là chân tâm.
Đến sau này (năm 2005), Hòa thượng nhận thấy thiền được phổ cập đến quần chúng rộng rãi. Có rất nhiều người nghiên cứu và hiểu thiền. Nhiều vị thâm nhập thiền, tỏ ngộ tâm thiền. Do đó, ngài nói thẳng ngay biết thấy, biết nghe … là chân tâm biết.
d) Tóm lại.
Đứng về phương tiện lập bày phương pháp hành trì thì thấy có khác. Nhưng tất cả đều phát xuất từ tâm thiền giác ngộ của Hòa thượng, nhằm đưa hành giả quay về tỏ ngộ bản tâm. Mới biết, phương tiện đối với người học thì có “Ba thời kỳ, ba pháp”. Nhưng trong tâm thiền của Hòa thượng Tông chủ thì “Không ba, không một”.
Nếu bằng tâm vọng động để hiểu biết, phân biệt thì sẽ khó thấy ra. Nhưng ai đã sống thẳng bằng tâm thể rạng ngời không động nơi chính mình thì mới thấu suốt tâm lão bà tha thiết của Hòa thượng Tôn sư đối với con cháu hậu học.
Phần 3:
DỤNG CÔNG “PHÁP TRI VỌNG” NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ NHẦM VÀ SAI VỚI THIỀN THƯỢNG THỪA?
1. THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ THUỘC LOẠI THIỀN NÀO?
Trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Thiền có chia làm năm: 1. Phàm phu thiền, 2. Ngoại đạo thiền, 3. Tiểu thừa thiền, 4. Đại thừa thiền, 5. Thượng thừa thiền. Đây nói thiền, chính là Thượng thừa thiền vậy. Thiền này, từ đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích-ca truyền xuống cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao tay cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được”. Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc Thiền Thượng Thừa; hay còn gọi là Tối Thượng Thừa Thiền, Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, Tổ Sư Thiền.
2. THẾ NÀO LÀ THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA?
Trong Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (Nguồn Thiền), Thiền sư Tông Mật nói: “Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là Thiền Tối Thượng Thừa, Cũng gọi là Thiền Như Lai Thanh Tịnh, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Đây là căn bản của tất cả tam muội (Samàdhi). Nếu người hay niệm niệm tu tập, tự nhiên dần dần được trăm ngàn tam muội. Môn đệ Tổ Bồ Đề Đạt Ma lần lượt truyền nhau là thiền này”.
Đọc thoáng qua, chúng ta dễ nhận hiểu Thiền Thượng Thừa như là dành cho những ai đã đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh... Vậy đối với người chưa đốn ngộ thì tu Thiền Thượng Thừa như thế nào? Không lẽ Thiền Thượng Thừa chỉ dành riêng cho người đã đốn ngộ? Và nếu như vậy thì trước khi chưa ngộ nhờ đâu mà hành giả được đốn ngộ thiền? Không lẽ trong trường hợp này chỉ kể đến những vị không thầy tự ngộ? Hơn nữa, người đã ngộ rồi thì tự biết lối đi, đâu cần bàn nói? Do đó, việc chúng ta quan tâm lúc này là những hành giả chưa ngộ, còn đang trên đường công phu tu tập thì tu Thiền Tối Thượng Thừa như thế nào.
3. NGUYÊN LÝ CƠ BẢN TRONG CÔNG PHU TU TẬP CỦA THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA.
Nguyên lý cơ bản trong công phu tu tập Thiền Tối Thượng Thừa được Nhị Tổ Pháp Loa dạy trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền Thượng Thừa”. Nghĩa là: Còn dụng công thì không chấp vào phương pháp hành trì, không kẹt trên tướng tu tập (không được chấp dụng công). Đã kiến tánh thì sống ngay bản tánh là công phu (dụng mà không có chỗ dụng). Đó là “Tu mà không tu, không tu mà tu, là đạt đến chân thật tu hành”.
- 4. NGUYÊN LÝ CÔNG PHU TU TẬP CỦA THIỀN THƯỢNG THỪA QUA “PHÁP TRI VỌNG”.
Nguyên lý công phu tu tập Thiền Thượng Thừa này được ứng dụng cho những hành giả chưa kiến tánh, đang còn dụng công tu tập “Pháp Tri Vọng” (chưa đạt đến “Tánh Tri Vọng”) cụ thể là như thế nào?
Đối với hành giả còn đang trong quá trình ứng dụng công phu “Pháp Tri Vọng”, cần lưu ý đến các đặc điểm cơ bản sau.
4.1. Không đối trị.
a) Không chỉ.
Không dùng pháp chỉ để dừng dứt vọng. Vì như thế sẽ gần giống với diệt trừ, đè nén vọng. Nhưng bản chất thật của vọng niệm là không thật thì diệt trừ hay đè nén sẽ không có tác dụng tốt. Chỉ hoài công và dễ sanh ra các tác dụng ngoài mong muốn.
b) Không quán.
Không dùng các phép quán chiếu phân tích chia chẻ mang tính đối trị. Bởi quán chiếu là rơi vào đối trị, tạo tác, chưa rời tính chất sanh diệt; đồng một tính chất của vọng. Vì thế nó chỉ có giá trị tạm thời, không thể hàng phục được tận gốc rễ.
4.2. Không tạo tác.
a) Không khởi cái biết để biết vọng tưởng.
Tâm mình vốn tự sáng biết, không cần khởi thêm một cái biết để biết vọng tưởng. Như thế trên vọng sẽ chồng thêm vọng.
b) Không biết về, biết theo như đếm vọng tưởng.
Không biết về, biết theo đuôi của vọng tưởng như là ngồi đếm từng vọng tưởng. Việc này khi còn công phu nhẹ ở bên ngoài thì dường như vô hại, bởi vọng tưởng còn yếu và ít. Nhưng khi vào nhập thất miên mật mà ứng dụng như thế thì sẽ có lúc mất thăng bằng, không thể tiếp tục hạ thủ công phu được nữa. Bởi trong thất, có những thời điểm sẽ có quá nhiều vọng tưởng cùng một lúc ùn ùn ào ạt ùa về. Nếu biết theo đuôi của vọng, biết về vọng tưởng thì hành giả sẽ bị bất lực. Dẫn đến hoảng loạn, tự mình sợ niệm khởi của chính mình mà không hay biết, không còn tự chủ để cân bằng được nữa...
c) Không dứt trừ vọng tưởng.
Như trên đã nói, nếu dùng công phu đè nén thì như dùng đá đè cỏ gấu (cỏ cú), cỏ sẽ mọc lan sang chỗ khác mạnh hơn. Đã là vọng tưởng, có nghĩa là bản chất của nó không thật thì dứt trừ cái gì. Có khi dụng công trừ dẹp lại còn dễ bị trở ngại cho bước tiến công phu của hành giả.
4.3. Không để mặc kệ.
Khi hành thiền, hành giả không có tâm để mặc kệ, mặc tình. Nếu bằng cách này sẽ rơi vào bệnh “nhậm”. Tức là có “một tâm để mặc kệ, mặc tình”. Như thế là còn dấu vết của tâm sanh diệt, cũng là một loại vọng tưởng. Xa hơn, dễ dẫn đến mênh mang, không rõ ràng, hoặc buông xuôi.
Tránh được ba yếu tố trên là tránh được các bệnh tác (tạo tác, làm gì đó), chỉ (làm cho dừng, ngăn chặn), nhậm (để mặc tình), diệt (làm cho dừng dứt) mà đức Phật đã chỉ dạy trong Kinh Viên Giác.
4.4. Chỉ dùng trí tuệ thấu suốt vọng niệm không thật.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói: “Gẫm xem các pháp điều như huyễn, bản tánh tự không đâu dụng trừ”. Xem kỹ cho thấu tột các pháp, kể cả pháp trần (vọng tưởng) đều là huyễn hóa, không thật. Bản chất thật của nó vốn tự là không có gì, như bóng trong gương, như ánh trăng đáy nước thì đâu cần dụng công để trừ dẹp làm gì!
Hiểu là giả thì sẽ vẫn còn thầm thầm thấy nó là thật, chưa tột lý huyễn hóa. Nếu dùng trí tuệ xét sâu sẽ thấy tột, suốt thông, sẽ thấy rõ các pháp vốn tự nghiễm nhiên là huyễn hóa như thế; ngay đó tự lìa.
4.5. Không theo vọng tưởng.
Thiền sư Tông Mật nói: “Vọng tưởng vốn không, theo nó thì thành sự”. Nó chỉ là bóng dáng của tiền trần còn sót lại (lạc tạ ảnh tử), bản chất vốn không. Nó chợt hiện chợt tan, không có giá trị gì cả. Chỉ cần tỉnh sáng, không theo vọng, đó là tu hành. Ngược lại, theo nó mới thành sự. Lục Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Cụ thể, hành giả đừng sợ vọng niệm để phải biến cái giả của vọng thành quan niệm thật rồi quan trọng nó. Từ đó dụng công sẽ vất vả mà không đắc lực. Chỉ là giác sáng, không mê lầm, không theo vọng tưởng là đang công phu.
4.6. Sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”.
Hành giả chỉ sống bằng tâm bình, lặng lẽ an nhiên mà sáng biết. Không duyên theo, không trụ vào đâu cả. Vọng nếu có khởi lên, không cần khởi biết mà tâm tự nó sáng biết; không theo. Vọng có lặng cũng là chuyện tự sanh tự diệt của nó, không cần quan tâm, can thiệp hay khởi thêm gì. Như thế sẽ thấy ra rất rõ, vọng có sanh hay diệt gì cũng không ra ngoài chân trời tự tánh đang sáng biết không động. Mới hay ra, vọng tâm và chân tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng và mặt nước, vốn đều là nước, đồng một chất ướt. Sau nhiều năm tháng, năng lực giác của tâm sẽ mạnh, theo đó vọng sẽ tự yếu và thưa dần, bản tâm lặng lẽ sáng biết ngày một hiển hiện rõ ràng và thường trực hơn... Sẽ đến lúc thình lình tự ngộ ra bản tâm, bản tánh chính mình. Hoặc có hành giả bất chợt hoát toang, thân tâm vỡ vụn, rơi rụng mất sạch tất cả. Một niệm cũng không, chỉ là một thể thênh thang sáng rỡ, muốn động cũng không được. Đến đây hành giả tự có kế sống cho mình.
4.7. Tóm kết.
Vì không theo vọng tưởng (không mê); dùng trí tuệ thấu suốt vọng tưởng vốn không thật (không lầm); sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”; là đang tu. Nhưng hành giả không đối trị, không tạo tác, cho nên như là không tu (vì không có tướng tu hành). Đây là “tu mà không tu”; là đúng lời Nhị Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công”.
Hơn nữa, hành giả không đối trị, không tạo tác cho nên như là không tu (vì không có tướng tu hành). Nhưng không theo vọng tưởng (không mê); dùng trí tuệ thấu suốt vọng tưởng vốn không thật (không lầm); sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”; cho nên vẫn là đang tu hành. Đó là “không tu mà tu”; là chỗ Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Dụng mà không có chỗ dụng”.
Hành giả ứng dụng công phu tu tập “Pháp Tri Vọng” như thế. “Không chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng”; là đúng với nguyên lý tu tập Thiền Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã chỉ dạy.
Phần 4:
CHÚNG TA DỤNG CÔNG CÓ BỊ SAI VÀ NHẦM THEO CÁCH HÀNH TRÌ CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC HAY KHÔNG?
1. ĐIỂM KHÁC BIỆT NỔI BẬT ĐỂ NHẬN RA ĐÓ LÀ THIỀN TÔNG (Thiền Thượng Thừa).
- Trước hết là tin, biết có chân tâm.
- Không thấy vọng tưởng, các pháp và sanh tử là có thật.
- Không đoạn trừ, dứt sạch, mà chỉ dùng trí tuệ để hàng phục, vô hiệu hóa.
- Không có một cõi Niết-bàn cố định để an trú, mà nơi nơi đều Niết-bàn.
2. HIỂU SAI PHÁP, VÔ TÌNH ĐI VÀO CÁC PHÁP THIỀN KHÁC.
Cách thực hành “Pháp Tri Vọng” Thượng Thừa đã được nêu rõ tại mục 4, phần 3 của chương 1 này. Nếu hành giả biết vọng mà còn dính kẹt vào một trong các trường hợp sau thì đã vô tình rơi vào con đường thực tập của các pháp thiền khác; trái với tính chất, nguyên lý và tinh thần Thiền Thượng Thừa:
- Thấy vọng tưởng là có thật, cảm thấy khó chịu và muốn hết mau cho khỏe. Xa hơn, còn thấy thân này, hoàn cảnh này là thật, đáng sợ.
- Có tấn công, dẹp trừ, dứt trừ cho sạch hết vọng.
- Khởi biết để biết về, biết theo đuôi vọng tưởng.
- Cầu mong vọng tưởng thưa dần để chứng đạt được từng bậc
3.ĐÚNG PHÁP, HÀNH TRÌ ĐÚNG THEO TINH THẦN THIỀN PHÁT TRIỂN (THIỀN TÔNG), CỤ THỂ LÀ THIỀN THƯỢNG THỪA.
3.1. Tin, biết mình có Phật tánh, có khả năng tu hành thành Phật.
- Dụng công thẳng đến tự tánh, hướng đến pháp “Tánh biết vọng” hay “Biết là chân tâm”.
3.2. Dùng trí Bát nhã thấy rõ vọng tưởng và sanh tử không thật.
- Dùng trí tuệ Bát nhã thấy tột, thấu suốt các pháp, trong đó có vọng tưởng, tất cả đều rỗng tuếch, không thực thể.
- Từ đó hạ thủ công phu, hành giả chỉ lặng lẽ, giác sáng, biết rõ ràng, không theo niệm khởi.
- Ngay biết là chân tâm biết, không can thiệp đến vọng tưởng.-Công phu chín muồi, tự tánh giác sáng bùng vỡ, hiển hiện rành rẽ, rõ ràng.
3.3. Không nhầm lẫn cho rằng Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là một.
Nếu Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là giống nhau thì vì sao lại có nhiều tên gọi, nhiều cách nhìn và dụng công tu tập khác nhau? Hơn nữa, Phật giáo có nhiều Tông phái và mỗi phái đã hình thành được hệ thống tu hành chuyên nghiệp rõ ràng. Không giống nhau từ sự nhìn nhận về giới luật, sanh tử, cho đến Kinh điển, phương pháp hành trì, kể cả tinh thần giác ngộ, giải thoát... Như thế, Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác không thể là một được.
Nếu hành giả chưa xác định rõ từng chi tiết một cách cụ thể, khúc chiết thì không khỏi thấy biết bị sai, dụng công lầm. Từ đó cho rằng pháp Tri Vọng của Thiền Thượng Thừa gần giống với các pháp thiền khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến không chuyên tâm một đường, công phu không đắc lực, không thể nhập được tự tánh, không nhận ra được giá trị của Thiền Thượng Thừa. Cũng do đây, quý vị đi khắp mọi miền tìm học mỗi nơi một ít để gom vào làm công phu, tu hành theo kiểu chắp vá. Có phước mới nhận ra sớm hơn. Nếu không, cuối đời ngồi lại mới thấy mình không đến đâu. Cả đời chỉ đem mình làm phòng thí nghiệm và kết quả thì chỉ là những rút kinh nghiệm mà thôi.
3.4. Không rơi vào trầm không trệ tịch.
Với tinh thần Phát triển, nhất là Thiền Thượng Thừa, chư vị Tổ sư, các Thiền sư chưa chấp nhận tại cơ lặng yên. Trong nhà thiền vẫn thường gọi là “Trầm không trệ tịch”, hoặc “Nước chết không chứa được rồng”, “Đầu sào trăm trượng”, “Vô tâm còn cách một lớp rào”.
a. Vô tâm còn cách một lớp rào.
Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:
Chớ bảo vô tâm gọi là đạo,
Vô tâm còn cách một lớp rào.
(Mạc vị vô tâm vân thị đạo,
Vô tâm du cách nhất trùng quan).
Vô tâm ở đây là do làm cho được vô tâm. Là do dứt sạch, vắng lặng mà được vô tâm. Tương đương với Bức Tranh Chăn Trâu số 8 trong nhà thiền. Hành giả đến điền địa này chỉ hay sáng sạch, lặng trong. Nhưng còn thiếu một tiếng sét giữa tầng không, tiếng chim vang lên trong khung trời thanh vắng, hay một tiếng “à” lên trong vỡ òa, hoặc chợt hay ra mọi thứ đang hiện bày ra đó... Cụ thể là trí chiếu phá sanh tử chưa hiển lộ cho nên các Thiền sư nói còn cách một lớp rào, chưa thấy tánh. Vì thế, Thiền sư Cảnh Sầm nói:
Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa,
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
b. Ngộ bản tâm thì tâm thiền vốn tự vô (không). Cho nên ngay vô tâm, sức sống thiền đang hiển hiện.
Với tinh thần Thiền Thượng Thừa, Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam nói:
...Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Vì đã nhận ra của báu tức là ngộ tâm thì tâm ấy vốn tự vô, trong tâm ấy không một vật. Đến đây hành giả sẽ ngộ ra, ngay tánh sáng biết này vốn tự tịnh, tự định, muốn động cũng không được. Không phải làm cho được định thì tuệ mới sáng ra, mà ngay trí tuệ giác sáng biết khắp ấy vốn tự không động. Vì thế, định tuệ không trước không sau, cho nên Lục Tổ nói: “Định tuệ đồng thời”.
Tâm thiền sáng rỡ không động ấy vốn không một vật, vốn tự không tâm nhưng linh thông hơn cả chủ động. Đồng thời tánh này hay sanh muôn pháp một cách tự tại, nhưng tánh thể vẫn thế, bất động. Đâu nhất thiết phải khởi phân biệt mới thấy biết mọi vấn đề? Đối trước tất cả trạng huống, cảnh vật đều thấy biết rành rẽ rõ ràng mà không phải phân biệt của ý thức. Sức sống thiền đã sáng rỡ ra đó, nhìn cảnh gì, đối diện hoàn cảnh nào mà chẳng phải là thiền. Đâu cần hỏi tìm thiền ở đâu nữa! Đây chính là sức sống của Thiền Thượng Thừa.
c. Tóm lại.
Có tu tập theo kiểu tạo tác làm thế nào đó để được vô tâm cho nên Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Vô tâm còn cách một lớp rào”. Do đó Ngài dạy: “Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa” thì sẽ ngộ ra tâm vốn tự không; sẽ hay ra lời Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm mới là thiền”.Hành giả tự soi lại công phu của mình để không rơi vào cơ lặng yên, không bị kẹt giữa đường để phải bị các Thiền sư quở. Thứ lớp như trên là do công phu của mỗi hành giả chứ không nhất thiết ai tu cũng phải trải qua tầng bậc cố định như vậy. Nếu khéo hạ thủ công phu, ngay mọi thứ trước mắt đây liền nhận thẳng tánh, không cần trải qua giai đoạn thuần tịnh, rơi vào cơ lặng yên. Nếu hành giả đã rơi vào đây thì cần biết cách phấn phát để tiến thêm.
3.5. Không trụ trong chỗ thanh tịnh chưa được đại tự tại.
Thiền sư Trạm Đường Chuẩn nói với ngài Đại Huệ Tông Cảo: “Dạy ông nói cũng nói được. Bảo ông làm cũng làm được. Niêm cổ, tụng cổ, tiểu tham, phổ thuyết thảy được. Chỉ có một sự kiện chẳng phải, ông có biết chăng?... Ông chỉ thiếu một cái à! Vì thế khi nói thì có, khi chẳng nói liền không. Khi vào phương trượng thì có, khi ra phương trượng liền không. Khi tỉnh tỉnh thì có, khi ngủ mê liền không. Làm sao địch được sanh tử?”.
“Tâm ấy” chỗ này có, chỗ kia không, rõ ràng chưa phải thênh thang trùm khắp, vẫn còn chút vướng kẹt trong thuần thanh tuyệt điểm. Cho thấy, chưa phải là đại định hiện tiền của Thiền tông, do đó chưa được tự tại vô ngại.
Khi hành giả đạt đến chỗ thanh tịnh trong ngần tuyệt đối, không động, không còn vọng niệm. Có khi mạnh đến mức đi đứng nằm ngồi cho đến chạy nhảy, nói năng, làm tất cả việc vẫn được sáng trưng trong ngần như thế, không hề thấy động. Tuy nhiên, do vì trí chiếu phá sanh tử chưa được phát minh cho nên trong sâu thẳm vẫn còn ngăn ngại vi tế. Dấu hiệu dễ phát hiện là thích yên tĩnh, thầm thầm hơi ngán mọi công việc bề bộn, rộn ràng, ồn ào, áp lực... Dù không còn kềm giữ, nhưng vẫn thích sống trong môi trường thích hợp để vui với tâm không ấy. Như vậy thì cũng đã vi tế âm thầm có chăn giữ tâm rồi, cho nên lúc nào cũng như còn một cái gì đó chưa suốt thông tuyệt đối. Tự hỏi, nếu đối diện với cảnh chiến tranh, không có một nơi nào cho mình trú ngụ thì sẽ dụng công tu tập thế nào? Không bàn đến các điều kiện hay phương tiện tạm thời tu hành như thế nào đó, nếu thấy được sức sống đặc biệt này thì mới có chút phần tương ưng Phật Tổ.
3.6. Không trụ trong chỗ thanh tịnh, dễ phát sanh các tướng lạ, lầm đường.
Hơn nữa, khi còn ở trong chỗ thanh tịnh vô ngần này sẽ thấy thỏa mãn, khó nhận ra chỗ này chưa phải rốt ráo. Cho đến khi nào tỏ ngộ bản tâm, vượt qua rồi mới nhận biết. Trong chỗ thanh tịnh này chưa hết chướng ngại công phu. Còn là phàm phu thô phù thì chướng ngại cũng thô phù, không nguy hiểm, dễ điều trị. Nhưng đến chỗ thanh tịnh này mà chấp vào đó thì căn thức ngủ ngầm sẽ biến hiện nhiều điều khó lường. Tất cả các tướng của tưởng trong công phu lúc này không phải là nằm trong phạm trù của tưởng tượng để hành giả nhận biết. Cái căn thức trong thanh tịnh ấy nó tự biến hiện thành các tướng thù thắng khiến hành giả ưa thích, hoặc các tướng không tốt khiến cảm thấy khó chịu. Có khi hành giả tự thấy tất cả trong veo như lưu ly trong cõi Phật, hoặc phát hào quang; có trường hợp khác thì thấy bóng đen... Tất cả đều làm chướng ngại công phu. Lúc này căn thức tự nó làm việc của nó và chúng ta không thể thấy. Hành giả chỉ thấy biết được kết quả là các tướng đã hiện hình rồi, chứ không thể nhận ra sự tạo nên của căn thức. Nếu không có bậc thầy đã tỏ ngộ thì không thể giúp được. Nếu chấp sâu hơn thì sẽ còn nhiều sai lầm dẫn đến hậu quả đáng tiếc hơn. Điều này quý thầy không tiện nêu ra cụ thể ở đây. Bởi đến chỗ này, tâm thức con người rất tinh vi, đến nỗi chúng ta không thể nhận ra để tự kiểm tra mình được. Có khi đáng ra quý vị không bị chướng ngại A, nhưng khi nghe nói rõ ra thì tâm thức mình tự nó sanh ra chướng ngại đó. Đó là điều rất thật đã từng xảy ra. Do đó quý thầy nói, khi hạ thủ công phu tiến bộ, cần có vị thầy tỏ ngộ chứng minh và chỉ bày tiếp là vậy. Nhưng không phải ai tu cũng rơi vào chỗ khó khăn này. Đây là đề cập đến số ít hành giả nào công phu mà thích chỗ thanh tịnh rồi chấp và an trú trong đó thì mới sanh các tướng lạ. Nếu người nắm vững pháp tu thì một bề thẳng tiến, ngộ thẳng chứ không bị trở ngại này. Điều chính yếu ở đây là hành giả không được chấp và an trụ vào chỗ thanh tịnh trong ngần này rồi cho là đã chứng đắc. Cần phấn chấn quyết tâm cầu tiến thì công phu sẽ đắc lực, tất cả đều tốt, không bị chướng ngại gì.
3.7. Cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn.
Chúng ta có thể nhận ra cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn trình cho sư huynh mình là Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch.
Khi Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn triệt ngộ và làm bài tụng, Thiền sư Qui Sơn nghe được, nói với ngài Ngưỡng Sơn: “Kẻ này đã triệt ngộ.” Nhưng ngài Ngưỡng Sơn xin đến kiểm nghiệm lại.
Ngưỡng Sơn đến thăm ngài Trí Nhàn và bảo:
- Hòa thượng khen ngợi Sư đệ đã phát minh đại sự, thử nói tôi nghe?
Sư đọc bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe. Ngưỡng Sơn bảo:
- Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành, nếu thật chánh ngộ hãy làm bài tụng khác.
Sư nói tụng:
Năm xưa nghèo chưa thật nghèo,
Năm nay nghèo mới thật nghèo.
Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi,
Năm nay nghèo dùi cũng không.
(Khứ niên bần vị thị bần,
Kim niên bần thủy thị bần.
Khứ niên bần du hữu trác chùy chi địa,
Kim niên bần chùy dã vô).
Ngưỡng Sơn bảo:
- Sư đệ ngộ Như Lai thiền mà chưa ngộ Tổ sư thiền.
Đất và dùi đều không, hay sạch hết tất cả nhưng chưa có cơ sống dậy. Thiền sư Ngưỡng Sơn bảo, mới ngộ được Như Lai thiền, còn Tổ sư Thiền (Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, hay Thiền Thượng Thừa) thì chưa.
Thiền sư Trí Nhàn nói tiếp bài tụng:
Ta có một ki (cơ),
Chớp mắt chỉ y.
Nếu người chẳng hội,
Riêng gọi Sa-di.
(Ngã hữu nhất ki (cơ),
Thuấn mục thị y.
Nhược nhân bất hội,
Biệt hoán Sa-di).
Ngưỡng Sơn gật đầu và về thưa lại Qui Sơn:
- Rất mừng! Sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ sư thiền.
“Chớp mắt chỉ y” chính là đã có cơ sống thấu tột Thiền Thượng Thừa. Không bàn đến sự thanh tịnh vô ngần. Không còn thấy có tâm đáng giữ, có pháp đáng lìa... Chỉ là khắp nơi toàn tai mắt, nhúc nhích chính là “kẻ ấy”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo rồi cho nên khi ngài đi khất thực cũng là Phật, tọa thiền cũng là Phật, nói pháp cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho đến khi đi vệ sinh cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni chứ đâu có ai khác vào đó? Đã là Phật thì tất cả động tĩnh đều là Phật. Đã ngộ tột tánh mình thì nhất cử nhất động đều chính là tánh này. Cho nên nói: “Chớp mắt chỉ y”. Nhướng mày chớp mắt, đi đứng nằm ngồi, làm việc sinh hoạt... Tất cả đều là “y”, nào có ai khác chen vào? Khí phách Thượng Thừa là chỗ này. Vô tướng, bặt hết các tướng dù đó là tâm hay cảnh mà hay tự tại tùy duyên ứng hiện sanh các tướng, nhưng vẫn chưa từng sanh diệt bao giờ.
4. NẾU TU THEO PHÁP TRI VỌNG MÀ DỤNG CÔNG NHẦM VÀO CON ĐƯỜNG CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC THÌ SAO?
Tu pháp này mà nhầm qua pháp khác thì không có pháp nào đúng cả.
Muốn đi lên một đỉnh núi nào đó, trước tiên chúng ta phải xác định cho được vị trí của đỉnh đến, tiếp theo cần xác định lộ trình, lối đi. Nếu không như thế thì càng đi càng bị sai lạc, loanh quanh, không đến đâu cả. Cũng thế, muốn hạ thủ công phu tu tập, hành giả phải tìm hiểu cho tường tận rồi xác quyết một hướng đi cho mình. Nếu muốn tu theo các pháp thiền khác thì nên đến gặp chư Tôn đức có kinh nghiệm bên pháp thiền ấy hướng dẫn. Nếu có duyên với Thiền Thượng Thừa thì nên tìm các bậc Thiện Tri Thức đã đạt ngộ chỉ bày cho mình. Sau khi đã xác định rồi thì quyết tâm đi theo một hướng mà mình đã chọn. Đã quyết định hướng đi rồi thì cứ một mạch thẳng tiến, không nên đứng núi này trông núi nọ. Nếu không xác định một cách rõ ràng, không quyết chí dứt khoát, tu học theo kiểu chắp vá thì sẽ đưa đến nhiều điều không như mong muốn; như là bệnh thiền hoặc không đến đâu.
5. GIẢ SỬ CÓ TRƯỜNG HỢP DÙNG PHƯƠNG TIỆN ĐỐI TRỊ THÌ SAO?
Thời Phật còn tại thế, Ngài nói pháp, giáo hóa, chúng đệ tử vâng theo tu hành, Phật giáo chỉ thuần là Phật giáo, chưa có Tông phái. Đồng thời Phật nói pháp bình đẳng cho tất cả mọi người, không thiên vị nhắm đến một cá nhân. Hơn nữa, Pháp Phật là của tất cả những người hữu duyên, ai cũng có quyền ứng dụng để tu hành. Không có một pháp nào cố định là của một tông phái hay dòng thiền nào cả. Chỉ do cách nhận hiểu và ứng dụng có khác mà phương pháp ấy mang màu sắc riêng của từng dòng thiền hoặc Tông phái khác nhau. Các pháp phương tiện đối trị cũng vậy.
Lục Tổ nói: “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm thì đâu cần dùng tất cả pháp”. Ví dụ hành giả A nhẹ với tập khí sân thì khi gặp chuyện, chỉ cần tỉnh giác liền hết, không cần làm thêm gì cả. Nhưng với hành giả B, nghiệp sân này nặng hơn và do mới tu chưa có lực thì có thể dùng pháp quán từ bi, quán nhân duyên thấy tất cả đều huyễn hóa... để điều trị. Thì đây cũng là ứng dụng pháp của Phật, là bình thường. Khi công phu đã đủ mạnh, huynh B chỉ cần giác sáng thì lòng sân tự hết, lúc này huynh cũng đâu cần phải quán thêm gì nữa?
Vấn đề ở đây là hành giả tu Thiền Thượng Thừa biết rõ và tin chắc nơi mình có tánh Phật, có khả năng tu hành thành Phật. Đồng thời hướng tiến đến ngộ tâm, thành tựu Phật đạo. Lấy đó làm nền tảng căn bản và kim chỉ nam để tu tiến. Còn các phương tiện khác chỉ là tạm thời, không chấp và kẹt vào phương tiện. Nếu có trường hợp dùng phương tiện mà biết rõ như thế thì cũng chỉ là phương tiện tạm thời cho một cá nhân trong một hoàn cảnh hay giai đoạn tạm thời nhất định nào đó mà thôi. Đã xác định và có tầm nhìn trước như vậy thì không phải là rơi vào con đường thực hành của các Tông phái hoặc dòng thiền khác.
6. KẾT LUẬN.
Bản chất của “Pháp tri vọng” là con đường hướng tiến của Thiền Thượng Thừa. Nếu hành giả khéo léo ứng dụng làm sao để không rơi vào tướng, không dính mắc, chấp trước hoặc tạo tác thì sẽ không sai với bản chất vốn có của nó. Càng mất hút dấu vết thì công phu càng đắc lực, tự tánh giác sáng hiện tiền. Đến khi sức giác đủ lớn, căn thức mê mờ yếu ớt nhỏ nhiệm thì sẽ có lúc thời tiết nhân duyên chín muồi. Không trước không sau, bất chợt giác tánh vụt sáng, thức mê chợt tan, chân trời tự tánh rành rành trước mắt, tự mình rõ ràng, nói không thể đến. Sống thẳng ngay đây là tu hành, là sống thẳng đến chánh nhân vô sanh. Từ nhân vô sanh để tu, công viên quả mãn, mới thành tựu được quả vị vô sanh mà chư Phật đã đạt đến viên mãn.
Dạo cảnh mọng
Mộng tan rồi
Cười vỡ mộng
Ghi lời mộng
Nhắn khách mộng
Biết được mộng
Tỉnh cơn mộng
HT Thích Thanh Từ
Bài đọc nhiều nhất
Audio mới nhất
Video mới nhất
Thống kê truy cập
Nhiều đời chư vị Tổ sư tu hành chứng ngộ, quý ngài từ bi chỉ bày kinh nghiệm, bí quyết hoặc khai thị để hành giả ngay đây trực ngộ điều chính yếu mà chư Phật muốn chỉ, chính là tánh mình. Lời Phật ý Tổ vốn dĩ đơn giản, bình dị, rõ ràng, chỉ thẳng, ai cũng có thể áp dụng tu hành. Nhưng căn cơ người học lại có cao thấp không đồng cho nên pháp cũng từ đó chia ra có khác. Do đây, nhiều Tông phái Phật giáo được thành lập. Tuy nhiên chung quy lại có hai tông phái chính. Một Tông phái chủ yếu đứng trên lý tánh, đứng trên thể để lý luận và tu tập. Còn lại là Tông phái đứng trên sự, đứng trên dụng để lý luận, tu tập. Vì vậy, giáo thì có Tánh, có Tướng. Thiền thì có Đốn, có Tiệm. Đối với căn cơ lanh lợi thì ngay đây chỉ thẳng, ngộ thẳng. Những căn cơ thấp hơn thì quý ngài lập bày phương tiện dẫn dắt từ từ. Nhưng cuối cùng đồng trở về một tâm thể như nhau, không khác.
Ngàn xưa Phật Tổ, hiện tại các bậc tu hành đắc đạo, cho mãi đến ngàn sau, hễ đã chứng ngộ thì đồng về trong thể tánh Phật ấy, không sai khác. Cho thấy, trên tánh thể vốn bình đẳng, đồng nhất. Nhưng về phương diện mở bày phương tiện dẫn dắt người học thì phải khéo léo uyển chuyển cho phù hợp với căn cơ con người và môi trường sở tại. Từ đó có những điểm đặc sắc khác nhau (sai biệt). Do đây cho nên có Phật giáo hay Thiền tông Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam...
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ 13. Đây là dòng thiền thuần Việt đầu tiên do một vị Tổ sư là người Việt Nam khai sáng, phát triển mạnh mẽ. Đến thời Nhị Tổ Pháp Loa, dòng thiền này rất hưng thịnh, đưa Phật giáo Thiền tông lúc bấy giờ trở thành Quốc giáo. Hiện nay, Hòa thượng Thiền sư Thích Thanh Từ đã tiếp nối, phục hưng, khiến cho dòng thiền này thêm một lần nữa được phát triển rực rỡ trong thời đại văn minh, tiến bộ.
Sự thật bao giờ cũng tồn tại. Nó tồn tại bởi sự tất yếu chính nó có chất lượng, có bản chất và đặc sắc được nhân loại đón nhận. Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam vẫn đang hiện hữu một cách tốt đẹp như thế. Một trong những điểm đặc biệt riêng có của dòng thiền thuần Việt này là phương pháp hành trì.
Nếu các tông phái của Phật giáo thuộc về Tánh Tông nêu cao việc ngộ tánh thì không nói cụ thể rõ ràng về phương pháp hành trì. Ngược lại, Tướng Tông một bề chuyên nói về phương pháp hành trì thì không nhắc đến việc phải kiến tánh, ngộ tâm. Với Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thì hội đủ cả hai. Chủ trương người học đạo trước phải kiến tánh, nhưng sau đó phải bảo nhậm, miên mật tinh cần để đạt đến rốt ráo. Việc này được chư vị Tổ sư và các Thiền sư Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam chỉ bày rất cụ thể, cặn kẽ, rõ ràng. Với người chưa kiến tánh thì có nguyên lý tu hành Tối Thượng Thừa, hướng tiến tâm tánh, chứ không phải rơi vào các tướng của tạo tác sanh diệt. Đây là điểm đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam xuyên suốt từ xưa đến nay mà không Tông phái nào có được.
Từ loạn động của phàm phu, khéo hạ thủ công phu, trở lại tánh thể thanh tịnh; trí thể hiện bày. Trong ấy thấy biết suốt hết tất cả một cách linh thông, chủ động nhưng vẫn bất động; trí dụng sẵn đó. Sống trọn vẹn bằng sức sống này một cách miên mật, tùy duyên tiêu dung tập khí, thuận dòng hợp tánh, đó là chân thật tu hành. Công phu đắc lực, bặt cả vọng chơn, ngay tướng tức tánh, tánh tướng thường trụ, thể dụng không hai, đại lực dụng hiện tiền, tự tại trong sanh tử. Điểm đặc trưng trong phương pháp hành trì của Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam chỉ bày cho hành giả một cách cụ thể về công phu đặc biệt như thế. Sống thẳng tự tánh ấy, trải qua nhiều kiếp không còn lầm mê, công viên quả mãn, Phật đạo tự viên thành.
Ngày xuân năm Canh Tý – 2020
Tỳ-kheo Thích Tâm Hạnh.
Chương 1:
TRI VỌNG THƯỢNG THỪA
Bản chất “Pháp Tri vọng” vốn là phương pháp hành trì của Thiền Tối Thượng Thừa. Nhưng chúng ta phải thực hành như thế nào để không bị sai lầm, để đúng với bản chất vốn có của nó là Thiền Tối Thượng Thừa?
Chọn “Pháp Tri vọng” để nói, bởi đây là phương pháp phổ cập. Bất kỳ căn cơ nào cũng có thể ứng dụng thực hành được.
Phần 1: CỐT TỦY CỦA ĐẠO PHẬT
1. MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT.
Mục đích của Đạo Phật là giác ngộ, giải thoát sanh tử và từ bi hóa độ chúng sinh.
Sau khi đức Phật nhập diệt 100 năm. Đạo Phật được chia ra làm nhiều tông phái khác nhau. Hiện nay, đạo Phật có mười tông phái. Như: Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Thiền tông, Mật tông và Tịnh Độ tông v.v... Tuy có nhiều tông phái như thế, nhưng vẫn không ngoài ba mục đích chính, đó là: “Giác ngộ - Giải thoát sanh tử và từ bi hóa độ chúng sinh”.
1.1. Giác ngộ.
a) Cuộc đời vô thường, khổ, không, vô ngã.
Cuộc đời vốn vô thường biến đổi sanh diệt. Tuy có khổ có vui, nhưng niềm vui ấy không bền chắc. Sau niềm vui thì đổi lại là lắm khổ não. Vui ít khổ nhiều cho nên nó cũng chỉ mang tính chất đau khổ. Cuộc thế là không, bởi tạm có rồi vụt tan. Khi đang có cũng như ánh trăng trong nước, không thật có. Cuộc đời là vô ngã bởi tất cả đều do nhiều nhân duyên, nhiều yếu tố hợp lại mà thành; không có một thứ duy nhất (chủ tể) tạo nên. Vô thường, khổ, không, vô ngã là bốn chân lý, là tứ pháp ấn của đạo Phật. Sự thật của nhân gian là như thế. Hiểu ngược lại là thấy biết sai với lẽ thật, không đúng chân lý, là mê lầm và tất yếu phải chịu khổ đau. Người nhận ra đúng bản chất thật là thấy đúng chân lý, là giác ngộ.
b) Thân, tâm sanh diệt, các pháp là duyên hợp, huyễn hóa.
Cuộc đời là nói bao quát, nói chung, mà tồn tại trong đời là con người và mọi thứ chung quanh (ngã và ngã sở). Con người thì có thân và tâm phân biệt. Cuộc đời đã huyễn hóa thì mọi thứ trong đời, mà cụ thể là thân, tâm sanh diệt và các pháp (muôn sự muôn vật) không thể nương vào đâu để chắc thật được. Thử tĩnh lặng tâm lại, trí sẽ sáng ra. Sẽ thấy sâu thân này, tâm khởi nghĩ này và muôn sự muôn vật đều do duyên hợp, huyễn hóa, không thật. Thấu suốt tột cùng sẽ không còn các mê lầm do chấp thật mà có. Để sống trên các pháp mà tâm tự lìa các pháp. Sẽ ngay đây nhận ra tự tánh sáng biết chưa từng thiếu vắng. Lâu nay đang sống trên nó nhưng lại bận theo cảnh duyên mà bỏ sót nó, phải chịu khổ đau một cách oan uổng vô cùng. Mới biết giá trị giác ngộ của đạo Phật là trước mắt, nhưng chúng sinh tự lầm qua.
c) Tỏ sáng, đạt ngộ bản tâm chân thật chính mình.
Thấy rõ bản chất thật của cuộc đời, con người và muôn sự muôn vật vốn là huyễn hóa, không thật. Thấu suốt tột cùng như thế là giác ngộ chân lý thật, nhưng vẫn chỉ là sự giác ngộ bên ngoài và của buổi đầu mới học đạo. Bởi lẽ, dù rằng rõ ràng sự thật bản chất của thân, tâm và mọi thứ trên đời là huyễn hóa, không thật, ai cũng từng nghe biết. Nhưng có người không giác ngộ để sống đúng, vẫn như chưa từng nghe biết gì. Và cũng có người nghe qua thì cuộc sống từ đây bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực, không còn lầm chấp để đưa đến khổ đau. Mới thấy, người đủ duyên thấu suốt, thấy tột, nhận ra, thấy rõ được chân lý huyễn hóa của cuộc thế này là do bản tâm giác ngộ sẵn đủ bên trong của họ nhắc thức. Và thấy tột mọi thứ huyễn hóa để không lầm chấp, để tu tập thì mới có cơ hội nhận ra bản tâm giác ngộ nơi chính mình. Do đó, muốn đạt đến cội nguồn giác ngộ thì phải tu hành tỏ sáng, đạt ngộ bản tâm chân thật nơi chính mỗi người, mới có đầy đủ lực dụng và trí tuệ suốt thông tất cả.
1.2. Giải thoát sanh tử.
Bằng vào tâm tánh đã tỏ ngộ, sức sống định tuệ tròn đầy, an lạc vô biên, các pháp không còn đủ sức chi phối, ngay đây được tự tại giải thoát. Tuy nhiên, tinh thần giải thoát trong đạo Phật vẫn có hai hướng tiến khác nhau, cho nên sự giải thoát cũng có hai kết quả không đồng. Hai tinh thần ấy có ra từ Phật giáo Nguyên Thủy (Nam truyền) và Phật giáo Phát Triển (Bắc truyền).
Với Phật giáo Nguyên Thủy (Nam truyền) thì giải thoát là phải tránh sanh tử, bỏ tam giới, an trú vào trong Niết-bàn tịch tịnh để chấm dứt sanh tử.
Với Phật giáo Phát Triển (Bắc truyền) thì giác ngộ nhận lại và sống trọn vẹn bằng bản tâm chân thật nơi chính mình, sẽ đầy đủ lực dụng làm chủ và tự tại trong sanh tử, nơi nơi đều Niết-bàn. Không có sanh tử thật đáng sợ, không có một nơi Niết-bàn cố định tịch diệt để an trú.
1.3. Từ bi hóa độ chúng sinh.
Độ sanh là hạnh nguyện cao cả của đạo Phật. Nhưng thật hơn cả là bất kỳ ai sống bằng tự tâm giác ngộ, đại lực dụng được phát huy, có vô biên lực thì giáo hóa độ sanh như là một điều hiển nhiên sau đó. Như người đang đi thì sẵn đó hai tay tự đánh đồng xa (phẩy tay) vậy thôi. Chủ động, rõ ràng mà vẫn vô tâm, không phải tác ý. Đến điền địa này, hành giả sẽ như thế mà phát đại bi tâm, tùy duyên hóa độ chúng sinh đạt đến giác ngộ, chấm dứt khổ lớn sanh tử, an lạc giải thoát như mình.
1.4. Tóm lại.
Mục đích của đạo Phật là “Giác ngộ - Giải thoát sanh tử và Từ bi hóa độ chúng sinh”. Tất cả các pháp môn tu Phật đều là của đạo Phật. Đồng hướng đến một mục đích như nhau, không khác.
2. CỐT LÕI TRONG PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ CỦA ĐẠO PHẬT.
Pháp Phật như tùy bệnh cho thuốc. Tâm bệnh chúng sinh đa dạng, rất nhiều cho nên thuốc cũng nhiều. Do đó nói có vô lượng hay tám vạn bốn ngàn pháp môn tu. Tuy vậy, tựu trung chỉ nằm trong hai trọng tâm: “Đoạn trừ phiền não và giác ngộ bản tâm”.
2.1. Đoạn trừ phiền não. Có hai tư tưởng:
a) Tinh thần Phật giáo Nguyên thủy.
- Thấy sanh tử có thật, phiền não thật, cuộc đời thật, cho nên có sanh tử đáng sợ.
- Thấy có một pháp (sanh tử) thật để đoạn trừ, để tránh.
- Có đoạn dứt sạch, tức là đoạn dứt sanh tử thật.
- Có một cõi Niết-bàn tịch tĩnh để an trú vào đó.
b) Tinh thần Phật giáo Phát triển.
- Thấy phiền não, sanh tử không thật, cho nên không sợ phiền não, sanh tử.
- Không cần đoạn trừ hay dứt sạch. Chỉ dùng Trí tuệ Bát nhã để thấu suốt, thấy tột và hàng phục.
- Vượt trên CÓ và KHÔNG. Làm chủ, tự tại trong sanh tử.
- Ngộ ra và sống thẳng bằng tự tánh thanh tịnh, nơi nơi đều Niết-bàn.
c) Minh chứng.
- Bậc bất hồi tâm độn A-la-hán.
Là bậc A-la-hán trụ hẳn trong Niết-bàn, không vào đời giáo hóa độ sanh.
- Bậc hồi tâm đại A-la-hán.
Quý ngài không trụ trong Niết-bàn tịch tĩnh mà hồi tâm phát nguyện giáo hóa độ sanh, thực hành hạnh Bồ-tát để viên thành Phật đạo. Cho nên Kinh nói, Bồ tát đóng cửa các đường ác mà hay vào đời độ thoát chúng sinh.
Ngay khi giáo hóa cũng chính là lúc đang làm công hạnh Bồ-tát của mình. Tinh thần Phật giáo phát triển không thấy có phiền não thật đáng sợ. Phiền não là huyễn hóa. Không thấy có vọng tưởng thật đáng sợ. Tu cũng chỉ là phương pháp tạm thời, chứ không có một pháp thật để chấp trong đó. Khi ngộ tự tánh thì làm chủ, tự tại trong sanh tử. Phiền não sanh tử không còn đủ sức chi phối nữa.
Ở trong sanh tử hay tránh bỏ sanh tử để được giải thoát là lời nói của hai đầu (nhị biên). Còn tâm phân hai như thế là chưa rời sanh tử để bàn nói, cái thấy biết này chưa thể vượt thoát sanh tử. Mà ở bất cứ nơi đâu, tự tánh này cho chúng ta có khả năng ngay đây tự vượt thoát, tự tại giải thoát sanh tử. Không có một cõi Niết-bàn để an trụ, mà “Vô trụ xứ Niết-bàn”. Nghĩa là nơi nào cũng đều là Niết-bàn. Đời Lý ở Việt Nam, Thiền sư Thường Chiếu nói:
“Đạo vốn không nhan sắc,
Ngày ngày lại mới tươi.
Trong ba ngàn thế giới,
Đâu chẳng phải là nhà.”
Đạo không có hình tướng, nhưng mỗi sáng tọa thiền thấy có phấn khởi hơn. Đó là “mới tươi”. Bản tánh vốn rỗng lặng, sáng biết, không động. Nhưng tự tại tùy duyên hay sanh muôn pháp. Đó là “mới tươi”. Lúc nào chúng ta cũng tươi mới bởi tâm sống đạo của mình. Sống với tâm đạo đó thì đâu đâu cũng lạc an, sáng rỡ. Nơi nao cũng là nhà mình chứ không phải bỏ nơi này để đi tìm kiếm nơi khác. Còn tâm lấy bỏ thì đạo này chưa thênh thang trùm khắp như bản chất vốn có của nó. Đó chính là “Vô trụ xứ Niết-bàn”, khắp nơi đều Niết-bàn.
2.2. Giác ngộ và sống bằng bản tâm chân thật.
Ngộ ra và sống bằng bản tâm chân thật chính mình. Khéo léo tùy duyên tiêu dung tập khí. Làm chủ sanh tử, không còn bị sanh tử chi phối. Ngay trong sanh tử mà tự vượt thoát. Đây là con đường của Thiền Phát Triển. Các pháp thiền khác không nhắc đến phương pháp hành trì này.
Phần 2:
PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ
CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM HIỆN NAY.
1. VÌ SAO GỌI LÀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM HIỆN NAY? (Thiền Phái Trúc Lâm Đương Đại).
Hiện nay, Hòa thượng Tông chủ (Thiền sư Thích Thanh Từ) đã tiếp nối và phục hưng thành công Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”, Ngài nói kế thừa có phát huy. Những gì của chư vị Tổ Sư ngày xưa mà người thời nay có thể áp dụng được thì Hòa thượng kế thừa, tiếp nối. Những gì cần thiết để phù hợp cho quý vị hiện nay thì Hòa thượng phát huy.
Nếu không theo cái cũ thì không được gọi là tiếp nối. Nếu không có cái mới thì không được gọi là hiện nay. Nếu quá khứ và hiện nay chỉ là một thì không thể nói là đương đại. Thực tế, sự sáng tạo bao giờ cũng dựa trên nền tảng tái tạo. Gốc thì không mất cho nên gọi là tiếp nối, phục hưng. Mà cái mới thì phải có sự sáng tạo; kế thừa phải có sự phát huy thì mới gọi là đương đại; mới phù hợp và đem lại lợi ích cho con người và xã hội thời nay. Vì thế, Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam hiện nay còn được gọi là Thiền phái Trúc Lâm Đương Đại.
Thiền vốn là tâm thể sẵn vậy nơi mỗi người. Do đó, thiền là thiền, không có cổ đại hay đương đại. Cổ đại hay đương đại cũng chỉ là một tâm thiền. Cho nên thiền thì đồng nhau, không khác. Có khác chăng chỉ là phương pháp dụng công (yếu tố khế cơ). Sở dĩ phương pháp dụng công có khác là do ba yếu tố: “Sở trường công phu, yếu tố con người và môi trường hoàn cảnh”.
- Sở trường công phu.
Ví dụ, vị Thiền sư nào từ tánh thấy mà ngộ nhập thì khi ra khai thị người học, Ngài thường triển khai về tánh thấy, như là giương cung, đưa phất tử... Nếu quý ngài ngộ từ tánh nghe thì triển khai tánh nghe nhiều hơn... Đây gọi là sở trường công phu.
- Do yếu tố con người: Căn cơ của con người đương thời.
Ví dụ, thời xưa con người còn bình dị, chất phác thì nói khác. Bây giờ mọi người văn minh và thực tiễn thì phải có cách lập luận, triển khai vấn đề khác hơn. Xưa kia thiền khách có đến tham vấn hỏi đạo lý, vị thầy bảo “Tu đi rồi biết”, Thiền giả liền bặt tâm, dứt tưởng, một bề sống chết để công phu, tỏ sáng đạo lý chân thật. Nhưng hiện nay bảo như thế thì quý vị trẻ sẽ không thỏa mãn, không thực hành.
- Môi trường hoàn cảnh.
Ví dụ, thời xưa chỉ cần một tiếng hét thì thiền nhân liền ngộ. Nhưng bây giờ có khi phải khéo lý luận khóa chặt các đường khiến cho kiến thức không còn giải quyết được, để chặn đứng thức hiểu thì mới nhận ra thể đạo vô sanh.
Tuy có vô vàn uyển chuyển sai khác như vậy, nhưng tất cả đều chung một mục đích đưa hành giả trực ngộ tâm thiền.
2. PHƯƠNG PHÁP HÀNH TRÌ CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM VIỆT NAM HIỆN NAY.
2.1. Sổ tức.
Khi mới thực tập thiền, do thân, tâm và hơi thở còn thô phù cho nên hành giả cần thực tập sổ tức (đếm hơi thở) để thuần thục từ từ. Phương pháp này chỉ ứng dụng khi tọa thiền hoặc ngồi yên tĩnh; không vận hành, hoạt động hay sinh hoạt gì.
a) Cách thực hành.
Khi đã ngồi ngay ngắn và đúng tư thế, hành giả hít sâu, thở sạch 3 lần để xả sạch và lưu thông hơi thở. Cụ thể, hít thật sâu vào bằng mũi, há miệng và thở sạch ra bằng miệng. Hít thở 3 lần như thế.
Kế đến, ngậm miệng lại, hít vào bằng mũi và thở ra cũng bằng mũi; nghĩa là hít thở bình thường. Hít vào bình thường, thở ra bình thường, đếm 1; hít vào thở ra đếm 2, hít thở bình thường như thế đếm 3, ... đếm đến 10 thì bỏ và bắt đầu đếm lại từ 1 cho đến 10... Trong khi đếm, nếu bị nhầm hoặc quên số thì bỏ qua, bắt đầu đếm lại từ số 1. Trong suốt thời gian tọa thiền, chỉ có đếm số hơi thở như là máy móc, đơn điệu, không khởi tưởng làm thêm gì. Chỉ lưu ý là phải luôn tỉnh sáng và rõ biết; không theo niệm tưởng, không mê mờ.
b) Sổ tức thành công.
Khi ngồi cảm thấy trong người thanh thản, hơi thở nhẹ mà suốt thông, vọng tưởng thưa và bớt chi phối, tâm khinh an. Hơi thở và số đếm tự lưu thông, không lẫn lộn số đếm. Như vậy là đã có vốn, có nền tảng căn bản để tiến lên phương pháp tùy tức. Nếu thời khóa ngồi thiền ổn định theo từng ngày, không bỏ công phu thì giai đoạn này thực tập khoảng từ sáu tháng đến một năm.
Khi sổ tức, rất dễ đạt được định mất thân, bặt niệm tưởng, mất hơi thở nhưng suốt thông hơn bình thường. Hành giả không nên chấp vào đó lấy làm sở đắc, phải khéo léo điều hòa thì sẽ có những bước tiến tốt và đặc biệt hơn. Nếu chấp chặt vào đó rồi cho là sở đắc, thời gian sau sẽ bị bệnh, không thể tiếp tục công phu được nữa. Hoặc có đạt được định sâu hơn cũng chưa khỏi rơi vào tà kiến (kiến giải sai lệch). Nếu trình được với vị Thầy sáng đạo và có kinh nghiệm để được chỉ dạy thì công phu sẽ tốt và tiến bộ nhanh hơn.
2.2. Tùy tức.
Tuy sổ tức đã thành thục, nhưng tâm chưa thực sự thuần thục cho nên cần có thêm thời gian thực hành phương pháp tùy tức.
a) Cách thực hành.
Hơi thở ngắn hay dài, đến đâu, hành giả nhận biết rõ ràng. Có hai phương cách:
- Tâm còn thô, hơi thở còn nặng nề, vọng tưởng còn nhiều:
Thực hành theo cách hơi thở đến đâu, biết đến đó. Gần như là còn biết về, biết theo hơi thở, nhưng phải buông thư, không kềm hoặc đè nén. Nếu chằm chằm biết theo hơi thở đến mức độ kềm, đè, cố gắng quá mức sẽ có tác dụng phụ như ran ngực, căng đầu...
- Khi tâm đã an, thân tâm đều an ổn, nhẹ nhàng:
Khi tọa thiền, hơi thở nhẹ một cách tự nhiên, bình thường, không tác ý hay làm thêm gì. Hành giả chỉ an ngay chỗ đang thông suốt, tự sáng biết rõ ràng. Cùng một lúc biết hết tất cả một cách rành rẽ, chủ động nhưng không động. Việc biết hơi thở lúc này cũng như thế. Như đứng trên lầu cao nhìn xuống, cùng lúc đồng thời thấy biết hết muôn vật. Lúc này chỉ thông suốt và biết rõ như thế chứ không cần biết về hay biết theo hơi thở nữa.
b) Tùy tức cho đến khi nào mới dừng?
Thông thường thực hành phương pháp tùy tức rất dễ khiến cho hành giả cảm thấy an ổn và buồn ngủ, hôn trầm, vô ký... Do đó, chỉ ứng dụng phương pháp này trong một thời gian ngắn khoảng 3 – 6 tháng thì chuyển sang pháp Tri vọng (Biết vọng không theo).
c) Tóm lại.
Sổ tức và tùy tức là hai phương pháp vì người sơ cơ. Hai pháp này chú trọng vào điều thân nhiều hơn chứ chưa dụng tâm. Đồng thời, đây là hai phương pháp mang tính bổ trợ chứ không phải là công phu chính của Thiền tông. Khi chuyển qua Pháp Tri vọng mới bắt đầu đi vào công phu chính.
- Nói thêm: Đi ngang qua hay đi sâu vào?
Không có một pháp nào cố định là của một dòng thiền nào cả. Chỉ do cách hành trì và đích hướng đến có khác mà phương pháp ấy mang màu sắc riêng của từng dòng thiền khác nhau. Đối với pháp Sổ tức và Tùy tức cũng vậy.
- Ví như việc tập Yoga.
Nếu khi chưa biết Thiền Phật giáo thì sẽ ngỡ yoga chính là thiền của đạo Phật. Nhưng đã thông hiểu Thiền Phật giáo rồi thì dù có tập yoga, nhưng biết đây chỉ là môn tập thể dục, cho nên không bị nhầm lẫn để phải đưa đến kết quả không tốt.
- Đối với pháp Sổ tức và Tùy tức cũng tương tự.
Nếu xem pháp Sổ tức và Tùy tức là một pháp tu chính, từ đó chấp vào công phu, có tạo tác đối trị, có diệt trừ vọng tưởng phiền não... Đó là đi vào con đường của các pháp thiền khác, không phải Thiền tông Việt Nam.
Ngược lại, nếu xem đây là phương pháp hỗ trợ chứ không phải pháp tu chính (như việc tập Yoga). Không đối trị, không tạo tác, thực hành chỉ để hỗ trợ điều thân cho buổi ban đầu thôi. Khéo thấu suốt và ứng dụng như thế là chỉ đi ngang qua chứ không đi sâu vào. Đó là không rơi vào con đường của các pháp thiền khác.
2.3. Tri vọng (Biết vọng không theo).
Thiền sinh sau thời gian trải qua quá trình điều thân, điều tức thuần thục, Hòa thượng Tông chủ mới chỉ dạy đi thẳng vào công phu tu tập thiền. Ngài đã viết: “Đây là phần trọng yếu của pháp tu ở các thiền viện. Tùy theo căn cơ của hành giả, đến đây có hai cách thực tập...”:
a) Pháp tri vọng.
Hòa thượng Tông chủ dạy: “Tâm an nhiên, không duyên không trụ vào đâu, chỉ chăm chỉ với “cái biết”, tâm vọng khởi lên liền biết, không theo, vọng tự nhiên mất. Cứ theo dõi quá trình sinh diệt của vọng tưởng. Sau nhiều năm tháng vọng sẽ thưa dần, còn “cái biết” ngày một thường trực, không thiếu không vắng”.
Đây là phương pháp dụng công tu tập nhắm đến điều phục tâm. Nhưng nhắm thẳng đến bản tâm, hướng đến “Tánh tri vọng”, chứ không an trú, không chấp vào pháp tri vọng này để lấy làm công phu chính.
Có tri vọng, không theo vọng, là đang tu. Nhưng không chấp vào công phu cho nên coi như không tu gì cả. Đây là “tu mà không tu”. Đồng thời, không an trụ, không dừng ở công phu, do đó như là không tu. Nhưng vẫn lặng sáng, biết rõ vọng tưởng và không theo thì vẫn là đang công phu tu tập. Đây là “không tu mà tu”. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”, mới thực sự là tu, mới đạt đến “Chân thật tu hành”.
b) Tánh tri vọng.
Hòa thượng Tông chủ dạy: “Đến đây, hành giả biết vọng tâm và chân tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng biển và nước biển đều là nước. Đây là lúc ‘thấy dấu biết trâu’ hay ‘kiến sắc minh tâm’. Tu trong giai đoạn này không căng thẳng mà luôn khéo tỉnh sáng, nhẹ nhàng bảo nhậm công phu... cho đến lúc không còn một niệm thì tâm thênh thang và còn mãi”.
Lúc này vọng tưởng đã yếu, thưa và lặng, chỉ còn bản tánh tự sáng biết. Không cần phải khởi biết mà tự biết. Không cần biết theo, biết về vọng tưởng. Chỉ là không mê thì toàn thể đang tự sáng biết. Có vọng niệm hay không có vọng niệm, mình vẫn đang sáng biết rõ ràng mà không động. Hằng sống bằng bản tâm lóng lặng mà sáng biết như thế thì công phu sẽ đắc lực.
Sống bằng tâm lặng mà sáng biết, là đang tu. Nhưng không khởi tâm tạo tác hay làm gì cả, thì như là không tu. Đồng thời, công phu đến đây rồi chỉ là không mê thì đang sáng, thảnh thơi, như là không làm gì cả, do đó giống như là không tu. Tuy nhiên, tâm vẫn lặng sáng, hiện tiền cho nên cũng là đang tu. Như vậy, “Tu mà không tu. Không tu mà tu”; đây là công phu mà không chấp dụng công, dụng nhưng không có chỗ dụng, đạt đến vô tướng, vô tác, vô trụ như thế mới đắc lực, mới đạt đến “Chân thật tu hành”. Theo Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền Thượng Thừa”. Cho thấy, dụng công “Tri vọng” như vừa nêu trên là đúng nguyên lý dụng công tu tập Thiền Tối Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã dạy. (Sẽ nói đầy đủ tại mục 3 và 4, trong phần 3, ở sau chương 1 này).
2.4. Biết là chân tâm.
a) Pháp tu thiền Biết có chân tâm.
Bằng tâm trong lặng sáng biết, hành giả nhận ra rõ ràng, mắt biết thấy là chân tâm, tai biết nghe là chân tâm… Tóm lại, ngay mọi thứ đang đối diện, chúng ta đang lặng sáng, thấy biết rõ ràng mà không động, mỗi mỗi thấy, nghe, biết..., chân tâm đang hiển hiện rõ ràng.
Sách Chơn Tâm Trực Thuyết, Thiền sư Phổ Chiếu nói: “Biết không sanh tử chẳng bằng Thể không sanh tử. Thể không sanh tử chẳng bằng Khế không sanh tử. Khế không sanh tử chẳng bằng Dụng không sanh tử”. Cho thấy, “Biết không sanh tử” cũng đã được Thiền sư Phổ Chiếu chứng minh xếp vào hàng tỏ sáng được chỗ không còn sanh tử, tức là bản tâm, tự tánh chính mình. Và “Biết có chân tâm” cũng vậy. Còn từ chân tâm mà thấy biết thì tiến sâu hơn nữa. Hòa thượng Tông chủ đã dạy ở phần: “Chân tâm hiện tiền”.
b) Chân tâm hiện tiền.
Hòa thượng Tông chủ dạy: Khi đã thuần thục, cái biết chân tâm hiện tiền thì chuyển qua giai đoạn “thể nhập chân tâm”.
Đến đây hành giả thể nhận rõ chân tâm: “Vốn tự không động, thường biết rõ ràng mà không cần khởi niệm phân biệt. Thênh thang còn mãi, vốn tự như vậy”.
c) Tóm lại.
- Phần a, Pháp tu thiền Biết có chân tâm.
Ngay thấy biết là chân tâm. Vì sống bằng cái thấy biết của chân tâm cho nên đang tu. Nhưng không làm gì thêm cả, do đó như là không tu. Đây là “Tu mà không tu”.
- Phần b, Chân tâm hiện tiền.
Hằng sống bằng chân tâm hiện tiền chứ không làm thêm gì cả, do đó như là không tu. Nhưng không phải mê, mà là đang giác sáng, rạng ngời cho nên vẫn là đang tu. Đây là “Không tu mà tu”.
- Chân thật tu hành Tối Thượng Thừa.
“Tu mà không tu. Không tu mà tu” như thế không rơi vào dấu vết, tạo tác, sanh diệt. Áp dụng công phu như vậy mới chân thật tu hành theo tinh thần Thiền Tối Thượng Thừa.
2.5. Phương tiện chung tạm lập bày.
Ngoài bốn bước hành trì cơ bản trên, Hòa thượng Tông chủ có nói thêm “Bốn phương tiện chung tạm lập bày”. Trong sách Thiền Tông Việt Nam Cuối Thế Kỷ 20, ngài đã viết:
2.5.1. Biết vọng không theo, vì vọng tưởng là những tâm niệm hư ảo.
2.5.2. Đối cảnh không tâm, vì nó là tướng duyên hợp giả dối tạm bợ.
2.5.3. Không kẹt hai bên, vì đối đãi là không thật.
2.5.4. Hằng sống với cái thật, không theo cái giả, vì giả là luân hồi, thật là giải thoát.
Đây là bốn phương tiện chúng tôi (Hòa thượng Tông chủ) tạm lập để hướng dẫn người tu. Tùy theo căn cơ trình độ nhanh chậm, cao thấp của hành giả mà lối ứng dụng có khác. Cũng có thể bốn lối tu này, hành giả linh động ứng dụng theo thứ tự từ pháp thứ nhất đến pháp thứ tư để tu hành cũng tốt.
- Tùy căn cơ, tùy lúc, tùy vào từng hoàn cảnh để ứng dụng:
- Khi tọa thiền có thể áp dụng phương pháp số 1 và số 4.
- Khi sinh hoạt, đối duyên xúc cảnh thì khéo léo ứng dụng các phương pháp số 2, số 3 hoặc số 4.
- Làm sao có kết quả tốt, không bị trở ngại thì đúng pháp.
Có khi thu nhiếp nơi mình mà không cần ở cảnh. Có khi không dừng trụ, suốt qua các cảnh mà không cần thu nhiếp nơi mình. Có khi cần thu nhiếp cả hai. Có lúc trong không trụ căn bản, ngoài không dừng trụ các cảnh duyên mà hay suốt qua tất cả; tâm thể hiện tiền. Kinh Viên Giác, Phật dạy: “Vì huyễn thân diệt cho nên huyễn tâm diệt; vì huyễn tâm diệt cho nên huyễn trần diệt; do huyễn trần diệt cho nên huyễn diệt diệt; vì huyễn diệt diệt cho nên phi huyễn hiện tiền”.
Tùy vào căn cơ của từng hành giả thích hợp cách nào thì khéo léo ứng dụng theo cách ấy. Cũng có khi đối với một hành giả, nhưng tùy lúc, tùy thời, tùy hoàn cảnh để khéo léo vận dụng sao cho nội tâm an định mà sáng rỡ; làm chủ thân, tâm và các cảnh duyên. Khéo vận dụng để công phu một cách miên mật như thế, khi thời tiết nhân duyên chín muồi, bản tâm tự bừng sáng, tỏ ngộ tự tánh chính mình.
3. HÒA THƯỢNG TÔNG CHỦ NÓI PHƯƠNG PHÁP DỤNG CÔNG TU HÀNH QUA BA GIAI ĐOẠN, CÓ Ý CHỈ GÌ?
* Hòa thượng Tông chủ đã nói phương pháp hành trì qua thời kỳ:
- Ban đầu, vào năm 1968, lúc mới thành lập Tu viện Chơn không, Hòa thượng chỉ bày phương pháp “Tri vọng”.
- Chặng giữa, vào năm 1992, Hòa thượng nói thêm “Bốn phương tiện tạm lập bày”.
- Rốt sau, vào năm 2005, Hòa thượng chỉ thẳng “Biết là chân tâm”.
Như vậy là có ý chỉ gì? Vì sao Hòa thượng phải nói phương pháp hành trì qua ba thời kỳ (giai đoạn) như thế?
3.1. Yếu tố khế cơ.
Thiền là bản tâm vốn tự đầy đủ nơi mỗi người, ai ai cũng sẵn có. Ngộ ra bản tâm này là ngộ thiền. Tâm ấy vượt không gian và thời gian, vì thế không có ba thời: Ban đầu – Chặng giữa và Rốt sau. Người đã ngộ thiền và sống bằng sức sống thiền thì có nói ra ba thời kỳ khác nhau cũng chỉ từ một tâm thiền. Sự sai khác ở đây chỉ là phương pháp dụng công. Sở dĩ phương pháp dụng công có khác là do sở trường công phu, do yếu tố con người và môi trường hoàn cảnh. Tuy nhiên, tất cả đều chung một mục đích đưa hành giả nhận lại tâm thiền. Với tinh thần đó, từ trí tuệ giác ngộ của mình để quán xét căn cơ, Hòa Thượng Tông chủ đã tùy vào từng thời kỳ để uyển chuyển lập bày phương tiện, nói ra phương pháp thích hợp để giúp hành giả tu hành đắc lực, đạt đến giác ngộ.
3.2. Không ba, không một.
Cụ thể:
a) Ban đầu, năm 1968: Tri vọng.
Đây là buổi ban sơ, Hòa thượng Tông chủ mới khởi đầu việc tiếp nối và phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mọi người chưa biết gì về thiền. Lúc này Thiền tông ở Việt Nam gần như mất hút, không còn ai biết rõ và tin tưởng để tu tập. Có người còn đả kích, bài bác thiền. Đến nỗi còn cho rằng thiền là quái thai của đạo Phật, tu thiền coi chừng bị điên… Hòa thượng đã viết rõ trong sách “Ba vấn đề trọng đại trong đời tu của tôi”. Trong hoàn cảnh căn cơ chúng sinh như thế, nếu một bề nói thẳng, chỉ thẳng tâm tánh thì làm sao mọi người dễ dàng tin đến được chỗ rốt ráo chân thật ấy? Do đó, Hòa thượng chỉ dạy pháp tu “Tri vọng” để hành giả tu tập rồi thâm nhập dần. Ai cũng có vọng tưởng và đang bị nó hoành hành làm cho mình bị loạn động, căng thẳng. Vì vậy, pháp tu tri vọng này thực tế nơi mỗi người, dễ cảm nhận và tin tưởng để áp dụng hạ thủ công phu được.
b) Chặng giữa, năm 1992: Nói ra “Bốn phương tiện tạm lập bày”.
Sau 24 năm giáo hóa (1968 – 1992), rất nhiều người đã thấu suốt và thâm nhập được thiền. Nhiều vị có công phu tiến bộ đáng kể. Trong điều kiện hoàn cảnh thuận duyên, căn cơ con người đã thuần thục, Hòa thượng đã nói ra “Bốn phương tiện tạm lập bày”. Mục đích muốn cho hành giả tu hành thâm nhập sâu hơn. Đồng thời có nhiều phương pháp ứng dụng thích hợp cho nhiều căn cơ lúc bấy giờ.
c) Rốt sau, năm 2005: Biết là chân tâm.
Đến sau này (năm 2005), Hòa thượng nhận thấy thiền được phổ cập đến quần chúng rộng rãi. Có rất nhiều người nghiên cứu và hiểu thiền. Nhiều vị thâm nhập thiền, tỏ ngộ tâm thiền. Do đó, ngài nói thẳng ngay biết thấy, biết nghe … là chân tâm biết.
d) Tóm lại.
Đứng về phương tiện lập bày phương pháp hành trì thì thấy có khác. Nhưng tất cả đều phát xuất từ tâm thiền giác ngộ của Hòa thượng, nhằm đưa hành giả quay về tỏ ngộ bản tâm. Mới biết, phương tiện đối với người học thì có “Ba thời kỳ, ba pháp”. Nhưng trong tâm thiền của Hòa thượng Tông chủ thì “Không ba, không một”.
Nếu bằng tâm vọng động để hiểu biết, phân biệt thì sẽ khó thấy ra. Nhưng ai đã sống thẳng bằng tâm thể rạng ngời không động nơi chính mình thì mới thấu suốt tâm lão bà tha thiết của Hòa thượng Tôn sư đối với con cháu hậu học.
Phần 3:
DỤNG CÔNG “PHÁP TRI VỌNG” NHƯ THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG BỊ NHẦM VÀ SAI VỚI THIỀN THƯỢNG THỪA?
1. THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ THUỘC LOẠI THIỀN NÀO?
Trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết, Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Thiền có chia làm năm: 1. Phàm phu thiền, 2. Ngoại đạo thiền, 3. Tiểu thừa thiền, 4. Đại thừa thiền, 5. Thượng thừa thiền. Đây nói thiền, chính là Thượng thừa thiền vậy. Thiền này, từ đức Phật Tỳ-lô-giá-na trải qua số kiếp bất khả thuyết bất khả thuyết đến đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Thích-ca truyền xuống cho hai mươi tám vị Tổ ở Ấn Độ và sáu vị Tổ ở Trung Hoa, rồi Tổ Tổ trao tay cho nhau truyền bá khắp nơi, tính không thể hết được”. Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thuộc Thiền Thượng Thừa; hay còn gọi là Tối Thượng Thừa Thiền, Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, Tổ Sư Thiền.
2. THẾ NÀO LÀ THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA?
Trong Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập Đô Tự (Nguồn Thiền), Thiền sư Tông Mật nói: “Người đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh, vốn không có phiền não, trí tánh vô lậu sẵn tự đầy đủ, tâm này tức là Phật, cứu cánh không khác, y đây mà tu là Thiền Tối Thượng Thừa, Cũng gọi là Thiền Như Lai Thanh Tịnh, cũng gọi là Nhất Hạnh Tam Muội. Đây là căn bản của tất cả tam muội (Samàdhi). Nếu người hay niệm niệm tu tập, tự nhiên dần dần được trăm ngàn tam muội. Môn đệ Tổ Bồ Đề Đạt Ma lần lượt truyền nhau là thiền này”.
Đọc thoáng qua, chúng ta dễ nhận hiểu Thiền Thượng Thừa như là dành cho những ai đã đốn ngộ tự tâm xưa nay thanh tịnh... Vậy đối với người chưa đốn ngộ thì tu Thiền Thượng Thừa như thế nào? Không lẽ Thiền Thượng Thừa chỉ dành riêng cho người đã đốn ngộ? Và nếu như vậy thì trước khi chưa ngộ nhờ đâu mà hành giả được đốn ngộ thiền? Không lẽ trong trường hợp này chỉ kể đến những vị không thầy tự ngộ? Hơn nữa, người đã ngộ rồi thì tự biết lối đi, đâu cần bàn nói? Do đó, việc chúng ta quan tâm lúc này là những hành giả chưa ngộ, còn đang trên đường công phu tu tập thì tu Thiền Tối Thượng Thừa như thế nào.
3. NGUYÊN LÝ CƠ BẢN TRONG CÔNG PHU TU TẬP CỦA THIỀN TỐI THƯỢNG THỪA.
Nguyên lý cơ bản trong công phu tu tập Thiền Tối Thượng Thừa được Nhị Tổ Pháp Loa dạy trong Thượng Thừa Tam Học Khuyến Chúng Phổ Thuyết: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng, gọi là Thiền Thượng Thừa”. Nghĩa là: Còn dụng công thì không chấp vào phương pháp hành trì, không kẹt trên tướng tu tập (không được chấp dụng công). Đã kiến tánh thì sống ngay bản tánh là công phu (dụng mà không có chỗ dụng). Đó là “Tu mà không tu, không tu mà tu, là đạt đến chân thật tu hành”.
- 4. NGUYÊN LÝ CÔNG PHU TU TẬP CỦA THIỀN THƯỢNG THỪA QUA “PHÁP TRI VỌNG”.
Nguyên lý công phu tu tập Thiền Thượng Thừa này được ứng dụng cho những hành giả chưa kiến tánh, đang còn dụng công tu tập “Pháp Tri Vọng” (chưa đạt đến “Tánh Tri Vọng”) cụ thể là như thế nào?
Đối với hành giả còn đang trong quá trình ứng dụng công phu “Pháp Tri Vọng”, cần lưu ý đến các đặc điểm cơ bản sau.
4.1. Không đối trị.
a) Không chỉ.
Không dùng pháp chỉ để dừng dứt vọng. Vì như thế sẽ gần giống với diệt trừ, đè nén vọng. Nhưng bản chất thật của vọng niệm là không thật thì diệt trừ hay đè nén sẽ không có tác dụng tốt. Chỉ hoài công và dễ sanh ra các tác dụng ngoài mong muốn.
b) Không quán.
Không dùng các phép quán chiếu phân tích chia chẻ mang tính đối trị. Bởi quán chiếu là rơi vào đối trị, tạo tác, chưa rời tính chất sanh diệt; đồng một tính chất của vọng. Vì thế nó chỉ có giá trị tạm thời, không thể hàng phục được tận gốc rễ.
4.2. Không tạo tác.
a) Không khởi cái biết để biết vọng tưởng.
Tâm mình vốn tự sáng biết, không cần khởi thêm một cái biết để biết vọng tưởng. Như thế trên vọng sẽ chồng thêm vọng.
b) Không biết về, biết theo như đếm vọng tưởng.
Không biết về, biết theo đuôi của vọng tưởng như là ngồi đếm từng vọng tưởng. Việc này khi còn công phu nhẹ ở bên ngoài thì dường như vô hại, bởi vọng tưởng còn yếu và ít. Nhưng khi vào nhập thất miên mật mà ứng dụng như thế thì sẽ có lúc mất thăng bằng, không thể tiếp tục hạ thủ công phu được nữa. Bởi trong thất, có những thời điểm sẽ có quá nhiều vọng tưởng cùng một lúc ùn ùn ào ạt ùa về. Nếu biết theo đuôi của vọng, biết về vọng tưởng thì hành giả sẽ bị bất lực. Dẫn đến hoảng loạn, tự mình sợ niệm khởi của chính mình mà không hay biết, không còn tự chủ để cân bằng được nữa...
c) Không dứt trừ vọng tưởng.
Như trên đã nói, nếu dùng công phu đè nén thì như dùng đá đè cỏ gấu (cỏ cú), cỏ sẽ mọc lan sang chỗ khác mạnh hơn. Đã là vọng tưởng, có nghĩa là bản chất của nó không thật thì dứt trừ cái gì. Có khi dụng công trừ dẹp lại còn dễ bị trở ngại cho bước tiến công phu của hành giả.
4.3. Không để mặc kệ.
Khi hành thiền, hành giả không có tâm để mặc kệ, mặc tình. Nếu bằng cách này sẽ rơi vào bệnh “nhậm”. Tức là có “một tâm để mặc kệ, mặc tình”. Như thế là còn dấu vết của tâm sanh diệt, cũng là một loại vọng tưởng. Xa hơn, dễ dẫn đến mênh mang, không rõ ràng, hoặc buông xuôi.
Tránh được ba yếu tố trên là tránh được các bệnh tác (tạo tác, làm gì đó), chỉ (làm cho dừng, ngăn chặn), nhậm (để mặc tình), diệt (làm cho dừng dứt) mà đức Phật đã chỉ dạy trong Kinh Viên Giác.
4.4. Chỉ dùng trí tuệ thấu suốt vọng niệm không thật.
Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói: “Gẫm xem các pháp điều như huyễn, bản tánh tự không đâu dụng trừ”. Xem kỹ cho thấu tột các pháp, kể cả pháp trần (vọng tưởng) đều là huyễn hóa, không thật. Bản chất thật của nó vốn tự là không có gì, như bóng trong gương, như ánh trăng đáy nước thì đâu cần dụng công để trừ dẹp làm gì!
Hiểu là giả thì sẽ vẫn còn thầm thầm thấy nó là thật, chưa tột lý huyễn hóa. Nếu dùng trí tuệ xét sâu sẽ thấy tột, suốt thông, sẽ thấy rõ các pháp vốn tự nghiễm nhiên là huyễn hóa như thế; ngay đó tự lìa.
4.5. Không theo vọng tưởng.
Thiền sư Tông Mật nói: “Vọng tưởng vốn không, theo nó thì thành sự”. Nó chỉ là bóng dáng của tiền trần còn sót lại (lạc tạ ảnh tử), bản chất vốn không. Nó chợt hiện chợt tan, không có giá trị gì cả. Chỉ cần tỉnh sáng, không theo vọng, đó là tu hành. Ngược lại, theo nó mới thành sự. Lục Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm”. Cụ thể, hành giả đừng sợ vọng niệm để phải biến cái giả của vọng thành quan niệm thật rồi quan trọng nó. Từ đó dụng công sẽ vất vả mà không đắc lực. Chỉ là giác sáng, không mê lầm, không theo vọng tưởng là đang công phu.
4.6. Sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”.
Hành giả chỉ sống bằng tâm bình, lặng lẽ an nhiên mà sáng biết. Không duyên theo, không trụ vào đâu cả. Vọng nếu có khởi lên, không cần khởi biết mà tâm tự nó sáng biết; không theo. Vọng có lặng cũng là chuyện tự sanh tự diệt của nó, không cần quan tâm, can thiệp hay khởi thêm gì. Như thế sẽ thấy ra rất rõ, vọng có sanh hay diệt gì cũng không ra ngoài chân trời tự tánh đang sáng biết không động. Mới hay ra, vọng tâm và chân tâm chỉ là hai mặt của một thực thể, như sóng và mặt nước, vốn đều là nước, đồng một chất ướt. Sau nhiều năm tháng, năng lực giác của tâm sẽ mạnh, theo đó vọng sẽ tự yếu và thưa dần, bản tâm lặng lẽ sáng biết ngày một hiển hiện rõ ràng và thường trực hơn... Sẽ đến lúc thình lình tự ngộ ra bản tâm, bản tánh chính mình. Hoặc có hành giả bất chợt hoát toang, thân tâm vỡ vụn, rơi rụng mất sạch tất cả. Một niệm cũng không, chỉ là một thể thênh thang sáng rỡ, muốn động cũng không được. Đến đây hành giả tự có kế sống cho mình.
4.7. Tóm kết.
Vì không theo vọng tưởng (không mê); dùng trí tuệ thấu suốt vọng tưởng vốn không thật (không lầm); sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”; là đang tu. Nhưng hành giả không đối trị, không tạo tác, cho nên như là không tu (vì không có tướng tu hành). Đây là “tu mà không tu”; là đúng lời Nhị Tổ Pháp Loa dạy: “Người tu tập thiền định không được chấp dụng công”.
Hơn nữa, hành giả không đối trị, không tạo tác cho nên như là không tu (vì không có tướng tu hành). Nhưng không theo vọng tưởng (không mê); dùng trí tuệ thấu suốt vọng tưởng vốn không thật (không lầm); sống bằng bản tâm chân thật “lặng mà sáng biết”; cho nên vẫn là đang tu hành. Đó là “không tu mà tu”; là chỗ Nhị Tổ Pháp Loa nói: “Dụng mà không có chỗ dụng”.
Hành giả ứng dụng công phu tu tập “Pháp Tri Vọng” như thế. “Không chấp dụng công, dụng mà không có chỗ dụng”; là đúng với nguyên lý tu tập Thiền Thượng Thừa mà Nhị Tổ Pháp Loa đã chỉ dạy.
Phần 4:
CHÚNG TA DỤNG CÔNG CÓ BỊ SAI VÀ NHẦM THEO CÁCH HÀNH TRÌ CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC HAY KHÔNG?
1. ĐIỂM KHÁC BIỆT NỔI BẬT ĐỂ NHẬN RA ĐÓ LÀ THIỀN TÔNG (Thiền Thượng Thừa).
- Trước hết là tin, biết có chân tâm.
- Không thấy vọng tưởng, các pháp và sanh tử là có thật.
- Không đoạn trừ, dứt sạch, mà chỉ dùng trí tuệ để hàng phục, vô hiệu hóa.
- Không có một cõi Niết-bàn cố định để an trú, mà nơi nơi đều Niết-bàn.
2. HIỂU SAI PHÁP, VÔ TÌNH ĐI VÀO CÁC PHÁP THIỀN KHÁC.
Cách thực hành “Pháp Tri Vọng” Thượng Thừa đã được nêu rõ tại mục 4, phần 3 của chương 1 này. Nếu hành giả biết vọng mà còn dính kẹt vào một trong các trường hợp sau thì đã vô tình rơi vào con đường thực tập của các pháp thiền khác; trái với tính chất, nguyên lý và tinh thần Thiền Thượng Thừa:
- Thấy vọng tưởng là có thật, cảm thấy khó chịu và muốn hết mau cho khỏe. Xa hơn, còn thấy thân này, hoàn cảnh này là thật, đáng sợ.
- Có tấn công, dẹp trừ, dứt trừ cho sạch hết vọng.
- Khởi biết để biết về, biết theo đuôi vọng tưởng.
- Cầu mong vọng tưởng thưa dần để chứng đạt được từng bậc
3.ĐÚNG PHÁP, HÀNH TRÌ ĐÚNG THEO TINH THẦN THIỀN PHÁT TRIỂN (THIỀN TÔNG), CỤ THỂ LÀ THIỀN THƯỢNG THỪA.
3.1. Tin, biết mình có Phật tánh, có khả năng tu hành thành Phật.
- Dụng công thẳng đến tự tánh, hướng đến pháp “Tánh biết vọng” hay “Biết là chân tâm”.
3.2. Dùng trí Bát nhã thấy rõ vọng tưởng và sanh tử không thật.
- Dùng trí tuệ Bát nhã thấy tột, thấu suốt các pháp, trong đó có vọng tưởng, tất cả đều rỗng tuếch, không thực thể.
- Từ đó hạ thủ công phu, hành giả chỉ lặng lẽ, giác sáng, biết rõ ràng, không theo niệm khởi.
- Ngay biết là chân tâm biết, không can thiệp đến vọng tưởng.-Công phu chín muồi, tự tánh giác sáng bùng vỡ, hiển hiện rành rẽ, rõ ràng.
3.3. Không nhầm lẫn cho rằng Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là một.
Nếu Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác là giống nhau thì vì sao lại có nhiều tên gọi, nhiều cách nhìn và dụng công tu tập khác nhau? Hơn nữa, Phật giáo có nhiều Tông phái và mỗi phái đã hình thành được hệ thống tu hành chuyên nghiệp rõ ràng. Không giống nhau từ sự nhìn nhận về giới luật, sanh tử, cho đến Kinh điển, phương pháp hành trì, kể cả tinh thần giác ngộ, giải thoát... Như thế, Thiền Thượng Thừa và các pháp thiền khác không thể là một được.
Nếu hành giả chưa xác định rõ từng chi tiết một cách cụ thể, khúc chiết thì không khỏi thấy biết bị sai, dụng công lầm. Từ đó cho rằng pháp Tri Vọng của Thiền Thượng Thừa gần giống với các pháp thiền khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến không chuyên tâm một đường, công phu không đắc lực, không thể nhập được tự tánh, không nhận ra được giá trị của Thiền Thượng Thừa. Cũng do đây, quý vị đi khắp mọi miền tìm học mỗi nơi một ít để gom vào làm công phu, tu hành theo kiểu chắp vá. Có phước mới nhận ra sớm hơn. Nếu không, cuối đời ngồi lại mới thấy mình không đến đâu. Cả đời chỉ đem mình làm phòng thí nghiệm và kết quả thì chỉ là những rút kinh nghiệm mà thôi.
3.4. Không rơi vào trầm không trệ tịch.
Với tinh thần Phát triển, nhất là Thiền Thượng Thừa, chư vị Tổ sư, các Thiền sư chưa chấp nhận tại cơ lặng yên. Trong nhà thiền vẫn thường gọi là “Trầm không trệ tịch”, hoặc “Nước chết không chứa được rồng”, “Đầu sào trăm trượng”, “Vô tâm còn cách một lớp rào”.
a. Vô tâm còn cách một lớp rào.
Thiền sư Trường Sa Cảnh Sầm nói:
Chớ bảo vô tâm gọi là đạo,
Vô tâm còn cách một lớp rào.
(Mạc vị vô tâm vân thị đạo,
Vô tâm du cách nhất trùng quan).
Vô tâm ở đây là do làm cho được vô tâm. Là do dứt sạch, vắng lặng mà được vô tâm. Tương đương với Bức Tranh Chăn Trâu số 8 trong nhà thiền. Hành giả đến điền địa này chỉ hay sáng sạch, lặng trong. Nhưng còn thiếu một tiếng sét giữa tầng không, tiếng chim vang lên trong khung trời thanh vắng, hay một tiếng “à” lên trong vỡ òa, hoặc chợt hay ra mọi thứ đang hiện bày ra đó... Cụ thể là trí chiếu phá sanh tử chưa hiển lộ cho nên các Thiền sư nói còn cách một lớp rào, chưa thấy tánh. Vì thế, Thiền sư Cảnh Sầm nói:
Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa,
Mười phương thế giới hiện toàn thân.
b. Ngộ bản tâm thì tâm thiền vốn tự vô (không). Cho nên ngay vô tâm, sức sống thiền đang hiển hiện.
Với tinh thần Thiền Thượng Thừa, Sơ Tổ Trúc Lâm Việt Nam nói:
...Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
Vì đã nhận ra của báu tức là ngộ tâm thì tâm ấy vốn tự vô, trong tâm ấy không một vật. Đến đây hành giả sẽ ngộ ra, ngay tánh sáng biết này vốn tự tịnh, tự định, muốn động cũng không được. Không phải làm cho được định thì tuệ mới sáng ra, mà ngay trí tuệ giác sáng biết khắp ấy vốn tự không động. Vì thế, định tuệ không trước không sau, cho nên Lục Tổ nói: “Định tuệ đồng thời”.
Tâm thiền sáng rỡ không động ấy vốn không một vật, vốn tự không tâm nhưng linh thông hơn cả chủ động. Đồng thời tánh này hay sanh muôn pháp một cách tự tại, nhưng tánh thể vẫn thế, bất động. Đâu nhất thiết phải khởi phân biệt mới thấy biết mọi vấn đề? Đối trước tất cả trạng huống, cảnh vật đều thấy biết rành rẽ rõ ràng mà không phải phân biệt của ý thức. Sức sống thiền đã sáng rỡ ra đó, nhìn cảnh gì, đối diện hoàn cảnh nào mà chẳng phải là thiền. Đâu cần hỏi tìm thiền ở đâu nữa! Đây chính là sức sống của Thiền Thượng Thừa.
c. Tóm lại.
Có tu tập theo kiểu tạo tác làm thế nào đó để được vô tâm cho nên Thiền sư Cảnh Sầm nói: “Vô tâm còn cách một lớp rào”. Do đó Ngài dạy: “Đầu sào trăm trượng thêm bước nữa” thì sẽ ngộ ra tâm vốn tự không; sẽ hay ra lời Sơ Tổ Trúc Lâm nói: “Đối cảnh vô tâm mới là thiền”.Hành giả tự soi lại công phu của mình để không rơi vào cơ lặng yên, không bị kẹt giữa đường để phải bị các Thiền sư quở. Thứ lớp như trên là do công phu của mỗi hành giả chứ không nhất thiết ai tu cũng phải trải qua tầng bậc cố định như vậy. Nếu khéo hạ thủ công phu, ngay mọi thứ trước mắt đây liền nhận thẳng tánh, không cần trải qua giai đoạn thuần tịnh, rơi vào cơ lặng yên. Nếu hành giả đã rơi vào đây thì cần biết cách phấn phát để tiến thêm.
3.5. Không trụ trong chỗ thanh tịnh chưa được đại tự tại.
Thiền sư Trạm Đường Chuẩn nói với ngài Đại Huệ Tông Cảo: “Dạy ông nói cũng nói được. Bảo ông làm cũng làm được. Niêm cổ, tụng cổ, tiểu tham, phổ thuyết thảy được. Chỉ có một sự kiện chẳng phải, ông có biết chăng?... Ông chỉ thiếu một cái à! Vì thế khi nói thì có, khi chẳng nói liền không. Khi vào phương trượng thì có, khi ra phương trượng liền không. Khi tỉnh tỉnh thì có, khi ngủ mê liền không. Làm sao địch được sanh tử?”.
“Tâm ấy” chỗ này có, chỗ kia không, rõ ràng chưa phải thênh thang trùm khắp, vẫn còn chút vướng kẹt trong thuần thanh tuyệt điểm. Cho thấy, chưa phải là đại định hiện tiền của Thiền tông, do đó chưa được tự tại vô ngại.
Khi hành giả đạt đến chỗ thanh tịnh trong ngần tuyệt đối, không động, không còn vọng niệm. Có khi mạnh đến mức đi đứng nằm ngồi cho đến chạy nhảy, nói năng, làm tất cả việc vẫn được sáng trưng trong ngần như thế, không hề thấy động. Tuy nhiên, do vì trí chiếu phá sanh tử chưa được phát minh cho nên trong sâu thẳm vẫn còn ngăn ngại vi tế. Dấu hiệu dễ phát hiện là thích yên tĩnh, thầm thầm hơi ngán mọi công việc bề bộn, rộn ràng, ồn ào, áp lực... Dù không còn kềm giữ, nhưng vẫn thích sống trong môi trường thích hợp để vui với tâm không ấy. Như vậy thì cũng đã vi tế âm thầm có chăn giữ tâm rồi, cho nên lúc nào cũng như còn một cái gì đó chưa suốt thông tuyệt đối. Tự hỏi, nếu đối diện với cảnh chiến tranh, không có một nơi nào cho mình trú ngụ thì sẽ dụng công tu tập thế nào? Không bàn đến các điều kiện hay phương tiện tạm thời tu hành như thế nào đó, nếu thấy được sức sống đặc biệt này thì mới có chút phần tương ưng Phật Tổ.
3.6. Không trụ trong chỗ thanh tịnh, dễ phát sanh các tướng lạ, lầm đường.
Hơn nữa, khi còn ở trong chỗ thanh tịnh vô ngần này sẽ thấy thỏa mãn, khó nhận ra chỗ này chưa phải rốt ráo. Cho đến khi nào tỏ ngộ bản tâm, vượt qua rồi mới nhận biết. Trong chỗ thanh tịnh này chưa hết chướng ngại công phu. Còn là phàm phu thô phù thì chướng ngại cũng thô phù, không nguy hiểm, dễ điều trị. Nhưng đến chỗ thanh tịnh này mà chấp vào đó thì căn thức ngủ ngầm sẽ biến hiện nhiều điều khó lường. Tất cả các tướng của tưởng trong công phu lúc này không phải là nằm trong phạm trù của tưởng tượng để hành giả nhận biết. Cái căn thức trong thanh tịnh ấy nó tự biến hiện thành các tướng thù thắng khiến hành giả ưa thích, hoặc các tướng không tốt khiến cảm thấy khó chịu. Có khi hành giả tự thấy tất cả trong veo như lưu ly trong cõi Phật, hoặc phát hào quang; có trường hợp khác thì thấy bóng đen... Tất cả đều làm chướng ngại công phu. Lúc này căn thức tự nó làm việc của nó và chúng ta không thể thấy. Hành giả chỉ thấy biết được kết quả là các tướng đã hiện hình rồi, chứ không thể nhận ra sự tạo nên của căn thức. Nếu không có bậc thầy đã tỏ ngộ thì không thể giúp được. Nếu chấp sâu hơn thì sẽ còn nhiều sai lầm dẫn đến hậu quả đáng tiếc hơn. Điều này quý thầy không tiện nêu ra cụ thể ở đây. Bởi đến chỗ này, tâm thức con người rất tinh vi, đến nỗi chúng ta không thể nhận ra để tự kiểm tra mình được. Có khi đáng ra quý vị không bị chướng ngại A, nhưng khi nghe nói rõ ra thì tâm thức mình tự nó sanh ra chướng ngại đó. Đó là điều rất thật đã từng xảy ra. Do đó quý thầy nói, khi hạ thủ công phu tiến bộ, cần có vị thầy tỏ ngộ chứng minh và chỉ bày tiếp là vậy. Nhưng không phải ai tu cũng rơi vào chỗ khó khăn này. Đây là đề cập đến số ít hành giả nào công phu mà thích chỗ thanh tịnh rồi chấp và an trú trong đó thì mới sanh các tướng lạ. Nếu người nắm vững pháp tu thì một bề thẳng tiến, ngộ thẳng chứ không bị trở ngại này. Điều chính yếu ở đây là hành giả không được chấp và an trụ vào chỗ thanh tịnh trong ngần này rồi cho là đã chứng đắc. Cần phấn chấn quyết tâm cầu tiến thì công phu sẽ đắc lực, tất cả đều tốt, không bị chướng ngại gì.
3.7. Cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn.
Chúng ta có thể nhận ra cơ lặng yên và trí giác hiện tiền qua hai bài kệ của Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn trình cho sư huynh mình là Thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch.
Khi Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn triệt ngộ và làm bài tụng, Thiền sư Qui Sơn nghe được, nói với ngài Ngưỡng Sơn: “Kẻ này đã triệt ngộ.” Nhưng ngài Ngưỡng Sơn xin đến kiểm nghiệm lại.
Ngưỡng Sơn đến thăm ngài Trí Nhàn và bảo:
- Hòa thượng khen ngợi Sư đệ đã phát minh đại sự, thử nói tôi nghe?
Sư đọc bài tụng trước cho Ngưỡng Sơn nghe. Ngưỡng Sơn bảo:
- Đó là do trước kia học tập ghi nhớ mà thành, nếu thật chánh ngộ hãy làm bài tụng khác.
Sư nói tụng:
Năm xưa nghèo chưa thật nghèo,
Năm nay nghèo mới thật nghèo.
Năm xưa nghèo vẫn còn có đất cắm dùi,
Năm nay nghèo dùi cũng không.
(Khứ niên bần vị thị bần,
Kim niên bần thủy thị bần.
Khứ niên bần du hữu trác chùy chi địa,
Kim niên bần chùy dã vô).
Ngưỡng Sơn bảo:
- Sư đệ ngộ Như Lai thiền mà chưa ngộ Tổ sư thiền.
Đất và dùi đều không, hay sạch hết tất cả nhưng chưa có cơ sống dậy. Thiền sư Ngưỡng Sơn bảo, mới ngộ được Như Lai thiền, còn Tổ sư Thiền (Như Lai Tự Tánh Thanh Tịnh Thiền, hay Thiền Thượng Thừa) thì chưa.
Thiền sư Trí Nhàn nói tiếp bài tụng:
Ta có một ki (cơ),
Chớp mắt chỉ y.
Nếu người chẳng hội,
Riêng gọi Sa-di.
(Ngã hữu nhất ki (cơ),
Thuấn mục thị y.
Nhược nhân bất hội,
Biệt hoán Sa-di).
Ngưỡng Sơn gật đầu và về thưa lại Qui Sơn:
- Rất mừng! Sư đệ Trí Nhàn đã ngộ Tổ sư thiền.
“Chớp mắt chỉ y” chính là đã có cơ sống thấu tột Thiền Thượng Thừa. Không bàn đến sự thanh tịnh vô ngần. Không còn thấy có tâm đáng giữ, có pháp đáng lìa... Chỉ là khắp nơi toàn tai mắt, nhúc nhích chính là “kẻ ấy”. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã thành đạo rồi cho nên khi ngài đi khất thực cũng là Phật, tọa thiền cũng là Phật, nói pháp cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni. Cho đến khi đi vệ sinh cũng là Phật Thích Ca Mâu Ni chứ đâu có ai khác vào đó? Đã là Phật thì tất cả động tĩnh đều là Phật. Đã ngộ tột tánh mình thì nhất cử nhất động đều chính là tánh này. Cho nên nói: “Chớp mắt chỉ y”. Nhướng mày chớp mắt, đi đứng nằm ngồi, làm việc sinh hoạt... Tất cả đều là “y”, nào có ai khác chen vào? Khí phách Thượng Thừa là chỗ này. Vô tướng, bặt hết các tướng dù đó là tâm hay cảnh mà hay tự tại tùy duyên ứng hiện sanh các tướng, nhưng vẫn chưa từng sanh diệt bao giờ.
4. NẾU TU THEO PHÁP TRI VỌNG MÀ DỤNG CÔNG NHẦM VÀO CON ĐƯỜNG CỦA CÁC PHÁP THIỀN KHÁC THÌ SAO?
Tu pháp này mà nhầm qua pháp khác thì không có pháp nào đúng cả.
Muốn đi lên một đỉnh núi nào đó, trước tiên chúng ta phải xác định cho được vị trí của đỉnh đến, tiếp theo cần xác định lộ trình, lối đi. Nếu không như thế thì càng đi càng bị sai lạc, loanh quanh, không đến đâu cả. Cũng thế, muốn hạ thủ công phu tu tập, hành giả phải tìm hiểu cho tường tận rồi xác quyết một hướng đi cho mình. Nếu muốn tu theo các pháp thiền khác thì nên đến gặp chư Tôn đức có kinh nghiệm bên pháp thiền ấy hướng dẫn. Nếu có duyên với Thiền Thượng Thừa thì nên tìm các bậc Thiện Tri Thức đã đạt ngộ chỉ bày cho mình. Sau khi đã xác định rồi thì quyết tâm đi theo một hướng mà mình đã chọn. Đã quyết định hướng đi rồi thì cứ một mạch thẳng tiến, không nên đứng núi này trông núi nọ. Nếu không xác định một cách rõ ràng, không quyết chí dứt khoát, tu học theo kiểu chắp vá thì sẽ đưa đến nhiều điều không như mong muốn; như là bệnh thiền hoặc không đến đâu.
5. GIẢ SỬ CÓ TRƯỜNG HỢP DÙNG PHƯƠNG TIỆN ĐỐI TRỊ THÌ SAO?
Thời Phật còn tại thế, Ngài nói pháp, giáo hóa, chúng đệ tử vâng theo tu hành, Phật giáo chỉ thuần là Phật giáo, chưa có Tông phái. Đồng thời Phật nói pháp bình đẳng cho tất cả mọi người, không thiên vị nhắm đến một cá nhân. Hơn nữa, Pháp Phật là của tất cả những người hữu duyên, ai cũng có quyền ứng dụng để tu hành. Không có một pháp nào cố định là của một tông phái hay dòng thiền nào cả. Chỉ do cách nhận hiểu và ứng dụng có khác mà phương pháp ấy mang màu sắc riêng của từng dòng thiền hoặc Tông phái khác nhau. Các pháp phương tiện đối trị cũng vậy.
Lục Tổ nói: “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm. Ta không tất cả tâm thì đâu cần dùng tất cả pháp”. Ví dụ hành giả A nhẹ với tập khí sân thì khi gặp chuyện, chỉ cần tỉnh giác liền hết, không cần làm thêm gì cả. Nhưng với hành giả B, nghiệp sân này nặng hơn và do mới tu chưa có lực thì có thể dùng pháp quán từ bi, quán nhân duyên thấy tất cả đều huyễn hóa... để điều trị. Thì đây cũng là ứng dụng pháp của Phật, là bình thường. Khi công phu đã đủ mạnh, huynh B chỉ cần giác sáng thì lòng sân tự hết, lúc này huynh cũng đâu cần phải quán thêm gì nữa?
Vấn đề ở đây là hành giả tu Thiền Thượng Thừa biết rõ và tin chắc nơi mình có tánh Phật, có khả năng tu hành thành Phật. Đồng thời hướng tiến đến ngộ tâm, thành tựu Phật đạo. Lấy đó làm nền tảng căn bản và kim chỉ nam để tu tiến. Còn các phương tiện khác chỉ là tạm thời, không chấp và kẹt vào phương tiện. Nếu có trường hợp dùng phương tiện mà biết rõ như thế thì cũng chỉ là phương tiện tạm thời cho một cá nhân trong một hoàn cảnh hay giai đoạn tạm thời nhất định nào đó mà thôi. Đã xác định và có tầm nhìn trước như vậy thì không phải là rơi vào con đường thực hành của các Tông phái hoặc dòng thiền khác.
6. KẾT LUẬN.
Bản chất của “Pháp tri vọng” là con đường hướng tiến của Thiền Thượng Thừa. Nếu hành giả khéo léo ứng dụng làm sao để không rơi vào tướng, không dính mắc, chấp trước hoặc tạo tác thì sẽ không sai với bản chất vốn có của nó. Càng mất hút dấu vết thì công phu càng đắc lực, tự tánh giác sáng hiện tiền. Đến khi sức giác đủ lớn, căn thức mê mờ yếu ớt nhỏ nhiệm thì sẽ có lúc thời tiết nhân duyên chín muồi. Không trước không sau, bất chợt giác tánh vụt sáng, thức mê chợt tan, chân trời tự tánh rành rành trước mắt, tự mình rõ ràng, nói không thể đến. Sống thẳng ngay đây là tu hành, là sống thẳng đến chánh nhân vô sanh. Từ nhân vô sanh để tu, công viên quả mãn, mới thành tựu được quả vị vô sanh mà chư Phật đã đạt đến viên mãn.
Các bài mới
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương III): Một số kỹ thuật cần lưu ý khi dụng công tu tập thiền - 17/06/2020
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương II): Thưa hỏi thêm - 06/05/2020
- Thưa - Hỏi Thiền (Chương I) - 21/04/2020
- Hãy sống tốt ngày hôm nay - 28/10/2019
- Hãy cho đi - 20/03/2019
Các bài đã đăng
- Quy y Tam Bảo - 10/03/2019
- Thiền sư Hương Hải với công cuộc khôi phục Thiền phái Trúc Lâm - 24/06/2016
- Thắp sáng đèn xưa - 21/06/2016
- Tam giải thoát môn - 16/11/2015
- Tưởng niệm nhân ngày vía Phật Thích Ca nhập niết bàn - 05/11/2015
Tu học
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Tâm Chơn Tâm Vọng
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 5: Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 41 - buổi thứ 14/01.10.24 - Tham Vấn 3)
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 63804
- Online: 78