Cương lĩnh Pháp tu thiền Biết có chân tâm

23/06/2009 | Lượt xem: 6318

Thiền viện Trúc Lâm - Đà Lạt ngày 17-01-2005

I. QUI SÁU CĂN VỀ CHÂN TÂM

GIỚI

1. Mắt biết thấy là Chân tâm.

2. Tai biết nghe là Chân tâm.

3. Thân biết xúc chạm là Chân tâm.

4. Mũi biết ngửi là Chân tâm.

5. Lưỡi biết nếm là Chân tâm.

6. Ý biết pháp trần là Chân tâm.

* Ba căn đầu sử dụng lúc tiếp xúc bên ngoài và khi ngồi thiền.

* Ba căn sau chỉ sử dụng khi ngồi thiền.

 

II. TU KHI NHẬN RA CHÂN TÂM

ĐỊNH

1. Tu khi nhận ra Chân tâm thì đi, đứng, nằm, ngồi đều nhẩm đi nhẩm lại câu “Chân tâm hiện tiền”.

2. Đến lúc nào trong đầu nhớ liên tục “Chân tâm hiện tiền” thì chuyển qua giai đoạn III ở dưới.

III. THỂ NHẬP CHÂN TÂM

TUỆ 

1. Định nghĩa: Chân tâm là “thường biết rõ ràng mà không niệm”.

2. Tập mãi cho đến khi thuần thục, chỉ còn hai chữ “không niệm”. Buông luôn hai chữ “không niệm” thì tâm thênh thang và còn mãi.

] 

Nam-mô Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni,

Kính thưa toàn thể Tăng, Ni và Phật tử,

Hôm nay là ngày tôi ra thất và có hai điểm cần nói:

Điểm thứ nhất, tuy tôi tu có kết quả nhưng chưa viên mãn. Vì vậy từ đây về sau, mỗi năm ba tháng an cư của Tăng Ni cũng là ba tháng nhập thất của tôi, cho tới khi nào theo Phật mới ngừng.

Điểm thứ hai, tôi tuyên bố cho Tăng Ni hiểu rõ, ngày xưa tôi nặng về việc hoằng hóa Phật pháp, nên đi tới đâu cũng giảng giải cho mọi người nghe hiểu đạo Phật, biết ứng dụng tu hành. Nhưng ngày nay khác đi, tôi chỉ dạy tu, khuyến khích tu mà không nói phổ thông như trước. Vì vậy từ đây tôi không giảng phổ thông, mà chỉ giảng cho Tăng Ni những điều thiết yếu tu hành. Tôi sẽ đi thăm các Thiền viện, những nơi chuyên tu. Hỏi lại Tăng Ni: một là quí vị tu có kết quả thế nào trình cho tôi biết; hai là giải thích thêm những gì quí vị còn nghi ngờ trên đường tu, chớ tôi không giảng tràng giang đại hải như thuở xưa.

Quí vị đang cầm trên tay tờ giấy “Cương lĩnh pháp tu thiền biết có Chân tâm”, tôi sẽ đọc từ từ, giải thích cho quí vị nghe. Trước kia không có pháp này, nhưng sau thời gian nhập thất, tôi mới phương tiện lập ra. Lúc trước chúng tôi dạy tu Thiền, không có nghi vấn nên tu nhẹ, kết quả cũng ít. Ngót ba mươi năm chuyên tu, vừa tu vừa dạy Tăng Ni, Phật tử nên việc tu của tôi trì trệ, tiến không bao nhiêu. Đến năm rồi tôi thấy tuổi đã già, đường tu còn xa nên tuyên bố nhập thất. Tôi không nói nhập mấy năm, vì nghĩ tuổi thọ chắc không quá tám mươi bao nhiêu. Khi bắt đầu nhập thất tôi đã tám mươi tuổi rồi, không biết còn sống tới chừng nào, nên không dám tuyên bố bao lâu, nhưng tôi thầm nguyện trong lòng phải nhập thất cho được ba năm. Nhưng mới hai năm tôi có sáng kiến mới, thấy đường lối tu mới, nên ra thất.

Tại sao tôi có sáng kiến này? Như kỳ trước tôi đã nêu lý do, trước kia tôi dạy tu thiền là nhắm thẳng vào hướng của chư Tổ trước. Chư Tổ trước nói một châm ngôn hết sức cụ thể là “lấy vô niệm làm tông, lấy cửa không làm cửa pháp”. Tức là lấy vô niệm làm chỗ tột cùng cứu kính, lấy pháp không của tinh thần Bát-nhã làm cửa pháp để tiến. Chúng tôi nhiều năm đi sâu trong Bát-nhã, nhất là tới giai đoạn nhập thất, phăng tìm cho thấu đáo cửa không là cửa pháp. Khi phăng tìm thấy tột lẽ thì biết cửa không rất sâu, rất khó nhận. Nếu lấy đó làm cửa tiến đạo thì người sơ cơ ít ai nhận được, nên tôi có chút ngậm ngùi trong lòng. Nếu mình tu mà không thể dạy người tu được, vô tình thành ích kỷ nên tôi rất buồn.

Bỗng dưng một hôm, giờ ngồi thiền tôi tự hỏi “lâu nay mình tu cốt trở về với Chân tâm của mình, mà hiện giờ Chân tâm ở đâu”. Đó là một nghi vấn tôi phải giải quyết. Khi phăng lần manh mối của Chân tâm, tôi thấy trong kinh, trong luận và chư Tổ Thiền tông đều nói thẳng “Chân tâm ở ngay nơi sáu căn của các ông”. Câu được nhiều người nhắc đi nhắc lại trong kinh Lăng Nghiêm là “nhất tinh minh sanh lục hòa hợp”, nghĩa là có một cái trong sáng, nó hòa hợp với sáu căn. Như vậy tinh minh chỉ cho gốc Chân tâm, nó hòa nhập với sáu căn, nên sáu căn đều có mầm hay có phần của Chân tâm.

Nếu ai hỏi việc tu, chúng ta nói các pháp đều là không thì những người cạn cợt cho rằng “tu mà không thì tu làm gì” nên họ không nỗ lực tiến tu. Bây giờ thấy ai cũng có Chân tâm hiện nơi sáu căn, như vậy chúng ta nói sao? Thay vì nói không thì mình nói có. Có cái gì? Có Chân tâm. Mỗi người đều có sẵn Chân tâm, hiện giờ nó đang ẩn núp nơi sáu căn. Bây giờ muốn đi, đứng, nằm, ngồi đều biết quay về, biết trở lại Chân tâm thì phải làm sao? Cho nên tôi mới có đường lối tu mới.

Tôi đề ra cương lĩnh pháp tu thiền biết có Chân tâm. Biết có là có Chân tâm. Nhiều người nghe nói pháp tu có, họ đâm nghi ngờ hồi trước tôi dạy các pháp không, bây giờ lại nói có. Như vậy tôi tự mâu thuẫn trước sau, nhưng họ quên rằng, trước tôi nói không là không có sáu trần. Sáu trần duyên hợp là không, hình tướng như huyễn như hóa, không thật, vì vậy nói không. Ngày nay nói có là có Chân tâm, không phải có sáu trần. Nếu trước tôi nói không sáu trần, bây giờ nói có sáu trần, đó là mâu thuẫn. Nhưng ở đây tôi nói không sáu trần, mà có Chân tâm. Chúng ta cứ quên sáu trần, đi thẳng có Chân tâm. Ai muốn tu, cứ trở về với Chân tâm của mình. Nhờ có Chân tâm chúng ta tu mới thành Phật được. Đường lối tu hôm nay thật ra không có gì mâu thuẫn với đường lối tu trước. Pháp tu này là pháp tu qui hướng về chính mình, cái gì là chính mình? Chân tâm.

Đức Bổn sư nói Ngài thương chúng sanh như mẹ thương con. Nghe vậy nhiều người bảo: “Như mẹ thương con sao Ngài bỏ đi mất tiêu, không thấy trở lại?” Đó là vì đức Phật biết chúng sanh ai cũng có Tánh giác hay Chân tâm, nhưng không tự biết, cứ chạy theo vọng tưởng hư dối. Ngày nào mình nhận lại thì hết sanh tử khổ đau. Chư Phật không ban cho chúng sanh sự giải thoát được, phải tự mình giải thoát lấy.

Cả ngày sống với vọng thức mà cho là tâm của mình. Tôi suy nghĩ thế này, tôi suy nghĩ thế kia, tôi tính toán thế nọ… Cái suy nghĩ, tính toán đó là vọng thức hư dối, có rồi mất, sanh rồi diệt, không phải chân thật. Chúng ta ôm cái giả dối cho là mình thì trầm luân muôn kiếp. Nó không thật, chạy theo nó thì tạo nghiệp đi trong sanh tử. Cả đời hết nghĩ chuyện này tới bàn chuyện khác, hết nhớ người này tới trông người kia, đầu óc cứ luẩn quẩn như vậy thì nhắm mắt đi đâu? - Đi theo nghiệp. Chỗ nào chúng ta ưa thích hay dính mắc thì nó dẫn mình đến đó. Vì vậy ở trong trầm luân sanh tử không ra được.

Nếu chúng ta tu tới cuối cùng là không niệm, lấy không niệm làm tông thì ra khỏi sanh tử. Vì sao? Vì muốn ra khỏi sanh tử phải dứt hết niệm, dứt hết suy nghĩ, tìm kiếm, dính mắc. Khi niệm lặng hết, nhắm mắt chúng ta đi đâu? Hết các niệm thì nhắm mắt thể nhập Pháp thân, giải thoát sanh tử. Rõ ràng như vậy.

Ngày xưa hành giả tu thiền phần nhiều căn tánh thông lợi, nên chư Tổ Thiền tông nói bên Đông, họ hiểu bên Tây. Ngày nay con người thực tế quá, nói đâu hiểu đó, nếu nói như các ngài chắc người ta bảo mình điên. Ví dụ hỏi: “Thế nào là Phật?” Ngài Đức Sơn đáp: “Cục cứt khô của ông già Hồ.” Chịu nổi không? Nói như thế người ta bảo mình điên, hỏi một đàng trả lời một ngả, không dính dáng gì mà lại thô tháo nữa. Nhưng đi sâu mới thấy cái kỳ đặc của người xưa.

Bởi vậy ở đây chúng tôi dùng những phương tiện thực tế để hướng dẫn quí vị tu. Chúng tôi sẽ chỉ rõ những chi tiết, chỉ rõ sự tu tiến như thế nào. Đó là vấn đề rất quan trọng. Trong cương lĩnh tu biết có Chân tâm, chúng tôi tạm chia ra ba phần. Phần thứ nhất, qui sáu căn về Chân tâm. Phần thứ hai, tu khi nhận ra Chân tâm. Phần thứ ba, thể nhập Chân tâm. Đó là ba phần căn bản. Chúng tôi sẽ nói rõ từng phần một.

Phần thứ nhất, qui sáu căn về Chân tâm. Như tôi đã nói Chân tâm là nhất tinh minh, nhưng nó sanh ra lục hòa hợp. Tức nó phân phối ra sáu căn, gọi là sáu hòa hợp. Cho nên sáu căn của chúng ta, căn nào cũng mang tánh chất Chân tâm. Chúng ta không biết sử dụng hay trở về nó. Ví dụ quí vị thấy bình hoa, vừa thấy bình hoa thì không nói đẹp, nói xấu gì hết. Nhưng khi phân tích hoa này là hoa gì, so với các hoa khác thế nào… phân tích một hồi nó trở thành đẹp hay xấu. Như vậy cái nhìn ban sơ trong nhà Phật gọi là niệm đầu, niệm đó chỉ biết mà không đối chiếu, so sánh, phân biệt. Cái biết đó thuộc về Chân tâm. Còn những cái đối chiếu, so sánh thuộc về vọng thức, phân biệt.

Quí vị chịu thấy cái hoa là cái hoa hay phải đối chiếu, so sánh rồi khen chê? Ai cũng đối chiếu hoa này là hoa cúc, khác với hoa hồng. Hoa cúc xấu làm sao, đẹp làm sao; hoa hồng xấu làm sao, đẹp làm sao. Cứ vậy mà phê phán rồi kết luận, khen cái này chê cái nọ. Đó là tâm của đa số người hiện tại. Từ hoa cho tới mọi việc khác cũng vậy.

Cái thấy ban đầu, thấy cái gì chỉ cái ấy thôi, không có niệm thứ hai. Bước qua niệm thứ hai là qua vọng thức rồi. Vì vậy ở đây chúng tôi muốn tất cả Tăng Ni thực hành theo đường lối Thiền tông, bước đầu chúng ta phải nhận ra nơi sáu căn của mình có sẵn Chân tâm, chớ không phải chỉ là vọng thức.

Nói có sẵn, tôi sẽ dẫn chứng cho quí vị thấy, cái có sẵn này không phải một kinh nói mà nhiều kinh đều nói. Như kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan hỏi Phật phương pháp tu thế nào ra khỏi trầm luân, được giải thoát sanh tử. Nguyên đoạn kinh chữ Hán thế này:

Ư thị A-nan cập chư đại chúng, câu văn thập phương vi trần Như Lai, dị khẩu đồng âm cáo A-nan ngôn: “Thiện tai A-nan! Nhữ dục thức tri câu sanh vô minh, sử nhữ luân chuyển, sanh tử kết căn; duy nhữ lục căn, cánh vô tha vật. Nhữ phục dục tri Vô thượng Bồ-đề, linh nhữ tốc chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh, diệu thường, diệc nhữ lục căn, cánh phi tha vật.”

Dịch:

Khi ấy A-nan và cả đại chúng đều nghe mười phương các đức Như Lai như số vi trần, khác miệng đồng lời bảo với A-nan rằng: “Lành thay A-nan, ông muốn biết câu sanh vô minh là cái đầu gút khiến ông luân chuyển sanh tử, đó chính là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác. Ông muốn biết tánh Vô thượng Bồ-đề khiến ông mau chứng an lạc giải thoát, tịch tịnh diệu thường, cũng là sáu căn của ông, chớ không phải vật gì khác.”

Như vậy không phải riêng đức Phật Thích-ca nói sáu căn là gốc của luân hồi sanh tử, sáu căn cũng là gốc của Bồ-đề Niết-bàn, mà mười phương chư Phật đều thốt lên đồng một lời như nhau. Đó là để chứng minh rằng, không phải riêng đức Phật Thích-ca Mâu-ni mới nói sáu căn là gốc luân hồi sanh tử, sáu căn là gốc giải thoát sanh tử, mà mười phương Như Lai đồng nói như vậy.

Chúng ta tu phải y nơi sáu căn mà chuyển. Sáu căn chạy theo sáu trần, đó là trầm luân sanh tử. Sáu căn biết gỡ, biết gạt bỏ, không chạy theo sáu trần, đó là giải thoát sanh tử. Lời Phật dạy đã đầy đủ trong kinh, không phải tự ý tôi nói. Chẳng những một bộ mà nhiều bộ kinh đều nói như vậy. Tôi dẫn một đoạn khác trong kinh Kim Cang, khi Tu-bồ-đề hỏi Phật “cái gì là gốc trầm luân, cái gì là gốc giải thoát”, đức Phật trả lời, nguyên văn chữ Hán:

Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Hi hữu Thế Tôn, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm?

Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.

Dịch:

Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia?

Phật bảo: Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.

Trong kinh Lăng Nghiêm, mười phương chư Phật đồng nói y cứ nơi sáu căn, nếu chạy theo mê lầm dính mắc thì đó là gốc của trầm luân sanh tử, nếu gỡ không dính mắc nữa thì thoát ly sanh tử. Hai bộ kinh Kim Cang và Lăng Nghiêm, đức Phật đều nói như vậy. Khi Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đem kinh Kim Cang giảng cho Lục tổ Huệ Năng nghe, đến đoạn “bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Lục Tổ ngay đó đại ngộ, thấy tất cả muôn pháp chẳng lìa Tự tánh, liền thưa với Ngũ Tổ rằng: “Đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ Tự tánh vốn không sanh diệt, đâu ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ, đâu ngờ Tự tánh vốn không dao động, đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp.” Rõ ràng kinh Kim Cang cũng chỉ thẳng sáu căn là gốc trầm luân, sáu căn cũng là nhân giải thoát.

Ngày nay chúng tôi nương theo ý kinh để hướng dẫn quí vị ứng dụng tu trong hiện tại. Như ở phần một, qui sáu căn về Chân tâm. Mắt biết thấy là Chân tâm, tức là khi mắt nhìn cái gì, đẹp xấu không cần nghĩ, vừa thấy liền nói “mắt biết thấy là Chân tâm” thì hết nghĩ. Tai nghe tiếng nói “tai biết nghe là Chân tâm”. Thân xúc chạm nói “thân biết xúc chạm là Chân tâm”. Mũi biết ngửi mùi nói “mũi biết ngửi là Chân tâm”. Lưỡi biết nếm nói “lưỡi biết nếm là Chân tâm”. Ý biết pháp trần nói “ý biết pháp trần là Chân tâm”. Sáu căn vừa tiếp xúc với sáu trần đều kéo nó trở lại Chân tâm, không cho chạy theo sáu trần. Tu như vậy có trái với lời Phật dạy không? Nếu sáu căn thả theo sáu trần thì trầm luân sanh tử. Sáu căn biết chặn lại, trở về Chân tâm là nhân giải thoát.

Pháp tu này rất thực tế, mỗi khi chúng ta đối duyên xúc cảnh đều chặn đứng, không cho sáu căn dính mắc với sáu trần. Chận đứng bằng cách kéo về Chân tâm. Tôi gọi phương tiện này là đòn phủ đầu, không cho mấy chú vọng tưởng chạy tiếp. Nó vừa trồi lên mình nói “là Chân tâm” thì nó dừng lại. Đây là một phương tiện tu, dành luôn cho những người sơ cơ, mới bước chân vào con đường thiền.

Trong phần thứ nhất này, tôi lại chia làm hai:

1. Ba căn đầu là mắt, tai và thân, sử dụng lúc tiếp xúc bên ngoài và khi ngồi thiền. Mắt biết thấy là Chân tâm, tai biết nghe là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm. Đi, đứng, nằm, ngồi chúng ta đều tu được hết.

2. Ba căn sau là mũi, lưỡi và ý. Mũi biết ngửi mùi, lưỡi biết nếm vị, hai căn này lâu lâu mới tiếp duyên, chớ không thường xuyên. Ý biết pháp trần, căn này nằm sâu ở bên trong. Ba căn này ít đối duyên xúc cảnh, ba căn trên chúng ta sử dụng thường xuyên, nên dễ ứng dụng tu. Mắt biết thấy, tai biết nghe, thân biết xúc chạm.

Trước kia mắt biết thấy chúng ta phân biệt đẹp xấu, tai biết nghe phân biệt phải quấy, thân biết xúc chạm phân biệt cái này thích, cái kia không thích v.v… Bây giờ mắt vừa thấy, mình biết nó là Chân tâm, tai vừa nghe là Chân tâm, thân vừa xúc chạm là Chân tâm. Chúng ta có sẵn Chân tâm, nên thấy nghe xúc chạm đều biết. Cái biết đó là biết chặng đầu, thuộc về Chân tâm. Nếu để qua chặng thứ hai, thứ ba thì thuộc về vọng tưởng, vọng thức. Chúng ta chận ngay ở chặng đầu, không để cho sáu căn vướng mắc sáu trần, đó là chỗ dụng công tu hành.

Nếu khi ngồi thiền chúng ta dụng công thế nào? Khi ngồi thiền sử dụng ba căn sau nhiều. Tuy nhiên, ba căn sau không riêng có, mà có cả ba căn trước nữa. Vì mắt không tiếp xúc bên ngoài, tai không nghe, thân không xúc chạm… nên chúng ta chỉ thầm nhắc thôi. Quí vị cứ nhắc “mắt thấy sắc là Chân tâm, tai nghe tiếng là Chân tâm, thân biết xúc chạm là Chân tâm, mũi biết ngửi mùi là Chân tâm, lưỡi biết nếm vị là Chân tâm, ý biết pháp trần là Chân tâm”. Cứ lặp tới lặp lui sáu căn đều sẵn có tâm. Lặp tới lặp lui cho tới bao giờ suốt giờ ngồi thiền chỉ nhớ ròng sáu điều này, không nhớ cái gì khác. Đó là đã thuần thục.

Bước thứ nhất tôi gọi là giới. Tại sao? Vì mắt thấy sắc, tai nghe tiếng v.v… nếu không chận lại, nó chạy rong ra ngoài thì phá trai phạm giới. Bây giờ vừa thấy sắc, vừa nghe tiếng, chúng ta đã chận lại, kéo về Chân tâm, ngăn ngừa sáu căn không cho vướng mắc sáu trần. Đó là giữ giới mà không thấy giữ. Đây là tu bước thứ nhất. Khi đã thuần thục bước đầu rồi, chúng ta bước qua giai đoạn thứ hai.

Giai đoạn thứ hai, tu khi nhận ra Chân tâm. Ở trên chúng ta đã nhận ra nơi sáu căn đều sẵn có Chân tâm, đến đây không còn đi theo sáu căn để tìm Chân tâm nữa, mà nhận ra mình thật có Chân tâm. Bấy giờ có hai việc:

1. Khi nhận ra Chân tâm thì đi, đứng, nằm, ngồi đều nhẩm đi nhẩm lại câu “Chân tâm hiện tiền”. Vừa thấy cái gì, vừa nghe cái gì liền nhớ “Chân tâm hiện tiền”, trở về mình chớ không chạy theo bên ngoài.

2. Nhẩm đi nhẩm lại như vậy cho thuần thục, đến khi nào trong đầu liên tục “Chân tâm hiện tiền, Chân tâm hiện tiền”. Tuy nhiên, ở giai đoạn này chúng ta chỉ biết Chân tâm qua ngôn ngữ, qua lời nói của mình. Sự thật ta chưa thấy được Chân tâm, chưa sống được với Chân tâm. Song nhờ nhớ Chân tâm hiện tiền nên không nhớ chuyện khác. Ngồi thiền nhớ Chân tâm hiện tiền, không suy tính, không nói gì. Đó là mượn ngôn ngữ Chân tâm hiện tiền chận đứng những nghĩ tưởng, lần lần tâm yên. Chỉ nhớ Chân tâm hiện tiền tạm gọi là định. Vì tâm không chạy theo các cảnh duyên bên ngoài và vọng tưởng bên trong nên thuộc về định.

Nhớ mãi như vậy chưa phải chỗ cuối cùng, mà chúng ta cần chuyển qua giai đoạn thứ ba. Tới giai đoạn thứ ba là cay đắng nhất, bởi vì hai giai đoạn trước có thể năm tháng, bảy tháng được, chớ giai đoạn thứ ba này có thể năm năm, mười năm không biết qua được chưa? Qua được mới thể nhập Chân tâm. Chân tâm còn gọi là Phật tánh, chân lý… nhiều tên nhưng tên nào cũng qui về một cái đó thôi. Vì vậy nói Chân tâm cũng được, nói Phật tánh cũng được, nói chân lý cũng được, nhưng phải đúng nghĩa của nó.

Bây giờ làm sao thể nhập được Chân tâm? Trước hết chúng ta định nghĩa Chân tâm là gì? Chân tâm là từ gọn trong các kinh chữ Hán. Nếu hiểu một cách đơn giản thì chân là chân thật, tâm là cái biết của mình. Cái biết chân thật gọi là Chân tâm. Nhưng biết chân thật là biết làm sao? Chữ Hán nói Chân tâm là “liễu liễu thường tri”. Liễu liễu là rõ ràng, thường tri là thường biết, đọc đổi lại là thường biết rõ ràng. Cái thường biết rõ ràng là Chân tâm.

Như vậy ở đây tôi định nghĩa Chân tâm là thường biết rõ ràng. Thường biết rõ ràng mà không nghĩ cái này, nghĩ cái kia. Nên nói thường biết rõ ràng mà không niệm, tức không có vọng niệm khởi lên. Quí vị ngồi nhìn ra vườn thấy cây cối xinh tươi, đừng khởi niệm gì khác, đó là sống với Chân tâm. Vừa thấy cây cối xinh tươi liền so sánh cây này đẹp, cây kia xấu là mất Chân tâm.

Thế thì có ai không có Chân tâm? Chúng ta biết thấy, biết nghe, biết xúc chạm v.v… cái biết đầu đó là cái biết của Chân tâm, qua niệm thứ hai, thứ ba là qua vọng tưởng, vọng thức, không còn Chân tâm nữa. Chúng ta tu nên khéo dừng ở bước đầu, đừng để bị lôi qua lớp thứ hai, thứ ba. Thấy chỉ biết thấy, nghe chỉ biết nghe, không thêm bớt chi khác, vừa có thêm bớt là đã lạc qua thức rồi. Ví dụ quí vị thấy hoa là hoa, nếu thấy rồi so sánh hoa này với hoa kia tốt xấu v.v… là hết Chân tâm. Nếu cả ngày thấy hoa là hoa, người là người, cảnh là cảnh, đó là Chân tâm, đang sống trong Chân tâm. Như vậy Chân tâm tìm ở đâu? Nó sẵn nơi sáu căn, đâu cần tìm ở đâu. Chỉ biết dừng ở niệm đầu thì sống với Chân tâm, nếu đi quá niệm đầu thì mất Chân tâm. Như thấy đứa bé, chúng ta biết đây là đứa bé, nhưng thường mình có dừng ở đó không? - Không. Đứa bé này dễ thương quá! Như thế là qua niệm thứ hai thứ ba, không còn niệm ban đầu nữa. Tất cả sự vật khác cũng thế.

Người biết tu không phải nhắm mắt, bịt tai, vẫn thấy như mọi người mà tu. Còn chúng ta vừa thấy, vừa nghe liền có lộn xộn, thành ra tu hoài không có kết quả, rồi kêu trời sao tu khó quá! Khó từ đâu? Ông Thánh nào đem cái khó đến cho mình? Chính chúng ta không làm chủ được, ngay chỗ dừng mình không dừng, cứ tiếp tục phóng tâm, tất nhiên tu sẽ khó. Nếu biết dừng thì việc tu không khó.

Trên đường tu chúng ta phải nắm cho thật vững cái nào chân, cái nào không phải chân. Chân tâm là sống trở về Bản tâm, Bản tánh của mình, còn phân biệt khen chê, phải quấy, tốt xấu là đi trong trần tục. Đi sâu trong trần tục thì nhắm mắt về đâu? Thì sẽ gặp lại những người ân oán với mình mà trả đền. Như vậy trầm luân tại sáu căn, mà giải thoát cũng từ sáu căn. Đường lối này mới nghe qua thấy lạ nhưng sự thật không lạ, y theo kinh, y theo các Thiền sư mà hành, không có gì lạ hết. Nhưng muốn phân biệt rành rõ từng chặng, từng quãng, chúng tôi chia ra từng phần như vậy cho quí vị dễ thấy biết.

Chân tâm là thường biết rõ ràng mà không có niệm, không dấy lên khen chê tốt xấu… do đó cả ngày sống trong Chân tâm. Nếu cứ nhìn cái này, cái nọ sanh ra khen chê thì cả ngày sống trong thói quen của thế gian, tạo nghiệp trầm luân sanh tử. Người biết tu và người không biết tu đồng thấy một sự vật mà hai bên khác nhau. Khác nhau chỗ nào? Chỗ thế gian gọi khôn với dại. Người không phân biệt bị chê dại, người phân biệt thế này thế nọ, hay dở tốt xấu tưởng là khôn. Nhưng cái khôn đó là khôn trầm luân, còn cái khờ này là khờ giải thoát, vì vậy các Thiền sư đâu có lanh lợi.

Những kẻ lanh lợi quá chưa chắc đã làm được điều gì, chưa chắc tu được kết quả. Phải lặng lẽ, thấy biết như nhau. Một bên đuổi theo phân biệt, một bên dừng phân biệt. Thấy biết mà không khởi niệm phân biệt, đối chiếu so sánh, đó là sống với Chân tâm. Như vậy chúng ta cùng đi, cùng sinh hoạt như mọi người mà vẫn tu được, nếu không thì cứ so sánh đối chiếu, khen chê… Tôi ngồi trong thất nghe quí cô, quí thầy làm cỏ ngoài vườn, dẫn hết chuyện này tới chuyện nọ, năm trên năm dưới, rù rì rủ rỉ hoài, tôi thấy tội nghiệp quá. Sao mà dừng không được! Làm cỏ thì cứ làm cỏ, chuyện năm trên năm dưới bỏ qua đi, vậy mà có ai chịu đâu. Làm thinh lại buồn. Có gì đâu mà buồn, mình cứ lo nhổ cỏ.

Trên phương diện tu hành chúng ta khéo một chút thì dễ tu, ngược lại không khéo trường hợp nào cũng khó tu. Quí vị thấy khi kể chuyện đời xưa toàn khen chê. Khen người này hay, chê người kia dở, kể hoài kể hoài không hết, nhưng rốt cuộc được cái gì? Hay của người ta mà dở cũng của người ta. Thực tế của mình bây giờ không lo, cứ lo chuyện thiên hạ! Đó là khuyết điểm giới tu sĩ đang có, tôi nhắc cho quí vị nhớ.

Chữ thường biết rõ ràng, ý nghĩa ra sao? Thường là mãi mãi, lúc nào cũng biết, chớ không phải như cái suy nghĩ khi có khi không. Cái biết của suy nghĩ, cái biết của phân biệt khi có khi không, còn cái biết của Chân tâm liên tục, từ thủy tới chung không bao giờ gián đoạn. Chúng ta bây giờ, biết do suy nghĩ tính toán, cái biết đó nằm trong sanh diệt. Quí vị vừa khởi nghĩ tốt xấu, hơn thua, khi buông ra hỏi cái nghĩ lúc nãy đâu, tìm không biết nó ở đâu. Cứ một lát lại phát nghĩ tứ tung. Khi khởi không biết nó ở đâu, khi dừng cũng không biết ở đâu. Như thế nó thật hay giả? Khởi lên thì có, buông đi không biết ở đâu, kiếm không ra, làm sao thật được.

Còn Chân tâm ở sáu căn có lúc nào thiếu không? Lỗ tai cứ nghe, con mắt cứ thấy, thân biết xúc chạm, động tới chỗ nào không biết? Ngủ động tới cũng biết. Một cái thường biết, một cái biết sanh diệt, vậy cái biết nào chân, cái biết nào vọng? Chúng ta kiểm lại xem mình đang sống với cái biết nào? Chắc cả khối vọng tưởng, hết nghĩ cái này đến nghĩ cái kia, hết khen người này đến chê người nọ. Cứ thế cả ngày từ sớm đến chiều. Người nào khen chê nhiều thì nói chuyện nghe say mê.

Ở đây chúng ta chỉ biết cái gì sẵn nơi mình, vì có sẵn nên lúc nào cũng biết. Tất nhiên khi ngủ, con mắt nhắm nhưng giả sử ai mở đèn mình cũng biết. Lỗ tai khi ngủ không nghe, nhưng có người đến gõ cộp cộp mình cũng nghe. Nó sẵn sàng, không thiếu nên thường biết. Chữ thường biết là như vậy, chớ không phải thường biết chỗ khác. Ngay nơi sáu căn lúc nào cũng biết, đó gọi là thường biết. Biết thế nào? Biết một cách rõ ràng.

Chữ rõ ràng này tôi cần nói cho quí vị hiểu rõ. Rõ ràng là ngay nơi hiện tại. Như khi chúng ta nhớ những chuyện cũ, đó là cái biết ôn lại từ quá khứ. Hoặc ta tính toán những chuyện tương lai, đó là cái biết ở vị lai do mình suy tưởng. Ôn quá khứ rồi suy tưởng vị lai, cái biết đó thuộc gì? Thuộc vọng tưởng hay vọng niệm. Còn cái biết thấy thì biết, nghe thì biết, không nghĩ tưởng, không suy tính, đó là cái biết Chân tâm.

Nơi mình cái biết Chân tâm sẵn sàng, đầy đủ ở sáu căn mà chúng ta không thèm nhớ, lại nhớ cái biết sanh diệt lộn xộn, rồi buồn, thương, giận, ghét… không yên, còn nói tu khó quá! Cái thật không nương tu, cứ ôm cái giả không khó sao được, tu muôn kiếp cũng không thành Phật được. Cái thật nhớ chỉ nửa phần trăm thôi, còn cái giả ôm ấp từ sớm tới chiều, cho tới ngủ cũng còn vọng tưởng, mộng mị đủ thứ hết. Người thật tu chỉ sống với cái thật thôi. Vì vậy họ hơi khờ khờ, ít nói, không lanh lợi. Bởi họ nhớ chuyện của họ, chớ đâu nhớ chuyện của ai. Ngược lại, người ít tu thì lanh lợi lắm, ngồi lại tía lia hết chuyện này đến chuyện nọ.

Người biết tu thích sống với cái thật của chính mình. Trong nội tâm, tôi tạm chia có hai phần: tâm sanh diệt và tâm không sanh diệt. Tâm sanh diệt là tâm vọng tưởng nổi lên hụp xuống liên tục không dừng. Tâm không sanh diệt là cái thường biết rõ ràng ở sáu căn. Chúng ta phải sống với cái nào? Ai cũng quen sống với tâm sanh diệt. Tâm không sanh diệt thì không bị luân hồi, còn tâm sanh diệt theo các thứ buồn thương giận ghét, tạo thành nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử.

Biết rõ hai thứ như vậy mà không nhận, không sống với Chân tâm, đó là người đáng thương. Có mà không dùng nên Phật nói chúng sanh mê muội đáng thương! Phật thương là thương mê muội, không phải thương nghèo đói. Chúng sanh cứ sống với cái hư dối rồi hơn thua, phải quấy cả ngày, không bao giờ dừng. Cuối cùng than khổ, than khó, than cuộc đời đủ thứ chuyện. Cuộc đời đủ thứ chuyện, nhưng chuyện của người ta, chớ có phải chuyện của mình đâu mà xen vào, rồi than!

Người biết tu, giả sử ai nói thẳng vô mặt “anh hay chị xấu quá”, mình không xấu mình biết là được, chớ chạy theo bên ngoài rồi đua với nhau, tranh hơn thua chỉ khổ thôi. Cho nên tu cả ngàn, hai ba ngàn người nhưng kiểm lại, người đạt được đạo lý chỉ trên đầu ngón tay. Đa số tu gieo duyên thôi, không chịu hết sanh tử. Sanh tử do mình, không phải ai tạo, mình không chịu dừng thì làm sao hết được? Muốn dừng đâu có khó. Như ai không ưa, mắng mình “đồ ngu, cả ngày lừ đừ”, mình cười nói “ừ ngu cũng được”. Ngu mà hết sanh tử càng tốt, người khôn nhưng đi trong luân hồi thì ai hơn? Vừa nghe nói ngu liền muốn cự lại, để giành nhau đi trong sanh tử. Như vậy ai khôn, ai ngu? Chúng ta ở đời cứ bị lệ thuộc người khác. Ai vừa chọc tức liền nổi ầm ầm lên, chê người ta xấu mình cũng không tốt gì. Cho nên phải làm sao giữa người tu và người không tu khác nhau.

Chúng ta nhớ lại sự tích các vị Tổ, các vị Bồ-tát hồi xưa, có vị nào tu một đời thành Phật đâu, phải trải qua nhiều đời. Có vị nào trong khi tu mà đánh lộn với nhau không? Bây giờ ở chùa thỉnh thoảng có không? Không đánh cũng mắng thầm, nói lén, không bao giờ yên hết. Vì vậy chúng ta phải xét lại sự tu của mình. Tu là sống trở về Chân tâm, cái thường biết rõ ràng. Quá khứ thuộc về niệm, vị lai thuộc về tưởng. Tưởng nhớ quá khứ, vị lai đó là vọng niệm. Người tu biết niệm vọng tưởng phải bỏ. Ở đây dùng chữ không niệm là không ôm quá khứ, không suy tính vị lai, chỉ sống ngay hiện tại cho nên rõ ràng thường biết. Như vậy mới gọi là không niệm.

Chúng ta ngồi yên mà nói loạn tưởng là loạn tưởng cái gì? Hoặc nhớ quá khứ, hoặc tưởng vị lai. Đó gọi là vọng niệm. Bây giờ không chạy theo niệm quá khứ, vị lai, chỉ sống với cái hiện tại, như vậy có định không? Tỉnh táo mà không nhớ, không nghĩ chuyện gì xa xôi, cứ ngay trong hiện tại mà sống, đó là đang định, đang sống với Chân tâm. Chân tâm không thiếu, không vắng mặt lúc nào hết. Vậy nhưng chúng ta bỏ Chân tâm hay Chân tâm bỏ chúng ta? Chân tâm sờ sờ ở đó mà cứ chạy kiếm cái khác, không chịu sống cho thực tế với cái đang có. Vì vậy tôi khuyên quí vị tu phải nhớ Chân tâm của mình.

Chân tâm thì không có niệm. Tại sao? Không nhớ quá khứ, không tưởng vị lai nên không có niệm. Chỉ sống thực tế ngay hiện tại thôi. Tới giai đoạn này là thể nhập Chân tâm. Ban đầu chúng ta phải biết rõ Chân tâm là gì. Kế nói Chân tâm là không niệm, dứt khoát sống với Chân tâm là không cho niệm khởi. Vì niệm khởi thuộc quá khứ, vị lai, chỉ sống ngay trong hiện tại là sống với Chân tâm.

Tập mãi cho đến khi thuần thục, chỉ còn hai chữ không niệm. Chúng ta tu không phải dùng ngôn ngữ nói hoài. Ban đầu nói để thâm nhập, khi thâm nhập rồi thì buông ngôn ngữ, chỉ sống không niệm. Không nghĩ quá khứ, không tưởng vị lai, sống hiện tiền, nhẹ nhàng, thảnh thơi làm sao. Hiện tại như thế nào biết như thế ấy, đó là sống với Chân tâm. Chân tâm là biết rõ ràng, mà chỉ có hiện tại mới rõ ràng. Ngồi đây thấy người, thấy vật rõ ràng, nghe tiếng động rõ ràng, không có niệm thuộc về quá khứ hoặc tưởng tượng vị lai. Người sống như thế là hết vọng tưởng.

Ở đây không có gì để đè, để dằn vọng tưởng, mà phải thấy như thật. Vọng tưởng là niệm của quá khứ, quá khứ đã qua đâu còn, tưởng vị lai nhưng vị lai chưa đến nên đâu có. Như chúng ta tưởng mai mình tới thăm huynh đó, sẽ nói gì với huynh, nhưng tới nơi người ta không có ở nhà. Tính chi trước, mất công vậy? Tới đó gặp nhau nói gì thì nói, tính trong đầu tùm lum, sự thật không đúng như vậy. Chúng ta phải hiểu, đừng phí thời gian vô ích, phải sống ngay trong hiện tại. Đó là sống với Chân tâm.

Người biết tu không phải giờ ngồi thiền mới tu, không phải đi kinh hành mới tu mà lúc nào cũng tu hết. Ngồi nhìn sự vật không có niệm quá khứ, vị lai. Ngồi không có chuyện gì hết thấy thảnh thơi, cười thôi. Còn chúng ta nhớ chuyện quá khứ ai mắng mình, mặt mày méo xẹo, khổ chuyện năm trên năm dưới, sao không sống ngay bây giờ?

Rút gọn lại Chân tâm là không niệm. Nhiều khi đi kinh hành vừa nhớ chuyện gì tôi liền nói Chân tâm là không niệm, có niệm thì không được rồi. Cứ thấy đường thì đi, đi tự tại, không cho mấy chú đó chen vô. Như vậy chúng ta tu trong mọi hành động đều dễ dàng, chớ không khó. Tập mãi cho đến khi thuần thục, chỉ còn hai chữ “không niệm”. Đi đâu cũng nhớ không niệm.

Nhưng còn hai chữ “không niệm” cũng là còn từ ngữ, chưa phải cái thật không niệm. Cho nên tới giai đoạn cuối cùng buông luôn hai chữ “không niệm” thì tâm thênh thang và còn mãi. Hai chữ “không niệm” không nhớ nữa, tâm không có mảy may gì khác. Thảnh thơi, nhàn hạ, không có một niệm dấy khởi, lúc đó tâm mình ở đâu? Bao lớn? Mở mắt ra thấy Chân tâm rồi. Chân tâm luôn hiện tiền, trùm khắp, không thiếu vắng lúc nào hết, mà tại mình bỏ quên. Vừa thấy khởi phân biệt tốt xấu, vừa nghe khởi phân biệt khen chê, do đó Chân tâm bị bỏ quên.

Bây giờ mình thấy cứ thấy, không khởi phân biệt, nghe cứ nghe, không thèm nói hơn thua, như vậy là đang sống trong Chân tâm. Đi đâu, nằm ngồi cứ thế ấy thì sống được với Chân tâm. Còn ngồi thiền nhìn xuống lim dim mà nhớ chuyện năm ngoái, năm kia thì thiền hay vọng tưởng? Ở ngoài nhớ ít, vô ngồi thiền nhớ càng nhiều nữa. Nhớ chuyện này chưa rồi nhớ chuyện khác, nói tu mà không có kết quả đúng như thật.

Chúng ta phải biết tu là sống trở về với Chân tâm của mình. Lối tu này không sợ lạc, vì đâu có đi kiếm gì mà lạc. Bỏ điên đảo vọng tưởng sống với cái chân thật của mình, được nhiều hoặc ít vậy thôi chớ không lạc. Đó là điểm thứ nhất. Thứ hai mình không tưởng tượng gì hết, chỉ buông những gì vô lý, sống với Chân tâm của mình. Người tu cứ tưởng thế này thế nọ dễ phát điên lắm.

Tôi khi trước cũng bị lầm, ngồi thiền kềm cho hết vọng niệm, nghĩ như vậy là định. Nhưng đó là bệnh, có khi mất ngủ, có khi đau đầu. Bây giờ tôi ngồi thiền như ngồi chơi vậy thôi. Hiện tại mình đang sống trong Chân tâm, mắt thấy tai nghe trong Chân tâm, ngồi như bình thường rất khỏe. Chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi trong hiện trạng bình thường, không cần nhắc mà tâm cũng an nhiên. Đó là tu sâu.

Tôi thường ví dụ, như có người nói “anh nói chuyện thấy ghét quá, tát tai anh cho coi”, nhưng người ta không tát thì có thành đánh không? Nói tát tai không phải là đánh, chừng nào cái tay của họ đụng mặt mình mới là đánh, còn nói trên miệng thôi chưa phải đánh. Cũng thế, chúng ta nói không niệm nhưng chưa thật không niệm, chừng nào buông hai chữ “không niệm”, tâm mình vẫn thản nhiên tự tại mới thật là không niệm.

Chúng ta đi từng bước, từ có hình thức, lần lần có ngôn ngữ, đến buông hình thức, buông ngôn ngữ. Khi ấy mới sống thật trở về Chân tâm. Sống được vậy ngày mai ra đi không sợ luân hồi. Luân hồi do niệm, niệm tạo nghiệp thương ghét dẫn chúng ta đi trong luân hồi. Bây giờ hết niệm thì ai dẫn đi? Cho nên Thiền tông nói giải thoát sanh tử ngay trong kiếp này, nếu mình sạch hết niệm, vô niệm thì ra khỏi sanh tử. Còn cứ niệm hoài thì còn sanh tử. Con đường tắt của Thiền là ở chỗ đó, nên gọi “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, nghĩa là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật.

Đường lối tu này không phải tự ý tôi đặt ra, mà đã có sẵn trong kinh Phật, các Thiền sư xưa nay đã từng nói. Tôi sẽ dẫn kinh cho quí vị thấy.

Phật nói kinh Kim Cang, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn giảng cho Lục Tổ nghe đến đoạn: “Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật ngôn: Hi hữu Thế Tôn, Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ-tát, thiện phó chúc chư Bồ-tát. Thế Tôn! Thiện nam tử, thiện nữ nhân phát A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề tâm, vân hà ưng trụ, vân hà hàng phục kỳ tâm? Phật cáo Tu-bồ-đề: Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm, bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Nghĩa là Trưởng lão Tu-bồ-đề bạch Phật rằng: Thế Tôn! Rất ít có, đức Như Lai khéo hộ niệm các vị Bồ-tát, khéo phó chúc các vị Bồ-tát. Bạch Thế Tôn! Người thiện nam, người thiện nữ phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác nên làm sao trụ, làm sao hàng phục tâm kia? Phật bảo: Tu-bồ-đề! Các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia.

Phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là cầu giác ngộ thành Phật. Làm sao an trụ được tâm đó? Ở đây Phật bảo: Chư Bồ-tát ma-ha-tát (tức là Bồ-tát lớn) không nên trụ nơi sắc mà sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy muốn thành Phật, chúng ta đừng vướng mắc với sáu trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Tại sao không vướng mắc? Vì sáu trần không thật. Nếu chúng ta đeo đẳng cái không thật làm sao giác ngộ được.

Giai đoạn trước tôi dạy quí vị tu phải thấy các pháp huyễn hóa, là không, ngồi thiền mới yên định. Tâm yên định lần lần vọng tưởng lặng, Chân tâm hiện tiền. Tôi nói như vậy, tu như vậy và khuyên quí vị tu như vậy. Song có một điều khó xử là cái nhà, cái cây, tất cả những gì có hình tướng, nói không đâu được. Như ngôi chùa hiện giờ, chỗ này trước kia không có, do chúng ta dẹp trống cây cối, từ từ xây dựng lên ngôi chùa. Ngôi chùa có nhưng từ cái không tạo thành có, vậy cái có đó thật hay giả? - Giả. Nhưng ngôi chùa hiện diện đây, nói giả người ta không chịu. Hơn nữa mình nói ngôi chùa không thật, nhưng ai đến đập phá mình chịu không? Họ nói không thật, tôi đập có gì tiếc? Vậy là mình mắc kẹt. Nói nó không, mắc kẹt đủ thứ hết. Nói thân này không, giả, vậy đói bụng có kêu rên không? Giả mà kêu rên gì? Chúng ta cũng mắc kẹt. Nói thân không mà phải ăn uống. Thành ra người ta đặt nhiều vấn đề khiến mình bị kẹt.

Bây giờ chúng ta đi thẳng vô có. Anh có Chân tâm, chị có Chân tâm v.v… Ai cũng có Chân tâm thì mọi người yên lòng, đâu ai thua ai. Song Chân tâm là gì, ở đâu? Đó là một vấn đề. Như tôi đã nói rõ Chân tâm là cái thường biết rõ ràng mà không vọng tưởng, không niệm khởi. Nó ở đâu? Ở khắp sáu căn, chỗ nào cũng có Chân tâm. Ví dụ bất thần con muỗi cắn vào mặt, chúng ta đâu cần suy nghĩ, nghe cắn biết liền. Có suy nghĩ là tâm vọng tưởng, không suy nghĩ mà đụng tới biết liền, đó là gì? Là cái bàng bạc của Chân tâm. Từ đầu tới chân lúc nào nó cũng hiện hữu. Tuy chúng ta không thấy nhưng đụng việc có cảm giác rõ ràng.

Chúng ta có Chân tâm là cái biết thường xuyên nhưng không màng tới, cứ chạy theo cái biết lăng xăng lộn xộn. Cứ suy nghĩ chuyện đâu đâu không dính dáng gì, suy nghĩ chuyện đời sau đời trước lung tung, không thực tế còn cái biết thực tế lại bỏ quên. Tu thiền là sống trở lại Tâm chân thật của chính mình, lúc nào cũng hiện hữu. Trở lại cái đó mới biết con người chân thật không sanh không diệt. Hiện tại sống được với Chân tâm không sanh diệt thì khi thân này hoại sẽ tùy duyên, hoặc là đi trong lục đạo hoặc là giải thoát ra khỏi lục đạo, tùy theo nguyện của mình.

Hiện tại chúng ta đang tu, Phật dạy tu bất cứ pháp môn nào cũng đều đi đến chỗ nhất tâm bất loạn. Như người tu Tịnh độ, Phật dạy niệm Phật tới nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là sao? Là chỉ còn cái biết chân thật mà không có niệm nào. Chúng ta tu Thiền cũng định. Định cái gì? Định tâm lăng xăng. Khi tâm lăng xăng dừng, mình biết không? Tâm lăng xăng dừng chớ cái biết vẫn hiện tiền. Dừng tất cả tâm sanh diệt, hư dối để sống lại Tâm chân thật của chính mình. Đó là đường lối tu cụ thể, thực tế chớ không phải mơ màng.

Rất tiếc con người cứ đuổi theo cái hư giả, nghĩ đông nghĩ tây cho là tâm mình. Cái hư giả đó tạo nghiệp, dẫn mình đi trong sanh tử luân hồi. Nếu trở về Tâm chân thật thì không bị chi phối bởi nghiệp, vì tâm đó làm gì có nghiệp. Như tôi đã nói buông luôn hai chữ “không niệm”, tâm lặng yên không còn một niệm dấy lên mới thật không nghĩ. Còn chỉ nói “không niệm” trên miệng, hài lòng như vậy là yên ổn rồi thì không được. Bởi vì nói “không niệm” là dụng của ngôn ngữ, chưa phải qua cái chân thật. Tới phút chót không còn một niệm nào, lời nói “không niệm” cũng không, tâm tự an nhiên, không một niệm dấy khởi. Không có một niệm dấy khởi, khi ấy chết đi đâu?

Thường thường nhà Phật nói chết đi theo nghiệp. Nghiệp do ý niệm lăng xăng gây tạo thích cái này, ưa cái kia nên chết đi theo cái ưa thích đó. Bây giờ không có một niệm gì thì đi đâu, theo ai? Không có một niệm thì tâm thênh thang còn mãi. Tâm thênh thang là sao? Tâm không có một niệm thì không có tướng, không có một niệm thì không có động. Không tướng, không động thì đồng với thể hư không. Đồng thể hư không thì tâm đồng với hư không, hòa nhập được với hư không, đó là Pháp thân. Cho nên biết tâm hòa nhập được với hư không là Pháp thân. Pháp thân thì bất diệt cho nên còn mãi, không có sanh tử nữa, giải thoát sanh tử.

Như vậy muốn đi đến giải thoát sanh tử, phải là Tâm chân thật, buông hết niệm sanh diệt. Không còn một niệm thì đâu có nghiệp nào dẫn mình được, mà không còn một niệm thì tâm đồng thể với hư không. Đồng thể với hư không thì bất sanh bất diệt, còn mãi. Không chết, không sanh trở lại đó là giải thoát sanh tử. Chúng ta tu giải thoát là như vậy. Ngay trong đời này buông hết không còn một niệm, chỉ còn cái thường biết rõ ràng. Tới lui qua lại mà không có niệm nghĩ thì nhắm mắt tâm đồng với hư không. Đó là thể nhập Pháp thân. Khi đó nếu có sanh tử lại, được gọi là Ứng thân, Hóa thân để độ chúng sanh, độ những người có duyên, chớ Pháp thân không có sanh tử.

Trong nhà thiền nhất là Thiền tông, lấy vô niệm làm tông, nhưng chỗ cuối cùng không còn một niệm. Chỗ không còn một niệm đó là tông chỉ của nhà Thiền. Như vậy ngay trong đời này chúng ta có thể giải thoát sanh tử. Các Thiền sư hay nói người không khéo tu phải trải qua ba vô số kiếp mới thành Phật. Quí vị có ngán không? Một kiếp này còn thấy dài, huống là ba vô số kiếp! Nhưng tu theo lối này là trực chỉ. Nếu nhận ra ngay kiếp này, hết niệm đi tới chỗ tâm đồng hư không thì mình thể nhập Pháp thân, rồi tùy duyên có Ứng thân Hoá thân. Như vậy ngay kiếp này mình có thể tu giải thoát sanh tử chớ không phải xa. Vì vậy Thiền tông là con đường tắt gần nhất để đi đến giải thoát sanh tử.

Lâu nay chúng ta chịu tu sơ sơ thôi. Vô chùa ăn chay trường, tụng kinh gõ mõ ngày đêm hai thời thấy được rồi. Như vậy thì tâm sanh diệt đâu có dừng cho nên sanh tử cũng không hết. Chúng ta tu thì phải đi tới chỗ giải thoát, mà muốn giải thoát thì phải thực hiện từ cạn tới sâu.

Sống được với Chân tâm không còn niệm nào, chừng đó chúng ta mới thấy tâm thênh thang. Ngày xưa tôi cũng ngờ, không biết tâm mình ở đâu? Cứ nghĩ trong đầu, trong ngực mới là tâm mình, còn nói tâm trùm khắp làm sao tưởng tượng nổi? Nhưng bây giờ tôi thấy được tâm mình thênh thang khắp bầu trời. Tại sao? Chúng ta đặt câu hỏi lại “tâm là cái gì”. Tâm là cái biết. Như quí vị nhìn lên bầu trời, không chú ý vào một vật gì hết, thấy bầu trời lớn, nhỏ? Bầu trời thênh thang. Nếu nhìn lên đó, mình chú ý vào đàn chim bay hay cụm mây thì tâm bao lớn? Nó gom lại chỗ cụm mây hay đàn chim, nên bằng bấy nhiêu thôi. Cái biết tới đâu thì tâm mình tới đó, vì tâm là cái biết.

Một hôm, Mã Tổ đi với Bá Trượng, thấy bầy chim bay qua, Ngài hỏi:

- Cái gì đó?

- Bầy chim le le bay.

- Bay đi đâu?

- Bay qua mất.

Ngài nắm lỗ mũi Bá Trượng vặn một cái. Bá Trượng đau quá la thất thanh. Mã Tổ bảo:

- Sao không nói bay mất đi?

Ngay câu đó Bá Trượng ngộ liền. Ngộ được cái “không bay mất đi”. Chim bay nhưng cái thấy của mình không có bay, nó vẫn nguyên vẹn. Như kinh Lăng Nghiêm Phật đưa tay lên hỏi ngài A-nan:

- Có thấy không?

- Dạ thấy.

Phật để xuống hỏi:

- Thấy không?

- Dạ không thấy.

Phật quở. Đưa lên thì thấy, để xuống bộ mù sao không thấy? Cái tay ở ngoài có đưa lên để xuống, cái thấy lúc nào cũng thấy. Đưa tay lên thì thấy tay đưa lên, để xuống thì thấy không có tay, chớ không phải không thấy. Thấy là biết. Chim bay qua thấy bay qua, cho nên nó bay mất phải trả lời “bây giờ chim bay mất, con thấy vẫn thấy”. Mã Tổ véo lỗ mũi, Bá Trượng mới ngộ đạo, biết rằng cái thấy của mình không bị giới hạn trước mắt hay ở chỗ có hình tướng, mà nó trùm khắp.

Quí vị khi nào ra biển đứng trên bãi nhìn biển khơi. Khi ta thấy chiếc tàu đánh cá, sẽ không thấy toàn mặt biển, nếu không nhìn chiếc tàu mình sẽ thấy toàn mặt biển. Để biết rằng tâm chúng ta bàng bạc, nhưng khi dấy niệm, chú ý vào niệm thì mất cái bàng bạc, cái thênh thang của tâm. Vì vậy Phật bảo phải dứt hết, đừng cho dính niệm nào. Không dính niệm nào giống như nhìn ra biển, không chú ý vào chiếc tàu, mình thấy cả mặt biển. Nhìn lên bầu trời không chú ý vào cụm mây, đàn chim, mình thấy cả bầu trời. Thấy tới đâu thì tâm tới đó. Vì thấy là biết, biết là tâm.

Như vậy cần gì khổ hạnh lắm mới thấy được Chân tâm hiện tiền. Chỉ vì chúng ta cố chấp sai lầm nên bỏ quên. Bây giờ mình nhìn cây cỏ, sự vật chung quanh, nhìn thì nhìn nhưng không đặt vào một sự vật nào hết, tâm có kẹt không? Đi hoài nhưng ai hỏi “có thấy gì không”, trả lời “không”. Nếu biết rõ thì sự tu nhẹ nhàng, thanh thoát. Ngược lại, không biết rõ thì đi đâu cũng chăm chăm nhìn xuống đất, để kềm cho cái đầu mình không nghĩ gì, nhìn như vậy có khi bị nhức đầu. Đằng này ta nhìn trời, nhìn đất, nhìn đâu cũng được hết, không cần phân biệt. Thấy là thấy thôi.

Tôi hỏi mấy chú Thị giả: Người đi kinh hành ngó xuống chăm chăm và người đi kinh hành ngó trời ngó mây chơi, hai người đó tu thế nào? Người ngó chăm chăm xuống đất là đang có vấn đề để theo dõi, nên không dám ngó chỗ khác, sợ xao lãng. Còn người ngó trời, ngó mây mà không dính, có gì đâu sợ xao lãng? Người đi kinh hành ngó xuống là tu theo pháp Nhị thừa. Đi phải chăm chăm ngó xuống hoặc nhớ chân đang giở lên để xuống, nhớ theo từng nhịp của chân, cột tâm ở dưới chân. Người tu ngó trời ngó mây mà không cột cái gì hết là tu theo Thiền tông. Hai lối tu khác nhau nhưng quan trọng cốt sống được với cái thật của chính mình.

Tâm là cái biết trùm khắp sáu căn. Căn nào cũng biết. Mắt biết, tai biết, mũi biết, lưỡi biết, thân biết, ý biết. Tâm trùm khắp chớ không phải ở trên đầu, trên trán, nhưng chúng ta hay bóp đầu bóp trán suy nghĩ. Suy nghĩ như dòng điện chạy, lăng xăng một hồi rồi tắt, không có thật. Chúng ta cho đó là tâm, bỏ quên cái bàng bạc trùm khắp. Chừng nào nhận được tâm bàng bạc, không có hình tướng là thấy đường lối tu của Thiền tông rõ ràng.

Thiền tông là đi thẳng, đi thẳng như vậy nên không có gì ràng buộc. Các Thiền sư tự do ghê lắm. Đi chơi tự tại, thảnh thơi nhưng không động niệm, không kềm chế. Người tu kềm chế mới nhìn thấy nghiêm chỉnh, nhưng buông ra dễ bị xao động.

Ở đây giai đoạn cuối là vô niệm, tức không có một niệm nghĩ suy nào. Lúc đó nhắm mắt chúng ta sẽ đi tới chỗ tâm thênh thang. Ngang đây không còn sanh tử nữa vì không còn nghiệp dẫn. Nghiệp dẫn khi tâm sanh diệt còn, tâm sanh diệt không còn thì không có nghiệp nào dẫn được. Cho nên vô niệm là giai đoạn cuối cùng để đi đến giải thoát sanh tử. Quí vị chịu vô niệm không? Không nghĩ gì sợ ngu rồi cứ nghĩ, nghĩ nhiều, khôn ngoan lanh lợi để tạo nghiệp đi trong sanh tử. Người tu đi tới chỗ vô niệm giống như ngây như ngu vậy, không nhạy bén như người tính toán việc này việc nọ. Tôi nhớ bài kệ của ngài Phước Hậu ngoài Bắc:

Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Đến nay tưởng lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ như.

Bây giờ tôi quên gần hết rồi, ai không gặp tôi quên tên. Có dám quên hết mới thành tựu, chúng ta cứ nhớ người này, người kia, lanh lợi quá thì không thành cái gì cả. Càng lanh lợi càng đi sâu trong sanh tử. Người xưa đã sống như vậy, chúng ta bây giờ biết rồi cũng sống như vậy, không cần nghĩ suy, không cần nhớ tưởng ai hết. Cứ biết tâm mình thênh thang, không có gì phải nghĩ suy, tất cả đều là vọng tưởng điên đảo.

Tu phải ngơ ngơ ngáo ngáo một thời gian mới được, khôn lanh quá không được. Những vị tu mà lanh lợi quá tôi lo lắm, không biết ngày mai đi đâu? Nếu thật tình tu thì buông hết tất cả nghiệp duyên, ngơ ngơ ngáo ngáo mới được. Ngơ ngáo mà không phải ngơ ngáo của kẻ điên khùng. Ngơ ngáo mà sống với cái chân thật, không màng những việc lăng xăng chung quanh. Cái chân thật đang hiện tiền, ở ngay nơi mình, chúng ta bỏ nó sống với vọng tưởng lăng xăng thì đáng thương. Phật nói chúng sanh có của báu để trong túi mà đi ăn mày. Của báu sẵn trong túi nhưng không quan tâm tới, chỉ nhớ cái lăng xăng lộn xộn thành ra mất mình, phải đi ăn mày khổ sở.

Người hiểu được lý thiền, ứng dụng tu lúc nào cũng trở về chính mình. Như ngài Trần Nhân Tông nói “gia trung hữu bảo hưu tầm mích”, nghĩa là trong nhà có báu, đừng tìm kiếm ở đâu hết. Biết trở lại cái thật của mình là của báu, hết sanh tử. Như vậy đường lối tu này đưa chúng ta tới không còn sanh tử nữa. Cái không còn sanh tử, không phải ai làm giùm chúng ta được, chính mình phải buông xả những niệm sanh diệt thì sanh tử theo đó hết. Từ sáng đến chiều đi đứng mà không có niệm. Nhiều vị Thiền sư tới giờ ăn phải mời ăn, tới giờ ngủ có khi quên ngủ, lừng khừng coi như khờ khạo. Nhưng mà chính đó là tới giai đoạn không còn bị niệm sanh diệt lôi kéo. Trong tâm mình động, lúc ngồi thiền bỗng dưng nhớ chuyện quá khứ hay tính chuyện vị lai, đó là dấy niệm. Bây giờ không nhớ quá khứ, không nghĩ vị lai là vô niệm. Vô niệm không phải là không biết.

Kinh Kim Cang Phật dạy, khi chúng ta không chạy theo sáu trần mới thấy mình có Tự tánh thanh tịnh, có tánh không sanh diệt, có tánh rất đầy đủ, có tánh không dao động, có tánh hay sanh muôn pháp. Cho nên học kinh Kim Cang Lục Tổ thốt lên những lời “đâu ngờ Tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ Tự tánh vốn không sanh diệt, đâu ngờ Tự tánh vốn tự đầy đủ, đâu ngờ Tự tánh vốn không dao động, đâu ngờ Tự tánh hay sanh muôn pháp”. Chúng ta có sẵn những điều đó mà lâu nay không biết, không ngờ.

Khi buông hết không vướng mắc với sáu trần, lúc đó mình bước vào chỗ vô sanh hay tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bước vào Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác là có hay không? Là có, nên Lục Tổ nói không ngờ mình có tâm thanh tịnh, không ngờ mình có tâm không sanh diệt, cho đến không ngờ mình có tâm hay sanh muôn pháp.

Như vậy từ kinh Bát-nhã cho đến kinh Kim Cang đều nói không. Không là không sáu trần để đi đến tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Còn ở đây tôi hướng dẫn quí vị đi từ cái gì? Nói có Chân tâm, là đi từ cái có cho tới cuối cùng không còn một niệm, để sống bằng Chân tâm. Như vậy cái có này là có Chân tâm, còn cái không kia là không sáu trần. Không sáu trần mà được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tức là Chân tâm. Mới nghe dường như khác nhưng sự thật không khác.

Hai hướng đi. Một bên dẹp sáu trần, nói không thật để không vướng mắc, lúc đó mới trở về tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Một bên đi từ cái có không sanh không diệt, nói thẳng có Chân tâm. Chúng ta có sẵn cái không sanh không diệt, bây giờ đừng chạy theo cái sanh diệt hư dối nữa, để sống với cái không sanh không diệt của mình. Nó có từ buổi ban đầu chớ không phải tới lúc cuối mới có.

Chúng ta đều có Chân tâm nhưng bỏ quên, chạy theo tướng vọng tưởng sanh diệt. Bây giờ muốn nhớ thì thấy cũng nói Chân tâm, nghe cũng nói Chân tâm, giờ phút nào cũng nói tới Chân tâm. Nhớ tới Chân tâm, nhưng chưa thể nhập được Chân tâm thì khi chết đi đâu? Dù chưa thể nhập được nhưng nhờ nhớ, chết rồi cũng trở lên tiếp tục làm việc đó. Còn người không biết Chân tâm, cứ tu vậy thôi, khi chết sẽ theo nghiệp thọ sanh, không có mục đích ra khỏi sanh tử.

Những năm về trước, tôi dạy quí vị thấy vọng tưởng buông bỏ hoặc quán các pháp duyên hợp như huyễn, không thật. Tu như thế thật ra là bỏ ngọn mà chưa bỏ gốc. Biết nó không thật chúng ta bỏ, nhưng rồi cái gì cũng nói thật. Chiếc thuyền thật, cái nhà thật, chiếc xe thật… nếu nói xe không thật thì đường xa lấy gì đi? Thành ra lúng túng, bây giờ chúng ta đi thẳng vào có Chân tâm. Từ đầu tới cuối, nếu người khéo nhận thì mau, còn vụng nhận thì chậm. Bám vào gốc đó, không quên mất, như vậy khỏi lạc đường. Chúng ta biết hướng đi, đời này chưa xong đời sau tiếp tục đi con đường đó nữa.

Thiền tông là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, chớ không đi quanh co. Các Thiền sư chỉ thẳng tâm mình, nhận ra Bản tánh thì tu thành Phật. Những ai đến với các ngài đều được chỉ thẳng. Hiểu cái chỉ thẳng đó mới thấy hành động của các ngài quái gở mà không phải quái gở.

Nói về chuyện thân tâm, Thiền sư Đại An ở Qui Sơn tới lễ bái Tổ Bá Trượng, hỏi:

- Thế nào là Phật?

Tổ đáp:

- Như người cỡi trâu tìm trâu.

Là ý gì? Nơi mình có Phật thì sáu căn đều có Phật. Chúng ta không quay lại tìm Phật của mình mà đi tìm Phật bên ngoài, có phải cỡi trâu tìm trâu không? Vì vậy các Thiền sư mới trổ tài đánh, hét. Chúng ta thấy Thiền sư sao dữ quá, hỏi không chịu trả lời lại đánh hét người ta. Nhưng làm như thế để chúng ta tỉnh, quay về nhận cái của mình ở ngay nơi sáu căn.

Ngài Đại An nghe thế liền biết, nên hỏi tiếp:

- Sau khi biết thì thế nào?

Đáp:

- Như người cỡi trâu về nhà.

Sư thưa:

- Chẳng biết trước sau gìn giữ thế nào?

Đáp:

- Như người chăn trâu, dòm chừng đừng để nó ăn lúa mạ của người.

Giữ cho sáu căn đừng để chạy theo những thứ lợi, hại của chúng sanh là được rồi. Đó là giữ trâu. Thiền tông là trực chỉ nhân tâm, chỉ thẳng tâm người kiến tánh thành Phật, chớ không chỉ ông Phật bên ngoài. Người thời nay lúc nào cũng muốn tìm ông Phật bên ngoài, đó là một lối kiến giải.

Ngài Đại An sau khi về ở Qui Sơn có nói với chúng:

- Cả thảy các ngươi, mỗi người có hòn ngọc lớn vô giá, từ cửa con mắt phóng quang soi sáng núi sông cây cỏ. Từ cửa lỗ tai phóng quang nhận lãnh phân biệt tất cả âm thanh lành dữ. Sáu cửa ngày đêm thường phóng quang sáng cũng gọi là phóng quang.

Tổ Lâm Tế, một hôm nói: “Các ông muốn biết Phật, Tổ chăng? Chính trước mặt các ông hiện đang nghe pháp ấy vậy.” Phật là mình, ở sẵn nơi mình nên các ngài không nói Phật Tổ bên ngoài. Như chúng ta đang nghe pháp, cái gì nghe? - Tai nghe. Nếu lỗ tai không đâu biết nghe, phải có cái gì ở trong mới biết chứ! Đó là Phật. Nên ngài Lâm Tế nói: “Sáu đường thần quang chưa từng cắt đứt, nếu hay thấy được như thế, chỉ một đời làm người vô sự.” Sáu đường thần quang tức là sáu cửa. Nếu ngay sáu cửa đó chúng ta biết rõ thì trọn đời làm người vô sự. Vô sự tức là thảnh thơi, an lạc.

Cũng Ngài Lâm Tế nói: “Đạo lưu! Tâm pháp không hình thông suốt mười phương. Ở mắt gọi thấy, ở tai gọi nghe, ở mũi gọi ngửi, ở miệng nói bàn, ở tay nắm bắt, ở chân đi chạy, vốn là một tinh minh phân làm sáu hòa hợp.”

Tổ Lâm Tế, một Thiền sư danh tiếng của Trung Hoa đã nói rõ ràng, chúng ta có cái chân thật đầy đủ nơi sáu căn. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sáu căn đó là cái sáng suốt mà chúng ta không chú ý trở về, cứ đuổi theo vọng tưởng điên đảo nên phải chịu luân hồi sanh tử.

Có tăng Qui Chơn đến hỏi đạo ngài Qui Sơn, gặp Ngưỡng Sơn. Ngưỡng Sơn hỏi:

- Sao huynh mới vô một chút liền trở về?

Qui Chơn kể lại:

- Hòa thượng (ngài Qui Sơn) hỏi tôi tên gì, tôi thưa: dạ con tên là Qui Chơn. Ngài hỏi: qui chơn ở chỗ nào, tôi đáp không được.

Ngưỡng Sơn bảo:

- Thượng tọa trở lên thưa với Hòa thượng “con nói được”. Hòa thượng hỏi thế nào thì đáp “trong mắt, trong tai, trong mũi v.v…”

Qui Chơn trở lên thưa:

- Con nói được.

Qui Sơn bảo:

- Nói xem!

- Trong mắt, trong tai v.v…

Qui Sơn bảo:

- Đây là lời của vị thiện tri thức năm trăm người, chẳng phải của ngươi.

Tổ biết Qui Chơn học lóm rồi.

Như vậy chúng ta trở về cái chân thật ở chỗ nào? Ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu đi theo cái hư dối thì cũng ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý phóng ra, chạy theo sáu trần.

Mã Tổ Đạo Nhất nói: Phàm người cầu pháp nên không có chỗ cầu, ngoài tâm không riêng có Phật. Ngoài Phật không riêng có tâm, không lấy thiện, chẳng bỏ ác, hai bên nhơ sạch đều không nương cậy, đạt tánh tội là không, mỗi niệm đều không thật. Vì không có Tự tánh nên tam giới chỉ là tâm, sum la vạn tượng đều là cái bóng của một pháp. Thấy sắc tức là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc mới có.

Như vậy mỗi thứ đều được qui về Chân tâm. Chúng ta thấy sắc nói Chân tâm, nghe tiếng nói Chân tâm, đó là giống các Thiền sư đã dạy. Việc tu của chúng ta rõ ràng có căn cứ, người xưa đã từng nói vậy. Ngoài tâm không có Phật nào khác, biết trở về tâm mình là biết trở về Phật. Các ngài luôn luôn chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, không nói Phật ở Tây phương hay ở đâu cả.

Thiền sư Bảo Thông Đại Điên nói: Nay ta vì các ngươi nói trắng ra, mỗi người phải lắng nghe nhận lấy. Chỉ từ bỏ tất cả vọng động, tưởng niệm, xét lường, tức là Chân tâm của mình. Tâm này cùng trần cảnh, khi kềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính dấp. Tức tâm là Phật, không đợi tu sửa.

Chỗ này lâu nay chúng ta hơi mắc kẹt, ngồi thiền kềm quá không cho nhúc nhích cục cựa, nhưng thật ra không phải vậy. Tâm chân thật của mình là cái biết. Thấy biết, ngang cái biết dừng, không lăng xăng là sống với Tâm chân thật, chớ ngồi kềm không cho nó lăng xăng riết đau đầu, không có kết quả. Vì vậy Ngài dạy: “Tâm này cùng trần cảnh, khi kềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính dấp. Tức tâm là Phật, không đợi tu sửa.” Sống được với Chân tâm thì thành Phật, không có gì tu sửa, cũng không nói tu ba vô số kiếp mới thành Phật.

Thiền sư Đại Mai Pháp Thường thượng đường dạy chúng: Tất cả các ngươi mỗi người đều tự xoay tâm lại tận nơi gốc, chớ theo ngọn của nó. Chỉ được gốc thì ngọn tự đến. Nếu muốn biết gốc cần rõ tâm mình. Tâm này nguyên là cội gốc tất cả pháp thế gian và xuất thế gian, tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt. Tâm chẳng tựa tất cả thiện ác mà sanh muôn pháp, vốn tự như như.

Nếu trở về tâm mình thì tâm đó là gốc, còn tất cả pháp là ngọn ngành không đáng kể. Chúng ta thường chạy theo ngọn, tưởng tượng suy tính đủ thứ, không biết trở về gốc. Từ sớm tới chiều ta tu, giả sử ngồi thiền không nổi, đi tới đi lui trong vườn hay là những con đường vắng, mắt thấy tai nghe đủ hết, không nghĩ suy, lúc đó mình sống với cái gì? Sống với Chân tâm. Chân tâm linh hoạt, không phải kềm giữ. Nó sẵn sàng, trường hợp nào cũng có, chỉ đừng quên chạy theo cảnh thì đó là Chân tâm.

Người biết tu thì rất nhẹ nhàng. Tôi nhập thất thấy như lười biếng, cứ nằm võng hoài, không ngồi thiền nhiều, ngày đêm chỉ ngồi hai thời thôi. Bởi vì trong bốn oai nghi, nếu biết tu thì đều tự tại. Ngược lại nếu kềm giữ trong một oai nghi, khi sang oai nghi khác công phu dễ lơi lỏng. Chuyện tu rõ ràng như vậy.

Chúng ta đều có Chân tâm nên không ai vô phần, nói tôi tu không được. Có Chân tâm thì ai cũng có quyền trở về Chân tâm của mình. Nhiều ông thầy coi tướng sơ sơ nói: “ông không có duyên tu, thôi đừng tu”, hoặc nói “ông có duyên từ kiếp trước” v.v… Đó là tưởng tượng, nói dối. Ai cũng có Chân tâm thì ai cũng có quyền tu, chỉ chưa chịu tu, chưa chịu tỉnh thôi. Đạo Phật bình đẳng, không nói hạng này tu được, hạng kia tu không được. Ai tu cũng được hết, chỉ chịu quay về.

Tu Phật không cầu xin, không mong mỏi gì ở đâu, mà chính ở sẵn nơi mình. Cái quí báu đã sẵn, chúng ta chỉ cần quay về liền đầy đủ, không tìm kiếm ở đâu, nên với Thiền sư không nói thần thông. Hồi xưa tôi dịch nhiều đoạn Ngữ lục, Thiền sư nói năng rất bạo. Bấy giờ tôi cũng thấy ngại không dám dịch, nhưng nghĩ thôi kệ quí ngài nói sao mình dịch vậy. Như Thiền sư Đức Sơn, có người hỏi:

- Thế nào là Phật?

Đáp:

- Cục cứt khô của ông già Hồ.

Chịu nổi không? Nói một câu thấy xúc phạm quá chừng. Nhưng bây giờ tôi thấy khác. Bởi vì với Thiền sư là “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, lúc nào cũng trở về mình để nhận Bản tánh Phật, chớ không chỉ ra ngoài. Như có Thiền sư khi được hỏi:

- Bạch Hòa thượng, thế nào là Phật?

Ngài cầm cây gậy đập cho một cái rồi ngồi yên, hỏi:

- Hiểu không?

- Dạ không hiểu.

- Thôi trở về đi.

Tàn nhẫn vậy đó. Không dạy một lời. Tại sao vậy? Vì chúng ta có bệnh tìm kiến giải, hiểu biết. Nếu hỏi Phật là gì, mình giải thích Phật tiếng Phạn là Buddha, Trung Hoa dịch Phật-đà… nói một vòng dài dòng họ chịu lắm. Còn Thiền sư không phải thế, tất cả đều quay về tâm mình. Phật ở nơi tâm. Hỏi Phật là gì tức tìm cái hiểu bên ngoài, nên các ngài đập cho một cái, ngồi yên. Chúng ta không biết tại sao ngài đánh, tội lỗi gì? Tìm ở ngoài là lỗi, cho nên đánh một cái rồi ngồi yên. Yên lặng là chỉ Phật của mình.

Quí vị không biết, thấy đánh một cái rồi ngồi yên, hỏi “hiểu không”, đáp “không hiểu”. Chúng ta cũng hơi xót ruột, tội nghiệp người ta hỏi một câu rất đạo lý, không giải thích mà còn đánh nữa. Chúng ta đâu biết rằng nếu giải thích thì rơi vào kiến giải. Thiền sư không bao giờ giải thích.

Thiền sư thường có ba chiêu thức. Chiêu thức thứ nhất, ai tới hỏi “thế nào là Phật”, các ngài lấy phất tử giơ lên. Học nhân nói “con không hiểu”, các ngài để xuống không nói gì thêm. Chúng ta hiểu thế nào? Đưa phất tử lên, Phật ở đó đó. Đưa lên cho thấy giống như Phật chỉ cánh tay cho A-nan vậy. Đó là chỉ ở sáu căn có Phật, nhất là ba căn ngoài mắt, tai, thân. Khi hỏi “thế nào là Phật”, đưa phất tử lên rồi để xuống, là Phật từ cửa mắt mà vào.

Chiêu thức thứ hai, có người hỏi: “thế nào giải thoát sanh tử”, các ngài hét cho một tiếng rồi thôi, không nói thêm câu nào. Chúng ta thấy khô khan, tàn nhẫn quá. Nhưng đó là chỉ cho thấy Phật từ cửa tai mà vào.

Chiêu thức thứ ba mạnh hơn một chút, khi học nhân hỏi “thế nào là Phật”, các ngài cầm gậy đập cho một cái đau điếng. Đó là chỉ cho thấy Phật từ cửa thân mà vào.

Ba căn mắt, tai và thân ở ngoài dễ xúc chạm nên các ngài thường sử dụng. Đánh để hỏi biết đau không? Đánh phải biết đau. Biết đau là có Phật ở trong rồi, không có làm sao biết đau? Cái biết đau có suy nghĩ không? Cái thấy có suy nghĩ không? Cái nghe có suy nghĩ không? Hét một tiếng suy nghĩ gì kịp, chỉ ngay nơi mắt, nơi tai, nơi thân nhận ra ông Phật sẵn có của mình. Biết đau, biết thấy, biết nghe là Chân tâm, tìm kiếm gì nữa?

Như vậy Thiền sư có tâm lão bà không? Chúng ta mới nghe thấy không chịu nổi, sao tàn nhẫn đáo để. Song nhà Thiền là trực chỉ, chỉ thẳng tâm mình để nhận ra Bản tánh thành Phật. Nói Phật thế này thế kia là cho người ta kiến giải bên ngoài, không trực chỉ nhân tâm. Hiểu như vậy đọc sách thiền chúng ta không ngỡ ngàng, nếu không mình thấy Thiền sư tàn nhẫn quá.

Tất cả người trong thế gian, ai không có Phật? Kể cả người què, người cùi đều có Phật hết, chỉ tại họ không biết thôi. Biết rồi chúng ta dám khinh ai không? Chỉ họ quay lại thì cũng như mình. Vì vậy người tu không nên có tâm ngạo mạn, phải biết ai cũng có tâm Phật, tại họ chưa quay về thôi. Tất cả chúng ta đều bình đẳng. Thế nhưng ai được làm chuyện này chuyện nọ, chức này chức nọ liền khinh người khác. Những chức tước ấy chỉ là giả danh, tạm thời, còn Chân tâm mới là cái thật của mỗi người. Chúng ta biết tu rồi phải quí trọng mọi người như quí trọng mình. Đó là người tu chân thật.

Chúng ta tu không có gì khó hết, khi không biết thì thấy khó, khi biết rất dễ. Đang thấy, đang nghe mà không có niệm gì thêm vào, đó là sống với Chân tâm. Đi, đứng, nằm, ngồi không thiếu chút nào hết. Hiểu như vậy, việc tu rất dễ, không phải ngồi thiền bảy, tám tiếng mới là thiền mà chỗ nào cũng thiền. Biết sống với Chân tâm là thiền. Đó là chỗ thật các Thiền sư đã sống. Nhiều Thiền sư không ngồi thiền, các ngài đi đây đi kia, cuốc đất, làm đủ thứ việc. Vì biết rồi ở cảnh nào cũng thiền, còn không biết dù cố ngồi thiền tâm vẫn chạy, vẫn điên đảo.

Từ đây về sau, quí vị nghe hiểu nghiên cứu kỹ để tu cho được thảnh thơi. Lâu lâu tôi gặp hỏi thăm “tu thế nào”, chớ không giảng nhiều nữa. Bây giờ quí ở thực hành, không quí ở ngôn ngữ. Thực hành được là gần với đạo, đừng nói nhiều mà không sống được thì cũng vô ích. Mong tất cả Tăng Ni, Phật tử nghe hiểu rồi ứng dụng tu. Thỉnh thoảng có gì cần lắm đến hỏi tôi, còn không thì thôi, tôi thảnh thơi, không bận bịu gì nữa. Quí vị không nên trách tôi “sao bây giờ Thầy không dạy”, dạy hoài chỉ thêm lý thuyết thôi, không tới đâu hết. Bây giờ thực hành, ai cũng phải thực hành. Tôi gặp lại chỉ hỏi: Hôm nay tu làm sao? Hiện giờ sống thế nào? Vậy thôi. Chúng ta phải tu chớ không học lý thuyết. Lý thuyết nhiều mà không tu thì cũng thành lý thuyết suông, không đưa tới đâu hết.

Đó là lời nhắc nhở của tôi.

 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Thiền tông

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 64743
  • Online: 30