Cốt tủy của Đạo Phật

23/05/2023 | Lượt xem: 978

HT.Thích Thanh Từ

Nhân mùa An cư, tôi có đôi lời nhắc nhở Tăng Ni tinh tấn tu hành để đạt kết quả tốt. Có như vậy mới mong tích lũy đầy đủ đức hạnh, xứng đáng thêm một tuổi hạ. Tuy trong số những người tu hành, có người tiến chậm, có người tiến nhanh, nhưng tôi tin rằng sự nỗ lực của tất cả quý vị đều sẽ đạt được kết quả. Cho nên, tôi đem hết những kinh nghiệm một đời tu hành của mình chỉ dạy cho tất cả cùng tu.

Ngày nay, đạo Phật có rất nhiều tông phái. Tuy vẫn tu theo lời Phật dạy, nhưng mỗi tông thực hành theo một phương pháp riêng. Vì vậy, người sơ cơ không nắm vững cốt tủy của đạo Phật, thường dễ sanh nghi ngờ, không biết tu theo đường lối nào. Một khi đã nắm vững cốt tủy của đạo Phật, chúng ta mới không còn e ngại và không gì có thể làm thối chuyển được. Đó là trọng tâm của việc tu hành, không phải đường lối riêng tư của một cá nhân nào. Cho nên, chúng ta phải phân tích từng bước để nhận định cho tường tận những lời Phật dạy.

Khi còn tại thế, Phật dạy tu theo Phật giáo Nguyên thủy, thực hành quán Tứ niệm xứ: quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Hoặc tu theo Tứ pháp ấn - bốn chân lý vô thường, khổ, không và vô ngã của tất cả các pháp - làm tiêu chuẩn để xác định kinh điển nào của Phật dạy. Từ việc quán vô thường, khổ, không, vô ngã mà trí tuệ tăng trưởng. Trí tuệ tăng trưởng thì đạo lực cũng tăng trưởng. Khi ấy phiền não sẽ lắng sạch, tâm an định. Hành giả trải qua những tầng thiền định như Tứ thiền, Tứ không, cuối cùng là Diệt thọ tưởng định. Như vậy muốn đạt đến chỗ cứu cánh, người tu theo giáo lý Nguyên thủy phải tiến lên từ từ.

Tứ niệm xứ, hay Tứ pháp ấn là dùng trí tuệ nhận định đúng như thật về bản thân mình, về các pháp xung quanh, không còn sai lầm mờ mịt nữa. Nhờ vậy trí tuệ tăng trưởng, những niệm khởi và những vọng tưởng dần dần tiêu mòn, tâm được an định. Khi tâm an định đến chỗ tột cùng thì hành giả sẽ nhập Diệt tận định, tức là dứt sạch tất cả những niệm tưởng.

Như tầng bậc tu chứng cuối cùng trong Tứ không là Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Phi tức là chẳng có, gọi Phi phi tưởng tức là không có tưởng mà không phải không có tưởng. Đến đây cái tưởng thô hoàn toàn sạch nhưng vẫn còn cái tưởng vi tế. Đến khi nào mọi cái tưởng lặng sạch hoàn toàn thì mới đạt đến Diệt tận định, hành giả sẽ chứng quả A-la-hán, cũng gọi là Niết-bàn vô sanh. Đến được Niết-bàn vô sanh thì tất cả niệm lự từ thô đến tế không còn một chút nào. Cho nên những vị tu theo hệ Nguyên Thủy phải đạt được Diệt tận định mới chứng A-la-hán, giải thoát sanh tử, chứng nhập Niết-bàn vô sanh.

Nếu người dùng phương pháp niệm Phật thì phải đặt lòng tin lên trên hết. Tin tuyệt đối vào đức phật Di Đà, tin tuyệt đối vào cõi Cực Lạc. Nhờ có lòng tin nên mới chí thành niệm Phật, niệm đến nhất tâm bất loạn, không còn những nghĩ tưởng dấy động nữa tức là vô niệm. Khi ấy sẽ thấy đức phật Di Đà hiện tiền đón rước về cõi Cực Lạc. Cho nên nếu thiếu lòng tin thì sẽ không có kết quả.

Khi nhập Diệt tận định là không còn một niệm tưởng nào nên được Niết-bàn. Niệm Phật nhất tâm vô niệm thì được về Cực Lạc. Như vậy Niết-bàn và Cực Lạc tuy tên khác nhau nhưng đều từ nhân vô niệm mà thành tựu. Tuy cách thực hành của hệ phái Nguyên thủy và pháp môn niệm Phật có khác, nhưng cuối cùng đều được Niết-bàn. 

Giáo lý Mật tông thường dạy hành giả trì chú. Trì chú muốn đạt được sự mầu nhiệm, linh diệu thì phải đủ lòng tin. Tin rằng được sự ủng hộ của chư thiên, hộ pháp và tin sự mầu nhiệm của câu chú. Một khi tụng chăm chỉ thì sẽ không còn chỗ nào bám vào để khởi suy nghĩ. Lâu ngày sẽ được Tam mật tức là thân mật, khẩu mật, và ý mật. Thân ngồi bắt ấn, miệng tụng chú, ý duyên theo câu chú nên được nhất tâm, không còn niệm nào khác. Khi ấy sẽ thấy đức Phật Đại Nhật với vô lượng hào quang đầy đủ trí tuệ sáng suốt đến tiếp độ.

Đó là cái hay, cái khéo trong giáo lý Phật dạy. Dù dạy quán chiếu đúng như thật để phát triển trí tuệ, hoặc chỉ dùng câu niệm Phật với lòng tin đầy đủ, hay dùng câu thần chú linh thiêng trì tụng miên mật, rốt cuộc cũng đi tới chỗ vô niệm, vô sanh. Mỗi pháp môn có sự linh nghiệm hay kết quả riêng nhưng rốt cuộc cũng đi đến cùng một chỗ như nhau.

Song hiện tại có những người lại hiểu và ứng dụng pháp tu một cách lệch lạc. Ví như trì chú đến chỗ linh thiêng, mầu nhiệm, lại đem ra trị bệnh. Đốt hoặc tụng câu chú vào nước lã cho bệnh nhân uống. Người niệm Phật tính từng chuỗi, từng câu mà không cố gắng đi đến chỗ nhất tâm. Đến các pháp quán của thiền Nguyên thủy thực hành cũng không chuyên tâm. Đó là điểm yếu của người tu Phật ngày nay, tự làm cho con đường giải thoát của chính mình bị gián đoạn, không đến được chỗ cứu cánh là ra khỏi sanh tử như lời Phật dạy.

Vậy đường lối tu hành của Thiền tông thì sao? Giống và khác với những phương pháp trên như thế nào? Lục Tổ chủ trương Thiền tông lấy vô niệm làm tông, lấy vô tướng làm thể, lấy vô trụ làm gốc. Đó là đi thẳng vào chỗ vô niệm, vô tướng và vô trụ.

Thế nào là vô niệm? Phải tu làm sao đến chỗ không còn một niệm nào dấy khởi. Không còn một niệm dấy khởi là yếu chỉ của Thiền tông. Cho nên nói “dĩ vô niệm vi tông” tức là lấy vô niệm làm tông. Vậy phải tu bằng cách nào để đạt đến chỗ vô niệm? Có hai cách:

Một là phản quan tự kỷ, tức nhìn lại chính mình, thấy rõ từng niệm khởi, biết rõ nó hư dối buông xả không theo. Song không thể trong một lúc có thể buông hết được, phải từ từ buông dần. Lâu ngày nó tự lặng, tự dứt, khi ấy tâm sẽ tự đạt đến chỗ vô niệm. Vô niệm cũng là vô sanh, là Niết-bàn nên Lục Tổ chủ trương lấy vô niệm làm tông. Người tu thiền Nguyên thủy quán thân này vô thường, khổ, không, vô ngã, cũng là trí tuệ. Tu pháp môn nào cũng phải có trí tuệ mới nhận ra bản chất những niệm tưởng là hư dối, vọng chấp.

Trước đây do không có trí tuệ, niệm khởi chúng ta cho đó là mình rồi chạy theo nên tạo nghiệp. Đến đây Lục Tổ chỉ rõ hơn thể vô niệm không tướng, nên lấy vô tướng làm thể. Bởi không hình tướng nên nó sáng suốt, trùm khắp. Trong bài kệ trình với Ngũ Tổ, ngài nói “bản lai vô nhất vật”, tức là xưa nay cái đó không phải một vật, làm gì có hình tướng. Vì Vậy lấy vô tướng làm thể.

Hai là không trụ nơi sáu trần, tức là lấy vô trụ làm gốc. Khi Lục Tổ nghe giảng kinh Kim Cang đến chỗ ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: Người phát tâm vô thượng Chánh đẳng Chánh giác làm sao để an trụ tâm? Phật trả lời: Tâm đối với sắc, thanh, hương vị, xúc, pháp đều không có chỗ trụ. Trụ tức là dính, là kẹt. Không trụ nơi sáu trần tức là tâm không dính không kẹt, nên an trụ ở chỗ Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngay đó Lục Tổ ngộ. Thật đơn giản, không có gì phức tạp cả.

Như vậy, đối với sáu trần không dính, không kẹt mà hằng giác hằng tri đó là tâm Vô thượng Bồ-đề. Đường lối tu hành của Thiền tông là luôn dùng hai cách tu: khi ngồi yên lặng thì phản quan; khi đi đứng làm việc thì không dính với sáu trần. Đó là hai cách thực hành thiết yếu của người tu thiền.

Cho nên các vị tổ sư hay dạy nghe như điếc thấy như mù. Nghe như điếc là dù nghe người thị phi mà không dính mắc. Thấy cảnh hay người đẹp xấu mà mình không khởi niệm thì tuy thấy cũng như mù. Trong kinh thường dạy, chúng ta thấy nghe ví như cái gương, hình ảnh đến thì hiện, hình qua thì mất, không dính gì với gương hết. Dù có đối duyên xúc cảnh mà tâm vẫn vô niệm. Đạt đến vô niệm là đã đến Niết-bàn rồi!

Đường lối tu thiền mà Lục Tổ chủ xướng thật rõ ràng, cụ thể. Tuy chỗ tột cùng so lại không khác với đường lối tu hành của các tổ hay các môn phái khác, nhưng khác ở chỗ không chỉ đạt đến vô niệm vô sanh, mà còn nhận được tánh giác hiện tiền, gọi là Phật tánh. Đối với hành giả tu theo thiền Nguyên thủy chỉ đến chỗ hết niệm và được vô sanh thôi. Cho nên đó là yếu tố rất kỳ đặc của Thiền tông.

Kiểm lại những phương pháp tu từ thiền Nguyên thủy, Tịnh độ, Mật tông cho tới Thiền tông đều có điểm chung là muốn đạt đến chỗ cứu cánh thì phải vô niệm. Như vậy chủ trương vô niệm của Lục Tổ là chỉ thẳng, nói thẳng cho chúng ta biết trọng tâm tu hành cầu giác ngộ, không gì khác hơn là phải buông xả hết những niệm tưởng.

Nghe đến buông xả niệm tưởng có nhiều người khờ khạo cho rằng đến đó là không còn gì hết, nên Lục Tổ mới chủ trương lấy vô tướng làm thể. Tuy không tướng mạo nhưng là thể chân thật bất sanh, bất diệt của chính mình. Muốn đạt được như vậy thì trong bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi đừng để tâm dính mắc với sáu trần, tức là giác ngộ viên mãn. Chúng ta cốt làm sao hiểu rõ và ứng dụng cho được đường lối tu hành này thì con đường giác ngộ không xa. 

Mở đầu con đường vào Thiền tông là phải dùng trí tuệ để phản quan, cuối cùng đến chỗ sáu trần không dính mắc. Nhưng làm sao để sáu trần không dính mắc? Trong kinh Kim Cang Phật dạy, muốn không dính mắc với sáu trần thì chúng ta phải quán: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện”. Tức là phải thấy rõ bản chất của tất cả pháp hữu vi như là giấc mộng, như vật huyễn hóa, như điện chớp, như sương mù... không có gì là thật. Đã thấy tất cả các pháp không thật thì làm sao dính mắc được? Bấy giờ ta vẫn cứ tự tại đi trong đám sương mù, không ngăn ngại, không sợ hãi vì biết nó hư giả. 

Nhờ biết vọng tưởng hư dối, không phải tâm chân thật nên không bị nó lôi dẫn, từ đó dễ dàng buông xả. Muốn phản quan thì phải dùng trí tuệ chiếu soi nội tâm mình. Muốn buông xả sáu trần cũng phải dùng trí tuệ chiếu phá tất cả các pháp không thật để không dính mắc. Được như vậy chúng ta sẽ giác ngộ giải thoát không nghi ngờ. Nếu cố chấp muốn nắm giữ rồi tự kẹt trong phương tiện thì không bao giờ giải thoát được. 

Như vậy trọng tâm Phật dạy không gì khác hơn là tu cho đến vô niệm mới được giải thoát. Muốn được vô niệm thì phải dùng trí tuệ quán chiếu. Giáo lý Nguyên thủy dạy quán Tứ niệm xứ, Thiền tông thì quán chiếu tất cả pháp không thật có, như huyễn hóa, vọng tưởng trong tâm cũng thế. Đó là cách tu thiết yếu của hành giả theo Thiền tông. 

Nhiều vị thắc mắc tại sao chúng ta phải tu thiền trong khi các vị trước chúng ta tu niệm Phật cũng tốt. Vì thời đại mỗi lúc mỗi khác. Trước kia con người dễ đặt lòng tin vào thế giới khác. Chỉ cần nói có cảnh Cực Lạc, có đức Phật Di Đà cứu độ thì họ tin ngay. Nhưng người thời nay chịu ảnh hưởng khoa học rất sâu đậm, việc gì chưa xác thực thì chưa tin. Nên chúng ta phải dùng đường lối tu thiền để chỉ dạy. Phương pháp này sử dụng trí tuệ, nhờ phản quan tự kỷ và chiếu phá sáu trần mà hết mê được ngộ, mới có thể đạt đến cứu cánh Niết-bàn. 

Phản quan là lối tu buông xả hết những niệm hư dối để trở về nguồn tâm chân thật hiện tiền mà chúng ta đã sẵn có. Chiếu phá sáu trần là biết rõ các pháp không thật, do duyên hợp, hư dối nên không dính mắc. Điều đó thật dễ hiểu nên đã được khoa học thừa nhận. Vì dễ hiểu nên tất nhiên mọi người thấy có thể tu được. Họ cũng tin rằng nếu thực hành theo đường lối Thiền tông thì tâm sẽ được an ổn trong hiện đời, không đợi đến kiếp sau. Bởi vậy đường lối tu hành của Thiền tông rất là thực tế.

Đứng về nội tâm hay cả ngoại cảnh chúng ta đều phải thực hành buông xả những thứ hư dối và tạm bợ để sống trở về cái chân thật của chính mình. Như vậy tâm chân thật của chính mình thật có hay không? Khi buông hết niệm khởi và vọng tưởng rồi chúng ta còn lại gì? Đó là mối nghi mà ta phải can đảm nhìn nhận để thấy, thì đường tu mới không thối chuyển.

Chúng ta phải thấy rằng cái suy nghĩ phải quấy, hơn thua là cái biết sanh diệt liên tục không dừng. Nó vô thường, tạm bợ không thật. Khi ngôi thiền không hôn trầm, tất cả những ý niệm lặng hết, quý vị còn biết không? Biết thật rõ ràng không có một niệm, đó là cái biết hiện tiền, tỉnh sáng, là giác, là tri. Cho nên nói cái đó luôn hiện hữu hằng tri hằng giác. 

Vậy trong lúc niệm khởi lăng xăng cái hằng tri hằng giác ấy có hay không? Không những khi niệm lặng, mà trong lúc niệm đang khởi, thì cái hằng tri hằng giác vẫn hiện tiền. Vì chúng ta chỉ nhớ niệm nên quên lãng cái tri giác chân thật của chính mình. Cho nên Diễn-nhã-đạt-đa khi nhìn vào gương nhận cái bóng trong gương là đầu mình, quên mất đầu thật vẫn hiện tiền dù gương đã úp lại. 

Cũng vậy, khi chúng ta dấy niệm nghĩ suy rồi chạy theo nó, quên mất cái biết chân thật của mình, chớ không phải nó không có. Tất cả lời Phật dạy trong kinh đều nhằm chỉ cho chúng ta cách buông xả niệm. Khi niệm dứt sạch thì cái chân thật hiện đầy đủ, không phải từ đâu đến, không do ai ban cho. Kinh Pháp Hoa thường nói chúng ta có viên ngọc quý mà bỏ quên, nhà thiền gọi là cỡi trâu đi tìm trâu.

Do không nhận cái chân thật nên bị trôi lăn theo vọng niệm, tạo nghiệp luân hồi. Biết rõ niệm khởi là bóng dáng hư ảo liền dừng lại không theo thì cái chân thật hiện đủ không thiếu. Người nhận được cái chân thật thì con đường sanh tử dừng lại. Như vậy chúng ta có đầy đủ cả hai phần: giả dối và chân thật. Tu là buông xả cái hư dối để nhận lại cái chân thật. Đó là giác ngộ, là trở về chân như.

Hiểu như vậy rồi chúng ta mới thấy các vị tổ trong nhà thiền thường có những hành động hoặc lời nói kỳ đặc để hành giả bặt hết suy nghĩ, tức là sống trở lại với chính mình. Những câu nói đó gọi là hoạt ngữ. Câu nói nào làm cho mình suy nghĩ, dấy niệm lăng xăng đó là tử ngữ. 

Ví như có người hỏi: Thế nào là Phật? Đáp: Phật là giác ngộ. Lại hỏi: Giác ngộ là sao? Ta liền giải thích là tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn... đó là tử ngữ. Nếu hỏi: Thế nào là Phật? Đáp: Ba cân gai. Quý vị có suy nghĩ được không? Chỉ biết nghe “ba cân gai” thôi. Đây là hoạt ngữ, là xảo thuật của chư tổ. Nếu hành giả thấy được chỗ đó rồi thì ngộ đạo. Hoặc hỏi: Thế nào là Phật? Có ngài không hói gì hết mà cho một gậy bặt suy nghĩ. Chỗ lặng thinh không suy nghĩ đó là Phật sống, không phải Phật chết. Thường thì chúng ta quen chạy theo Phật chết mà quên Phật sống. Nên chư tổ không muốn nói chỉ đánh, nạt, hét để hành giả nhận ra ông Phật sống của mình. 

Ngài Đức Sơn sau khi ngộ rồi, chỉ thốt lên một câu: Từ đây về sau con không bị đầu lưỡi các vị hòa thượng lừa nữa. Nếu người chưa xong việc sẽ nghị các ngài gạt mình mà không biết các ngài dùng điệu thuật giúp mình. Như khi Lâm Tế hỏi Hoàng Bá: Thế nào là đại ý Phật pháp? Hoàng Bá đánh một gậy. Bởi vì cốt tủy của đạo Phật nằm ở chỗ vô niệm. Nếu còn suy nghĩ đại ý Phật pháp là thế này thế kia, tức còn vọng niệm lăng xăng. Ngài Hoàng Bá đánh một gậy, ngài Lâm Tế liền bặt suy nghĩ, đó là đã đạt đến chỗ đại ý Phật pháp. Thật đặc biệt!

Đức Phật cùng chư tổ đã dùng đủ phương tiện để giáo hóa mà giờ này chúng ta vẫn còn mê lầm. Nếu biết được cái đó mình có sẵn, chỉ cần gỡ những thứ giả dối, tạm bợ bên ngoài là nó hiện tiền, thì việc tu để giải thoát không phải là chuyện khó. Nếu cứ đeo đẳng cái giả dối tạm bợ mà muốn cầu giải thoát thì muôn kiếp ngàn đời cũng không giải thoát được.

Chúng ta phải thấy rõ cốt tủy của đạo Phật mới tin tưởng mình có thể tu được, đạt được giải thoát, không còn nghi ngờ. Dù tu ba vô số kiếp cũng không sợ. Nhưng tiếc một điều, người biết như thế thì rất ít mà người nghi ngờ lại nhiều. Do đó mà tu không tiến. Điểm chính yếu của đạo Phật vốn không hai, nhưng vì chúng ta quá si mê, cứ ngỡ là đang sống trong cái chân thật, nhưng lại bị ảo tưởng hư dối lừa gạt. 

Tôi muốn tất cả quý vị phải can đảm nhìn thẳng, biết đúng như thật, tự cởi bỏ điên đảo vọng tưởng của chính mình để đi đến chỗ vô niệm, vô sanh và đạt Niết-bàn an lạc. Như vậy mới xứng đáng là người tu sĩ chân chánh. Không nên mắc kẹt trong những thứ tạm bợ giả dối, uổng đi một đời tu hành. Đó là sự trông đợi, mong mỏi của chúng tôi. 

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 37206
  • Online: 19