Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 4)

29/05/2017 | Lượt xem: 3681

TT.Thích Thông Phương dịch và giảng

12- Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,

      Thật thị thân bần đạo bất bần.

      Bần tắc thân thường phi lũ hạt,

      Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.

12- Hèn con Phật, miệng xưng nghèo,

      Thật đấy thân nghèo, đạo chẳng nghèo.

      Nghèo ắt thân thường manh áo vá,

      Đạo ắt tâm đầy vô giá châu.

GIẢNG:

 Thích tử là con của dòng họ Thích, tức con Phật, là người xuất gia tu hạnh giải thoát. Là Thích tử thì phải buông hết những sự nghiệp thế gian, sống đời khất sĩ. Khất sĩ dịch nghĩa từ chữ Tỳ-kheo. Sống đúng tinh thần khất sĩ của Phật dạy là sao? Phải thường đi khất thực xin ăn. Khất là xin. Thực là lương thực. Khất thực là đi xin ăn. Còn y đắp hay áo mặc phải là vải vụn ráp lại từng mảnh chứ không được đắp vải nguyên miếng. Không chứa vàng bạc châu báu. Trong mười giới Sa-di, Phật đã dạy không chất chứa vàng bạc châu báu, không được ngồi giường cao sang trọng, vậy là Thích tử thì phải chịu nghèo.

Ngày xưa, các Ngài thường xưng là bần đạo, người tu đạo nghèo. Chúng ta nhớ kỹ! Thích tử thì sẵn sàng chịu nghèo chứ không có sợ nghèo. Trong thời hiện tại, cuộc sống người tu sung túc, ở nhà lầu đi xe hơi, khi kiểm lại thấy chúng ta sống trái với lời Phật dạy cũng hơi hổ thẹn. Điều này, nếu không khéo nhiều người tu dễ mắc kẹt. Cho nên, nếu không biết soi lại để dừng thì không biết sẽ đi đến đâu nữa? Đó là tinh thần, là căn bản, chúng ta phải nhớ điều này không thể để quên gốc.

Nghèo, để xả bỏ lòng tham đắm ngũ dục, bớt dính mắc vào xác thân, bớt vướng vào bản ngã, để giữ đạo, để tu hành. Thân tuy nghèo, không đua theo vật chất, nhưng tâm thì sáng ngời, trí tuệ siêu việt, bên trong, hàm chứa một sức sống. Sức sống ấy không hình tướng, không thể nghĩ bàn. Đây mới là chỗ đặc biệt, là kho báu vô giá.

Thiền sư Huyền Giác gọi “Vô giá trân” tức là châu báu vô giá. Bởi không có giá cả nào sánh kịp với nó. Giá trị của châu này không thể nói hết được vì không giống như những châu báu ở thế gian. Vì vậy, người tu hành không sợ thân nghèo mà chỉ sợ tâm nghèo, sợ thiếu đời sống đạo đức, trí tuệ trong tâm. Đó mới là cái sợ đáng sợ chứ còn thân nghèo không đáng sợ. Song, con người thường chỉ sợ thân nghèo mà không sợ tâm nghèo, nên Ngài nhắc. Nếu chúng ta tu mà cứ lo chứa cất của cải, đeo đuổi theo ngũ dục, quá đầy đủ vật chất thế gian thì đời sống tâm linh sẽ kém. Điều này giống như tỷ lệ nghịch, vì nếu vật chất mạnh thì tinh thần yếu, còn tinh thần mạnh thì vật chất yếu.

Đời Đường, pháp sư Trí Tắc có đời sống rất đơn giản, ở trong phòng chỉ để chiếc giường, một bát bằng sứ,và cái muỗng bằng gỗ, ngoài ra không còn vật gì khác. Nhà thì không bao giờ đóng cửa, đâu có gì quý mà sợ lấy. Có người cho Ngài là điên. Nghe được, Ngài thương cảm nói: “Nói người điên nhưng đâu biết chính mình mới điên. Bậc xuất gia thoát tục mà còn lo nghĩ đến miếng cơm, manh áo, đi ra ngoài phải cho đẹp, ở phải cho sang, cửa phải khóa kỹ, rương phải đóng kín…, đã mất thời giờ lại thêm chướng đạo nghiệp; vậy mà còn chất chứa đủ thứ vật dụng, cả ngày bận rộn tâm không yên, thì những người như vậy không cho là điên thì còn ai điên nữa?”

Khi nghe lời này chúng ta kiểm lại chính mình mới thấy hổ thẹn. Nhiều người khi mới vào tu mang theo một, hai bộ đồ, vài vật dụng nhỏ, nhưng ở chừng vài năm thì vật dụng chất đầy cả mấy thùng mì. Như vậy, tu càng lâu sở hữu không bớt mà còn thêm nặng, chưa nói tâm suốt ngày bận rộn không yên, vẫn còn chứa đầy tham đắm.

Đó là điều mình phải xét lại để hổ thẹn. Ở đây, Sư cảnh tỉnh người tu hành phải biết sống đơn giản để bớt lòng tham, cần yếu là đời sống trong tâm, việc đó mới là quan trọng.

Thế nên, Sư dạy người tu thân thì nghèo mà đạo không nghèo. Gọi là nghèo thân thường manh áo vá nhưng mà đạo thì tâm đầy vô giá trân. Khi trong tâm có đạo là có của báu vô giá. Thế nào là châu báu vô giá?

Vua Đường Trang Tông sau khi bình giặc về đến hành cung liền mời thiền sư Hưng Hóa - Tồn Tương đến hỏi đạo.

Vua nói:

- Trẫm vừa đi thâu Trung Nguyên về được một hòn ngọc báu vô giá.

Thiền sư Tồn Tương thưa:

- Xin bệ hạ cho xem.

Vua liền lấy tay vuốt từ đầu tới chân.

Thiền sư Tồn Tương nói:

- Báu của đấng quân vương đâu ai dám trả giá!

 Báu vô giá của vua là vuốt từ đầu tới chân, vuốt tới đâu biết tới đó. Cái gì phát sáng ra cái đó? Nhận được cái đó mới là của báu vô giá. Đạo trong tâm mới quý còn thân tướng bên ngoài này chỉ là cái tạm, nếu cứ lo tưng tiu cái bề ngoài này thì quên mất cái chân thật bên trong là quên gốc theo ngọn, cho nên Sư cảnh tỉnh chúng ta phải nhớ rõ điều này.

CHÁNH VĂN:

13- Vô giá trân, dụng vô tận,

      Lợi vật ứng cơ chung bất lận.

      Tam thân, tứ trí thể trung viên,

      Bát giải, lục thông tâm địa ấn.

***

13- Vô giá châu dùng không hết,

      Lợi người lợi vật nào lẫn tiếc.

      Ba thân, bốn trí thể tròn đầy,

      Tám giải, sáu thông tâm ấn hiệp.

GIẢNG:

Ngài nói châu báu vô giá chứa trong tâm này dùng lợi người lợi vật không hết, không ngại. Đây chính là vi diệu của tự tánh, chính là Như Lai Đại Viên Giác. Người đạt đạo khi nhận được đem ra dùng làm lợi ích cho người cho vật, sẵn sàng chỉ bày hết ruột gan không tiếc không bỏn sẻn, không sợ hết. Trí tuệ chân thật đâu sợ hao mất, nếu còn tiếc là chưa phải thật có chỗ sống, chưa phải đạt đạo.

Thiền sư Đức Sơn một đêm đứng hầu. Sùng Tín bảo: “Đêm khuya sao chẳng xuống?” Sư kính chào bước ra, lại trở vào, thưa: “Bên ngoài tối đen”. Sùng Tín thắp đèn cầy đưa Sư. Sư toan tiếp lấy, Sùng Tín liền thổi tắt. Ngay đó, Sư đại ngộ, liền lễ bái. Sùng Tín hỏi: “Ngươi thấy cái gì?” Sư thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói của chư Hòa thượng trong thiên hạ”.

Thiền sư Sùng Tín đưa đèn Sư vừa đưa tay nhận thì thiền sư thổi tắt, là đã trao xong, có mất gì đâu mà sợ! Cho nên người thật đạt đạo, thấu suốt được lẽ thật này thì sẵn sàng chỉ cho người biết không bỏn sẻn.

Như câu chuyện thiền sư Câu Chi khi được Hòa thượng Thiên Long giơ ngón tay lên khai thị là ngộ liền. Sau này khi dạy người, Sư cũng thường giơ ngón tay lên, từ đó có danh gọi Hòa thượng Câu Chi. Đến khi sắp tịch Sư thượng đường bảo đại chúng: “Ta từ khi nhận được một ngón tay thiền của Hòa thượng Thiên Long đến nay cả đời dùng không hết”. Chỉ được ngón tay thiền đó mà cả đời dùng không hết, đó là nhận được lẽ thật nơi mình.

Còn Mã Tổ ngộ sống được với đạo rồi, Nam Nhạc Hoài Nhượng hay tin bảo người đến dò xem thật hư. Mã Tổ nói: “Từ loạn hồ sau ba mươi năm cũng chưa từng thiếu tương muối”.

Bởi vì đây gọi là tự tánh báu, tức là của báu trong tự tánh. Nó thấu suốt cả trời đất, như thiền sư Triệu Châu từng nói: “Trước khi có thế giới là đã có tánh này, khi thế giới hoại tánh này cũng chẳng hoại”. Cho nên sống trở lại với tự tánh này thì diệu dụng không cùng tận. Do đó nói: “Lợi người lợi vật nào lẫn tiếc”.

“Ba thân bốn trí thể tròn đầy, Tám giải sáu thông tâm ấn hiệp”. Ba thân, bốn trí, tám giải thoát, sáu thần thông đều đầy đủ trong tâm thể, nên gọi là tâm ấn hiệp, là thể tròn đầy. Ba thân tức pháp thân, báo thân, hóa thân đâu rời tâm thể riêng có. Còn bốn trí cũng vậy. Là Diệu quan sát trí, Thành sở tác trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí cũng trong tâm thể, đâu rời ngoài tâm riêng có.

Như ông tăng Trí Thông hỏi về ba thân bốn trí, Lục Tổ giải thích: “Pháp thân thanh tịnh là tánh của ông, Báo thân viên mãn là trí của ông, Hóa thân ngàn trăm ức là hạnh của ông. Nếu lìa bản tánh riêng nói ba thân tức gọi là có thân mà không trí, nếu ngộ được ba thân không có tự tánh tức rõ bốn trí Bồ-đề”.

Nghĩa là Pháp thân thanh tịnh hay Pháp thân vô tướng là tánh của ông chứ không phải là thân có đầu, mắt, tay, mũi, lưỡi như con người. Báo thân là trí, Hóa thân là hạnh, đều đồng một thể nơi tự tánh. Nếu rời ngoài tự tánh riêng có, thì nó giống như là có thân mà không có trí, thì cái thân đó là cái thân chết, còn nếu ngộ ba thân chính ngay trong tâm thể của mình thì rõ thấu bốn trí Bồ-đề.

Sau đó, Lục Tổ nói bài kệ về bốn trí:

Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh,

Bình đẳng tánh trí tâm không bệnh.

Diệu quan sát trí thấy không công,

Thành sở tác trí đồng viên cảnh.

“Đại viên cảnh trí tánh thanh tịnh” Đi qua tất cả mà không để lại dấu vết, giống như gương sáng nên gọi Đại viên cảnh, đó là tự tánh thanh tịnh của mình. “Bình đẳng tánh trí tâm không bệnh”, trí này do thức thứ bảy chấp ngã chuyển thành, nói tâm không bệnh tức là tâm không còn chấp ngã, nó nhận biết nhưng trong đó không có bóng dáng của cái tôi. “Diệu quan sát trí thấy không công”. Tức nó nhận thức, phân biệt một cách vi diệu lìa đối đãi, tâm không sinh phân biệt đối đãi theo thường tình. “Thành sở tác trí đồng viên cảnh” thấy nghe, phân biệt nhưng không mê nên gọi đồng như viên cảnh trí. Tức là thấy, nghe tất cả nhưng không theo cảnh quên mình, không để lại dấu vết. Cho nên, đây nói “Ba thân bốn trí thể tròn đầy”. Tức đầy đủ trong thể tánh.

Tám giải tức Bát giải thoát.

1- Trong có sắc tưởng, ngoài quán sắc để giải thoát: Vì để trừ cái tưởng về sắc dục trong nội tâm nên đối với các sắc bên ngoài tu quán bất tịnh để giải thoát, đó là giải thoát thứ nhất.

 2- Trong không sắc tưởng, ngoài quán sắc để giải thoát: Tức là cái sắc, cái tưởng về sắc dục trong nội tâm tuy đã trừ nhưng lòng tham ở cõi dục này cũng khó đoạn nên phải quán tưởng bất tịnh ở bên ngoài khiến sinh chán ghét để đoạn lòng tham dục, đó là giải thoát thứ hai.

 3- Tịnh giải thoát thân chứng cụ túc trụ: Hai giải thoát trên ứng dụng tu quán bất tịnh, còn cái thứ ba thì quán tịnh trở lại. Nghĩa là xả bỏ quán bất tịnh để quán tịnh, như quán tướng xương trắng… Xưa có vị tu quán bất tịnh đến chán thân này cuối cùng mướn người cắt cổ chết. Người khéo tu thì rõ đó cũng là phương tiện phá tình chấp,nên quán bất tịnh rồi lại quán tịnh.

4- Không vô biên xứ giải thoát: Tức là vượt lên các thứ sắc tưởng không có đối tượng để tưởng.

5- Thức vô biên xứ giải thoát: Tức tiến lên bước nữa là xả bỏ tâm Không vô biên để vào Thức vô biên.

6- Vô sở hữu xứ giải thoát: Tiến lên bước nữa là xả bỏ tâm thức vô biên để vào Vô sở hữu xứ.

7- Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát: Xả bỏ tâm vô sở hữu để vào phi phi tưởng. Đây là tưởng vi tế, tức chẳng phải tưởng mà cũng chẳng phải là không tưởng, vẫn còn cái vi tế trong đó nên cũng chưa phải là thật giải thoát hoàn toàn.

8- Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ túc trụ: Tức vượt qua phi phi tưởng, chán bỏ hết cái thọ, cái tưởng để vào Diệt tận định, đây là diệt hết tâm, tâm sở thành tựu giải thoát đầy đu, đó gọi là Bát giải thoát. Vậy tám giải thoát này cũng đâu rời tâm thể riêng có.

Sáu thông tức là sáu thần thông. Một là Thiên nhãn thông là con mắt cõi trời thấy không ngăn ngại. Thiên nhĩ thông tức lỗ tai cõi trời nghe suốt từ xa. Tha tâm thông là rõ thấu được tâm người khác. Túc mạng thông nhớ được những kiếp về trước. Thần túc thông có thể bay lên trên rồi biến hóa… Lậu tận thông là sạch hết phiền não. Sáu thần thông trên cũng đâu rời tâm thể mà có.

Tóm lại, Bát giải thoát, Sáu thần thông cũng từ tâm thể khởi dụng. Quan trọng là ngộ sống được với tâm thể, từ đó hiện thành diệu dụng. Đó gọi là kho báu vô tận dùng mãi không hết, là gốc của tất cả pháp. Do đó, thiền sư Huyền Giác nói nó tròn đầy trong tự thể, thành tựu tất cả trong đất tâm, người biết khai thác là có đủ hết. Sư nhắc chúng ta soi trở lại tự tâm của mình, chớ hướng ra ngoài tìm cầu.

CHÁNH VĂN:

14- Thượng sĩ nhất quyết nhất thiết liễu,

      Trung hạ đa văn đa bất tín.

      Đản tự hoài trung giải cấu y,

      Thùy năng hướng ngoại khoa tinh tiến.

***

14- Bậc thượng một quyết xong hết thảy,

      Trung hạ nghe nhiều ngờ vực mãi.

      Áo bẩn trong lòng hãy vứt đi,

      Khoe chi tinh tấn bên ngoài ấy!

GIẢNG:

Sư nói: “Bậc thượng một quyết xong hết thảy, trung hạ nghe nhiều ngờ vực mãi”. Bậc thượng tức là bậc lanh lợi một nghe ngàn ngộ, không kẹt trên ngôn ngữ, thấu tột cội nguồn, nên không còn nghi ngờ, gọi là “một quyết là xong hết”.

Thí dụ như khi thiền sư Sùng Tín đốt đèn đưa ngài Chu Kim Cang. Ngài giơ tay cầm thì Sùng Tín liền thổi tắt. Ngài đại ngộ, liền lễ bái. Sùng Tín hỏi: “Ngươi thấy cái gì?”. Chu Kim Cang thưa: “Từ nay về sau chẳng còn nghi lời nói của các lão Hòa thượng trong thiên hạ nữa”. Tức là Ngài đã thấu suốt cội nguồn, đây gọi là “Bậc thượng một quyết là xong hết” không còn nghi ngờ.

Còn hàng “Trung hạ nghe nhiều ngờ vực mãi”. Bởi hàng trung hạ cứ theo câu theo lời rồi quen với tình thức phân tích chữ nghĩa, càng nghe nhiều thì càng thêm nghi nên thành ra ngăn ngại, vì chữ nghĩa không nói hết ý. Như trên Sư nói: “Thường độc hành, thường độc bộ”, nhưng câu dưới lại nói “đồng du Niết-bàn lộ”. Nếu phân tích trên chữ nghĩa thì thấy nó mâu thuẫn sinh ra nghi ngờ. Gọi đó là theo câu theo lời, nếu thấu được cội nguồn thì thông hết.

Ngũ Tổ bảo đồ chúng trình kệ để chọn người kế thừa. Tổ nói: “Các ông, mỗi người hãy tự xem lại trí tuệ của mình, nhận lấy tánh Bát-nhã ở nơi bản tâm mình, mỗi người làm một bài kệ đến trình cho ta xem, nếu ngộ được đại ý thì ta trao y pháp làm Tổ đời thứ sáu. Phải nhanh đi, không được chậm trễ,  suy nghĩ tức là không trúng. Người kiến tánh cần ngay lời nói liền thấy, nếu như người này thì dù khi múa đao giữa trận cũng thấy tánh”.

Tổ bảo các ông “phải nhanh” tức là phải nhận lấy tự tánh Bát-nhã nơi chính mình. Chỗ này phải nhanh, gấp chứ không được chậm trễ, không cho nghĩ ngợi, nếu nghĩ ngợi thì không trúng. Người thật ngộ phải từ tâm toát ra, ngay lời nói liền thấy. Lục Tổ cũng nói: “Này thiện tri thức! Tôi ở chỗ Hòa thượng Nhẫn vừa nghe liền ngay lời nói tỏ ngộ, chóng thấy bản tánh chân như”. Tổ không kẹt trên ngôn ngữ, còn chúng ta khi nghe cứ bám theo ngôn ngữ, tư duy suy nghĩ nên mắc kẹt, bị ngôn ngữ che. Người lanh lợi vừa nghe liền vượt qua lời nói thấu suốt bản tánh, chứ không chần chừ suy nghĩ tới lui, thêm nghi ngờ vì chữ nghĩa. Thực tế nhiều vị nghe nhiều học rộng nhưng cũng nhiều do dự, đó là hiểu quá thành ngại.

Thiền sư Đại Huệ khai thị rằng: “Hành giả nếu đủ lòng tin quyết định, biết được pháp đại giải thoát như thế, chỉ ở chỗ biết được, bất chợt đụng nhầm quan khiếu thì một lời của Bàng Uẩn với cả đại tạng kinh của Phật thuyết chẳng hai chẳng khác”. Ngài nói người hành giả được lòng tin quyết định, bất chợt ngay một lời nói nhận được, thấu được, sống được với lẽ thật thì lời nói của ông Bàng Uẩn với nghĩa của Tam tạng kinh Phật nói cũng không phải là hai, cũng không khác.

Ông Bàng Uẩn cũng có câu: “Nguyện không những cái gì mình đã có, chớ nhận những cái gì mình đã không”. Nghĩa là phải phát nguyện không đi những cái gì mình có, còn những cái gì mình đã không thì chớ có nhận thêm vào nữa, bao nhiêu đó là đủ rồi.

Trong Hàn Sơn Thi tức sách ghi những bài thơ của ngài Hàn Sơn có một đoạn nói rằng: “Thượng nhân tâm bén nhạy, một nghe liền biết diệu. Trung lưu tâm thanh tịnh, nghĩ xét cho quan trọng. Hạ sĩ chậm ngu si, cứng dày khó xé vỡ, đợi đến máu đầy đầu, mới biết tự trừ dẹp”. Ý câu trên nói người tâm bậc thượng bén nhạy, một khi nghe liền nhận biết được chỗ diệu, không kẹt trên ngôn ngữ. Hàng trung lưu thì tâm cũng thanh tịnh, nhưng mà nghĩ xét cho đó quan trọng nên còn chậm. Còn hàng hạ sĩ thì chậm hơn nữa, cứng dày khó xé vỡ nên phải đợi máu đầy đầu thì mới trừ mới dẹp. Như vậy, Ngài cũng nói là bậc nhanh nhẹn vừa nghe liền thấu đến chỗ chân thật, không mắc kẹt và bám theo ngôn ngữ chữ nghĩa trở thành che ngại.

“Áo bẩn trong lòng hãy vứt đi, Khoe chi tinh tấn bên ngoài ấy”. Đó là chỗ sống thực, quan trọng là thực chất bên trong. Cái hay nhất là hãy cởi bỏ phiền não, nhiễm ô chất chứa trong lòng, tức là hãy vứt đi tình chấp làm che ngại chân tánh, đó mới là việc làm thiết thực. Còn tâm bụi đóng đầy không lau quét mà cứ lo phô trương khoe cái hình thức bên ngoài để che mắt người thì có được cái gì? Tinh tấn bên ngoài cũng là hình thức phô bày cái ngã, không phải là chơn tinh tấn, thanh tịnh trong lòng mới thật sự là chơn tinh tấn. Việc này, phải giải thoát ngay tự tâm, niệm niệm lìa tướng mới là thật tinh tấn.

Trong Uyển Lăng Lục của thiền sư Hoàng Bá có đoạn Ngài đặt câu hỏi: “Thế nào là tinh tấn?” Đáp: “Thân tâm không khởi ấy là đệ nhất tinh tấn, còn vừa khởi tâm hướng ngoại tìm cầu thì gọi là Ca-lợi-vương, gọi là Di hầu yêu bọt”. Ngài nói thân tâm không khởi thì đó là đệ nhất tinh tấn, còn khởi tâm hướng ra ngoài gọi là vua Ca-lợi chặt đứt thân thể của Tiên Nhẫn nhục, hoặc là khỉ, vượn theo bóng theo bọt. Phải ngay thân tâm này lìa tướng, không lay động theo duyên đó mới thật là tinh tấn, là chỗ chư Tổ khen ngợi.

Đây là chỗ mỗi người chúng ta tự kiểm lại để thực sống với việc làm chân thật của mình, vứt bỏ manh áo bẩn trong lòng, chớ chất chứa bụi đất rác rến gai góc vì những cái đó tự che lấp bản tánh thanh tịnh của mỗi người. Như vậy không cần nói tinh tấn mà cũng chính là tinh tấn rồi, khỏi cần phải khoe gì hết! Đó là lẽ thật.

CHÁNH VĂN:

15-Tòng tha báng, nhậm tha phi,

      Bả hỏa thiêu thiên đồ tự bì.

      Ngã văn kháp tợ ẩm cam lộ,

      Tiêu dung đốn nhập bất tư nghì.

***

15- Mặc người báng, mặc người chê,

      Cầm lửa đốt trời tự nhọc ghê!

      Ta nghe như uống cam lồ vậy,

      Tan hết vào trong chẳng nghĩ nghì.

GIẢNG:

Sư nói khi nghe lời chê bai phỉ báng giống như uống nước cam lồ, nó tan hết vào trong chỗ bất tư nghì. Mặc cho ai đó phỉ báng, chê bai nhưng trong tâm Sư rỗng rang, tất cả đều không thọ, không dính dáng thì sự phỉ báng chê bai đó cũng giống như cầm lửa đốt trời. Làm sao mà đốt tới trời được? Chỉ là tự nhọc nhằn tự phí công, có khi còn cháy trở lại cái tay của người cầm nữa.

Sở dĩ người đến ta phỉ báng, chê bai tức là họ muốn cho chúng ta bực tức, khó chịu. Đây giống hệt cái bẫy, nếu chúng ta hiểu đạo lý thì không thọ, không dính tức không để rơi vào bẫy của họ, như vậy là họ tự nhọc. Còn họ phỉ báng chê bai mà chúng ta bực tức khó chịu tức là rơi vào bẫy của người.

Giống như câu chuyện ngày xưa, có nhóm ngoại đạo nghe Đức Phật đại từ bi, mới đến chửi mắng thử. Phật im lặng không nói. Sau đó, người kia hỏi Phật sao không trả lời, lúc đó Phật hỏi lại: “Giả sử nhà ông có lễ tiệc mời bạn bè người thân đến, ông đem lễ vật tặng cho người, nhưng người không nhận thì lễ vật đó về ai?” Người kia đáp: “Tôi đem lễ vật tặng, nếu không nhận thì tôi đem về, thuộc về tôi chứ của ai nữa!” Đức Phật nói: “Cũng vậy! Ông chửi mắng Ta, Ta không nhận thì quả đó trở về ông”. Ngoại đạo mắng Phật, Phật không nhận thì quả báo đó sẽ trở lại ngoại đạo. Gieo khẩu nghiệp ác thì nhận cái ác đó về cho mình.

Cũng vậy, Sư nói người phỉ báng mà ta không nhận thì giống như người cầm lửa đốt trời chỉ tự nhọc thôi! Sự thật thì lời phỉ báng chê bai cũng chỉ là chê bai ngã tướng này, chứ gì! Chê là chê ngã tướng này, phỉ báng cái ngã tướng này, chứ làm sao chê được cái chân thật kia. Con người chân thật hay pháp thân kia đâu thể phỉ báng, chê bai được.

Như chỗ thiền sư Huyền Giác đã nói ở phần đầu: “Anh thấy chăng!” Chỗ đó thì làm sao chê, làm sao mà phỉ báng tới? Do chúng ta chấp cái ngã này mới dính kẹt, còn thấy được chỗ kia thì dù có bị chê bai phỉ báng cách mấy cũng không dính dáng tới con người chân thật được. Trên lẽ thật, những người phỉ báng chê bai là còn nhiều vô minh, còn sống với tâm phàm thì họ làm sao thấy được chỗ chân thật kia mà phỉ báng chê bai. Thế nên, sống được trong đó thì những lời chê bai phỉ báng tự nó sẽ tan vào chỗ không thể nghĩ bàn, không để lại dấu vết gì trong tâm, tức gọi là tâm tự tại, cũng gọi là Quán Tự Tại, như vậy Bồ-tát thường ở trong lòng.

Thiền sư Huyền Giác nói là khi nghe lời phỉ báng giống uống nước cam lồ vậy thôi, điều này đúng là chỗ mà mỗi người chúng ta không ai dám tự mãn. Việc nghe người phỉ báng mà giống như uống nước cam lồ để nó tan hết vào trong chỗ chẳng nghĩ bàn là việc hiện tại chúng ta còn đang học chứ chưa làm được.

Đây chính tinh thần phá ngã triệt để, phải sạch hết dấu vết của cái ta này thì mới làm được. Bởi vì phỉ báng là phỉ báng ai? Rồi chê bai là chê bai ai? Vì có “Ai” nên mới thành ngăn ngại! Có ai tức là có ta, vì có ta mới có chướng. Nếu như không có ai tức là không có ta, thì đúng là phỉ báng chê bai vào trong hư không, giống như cầm lửa đốt trời. Còn có ai thì có người đốt, có người để đốt thành ra có ngăn ngại. Đến đây xem như là sạch dấu vết của cái ta này, tức là không còn có ai thì tự nó sẽ tan vào không, vào chỗ chẳng nghĩ bàn, đó là lẽ thật, và cũng là chỗ chúng ta cần phải học nhiều, học mãi. Nếu ai bảo tôi đã học “Chứng Đạo Ca” rồi, không cần phải học nữa, nói như vậy tức là tự mãn. Phải tự kiểm lại chắc chắn là mình đã học được chưa? Nếu có học thì cũng trên chữ nghĩa, còn sự học mà Sư dạy đây là phải học sống thực. Thí dụ như ngay điểm này chúng ta đã làm được chưa? Nếu chưa, thì chưa học hết, còn phải học nhiều và học nhiều nữa.

CHÁNH VĂN:

16- Quán ác ngôn thị công đức,

      Thử tắc thành ngô thiện tri thức.

      Bất nhân san báng khởi oan thân,

      Hà biểu vô sinh từ nhẫn lực.

***

16- Xem lời ác, chính công đức,

      Đây thật vì ta thiện tri thức.

      Chẳng do phỉ báng dấy oán thân,

      Sao tỏ vô sinh từ nhẫn lực.

GIẢNG:

“Xem lời ác chính công đức, đây thật vì ta thiện tri thức”. Sư nói quán lời ác chính là công đức, là thiện tri thức của chúng ta.

Nói thì dễ nhưng làm thì thật khó. Xét các lời nói ác, lời phỉ báng, lời chê bai là đem lại công đức cho mình, là thiện tri thức của mình, thật khó làm. Mà Sư nói nếu được như vậy mới thực là chỗ của người chứng đạo.

Chính nhờ có người dám nói lời phỉ báng… mới làm thành sức nhẫn nhục cho chúng ta, mới dạy cho chúng ta thấy còn tức giận buồn phiền hay không? Tức là đem lại công đức cho mình, là thiện tri thức của mình chứ gì! Nếu không ai làm vậy thì làm sao biết để dạy cho mình sức từ nhẫn. Chính đó là thiện tri thức nghịch hạnh dạy mình!

Nếu ai cũng khen ngợi, tâng bốc hết thì làm sao biết sức nhẫn của mình đến đâu! Nhờ có người dám tạo sức nhẫn cho chúng ta, giúp chúng ta thấy được những chỗ còn yếu để chỉnh đốn thêm. Đây coi như là dạy cách quán về nghịch cảnh để chuyển thành thuận cảnh. Nếu trên đường tu gặp cái gì cũng thuận hết, tưởng đâu mình được rồi thì cũng dễ sinh kiêu mạn.

Bởi vì cuộc sống thế gian này luôn luôn tương đối chứ không bao giờ tuyệt đối, không bao giờ thuận hết. Có lúc thuận nhưng cũng có lúc nghịch, nếu chúng ta không chuẩn bị đến khi gặp nghịch cảnh đến chịu không nổi. Người khéo biết tu thì không có nghịch, mà nghịch hay thuận đều do tâm của mình. Phải thấy được điều đó, chớ không thì đổ lỗi cho hoàn cảnh.

Cũng cùng là cảnh, nếu người không biết tu thì thấy đó là ác ma đến phá làm chúng ta khó tu, còn nếu khéo biết chuyển thì đem lại công đức cho mình, đó là thiện tri thức của mình, và là cảnh thuận. Thuận nghịch tùy tâm người thôi. Nếu thấy được như vậy thì đâu có kẻ thù? Người chửi mắng mình là thiện tri thức, đem lại công đức cho mình thì đâu phải kẻ thù, và như vậy thì chúng ta mới thấy công đức ở chung quanh chúng ta rất nhiều, không cần phải tốn công tìm cầu nơi khác.

 “Chẳng do phỉ báng dấy oán thân, sao tỏ vô sinh từ nhẫn lực?” Đây là thiền sư Huyền Giác chỉ chúng ta thấy rõ đâu là công đức, đâu là thiện tri thức, dù bị chê bai cũng không oán giận, lòng vẫn thản nhiên không dấy niệm. Nếu không được như vậy thì làm sao sáng tỏ được sức từ bi nhẫn nhục, sức vô sinh từ nhẫn của chính mình. Vô sinh nhẫn tức là đối với cảnh tâm không sinh ưa ghét, đâu phải chỉ học chữ nghĩa thôi! Nếu không đối cảnh thì làm sao chứng thực được vô sinh

Đại sư Patrul thuộc phái Đại Thành ở Tây Tạng là bậc đạt đạo và có cuộc sống khác thường. Ngài ăn mặc tầm thường một mình âm thầm đi khắp nơi, khiến ít ai để ý. Có lần trên đường rong ruổi đây đó, Ngài nghe nói đến một vị ẩn sĩ tu trong hang núi hơn chục năm, liền tìm đến. Không báo trước, Ngài đột ngột đi thẳng vào trong hang động, ngồi cạnh ẩn sĩ cười nói giống như thân thiện lắm.

Vị ẩn sĩ hỏi:

- Ngươi là ai? Từ đâu đến và đi về đâu trong xứ sở trơ trụi này?

 Ngài đáp:

- Tôi đến từ sau lưng tôi, và tôi đi về phía trước tôi.

Vị ẩn sĩ hỏi:

- Thế thì ngươi sinh ở đâu?

Ngài đáp:

- Sinh ở trên trái đất này.

 Vị ẩn sĩ hơi mất kiên nhẫn, liền hỏi lớn:

- Vậy thì ngươi hãy nói tên ngươi cho ta nghe.

Ngài nói:

- Vô tích sự.

 Sau đó, Ngài hỏi lại vị ẩn sĩ:

- Tại sao lại ẩn cư trong chốn thâm sơn cùng cốc này?

 Vị ẩn sĩ hãnh diện đáp:

- Ta ngồi đây đã hai mươi năm để thiền quán và tu tập hạnh nhẫn nhục.

Nghe xong, Ngài nói:

- Vậy thì đáng khâm phục. Rồi mới kề môi vào lỗ tai vị ẩn sĩ nói:

- Nhưng mà hai kẻ già đầu như chúng ta đều thừa biết rằng chẳng bao giờ đạt được cái đó, phải không nào?”

Vị ẩn sĩ chịu hết nổi liền đứng bật dậy bảo:

- Ngươi muốn gì mà lại đến quấy rầy ta một cách thô bỉ như vậy, ngươi là ai lại dám không kính nể ta?

 Ngài nói:

- À! Vâng! Chúng ta là ai, bạn và tôi và như vậy cái hạnh gọi là hạnh nhẫn nhục của bạn đâu rồi?

                      (Sư Tử Tuyết Bờm Xanh - Nguyễn Tường Bách dịch).

Vị ẩn sĩ tu hạnh nhẫn nhục gần hai mươi năm, nhưng đến đây đã biểu lộ mất sức nhẫn nhục.

Học đến đây, nhắc nhở chúng ta kiểm tra lại để thấy hổ thẹn sức nhẫn của mình, nhờ có hổ thẹn chúng ta mới cố gắng tu tiến mà không dám tự hào, nếu thực sự có sức nhẫn thì dù bị ai làm nhục chúng ta vẫn không sinh tâm.

Thí dụ như câu chuyện Bồ-tát Đề-bà cảm hóa rất nhiều đệ tử ngoại đạo quy y theo Ngài, nên chúng ngoại đạo oán hận. Do đó, ngoại đạo tìm cách hại Ngài. Một hôm rình thấy Ngài đi lại một mình trong rừng, liền xách đao chạy đến uy hiếp Ngài rồi mổ bụng. Ngũ tạng trong thân Ngài lòi ra bên ngoài nhưng vẫn chưa chết, lúc đó Ngài nhìn ngoại đạo với tâm thương hại nói: “Ta có y bát để chỗ kia, ngươi hãy đến lấy, rồi chạy lên núi gấp, đi đường núi chứ đừng đi đường bằng, đệ tử của ta chưa được pháp nhẫn, sẽ bắt ngươi giải đến quan để chịu tội”.

 Như vậy chúng ta thấy rõ Ngài bị người giết hại mà vẫn còn sinh tâm thương xót, rồi còn chỉ chỗ để y bát, chỉ con đường trốn tránh. Đó mới thực là sức từ nhẫn.

Khi các đệ tử của Ngài nghe tin chạy đến, nhiều người tức giận nên cố rượt theo đuổi bắt, nhưng Ngài ngăn lại và khai thị cho đệ tử: “Lẽ thực các pháp chính là ở chỗ không có người thọ, không có người hại. Thân ai? Oán ai? Giết ai? Hại ai?”.

 Tức là lẽ thực của các pháp thì không có người thọ, cũng không có người hại, không thân không oán ai, không có ai bị giết hại, đó là không có người cũng không có ta.

“Các bọn bị si độc lừa dối xằng bậy nảy sinh trước kiến mà gào khóc, trồng căn bất thiện. Người bị hại kia là ở nghiệp báo, không phải hại ta. Các con phải suy nghĩ thận trọng, đừng đem cái cuồng đuổi theo cái cuồng, đem cái thương buồn cho cái thương”. Dặn dò xong, Ngài liền thị tịch.

Đó mới chính là sức từ nhẫn vô sinh. Ngay khi gặp cảnh nghịch mà vẫn đủ sức từ bi nhẫn nhục, không ôm hờn kết oán, còn khởi tâm thương xót trở lại, thể hiện thực sự đầy đủ sức từ nhẫn vô sinh.

Đó cũng là cái gốc để quên cái ta này, không còn cái ngã này. Ngài thấy đâu có người hại, đâu có người bị hại, việc hại đó chỉ là hại cái nghiệp báo thôi chứ không phải là hại Ngài, không có cái ta bị hại, thì còn ai để mà kết oán kết hờn. Đây là tấm gương nhắc nhở chúng ta, là chỗ chúng ta cần phải học suốt đời.

Như chuyện kể về tiền thân Đức Phật làm Tiên Nhẫn nhục vô cớ bị Vua Ca-lợi chặt đứt tay chân, nhưng Ngài vẫn không sinh niệm oán giận, còn thề nguyện là sau này thành Phật sẽ độ cho ông trước nhất.

Trong kinh Pháp Hoa, Phật cũng từng bảo Đề-bà Đạt-đa là thiện tri thức của Phật. Nhờ Đề-bà Đạt-đa mà Ngài sớm thành tựu Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác. Lúc còn tu hành Bồ-tát hạnh, Phật thường bị Đề-bà Đạt-đa theo phá, nhưng cũng nhờ vậy mà Phật mới sớm thành tựu. Ngài còn thọ ký cho Đề-bà Đạt-đa về sau cũng thành Phật.

Nếu chúng ta nương đây để soi trở lại cuộc sống chính mình, sẽ cởi mở được rất nhiều tình chấp, giải tỏa được rất nhiều những oán kết và cuộc sống sẽ gần gũi với nhau hơn. Vì đâu có oán ai! Thấy người gây nghịch cho mình là thiện tri thức của mình, như vậy càng thể hiện sức từ nhẫn vô sinh nhiều hơn, nhất là khi cảnh đến mà vẫn thể hiện được thì đó mới là sức sống thật. “Xem lời ác chính là công đức, đây thực vì ta thiện tri thức”. Chúng ta sẽ thấy quanh mình rất nhiều thiện tri thức.

Bốn câu trên đem lại một sức mạnh giúp chúng ta vượt lên những cảnh nghịch để tiến thẳng trên đường đạo, giúp thêm sức sống cho mỗi người. Bởi trong cuộc sống luôn luôn có nhiều nghịch cảnh chứ không phải lúc nào cũng thuận hết. Cho nên nhờ học rồi khéo biết quán xét,  giúp chúng ta trên đường tiến tu tăng sức mạnh tiến thẳng không thối chuyển. 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 29268
  • Online: 22