Cây gậy thiền

24/04/2012 | Lượt xem: 5114

NS Hạnh Huệ

Trước khi vào đề tài CÂY GẬY THIỀN, tôi xin hỏi quý vị: “Có ai biết con vật gì mà buổi sáng đi bốn chân, buổi trưa đi hai chân và buổi chiều đi ba chân?”
Đó chính là con người. Lúc còn nhỏ, khi mới biết bò, biết lật, biết lẫy thì chúng ta bò bằng bốn chân; khi lớn lên hai ba tuổi thì chúng ta bắt đầu đi hai chân. Còn khi về già, thì chúng ta lại phải dùng thêm cây gậy là chân thứ ba để nó giúp cho chúng ta đi vững vàng. Lúc ấy, cây gậy trở nên rất quan trọng!


Dưới  thời  đức  Phật, có  một ông trưởng giả, rất giàu. Hai vợ chồng ông sinh  được bốn  người con.  Khi con cái trưởng thành, ông bà lo cho chúng yên bề gia thất. Sau người vợ qua đời. Những người con họp nhau lại để bàn tính vì họ lo sợ người cha cảm thấy cô đơn và sẽ lấy vợ khác, gia tài của cha sẽ không còn thuộc về mình nữa. Rồi bốn người con đồng lòng đến thưa với cha là nên chia hết số tài sản còn lại cho họ, họ sẽ thay phiên nhau để phụng  sự ông. Người cha nghe bùi tai nên đồng ý. Những người con chăm sóc ông chu đáo được một thời gian. Sau đó, chúng lại tỵ nạnh với nhau và đẩy cha già từ nhà người này sang người khác. Cuối cùng , vì tự ái, ông không thèm ở với đứa nào và bỏ nhà ra đi.
Ông tìm cho mình một cây gậy và đi khất thực. Trong lúc tủi thân buồn khổ, ông sực nhớ đến sa-môn Cồ-đàm là người thường hay an ủi những người già cả, cô đơn, ông bèn tìm đến đức Phật để xin Ngài giúp đỡ. Đến nơi, ông kể lể sự tình, đức Phật nghe xong bèn đọc cho ông nghe một bài kệ, dặn ông rằng khi nào có dịp Bà-la -môn hội họp trong làng , ông hãy đem bài kệ này ra đọc.
Một hôm, đúng dịp làng hội họp, sau khi mọi người bàn luận xong , ông mới đứng lên kể trường hợp của mình, rồi đọc bài kệ:
Chúng là những đứa con,
Khi sanh ra tôi mừng , tôi hy vọng.
Vậy mà khi nghe lời vợ xúi giục,
Chúng đuổi tôi như đuổi một con chó.
Chúng gọi tôi cha thân yêu,
Thật ác độc và vô ích. Quỷ đội lốt con trai,
Chúng bỏ tôi khi tuổi già như bỏ đói con ngựa già vô dụng.
Làm cha một lũ ngu phải đi xin ăn
lang thang từng nhà.
Một cây gậy còn tốt hơn lũ con bất hiếu.
Cây gậy còn đuổi được bò rừng , chó dữ.
Gậy dẫn đường trong đêm, đỡ chân qua vũng nước bùn lầy...

Vì luật làng xử tội nặng những đứa con bất hiếu, nên những người con của ông nghe xong tái mặt, vội đến xin ông tha thứ lỗi lầm. Từ đó, bốn người con ra sức chăm nom cha già. Phần ông , ông rất biết ơn đức Phật  đã dạy cho mình bài kệ này…
Trong Vô Môn Quan, tắc công án thứ 44, Ba Tiêu Huệ Thanh nói: “Ông có một cây gậy thì tôi sẽ cho ông thêm một cây gậy. Còn nếu ông không có cây gậy nào thì tôi sẽ lấy cây gậy của ông.” Và thiền sư Huệ Khai đã bình rằng:

Phù quá đoạn kiều thủy, Bạn quy vô nguyệt thôn.
Để đỡ qua khe khi cầu gãy,
Làm bạn về xóm lúc không trăng.
Nhưng nếu gọi đó là cây gậy thì

vào địa ngục nhanh như tên bắn..

Cây gậy được dùng trong những trường hợp cầu gãy, đêm tối... Nhưng tại sao lại nói nếu gọi đó là cây gậy thì vào địa ngục nhanh như tên bắn? Ý nghĩa này chỉ có trong cây gậy của nhà Thiền.
Trong nhà Thiền, các thiền sư sử dụng cây gậy rất linh hoạt.


Cây gậy trí tuệ

Mục đích của Thiền tông không gì khác hơn là nhận rõ và sống được với tâm của mình. Tâm không bao giờ rời xa mình nhưng chúng ta lại ít có cơ hội nhìn nó cho kỹ, chỉ lo chạy theo cái dụng của tâm và từ đó mới sinh ra phiền não. Nhờ có tâm nên mình mới nhìn  thấy người, rồi khởi phân biệt người này đẹp, người  kia xấu, người nọ giàu, người đó nghèo… Từ đó mới sinh tiếp vô số vọng tưởng điên đảo:thương, giận, ghét… Như vậy, điên đảo bắt nguồn từ tư tưởng, nếu không có tư tưởng thì không có điên đảo và tu thiền là để nhận rõ và chấm dứt những điên đảo này.
Trong  Tây Du Ký,  Tam Tạng  đi thỉnh kinh lúc đầu mới độ được Tôn Ngộ Không. Trên đường đi, hai thầy trò gặp sáu tên cướp. Tam Tạng rất lo sợ. Ngộ Không cầm cây thiết bảng – cây gậy sắt - đến hỏi tên mấy đứa này. Chúng tự xưng tên là: Thấy thì mừng , Nghe  thì giận, Ngửi  thì thích,  Nếm thì khoái, Thân thì lo, Ý thì nghĩ. Té ra, sáu tên giặc này tượng trưng cho sáu thức hay còn gọi là lục tình. Sau khi nghe xong tên của bọn chúng , Tôn Hành  Giả cười và bảo rằng :
- Tưởng gì, chúng mày không biết những người đi tu là chủ nhân ông của chúng mày hay sao?
Sáu thức này từ tâm mà ra. Như vậy Tâm chính là cha, là chủ nhân ông của  sáu thức. Cho nên khi bọn cướp đòi chia
của, thì Tôn Hành Giả đã trả lời:
- Tụi bây phải mang của ra đây chia lại cho ta.
Theo kinh A-hàm, Phật dạy trong tâm chúng ta có mười tên giặc (Thập triền, Thập sử), nó ăn cướp  gia bảo của mình mang đi, nhưng thực chất nó cũng chính là người trong nhà. Khi sáu căn của chúng ta tiếp xúc với sáu trần, tâm khởi phân biệt thành sáu thức. Nếu không có sáu thức làm nội ứng thì sáu trần bên ngoài không thể tác động đến chúng ta. Chẳng hạn như mình không có tâm thích đồng hồ, bông hồng... thì cảnh bên ngoài có đến, mình cũng dửng dưng.
Nghe Tôn Hành Giả nói như vậy, thì sáu tên ăn cướp kia không chịu, bèn xông vào đánh Tôn Hành Giả. Tôn Hành Giả bèn lấy gậy đập cho bọn chúng chết hết. Tam Tạng thấy vậy thất kinh không chịu nổi,  đòi đuổi Tôn Hành Giả đi vì cho
rằng giết hết như vậy là không có lòng từ bi. Về sau, Phật Quan Âm bèn cho Tam Tạng chiếc vòng Kim cô niềng đầu Hành  Giả để cho bớt “hăng”.
Thật lạ cho ông thầy Tam Tạng này! Nhưng mình sẽ thông cảm ngay khi biết Tam Tạng này không phải là cao tăng bên nước Đại Đường đi thỉnh kinh, mà chính là mỗi người chúng ta mang ba kho tham, sân, si muốn trở về với bản tâm thanh tịnh. Tôn Hành Giả tượng trưng ý thức, sau khi được Phật Quan Âm độ thì ý thức này trở thành trí tuệ. Mà trí tuệ là dứt khoát, thấy là phải dẹp. Nhưng con người với đủ tham sân si, làm sao một lúc bỏ đi những thứ xưa nay mình coi trọng? Buông hết thì mình còn gì? Phải từ từ thêm “giới” (Trư Bát Giới) và “định” (Sa Tăng) kèm bên. Và sự chuyển hóa tham sân si thành giới định huệ này, thật phải trầy da tróc vảy. Trí tuệ thường đi mau hơn cái thân do tập khí, nghiệp thức của
mình. Cũng như chúng ta học hiểu hết đạo lý, biết cái gì phải, cái gì trái, nhưng có những cái mình biết không phải mà mình không bỏ được. Ví dụ như ngày rằm chúng ta ăn chay. Nhưng nếu lỡ có đám tiệc mời mình trùng vào ngày đó, mình thường không dứt khoát là hôm nay tôi ăn chay, tôi không dự, mà thường phải ngã mặn vì những lý do bất khả kháng, rồi mai ăn chay lại bù (!). Trí của chúng ta đi rất mau. Cái trí có thể đi tới cõi Phật một ngày năm sáu chục lần cũng được. Còn thân chúng ta thì rất chậm chạp. Có thể là đi từ trẻ đến già, thậm chí có khi chết rồi sanh trở lại nữa nhưng vẫn cứ ì ạch. Cho nên, nếu chúng ta có được cái dứt khoát, bất cứ tư tưởng nào vừa khởi lên là mình dẹp liền thì sẽ thành đạo rất mau.
Cây gậy của Tôn Hành Giả còn đập chết Bạch Cốt phu nhân. Bởi vì con mắt của trí tuệ nhìn sự vật không giống mình. Chúng ta nhìn thấy người đẹp, người trẻ, người già, nam, nữ... Nhưng dưới mắt trí tuệ thì tất cả chỉ là một bộ xương khô. Chúng ta phải nhìn cho thật sâu vào trong bản thể của tất cả mọi sự, biết được tính chất vô thường rỗng không của chúng, thì mọi ham muốn sẽ tiêu tan, nếu không mình sẽ bị nhiều thứ vây khốn. Chúng ta cần phải có cây gậy trí tuệ của Ngộ Không để thấy rõ những cái duyên hợp giả tạm thì dù chúng có hấp dẫn đến đâu cũng nên cho một gậy. Tâm rất quý, là cái thân thiết nhất với mình, sống được với bản tâm thì an lạc, hạnh phúc. Cho nên chúng ta cần bỏ hết tất cả để quay trở về với bản tâm của mình. Đây là một điều hết sức quan trọng.
Bản tâm của chúng ta lại là “bản lai vô nhất vật” như Lục tổ đã nói trong bài kệ nổi tiếng của Ngài. Không có một vật gì ở trong tâm! Để vật gì vào tâm  là  chúng ta đánh mất sự trong  sáng, là khuấy động phiền não, là điên đảo. Vậy tại sao mình lại để cho những thứ không có gì bền vững, có đó rồi mất đó như vậy làm cho mình  điên đảo? Tóm lại, hãy buông hết đi! Mạnh hơn tí nữa, có thể bảo: Giết thật sạch! Chỉ có như vậy chúng ta mới sống hằng ngày trên cõi đời này rất vui, không bị rơi vào “thức tình” (tâm phân biệt). Và khi nhận ra được tâm phân biệt là khởi nguồn của mọi sự rắc rối thì những lúc chúng ta ngồi thiền, cái gì khởi lên là mình dẹp liền bằng cách nhìn nó cho kỹ để nó tự tan. Vì bản chất của vọng tưởng là không, nên mình không cần phải  đuổi dẹp nó,  nhưng cần phải biết để khỏi phiền não nữa. Kinh Kim Cang nói: “Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc”. Hiện tại không có vì mỗi tích tắc qua đều là quá khứ rồi. Mà một người sống động thì không phải sống với quá khứ. Quá khứ là những cái chết  rồi. Nếu chúng ta cứ bám vào những tư
tưởng, ngôn ngữ, hình bóng... của quá khứ tức là mình đang sống với những xác chết, trong khi cuộc đời cứ đổi mới hoài hoài. Cho nên tu tức là nhìn thấy tất cả là như vậy đó. Tất cả đều trôi qua, không có gì để phiền  não hết. Trần Thái Tông có hai câu thơ:

Vạn sự thủy lưu thủy
Bách niên tâm ngữ tâm.
Trăm năm lòng tự nhủ lòng
Sự đời muôn việc như dòng nước xuôi. Chúng ta cần  phải tự nhắc nhở mình, luôn nhớ là trên cõi đời này mọi việc đều như huyễn, như mộng. Tất cả rồi sẽ trôi qua, trôi qua... Và nếu như chúng ta luôn biết sống với cái tâm mới mẻ từng giây phút thì mình sẽ không bao giờ già, dù đầu mình tóc có bạc, người mình có thể chống gậy nhưng tâm chúng ta vẫn rất là hồn nhiên, trẻ thơ – một cái tâm bất tử. Chúng ta phải  để tâm làm chủ mọi sự, đừng đi vào ngõ ngách của quá khứ, hay mơ màng tới tương lai mà chỉ sống với hiện tại như nó đang là.
Vì muốn dứt hết các vọng tưởng điên đảo  cho  nên các thiền sư mới dùng cây gậy để hễ ai đến hỏi những điều lôi thôi là các ngài phang cho một gậy, bặt hết vọng tưởng. Các ngài đã “xài” cây gậy với nhiều dụng ý.

Cây gậy chặt  đứt vọng tưởng

* Đức Sơn đưa gậy lên và nói:
- Hôm nay không có đáp thoại, ai nói được cho hai mươi gậy. Ai không nói được cũng cho hai mươi gậy.
Có một ông tăng mới ra đảnh lễ, chưa nói gì đã bị Ngài đập cho một gậy. Vị tăng đó thưa:
- Sao con chưa nói gì hết mà Hòa thượng đánh con?
Đức Sơn trả lời:
- Đợi ông nói thì đâu có kịp.
Như vậy, Ngài đánh là để chặn cho đừng nói, để mình nhận ra được cái trước khi mở miệng, bởi vì nói là đã rơi vào thức tình rồi.

*  Khâm Sơn Văn Thúy,  Tuyết Phong, Nham Đầu cùng học với ngài Đức Sơn. Tuyết Phong, Nham Đầu đã ngộ đạo, chỉ còn Văn Thúy nhiều lần cố gắng nhưng vẫn không ngộ được. Một hôm, Sư lên hỏi ngài Đức Sơn:
- Bạch thầy, ngài Đạo Ngô, Long Đàm cũng nói như vậy, không biết Hòa thượng nói sao?
Ngài Đức Sơn bảo:
- Ngài Đạo Ngô, Long Đàm nói sao, ông nói ta nghe thử xem.
Văn Thúy vừa mở miệng định nói thì bị ngài Đức Sơn đánh cho một gậy thiệt đau. Văn Thúy lễ bái xuống than với hai vị kia rằng:
- Hòa thượng đánh đau quá!
Tuyết Phong bèn trả lời liền:
- Nếu ông nói như vậy thì ông không được bảo là mình kế thừa Hòa thượng. Thầy đánh ông là cố để cho ông rơi rụng mọi vọng tình mà ông lại còn nói là đánh đau hay không đau.

Cây gậy là cảnh

Trở lại với câu nói của ngài Ba Tiêu ở trên: “Ai có cây gậy, tôi cho người đó cây gậy. Ai không có, tôi lấy cây gậy người đó”. Tại sao Ngài lại nói như vậy?
Các thiền sư khi đưa gậy lên là cốt nhắc nhở mọi người nhớ tới “chủ nhân ông”, gọi là kiến sắc minh  tâm.  Cây gậy trong tay các thiền sư biến hóa vô lượng, vô biên.
Cây gậy đó có thể là một ngón tay. Như Hòa thượng Câu Chi mỗi lần ai đến hỏi đạo, Ngài chỉ giơ một ngón tay lên và tuyên bố rằng: “Từ khi có ngón tay của Hòa thượng  Thiên  Long rồi, xài hoài không hết”.
Giảng đạo không cần phải nói ra rả, các thiền sư ngày xưa chỉ cần đưa gậy lên.
Cây gậy có thể trở thành đóa hoa sen trong tay đức Phật, cũng có thể trở thành cây quạt, đôi dép, chiếc xe hay một cô gái đẹp... bởi vì nó tượng trưng cho cảnh. Mà cảnh thì có thiên hình vạn trạng. Mỗi người sẽ gặp một cảnh riêng và sẽ bị chi phối một cách khác nhau. Nhưng nếu mình biết tất cả đều là cảnh thì mọi sự cũng chỉ là một cây gậy mà thôi. Sống được với bản tâm của mình, nghĩa là biết chủ nhân, chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung để thông cảm nhưng không đồng hóa với người khác, hoặc bắt họ giống như mình. Chúng ta sẽ nhìn mọi sự như thị, tức là nhân như thế này, duyên như thế này thì quả như thế đó.
Hiểu được như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận phần nào các công án trong  nhà thiền.

* Ngài Vân Môn đưa cây gậy lên và nói:
- Toàn thể núi sông, thế giới đều nằm ở trong cây gậy này, tha cho sống hoặc là bắt chết.
Một vị tăng liền hỏi:
- Thế nào là bắt chết?
Ngài trả lời:
- Nó đang chết.
Vị tăng hỏi thêm:
- Thế nào là cho sống?
Ngài trả lời:
- Ông lên làm chủ.
Hỏi:
- Khi không giết chết, không cho sống thì sao?
Trả lời:
- Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật.
 
* Một hôm có người đến hỏi Hòa
thượng Càn Phong:
- Mười phương chư Phật chỉ có một cửa Niết bàn. Như vậy, chỗ nào là đầu đường?
Hòa thượng Càn Phong bèn cầm cây gậy vạch lên đất, nói:
- Đây là đầu đường!


Cây gậy thành  tiếng

* Ngài Động Sơn Thủ Sơ, một hôm đi tới ngài Vân Môn để hỏi đạo. Ngài Vân Môn hỏi rằng:
- Ông từ đâu tới?
Thủ Sơ:
- Dạ, con từ Tra Độ tới.
Vân Môn:
- Vừa rồi ông nhập hạ ở đâu?
Thủ Sơ:
- Dạ, chùa Báo Từ ở Hồ Nam.
Vân Môn:
- Rời đó bao lâu?
Thủ Sơ:
- Dạ, ngày 25 tháng 8
Vân Môn:
- Tha cho ông ba mươi gậy.

Ngài Thủ Sơ rất ngạc nhiên, đảnh lễ lui ra mà không biết vì sao mình lại xém bị đòn. Cả đêm hôm đó, Ngài trằn trọc không ngủ được. Sáng hôm sau, Ngài lật đật đến hỏi Hòa thượng:
- Hôm qua, nhờ ơn Hòa thượng tha cho con ba mươi gậy. Nhưng con không biết lỗi con ở chỗ nào?
Ngài Vân Môn trả lời:
- Cái đồ túi cơm, cứ như vậy mà đi hết Giang Tây đến Hồ Nam.
Về sau, ngài Huệ Nam ở Hoàng Long hỏi đạo ngài Từ Minh. Ban đầu, ngài Từ Minh nể ngài Huệ  Nam vì Ngài rất giỏi, đã từng thuyết pháp rồi, nên cho phép ngài Huệ Nam ngồi hỏi chuyện, không cần làm lễ thầy trò.
Nhưng ngài Huệ Nam cứ hết lòng thưa thỉnh, khẩn cầu được làm lễ. Lúc bấy giờ ngài Từ Minh mới hỏi:
- Ngày xưa, Động Sơn được tha ba mươi gậy là ông đó đáng ăn gậy hay không đáng ăn gậy?
Ngài Huệ Nam trả lời rằng:
- Đáng ăn gậy.
Ngài Từ Minh bèn nghiêm sắc mặt và nói:
- Như vậy từ sáng đến tối, ngài nghe chim hót, quạ kêu... đều đáng ăn gậy hay sao?

* Ngài Thái Nguyên Phù vốn là một thiền sư rất đặc biệt nhưng Ngài không độ chúng cũng không ở chùa. Gần cuối đời, có một ông quan thỉnh Ngài về để hộ cho Ngài tu. Một hôm, Ngài nói với viên quan lời cám ơn bấy lâu đã hộ cho Ngài tu, nay sắp đi, nên Ngài xin giảng bộ kinh Niết-bàn để đáp ơn ông. Viên quan nghe nói liền dọn bàn để cho Ngài thuyết pháp. Ngài bước lên và nói:
- Tôi nghe như vầy (đập gậy xuống bàn), nhất thời Phật tại.
Nghe tiếng gậy thấy Phật hiện, tuyệt chưa!

* Ở trong nhà Thiền, về sau, hòa thượng Tổ Quyên còn phân tích thêm là cây gậy khi các thiền sư  sử dụng thường có tám trường hợp:
- Gậy thưởng
- Gậy phạt
- Gậy tha
- Gậy đoạt
- Gậy ngu si
- Gậy hàng ma
- Gậy tảo tích
- Gậy vô tình
Thông thường, cây gậy có công dụng “tảo tích”, nghĩa là “quét sạch dấu  vết” để không rơi vào tình phàm mà cũng dứt luôn thánh giải để trở về với cái tâm bình thường của mình không có chứng đắc gì cả.
Còn việc dùng gậy để đập thì ý nghĩa của “đập” tức là muốn cho toàn thân của chúng ta rơi  rụng  hết mọi chấp trước, để hiển lộ bản tâm. Nếu ai lanh lợi thì nơi cây gậy chuyển thân. Còn ai độn căn (đánh mà không hiểu) thì bị điểm trán. Cũng giống như tích truyền cá chép đến mùa phải vượt vũ môn. Con nào vượt qua không nổi bị rơi lại thì gọi là điểm trán.

* Lâm Tế hỏi Lạc Phổ:
- Một người dùng hèo mà đánh. Còn một người hét thì ông thấy người nào gần đạo hơn?
Lạc Phổ trả lời:
- Không ai gần hết.
Bởi vì “gậy” và “hét” không đưa tới đạo mà phải nương nơi “gậy” và “hét”  để nhận ra thì mới gần đạo được.
Lâm Tế hỏi tiếp:
- Thế nào mới gần?
Lạc Phổ liền hét lên một tiếng. Lâm Tế liền đập luôn Lạc Phổ một gậy.
Như trên đã nói, nhà Thiền thường nói kiến sắc minh tâm (nương nơi sắc để mà thấy tâm). Các hành giả hỏi các thiền sư:
- Xin nói thẳng, đừng có chỉ Đông, vẽ Tây.
Các thiền sư vẫn đưa gậy lên.

* Ngài Vân Môn đưa gậy lên, bảo:
- Cây gậy này, phàm phu gọi nó là gậy. Nhị  thừa phân tích nó thành không. Duyên giác thì nói  nó như huyễn. Bồ tát thì nói là đương thể tức không. Thiền sư thì cây gậy nói là cây gậy mà không được đụng đến.
Phàm phu thì thấy gì nói nấy. Thấy hoa nói hoa, thấy tượng nói tượng. Còn  Nhị thừa hay Tiểu thừa thì phân tích
tất cả các vật tuy có nhưng  vô thường,  nghĩa là sẽ bị hoại diệt thành không. Ví dụ như cái bông hồng đang tươi thắm nhưng sẽ héo úa tàn tạ, không còn là bông hồng nữa. Duyên giác thì nói như huyễn, như hóa tức là nó có đó nhưng không thật, do duyên hợp mà thành. Cuộc đời chỉ như giấc mộng. Bồ tát thì nói đương thể tức không, các ngài không phân tích, không quán  chiếu nhưng ngay đây biết đó là không. Thiền sư thì lại khác, cây gậy thì nói là cây gậy mà không được đụng. Không nói có, không  phân tích, không nói không. Vì vượt khỏi quán chiếu. Còn quán chiếu là còn nhằm trên vật mà nói. Thiền sư không động đến gậy, tức là không động đến cảnh mà chỉ nhận tâm của mình.
Trong Tứ Liệu Giản của Lâm Tế có nói, “Tâm cảnh không đến nhau.” Không đến nhau, nghĩa là không phải không thấy cảnh mà cảnh không làm  tâm khởi lên bất cứ điều gì. Ví dụ như đức Phật khi thành Phật rồi, người ta gọi con trâu, đức Phật cũng gọi là con trâu chứ không thể gọi con trâu là con chó được. Chỉ khác là người ta chấp, còn  đức Phật thì không chấp. Thiền sư cũng là những người sống trong thế gian nhưng tâm khác xa. Những  cái khiến người ta đau khổ, thì thiền sư không đau khổ. Còn những cái khiến người ta vui thiền sư không vui..., các ngài luôn giữ một tâm bình an “nhất niệm vạn niên”.

* Ông Bàng Uẩn cũng có bài kệ:

Một bầy sáu tên giặc
Đời đời lừa giết người
Nay ta rõ bây rồi
Chẳng cùng bây gần gũi
Nếu bây chẳng phục ta
Đến đâu ta cũng nói
Dạy người biết hết bây
Nếu bây biết phục ta
Ta bèn chẳng phân biệt
Cùng bây ở một chỗ
Đồng chứng vô sanh diệt.

Tâm với vọng tưởng không phải là một, cũng không phải là hai. Khi biết được vọng tưởng thì nó sẽ lặn trở về tâm, tức là “đồng chứng vô sanh diệt”. Có một vị tăng hỏi ngài Tào Sơn:
- Bậc sa-môn há chẳng phải đủ đại từ đại bi hay sao?
Ngài Tào Sơn trả lời:
- Phải.
Vị tăng hỏi tiếp:
- Gặp sáu thằng giặc đến thì sao?
Ngài trả lời:
- Cũng cần phải đủ đại từ đại bi.
Vị tăng lại hỏi:
- Thế nào đủ đại từ, đại bi?
Ngài nói:
- Dùng một gươm chém sạch.
Vị tăng hỏi:
- Khi sạch hết rồi sao?
Ngài đáp:
- Mới được hòa đồng.
Như vậy chúng ta phải luôn có cái tâm tỉnh giác để nhận ra được mọi vọng tưởng, để giết mà không giết mới gọi là đại từ, đại từ bi. Và trong đạo Phật, không phải giết bất cứ cái gì cả, chỉ có chuyển hóa mà thôi.
Nói tóm lại,  cây gậy nhà thiền có hai công dụng: Dẹp hết mọi vọng tưởng và chỉ ra chủ nhân ông. Và chúng ta tu, cũng chỉ có hai việc mà thôi:
Một là, buông hết mọi sự.
Hai là, nhận ra bản tâm thanh tịnh vốn sẵn có của mình.
 
Theo vienchieu.org  

Các bài mới

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07008
  • Online: 49