Bài 9: TẨY TỊNH - Rửa sạch

13/06/2015 | Lượt xem: 6472

Bài  9

TẨY TỊNH

(Rửa sạch)

Phật chế tịnh các thầy Tỳ kheo sau khi đại tiểu tiện xong cần phải rửa sạch, nếu trái lời Phật dạy thì mắc tội vượt pháp. Tại sao ta phải rửa sạch? Vì phân là chỗ hôi hám nhất trong cơ thể, nếu không rửa sạch thì Tăng chúng khó sống chung với nhau. Lại nữa khi rửa sạch ta quán chiếu khi thức ăn còn nằm bên ngoài thơm tho, ai ai cũng tranh giành chiếm đoạt, đến khi ra ngoài thì ai cũng biết mùi ghê tởm. Quán chiếu sâu xa về lẽ vô thường biến dịch của kiếp người cũng lại như thế! Nếu hành giả quán chiếu thường xuyên thì tâm danh lợi, tật đố, ích kỷ… sẽ giảm dần.

 

Sách Tỳ Nại Da Tạp Sự nói:

“Nếu người  không rửa như thế thì không nên nhiễu tháp hành đạo, không nên cùng chúng lễ Phật tụng Kinh. Mình không lễ người cũng không nhận người lễ, không được thọ thực, không ngồi giường Tăng, cũng không nhập chúng. Do thân bất tịnh chẳng như pháp nên hay khiến chư Thiên không sinh hoan hỷ, có trì chú đều không hiệu nghiệm. Nếu có thì mắc tội ác tác. Nếu thiết trai cúng và viết Kinh vẽ tượng mà không rửa sạch, do khinh mạn nên được phước mỏng và ít.”

Như vậy, chúng ta thấy rõ trong pháp hành Tỳ Ni, luôn luôn đặt nặng vấn đề về thân – tâm phải cho nhất như thuần nhất. Chẳng hạn như là: Khi tẩy tịnh về thân, chúng ta luôn luôn quán chiếu thực hành tẩy tịnh về tâm. Ở đây nói khi đại tiểu tiện  xong phải rửa sạch những đồ dơ uế nơi thân để khỏi tổn phước khi tụng Kinh, nhiễu tháp… song còn một điều quan trọng hơn đó là tâm, tâm  nếu không tẩy tịnh, không chuyển hóa, thì tuy mang hình tướng xuất gia mà tâm vẫn còn tật đố, ích kỷ, san tham, chuyện không nói có, chuyện có nói không, đó là chưa biết cách chuyển hóa và tẩy tịnh về tâm. Người xưa chỉ cần nghe hai chữ danh lợi còn phải xuống sông rửa tai, huống nữa chúng ta là người tu đạo xuất thế! Nên trong bài Tỳ Ni này, Phật dạy tẩy tịnh nơi thân tâm cho được thuần nhất vậy! Do đó đại tiểu tiện xong rồi, đến lúc lấy nước rửa, tụng bài kệ chú rằng:

Sự ngật tựu thủy

Đương nguyện chúng sanh

Xuất thế pháp trung

Tốc tật nhi vãng.

Án, thất lỵ bà hê sa ha (Tam biến)

Nghĩa:

Việc xong đến nước

Cầu cho chúng sanh

Cấp tốc đi vào

Trong pháp xuất thế.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ chín. Bài kệ này nói lên tinh thần xuất thế gian pháp. Song muốn thể nhập pháp xuất thế gian thì chúng ta phả dùng nước “Công đức” để chuyển hóa nghiệp tập tham, sân, si từ vô lượng kiếp! Mà công đức này phải tu tập từ bên trong, chứ không phải bố thí cúng dường mà chuyển hóa được! Bố thí cúng dường chỉ là phước điền, trợ duyên cho chúng ta trên bước đường tu tập. Còn chuyển hóa nội tâm tẩy trừ cấu uế tham, sân, tật đố… thì phải dùng đến nước công đức.

Nên vua Võ đế hỏi Tổ Đạt Ma:

“- Trẫm từ khi lên ngôi đến nay thường cất chùa, chép Kinh độ Tăng Ni, không biết bao nhiêu. Vậy có công đức gì chăng?

Ngài đáp: - Đều không công đức.

- Tại sao không công đức?

- Bởi vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo nhỏ ở cõi người, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.

- Thế nào là công đức chơn thật?

- Trí thanh tịnh tròn mầu, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu”.

Như vậy, chúng ta thấy rõ: Muốn thể nhập vào pháp xuất thế, ta phải tu tập nơi tự thân chính mình, luôn luôn  phản quan lại nơi tự tâm là yếu chỉ của thiền vậy!

Nên một hôm vua Nhân Tông hỏi Tuệ Trung Thượng Sĩ:

“- Thế nào là yếu chỉ của thiền?

Thượng sĩ nói: - Phản quan tự kỷ bốn phận sự bất tùng tha đắc”.

          Nghĩa là soi sáng lại chính mình là việc gốc chẳng từ bên ngoài mà được.

Vì thế bài kệ Tỳ Ni này nói lên tinh thần xuyên suốt từ chư Phật đến chư Tổ là phải dùng đến nước “Công đức” mà tẩy tịnh thâm tâm cho được thuần nhất, để tẩy rửa cấu uế tham dục từ nội tâm. Ta phải rõ biết nước “Công đức” là nước gì? Phải thực tập như thế nào? Đó là bí yếu của tẩy rửa vậy!

Pháp Bảo Đàn Kinh, phẩm Nghi Vấn, Tổ dạy:

“Một hôm Thứ Sử thưa:

- Đệ tử nghe Tổ Đạt Ma khi mới đến vua Lương Võ Đế. Võ Đế hỏi: “Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?”. Tổ Đạt Ma bảo: “Thật không có công đức”. Đệ tử chưa thấu được lẽ này, cúi mong Hòa Thượng vì nói!

Tổ bảo:

- Thật không có công đức! Chớ nghi lời của bậc Tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, không biết chánh pháp, cất chùa độ Tăng, bố thí, thiết trai đó gọi là cầu phước, chớ không thể đem phước đổi làm công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, không phải do tu phước mà có được.

Tổ lại nói:

- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức, mỗi niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, diệu dụng chơn thật gọi là công đức. Trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài hành lễ phép là đức; tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức; không lìa trợ tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ y đây mà tạo là chân công đức. Nếu người tu công đức, tâm tức không có khinh, thường hành khắp kỉnh. Tâm thường khinh người, ngô ngã không dứt tức là không công, tự tánh hư vọng không thật tức tự không đức, vì ngô ngã tự đại thường khinh tất cả. Này Thiện tri thức! mỗi niệm không có gián đoạn là công, tâm hành ngay thẳng là đức, tự tu tánh là công, tự tu nhân là đức. Này Thiện tri thức, công đức phải là nơi tự tánh mà thấy, không phải do bố thí cúng dường mà cầu được. Ấy là phước đức cùng với công đức khác nhau. Võ Đế không biết chân lý, không phải Tổ sư ta có lỗi”.

Đây Tổ dạy về công đức Pháp thân. Nghĩa là công đức này phải huân tu tự thâm chứng, chứ không hướng ngoại tìm cầu. Muốn thâm nhập pháp xuất thế, hành giả phải lấy nước công đức mà tẩy tịnh thì mới tiêu trừ nghiệp tập tham, sân, tật đố vô lượng kiếp đến nay.

Do đó nói: “Việc xong đến nước” vì bản chất của nước là nhu nhuyến thuần nhất, ở trên cao cũng được, xuống thấp cũng được, nước tuy là giọt nhỏ mà có thể xuyên thủng bờ đê, phá hủy núi lớn. Cũng vậy dùng giọt nước công đức Pháp thân, tẩy rửa phẫn dơ tam độc, tập nhiễm tật đố, ích kỷ, ghen ghét người hiền tài nên trừ, thì quả Diệu giác chóng qua, sáu độ tròn đủ. Nguyện tất cả chúng sanh được nước pháp công đức của Như Lai, tẩy rửa phẫn dơ từ vô thỉ, khế hợp tâm cơ máy mầu của Phật Tổ, chóng liễu pháp vô sanh, ra khỏi ba cõi đồng thoát luân hồi, bi nguyện độ sanh không dứt. Muốn được như thế thì phải:

Việc xong đến nước

Nguyện cho chúng sanh

Cấp tốc đi vào

Trong pháp xuất thế.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 33651
  • Online: 12