Bài 18: ĐĂNG ĐẠO TRÀNG (Lên đạo tràng)

31/05/2015 | Lượt xem: 4174

Bài 18

ĐĂNG ĐẠO TRÀNG

(Lên đạo tràng)

 

Đạo tràng: tiếng Phạn là Bồ đề man noa la. Những nơi thường gọi đạo tràng là:

  1. Chỗ Phật thành đạo.
  2. Chỗ thuyết pháp.
  3. Chỗ cúng dường Phật.
  4. Chỗ Thánh chúng tụ tập hội họp.
  5. Chỗ học đạo.
  6. Chỗ hành pháp… đều gọi là đạo tràng.

 

Kinh nói:

“Lúc  lên đạo tràng nên đủ oai nghi, trong lòng tàm quý, giữ ý cung kính, hai mắt nhìn xuống thấp, nhất tâm nhờ Phật. Chẳng được nói cười ồn ào, đàm luận việc đời. Để hộ pháp thiên thần và phi nhân… khởi nghe những điều hý luận mà sinh tâm bất bình khinh bỉ, khởi niệm sân”.

Trong Tinh Vân Thiền Thoại có ghi:

“Khi Thiền sư Phật Quang thuyết pháp, khai thị tiếp tâm cho học Tăng đều ngồi trên bảo tòa trong pháp đường. Cho nên bảo tòa này, trong tầm mắt của đại chúng toàn chùa là tượng trưng cho “Pháp”, tiêu  biểu cho “ngộ”. Do đó, bảo tòa này còn gọi là “pháp tòa”.

Có một lần, Thiền sư Phật Quang nhận lời mời đến phương Nam hoằng pháp, vắng chùa suốt mấy ngày. Mỗi ngày thị giả vẫn lau quét pháp đường như thường lệ, nhất là bảo tòa của Thiền sư Phật Quang càng lau kỹ không để dính một hạt bụi.

Một hôm, sau khi dâng hương xong, thị giả vô cùng kinh ngạc, phát hiện thầy Tri khách đang ngồi chễm chệ trên bảo tòa của Thiền sư Phật Quang nói chuyện với Phật tử. Nhưng vì đối phương là thầy Tri khách, cho nên thị giả không dám biểu lộ gì cả, chỉ bực bội trong lòng thôi.

Đến giờ ăn chiều, thầy Duy na cũng rất tự nhiên đến bảo tòa ngồi nhắm mắt tham thiền, thị giả trông thấy càng không bằng lòng, thầm nghĩ: Đó là bảo tòa của Thiền Sư! Sao không tôn trọng như thế?

Liên tiếp mấy ngày, thầy Y bất, thầy Điện chủ, thầy Hương đăng… thường mượn cớ tiếp khách tại pháp đường và cũng rất tự nhiên an tọa trên bảo tòa của Thiền sư Phật Quang.

Một hôm, lau quét điện xong, thị giả định đến lau quét pháp đường, thấy thầy Tri khách, thầy Điện chủ, thầy Hương đăng… toàn là những vị chức sự đều ngồi ở pháp đường nói chuyện không đâu. Nhất là thầy Tri khách lại ngồi trên bảo tòa của Thiền sư Phật Quang mà thị giả đã nhiều ngày bất bình, thực tình nhịn hết nổi, bất giác hỏi:

- Các vị pháp sư chức sự, các vị biết đây là chỗ nào không?

Thầy tri khách đáp: - Pháp đường.

Thị giả lại hỏi: - Pháp đường dùng làm gì?

Thầy Điện chủ đáp:

- Là chỗ Thiền Sư Phật Quang khai thị thuyết pháp và tiếp tâm cho học Tăng, ai mà chẳng biết?

Thị giả  không vui hỏi:

- Nếu như thế, tại sao các thầy ở đây tán tâm nói nhảm không chút cung kính, còn ngồi trên bảo tòa của Thiền Sư?

Những vị pháp sư chức sự không hẹn đồng đáp:

- Nhưng Thiền sư không có nhà mà!

Thị giả buộc miệng nói:

- Thiền sư đã không có ở nhà, vậy thì các thầy thay mặt Thiền sư làm trụ trì,  trước hết mời các thầy khai thị tiếp tâm cho tôi!

Đại chúng không biết đáp như thế nào?”.

Đây là một mẩu chuyện thiền, nói về biểu tính của pháp tòa. Pháp tòa của Thiền sư tiêu biểu cho quyền uy Phật pháp, là chỗ trung tâm khai thị người học. Do đó, tôn kính Thiền sư là tôn kính bảo tòa. Vì sao? Vì bảo tòa còn là biểu tướng của đạo tràng. Cho nên người học đạo, phải chín chắn xem xét lại hành động của chính mình. Dù có mặt Thiền sư hay không có mặt, ta vẫn tôn kính vào năng lực tiềm ẩn nơi pháp tòa. Nơi đây có thể sản sinh ra bậc pháp khí, vĩnh trấn Tông phong, nên trước khi vào pháp đường ta phải cung kính chánh niệm thu thúc sáu căn, để tiếp thu biển năng lực vô hình của đạo tràng. Huống nữa nói chuyện  không đâu! Làm mất đi sự tiềm ẩn Phật tâm nơi chính mình.

Nên trong Kinh Duy Ma nói:

“Trực tâm là đạo tràng, vì không hư dối; phát hạnh là đạo tràng, làm xong các việc; thâm tâm là đạo tràng, vì không sai lầm; bố thí là đạo tràng, không mong phước báu; trì giới là đạo tràng, được nguyện đầy đủ; nhẫn nhục là đạo tràng, đối chúng sanh tâm không chướng ngại; tinh tấn là đạo tràng, không biếng trễ; thiền định là đạo tràng, tâm điều nhu; trí huệ là đạo tràng, thấy rõ các pháp…”

Như vậy, thiện nam tử! nếu Bồ tát đúng theo các pháp Ba la mật mà giáo hóa chúng sanh, thời bao nhiêu việc làm, hoặc nhất cử nhất động, phải biết đều là nơi đạo tràng mà ra. Ở nơi Phật pháp vậy.

Như vậy, đạo tràng ở đây chính là tâm Phật, một niệm mê tức là Lục đạo, một niệm giác tức là đạo tràng. Cho nên nói đến tinh thần của thiền, là nói đến năng lực của tự tâm, trong bốn oai nghi nếu chúng ta tỉnh giác, hành động đúng với tinh thần Thánh pháp, ấy là đạo tràng, ấy là Tịnh Độ. Vì sao? Vì khi ta làm tất cả việc, mà ta không dính mắc vào tất cả việc. Đây chính là tinh thần vô trụ của Bát nhã. Nên nói:

Tánh Bát nhã vắng lặng

Vô trụ cũng vô xả

Nếu ai thấu lý ấy

Chúng sanh cùng Phật đồng.

Song muốn thấu tột được lý này, thì khi bước vào đạo tràng ta thầm tụng:

Nhược đắc kiến Phật

Đương nguyện chúng sanh

Đắc vô ngại nhãn

Kiến nhất thiết Phật

Án, a mật lật đế hồng phấn tra.

Nghĩa:

Được nhìn thấy Phật

Đương nguyện chúng sanh

Được mắt vô ngại

Thấy tất cả Phật

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 18. Bài này nói đến tinh thần đạo tràng ngay nơi tự thân của hành giả. Ở đây chúng ta thấy ý nghĩa toát yếu của bài kệ là: “Được nhìn thấy Phật”. Làm sao được nhìn thấy Phật?

Kinh Duy Ma Cật, phẩm kiến Phật A Súc nói:

“Bấy giờ Thế Tôn hỏi ông Duy Ma Cật rằng:

- Ông muốn thấy Như Lai thì lấy gì quan sát?

Ông Duy Ma Cật thưa:

- Như con quán thật tướng của thân, quán Phật cũng thế”.

Đây là nói về ông Duy Ma Cật một bậc Đại Sĩ thị hiện vào chốn khổ đau, để đưa những sinh linh khốn khổ như chúng ta vào cõi giới bất động, mà muốn vào cõi giới này, hành giả phải buông xả mọi ý niệm ngôn từ, dùng trực giác để thẩm thấu mọi sự vật. Do đó, Ngài Duy Ma Cật dùng hình ảnh quán thật tướng. Quán ở đây tức là “Quán chiếu”, nghĩa là phải dùng trí Bát nhã mà chiếu diệu vào nội tâm. Chuyển cái thấy phàm tình bằng chất liệu “Trí Bát nhã”; không sử dụng bằng mắt thường mà thấy Như Lai, phải sử dụng “Trí Bát nhã” mới có cơ hội thấy và tiếp xúc được thể tướng của Như Lai. “Thật tướng của Như Lai” chính là pháp thân chân thật.

Như vậy, muốn thấy Như Lai phải quán. Quán như thấy thật tướng của thân. Vì thật tướng của tự thân không có đến, không đi, không trụ, không có sắc, thọ, trưởng, hành, thức… Không phải bờ bên này, không phải bờ bên kia… Chẳng tịnh chẳng uế. Chẳng tham chẳng thí… Không ra không vào… Mà “Thật tướng” đó chính là “Vô tướng” vậy!

Nên biết, tất cả mỗi loài chúng sanh ai ai cũng có “Thật tướng” cũng như Phật. Song do niệm vọng động bất giác, mà ta lang thang khắp chốn uế đồ, bởi do ta quán không tột vào tính chất “Vô tướng” đó! Song dù chúng ta có trải qua hằng sa kiếp lưu đày mà “Thật tướng” đó chưa từng thiếu vắng. Nên nói:

Thủy lưu tâm bất cánh

Vân tại ý câu trì.

Nghĩa:

Nước chảy tâm chẳng động

Mây ngưng ý lặng dừng.

Là người tu Phật, mình được an vui, lại muốn tất cả mọi người đều an vui như mình. Do đó phát nguyện cho tất cả loài hàm thức:

Được mắt vô ngại

Thấy tất cả Phật.

Đây là nóI về bài kệ Tỳ Ni. Ở đây nói làm sao được mắt vô ngại, thấy tất cả muôn pháp đều là thể chân thật? Đây chính là con mắt Bát nhã vậy! Sở dĩ chúng ta không thấy được Phật, vì chúng ta mở mắt ra thì thấy nào là: thương, ghét, phải quấy, ta người… Do đó tánh thấy chúng ta bị hạn cuộc. Song ý niệm muốn an trụ vào Phật địa, thì càng cách xa Phật đạo, vì Phật là biểu tướng của tự tâm giác ngộ, tâm là đầu mối của Phật đạo mà cũng chính là đầu mối của luân hồi.

Nên trong Kinh Lăng Nghiêm nói:

“Chơn tâm và vọng tâm”.

Song xét cho tột lý: chơn tâm không thật tánh, do vọng đối lập nhau mà hiển bày chánh lý. Từ nhất chơn pháp giới mà vọng thấy có tối và sáng, nơi cửa vô sanh mà vọng thấy có năng và sở. Sáu căn không đồng nguồn vì do duyên động và tịnh, năm ấm buộc ràng là do vọng chấp có thật, mắt không thể thấu lý là do sắc trần ngăn ngại, tai không thể thấu cơ, là do thinh trần ngăn cách… nên phải chịu trầm luân trong khổ hải.

Bởi vậy, suốt ngày ở trong Phổ Quang Minh Trí của Như Lai, mà vọng thấy buộc ràng. An trụ nơi Niết Bàn vắng lặng mà không hề hay biết, hằng ngày tiếp xúc cảnh đâu rời Phật tâm, mà không hề tỏ ngộ. Nên sanh tử tiếp nối không dừng. Song sự tiếp nối sanh tử này, đầu mối là tâm “vọng”. Song “Tâm” vốn chẳng vọng, nhơn vì sắc che đậy. Thấy sắc thì tâm dao động, nghe tiếng thì tâm phan duyên. Đồng là một “Tâm” mà chia ra phàm và Thánh. Phàm thì đối cảnh sanh tâm, nên không mở được mắt Bát nhã, thấu suốt nơi nơi là Phật. Thánh thì đối cảnh xoay về, nên nơi nơi đều là Phật đạo. Lại tâm ta ma thì thấy toàn cảnh ma, tâm ta Phật thì nơi nơi đều cảnh Phật.

Như câu chuyện Ngài Phật Ấn và Tô Đông Pha:

“Đời Tống, Tô Đông Pha đến chùa Kim Sơn tọa thiền, luận đạo với Thiền sư Phật Ấn. Tô Đông Pha cảm thấy thân tâm thông suốt, do đó hỏi Thiền sư:

- Thiền sư! Ngài nhìn tôi ngồi giống cái gì?

- Rất trang nghiêm, giống một ông Phật.

Tô Đông Pha nghe xong vô cùng phấn khởi. Kế đó, Thiền sư Phật Ấn hỏi Tô Đông Pha:

- Học sĩ! Ông nhìn tư thế của tôi ngồi giống cái gì?

Tô Đông Pha từ trước đến giờ không bỏ qua cơ hội nào đùa giỡn với Thiền sư, lập tức đáp:

- Giống một đống phân bò!

Thiền sư Phật Ấn nghe xong cũng rất khoan khoái.

Thiền sư Phật Ấn bị Tô Đông Pha ví mình là phân bò cho nên không trả lời trả vốn gì cả. Còn Tô Đông Pha cho mình thắng Thiền sư Phật Ấn, do đó gặp người liền nói: “Hôm nay tôi thắng Thiền sư Phật Ấn rồi!”.

Tin này vang đến tai cô em gái của ông là Tô Tiểu Muội, cô em hỏi:

- Anh ơi! Nghe nói anh thắng Thiền sư Phật Ấn, vậy anh thắng Thiền sư thế nào?

Tô Đông Pha mặt mày hớn hở, thần thái phơi phới kể lại. Tô Tiểu Muội thiên tư hơn người, tài hoa xuất chúng. Cô nghe Tô Đông Pha kể lại xong, nghiêm nét mặt nói:

- Anh ơi! Anh thua rồi! Tâm của Thiền sư như tâm Phật, còn tâm anh như phân bò cho nên nhìn Thiền sư giống như phân bò!

Tô Đông Pha nghẹn lời,  mới biết công phu tu thiền của mình không bằng Thiền sư Phật Ấn”.

Đây là mẩu chuyện thiền nổi tiếng, nói đến tính chất về tâm thức của con người, trong tâm ta chất chứa rất nhiều hạt giống. Có những hạt giống ma mà cũng có những hạt giống Phật. Nếu chúng ta không có chánh niệm, để những hạt giống ganh tỵ, ích kỷ, tật đố… phát sinh thì ta nhìn đâu cũng thấy “Ma cảnh” hết. Ngược lại, nếu ta biết nuôi dưỡng và phát triển những hạt giống từ bi hỷ xả, những chất liệu thương người, bao dung và tha thứ… thì nhìn đâu cũng thấy:

Được mắt vô ngại

Thấy tất cả Phật.

Cho nên, tâm ta thế nào thì nhìn cảnh thế ấy. Thật ra cảnh không có buồn vui, tốt xấu, nhưng do tâm thức ta tác động lên hoàn cảnh mà chiêu cảm nên quả khổ hoặc quả vui. Nếu tâm ta luôn phát huy những phẩm chất những chất liệu tùy hỷ, thương người thì đâu cũng đều là:

Buồn trong cửa biển chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trong ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Cho nên người tu Phật phải biết nuôi dưỡng và phát huy chất liệu sống từ nơi tự thân của mình. Đó là chất liệu: “Thương yêu và hiểu biết”. Khi tâm ta có năng lượng tùy hỷ, tha thứ và bao dung, nó chính là chất liệu sống để chúng ta hòa nhập vào thế giới tâm linh này. Bây giờ ta nhìn đâu cũng có thể thấy Phật, dù cuộc sống có lúc lên và xuống, có lúc vinh và nhục…

Do đó Tổ Nam Nhạc Hoài Nhượng nói:

“Đất tâm chứa các giống

Gặp ướt liền nảy mầm

Hoa tam muội không tướng

Nào hoại lại nào thành”.

 

 

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 12695
  • Online: 16