Bài 16: ĐẠI Y (Y lớn)

01/06/2015 | Lượt xem: 3895

Bài 16

ĐẠI Y

(Y lớn)

Đại y: Tiếng Phạn là Tăng Già Lê, dịch là Tạp toái y, vì số điều của nó dài nhất. Hoặc dịch là Trùng hợp y, vì cắt dọc mà nay lại may chồng lên. Hoặc dịch là Nhập vương cung tụ lạc thời y, vì lúc vào cung vua hoặc tụ lạc để khất thực, thuyết pháp phải mặc y này. Trong ba y, y này lớn nhất, nên gọi Đại y. Có ba phẩm thượng, trung, hạ:

 

1. Hạ phẩm: Hạ phẩm hạ 9 điều, hạ phẩm trung 11 điều, hạ phẩm thượng 13 điều, mỗi điều đều hai dài một ngắn.

2. Trung phẩm: Trung phẩm hạ 15 điều, trung phẩm trung 17 điều, trung phẩm thượng 19 điều, mỗi điều đều ba dài một ngắn.

3. Thượng phẩm: Thượng phẩm hạ 21 điều, thượng phẩm trung 23 điều, thượng phẩm thượng 25 điều, mỗi điều đều bốn dài một ngắn.

Kinh Phật Tạng nói:

“Chẳng nghĩ đến y phục thức ăn, đồ nằm, thuốc men, chỉ siêng năng hành Phật đạo, chớ quý tài lợi cúng dường của thế gian hơn một trong trăm nghìn ức phần tướng bạch hào cúng dường cho đệ tử Phật… Này Xá Lợi Phất! Nếu Tỷ kheo mặc nạp y, ở trong bãi rác nhặt vải vụn thì sanh tâm này. Dùng cái này để ngăn lạnh và tu Thánh đạo, ta nay lấy vải vụn này để may y Tăng Già Lê mặc, cần hành tinh tấn. Nếu còn tâm niệm phàm phu dù chỉ một đêm cũng không nên mặc y này”.

Đây là nói về Đại y, tức là y lớn, còn gọi là y Nhập tụ lạc khất thực, hàng phục ngoại đạo… Song điều đáng lưu ý ở y này là còn tâm niệm phàm phu dù chỉ trong một đêm cũng không nên mặc y này. Vì sao? Vì Đức Phật thương xót thị hiện ra đời, cốt nhằm chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật, y này là tiêu biểu cho Phật đạo, là hành thâm Bát nhã. Cho nên mặc y này chúng ta phải luôn luôn ôm ấp chí cầu thoát ly sanh tử, buông xả tâm niệm tài lợi ở thế gian, vì những thứ tài lợi này, thường làm che mờ tự tánh Bát nhã.

Nên trong Thiền Lâm Bảo Huấn có ghi:

“Đời nhà Tống, Hòa Thượng Đại Giác Liên đến chùa Dục Vương, nhân có hai ông Tăng tranh giành thí lợi. Người thí chủ can ngăn không được, Ngài Đại Giác đến quở trách rằng:

- Xưa ông Bao Công làm quan ở đất Khai Phong, lúc đó có người dân tự đem 200 lượng vàng trắng gởi cho ta, sau đó người ấy mất. Ta đem trả lại cho gia đình ông, nhưng người con ông không nhận. Ta nhớ Ngài Bao Công đem trả lại dùm, Bao Công khen việc lạ, liền nói với người con ông, nhưng cuối cùng con ông cũng từ chối mà nói rằng: Cha tôi khi còn sống ông không có vàng đâu mà gởi cho người khác. Hai người cố nhường nhau hồi lâu, bất đắc dĩ Ngài Bao Công mới gởi vào các Tự Quán trong thành, đem công đức này hồi hướng cho người quá cố.

Chính mắt tôi trong thấy việc này. Vả lại, Người ở trong trần lao còn xem thường tài vật mà mến mộ đạo nghĩa như thế. Các ông là đệ tử Phật mà chẳng biết liêm sĩ!

Bèn y theo phép trong Tùng lâm mà đuổi đi”.

Đây là câu chuyện ngắn giữa đời thường, một câu chuyện mang tính nhân bản, nhằm nhắc nhở người học đạo mến mộ đạo nghĩa, xem thường tài lợi ở thế gian, mà tấn tu đạo nghiệp. Thật vậy, một khi tâm niệm ta hướng về tài lợi nhiều, chắc chắn là xao lãng việc tu đạo. Vì thế, người xưa thường chỉ dạy cho chúng ta thấy rõ, tài lợi, sắc dục…là cạm bẫy đưa người tu đạo sa đọa vào chốn tam đồ.

Do đó, người học đạo phải luôn luôn phản quan lại chính mình, hòng buông xả những tâm niệm xấu ác, song muốn buông xả những tâm niệm xấu ác này, ta phải luôn luôn tâm niệm:

Thiện tai giải thoát phục

Vô thượng phước điền y

Phụng trì Như Lai mạng

Quảng độ chư chúng sanh

Án, ma ha ca bà, ba tra tất đế sa ha (Tam biến)

Nghĩa:

Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vô thượng

Vâng giữ Như Lai mạng

Độ chúng sanh rộng khắp.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 16. Bài này nói đến tinh thần hướng thượng, rộng độ khắp chúng sanh. Thật vậy, người tu Phật chỉ có hai điều ghi nhớ:

  1. Xa thì nối chí hướng Phật Tổ
  2. Gần thì độ khắp loài hữu tình.

Song ở đây chúng ta đừng nghĩ rằng: phải lên tòa cao mới là độ thoát chúng sanh, mà trong từng hành động của chính mình điều kiện tiên quyết là đừng  phá kiến chúng sanh, oai nghi mô phạm phải đầy đủ… Đây chính là tiêu biểu của pháp tướng Phật Tổ, là cương lĩnh pháp yếu trên con đường giải thoát. Do đó người tu đạo phải luôn luôn kính pháp y như kính Phật, như người nghèo gặp của báu, như người mù gặp lương y, chữa trị sáng mắt. Cho nên người tu đạo bước đầu phải gieo nhân cho chân chính, thì mới có thể:

Vâng giữ mạng Như Lai

Độ chúng sanh rộng khắp.

Nên trong Pháp Uyển Châu Lâm nói:

“Cà sa là áo ruộng phước, kính như tháp Phật, nê hoàn tăng là áo lót mình, trọng như pháp. Áo có tên là tiêu gầy, mặc thì hay tiêu gầy phiền não; giáp có tên là nhẫn nhục, mặc thì hay hàng phục chúng ma, cũng dụ là hoa sen, không bị bùn dơ nhiễm; cũng gọi là tràng tướng; không bị bọn tà khuynh đảo; cũng gọi là tướng điều văn,  không làm cho người thấy sanh niệm ác; cũng gọi là áo cứu rộng khỏi bị chim cánh vàng ăn thịt; cũng gọi là áo hàng tà; vì không bị ngoại đạo phá hoại; cũng gọi là sắc bất chính, vì không nhiễm thói quen tham lam; bởi vì Kinh giáo có phân biệt trong ngoài, người có đạo tục khác nhau. Người tại gia thì dựa vào ngoại giáo, mặc pháp phục của tiên vương, thuận theo pháp ngôn của tiên đế, trên có lễ thờ vua, kính cha mẹ, dưới có sự khác nhau giữa vợ con, quan lại, người vinh hiển. Đây là dấu hiệu cung hiếu, lý hiệp với luật nho. Người xuất gia thì dựa vào nội giáo, mặc pháp phục của chư Phật, hành các pháp của chư Phật, trên bỏ nghĩa nặng ái kính đối với cha mẹ và vua, dưới cắt đứt sự ham thích vợ con quan chức hiển vinh; lấy việc lành lễ tụng tự giúp cha mẹ, lấy phước hành đạo để báo trọng ân của đất nước. Đã cho rằng không lấy sự hủy hoại hình sắc và ăn mặc thay đổi làm lỗi, thì há nên trách về lễ kính cha mẹ và đạo thờ vua? Cho nên giờ cạo tóc, thiên ma nghe mà từ xa đã sợ; ngay mặc y, Đế Thích thoáng thấy mà đã vui mừng. Như người kỷ nữ được cứu vớt ra khỏi cảnh sa đọa, như người say bỗng tỉnh, duyên ác liền buông. Rồng nương nhờ mà hết sợ, voi chúa thấy mà khiếp dừng, nên biết ba lần lãnh thọ pháp y, che thân sử dụng tằn tiện, ba loại hoại sắc hàng phục ái tình của ta. Đã mô phỏng theo ruộng lúa, tự thành đức ứng cúng, xa đồng Phật trước, tuân theo đạo hòa kính, xuất trần trái tục như thế không đáng quý sao?”

Như vậy, y pháp cà sa là biểu tướng của mười phương chư Phật, là lộ trình tu đạo của hàng Thanh Văn – Bồ Tát, là cửa ngõ cực tắt để tác thành Phật đạo. Do đó, hành giả khi mặc y này, kính như tháp Phật, hành giả khi mặc y này trọng như Pháp Phật. Vì sao? Vì y này có công năng chuyển hóa tham – sân – si thành giới – định – huệ. Từ con người phàm phu nhờ năng lực y cà sa này mà bước vào Thánh vị, nhờ năng lực y cà sa này mà chúng ma khiếp sợ, trời người quy kính.

Cho nên hành giả khi phát nguyện đắp y cà sa này, phải luôn luôn phấn phát trên con đương tìm cầu Thánh pháp. Chớ không ngày tháng trôi suông, mạng người chóng thoát vô thường. Sanh, già, bệnh, chết là nỗi ám ảnh của kiếp người, đâu nỡ trôi suông an nhàn không việc, lỡ mai mất thân người, cà sa làm sao có! Do đó, vua Thuận Trị cảm thán về điểm này ông nói:

Cơm tòng lâm khắp trong thiên hạ

Vốn cao dày bằng cả núi non

Đến đâu bát chẳng đầy vun

Mặc tình người cứ việc ăn thỏa lòng

Dẫu vàng ngọc vẫn còn chưa báu

Chỉ có là tâm áo cà sa

Khoác lên người đã xuất gia

Vào hàng tăng chúng quả là khó khăn.

Thật vậy, duyên xưa nhiều kiếp, túc trái oan gia xả bỏ, nên ngày nay mới vinh hạnh dự vào dòng Thánh, đắp y cà sa của Phật Tổ. Trên thì báo đáp thâm ân của chư Phật, dưới thì rộng độ kẻ có duyên. Há không vui sao? Nếu được như thế thì chúng ta phải luôn luôn tâm niệm:

Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vô thượng

Vâng giữ mạng Như Lai

Độ chúng sanh rộng khắp.

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 17296
  • Online: 8