Bài 15: THẤT Y (Y bảy điều)

03/06/2015 | Lượt xem: 4541

Bài 15

THẤT Y

(Y bảy điều)

 

Thất y: Tiếng Phạn là Uất đa la tăng, dịch là nhập chúng y, hoặc dịch thượng y, trung giá y… là y cắt dọc theo mẫu hai bức dài, một bức ngắn. Nói nhập chúng y là lúc đại chúng hội họp để lễ bái tụng Kinh, trai hội… Phải mặc y này, tức theo công dụng mà có tên.

 

Kinh Giới Đàn Đồ nói:

“Y trung bảy điều có công năng dứt sự sân giận phát ra nơi miệng”

Đây nói về sự công năng của y bảy điều. Một khi hành giả đắp y bảy điều này vào người, là dứt tâm sân giận phát ra từ nơi miệng. Thật vậy! Một người dù cho có thô lỗ đến đâu, cũng không dám khởi niệm tạo tác. Do đó năng lực của phước điền y thật không thể nghĩ bàn, chỉ khi nào chúng ta hành trì Phật đạo, thì chúng ta mới thẩm thấu được lý này. Cho nên trong lưc đắp y bảy điều ta thầm đọc tụng:

Thiên tai giải thoát phục

Vô thượng phước điền y

Ngã kim đãnh đới thọ

Thế thế thường đắc phi

Án, độ ba độ sa ha (Tam biến)

Nghĩa:

Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vô thượng

Nay tôi đầu đội nhận

Đời đời thường được mặc

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ Ni thứ 15.  Bài này nói đến tinh thần giáo pháp cao thâm của Đức Phật. Một người sau khi thọ nhận giới pháp của Phật, thân mặc cà sa là tiêu biểu cho Phật pháp còn hiện hữu ở đời, chúng sanh một khi thấy biểu tượng của cà sa, đều tỏ lòng quy phục.

Cho nên trong Kinh Hải Long Vương nói:

“Bấy giờ có Long Vương bạch Đức Thế Tôn:

- Ở trong biển này có vô số loài rồng, có bốn con chim cánh vàng thường ăn thịt rồng và vợ con rồng, xin Phật ủng hộ để thường được an ổn lúc đó.

     Thế Tôn cởi áo trong ra bảo vua Hải Long Vương rằng:

- Người cầm áo này phân phát cho tất cả các loài rồng, nơi nào nhờ có một sợi chỉ này, vua chim cánh vàng không thể xúc chạm, người trì cấm giới, sở nguyện ắt thành.

Bấy giờ các loại rồng đều lo lắng kinh sợ, đều nghĩ thầm: áo của Phật nhỏ xíu làm sao phân chia khắp hết các loài rồng trong biển lớn?

Phật biết chỗ nghi của rồng, bảo vua rồng rằng:

- Giả sử nhân dân của 3000 đại thiên thế giới, đều chia áo của Như Lai trọn không thể hết.

Từ khi rồng được áo, về sau không bị chim cánh vàng hại nữa”.

Ở đây nói đến năng lực vô biên về y cà sa của Phật, người học Phật chúng ta phải hiểu cho rõ: Giáo pháp của Phật thường sự lý viên dung, sự là nói về công năng bất khả tư nghì cà sa của Phật; lý là nói lên lòng từ của Đức Phật vô hạn. Một khi tâm từ có mặt, thì ác tâm vắng bóng, một khi tâm từ sung mãn, thì thiện pháp tăng trưởng, do đó người  học Phật hàng ngày chỉ cần tâm từ có mặt, không tật đố, ích kỷ, san tham… Thì thử hỏi tìm đạo ở nơi nào? Chính trong giờ phút thực tại này, trong cái khoảnh khắc vô biên tối hậu, vượt thoát không gian và thời gian, thì lúc ấy ta mới cảm nhận ra được đạo lý sâu mầu của Phật Đà, và thầm tưởng niệm:

Nay tôi đầu đội nhận

Đời đời thường được mặc.

Qua hai câu kệ này tuy ngắn, mà mà nói lên sự toát yếu đạo lý của Đức Phật.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã nói:

“Thân người rất khó được như rùa mù tìm bọng cây”.

Ngày nay ta được làm thân người, sáu căn đầy đủ, được phúc duyên mang hình tướng Sa môn, đắp y cà sa của Phật. Đây chẳng phải do túc duyên là gì? Nên ta hằng phát nguyện: “Đời đời thường được mặc”. Mà muốn đời đời thường được mặc, ta phải luôn luôn thu thúc sáu căn, đoạn hẳn tình niệm, xa lìa thế tục… Chớ không thì một  khi mất thân cà sa, muôn kiếp khó được gặp! Đây chẳng phải là việc oan uổng lắm sao.

Nên Pháp chủ Xứng Cao Tăng đời Lương mới có lời dạy chúng:

“Dưới tấm áo cà sa mà để mất thân người thì thực là khổ. Trong ngục A tỳ phải chịu dị báo, thì có thể  nói là kém cỏi”.

Như câu chuyện Đề Điểm Huệ Châu chẳng hạn:

“Đề Điểm Huệ Châu ở Kính Sơn, là đệ tử của Ngài Hổ Nham. Ông rất thông minh, có tài làm việc, nắm giữ mọi việc của thường trụ có hơn 30 năm, tất cả vàng thóc mặc tình phung phí. Có người đem lý nhân quả nhắc nhở cho ông, ông liền đáp:

Trọn năm mang sừng, Châu này mang nhiều lắm là một cặp.

Năm đầu niên hiệu Chí Chánh, Cao Nạp Lân lãnh thi hành việc Tuyên Chánh Viện. Thân thuộc của Châu là Tịnh Khai, bày đủ cáo trạng tố cáo ông. Nên ông bị kết tội phạt gậy và đuổi về thế tục. Sau đó, ông ở ẩn nơi Hóa Thành Viện, bị bệnh tê bại, tay chân co quắp như con nhím, hai tay nắm lại chịu vào hai bên má, hai chân rút lại nơi xương cùng. Người xem bệnh muốn kéo duỗi ra, nhưng ông không chịu nổi. Ngày đêm chỉ nghe tiếng xèn xẹt, qua ba năm như thế mới chết”.

Huệ Châu trước kia dùng tâm thô thiển mà làm việc, khinh thường nhân quả, mới nói: “Trọn năm mang sừng chỉ mang một cặp”. Tôi cho rằng: Trong quả báo ở tam đồ, năm tháng lâu dài, một cặp này hết rồi đến một cặp khác, đến vô lượng kiếp; mang một cặp sừng này, đâu chỉ mang một năm mà thôi. Phàm là người trông coi vàng thóc của thường trụ, phải nên lấy gương Huệ Châu mà soi lại mình.

Như vậy chúng ta thấy rõ, ta được làm thân người, được phúc duyên mang hình tướng của Sa môn, được vinh hạnh đắp y cà sa của Phật, lẽ nào ta không tự gẫm lại? Phản tỉnh luôn luôn, hòng để phấn phát trên con đường giác ngộ và giải thoát cho mình và người. Có như thế ta mới không cô phụ lại chí hướng ban đầu của chính mình là:

Lành thay áo giải thoát

Áo ruộng phước vô thượng

Nay tôi đầu đội nhận

Đời đời thường được mặc.

 

 

 

 

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 33293
  • Online: 13