Bài 10:KHỬ UẾ - Khử dơ

12/06/2015 | Lượt xem: 5122

Bài  10

KHỬ UẾ

(Khử dơ)

Đây là bài thứ mười nói về pháp hành Tỳ Ni. Bài này nói đến tinh thần khử đồ dơ bẩn khi chúng ta đại tiện. Sở dĩ chư Phật, chư Tổ đồng dạy cho chúng về phép tắc oai nghi là biểu tướng cho thân tâm tròn đủ, trong ngoài thanh tịnh. Giả sử một người mà bên ngoài sạch sẽ, còn bên trong thì ôm ấp tật đố, ích kỷ, xan tham… thì thử hỏi làm sao chứng nhập tâm cơ của Phật Tổ? Còn một người bên ngoài không sạch sẽ, mà bên trong vắng bóng tham, sân, si thì cũng được gọi là: “Nguyên soái của chánh pháp”.

 

Trong sách Tỳ Ni Nại Da Tạp Sự nói:

“Tôn giả Xá Lợi Phất là bậc Đại A la hán, cơ trí mẫn tiệp mà Tôn giả luôn luôn trong ngoài đều thanh tịnh. Đây mới đáng gọi là thầy của trời người”.

Nên trong Chứng Đạo Ca Thiền Sư Huyền Giác nói:

Hãy vứt trong lòng manh áo bẩn

Xá gì tinh tiến hướng ngoài khoe?

Do đó trong sách Quy Truyện nói:

“Phật chế định chung cho Tỳ kheo, tu thì phụng luật sinh phước, không làm thì trái điều giáo huấn mắc tội. Việc này thì ở Đông Hạ không truyền, nó xuất hiện nên chú trọng vậy! Giả sử có dạy bảo bèn sinh tâm hiềm ghét, liền nói Đại thừa thông suốt rỗng không, có gì là sạch, gì là dơ. Trong bụng hằng đầy, ngoài rửa ích chi? Đâu biết nói thế là khinh khi khuôn phép dạy bảo, dối trá Thánh tâm, nhận lễ và lễ người đều mắc tội lỗi, mặc áo ăn cơm thiên thần đều không bằng lòng. Nếu không tẩy tịnh thì năm trước ở Thiên Trúc đều chê cười; đến đâu cũng đều bị chỉ trích. Vì vậy người nối tiếp công việc hoằng hóa, đã chán tục ly trần, bỏ nhà đi đến không nhà, thì phải ân cần thực hành lời Phật, sao lại nói luật là hẹp hòi cứng nhắc?! Như không tin thì y đây rửa sạch, khoảng 5 – 6 ngày, sẽ biết lỗi của việc không rửa sạch”.

Đây là nói lên tinh thần từ khước những chất ô nhiễm nơi thân tâm, mà không từ khước cuộc sống thực tại. Thiền là như thế ấy! Khi chúng ta cảm thấy bực bội nơi tâm chính là những chất cặn bã tham ái xuất hiện, chúng vốn vô hình không có tự thể. Song chúng ta nếu không biết cách chuyển hóa, thì nó có tác hại đến ta rất lớn. Chẳng hạn như: Ta thấy bạn đồng tu với mình có năng lực hơn mình, được mọi người cung kính tán dương, nếu trong giờ phút thực tại này, ta không có chánh niệm, không biết cách chuyển hóa những tâm niệm xấu ác này, ta sanh tâm tật đố, ích kỷ… Đây là con đường đưa đến sự khổ đau trong kiếp hiện tại và mai sau. Do đó khi đại tiểu tiện xong dùng nước rửa sạch ta thầm đọc:

Tẩy địch hình uế

Đương nguyện chúng sanh

Thanh tịnh điều nhu

Tất cánh vô cấu

Án, hạ nẵng mật lật sa ha (Tam biến)

Nghĩa :

Tẩy rửa mình dơ

Cầu cho chúng sanh

Thanh tịnh điều nhu

Rốt ráo không dơ.

Chú thích:

Đây là bài kệ Tỳ ni thứ mười. Bài này nói đến tinh thần siêu thoát của thiền. Vì sao? Vì nói đến thiền là nói đến tâm, nếu tâm không thì chỗ nào dơ sạch? Song người thời nay phần nhiều ngộ trên lý thì nhiều, mà chỗ sở hành rất ít. Do đó, Tổ sư ta mới dùng vô số phương tiện thiện xảo khai thị cho họ ngộ ra tri kiến như thật, nên mới dùng đến phương tiện như thế!

Trong Kinh A Hàm Phật dạy:

Có 21 cấu nhiễm:

  1. Tâm tà kiến dơ
  2. Tâm dục phi pháp dơ
  3. Tâm tham ác dơ
  4. Tâm tà pháp dơ
  5. Tâm tham dơ
  6. Tâm sân dơ
  7. Tâm ngủ nghỉ dơ
  8. Tâm xúi bẩy dơ
  9. Tâm nghi hoặc dơ
  10. Tâm sân ràng buộc dơ
  11. Tâm nội kết không nói ra được dơ
  12. Tâm keo kiết dơ
  13. Tâm tật đố dơ
  14. Tâm lừa dối dơ
  15. Tâm siểm khúc dơ
  16. Tâm vô tàm dơ
  17. Tâm vô quý dơ
  18. Tâm mạn dơ
  19. Tâm đại mạn dơ
  20. Tâm ngạo mạn dơ
  21. Tâm phóng dật dơ

Phần này nói về tâm dơ. Giả sử có một người ngày tắm nhiều lần, mà trong tâm luôn đầy ắp thói hư tật xấu, tham danh, trộm cắp… thì đây gọi là “Tâm dơ”. Hồi Phật còn tại thế, có một thầy tên là Bạt Đa La, mỗi ngày thầy tắm rửa 10 lần. Phật biết được dạy: “Ngoài việc tẩy rửa thân thể, thầy còn phải tẩy rửa những cấu uế trong tâm, gội sạch tham, sân, phiền não”.

Như vậy, trong Kinh A Hàm Phật dạy:

“Tâm tà kiến là dơ bẩn”. Vì sao? Vì tâm này thấy thân thật, hoàn cảnh thật… mà đã thấy thân rồi thì tranh danh đoạt lợi. Ở những nơi tu tập đông người, vật chất phồn thịnh hay xảy ra những tai nạn này. Sở dĩ xảy ra như thế là vì người này tâm ban đầu vào chùa, chẳng phải là thiện tâm xuất gia, mà vì hoàn cảnh nào đó! Do đó bậc mô phạm tu đọa phải gạn lọc để chuyển hóa những tâm dơ bẩn này. Có những người khi mới vào chùa rất dễ thương, song sống ở chùa một thời gian, được thầy Trụ trì giao cho một chức vụ gì. Chẳng như: Tri khách, Thủ bổn…lúc này tâm danh lợi liền xuất hiện. Song chiêm nghiệm lại cho kỹ ta đừng đổ thừa cho hoàn cảnh, mà trong tàng thức của ta đã có những  hạt giống tham danh, tham lợi, tham đủ thứ…

Đây chính là:

Thiên đường có nẻo không người đến

Địa ngục không cửa có khách tìm.

Bởi vậy nói đến thiền là nói đến “Tâm” phải gạn lọc và chuyển hóa tâm thức như thế nào! Phải dùng chất liệu gì để tẩy sạch những chất cặn bã này?

Có câu chuyện Thiền như thế này:

“Ni hiệu là Trí Thông, bà là con gái của quan Long đồ Phạm Tuân sống vào niên hiệu Chính Hòa đời Tống. Ngộ đạo rồi bà cất một cái nhà tắm ở Bảo Ninh, ngoài cửa có treo một tấm biển đề: “Một vật cũng không, rửa cái gì? Mảy trần nếu có từ đâu khởi? Nói lấy một câu tử huyền (khế hợp), mới có thể đồng vào cửa, cổ linh chỉ biết kỳ lưng, khai sĩ đâu từng sáng tâm. Muốn chứng quả ly cấu địa, phải là toàn thân toát mồ hôi. Trọn nói nước hay rửa bụi dơ, đâu biết rằng nước cũng là bụi, dù cho nước và bụi chóng trừ đến đây cũng phải rửa sạch”.

Đây là nói đến tinh thần siêu thoát của nhà thiền. Trong bài kệ Tỳ Ni, Tổ dạy là sau khi đại tiện xong, chúng ta phải tẩy rửa mình dơ. Song bà lại nói: Một vật cũng không, rửa cái gì? Đây là con cháu đích thực của Đại sư Lục Tổ. Khi xưa Tổ ngộ Kinh Kim Cang nói: “Xưa nay không một vật”. Ngày nay bà ngộ ra đạo lý, vốn không thực thể nên nói: “Một vật cũng không, rửa cái gì?” Thân ư? Tâm ư? Nếu nói là thân: thân vốn vô tướng; nếu nói là tâm: tâm vốn vô trụ. Vậy rửa là rửa cái gì? Mảy trần nếu có từ đâu khởi? Xưa nay vốn thanh tịnh chợt dấy niệm sanh ra trần lao sơn hà đại địa. Lỗi tại ai? Chúng sanh điên đảo chấp thân tâm là thật nên mảy trần từ đâu khởi ! Song nói huyền nói diệu cũng là lời nói dư thừa, làm sao ngay đây hành giả thừa đương!

Ta hãy nghe Thiền Sư Hồng Chẩn khai thị:

“Tăng hỏi: - Khi trừ sạch trần thấy Phật thì thế nào?

Sư bảo: - Phật cũng là trần”.

Chúng sanh mắt vốn không bệnh, do duyên trần nên bệnh nhặm. Hư không vốn không sanh ra hoa đốm, do mắt bệnh nên thấy hoa đốm từ hư không sanh. Bệnh hết mắt trong thử hỏi còn chờ hoa đốm sanh từ hư không chăng? Đây là chỗ cương lĩnh pháp tham thiền vậy!

Nên Thiền Sư Triệu Châu nói:

“Chỗ không Phật phải mau chạy qua, chỗ có Phật cũng đừng lưu luyến”.

Đây là nói đến chỗ cùng tột rốt ráo, nếu thấu qua chỗ này, ngày tiêu muôn lượng vàng ròng cũng xong, còn nếu chưa thấu thoát được chỗ này, thì ngày tiêu một giọt nước cũng là nợ đàn na tín thí. Như vậy ngay đây phải làm gì?

Tẩy rửa mình dơ

Nguyện cho chúng sanh

Thanh tịnh nhu hòa

Rốt ráo không dơ.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 13892
  • Online: 17